Số lần đọc/download: 4166 / 80
Cập nhật: 2014-12-04 03:10:38 +0700
Bọn 9X
G
ần đây tôi nghe nhiều người phàn nàn về thế hệ 9X. Bọn 9X kinh, bọn 9X khùng, bọn 9X đú đa đú đởn, vớ va vớ vẩn, lừ đà lừ đừ như ông Từ vào quán Playstation 3. Tóm lại bọn 9X rất “bọn”.
Lúc tôi bắt đầu hòa nhập vào làng giải trí Việt Nam (cách đây chỉ có vài năm), internet là sân chơi riêng của 8X. Blog được gọi là không gian độc quyền của các bạn 8X, chưa kể đến những website, forum, shop, portal, góc chia sẻ - tất cả đều của 8X hết. Khi đó 9X chỉ là cụm từ nêu ra để gây cười, giống “OX” bây giờ.
Nhưng chỉ vài năm sau, 8X đã thành cụm từ của hôm qua. Muốn hay không, các anh chị 8X đã phải nhường lại sân chơi ảo cho các em 9X trẻ trung và xinh tươi hơn. Trước đây 8X là những “bố già in-tờ-nét”, còn bây giờ họ là người bố thật, là người già thật, in tờ thì nhiều, mực không còn nét. Bây giờ nhắc đến 8X, người ta nghĩ đến công việc nhiều hơn giải trí. 8X là thế hệ năng động (ở đâu xuất hiện chữ 8X, ở đó xuất hiện tính từ “năng động”) đã và đang xâ dựng nền kinh tế phát triển. Vần vân và mừng mừng
Có một thời gian báo online nhắc cả hai cho chắc “Quán rất hợp với 8X, 9X!” Nhưng thời gian ấy đã qua. Giờ quán chỉ hợp với 9X.
Các em 9X. Chỉ trẻ hơn các anh chị 8X mấy tuổi mà đã xây dựng một hình ảnh riêng trên - và ngoài - mạng.
Một người bạn của tôi từng nói vui: “7X thì không biết, không làm. 8X thì biết nhưng không làm. Còn đến với các em 9X là vừa biết vừa làm, vừa làm lại lần nữa cho biết!”. Đôi khi tôi cũng nhiệt tình tham gia các trò chơi chê cười 9X do các bạn 7X và 8X tổ chức. Bạn tôi bảo 9X điên, tôi bảo 9X hâm. Bạn tôi bảo 9X hư, tôi bảo 9X hỏng, cứ như thế đến hết một buổi chiều Chủ nhật.
Nhưng sáng thứ Hai tôi lại thấy... quý quý.
Thứ nhất, các em 9X biết tiếp cận với thế giới bên ngoài. Điều đó không có nghĩa là các em bị “Tây hóa” hay bỏ qua thế giới bên trong. Đặc điểm tôi muốn nhắc ở đây là khả năng tiếp cận với văn hóa quốc tế, là cách đối xử chung của tất cả các văn hóa có mặt trên sân hội nhập, không phân biệt Tây, Đông, Bắc, Nam hay Nữ. Singapore gặp Slovakia, Nhật gặp Na Uy - ở đâu có người từ xứ sở xa nhau gặp nhau, ở đó có văn hóa quốc tế.
Mặc dù khó xác định nét đặc trưng nhưng đó là văn hóa có thật. Có phần thái độ, có phần trình độ, thêm phần đại độ và đức độ cho đặc. Công bằng mà nói, nhiều người Việt thuộc các thế hệ trên rất biết tiếp cận với văn hóa quốc tế.
Thứ hai, các em nói lịch sự. “9X mà nói lịch sự?”, tôi đang nghe nhiều người kêu. Nhưng bỏ qua số ít các em đại diện cho bên bậy thì kinh nghiệm của tôi là vậy. Ở Việt Nam, tôi rất sợ mấy vụ tai nạn giao thông nhỏ, mấy vụ đâm nhau không đáng kể nhưng cuối cùng phải kể nhiều chuyện lắm. Tôi sợ bị chửi, bị lừa, bị mất thời gian xem phim Chí Phèo không phụ đề. Nhưng với các em 9X, tôi đỡ sợ hơn. Theo kinh nghiệm của tôi, ngoài vài em tóc vàng, jean bó, thì các em sẽ thỏa thuận với mình một cách văn minh, nhẹ nhàng
- Ai cần nói gì thì nói, đổi số điện thoại, lên xe đi tiếp. Kể cả mấy em tóc vàng, jean bó, cũng không có gì quái quá. Bọn 9X chửi bậy, đua xe, đánh nhau và làm hỏng các lễ hội thực vật của thành phố - tôi nghe kể nhiều, gặp ít.
Thứ ba, các em biết đánh giá. Tôi thấy văn hóa bằng cấp của Việt Nam đang xuống cấp. Tiếp tục phân tích, đó là sự xuống cấp sẽ đưa Việt Nam đi lên. Mà phải cảm ơn 9X. Tất nhiên các em vẫn cố gắng học giỏi để có điểm cao; nhưng với họ, tờ giấy kỳ diệu mang tên “bằng” (nhất là bằng khen) có vẻ không sáng sủa lắm. May quá! Việt Nam hiện đang có quá nhiều thứ tồn tại trên giấy tờ, từ sự phát triển thị trường bất động sản đến độ an toàn thực phẩm - một điếu thuốc đánh rơi là đốt cháy hết.
Thứ tư, gu thẩm mỹ của các em rất tốt. Gu thẩm mỹ, trong bất cứ lĩnh vực nào, không phải điều tự nhiên mà có. Đó là kết quả của nhiều năm tìm hiểu và làm thử, biết vì sao một kiểu thiết kế nhìn đẹp, một kiểu nhìn xấu - rồi biết làm sao để kiểu nhìn xấu trở thành kiểu nhìn đẹp năm tới. Thiết kế quần áo, sửa lại quán trà, kể cả việc chụp hình hotgirl, hotboy cũng là một kỹ năng gồm nhiều yếu tố phức tạp không phải ai cũng làm được.
Thứ năm, các em biết nói đùa. Ở Việt Nam, nhận xét về văn hóa là việc rủi ro. Không phải do môi trường pháp luật hay quá trình kiểm duyệt — hai điều đó có nhiều chuyện để nói nhưng điều tôi sợ nhất không phải cái bút của người kiểm duyệt mà cái miệng của người đọc. Lòng tự ái. Nhiều người khó phân biệt thế nào là bài nói vui (châm biếm, chơi văn), thế nào là bài nghiêm túc nói lên đúng quan điểm của tác giả.
Với họ, kịch hài nào cũng phải có chữ “Cười” trong tên, tin nhắn trêu ghẹo nào cũng phải có mặt cười, bài viết châm biếm nào cũng phải có bức tranh biếm họa. Không thì nhầm. Nhầm thì giận. Người của công chúng nào cũng đều hiểu về sự rủi ro xuất phát từ lòng tự ái của khán giả, độc giả, thính giả hoặc bất cứ giả nào khác là giả của Việt Nam.
“Tôi viết truyện một con chó mực. Tôi thề rằng: quả thật đó chỉ là truyện một con chó mực. Nhưng truyện vừa in ra thì tôi gặp một thằng say. Hắn trợn mắt lên. Mặt hắn đỏ ngầu ngầu. Hắn lè nhè hỏi tôi: Sao lại bảo hắn là con chó. Rồi hắn chửi cho tôi một mẻ vuốt mặt không kịp.
Tôi ức quá. Nhưng rồi tôi lại cười. Tôi lẳng lặng về nhà, lấy giấy bút viết truyện một thằng say rượu.”
- Nam Cao, Những truyện không muốn nói
Tôi nghĩ Nam Cao sẽ thích các em 9X. Các em biết thế nào là chó mực, thế nào là xúc phạm. (Thế nào là cả hai.) Tôi vẫn nhớ cách đây mấy năm một blogger nữ đến từ Sài Gòn viết bài “tát” Hà Nội - con người không thân thiện, cơm không ngon, wifi không có. Bình luận đe dọa lên đến hàng trăm, báo mạng nhảy vào cuộc kéo báo giấy nhảy theo. Cô blogger đó phải gỡ bài xuống và xin lỗi. Thực chất bài đó không có gì. Một bài phàn nàn bình thường, giống hàng nghìn bài phàn nàn của hàng trăm cô gái trẻ.
Giờ tôi rất khó hình dung một bài blog có thể gây xôn xao đến mức đó. Một phần là thời gian vừa qua có nhiều bài sốc nên dân mạng lỳ đòn. Nhưng một phần nữa là sự ảnh hưởng của văn hóa 9X - gây sốc thì được nhưng bị sốc thì không sành điệu lắm.
Thứ sáu (tiếp tục hành trình sau vài phút nghỉ ngơi), các em 9X quan tâm đến môi trường. Tôi thấy đó là sự quan tâm thật, không phải trào lưu, không phải để ý đến một điều để lấy lòng những người đang để ý đến mình. Các em có vẻ rất chán việc gọi là “tình nguyện xã giao”: lên xe bus, đến nơi xa, làm ít việc hình thức (quét đường, quét đường). Không phải em nào cũng “xanh” thực sự, nhưng tôi quan sát kỹ và thấy nhiều em hằng ngày có hành động nhỏ đế bảo vệ hành tinh - mà không nói với ai. Bản thân tôi nghĩ “bọn 6X” là kẻ thù lớn nhất của môi trường Việt Nam.
Thứ bảy, các em đang vẽ một vùng xám đẹp ở giữa các vùng trắng và đen của văn hóa xưa. Không phải cứ người sống thử là sai, cứ người đồng tính là hỏng, cứ người có hình xăm là đầu gấu - mà phải đánh giá cẩn thận dựa trên yếu tố riêng từng trường hợp một. Từ một đạo đức cứng (đừng làm việc n) họ đang dịch sang một đạo đức mềm (đừng làm tổn thương nhau). Không phải dịch hẳn sang mà dịch gần một chút để mọi người đều có chỗ ngồi.
Thứ tám, các em 9X biết mình là ai. “Mất gốc.” Nếu tôi là một em 9X thì tôi sẽ rất ghét từ đó. Sự thật là các em 9X đang giữ gốc với đúng mức độ nhiệt tình mà các bác 5X đang “giữ” lời khen. Tức là giữ rất tốt. Tất nhiên các em dùng tiếng Anh nhiều, nhưng cứ một từ tiếng Anh đưa vào sử đụng là họ nghĩ ra mười từ tiếng Việt mới. Tiếng lóng chi cần 10 đến 20 năm thành tiếng chuẩn; sau này từ điển tiếng Việt sẽ rất béo khỏe nhờ sự sáng tạo của các em 9X bây giờ.
Thứ chín, các em thích mua sách.
Chín là chín, thế là thế. Nếu xây dựng quan điểm về các em 9X dựa trên các thông tin phổ biến trên mạng và ngoài phố thì không thể chênh lệch hơn được. 9X hư? 9X lười? 9X vô tâm chỉ nghĩ đến bản thân? Nhầm, nhầm, nhầm. Họ là các em thông minh và chân thành sẽ đưa Việt Nam đi lên.
Phải bọn ox mới kinh!