A good book should leave you... slightly exhausted at the end. You live several lives while reading it.

William Styron, interview, Writers at Work, 1958

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: admin
Số chương: 42
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1343 / 13
Cập nhật: 2015-11-21 05:49:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 40
ột khi Giác Tuệ đi rồi, hội của chúng ta sẽ lại chịu đựng một mất mát lớn, mấ đi một tiếng nói mạnh mẽ sáng suốt... Mới gần đây Hạ Kim Ngọc đã rời chúng ta, và bây giờ anh cũng ra đi." Tại phòng đọc sách của tờ báo, Ngô Thanh Văn, một hội viên lớn tuổi xúc động nói với Giác Tuệ và các hội viên hiện diện.
Hoàng Tác Nhân lập tức tán đồng theo. "Không phải chỉ là mất đi một tiếng nói, mà là mất đi sự đóng góp tích cực cho tinh thần và hoạt động của chúng ta."
Giác Tuệ có mặt tại đó, đang đọc báo, cố gắng xua đuổi nỗi buồn của chàng. Khi chàng trông thấy bạn bè ở đó, chàng không thể không nghĩ tới những gì chàng đã chia xẻ với họ trong hoạt động nhóm và kinh nghiệm sống của thời gian vừa qua, cũng như sự an ủi chân thực, tình cảm quý mến nhau, sự an ủi trợ giúp, hy vọng và niềm vui đã đem lại cho chàng, mà chàng không thể nào có được từ trong gia đình chàng. Trong mấy tháng vừa qua ngày nào chàng cũng đến đây gặp gỡ bạn bè; chỗ này và những người ở đây đã trở nên một phần cần thiết và không thể tách rời được của đời chàng. Chàng không bao giờ nghĩ đến việc rời xa họ, thế mà hôm nay chàng thực sự sẽ từ bỏ tất cả để ra đi, cũng như chàng sẽ từ bỏ gia đình. Chàng cảm thấy có lỗi và biết ơn đối với họ, và ước gì chàng có thể không phải xa cách họ.
Chàng nghĩ từ nay trở đi, phòng đọc sách này sẽ mở cửa mỗi ngày như thường lệ, và tờ báo sẽ xuất bản đều đặn hàng tuần, nhưng chàng không thể tham dự và chia xẻ với các bạn được nữa. Chàng sẽ đi xa thật xa, không thể nào cùng chung buồn vui với những người bạn này, không còn được nghe tiếng nói rổn ràng của Hoàng Tác Nhân yêu cầu mọi người đóng tiền nguyệt liễm. không còn được nghe những chuyện thú vị về kinh nghiệm cầm đồ của Trương Hải Cư nữa, và không thể nào tới đây cùng với người anh Giác Dân nữa. Bây giờ chàng chợt biết đến nhiều thứ - quả thực có quá nhiều thứ - mà chàng sẽ không bao giờ có lại được nữa. Chàng nói với một nỗi buồn tiếc mỗi lúc một lớn thêm trong lòng:
"Ðáng lẽ tôi không nên bỏ các anh khi mà bây giờ các anh có rất nhiều việc phải làm, và tất cả các anh đều rất bận, không một người nào được rảnh. Nhưng thực tình tôi đã không làm gì được nhiều vì tôi biết khả năng của tôi có giới hạn, và tôi thành thực hy vọng rằng sự vắng mặt của tôi sẽ không gây ra một sự bất lợi nào cho các anh."
Hoàng Tác Nhân nói để khuyến khích Giác Tuệ, "Giác Tuệ, anh không nên nói những chuyện đó! Tình trạng gia đình anh lâm vào hòan cảnh khiến anh càng bỏ đi sớm bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Khi anh tới Thượng Hải, anh sẽ có cơ hội học hỏi rất nhiều về kiến thức và kinh nghiệm; và vì anh đã có bạn bè liên lạc từ trước ở đấy, anh sẽ không gặp khó khăn và có nhiều thuận lợi, và anh sẽ có nhiều việc để làm tại đó. Tại Thượng Hải phong trào cải cách văn hoá rất là cuồng nhiệt và bành trướng, chứ không giống như ở đây đến nỗi một người con gái để tóc ngắn cũng không thể nào tiếp tục sống ở đây được. Công việc của chúng ta tại đây không có quá nhiêu áp lực, chúng tôi có thể lo liệu được. Xin anh đừng lo lắng."
Trương Hải Cư cũng lên tiếng ủng hộ, "Hơn nữa anh vẫn có thể viết bài cho mỗi số báo và gửi từ Thượng Hải về cho chúng tôi. Anh sẽ cho chúng tôi những tài liệu mới và phong phú hơn, và những quan điểm mạnh mẽ và sắc bén hơn."
Giác Tuệ hứng khởi trả lời, "Chắc chắn là thế, và tôi sẽ gửi một bài viết của tôi cho mỗi số báo, bất kể giá trị thế nào. Nhất định tôi sẽ gửi cho các anh một cái gì đó cho mỗi số báo."
Hoàng Tác Nhân đề nghị, "Tôi hy vọng chúng ta sẽ giữ vững sự liên lạc."
Giác Tuệ trả lời với những cảm xúc hối tiếc chân thật. "Nhất định là thế. Tôi sẽ tha thiết mong đợi nhận được thư của các anh hơn các anh mong đợi thư tôi. Khi xa các anh, tôi sẽ cảm thấy cô đơn, và tôi không chắc tôi có thể có được bạn bè như các anh tại Thượng Hải."
Trương Hải Cư hăng hái nói, "Chính chúng tôi sẽ là những người không chắc có thể tìm được một người bạn như anh."
Giác Tuệ nhìn Hoàng Tác Nhân một cách biết ơn và hăng hái nói, "Bây giờ tôi có thể ra đi được là nhờ ở tất cả các anh, đặc biệt là Tác Nhân. Trong quá khứ anh đã giúp tôi nhiều lắm."
Hoàng Tác Nhân niềm nở mỉm cười và trả lời, "Anh nói gì thế? Tôi có làm gì đâu. Về phần tôi không phải cố gắng gì. Nếu anh ở địa vị tôi, anh cũng sẽ làm cho tôi như vậy." Rồi chàng hỏi, "Anh đã gửi tất cả hành lý đến nhà tôi chưa? Anh còn gì nữa không?"
Giác Tuệ trả lời và giải thích, "Không còn gì nữa. Không phải là không có gì nữa, mà là tôi không thể mang theo quá nhiều. Tôi sẽ để lại sách, và Ðại ca của tôi đã hứa sau này sẽ gửi cho tôi. Trong nhà tôi có quá nhiều tai mắt dòm ngó nghe ngóng, và chỉ một sơ hở cũng đủ phản lại bí mật của tôi và sẽ gây cho tôi nhiều rắc rối. Mấy món hành lý tôi gửi nhà anh đã phải lén đem ra vào những lúc sáng sớm."
Rồi tất cả im lặng và chính Giác Tuệ phá vỡ sự im lặng ấy. "Sao các anh chẳng nói gì cả? Mọi người đều im lặng như vậy; các anh biết thời giờ chúng ta có thể nói chuyện với nhau bây giờ rất là giới hạn. Tác Nhân, có phải con thuyền sẽ khởi hành ba ngày nữa?"
Tác Nhân trả lời, "Tôi không chắc lắm, nhưng người bà con của tôi sẽ cho biết trước. Tôi hy vọng con thuyền sẽ ra đi một hoặc hai ngày trễ hơn thế, để chúng ta có một vài cơ hội gặp nhau nữa. Hơn nữa các bạn của chúng ta tại tờ tuần báo sẽ tổ chức buổi tiệc tiễn hành anh ngày mai."
Giác Tuệ từ chối với một nụ cười chua chát, "Tiệc tiễn hành? Chuyện ấy không cần thiết đâu. Nếu chúng ta có thể nói chuyện với nhau nhiều hơn nữa, như ngay bây giờ, thì cũng đủ lắm rồi. Tại sao chúng ta quá quan trọng về hình thức như vậy?"
"Chúng tôi phải như vậy, chúng tôi phải có tiệc tiễn hành cho anh, hãy cho chúng tôi những giờ phút vui vẻ bên nhau rồi chúng ta sẽ chia tay nhau. Bây giờ tôi có tiền rồi. Tôi không cần phải tới tiệm cầm đồ nữa." Câu nói cuối cùng của Trương Hải Cư làm mọi người cười ồ.
Tác Nhân xen vội vào, "Chúng tôi không muốn một mình anh phải trả tiền đâu. Chúng ta sẽ chia đồng đều."
Giác Tuệ đề nghị, "Vậy tôi cũng được đóng góp nữa." Nhưng Ngô Thanh Văn phản đồi, "Dĩ nhiên anh không phải đóng tiền." Anh ta định nói thêm nữa thì có một người chạy lao vào phòng. Mọi người ngẩng lên nhìn người mới tới.
Người mới vào phòng là Trần Trễ, bạn học của Giác Tuệ, và cũng là hội viên của tờ tuần báo. Chàng vội chạy tới đây và mệt nhoài vì chạy. Mặt chàng đỏ bừng và đổ mồ hôi, và kêu lên khi bước vào phòng, "Xin lỗi, tôi đến trễ."
Trương Hải Cư nói đùa, "Không sao, anh bao giờ cũng trễ, bởi vậy tên anh là Trễ."
Trần Trễ không đáp lời Hải Cư, nhưng nghiêm trọng nói với Tác Nhân, "Này Tác Nhân, tôi vừa gặp người bà con họ Vương của anh ngoài phố. Ông ta bảo tôi sáng mai con thuyền sẽ lên đường."
Giác Tuệ giật mình, "Sáng mai? Thực hả? Họ nói ba ngày nữa mà!"
"Tôi không đùa anh đâu. Tôi rõ ràng nghe ông ta nói sáng ngày mai."
Giác Tuệ buông ra một lời thất vọng, "Các anh dự định tổ chức tiệc tiễn hành tôi ngày mai."
Trương Hải Cư nhấn mạnh, "Không sao, chúng ta hãy làm ngày hôm nay. Bây giờ trễ rồi, chúng ta hãy ra tiệm ăn ngay. Chắc anh phải trở về nhà sớm để sửa soạn hành trang."
"Không được đâu, tôi phải về nhà ngay bây giờ," Giác Tuệ vội vàng nói với một nụ cười buồn buồn trên mặt. Bây giờ chàng nghĩ tới hai người anh.
Mấy người bạn khác đồng loạt nói, "Anh không về được. Chúng tôi không để anh về đâu."
Hoàng Tác Nhân ngạc nhiên trước sự khó chịu của Giác Tuệ, và hỏi, "Tại sao anh muốn về nhà? Anh không muốn ăn thêm một bữa nữa với chúng tôi hay sao? Khi chúng ta chia tay, ai biết được khi nào chúng ta lại có được dịp hàn huyên như thế này?"
Trước khi Giác Tuệ có thể lên tiếng, tất cả những người khác đều xen vô khuyến dụ chàng nên ở lại, và Trương Hải Cư bắt đầu đóng cửa tiệm lại. Hải Cư rất mạnh mẽ, chàng đóng cửa một mình mà không cần sự trợ giúp của người khác. Tác Nhân thu dọn lại giấy tờ và hồ sơ.
Giác Tuệ quan sát mọi chuyện chung quanh và cảm thấy chàng không thể từ chối được nữa, vì thế chàng đành phải nói, "Ðược rồi, tôi ở lại." Tuy vậy khi chàng nói thế, chàng không thể không nghĩ đến hai người anh đang ăn cơm tối ở nhà, và chàng bỗng thấy rất buồn bã. Chàng lặng lẽ theo các bạn tới một tiệm ăn, và sự hăng hái hứng khởi của các bạn đem chàng ra khỏi nỗi buồn phiền. Ở giữa bạn bè, chàng cảm thấy hạnh phúc của vị tha, bởi vì vui vẻ vì bạn dần dần tạo ra niềm vui trong lòng chàng.
Khi Giác Tuệ và các bạn rời tiệm ăn thì trời đã tối hẳn rồi. Một làn gió thu thổi nhẹ lên những khuôn mặt trẻ. Họ đứng bên dưới mái hiên của một toà nhà, miễn cưỡng không muốn chia tay nhau, nhìn đám đông trên đường phố trước mặt.
Cuối cùng một người nói, "Chúng ta chia tay tại đây. Ngày mai tôi không tiễn anh đâu. Chúc anh thượng lộ bình an."
Giác Tuệ trả lời, "Cám ơn anh." Rồi họ bắt tay nhau.
Vài người chúc chàng may mắn và từ giã.
"Chúng tôi đưa anh về nhà," Hải Cư nói, đôi mắt chàng lóng lánh trên bộ mặt trái soan đỏ bừng.
Giác Tuệ gật đầu. Chàng và ba người bạn còn lại bước vào con đường phố đông người. Hai ngã tư nữa thêm một người từ biêt Giác Tuệ.
Những người còn lại đi vào con đường nhỏ lặng lẽ, những ngọn đèn trông yếu ớt dưới ánh trăng. Lối vào của những dinh cơ ở đây tối tăm như những hang động. Những tàng cây vươn lên bên trong những bức tường, hắt những bóng tối trên những tảng đá màu bạc. Ðường viền ngoài của những mái nhà nổi bật trong bóng tối và đứng im, giống như bức vẽ của một hoạ sĩ bậc thầy.
Giác Tuệ tự hỏi tại sao thành phố lặng lẽ như vậy? Chàng biết thành phố này đã từng rất rắc rối đảo lộn. Chàng nhìn lên vầng trăng tròn lặng lẽ trôi ngang bầu trời mênh mông.
Hải Cư thở dài rồi trầm trồ, "Trăng đẹp quá!" Chàng hỏi Giác Tuệ, "Sau khi đi rồi, anh có nhớ nơi này không?"
Giác Tuệ không trả lời.
Tác Nhân hỏi, "Thành phố này thì có gì đặc biệt chứ? Khi đi xuôi dòng sông, anh ấy sẽ trông thấy những nơi đẹp đẽ hơn nhiều."
Giác Tuệ vụng về nói, "Tất cả những bằng hữu thân nhất của tôi đều ở đây. Dĩ nhiên tôi sẽ nhớ Thành Ðô."
Chàng từ giã các bạn tại cổng, và đi thẳng tới phòng của Giác Tân. Chàng thấy hai người anh đang nói chuyện. Sau khi ngập ngừng một lúc, chàng thông báo:
"Ðại ca, ngày mai em sẽ đi."
Giác Tân tái mặt và đứng dậy, "Ngày mai? Nhưng anh tưởng em nói ba ngày nữa mà."
Giác Dân cũng giật mình và đứng dậy. Chàng nhìn Giác Tuệ chằm chằm.
Giác Tuệ buồn bã nói, "Con tầu này được một người bà con của Tác Nhân mướn, và ông ta quyết định ngày mai lên đường."
"Sao vội thế!" Giác Tân thất vọng nói. Chàng phải chống tay lên bàn để đứng vững. "Em chỉ còn ở nhà một đêm nữa thôi."
Giác Tuệ gọi, "Ðại ca." Giác Tân quay nhìn em, mắt ứa lệ. Giác Tuệ nói, "Em muốn về nhà ăn cơm tối với hai anh. Nhưng các bạn em nhất định tổ chức bữa ăn tiễn em. Vì thế em về nhà trễ."
Giác Dân lên tiếng, "Anh sẽ đi tìm Ngọc Cầm. Cô ta muốn nói chuyện với em. Ngày mai chắc là chúng ta không có thời giờ."
Giác Tuệ ngăn người anh lại. "Anh có biết bây giờ là mấy giờ rồi không? Anh phải gõ cổng nhà cô ta và đánh thức mọi người dậy. Anh sẽ làm mọi người chú ý."
"Như vậy cô ta sẽ không có thể gặp em trước khi em đi. Cô ta sẽ rất thất vọng. Cô ta bảo anh nhiều lần phải cho cô ta biết khi nào em đi."
Nhìn vẻ lo lắng của Giác Dân, Giác Tuệ nói, "Chúng ta sẽ ghé thăm cô ta sáng mai. Em tin chắc sẽ kịp giờ." Thực ra chàng không chắc chàng có thể gặp Ngọc Cầm hay không.
Giác Tân hỏi bằng một giọng khàn khàn, "Ðã sắp hành lý chưa?"
"Em đã gửi hành lý xuống bến tầu rồi. Cũng không có gì nhiều. Chỉ có một tấm giường cuộn lại, và một cái rương nhỏ."
"Em không mang đủ đồ ăn. Anh có vài hộp thịt người ta mới cho. Ðể anh lấy cho em." Giác Tân nói, và không đợi trả lời, chàng đi vào phòng bên cạnh và mang ra bốn hộp thịt.
Khi thấy Giác Tân gói tất cả bốn hộp thịt, Giác Tuệ vội nói, "Em không cần nhiều thế đâu. Em có thể mua được thức ăn dọc đường mà."
"Bao giờ cũng nên mang nhiều hơn mình cần. Hơn nữa anh không ăn thứ này." Giác Tân để bọc đồ ăn trước mặt Giác Tuệ, và nói thêm, "Anh sẽ gửi tiền cho em theo cách chúng ta đã đồng ý lần vừa rồi. Tiền sẽ có sẵn chờ em tại nhà bưu điện Trùng Khánh, Hán Khẩu và Thượng Hải. Chỉ việc dùng chi phiếu bưu điện vào đổi. Nếu tiền anh đưa cho em hôm qua không đủ, anh sẽ đưa thêm cho em một ít nữa."
"Nhiều lắm rồi. Cũng không nên mang theo người quá nhiều đồng quan bằng bạc. May mắn là bây giờ đường đi khá an toàn rồi."
Giác Tân nhắc lại như máy, "Phải. Ðường đi bây giờ khá an toàn rồi."
Giác Dân và Giác Tuệ trao đổi vài lời.
Giác Tân thúc giục, "Tam đệ, em nên đi ngủ đi. Sáng mai em phải dậy sớm. Em sẽ phải sống trên con tầu thô sơ bằng gỗ ấy vài ngày đấy. Em nên nghỉ ngơi."
Giác Tuệ lẩm bẩm đồng ý.
"Từ nay em phải tự đứng một mình. Hãy mặc đủ ấm và ăn đủ no. Em thường chểnh mảng việc ăn mặc. Không giống như ở nhà đâu. Nếu em bị bệnh thì sẽ không có ai chăm sóc cho em đâu."
Giác Tuệ gật đầu.
"Ðừng quên viết thư về nhà dọc đường. Anh sẽ gửi sách vở cho em khi nào em tới Thượng Hải. Em không cần lo quá đáng về tiền bạc. Dù em học bất cứ trường nào, anh sẽ trả tốn phí cho em. Ðừng lo ngại về gia đình. Chừng nào anh còn ở đây, anh sẽ không để cho ai can thiệp vào việc của em." Giác Tân nói mà hầu như muốn khóc.
Giác Tuệ phải cố gắng lắm mới kiềm chế được xúc động của mình.
"Em may mắn. Em có thể trèo ra khỏi cái biển chua chát này. Nhưng các anh..." Giác Tân không thể nói hết câu. Hai chân chàng nhũn ra và chàng phải nặng nề buông người xuống ghế. Hai tay ôm mặt, chàng lặng lẽ khóc.
Giác Tuệ đau đớn gọi, "Ðại ca." Giác Tân không trả lời. Giác Tuệ bước lại gần anh, và gọi tên anh. Giác Tân bỏ hai tay ra khỏi mặt, nhìn Giác Tuệ và lắc đầu.
"Anh không sao đâu. Không có gì cả. Em đi ngủ đi."
Hai người em rời khỏi phòng Giác Tân.
Khi hai anh em ra đến ngoài, Giác Tuệ nói, "Em muốn gặp kế mẫu." Chàng trông thấy ánh đèn chiếu ra từ cửa sổ phòng bà Châu.
Giác Dân ngạc nhiên hỏi, "Em sẽ cho kế mẫu biết em ra đi hả?"
Giác Tuệ mỉm cười, "Không. Em chỉ muốn gặp kế mẫu thôi. Ðây có thể là lần cuối cùng."
Giác Dân khẽ nói, "Ðược rồi, cứ đi đi. Nhưng phải cẩn thận. Ðừng để lộ gì hết." Nói xong chàng quay về phòng riêng và Giác Tuệ đi tới phòng bà Châu.
Bà Châu đang ngồi trông một chiếc ghế tựa, nói chuyện với Thục Hoa. Bà mỉm cười một cách trách móc khi trông thấy Giác Tuệ bước vào. "Con không về nhà ăn tối."
Giác Tuệ chỉ mỉm cười và nói, "Dạ đúng vậy." Chàng đứng hơi xa bà Châu.
Bà ân cần nói, "Con bao giờ cũng chạy quanh bên ngoài. Con làm gì vậy? Con phải bảo trọng sức khoẻ của con."
Giác Tuệ cười. "Sức khỏe của con tốt lắm. Chạy quanh bên ngoài còn tốt hơn là ngồi nhà để bị nhòm ngó!"
Bà Châu mỉm cười trách chàng, "Con chỉ thích cãi lại. Thảo nào các chú và thím hôm nay than phiền về con. Nói đúng ra, con cũng quá cứng đầu. Con chẳng sợ ai cả. Ngay ta cũng không thể kiểm soát được con. Thực là lạ lùng, con và Ðại ca của con cùng do một bà mẹ sinh ra, thế mà không người nào giống mẹ con. Ðại ca thì quá hiền lành và con thì quá cứng đầu!" Nói rồi bà Châu cười. Thục Hoa đang ngồi bên cạnh cũng nhìn Giác Tuệ và mỉm cười.
Giác Tuệ muốn tự bênh vực mình, nhưng chàng nghĩ không nên. Bỗng nhiên chàng muốn nói xa xôi cho kế mẫu biết về sự vĩnh biệt. Về sau chắc bà sẽ hiểu chàng muốn nói gì. Chàng bước lại gần hơn.
Bà Châu có thể nhìn thấy một cái gì trong tâm trí chàng. Bà nhân từ hỏi, "Giác Tuệ, chuyện gì vậy? Có phải con muốn nói với ta về chuyện đi Thượng Hải của con để tiếp tục sự học?"
Lời nói của bà Châu làm Giác Tuệ nhớ lại lời dặn của Giác Dân. Chàng quyết định phải thận trọng. Chàng cố cười và nói, "Không có gì đặc biệt. Con đi ngủ đây." Chàng nhìn khuôn mặt tròn của bà Châu, và chăm chú nhìn Thục Hoa, rồi quay lại và bước ra. Khi chàng rời phòng bà Châu, chàng nghĩ chàng nghe thấy Thục Hoa phê bình thái độ kỳ lạ của chàng.
Chàng đau đớn nghĩ: Chúng ta có thể không bao giờ gặp nhau nữa. Một khi ta ra đi, ta sẽ như một con chim được thả khỏi lồng. Ta sẽ bay đi và không bao giờ trở lại.
Dòng Thác Cuốn Dòng Thác Cuốn - Nguyễn Vạn Lý Dòng Thác Cuốn