Số lần đọc/download: 2552 / 33
Cập nhật: 2016-06-09 04:35:57 +0700
Chương 40: Phần IV: Hãy Yêu Con Người Như Vốn Có Của Bạn
T
rong một chuyến đi đến Đông Nam Á, tôi đã có buổi diễn thuyết trước 300 doanh nhân hàng đầu ở Singapore. Khi kết thúc bài diễn thuyết và khi khán phòng đã bớt đông, một người đàn ông trông rất đĩnh đạc bước vội về phía tôi. Ông trông có vẻ rất thành đạt và đầy tự tin như tất cả những khán thính giả khác trong khán phòng này, nên những lời đầu tiên ông nói đã khiến tôi ngạc nhiên.
“Nick, hãy giúp tôi với”, ông van vỉ.
Thế rồi tôi được biết câu chuyện của ông, biết rằng người đàn ông thành đạt đó sở hữu tới ba ngân hàng, nhưng ông đến nhờ tôi giúp đỡ bởi vì sự giàu có về vật chất không thể bảo vệ ông khỏi nỗi muộn phiền.
“Tôi có một đứa con gái tuyệt vời mới mười bốn tuổi, và vì một lý do khủng khiếp nào đó cứ mỗi lần con tôi nhìn mình trong gương nó lại nói nó cảm thấy mình rất xấu xí”, ông nói. “Tôi buồn lắm bởi vì con bé không thể nhận ra rằng nó thực sự đẹp. Làm thế nào tôi có thể khiến con bé thấy được những gì tôi thấy đây?”.
Nỗi phiền muộn của ông cũng dễ hiểu thôi, bởi vì điều khó chịu đựng nhất đối với cha mẹ chính là sự đau khổ của con. Ông ấy đang cố gắng giúp con gái vượt qua sự ghét bỏ bản thân, một điều cực kỳ quan trọng, bởi vì nếu chúng ta không thể chấp nhận bản thân mình khi chúng ta còn khỏe mạnh và trẻ trung, thì chúng ta sẽ cảm thấy như thế nào về chính mình khi chúng ta về già, khi phải trải qua bệnh tật, ốm đau? Và nếu chúng ta ghét bỏ bản thân vì một lý do vớ vẩn nào đó, thì chúng ta dễ dàng thay thế nó bằng hàng trăm cách phủ nhận bản thân vô căn cứ và tùy tiện khác. Tâm lý chênh chao của tuổi trẻ có thể khiến bạn lún sâu vào thất vọng và chán nản nếu bạn cho phép mình chăm chăm nghĩ về những khiếm khuyết mà không nhìn thấy những điểm mạnh, những điều đáng quý ở bản thân mình.
Kinh Thánh nói rằng chúng ta “là tạo vật tuyệt vời của Đấng Sáng Tạo”. Vậy thì tại sao yêu thương bản thân mình lại khó khăn đến thế? Tại sao chúng ta lại thường tự tạo gánh nặng cho mình bằng cái cảm giác rằng mình không đủ đẹp, không đủ cao, không đủ thon thả, không đủ tốt? Tôi chắc chắn rằng người cha mà tôi gặp ở Singapore rất yêu thương và hãnh diện về con gái, luôn cố gắng để khiến cô tự tin và quý trọng bản thân mình. Cha mẹ và những người thân của chúng ta có thể luôn cố gắng không biết mệt mỏi để xây dựng cho chúng ta lòng quý trọng bản thân, nhưng chỉ cần một lời bình luận vớ vẩn từ một người bạn học hoặc lời nhận xét ác ý từ ông chủ hoặc đồng nghiệp cũng đủ làm tiêu tan những nỗ lực của họ.
Chúng ta trở nên dễ bị tổn thương và rơi vào trạng thái chán nản, chán ghét bản thân khi chúng ta để cho cảm giác của mình phụ thuộc vào ý kiến của người khác hoặc vào sự so sánh bản thân mình với người khác. Khi không sẵn sàng chấp nhận bản thân, bạn càng không thể sẵn sàng chấp nhận người khác, và điều đó có thể dẫn đến sự cô đơn và tách biệt. Một hôm tôi đang diễn thuyết trước một nhóm khán thính giả tuổi mới lớn về việc khao khát được nổi tiếng thường khiến người ta xa lánh những người bạn ít hấp dẫn ở trường. Để diễn giải ý kiến của mình, tôi đưa ra một câu hỏi rất thẳng thắn: “Bao nhiêu người trong số các bạn muốn trở thành bạn của tôi?”.
Thật may, hầu hết những người có mặt trong phòng đều giơ tay.
Nhưng sau đó tôi hỏi một câu khiến họ lúng túng: “Vậy việc tôi trông như thế nào là không quan trọng, đúng không?”.
Tôi để cho không khí chùng xuống trong vài phút. Chúng tôi đang nói về cố gắng hòa nhập chỉ bằng cách mặc những bộ đồ đúng mốt, có kiểu tóc hợp thời trang, không quá béo, không quá gầy, không đen quá hoặc trắng quá.
“Làm sao bạn có thể muốn kết bạn với một gã không tay chân – một gã khác biệt nhất so với mọi người mà bạn từng biết – nhưng làm sao bạn có thể tẩy chay những người bạn học của mình chỉ vì họ không diện quần áo đúng mốt, hoặc không có làn da đẹp, hoặc không có một cơ thể thích hợp với xu hướng thời trang thịnh hành?”
Khi bạn tự phán xét bản thân một cách khắt khe hoặc tạo sức ép căng thẳng lên chính mình, bạn trở nên hay phán xét người khác. Việc yêu thương và chấp nhận bản thân mình như Chúa yêu thương bạn có thể mở ra cho bạn một cánh cửa dẫn đến cảm giác thanh thản và mãn nguyện hơn.
Những sức ép mà các bạn trẻ sắp bước vào ngưỡng cửa cuộc đời cảm thấy dường như rất phổ biến. Tôi đã được mời đến nói chuyện với các khán thính giả trẻ ở cả Trung Quốc và Hàn Quốc bởi vì ở những nước đang phát triển một cách nhanh chóng đó trong những năm gần đây đã nảy sinh những quan ngại về tỉ lệ trầm cảm và tự tử cao.
Tôi đến Hàn Quốc đúng vào thời gian Thế vận hội mùa đông 2010 đang diễn ra tại Vancouver. Thật thú vị khi được thấy niềm tự hào dân tộc và sự phấn khởi ngời lên trên khuôn mặt của những người dân ở khắp Seoul khi Kim Yu-Na, “nữ hoàng” trượt băng nghệ thuật của Hàn Quốc giành được huy chương vàng Olympic đầu tiên của đất nước ở môn này. Sự quan tâm dành cho cô lớn đến nỗi vào thời điểm cô bước vào buổi thi đấu chung kết, lượng giao dịch trên thị trường chứng khoán cả nước giảm xuống còn một nửa so với mức bính thường.
Một bộ phim tài liệu về tôi đã được chiếu rộng rãi khắp các cộng đồng Cơ Đốc ở Hàn Quốc, vậy nên tôi nhận được một số lời mời diễn thuyết. Sự nở rộ của niềm tin ở những cộng đồng ấy quả là rất ấn tượng. Những người tổ chức buổi diễn thuyết ở nhà thờ Onnuri nói với tôi rằng người Cơ Đốc giáo ở Hàn Quốc rất nhiệt tình với công việc truyền giáo. Họ dự đoán trong vòng một hoặc hai thập kỷ nữa, những hội truyền giáo ở Hàn Quốc sẽ đông hơn cả hội truyền giáo ở Bắc Mỹ và điều đó quả là rất ngạc nhiên bởi Hàn Quốc là một quốc gia nhỏ hơn.
Khi đi ô tô ở Seoul, tôi đã rất ngạc nhiên trước số lượng lớn các nhà thờ ở đó. Người ta nói rằng thành phố thủ đô ấy có ba nhà thờ Cơ Đốc giáo lớn nhất thế giới. Cách đây 100 năm, số người theo đạo Cơ Đốc ở Hàn Quốc còn rất ít ỏi, thế những giờ đây gần một phần ba trong tổng dân 48 triệu người ở nước này là người theo đạo Cơ Đốc. Một trong những giáo hội mà tôi đến diễn thuyết, giáo hội Yoido Full Gospel, có tới hơn 800.000 thành viên tham gia các hoạt động tôn giáo tại hại mươi mốt nhà thờ.
Nhiều người bạn của tôi đến Hàn Quốc chỉ để thăm các nhà thờ. Những buổi cầu nguyện rất ấn tượng với âm thanh cầu kinh vang vang cùng tiếng chuông ngân báo hiệu chương trình mới. Tuy nhiên, dù có phát triển mạnh mẽ về tinh thân, con người ở xứ này vẫn phải chịu đựng căng thẳng ở mức cao do áp lực từ tình trạng làm việc nhiều giờ. Sức ép tại các trường học cũng rất lớn bởi luôn có sự cạnh tranh khốc liệt để giành thứ hạng cao. Nhiều học sinh Hàn Quốc bị căng thẳng bởi họ cảm thấy rằng chỉ vị trí cao nhất mới là vị trí có giá trị. Nếu không đạt được vị trí cao nhất, họ cảm thấy mình thất bại. Tôi khuyến khích những người trẻ tuổi ấy nhận biết rằng thi trượt trong một kỳ thi không có nghĩa là họ thất bại. Trong mắt Chúa, tất cả chúng ta đều có giá trị, và chúng ta nên yêu bản thân mình như Chúa đã yêu thương chúng ta.
Sự yêu thương và chấp nhận bản thân mà tôi khuyến khích không phải là cái kiểu tự phụ và kiêu ngạo, chỉ nghĩ đến mình. Yêu thương bản thân ở đây là yêu không vị kỷ. Bạn cho nhiều hơn nhận. Bạn làm những gì có thể vì người khác mà không đòi hỏi được đáp lại. Bạn sẻ chia với mọi người ngay cả khi bạn không có nhiều. Bạn tìm thấy niềm hạnh phúc qua việc làm người khác mỉm cười. Bạn yêu bản thân mình bởi vì bạn không chỉ quan tâm đến bản thân mình. Bạn hài lòng về chính bản thân vì bạn làm cho người khác hạnh phúc khi được ở bên bạn.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu bạn không thể yêu bản thân mình bời vì người khác không yêu bạn? Tôi e rằng không thể xảy ra điều đó được. Bạn thấy đấy, bạn và tôi đều là những đứa con của Chúa. Mỗi người chúng ta đều có thể tin tưởng vào tình yêu, lòng nhân từ và sự bao dung của Người. Nên yêu thương bản thân mình, cảm thông với sự không hoàn hảo của mình, và bao dung trước những lỗi lầm của chính chúng ta bởi vì Chúa đối xử với chúng ta theo cách đó.
Trong một chuyến đi tới Nam Mỹ, tôi đã có buổi diễn thuyết tại một trung tâm cai nghiện ma túy ở Colombia. Những người nghiện và từng nghiện ma túy có mặt tại buổi diễn thuyết hôm đó ít trân trọng giá trị con người của họ đến nỗi họ gần như tự hủy hoại mình bằng ma túy. Tôi nói với họ rằng cho dù họ nghiện ngập, Chúa vẫn yêu thương họ. Khuôn mặt họ ngời lên khi tôi quả quyết với họ rằng Chúa yêu thương họ vô điều kiện. Nếu Chúa sẵn lòng tha thứ cho tội lỗi của chúng ta và yêu thương chúng ta như thế, thì tại sao chúng ta lại không thể tha thứ và chấp nhận bản thân mình? Giống như cô con gái của ông chủ ngân hàng ở Singapore, những người sử dụng ma túy ở Colombia mà tôi gặp lầm lạc bởi vì bất cứ lí do gì chăng nữa, họ tự hạ thấp giá trị cuộc sống của mình. Họ cảm thấy không xứng đáng được hưởng điều tốt đẹp nhất của cuộc đời. Tôi đã nói với họ rằng tất cả chúng ta đều xứng đáng với tình yêu của Chúa. Nếu Người tha thứ và yêu thương chúng ta, thì chúng ta nên tha thứ và yêu thương chính bản thân mình để phấn đấu vươn tới một cuộc sống tốt đẹp nhất có thể.
Khi được yêu cầu nêu ra mười điều răn quan trọng nhất, Chúa Jesus đã nói điều răn thứ nhất là yêu Chúa bằng cả trái tim, tâm hồn, tâm trí, sức mạnh, và điều răn thứ hai là yêu láng giềng như yêu chính bản thân mình. Yêu bản thân mình không phải là vị kỷ, tự mãn, hay tự cho mình là trung tâm; yêu bản thân mình là chấp nhận cuộc sống của mình như một món quà để nâng niu, nuôi dưỡng và sẻ chia điều tốt đẹp, hữu ích của cuộc sống ấy với người khác.
Thay vì chỉ chú ý đến khuyết điểm, thất bại, sai lầm của mình, hãy tập trung chú ý đến những món quà, những điều tốt đẹp, những điểm mạnh của bạn và những gì bạn có thể đóng góp cho cuộc đời này, cho dù đó là tài năng, sự hiểu biết, sự sang suốt, sự sáng tạo, sự chăm chỉ, hay một phần tâm hồn phong phú. Bạn không cần phải sống theo mong đợi của người khác. Bạn có thể tự định nghĩa sự hoàn hảo theo cách riêng của bạn.