Số lần đọc/download: 1695 / 18
Cập nhật: 2015-10-23 08:23:10 +0700
Chương 41 - Hủ hoá ơ
N
ăm ấy tôi quãng mười bốn, mười lăm, ra Hà Nội chơi. Lúc đó tôi còn trẻ con và quê mùa lắm. Nhìn Hà Nội cái gì cũng lạ. Một buổi trưa, tôi đang lơ mơ, chợt nghe tiếng rao vòng vọng ngoài phố. Thấy lạ, ngỏng tai lên nghe, đúng, tôi không nghe nhầm:
- Hủ hoá ơ!
Lạ thật. Ở quê cái chuyện này nghiêm trọng lắm. Người ta chỉ dám thầm thì rỉ tai nhau. Thỉnh thoảng tôi nghe trộm được bố mẹ to nhỏ kháo nhau, ông này, bà kia hủ hoá với nhau. Những chuyện này là tày đình. Thế mà ra Hà Nội, người ta công khai rao giữa phố phường. Kìa, lại nữa:
- Hủ hoá ơ!
Tận đến khi kẻ rao dạo kia đến trước nhà, tôi mới hay rằng, mình nghe nhầm. Người ta rao, chữa khóa ơ!
Theo định nghĩa từ điển Hán Việt của cụ Đào Duy Anh thì hủ hoá, nghĩa là hoá ra hủ bại. Còn một thời ta hay dùng theo nghĩa đàn ông và đàn bà quan hệ bất chính với nhau, tức là thông dâm. Một thời, hủ hoá là một trong những loại tội nặng, chỉ sau tội phản động. Hủ hoá mà rình bắt được quả tang, có khi còn bị giữ nguyên hiện trạng, cứ thế lập biên bản.
Có khi chỉ vì chuyện hủ hoá, nhiều cơ quan, đoàn thể dành cả tuần, cả tháng họp hành, kiểm điểm. Họp kiểm điểm sâu sắc đến mức, người ta bắt cả đôi uyên ương kia tường trình từng ly, từng tý. Lắm khi việc tường thuật sống động quá, người nghe phát ngượng, yêu cầu đương sự đừng mô tả nữa. Một thời gian dài, hủ hoá cướp đi khối cán bộ. Nay, hình như nó bớt đi. Có người bảo, người ta bây giờ bớt dâm, có người bảo, bây giờ vẫn dâm, nhưng do sẵn anh karaoke, nên người ta bớt hủ hoá đi. Chả rõ tin ai.
Về nhà Đài, tôi được một anh chỉ cho biết cái cô hủ hoá và bảo cô được phong đến hàng Dũng sỹ diệt cán bộ. Chuyện này hồi đó làm ra to phe lắm, họp hành và nhiều tổ chức kiểm điểm nữa cơ. Còn một vụ khác, người ta bắt tươi một đôi làm cái việc xấu xa kia ở ngay trụ sở cơ quan. Không rõ họ có để nguyên trạng và trói gô cổ đôi kia lại, lập biên bản không. Hôm đó anh em các phòng ban bỏ cả công việc, nô nức đến tận hiện trường, xem hai kẻ vô văn hoá và đồi truỵ kia, xem cho nó xấu hổ, mà chừa đi.
Tôi từng được nghe câu, phàm những giống gì nuôi đều thịt. Đúng, gà nuôi, thịt; lợn nuôi là thịt. Người nuôi, như em nuôi, cháu nuôi, con nuôi, cũng thịt ư? Thế mà có ông thịt đấy. Cô con nuôi bị ông bố thịt, tôi biết mặt, biết tên, biết phòng. Ông này từng thịt người rồi, mà hay nói đạo đức đáo để, có khi còn lên lớp về đạo đức phi hủ hoá.
Lại có một ông khác ở cơ quan, ông này hủ hoá bằng mắt và anh em đặt luôn tên cho ông ta là Yêu Xô. Cái nhà vệ sinh ở cuối dãy tầng. Tôi phải miêu tả kỹ nó cho mọi người dễ hình dung. Nó được ngăn đôi, một cho nam, một cho nữ. Qua nhà nam mới tới nhà nữ. Trước nhà nữ có bể và vòi nước. Ngày ấy cửa giả còn sơ sài, đứng trước bể nước là nhìn thấy hết phía trong. Thực ra, bể này chỉ để mấy bà dọn vệ sinh lấy nước lau chùi hành lang và sàn nhà, còn bên trong, nhà nào cũng có vòi nước cả.
Buổi trưa sau khi chợp mắt xong, ai chẳng đi vệ sinh. Cái ông Yêu Xô này cũng vậy, nhưng ông ta vốn cẩn thận tính, ngoài rửa mặt ông ta còn đánh răng trưa và rửa ráy nhiều thứ lắm, chải đầu, cạo râu nữa. Rửa nhiều, nên ông ta thửa hẳn cái xô đỏ chót và mang đi cùng. Đã giới thiệu ở trên là nhà nam có vòi nước chảy rồi, nhưng ông ta cứ mang xô ra vòi ở chỗ bể để hứng nước. Nước ngày trước vốn chảy yếu, mà có khi ông này còn vặn cho nó yếu đi. Hứng như thế được đầy xô nước, có mà cả tiếng. Cửa nhà nữ nó cứ hớ hênh, không kín đáo được bên trong.
Có lần một đồng nghiệp nữ ở phòng tôi, mặt đỏ rừng rực, chạy về. Tôi hỏi thì cô ta ngắc ngứ như người phải gió, chẳng nói gì, nhưng vẻ tức và ngượng quá. Tôi nghĩ, hay đồng nghiệp mình bị đứa nào bắt nạt. Gặng hỏi, để nếu có đứa nào, thì tôi đánh cho nó một trận. Mãi sau này, tôi mới nghe vụng được mấy bà, mấy cô xì xầm nhau, họ tức việc cái nhà ông kia, nhòm trộm khi họ đang ấy.
Tức là đúng, nhưng ông ta là quan, lính không dám phản ứng. Cả tầng có mỗi cái nhà nữ, mà ông ta cứ án ngữ cả tiếng, thì ai chịu nổi. Có trưa chính mắt tôi nhìn thấy, khi ông này xách xô đến hứng nước, chị em như vịt từ trong ấy chạy ra. Sau đó, chị em rút kinh nghiệm, chuyển lên tầng khác. Ông này khôn ra phết, cũng biết rút kinh nghiệm, thấy chị em chuyển tầng, ông ta chuyển theo.
Một dạo, ông ta chả duyệt, hay ký cót bài vở gì cả, suốt ngày chỉ xách xô đi hết tầng nọ, tầng kia hứng nước. Nghe nói, có bận lên tầng năm, cửa nhà nữ trên ấy hơi cao, ông này phải kiễng chân lên ngó, ngã, suýt bị gãy chân. May đấy, nó mà rơi từ tầng năm xuống, thì toi đời. Thôi chẳng nói chuyện này nữa, rơ quá, chỉ độc kể lại thôi, người kể đã thấy ngượng, nói chuyện khác đi.
Một chuyến tôi tới công tác tại huyện vùng cao thuộc tỉnh giáp vùng Đông Bắc cũ. Ông chủ tịch huyện rủ sớm hôm sau lên rừng đi săn. Chúng tôi súng ống chuẩn bị sẵn, khoảng bốn giờ sáng đầy đủ trên xe. Xe ra tới cổng uỷ ban huyện, thì vớ ngay hai con chó đang chồm chỗm lên nhau. Dù ánh đèn pha ô tô sáng quắc, dọi vào, chúng vẫn hổn hển hồn nhiên như không. Ông chủ tịch tức quá, văng tục. Gặp chuyện xúi thế này, thì còn săn bắn gì nữa. Chúng tôi đành quay xe về. Đấy, đến súc vật hủ hoá, mà còn xấu và người ta còn kiêng như vậy. Thảo nào….
Trong chuyến công tác ấy, tôi làm việc với một ông cán bộ huyện. Ông này tính nhộn, vui đáo để. Trong bữa rượu hàn huyên do ông tự bỏ tiền ra, lại tiếp ngay tại phòng làm việc của ông, rượu vào lời ra, anh em mang đủ chuyện ra bình. Tôi đã quan sát, thấy phòng làm việc của ông có cái tủ đứng oách hơn phòng mấy anh cán cùng chức như ông, chỉ vào cái tủ, tôi hỏi:
- Hỏi không phải, hàng ngũ chức sắc như anh, sao được phân cái tủ oách vậy.
Nghe tôi hỏi, ông tủm tỉm:
- Cậu có biết, gốc tích cái tủ này là thế nào không? Nó là đồng phạm hai lần lật đổ chủ tịch đấy. Thấy nó xúi quá, ông chủ tịch kế nhiệm, thải nó ra. Thế là mình được hưởng sái.
Cái sái này ban đầu được kê ở phòng ông chủ tịch. Nó ba buồng, to lừng lững, cánh gỗ lát, khung gỗ lim, toàn loại gỗ tốt, gỗ đẹp. Ông chủ tịch huyện có năng lực, tháo vát và thẳng tính, chỉ mỗi tội, hơi máu gái. Bảo trong một huyện, không có mâu thuẫn, không tranh chấp ngôi thứ là không đúng. Có điều, nơi thì công khai, nơi thì ngấm ngầm. Cái huyện này cũng vậy, song sự tranh giành diễn ra ngấm ngầm thôi.
Ông bí thư sẵn ghét vị chủ tịch, vì cái tội ngang ngang, không theo ý ông. Bí thư liền lập mưu và giương ra cái bẫy trai gái. Một cô phục vụ xinh đẹp được bố trí tạp vụ chè nước cho chủ tịch. Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Một chiều thứ bảy trời đột ngột mưa, chủ tịch không về nhà được. Cô phục vụ kia vì cũng vì trời đột ngột mưa, đành ở lại. Tối đến rỗi việc, cô ta xách phích nước lên phục vụ chủ tịch. Uỷ ban tối thứ bảy, trời mưa, nên vắng hoe.
Khung cảnh mời gọi như vậy. Mới đầu họ còn tâm sự tình hình anh em cán bộ ở huyện, sau đến hoàn cảnh riêng tư, rồi chả biết ai trước, ai sau, hai bàn tay họ cứ bện vào nhau. Và những việc kế tiếp khỏi phải kể.
Lúc đôi trai gái đang trong cảnh bồng lai tiên cảnh, thì nổi lên những tiếng đập cửa thình thình. Ông chủ tịch huyện nhà ta đang tồng ngồng cuống cuồng lên, chỉ kịp mặc mỗi cái quần đùi và dúi cô phục vụ kia vào trong tủ. Có mà giấu đằng trời, người ta âm mưu sắp sẵn cả rồi, ba bốn người súng ống kè kè, ùa vào. Cuộc khám xét chớp nhoáng được thực hiện ngay, cho dù ông chủ tịch huyện cương quyết phản đối.
Chưa kịp khám tủ, thì cô nhân viên từ trong tủ tự nhiên tòi ra. Ông chủ tịch hết đường chối cãi. Không thể bảo cô ta đến phục vụ, rồi nhầm đường, bước vào trong đó. Cũng không thể bảo cô ta vào đó dọn tủ. Biên bản viết sẵn, ông chủ tịch chỉ còn việc ký và... mất chức. Rồi ông thứ hai, hoàn cảnh sập bẫy cũng y chang, cũng ân ái mặn nồng và đang lúc lên tiên, cũng đang tồng ngồng thì tiếng đập cửa chan chát và lại cô nhân viên từ trong tủ tự dưng.... tòi ra.
Đến đận, cái tủ tai tiếng quá, ông chủ tịch kế nhiệm không dám dùng. Khi nhậm chức, việc đầu tiên công việc chủ tịch huyện của ông là cho thải loại cái tủ kia đi, nó là thủ phạm làm hủ hoá đến hai đời chủ tịch.
Khoảng hai năm, sau ngày miền Nam giải phóng Bảy lăm, nước ta lúc đó kinh tế rất khó khăn. Trong khi miền Nam đất đai mênh mông, màu mỡ, nên các tỉnh rộ lên phong trào xây dựng kinh tế mới. Thường người ta tổ chức đi tập trung theo xã, theo huyện. Mỗi nơi vài chục, đến cả trăm hộ.
Quê tôi hồi ấy tổ chức đi thành đoàn, có cả cán bộ thị trấn đi cùng. Vùng kinh tế mới là Tây Nguyên. Không rõ làm ăn ra sao, nhưng một, hai năm sau, vọng về nhiều tin đến kinh, trong đó có cả tin hủ hoá.
Mấy cô gái trẻ, có học có hành hẳn hoi, nay đến vùng rừng thiêng nước độc, sau một hồi lao động kinh tế mới, nhòm ra, tương lai chẳng thấy đâu. Nếu muốn phát triển, họ chỉ có con đường học y tá, hay vớ chân kế toán. Nơi hoang vắng này, quyền uy cán bộ to lắm, các ông ấy mà không gật, thì cứ chờ đấy. Muốn họ gật, phải có giá. Một trong những cái giá đó là... hủ hoá. Có mấy cô đành nhắm mắt đồng ý hủ hoá để thoát thân.
Chuyện gì thì giấu được, chứ chuyện này, nó vòng vọng về quê. Đến mức, có gia đình, con gái bị mấy ông cán bộ kia hủ hoá cho, tức quá tuyên bố, cái thằng ấy mà về đây, thì.... bố thiến.
Doạ đấy thôi, giết được ai đâu. Vài năm sau, vẫn thấy ông cán bộ kia về thăm quê. Ông ta còn mang theo cái sản phẩm hủ hoá về cùng, đứa trẻ đến mấy tuổi. Lúc này, kẻ hủ hoá lại thành chàng rể, có ông bố vợ nào đang tâm đánh, giết rể đâu, dù chàng rể đã ngang tuổi bố vợ và từng hủ hoá với con gái mình. Chỉ có cô con gái nước mặt sậm sùi!
Hồi ở trường, lớp tôi có đôi yêu nhau. Dịp ấy là nghỉ hè, sinh viên phải đến trường trực bảo vệ một ngày. Đôi kia đăng ký lịch trực giáp nhau và cùng có mặt ở ký túc xá. Hôm đó thày Phó khoa đi kiểm tra, thấy phòng trực không có ai, nhìn danh sách, thày biết mặt và biết phòng ký túc của anh chàng trực hôm đó, liền chạy xuống phòng anh ta tìm. Khi thày gõ cửa và bước vào phòng, thì hai cô cậu đang âu yếm nhau quá. Thày quay ra. Anh chàng kia hoảng loạn, chỉ kịp mặc quần áo và vội vã chạy ra, lắp bắp xin lỗi thày. Thày bảo, thày có lỗi gì đâu mà xin và nhắc anh chàng kia rút kinh nghiệm. Anh chàng sướng quá, cảm ơn thày rồi rít, hứa sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm, không bao giờ dám thế nữa. Không biết anh chàng rút kinh nghiệm được những gì và không bao giờ dám thế nữa. Chỉ biết đôi này phải tổ chức cưới ngay trong trường và sinh con đúng vào thời kỳ làm luận văn tốt nghiệp. Giờ vợ chồng họ sống ở Thanh Hoá.