Số lần đọc/download: 3530 / 82
Cập nhật: 2016-03-03 14:02:26 +0700
Giai Thoại 38: Lê Long Đĩnh Gặp May
S
au một thời gian chém giết người ruột thịt chẳng chút ghê tay, Lê Long Đĩnh đã chiếm được ngôi vua. Cuộc chém giết khủng khiếp này, chẳng những người trong nước đều biết mà cả nhà Tống bên Trung Quốc cũng hay. Bọn quan lại ở vùng biên ải phía Nam của Trung Quốc đã dâng thư về triều, thúc giục vua Tống nhanh chóng lợi dụng cơ hội thuận tiện này đề xuất quân sang đánh chiếm nước ta, nhưng vua Tống đã không chấp thuận. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyền 1, tờ 27 - b và tờ 28 - b) chép chuyện này như sau:
"Mùa hạ, tháng sáu (năm Bính Ngọ, 1006 - NKT) quan Tri Châu của Quảng Châu (Trung Quốc - NKT) là Lăng Sách dâng thư về triều Tống, nói rằng:
- Nay, Giao Chỉ (chỉ nước ta - NKT) đang có loạn, vậy xin cho thần cùng với quan giữ chức Duyên Biên An Phủ Sứ là Thiệu Việp, được bàn tính kế sách để dâng lên. Bọn thần dựa theo lời của Hoàng Khánh Tập, kẻ cầm đầu hơn ngàn người ở Giao Chỉ, đã theo về và nay được quan ở Liêm Châu (thuộc Trung Quốc - NKT) dẫn đến, nói rằng: các con của Nam Bình vương (chỉ tước vị của Lê Hoàn - NKT) mỗi người đặt trại sách phân tán một nơi, quan lại thì lìa tan, nhân dân thì lo sợ, vậy, xin đem quân đến đánh dẹp. Bọn (Hoàng) Khánh Tập sẽ làm tiên phong, xin được hẹn ngày đánh chiếm lấy (nước ta). Nếu triều đình ưng chuẩn lời thỉnh cầu này thì xin lấy quân đang đóng tại các đồn ở những châu thuộc Quảng Nam (tức vùng Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Quốc ngày nay - NKT) và xin thêm năm ngàn quân ở Kinh Hồ (Trung Quốc - NKT) để thủy bộ cùng tiến, nhất định sẽ bình định được ngay.
Vua Tống nói:
- Họ Lê thường sai con sang chầu, góc biển ấy vẫn được yên, chưa từng bất trung, bất thuận. Nay nghe tin (Lê Hoàn) mới mất, chưa có lễ thăm viếng mà đã vội đem quân đánh kẻ đang có tang, đó chẳng phải là việc làm của đấng vương giả.
Nói rồi (vua Tống) xuống chiếu cho bọn (Lăng) Sách tiếp tục vỗ về, cốt sao cho mọi sự được yên lặng. Sau, (Vua Tống) lại sai bọn Thiệu Việp đem thư sang bày tỏ uy đức của Thiên Triều, bảo không nên giết hại lẫn nhau nữa. Nếu anh em cứ giành nhau, không định rõ ngôi thứ thì quân của Thiên Triều sẽ sang hỏi tội, họ Lê nhất định chẳng còn ai sống sót. Vua (Lê Long Đĩnh) sợ, bèn xin cho em sang nạp cống".
Lời bàn:
Bấy giờ, Lê Long Đĩnh đồng thời đứng trước ba đại họa. Một là anh em ruột thịt vẫn chưa chịu ngừng chém giết lẫn nhau, ngôi vua chưa có gì đáng gọi là chắc. Hai là bọn Hoàng Khánh Tập đã cam lòng đi từ chỗ chống nhà vua đến chỗ phản bội đất nước, khiến cho vận mệnh quốc gia đứng trước thử thách thật cam go. Ba là quan biên ải của nhà Tống vốn sẵn dã tâm xâm lược, đến đây lại biết rõ nội tình triều Lê rối ren, ra sức xúi giục triều đình đem quân sang thôn tính. Ba đại họa ấy, đủ để triều đình Lê Long Đĩnh có nguy cơ bị tan rã, xã tắc cũng nhất định sẽ lâm nguy. May thay, vua nhà Tống đã không dám xuất quân. Vua nhà Tống bỗng dưng từ tâm hẳn ra chăng? Một lần bị Lê Hoàn đánh cho đại bại, đủ để vua Tống nghìn lần đắn đo khi toan tính đánh báo thù đó thôi.