Số lần đọc/download: 4507 / 46
Cập nhật: 2017-09-14 22:15:44 +0700
Chương 40 Có Duyên, Ắt Sẽ Gặp
N
hững ngày đầu đông, đợt không khí khi thì tràn về lạnh cóng, lúc bất chợt ửng lên những tia nắng còn sót lại của mùa thu. Thời tiết ẩm ương hệt như tâm trạng em lúc này. Còn chuyện tình của chúng mình lại y như giá rét đầu mùa, mãi chỉ chớm chạm đông.
Vào một ngày trong lòng lại ùa về một nỗi nhớ anh vô cùng, cũng không thể điên lên mà chạy đến bên anh được.
Thế rồi, lại ngậm ngùi nhìn anh qua những bức ảnh được up trên facebook, lòng đầy tủi hờn. Chỉ ước nếu trời cho em thêm một chữ duyên, hẳn em sẽ chạm vào được tình yêu, là anh rồi.
***
Nằm trên giường bực dọc, tôi cố lấy gối bịt tai mình để tránh những tiếng chuông cửa cứ vài phút lại vang lên. Vừa nhắm mắt để cố níu giấc mơ đang còn dở thì lại tiếng chuông nữa, inh ỏi. Tôi bật dậy lê những bước mỏi mệt xuống nhà. Đất nhà ngoại tôi khá rộng được để lại từ thời cụ cố, nên bên cạnh nhà chính bà tôi xây thêm vài phòng trọ cho thuê. Cốt chỉ muốn giúp đỡ những sinh viên nghèo nên giá tiền thuê phòng ở đây rất rẻ, cũng chỉ vừa đủ cho ngoại trả tiền điện nước. Ngoại tôi là người có tấm lòng từ bi vô hạn nên dù gia đình chằng giàu có gì cũng sẵn sàng chia sẻ. Khi thì quả trứng, khi vài quả táo quả vải, lúc là ít lộc đi lễ. Ngoại rất sốt sắng mỗi khi sinh viên thuê trọ bị ốm. Ngoại thấy vui vẻ về việc này, còn tôi lại chẳng mấy quan tâm. Tôi chỉ cảm thấy hết sức khó chịu khi lượng khách tới hỏi thuê phòng trọ mỗi mùa nhập học ngày một nhiều.
Ngán ngẩm nhìn một tốp người đứng trước cửa nhà, tôi xoay ngược tấm biển còn phòng. Ngồi xuống sofa bật to ti vi để át đi tiếng ồn ào phía bên ngoài cửa, rồi tôi ngủ thiếp đi vì mệt.
- Sao tấm biển lại bị quay ngược vào trong nhỉ? Từ sáng tới giờ có ai tới không Tâm?
Tôi mở mắt khi loáng thoáng nghe tiếng nói của ngoại, giật mình đáp:
- Tấm biển ạ! Chắc là do gió. Như thế này này...Vù!...thế là quay ngược tấm bảng. - Vừa nói tôi vừa khua tay múa chân diễn tả.
- Không phải vì con làm sao? - Ngoại hỏi.
Đúng lúc đó có tiếng chuông cửa cứu tôi khỏi những lời giải thích ấp úng dang dở.
- Để cháu ra dẫn người ta vào. - Tôi nhanh nhảu đánh trống lảng.
Anh nhẹ bỏ chiếc ba lô nặng trịch trên vai rồi ngồi xuống ghế. Như bao chàng sinh viên tới đây, tóc cắt chân phương cùng quần áo giản dị, nhìn qua thôi cũng đã biết là tuýp người đầu óc toàn sách vở. Cái gu này tôi không làm sao mà có cảm tình cho nổi. Nhưng với ngoại thì đây chính là chuẩn mực của thanh niên Việt Nam.
- Cháu là Đức. 21 tuổi. Sinh viên năm hai của trường Luật.
Những người tới đây đều kể lể hoàn cảnh của mình một cách thật bi thương với hi vọng được giúp đỡ. Nhưng Đức lại khác. Anh nói vậy rồi ngập ngừng chẳng thể mở lời khi nói về gia đình. Chỉ thoảng trên gương mặt một nét buồn.
Tối đó nằm ôm ngoại, tôi tò mò:
- Mọi khi ngoại dành rất nhiều thời gian để suy nghĩ, đắn đo xem nên chọn ai lắm. Sao lần này lại khác vậy?
- Chắc là cảm giác.
- Cảm giác đáng thương sao?
- Sao con lại nói vậy?
- Chẳng phải những đứa bị bố mẹ bỏ rơi đều hiện lên rõ trên mặt mình hai chữ đáng thương sao ngoại.
Xoay người về phía cửa sổ, tôi tiếp lời:
- Cho dù hàng trăm lần nói rằng con có ngoại và chẳng hề cảm thấy cần sự có mặt của hai người họ. Nhưng mọi người vẫn một mực nghĩ rằng đứa trẻ này thật tội nghiệp.
Chúa ban tôi đến cuộc đời này, và không quên ném cùng tôi đầy rẫy những bất hạnh. Từ bé tôi đã nhận thức được mình như một thứ đồ thừa và phải sống cuộc sống bị đẩy đi đẩy lại từ nhà bố rồi qua nhà mẹ. Sinh ra trong quá trình hôn nhân của họ đổ vỡ vậy nên việc mở mắt chào đời này vốn đã là sự sai lầm của tạo hóa. Bởi vậy mà không biết từ bao giờ mọi người mặc nhiên đã dành cho tôi một sự thương hại. Nhưng họ tuyệt nhiên không hề biết rằng, trong chuỗi đầy rẫy những đau khổ của mình, Chúa Trời còn dành tặng cho tôi một phép màu - là ngoại.
Ngoại đón tôi về sau những ngày chứng kiến cháu gái mình bị ruồng bỏ. Mỗi ngày, ngoại đều ôm rồi nói rằng tôi cũng được yêu thương, và tôi nhất định phải là người thật hạnh phúc. Bởi thế mà tôi đã ngừng oán trách Chúa Trời và học theo ngoại cách cảm ơn ngài mỗi ngày. Chí ít thì mỗi sáng mai thức dậy phép màu của tôi vẫn ở đây, cùng tôi sống vui vẻ ngày qua ngày.
***
Con Huệ cùng năm bảy đứa nữa bỗng chặn đường khi tôi đang đi về. Bởi đã gặp cảnh này nhiều lần nên không lấy gì làm hoảng sợ, tôi bình tĩnh đứng lại. Con Huệ cũng hơn tôi vài tuổi, nó đã chẳng học hành gì từ lâu và chiến tích đánh nhau lại nhất nhì trong vùng này. Lý do để tôi luôn bị nó tìm đến gây gổ, đơn giản bởi nó ghét mẹ tôi. Bố nó là chồng của mẹ tôi bây giờ, vì ở nhà chẳng thể làm gì được nên cách duy nhất có thể trút giận là hành hạ đứa con của bà. Một đứa trẻ không có sự bảo bọc của bố mẹ bản năng sẽ học cách tự bảo vệ mình, tôi cũng không phải ngoại lệ. Những đứa con gái hàng xóm học đàn học hát. Riêng tôi chọn võ - môn học duy nhất khiến tôi bớt đi phần nào cảm giác bất an luôn náu trong mình. Tuy thế một vài đường võ tôi học được cũng chẳng thể đấu lại với lũ năm, sau người bọn chúng. Nên bây giờ mỗi khi gặp bọn con Huệ, tôi chọn cách bình tĩnh, rồi bỏ chạy.
Tôi chạy rất nhanh, vụt qua Đức. Tôi ngoái lại nhìn bởi tiếng người ngã nhào, sau đó là tiếng hét lên của con Huệ:
- Thằng khốn. Mày không có mắt sao? - Con Huệ vừa ôm bên đầu gối đang đẫm máu qua lớp quần bò rách nát vì bị mài xuống mặt đường, vừa lớn tiếng quát.
- Không có mắt, nhưng có thể nhìn thấy cậu, hẳn đang rất đau. Phải không?
- Mày dám đụng đến tao sao? Mày có biết tao là ai không?
Tôi vội chạy lại kéo Đức rồi cùng chạy một mạch về nhà. Đóng cổng, tôi thở hổn hển:
- Rắc rối rồi. Anh có biết nó là ai không?
- À! Chưa kịp nghe thì em đã kéo tôi chạy một mạch rồi. Mà tôi có việc phải làm rồi. Lúc khác tôi sẽ nghe thân phận của cô bé ấy. - Đức ngắt lời tôi và nhận cuộc điện thoại vừa gọi đến.
Anh trai con Huệ từng vào tù nhiều lần. Tuy vào tù nhiều như thế nhưng càng ngày anh ta càng lộng hành hơn. Ở cái vùng này cứ hễ nhắc đến tên anh ta mọi người lại ái ngại. Cũng vì dựa vào anh mìn mà con Huệ chẳng coi ai ra gì. Như anh trai, nó đánh tất cả những ai khiến nó cảm thấy chướng tai gai mắt. Tôi giật mình, có linh cảm không hay từ tin nhắn của số điện thoại lạ. Chết tiệt! Đúng là con Huệ.
Anh tao hẹn thằng đó mười hai giờ. Ở sân bóng công viên. Nếu không ra, sẽ tới tận nhà mày tìm.
***
Tôi lẻn xuống khi ngoại đã ngủ, mở nhẹ cánh cổng sắt để trốn ra ngoài. Màn đêm tĩnh lặng bao phủ lên toàn bộ khu phố. Vừa đi vừa nhìn cái bóng to lớn của mình được ánh sáng đèn cao áp rọi chiếu xuống đường, tôi tự nhủ sẽ ổn thôi. Tôi quyết định đi gặp anh nó để cầu xin rằng chỉ là hiểu nhầm. Có thể chúng sẽ dọa nạt tôi nhưng chí ít cũng không giết chết tôi. Không tưởng tượng nổi nếu Đức gặp chúng, những giọt máu sáng nay của con Huệ không chừng mà đổi bằng cả mạng sống của anh. Tôi múa vài thế võ học được rồi ngắm chúng qua chiếc bóng to lớn dưới lòng đường. Tôi đứng im khi thấy bóng một người con trai đằng sau mình. Mặt cắt không còn hạt máu, tôi đứng im. Anh ta cũng đứng im. Màn đêm im lặng tới nỗi tôi có thể nghe tiếng hoảng sợ đang chạy khắp cơ thể. Rồi đứng chết trân khi hai tay đặt lên vai tôi.
- Mới như thế này mà đã sợ rồi sao?
Tôi thở phào ra một tiếng khi nhận ra giọng của Đức. Nhưng lại luống cuống hỏi:
- Anh đi đâu đấy?
- Kia rồi. - Đức chỉ về phía trước.
- Con bé kia. Mười hai giờ còn dám bỏ nhà đi chơi sao! Về ngay đây! - Tiếng ngoại vừa chạy đến vừa quát lớn.
Tôi nhìn Đức:
- Anh đã mách ngoại sao?
Đức lấy điện thoại trong túi áo khoác của tôi. Anh đọc tin nhắn rồi chạy vụt đi.
- Không được. Anh không thể tới đó được. Bọn chúng sẽ không tha cho anh đâu. - Tôi cố hét lên.
Ngoại kéo tôi về khi định chạy theo Đức. Tôi vừa lắc đầu, vừa khóc:
- Ngoại ơi, không được đâu. Bọn chúng sẽ giết chết Đức mất.
- Người như Đức sẽ không dễ bị bắt nạt đâu.
Tôi trở về và cùng ngoại chờ Đức. Đã một giờ, rồi hai giờ trôi qua. Đi lại quanh cánh cổng cả trăm vòng cũng chưa thấy bóng dáng anh ấy đâu. Ngoại mở cửa rồi khóa lại không cho tôi ra. Bà đi tìm Đức một mình. Nhưng ơn Chúa, đúng lúc đó anh trở về.
- Con không sao chứ?
- Anh không sao chứ?
Cả tôi và ngoại đồng thanh hỏi. Đức nở một nụ cười nhẹ bẫng như chưa có chuyện gì xảy ra:
- Bọn tội phạm thì thường sợ thẩm phán mà.
Ngoại nhìn anh từ đầu tới chân, tôi cũng vậy. Không một vết thương nào, thậm chí là một vết xước nhỏ tí cũng không có.
Nói rồi anh vào phòng. Tôi chạy theo giữ cửa nhìn anh đầy tò mò.
- Muốn vào cùng sao?
- Không! - Tôi giật mình bỏ tay khỏi cánh cửa.
Như thói quen tôi dừng lại khi gặp bọn con Huệ. Chuẩn bị ba chân bốn cẳng chạy đi thì bọn nó vụt qua tôi như chẳng hề có chuyện gì xảy ra. Một rồi hai lần, từ sau đêm hôm đó chúng không bao giờ gây sự với tôi nữa.
- Sao lại dừng lại? Vì còn sợ sao?
- Đúng vậy. Anh có biết đêm hôm đó tôi đã sợ như thế nào không? Sao lại có kiểu con trai gì đi ngáng chân một đứa con gái chứ?
- Trai hay gái đều bình đẳng chịu sự trừng trị khi phạm tội mà. - Đức đừa giỡn.
Ngoại vốn đã có cảm tình với Đức từ đầu, sau đêm ấy lại còn coi Đức như ân nhân vậy. Vốn luôn lo lắng chuyện con Huệ bắt nạt tôi, nên giờ nỗi lo ấy được gạt bỏ ngoại cảm thấy rất mừng. Có món gì ngon ngoại đều đưa tôi mang sang cho Đức. Thỉnh thoảng anh cũng lên nhà ăn cơm cùng hai bà cháu. Tình cảm của chúng tôi vì thế mà trở nên thân thiết hơn rất nhiều. Đức bắt đầu chia sẻ về chuyện gia đình mình. Mẹ anh mất sớm còn bố đang đi khắp nơi để trốn nợ. Cũng vì thế nên những dịp lễ tết anh ở lại cùng hai bà cháu tôi. Một rồi hai năm, cứ thế chẳng biết từ khi nào Đức như người trong gia đình chúng tôi.
Như mọi buổi chiều khác, Đức qua trường cấp ba của tôi. Trên chiếc xe đạp chúng tôi đã đi khắp mọi ngóc ngách của thành phố này. Tôi hiểu rằng sự xuất hiện của Đức có nghĩa là Chúa Trời đã cho tôi thêm một phép màu nữa. Tôi có rất nhiều anh em cùng cha khác mẹ và cùng mẹ khác cha. Nhưng với tôi, chỉ có Đức mới thực sự là anh trai của mình. Những ngày cuối cấp tôi bận rộn với hàng tá bài tập cùng hàng tá những lựa chọn ở trước mắt.
- Em sẽ thi luật. - Tôi tự tin nói khi ngồi sau xe Đức.
- Đã quyết định rồi sao?
- Từ cách đây hai năm. Em đã muốn trờ thành người như anh.
Nhưng em vẫn tò mò không biết chuyện hôm đó là như thế nào?
- Em đã tò mò hai năm rồi, giờ vẫn tò mò sao?
- Dù biết anh sẽ không trả lời, nhưng em thì vẫn chờ.
Đức không bao giờ kể về chuyện xảy ra đêm hôm ấy. Đơn giản anh giải thích rằng chỉ nói một vài câu khiến chúng sợ. Điều đó làm tôi cảm thấy rất tò mò. Chỉ còn vài ngày là tôi bước vào kỳ thi đại học. Suốt thời gian đi học đây hẳn là cuộc thi quan trọng nhất. Đức hẹn tôi ra sân bóng ở công viên.
- Nếu em đậu đại học, anh sẽ cho biết câu trả lời của câu hỏi suốt hai năm qua.
Tôi kết thúc kỳ thi đại học. Cũng là lúc Đức lên đường đi du học. Suốt cả quá trình cố gắng nhiều năm trời cuối cùng Đức cũng thành công trong việc tìm học bổng. Anh được học bổng Thạc sĩ toàn phần hệ Thạc sĩ ở Mỹ. Bà tôi mừng lắm, những ngày ấy bà đi khắp nơi khoe với hàng xóm hệt như anh là cháu bà vậy. Chỉ riêng tôi, chẳng hiểu sao cứ thấy nhói ở trong lòng. Lẽ ra phải vui vẻ mà chúc mừng nhưng tôi lại cảm thấy chẳng sao mà chịu nổi. Suốt cả ngày tôi chỉ ra ra vào vào rồi bực dọc, cáu gắt.
Tôi bực dọc ngồi xuống bàn ăn trong khi Đức và ngoại vẫn tỏ ra hào hứng mà chẳng hề hay biết gì về tâm trạng của tôi.
- Sau này sang đấy, yêu lấy một con bé rồi cố ở lại định cư luôn. Cuộc sống của người ta phát triển. Con ở lại được là bà mừng lắm.
- Lại là măng. Con đã bảo không ăn được măng sao ngoại cứ nấu. Vì anh Đức thích ăn măng sao?Con là cháu ngoại hay anh Đức mới là cháu ngoại vậy? - Tôi cố kiếm chuyện rồi bỏ lên phòng, khóc nức nở.
Tôi nằm lì trong phòng đến tận tối. Tôi ra ngoài, đi lang thang trong ngõ. Lại nhìn bóng dáng to lớn của mình được phản chiếu dưới đường. Tôi thường làm thế để cảm thấy mình cũng mạnh mẽ. Rồi, chiếc bóng to lớn quen thuộc cũng xuất hiện bên cạnh. Tôi biết là Đức, nhưng vẫn bước đi. Hai chúng tôi cứ đi như thế trong im lặng. Sự khó chịu trong lòng khiến tôi chẳng thể mở lời. Đi mãi tới gần sân bóng, tôi mới có thể khó khăn thốt ra một câu:
- Chúng ta có gặp lại nhau nữa không anh?
- Có duyên, ắt sẽ gặp. Nếu là nhân duyên thì dù em có đi tới đâu, dù có đi xa cỡ nào chăng nữa thì anh cũng sẽ tìm được em thôi. Con bé này, nhớ giữ gìn sức khỏe!
***
Chiếc máy bay di chuyển từ từ trên đường băng rồi dần vụt phóng lên trên bầu trời cao vút. Tôi đứng đó hướng ánh mắt nhìn theo chiếc máy bay cứ nhỏ dần, nhỏ dần rồi mất hút vào trong đám mây trời. Ngày nhận được giấy báo đậu đại học, tôi cứ đứng mãi ở sân bóng chờ anh đến. Trời đổ một trận mưa rào, tôi ngồi thụp xuống bật khóc nức nở. Suốt ba năm dài đằng đẵng tôi không nhận bất kì một cuộc điện thoại nào từ Đức. Cuộc đời đầy bất hạnh của tôi cũng chỉ trở nên quý giá khi có ngoại và anh. Tôi hoàn toàn đặt hết sự yêu thương vào hau người. Bởi vậy, việc Đức ra đi, dù đã cố gắng nhưng tôi chẳng thể nào mà quen cho được. Thế nên tôi chọn cách im lặng. Tôi hi vọng sự im lặng của mình có thể khiến Đức nhớ ra rằng anh còn nợ một lời hứa. Ít ra như thế thì tôi có thể mảy may mà hi vọng rồi một ngày Đức sẽ trở về.
Tôi cứ trở người qua lại mà chẳng thể nào ngủ nổi. Chờ bên phòng ngoại tắt điện, tôi lẻn ra ngoài. Ngồi dưới bóng đèn cao áp, như thói quen tôi nhìn bóng mình. Tôi thực sự rất nhớ anh, những kí ức suốt nhiều năm qua dù đã cố gắng nhưng vẫn hiện rõ mồn một trong trí óc. Tôi chống cằm lên đầu gối mình, tay cầm cành cây tô vẽ xuống mặt đường.
- Con bé này! Lớn rồi mà vẫn còn nghịch bẩn thế này sao.
Ngước lên nhìn người con trai với giọng nói quen thuộc ấy. Tôi tỉnh bơ dù trước mặt mình không ai khác chính là anh. Đã nhiều đêm loanh quanh trên con đường này, cũng là nhiều lần tôi ảo tưởng về sự xuất hiện của Đức. Tôi nghĩ, lần này cũng vậy.
- Thấy tôi mà em tỉnh bơ vậy sao?
Kịp định hình lại mọi thứ đang xảy ra, tôi đứng chết lặng. Những giọt nước mắt cứ thế tự nhiên mà chảy dài. Có thể vì nhớ, vì giận và vì tủi hờn nữa. Đức dẫn tôi ra sân bóng, anh nhìn tôi:
- Em có còn tò mò về câu hỏi năm ấy không?
Tò mò về cái gì chứ? Anh là ai vậy? Anh là ai mà phải khiến tôi tò mò về lời nói của anh suốt nhiều năm như thế. Rốt cuộc anh là ai mà ghê gớm tới mức khiến tôi trở nên ngu ngốc mà chờ đợi. Tại sao tôi...
Đức ngắt lời tôi, nghẹn ngào nói lời tỏ tình:
- Tôi sẽ ở bên bảo vệ người con gái này suốt đời. Nên đừng bao giờ đụng đến cô ấy!