Số lần đọc/download: 3179 / 36
Cập nhật: 2016-06-20 20:54:37 +0700
Chương 37: Xe Gắn Máy, Pháp Luật Và Cuộc Sống
N
hớ lại thời kỳ bao cấp, sự khan hiếm đã biến quyền mua nhu yếu phẩm thành một thứ hàng hóa. Loại quyền năng được đóng gói thành tem phiếu và người ta mua bán những thứ tem phiếu này. Hành vi buôn bán tem phiếu (còn được gọi là phe tem phiếu) bị coi là bất hợp pháp. Tuy nhiên, bất hợp pháp chưa chắc đã bất hợp lý. Việc mua bán này vẫn cứ tồn tại cho đến khi tem phiếu biến mất cùng với sự cáo chung của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp.
Những tưởng bóng ma của quá khứ sẽ không bao giờ quay trở lại. Nhưng không, với quyết định mỗi người chỉ được sở hữu một chiếc xe gắn máy và đặc biệt là quyết định “tạm” đình chỉ đăng ký xe gắn máy ở một số quận nội thành của thủ đô Hà Nội, quyền được mua (xe gắn máy) đang biến thành một thứ hàng hóa trở lại. Và đây là một thứ hàng hóa có giá khá đắt so với thu nhập của người dân hiện nay: 2,5-3 triệu đồng/ quyền mua xe máy.
Việc mua bán quyền năng này cũng là bất hợp pháp. (Và cũng chưa chắc đã bất hợp lý). Do nhu cầu đi lại, nhiều người dân sống ở nội thành đang sử dụng 1001 cách để có xe gắn máy trong đó có cách mua lại quyền mua xe. Đối với hiện tượng này, có vẻ như cái cơ quan chức năng hoặc đang chịu bó tay, hoặc đang nhìn qua kẽ tay. Tuy nhiên, nếu bó tay, chính sách hạn chế xe gắn máy sẽ thất bại; nếu nhìn qua kẽ tay, bày đặt ra chuyện cấm đoán, chuyện đình chỉ đăng ký xe gắn máy để làm gì?!
Sự bùng phát của hiện tượng mua bán quyền năng và lách các quy định của chính quyền (đi xe do người khác đứng tên với giấy xác nhận viết tay về việc xe đã được bán cho người đang sử dụng) cho thấy pháp luật và cuộc sống đang xung đột với nhau.
Vấn đề đặt ra là, pháp luật phải làm cho cuộc sống tốt đẹp lên bằng cách điều chỉnh cuộc sống một cách hợp lý và công bằng nhất.