Số lần đọc/download: 3972 / 167
Cập nhật: 2015-11-14 02:34:48 +0700
40. Tôi Nghĩ Ngay Là Hơi Độc – Xyanua Hay Sarin
“T
ôi nghĩ ngay là hơi độc – xyanua hay sarin”
Bác sĩ Toru Saito (sinh năm 1948)
Bác sĩ Saito làm ở Trung tâm Chăm sóc Cấp cứu Bệnh viện Omori của Đại học Tokyo đã hai chục năm nay. Nhân viên của trung tâm này đều là những chuyên gia thứ thiệt. Đó là nơi họ cải tử hoàn sinh, nơi các quyết định nhanh một phần nghìn giây là vô cùng hệ trọng. Trong hầu hết các trường hợp, không có thì giờ để nghĩ “Ta sẽ làm gì đây?” Đó là nơi kinh nghiệm và trực giác của bác sĩ Saito được tận dụng. Hiểu biết của ông về triệu chứng ở bệnh nhân đầy đủ như một cuốn bách khoa toàn thư vậy.
Với nền tảng như thế, ông nói khúc chiết, rõ ràng và có uy lực. Nhìn ông làm việc quả là vô cùng ấn tượng: chính làm việc hàng ngày không một lúc nghỉ ngơi đã xoa dịu thần kinh ông. Tôi cảm ơn ông đã có thể bớt thì giờ ở trong thời gian biểu bận rộn của mình đã tiếp chuyện tôi.
o O o
Tôi là một chuyên gia về hệ tuần hoàn ở Khu Nội trú Y khoa số 2. Do đó nhiệm vụ của tôi ở Trung tâm Chăm sóc Cấp cứu chủ yếu liên quan đến van động mạch và các bất thường của tim. Trung tâm đây đã tập hợp được một kíp khá đặc biệt các bác sĩ kỳ cựu từ các khoa của mấy bệnh viện khác nhau. Tổng cộng có khoảng hai chục bác sĩ luân phiên nhau trực 24/24.
Trước hôm bị đánh hơi độc, tôi đang trong ca giám sát, có trách nhiệm trông nom các hoạt động của bệnh viện. Ca giám sát ngày Chủ nhật là từ chín giờ tối Chủ nhật đến 9 giờ sáng thứ Hai. Nói chung ban ngày tôi ở khu 2 để khám cho bệnh nhân. Sáng hôm ấy, tôi đang ngồi trong phòng nghỉ của bác sĩ xem tivi với một cốc mỳ ăn liền làm điểm tâm. Các tin tức đầu tiên đến lúc 8 giờ 15: “Hơi độc ở ga Kasumigaseki. Thương vong nặng nề.” “Cái gì vậy?” tôi nghĩ. Tôi nghĩ ngay là hơi độc – xyanua hay sarin.
MURAKAMI:Thế ông không nghĩ đến các ống ga thành phố hay các thứ hơi ga nào khác hay sao?
Trong một ga xe điện ngầm thì khó có khả năng ấy lắm. Ngay từ đầu tôi đã nghĩ là nhất định phải có dính đến tội phạm. Từ vụ Matsumoto người ta đã bàn tán có thể đúng là Aum gây ra cho nên hầu như tất cả tự động kết nối: “Hơi độc – tội phạm – Aum – sarin hay xyanua.”
Xem chừng nạn nhân sẽ được mang đến bệnh viện chúng tôi nên tôi nghĩ tốt nhất là chúng tôi chuẩn bị sẽ phải đối phó với xyanua hoặc sarin. Với hơi độc xyanua chúng tôi luôn có sẵn bộ thiết bị chữa chạy. Nhưng với sarin thì có hai phương thuốc – atropine và 2-Pam – cả hai loại thuốc này chúng tôi đều đã dùng đến trước đây[23].
Đúng là cho đến tận vụ Matsumoto chúng tôi hầu như không biết gì về sarin cả. Tôi không có nhu cầu cập nhật một vũ khí quân sự chuyên nghiệp đến thế. Nhưng ở vụ Matsumoto đã có các triệu chứng như cholinesterase huyết thấp và co đồng tử rõ rệt, đủ để các bác sĩ chúng tôi nghĩ chắc chắn đó là do vài loại hợp chất gốc phốt phát hữu cơ gây ra.
Đến nay, hợp chất phốt phát hữu cơ đã được dùng từ lâu trong phân bón, thuốc trừ sâu, và đôi khi người ta còn ăn để tự sát. Trong hai chục năm ở đây tôi đã chữa trị khoảng mười ca nhiễm độc phốt phát. Nói đơn giản thì sarin là hợp chất phốt phát ở dạng hơi.
MURAKAMI:Vậy có phải khi nuốt phải phân bón phốt phát hữu cơ hay hơi sarin thì mức cholinesterase huyết sẽ hạ như nhau và đồng tử sẽ co lại ở mức độ như nhau không?
Triệu chứng y hệt nhau. Nhưng cho đến nay, các hóa chất nông nghiệp đều là lỏng, thường không bốc hơi. Chính vì thế chúng ta mới xịt được nó vào hoa hồng và các thứ chứ. Do sarin rốt cuộc là một phốt phát hữu cơ ở dạng hơi nên các bác sĩ ở Trung tâm Chăm sóc Cấp cứu chúng tôi biết rằng về cơ bản có thể lấy cách chữa trị các ca nhiễm độc phốt phát sinh học mà áp dụng cho các ca nhiễm độc sarin. Chúng tôi phát hiện ra điều này nhờ vụ Matsumoto.
Atropin được dùng với các ca mạch chậm hay làm một chất chuẩn bị gây mê, cho nên phần lớn các bệnh viện vẫn dùng nó trong cả cấp cứu lẫn bệnh nhân ngoại trú. Còn 2-Pam là một biệt dược giải độc phốt phát hữu cơ. Khoa dược có thể đã có dự trữ một ít thứ đó.
Khi vụ đánh hơi độc lên tivi thì đã có một vài cuộc tranh luận rằng đó là sarin hay xyanua. Lúc ấy trong phòng có mấy bác sĩ thực tập nội trú, tôi đã bảo họ, “Tìm hiểu thêm chút ít về sarin đi.” Thật ra trong các giờ giảng về độc học của tôi ở trường đại học, chúng tôi đã từng nghiên cứu vụ Matsumoto. Chúng tôi từng tập hợp các cảnh trong chương trình tin tức rồi ghép lại thành một đoạn video dài mười phút làm tài liệu hỗ trợ giảng dạy, nên tôi đã bảo họ, “Xem cái băng kia đi. Và các bác sĩ thực tập đã hiểu ngay điều tôi muốn nói. “Bây giờ các anh đã hiểu về sarin rồi đấy. Nếu không phải là sarin thì đây là các bộ thiết bị phòng chữa trị nhiễm độc xyanua.” Vậy là chúng tôi chuẩn bị và chờ nạn nhân đến.
Vào khoảng 9 rưỡi, tivi đưa tin Sở Cứu hỏa Tokyo đã tìm ra acetonitrile. Sở Cứu hỏa có một xe chuyên dụng của Đội Cảnh sát Hóa chất để dò tìm hơi độc tại hiện trường. Báo cáo của họ cho thấy acetonitrile, và đó là một hợp chất hydroxyanua – xyanua.
Đường dây nóng của chúng tôi nhận được một cuộc điện thoại: “Xin chuẩn bị nhận một nạn nhân từ tàu điện ngầm.” Vậy là chúng tôi đã chờ ở khu Cấp cứu với bộ thiết bị sẵn sàng điều trị nhiễm độc xyanua. 10 giờ 45 thì họ mang người bệnh vào. Đồng tử ông ta co lại, bản thân ông ta đang trong tình trạng hôn mê khá nghiêm trọng. Bị cấu thì ông ta cựa mình, còn ngoài ra không phản ứng. Nếu đây là xyanua thì sẽ có cái gọi là nhiễm acid huyết: máu có acid. Máu có acid là dấu hiệu của nhiễm xyanua, nhưng co đồng tử lại là triệu chứng của sarin. Đây là điểm mấu chốt để phân biệt hai cái.
Xét nghiệm máu không thấy nhiễm acid. Phản xạ đang giảm xuống. Hoàn toàn là triệu chứng của nhiễm độc sarin. Ai cũng lắc đầu: “Bác sĩ, đúng là sarin rồi.” “Vâng, xem ra là sarin nhưng vừa nãy tin tức đưa lại nói là acetonitrile. Chúng ta hãy thử một nửa bộ thiết bị điều trị nhiễm độc xyanua cho chắc đã.”
Khoảng ba chục phút sau người bệnh khôi phục dần ý thức cho nên chúng tôi nghĩ bộ thiết bị điều trị xyanua đã có tác dụng. Sau khi tiêm, tình hình sức khỏe của ông ta cải thiện rất nhiều. Chúng tôi không hiểu lắm. Tôi đoán là bọn gây ác đã trộn acetonitrile vào sarin nhằm làm chậm quá trình bốc hơi, để chúng có thời gian chạy thoát. Sarin thuần túy sẽ bốc hơi quá nhanh nên rất có khả năng chúng sẽ nhiễm độc chết ngay tức khắc.
Vào khoảng 11 giờ, sở cảnh sát xác nhận nó là sarin. Lại một lần nữa tôi biết điều này qua tivi. Có ai nghĩ đến việc liên hệ với chúng tôi không? Không, im lặng. Tất cả thông tin của chúng tôi đều đến từ tivi. Nhưng lúc đó, tất cả bệnh nhân đều mang các triệu chứng liên quan đến sarin cho nên chúng tôi đã sẵn sàng dùng atropine.
Vào lúc đó Trường Y thuộc Đại học Shinshu gọi chúng tôi. Đây là vị bác sĩ đã chữa trị cho các bệnh nhân vụ Matsumoto. Ông đã lần lượt gọi tất cả các trung tâm chăm sóc cấp cứu và bệnh viện ở Tokyo mà nói, “Nếu các ông muốn, chúng tôi sẽ fax dữ liệu về chữa trị sarin cho các ông.” “Xin hãy gửi gấp!” và các tờ fax cứ thế chất đống.
Xem dữ liệu, chúng tôi biết được rằng điều quan trọng nhất là làm sao phân biệt được những người bệnh cần phải nằm viện và những người không cần. Không có kinh nghiệm trực tiếp, chúng tôi thiếu căn cứ thực tiễn để ra quyết định. Theo các dữ liệu được gửi tới, những bệnh nhân bị co đồng tử nhưng vẫn đi được, nói được thì không cần nằm viện. Người mà mức cholinestera bình thường thì không cần điều trị ngay. Những thông tin ấy thật hữu ích. Nếu như ai đến chúng tôi cũng phải nhận cho nằm viện thì thật sự là rắc rối to.
MURAKAMI:Ông có thể giải thích ngắn gọn về cholinesterase được không?
Nếu ông muốn vận động một cơ bắp, đầu cuối dây thần kinh sẽ phát đi một lệnh cho các tế bào cơ, lệnh này dưới dạng một hóa chất, acetylcholine. Nó là viên sứ giả. Khi nhận được lệnh, các cơ bắp sẽ vận động, co lại. Sau khi co thì enzim cholinesterase được dùng để trung hòa cái thông điệp mà acetylcholine đã phát đi, việc này là để chuẩn bị cho hành động tiếp theo. Cứ truyền và ngắt như thế.
Nhưng khi cholinesterase cạn thì thông điệp acetylcholine sẽ có tác dụng mãi và các cơ bắp thế là cứ co. Cơ bắp làm việc bằng cách liên tục co duỗi, cho nên khi cơ bắp chỉ co thì chúng ta sẽ không cử động được. Ở mắt thì điều này biểu hiện ra bằng hiện tượng co đồng tử.
Các thư fax từ Matsumoto bảo chúng tôi rằng cholinesterase ở mức 200 hay thấp hơn thì có nghĩa là người bệnh cần được nằm viện. Thông thường, sau mấy ngày những người này sẽ bình phục hoàn toàn và ra viện. Nếu mức cholinesterase không xuống quá thấp thì sẽ không có chuyện bại liệt. Ngay cả trong những bệnh nhân ngoại trú của chúng tôi cũng có những người mà các chỉ số đang đi xuống nhưng xem ra vẫn ổn. Hiện tượng co đồng tử có thể kéo dài thêm ba hay bốn ngày nữa nhưng hô hấp không bị liệt.
Phần lớn những người bị thương nghiêm trọng lấy lại được ý thức trong vòng một ngày. Những người không thể cứu sống là những người mà tim hay phổi đã ngừng hoạt động trước khi họ đến bệnh viện. Hoặc là thế hoặc là khi đến bệnh viện người ta kích tim bằng máy để tim đập trở lại, nhưng kết quả chỉ là sống “thực vật”.
MURAKAMI:Sở Cứu hỏa hay cảnh sát có cung cấp thông tin điều trị nào không? Với các triệu chứng xa lạ như thế, người ta thường nghĩ rằng phát đi qua phát thanh truyền hình các hướng dẫn y tế được thống nhất từ một nguồn chung là cách nhanh nhất để thông tin đến được với đa số người dân.
Không, không có một thứ gì thuộc kiểu ấy đến ngay sau vụ việc. Có một bản tin của Cục Y tế Tokyo lúc xẩm tối, khoảng 5 giờ (lôi ra một hồ sơ, đọc): “Chúng tôi đánh giá cao việc chăm sóc người bệnh của sự cố sáng hôm ấy. Chúng tôi đã nhận được một vài thông tin liên quan đến sarin. Sarin là một… vân vân… vân vân…” Lúc cái này đến, chúng tôi ít nhiều đã xử lý được tình hình. Những người duy nhất liên hệ với chúng tôi và gửi cho chúng tôi thông tin cần thiết là Trường Y thuộc Đại học Shinshu. Cái đó thật sự giúp ích thiết thực cho chúng tôi.
MURAKAMI:Vậy thì có vẻ như là mỗi kíp bác sĩ, mỗi bệnh viện đều đã được bảo, “Các bạn hãy tự lo”?
À, vâng, là thế đấy. Kiến thức về sarin không đầy đủ. Thí dụ, ở một bệnh viện bác sĩ và y tá đang khám và điều trị cho bệnh nhân thì cảm thấy chóng mặt. Bởi quần áo của họ bị thấm sarin. Họ trở thành những nạn nhân gián tiếp. Ngay đến chúng tôi cũng không để ý rằng trước tiên nên yêu cầu người bệnh cởi quần áo ra. Đúng là chúng tôi thậm chí còn không hề nghĩ tới chuyện ấy.
“Ở Nhật không có hệ thống xử lý thảm họa lớn một cách tức thời và hiệu quả”
Tiến sĩ Nobuo Yanagisawa (sinh 1935)
Hiệu trưởng Trường Y, đại học Shinshu, quận Nagano
Ngày 20 tháng Ba, khi xảy ra vụ đánh hơi độc, trên thực tế là ngày trao bằng tốt nghiệp ở Đại học Shinshu chúng tôi. Là lãnh đạo, tôi buộc phải dự các buổi lễ hội và đã ăn mặc đặc biệt cho dịp đó. Hôm ấy tôi còn có một cuộc họp của Ủy ban Tuyển sinh cho nên tôi đã lên kế hoạch tuyệt đối không làm gì nữa cả. Đúng là trong cái rủi cũng có cái may.
Một chuyện khác: tôi đã nghiên cứu vụ Matsumoto và biên soạn tài liệu công bố kết quả, và hôm đó [20 tháng Ba] cũng là ngày tôi dự định sẽ xuất bản tài liệu này. Mọi chuyện diễn ra tình cờ như thế đấy.
Sáng hôm đó, một phóng viên của Nhật báo Tin tức Shinano gọi cho thư ký tôi nói, “Có chuyện lạ xảy ra ở Tokyo. Hình như giống kiểu vụ sarin Matsumoto.” Tôi nhận được tin này vào khoảng 9 giờ. “Giờ thì sao đây?” tôi nghĩ và mở tivi, tất cả các nạn nhân hình như đều nói đến triệu chứng cấp tính của nhiễm độc phốt phát hữu cơ: mắt đau, chảy nước mắt, nhìn lóa, chảy mũi, nôn… các thứ kiểu như vậy. Nhưng chưa đủ để bảo sarin là nguyên nhân được.
Nhưng một nạn nhân đã báo cáo có hiện tượng co đồng tử. Người này đến trước camera nói, “Khi tôi soi gương, mắt tôi thấy bé quá.” Tất cả các triệu chứng này cộng lại dẫn tới hiện tượng nhiễm độc phốt phát hữu cơ. Vì mọi người đi xe điện ngầm đều báo cáo các triệu chứng nhanh và dữ như thế cho nên đó phải là do hơi độc. Và vì ngày nay người ta đã sử dụng hợp chất phốt phát hữu cơ cho vào vũ khí hóa học nên hơi độc đó chỉ có thể là sarin, soman, tabun, dòng hợp chất ấy. Giống như ở vụ Matsumoto.
Vào lúc tôi mở tivi, hơn một nghìn người đã được đưa đến Bệnh viện Thánh Luke. Tôi biết ngay là nhân viên ở đó hẳn phải bận lút đầu, có thể còn bấn loạn cả lên nữa kia. Và điều đó khiến tôi thấy lo.
Bản thân chúng tôi cũng đã thực sự cuống cuồng khi xảy ra vụ ở Matsumoto. Cứ nhìn tất cả những người bệnh vào viện với các triệu chứng không rõ nguyên nhân mà xem. Chúng tôi đã đoán là trúng độc phốt phát hữu cơ và điều trị theo hướng đó; nhưng trong chúng tôi không ai nghĩ tí ti nào rằng đó là sarin.
Tôi lập tức gọi hai bác sĩ ở khoa Bệnh học Thần kinh và Cấp cứu, bảo liên hệ với Bệnh viện Thánh Luke cùng bất cứ bệnh viện nào chúng tôi cho là đã tiếp nhận những người bệnh như thế. Chúng tôi gửi fax đến cho từng bệnh viện mà tivi nói đến để thông tin: “Điều trị với sulfuric atropine và 2-Pam làm chất giải độc, vân vân…”
Đầu tiên, tôi gọi tới Thánh Luke. Đó là quãng giữa 9 giờ 10 và 9 giờ rưỡi. Gọi cố định không được nhưng tôi cố xoay xở liên lạc thẳng bằng di động của mình. “Cho tôi gặp người phụ trách Cấp cứu,” tôi bảo, rồi nói vắn tắt. “Làm thế này thế này để điều trị cho các ca của ông.” Rồi tôi bảo họ sẽ gửi fax hướng dẫn chi tiết hơn tới. Thông thường tôi sẽ phải thông báo rõ mọi chuyện cho lãnh đạo bệnh viện trước nhưng tôi nghĩ nói trực tiếp với các bác sĩ đang ở phòng bệnh thì sẽ nhanh hơn. Nhưng đã xảy ra nhầm lẫn ở khâu nào đó. Sau khi tôi nghe một người ở Bệnh viện Thánh Luke nói họ đã sục sạo thư viện cho tới tận 11 giờ trưa để cố xác định độc tố.
Tầm 10 giờ chúng tôi bắt đầu gửi fax. Tôi vẫn phải dự lễ trao bằng tốt nghiệp cho nên tôi để hai bác sĩ ở khoa Bệnh học Thần Kinh và Cấp cứu phụ trách rồi đi. Ở trên bàn làm việc của tôi đã để sẵn bản in thử cuối cùng của Báo cáo về sự cố sarin Matsumoto trong đó có vạch ra các triệu chứng, chẩn đoán và điều trị khi nhiễm độc hơi sarin, cho nên họ chỉ việc fax đi. Hồi tưởng lại, tôi cứ nghĩ may mà chúng tôi lại có được trong tay tài liệu ấy. Nhưng có quá nhiều trang, lại quá nhiều nơi phải gửi đến, nên mất công ghê gớm.
Trong một thảm họa quy mô lớn thì điều quan trọng nhất là phải phân loại: sắp xếp những thứ tự ưu tiên trong số những người bệnh sẽ được điều trị. Trong vụ đánh hơi độc Tokyo, nhiều ca nghiêm trọng cần được điều trị trước, còn những người nhẹ hơn thì để cho họ tự lo rồi cùng với thời gian sẽ tự nhiên khỏi. Nếu ai đến mà bác sĩ cũng điều trị, theo thứ tự ai đến trước điều trị trước thì có thể nhiều mạng người sẽ bị mất. Nếu ông không nắm tốt được tình hình mà ai đi vào cũng kêu la, “Tôi không thấy gì cả!” thì toàn bộ cảnh tượng này sẽ có thể dễ dàng dẫn đến hoảng loạn.
Tình thế tiến thoái lưỡng nan của bác sĩ là phải quyết định ưu tiên ai: người không thở được hay người không nhìn được? Các phán đoán khó khăn thường đến liền với tình huống nguy hiểm. Đối với người làm bác sĩ thì đây là điều gay nhất.
MURAKAMI:Liệu có cái gì kiểu như sổ tay thực hành về những việc cần làm trong một thảm họa quy mô lớn, một sách hướng dẫn mà tất cả các bác sĩ có thể tham chiếu được không?
Không, không có cái gì giống như thế cả. Ngay cả với chúng tôi, khi xảy ra vụ Matsumoto, chúng tôi cũng gần như không biết là mình phải làm gì nữa.
Buổi trưa lúc tôi trở lại, chỗ nào cũng điện thoại réo. Bệnh viện ở khắp trong vùng gọi đến yêu cầu, “Gửi cả thông tin cho chúng tôi nữa!” Ý tôi là hàng trăm cơ sở y tế đều đang có các nạn nhân sarin. Cả ngày hôm ấy là một cơn bát nháo. Chúng tôi gửi fax không ngơi tay.
Nếu là một ngày bình thường không có lễ trao bằng, thì tôi sẽ bị ngập đến cổ với công việc ở bệnh viện, từ 8 rưỡi sáng thông luôn, hết việc này đến việc khác đè lên đầu. Dù có ai bảo: “Có chuyện lạ đang xảy ra ở Tokyo” thì cũng phải tới giờ ăn trưa tôi mới có thì giờ xem tivi. Nếu vậy chắc chúng tôi sẽ không có khả năng phản ứng nhanh đến thế đâu. Đây chính là một trùng hợp may mắn, may mắn lắm.
Thật ra việc làm hiệu nghiệm nhất là liên lạc với sở chữa cháy rồi để họ phổ biến thông tin đi khắp nơi. Đúng, chúng tôi đã cố liên hệ với sở chữa cháy nhưng các cuộc gọi đều không thông.
Bài học lớn nhất chúng tôi nhận được từ vụ đánh hơi độc Tokyo và sự cố Matsumoto là khi một vụ việc lớn xảy ra, dù các đơn vị sở tại có nhanh chóng phản ứng song bức tranh toàn cục vẫn là vô vọng. Ở Nhật không có hệ thống xử lý thảm họa lớn một cách tức thời và hiệu quả. Không có hệ thống chỉ huy rành rọt. Vụ động đất ở Kobe cũng hệt như vậy.
Trong cả hai vụ hơi độc ở Tokyo lẫn sự cố Matsumoto, tôi cho rằng các tổ chức y tế đã phản ứng cực kỳ tốt. Y tế nhân dân cũng rất hiệu quả. Họ đáng được ca ngợi. Như một chuyên gia Mỹ đã nói, có những năm nghìn nạn nhân sarin mà chỉ chết có mười hai thì quả là thần kỳ. Tất cả là nhờ ở nỗ lực phi thường của các đơn vị cơ sở vì lẽ mạng lưới cấp cứu tổng thể đã hóa ra vô dụng.
Chúng tôi đã gửi fax cho ít nhất ba chục cơ sở y tế. Chương trình tin tức 7 giờ sáng hôm sau báo cho biết bảy chục người đã bị thương nghiêm trọng. Với trúng độc sarin, vấn đề là nếu như được điều trị thích đáng thì ngay cả những ca thực sự nghiêm trọng cũng vẫn có thể bình phục sau vài giờ. Biết cách làm có thể tạo nên sự khác biệt to lớn.
Tôi thực sự nghĩ rằng mình phải tham gia cho nên tôi gọi Sở Y tế Tokyo nhưng không ai trả lời. Lúc tôi gọi được thì đã là sau 8 rưỡi. Người cầm máy lên nói gì đó đại khái như, “A, được, tất cả chúng ta đều có việc phải làm của riêng mình mà.” – nói thế là nghĩa làm sao?
Sở chữa cháy có lẽ đã phải nhanh hơn trong việc có mặt tại hiện trường, điều hành toàn bộ tình hình rồi bố trí các kíp phân loại nạn nhân để đưa ra các chỉ dẫn chính xác. Như thế anh em ở trên xe cứu thương cũng có thể đối phó được ngay tại trận. Và có lẽ các tốp bác sĩ cấp cứu cũng nên đi cùng với họ. Nếu ông muốn chấm dứt hoảng loạn của dân thì can thiệp tích cực từ phía y tế là điều quyết định.
Hoàn toàn thật thà mà nói, cứ cái kiểu xưa nay vẫn thế với dân bác sĩ chúng tôi ở Nhật, thì gần như không thể tưởng tượng nổi rằng sẽ có một bác sĩ nào đó chịu vi phạm kỷ luật để gửi thông tin đến cho bệnh nhân dù họ không yêu cầu. Ý nghĩ đầu tiên của mọi bác sĩ là đừng bao giờ nói quá nhiều, đừng bao giờ giẫm vào chỗ của người khác.
Nhưng với vụ đánh hơi độc, tôi còn có những động cơ khác nữa. Một trong bảy người bị chết trong vụ Matsumoto là một sinh viên y ở Đại học Shinshu đây. Một nữ sinh viên cực kỳ xuất sắc, người có quyền được có mặt ở đây trong lễ trao bằng tốt nghiệp hôm nay. Thực tế đơn giản ấy đã khiến tôi làm điều đó.