Số lần đọc/download: 2559 / 89
Cập nhật: 2015-08-18 16:19:01 +0700
Chương 16: Cữu Hoa Sơn
C
ửu Hoa sơn nằm trong địa phận tỉnh An Huy, cách Vũ Hồ khoảng 160km về phía tây nam, đường đi đến đó rất khó khăn. Cửu Hoa sơn không được nhiều người biết đến, có khi trong bản đồ cũng không thấy ghi, nhưng đó là một đạo trường quan trọng của Phật giáo Trung Quốc, là trú xứ của Địa Tạng bồ-tát.
Tôi đến Cửu Hoa bằng đường núi đi từ Hoàng sơn, xuyên những dãy núi trồng toàn trà. Trên những sườn non này người ta không còn thấy bóng dáng du khách, dân cư thưa thớt. Đây là những rẻo cao với nước sông khe suối trong vắt như ngọc, khí trời dịu mát và khắp nơi là những cụm trà tròn nhỏ, cây lá li ti nằm bên nhau ngút ngàn đón nắng. Những cụm trà này sống trên sườn non, chúng có thể sống trên độ cao tới 2000m. Chúng sẽ cho những đọt trà non, có khi người ta hái cả cành ngọn.
Trên Hoàng sơn và vùng núi Cửu Hoa, tôi thấy từng bao bố đựng trà, đó là loại trà "xanh", các cọng trà dài khoảng 1cm, nhìn qua như cỏ khô vô giá trị. Sản phẩm của trà thì không thể kể hết, nhưng tại Trung Quốc tôi biết thế nào là mùi vị trà xanh. Đó là loại trà không ướp bất cứ một loại thảo mộc, hoa cỏ gì khác, nó giữ nguyên dạng của trà, giữ nguyên mùi vị của đất trời mà nó thu nhận.
Đi trên vùng núi rừng Chiết Giang này thì làm sao tôi quên được Lục Vũ. Ông sống trong đời Đường, là người sành pha trà, uống trà tới mức xuất thần nhập hóa, được tôn là "Trà thánh". Oâng vốn là một đứa trẻ bị bỏ rơi, được một vị hòa thượng tên là Trí Tích đem về chùa nuôi dưỡng. Vị hòa thượng này thực hành trà đạo nên từ nhỏ Lục Vũ đã pha trà cho sư phụ. Nhà vua Đường Đại Tông nghe danh Trí Tích sành uống trà, cho vời vào cung, sai cao thủ trà đạo pha một ấm trà để ông thưởng thức. Vị hòa thượng lắc đầu chê "không ngon".
Nhà vua ngầm gọi Lục Vũ vào kinh, bảo pha một ấm khác, đem tới cho Trí Tích. Trí Tích gật gù khen: "Lần này pha trà không dở, không thua học trò ta là Lục Vũ". Về sau, Lục Vũ rời chùa, đi du lãm vùng hạ lưu Trường Giang này, bổ sung tri thức và kinh nghiệm về trà để trước tác bộ "Trà kinh" gồm 3 quyển, 10 chương. Tập kinh này trình bày từ cách hái trà, sao trà, nấu nước đến cách pha trà, uống trà hết sức tinh vi sâu sắc. Cuối đời, Lục Vũ về Hồ Châu tại Chiết Giang ở ẩn. Phải chăng những rẻo cao trên sườn Hoàng sơn này đã lưu dấu vị trà thánh. Đất trời của 12 thế kỷ trước phải chăng vẫn còn giữ nguyên vẹn tính chất để cho những cụm trà tròn nhỏ này mùi vị của ngày xưa mà Lục Vũ đã một thời thưởng thức?
Đất không phải chỉ cho trà mùi thơm cao quí, đất đại biểu cho sự an nhiên bất động của bồ-tát, đồng thời là chốn ẩn mật chứa bao điều sâu kín. Có một vị bồ-tát, tính chất của Ngài là "an nhẫn bất động, giống như đại địa; vắng lặng sâu kín giống như kho sâu". Vị ấy tên là Địa Tạng và tôi đang trên đường đi đến đạo trường của Ngài ở Cửu Hoa sơn.
Địa Tạng là vị được xem là người cứu hộ cho những ai không may rơi vào địa ngục. Vì thế Ngài còn có danh hiệu là U Minh giáo chủ, người cứu vớt những kẻ nằm trong các chỗ thác sinh tối tăm, đau khổ. Địa Tạng cũng được xem là người cứu độ trẻ con yểu tử và lữ hành phương xa. Địa Tạng hay được trình bày như một tăng sĩ đầu tròn, tay cầm tích trượng có sáu vòng, đại diện cho lục đạo. Có khi tranh tượng vẽ Ngài mang vương miện, tay cầm gậy, ngồi trên lưng lân. Cũng như các vị bồ-tát khác, Địa Tạng ứng hiện vô số hình tướng để đến với những ai cần mình. Tại sao Cửu Hoa sơn được gọi là đạo trường của Địa Tạng?
Từ thời Tây Tấn (317-420), Cửu Hoa sơn đã nổi tiếng là một cảnh núi đẹp với một cổ am do một nhà sư người Ấn Độ tên là Bôi Độ xây năm 401. Cửu Hoa gồm chín ngọn núi mà đỉnh cao nhất là Thập vương phong, đo được 1431m. Thật ra tên Cửu Hoa có từ ngày Lý Bạch đến đây, nhà thơ lớn thấy chín ngọn núi như chín đóa hoa mới đặt tên là Cửu Hoa sơn. Cùng thời với Lý Bạch có một vị hoàng tử xứ Triều Tiên, tên là Kim Kiều Giác (44). Kiều Giác nghe danh Huyền Trang tại Trung Quốc, quyết đến xứ này để tu học.
Năm 730, đó là thời kỳ của Đường Minh Hoàng và Dương Quí Phi, Kiều Giác đến Trung Quốc, nghe nói đến Cửu Hoa sơn, ông đến đó và tìm thấy ngôi cổ am nọ không người săn sóc. Kiều Giác xin gặp chủ núi Hoa sơn thời đó là một vị có tên Mẫn Công, xin một miếng đất để xây cất tự viện. Mẫn Công hỏi bao nhiêu đất, Kiều Giác chỉ xin miếng đất lớn bằng tấm áo cà sa. Mẫn Công vừa gật đầu thì miếng áo cà sa tung lên đã phủ cả núi. Mẫn Công được nhiếp phục và về sau cùng con trai trở thành đệ tử của Kim Kiều Giác. Phép tung áo cà sa xin đất cúng dường thú vị và nhiều ý nghĩa này về sau được Tế Điên hòa thương lặp lại tại Hàng Châu.
Từ đó về sau, tại Cửu Hoa sơn được xây dựng rất nhiều chùa chiền tự viện. Năm 794, lúc đó Kiều Giác 99 tuổi, nghe một tiếng gọi mơ hồ, ông biết thời điểm của mình đã tới, từ giã triệu tập đệ tử, ngồi mà nhập tịch. Ba năm sau đệ tử mở áo quan ra thì nhục thân còn tươi, các khớp xương kêu "rổn rảng nghe như tiếng xích vàng rung chuyển". Dựa trên kinh sách người ta mới biết đó chính là Địa Tạng đã ứng hiện và xây dựng "Nhục thân bảo điện". Vì có nhiều tháp xây lên trên điện, sau đó không bao lâu không còn ai được thấy nhục thân của Kiều Giác được nữa.
Khoảng bảy tám trăm năm sau, có một cao tăng tên là Vô Hà đại sư (1497-1623, thọ 126 tuổi), từ Ngũ Đài đến Cửu Hoa đảnh lễ Địa Tạng. Lúc đó là đời nhà Minh, chùa chiền hoang phế, tăng chúng lưu lạc, Cửu Hoa không còn một bóng người. Vô Hà ẩn tu 100 năm, đói ăn rễ cây, khát uống nước suối, trích máu chép kinh Hoa Nghiêm. Ba năm sau khi chết người ta mới khám phá nhục thân của ông, cũng không bị hư hoại. Nhục thân của Vô Hà được thờ tại đây, trong Bách Tuế cung, cũng gọi là Vạn Niên tự. Người ta cho rằng Vô Hà chính là Kiều Giác tái sinh, đến đây để lưu lại cho hậu thế nhục thân của mình vì tại nhục thân của Kiều Giác không còn ai chiêm bái được nữa.
Ngày nay Cửu Hoa sơn được phục hồi sớm nhất trong tứ đại danh sơn (45), hiện có khoảng 56 tự viện, chứa khoảng 1300 cổ vật như kinh sách, thư pháp, họa đồ. Theo phương trượng Cửu hoa sơn thì người ta dự định xây dựng một bức tượng Địa Tạng cao 99m, đó sẽ là bức tượng cao nhất Trung Quốc và thế giới. Con số 99m là để kỷ niệm 99 tuổi thọ của Kim Kiều Giác.
Cửu Hoa sơn là một rặng núi cao, đường lên núi nằm trong một rừng cổ thông. Ở đây không có phương tiện cơ giới lên núi, ta phải leo bộ, người già phụ nữ phần lớn phải đi cáng. Đoạn cuối cùng lên đỉnh là một tầng cấp với 84 bực đá xanh. Leo lên tới đây, khi hơi thở mọi người đều đã gấp rút mệt nhọc, tôi thấy một thiếu phụ bắt đầu vừa đi vừa lạy, theo cách "nhất bộ nhất bái". Chị mặc áo quần đen làm tôi nhớ những người đánh trống mà tôi gặp tại Lâm-tì-ni, Ấn Độ. Chị lạy theo kiểu Tây Tạng, tức là chấp tay trên đầu, chấp tay trước ngực rồi mới cúi lạy. Khuôn mặt chị buồn bã nhưng nghiêm trang, dáng điệu chị uyển chuyển và cao quí. Chị cầu nguyện Ngài Địa Tạng điều gì, hỡi người thiếu phụ? Chị có người thân vừa mất, đọa sinh địa ngục hay chị có con nhỏ trong cảnh thập tử nhất sinh.
Tôi leo hết 84 bậc thang để đến Hóa Thành tự, đó chính là đạo trường của Địa Tạng, là chùa khai sơn của Cửu Hoa. Sơn môn có bốn cột trụ treo hai câu đối:
Đại Thánh đạo tràng đồng nhật nguyệt,
Thiên thu cổ sát hộ đông tây.
Đạo tràng của bậc thánh như trời trăng,
Ngàn năm ngôi chùa bảo hộ đông tây.
Và:
Hoa ngạ phong tiền hương vân phiêu miễu,
Hóa thành tự lý hoa vũ tân phân
Trước ngọn Hoa Ngạ mây hương tỏa ngát
Trong chùa Hóa thành mưa hoa rực rỡ.
Nơi đây là hình tượng của Địa Tạng với hai bên tượng họa Thập điện Diêm Vương mà Ngài là hóa thân. Trong Hoá Thành tự ta còn thấy được kinh xưa khắc họa trên ống tre nay còn giữ được. Đến Vạn Niên tự, tôi đảnh lễ nhục thân của Vô Hà đại sư ngồi trong lồng kính đã hơn 350 năm, sống mãi với thời gian, dù cho chùa bị một lần bị hỏa hoạn trong thời Khang Hy, hay binh biến trong thời Hàm Phong. Sau đó là Kỳ viên tự được xây trong đời nhà Minh thế kỷ thứ 16 với Đại hùng bảo điện cao 43m, trong đó có ba bức tượng tuyệt đẹp của Thích-ca, A-di-đà và Dược Sư. Trên đỉnh Thiên Thai, một ngọn núi cao 1325m của Cửu Hoa sơn người ta tìm thấy Địa Tạng thiền tự, nơi đây còn dấu chân của Địa Tạng. Cao tăng Tông Quả đời Tống từng viết:
Đạp biến Thiên thai bất tác thanh,
Thanh chung nhất xử vạn sơn minh
(Dẵm nát Thiên Thai không tiếng động,
Một chày chuông sớm khắp núi nghe)
Tôi ra khỏi các chùa thì thiếu phụ áo đen cũng vừa lên đến. Leo lên đỉnh núi này theo cách "nhất bộ nhất bái" thật là phi thường nhưng bước chân chị vẫn vững vàng, dáng điệu đảnh lễ của chị vẫn thành kính và cao quí. Mọi khách thập phương đều nhường chỗ cho chị vào chùa, sau mỗi bước chị vẫn lễ, mắt nhìn tượng Địa Tạng trên cao, Ngài từ bi im lặng nhìn xuống chị. Lòng thành kính của chị cộng với lòng đồng cảm của mọi người xung quanh hẳn phải biến thành một sức mạnh, một ánh sáng tỏa rực trên ngọn núi này, trong rừng cổ tùng này dưới ánh nắng mai. Aùnh sáng đó phải chiếu đến các từng tâm thức đen tối mà người ta gọi là "địa ngục", để thức tỉnh những ai lạc loài trong đó.
Thập điện u minh, địa ngục hay quỉ môn quan đều là những dạng của tâm thức chúng ta. Nếu sự giận dữ có thật thì địa ngục có thật, nếu có ai đang hăm hở đem dao súng đi giết người thì kẻ đó đang mở cánh cửa quỉ môn quan. Địa ngục hay tất cả các ác đạo, nói chung là tất cả các nẻo sinh tử, kể cả thiên giới không khác gì hơn là các trạng thái tâm thức nằm chờ chúng ta trong chính mình. Chúng không hề là các nơi chốn có vị trí địa lý, đừng đào xới tìm tòi vô ích. Con người chúng ta ngày đêm đang qua lại trong sáu nẻo, đâu phải chờ đến chết mới nói mình thác sinh đi đâu. Cơn giận giữ biến thế giới này thành hỏa ngục mà ta là thành viên trong đó. Sự tham lam vô độ biến ta thành "quỉ đói". Niềm vui hỉ lạc làm môi trường xung quanh thành thiên giới.
Hãy quan sát một người đang giận giữ hay tham lam. Nếu có ai muốn thấy ma quỉ "cho biết" thì đây là dịp tốt. Vì những lẽ đó "ma quỉ" chỉ là những khuynh hướng nội tâm mà làm người thực ra ai cũng có. Cái từ bi của đạo Phật là thấy nó chỉ là sự hiện thân của những khuynh hướng xấu ác, trừ diệt nó đi thì tâm thức có chỗ cho tâm thiện. Như bóng tối tan thì ta thấy rõ mọi vật xung quanh. Từ đó mà nói rằng Địa Tạng cứu ta ra khỏi địa ngục là điều rất dễ hiểu, đó là khi giận dữ, ta hãy thử nghĩ về Địa Tạng. Tôi tin rằng ta bớt giận được gần nửa. Ngài đã "cứu" chúng ta theo cách là ta đã tự cứu chúng ta nếu biết mình đang giận dữ và thành tâm muốn bớt giận. Thế nên cũng không nhất thiết phải nghĩ niệm đến Địa Tạng, hãy nhớ tới những hình ảnh mà ta cho là thánh thiện, làm ta thoát được sức nóng của giận dữ, như đức Chúa, như người mẹ, thậm chí một người bạn.
Điều khó nhất của mọi chuyện là khi ở trong dạng địa ngục ta biết mình đang ở trong đó. Và nếu may mắn biết được điều đó thì ta cần chút thành tâm muốn mình bớt giận dữ, nhớ nghĩ đến Địa Tạng và ta sẽ bớt giận. Có nhiều người niệm Địa Tạng nhưng cũng có người nhớ nghĩ đến những hình ảnh khác, những phương cách khác để chế ngự tâm. Từ trong kho báu "vắng lặng sâu kín" đó ta có quyền lấy ra mọi thứ để sử dụng, không cần phải gọi tên chúng là gì. Chúng ta ai cũng đã trải qua những cơn giận dữ nhưng không mấy ai biết rằng tâm giận dữ, khuynh hướng muốn hành hạ làm khổ người khác là một trong những tâm cơ bản nhất của sinh vật, trẻ con người già đều có, đời kiếp nào cũng có, con người hay súc sinh đều có. Cũng vì thế mà tâm "sân" là một trong ba động cơ trung tâm của sự tái sinh.
Liệu người thân của chị áo đen đó có thoát khỏi địa ngục, hay con nhỏ của chị có tai qua nạn khỏi, điều đó chỉ có Ngài Địa Tạng mới biết. Nhưng điều chắc chắn là với một tâm thức chân thành và mạnh mẽ như thế, chị sẽ có thói quen nhắc nghĩ niệm đến Địa Tạng, có khả năng thoát khỏi những cơn giận giữ dìm mình trong cõi tối tăm, có tình cảm chân thật với những ai cùng đi một con đường phước thiện như mình, dễ sinh hỉ lạc với những điều cao thượng và đó chính là cánh cửa mở ra hướng về phía thiên giới. Đáng mừng thay cho những ai có một tâm thức phước thiện kiên cố như chị.