Số lần đọc/download: 1417 / 12
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Chương 40/51
S
ơn đi dạy về. Anh ghé chợ mua mấy củ cải trắng, một cái trứng, ba trái dưa leo, bỏ vào trong túi xách rồi ra về.
Nhà trọ của Sơn ở trong 1 con hẻm hẹp nhưng không sâu. Ðó là 1 ngôi nhà cây lợp ngói có 1 gác. Chủ nhà ở dưới đất, Sơn và Giàu ở trên gác. Chủ nhà là 1 người đàn bà góa có ba con, và có họ hàng xa xôi bên ngoại Sơn. Bà buôn bán lặt vặt để kiếm sống. Hôm nay bà cùng các con về quê nên giao chìa khoá nhà lại cho Sơn. Tuy là khách ở trọ nhưng Sơn sử dụng bếp nhà thường xuyên hơn là chủ hộ, vì bà chủ và các con thường ăn ở ngoài sạp.
Về tới nhà, Sơn lên gác cất túi xách rồi xuống bếp lo nấu ăn. Anh kho củ cải, đập vào đó cái trứng. Vừa dọn cơm thì Giàu vừa về tới. Giàu mặc 1 bộ đồ ka ki cũ, dính đầy vết dầu mỡ và vá nhiều chỗ, đội nón kiểu thanh niên xung phong. Anh đẩy xe đạp vào nhà, gỡ nón xuống lấy lau mồ hôi và nói:
- Thật là 1 ngày u ám!
Sơn ngẩng lên hỏi:
- Không có khách hả?
Giàu vừa gỡ các sợ dây đèo vừa trả lời:
- Từ sáng đến giờ chỉ có 2 ông khách. Mà lại "pan" rắc rối mới chết chứ!
- Việc khó thì tính nhiều tiền chứ gì?
- Nhiều con khỉ! Mình có biết rút căm đâu.
Giàu lấy 2 thùng đồ nghề xuống, Sơn hỏi:
- Rồi sao?
- Ðành để ông ta đi chỗ khác.
- Còn người kia?
- Thay trục giữa.
- Bạn làm chứ?
- Có biết đâu mà thay.
- Trời đất, mình tưởng bạn lành nghề lắm chứ.
- Lành với rách. Mình chỉ có thể bơm xe, vá xe, sửa thắng, vặn óc vè thôi.
Nhớ lại lời Giàu trêu mình, Sơn trêu lại:
- Vậy là bạn cũng là thầy giáo giả dạng thợ sửa xe rồi, thôi đi rửa tay rồi ăn cơm với mình.
Hai người bạn vừa ăn cơm vừa nói chuyện tiếp.
- Chiều nay có giờ chứ? Sơn hỏi.
- Có, nên mình mới về sớm đây.
- Trường bạn có lương chưa?
- Chưa... nhưng hỏi lương làm gì cho mệt!
- Nghe nói lương giáo viên sẽ được điều chỉnh đấy - Sơn nói với vẻ thành thật. Giàu lắc đầu nói:
- Mình chả quan tâm đến điều đó.
- Sao vậy?
- Nếu có điều chỉnh thì cũng không ăn thua gì đâu! Cũng như những lần điều chỉnh trước mà thôi. Lương và giá giống như rùa và thỏ. Ðầu tư vào giáo dục quá ít thì lấy đâu mà tăng lương cho thỏa đáng được.
- Trường có sản xuất gì thêm không?
- Có cho thuê mặt bằng để làm gạch bông, nhưng phúc lợi không được bao nhiêu.
- Vậy cũng đỡ, trường mình mặt bằng rộng lắm, nhưng hiệu trưởng và hội phụ huynh học sinh không đồng ý cho thuê.
- Theo mình, giải pháp không phải là ở chỗ đó. Thật là buồn cười khi chức năng chính người ta làm chưa được, thế mà lại lao vào sản xuất kinh doanh kiếm ăn lặt vặt. Những chuyện như thế làm giảm thêm uy tín của nhà trường. Nhiều nơi còn bắt giáo viên đi "nhắc nhở" học sinh đóng bảo trợ. Mình có người chị dạy từ trước giải phóng. Hồi đó, trường tư tràn ngập, nhưng giáo viên không hề phải đi "nhắc nhở" như thế. Mọi việc liên quan đến học phí có giám thị và văn phòng lo.
- Trường mình hiệu trưởng không để giáo viên phải làm như vậy. Hội phụ huynh học sinh lo, nhưng chủ yếu không phải "xin" tiền phụ huynh mà xin các đơn vị sản xuất lớn, những đơn vị đó nằm ở trong hội bảo trợ nhà trường.
- Mình có nghe nói "mô hình" tổ chức giáo dục mới ở trường bạn. Công nhận chất lượng giáo dục có khá hơn nhiều trường. Nhưng thử hỏi có phải là bạn phải đi đạp xích lô kiếm thêm tiền không? Giọng Giàu đã trở nên xúc động.
Sơn cũng bị lôi cuốn bởi sự xúc động của bạn.
Nói thế rồi Giàu buông đũa đứng lên đi rửa tay.
- Thôi, mình đi đây - Giàu lên gác thay đồ rồi lấy xe đi. Giàu ít khi ăn cơm trưa ở nhà. Anh được xếp giờ dạy buổi chiều nên đi sửa xe buổi sáng. Thường thì Giàu ăn ở các quán cơm bình dân rồi mới đạp xe về nhà. Bữa nào anh về ăn ở nhà có nghĩa là bữa đó không có khách. Khác với dân sửa xe chuyên nghiệp, tiền anh kiếm được mỗi ngày không đủ để ăn cơm, uống nước.
Giàu đi rồi, Sơn dọn dẹp, rửa chén. Nằm nghỉ 1 lát, Sơn lấy sách ra đọc. Ðến 4 giờ anh bạn chạy chung chiếc xích lô với anh sẽ mang xe lại và anh sẽ đạp xe đếnn 8 giờ tối, về nhà ăn cơm rồi lấy giáo án ra soạn đến 12 giờ thì đi ngủ.
Sơn nằm suy nghĩ đến những lời nói của Giàu. Cứ mỗi lần nhắc đến chuyện dạy học là Giàu lại nổi nóng lên. Sơn thấy bạn có lý, tuy nhiên anh không đồng ý với thái độ tiêu cực của bạn. Từ khi Giàu về ở chung với anh, chưa bao giờ anh thấy Giàu nhiệt tình với công việc giảng dạy. Giàu chỉ soạn giáo án qua loa, ít khi đọc sách tham khảo, ít nhắc đến trường, lớp. Sơn đã nhiều lần động viên bạn. Nhưng mỗi lần như thế, là Giàu lại giở giọng mỉa mai ra.
Bỗng có tiếng gõ cửa, Sơn ngồi bật dậy, cài nút áo ngực, xuống nhà và mở cửa.
Trước mặt anh là 1 người đàn ông mập mạp, da trắng, mặc chiếc áo KT màu, bỏ trong chiếc quần xám, đầu đội mũ nỉ, trông rất quen. Nhưng Sơn không nhớ là gặp ở đâu, ông ta cũng nhìn Sơn có vẻ ngở ngàng, rồi hỏi:
- Xin lỗi anh, có phải nhà thầy Sơn?
- Dạ phải, Sơn là tôi, mời bác vào.
Sơn kéo chiếc ghế đẩu ra mời khách, rồi anh đi rót 2 ly nước lọc.
- Thưa bác tìm có việc gì?
Người đàn ông tự giới thiệu:
- Tôi là Cung, phó chủ tịch hội phụ huynh trường Bùi Thị Xuân.
Sơn nghĩ thầm "À, thì ra là người nhà của anh Dũng, anh chàng "có vấn đề" ở lớp mình đây!". Quả đúng như Sơn nghĩ, ông ta nói thêm:
- Và là cha của Dũng, học lớp 11A6. Nghe nói thầy là giáo viên chủ nhiệm lớp?
- Dạ, cháu là chủ nhiệm.
- Và dạy môn văn?
- Dạ, dạy văn.
Sơn có ý ngồi chờ ông nói tiếp, ông nhìn quanh rồi nói:
- Hình như nhà đi vắng cả?
- Dạ - Sơn đáp thận trọng.
- Thầy mới đổi về trường phải không?
- Dạ, cháu đổi về đây từ đầu niên khóa.
- Các giáo viên ở trường Bùi Thị Xuân đều giỏi cả.
- Dạ, cám ơn bác, bác quá khen.
- Tôi rất yên tâm vì con tôi được học ở trường. Năm rồi nó học tương đối khá, năm nay không hiểu sao cháu nó lại kém môn văn đến thế, ở nhà, tôi cũng theo sát việc học của nó lắm chứ...
Sơn hiểu đó là lời nói có ý trách anh, anh trả lời:
- Thưa bác, cháu là 1 giáo viên tốt nghiệp sư phạm không thuộc loại kém và dạy...
Ông ta vội vàng đưa bàn tay ra nắm lấy cánh tay Sơn.
- Ấy chết, thầy đừng hiểu lầm tôi...
Rồi ông tỏ vẻ hối tiếc:
- Thật là không phải chút nào, thật tôi vụng về quá... Xin lỗi thầy... Tôi hoàn toàn không có ý đó...
Thấy vẻ vồn vã của ông, Sơn buồn cười nhưng anh nghĩ có lẽ ông không có ý chê trách anh thật.
- Không, nếu bác không có ý đó thì cháu xin lỗi bác mới đúng, vì đã hiểu lầm bác.
Ông ta cười xòa, đưa tay ra:
- Thông cảm... thông cảm... hề hề...
Vì lịch sự, Sơn đưa tay bắt hờ hững tay ông. Anh nói:
- Dạ, xin bác cho cháu biết ngay lý do chính của cuộc gặp hôm nay.
Ông ta ngập ngừng, nhìn Sơn 1 lúc lâu, vẫn chưa nói rõ ý định của mình. Sơn cầm ly uống và mời ông. Anh muốn tạo cho ông 1 hoàn cảnh tự nhiên hơn.
- Dạ, mời bác.
Ông ta cầm ly vừa uống vừa nhìn Sơn. Ðặt ly xuống, ông nói:
- Tôi thấy thầy rất quen. Dường như tôi đã nhìn thấy thầy ở đâu rồi.
Câu nói của ông ta làm Sơn chợt nhớ lại, lúc mới gặp ông ở cửa, anh cũng đã thấy ngay là ông ta trông quen quen. Bây giờ ông ta nhắc lại, Sơn mới sực nhớ, nhưng anh cũng chưa nhận ra là gặp ở đâu. Anh chưa từng gặp ông ở trường.
Im lặng 1 lúc, rồi ông nói, giọng thân mật kính trọng:
- Thưa thầy, dạo này cháu Dũng học hơi kém nên tôi hơi lo. Làm cha làm mẹ mà, tôi có khuyên bảo cháu...
- Dạ, bác lo đến em như thế thì thật là tốt. Muốn học tốt được, bác biết đấy, sự nỗ lực của thầy cô là cần thiết nhưng chưa đủ. Sự chăm chỉ của chính bản thân học sinh, phương pháp học tốt, và sự động viên của gia đình cũng rất cần thiết.
- Thầy nói đúng, tôi xin nghe theo thầy. Và cũng xin thầy chú ý giúp đỡ cháu...
Ngừng 1 lát ông tiếp:
- Học kỳ 1 vừa qua môn văn cháu quá kém, chỉ được 4 điểm. Tôi lo quá, mất ăn mất ngủ mấy ngày. Tôi có gặp cô Hoa là giáo viên dạy lớp 11A3 phụ trách chấm bài thi của cháu... Cô Hoa nói là cô chấm xong và đã trả bài lại cho thầy...
- À, đúng rồi, bác lo là cô Hoa chấm "gắt" quá chứ gì? Thưa bác, cháu có xem lại những bài dưới điểm trung bình, lớp có 2 bài tất cả. Và rất tiếc, bác ạ, bài cô Hoa đã chấm đúng. Hơn nữa, trình độ học sinh trong lớp cháu nắm vững, đúng là Dũng hơi yếu, bác không nói, cháu cũng phải có bổn phận chú ý đến em nhiều hơn... Dạ, đó là trách nhiệm của cháu.
- Không, tôi không có ý nói cô Hoa chấm sai. Tôi chỉ muốn... muốn thầy giúp đỡ cháu.
- Dạ, cháu chưa hiểu ý bác.
- Thầy có thể... Dạ, có thể thêm cho cháu 1 điểm được không?
- Thưa bác, nhưng đâu phải cháu chấm bài. Và hơn nữa như cháu đã nói, bài thi học kỳ 1 của em Dũng cháu đã xem lại và thấy cô Hoa cho điểm như thế là đúng.
- Tôi có gặp cô Hoa và có trình bày với cô ấy. Cô ấy nói hỏi ý kiến của thầy... Dạ, dạ, được thầy giúp đỡ gia đình tôi không quên ơn thầy.
Rồi ông nhìn quanh và cởi chiếc nhẫn đang đeo đưa cho Sơn:
- Xin thầy nhận cho chút quà, thật ra Hội phụ huynh học sinh có tích cực, vận động chăm lo đến học sinh và giáo viên đấy, nhưng kết quả còn quá ít ỏi. Hội sắp họp, và chúng tôi có kế hoạch hoạt động mạnh hơn nữa. Thầy biết đấy, trong tình hình đời sống khó khăn này, toàn xã hội cần phải quan tâm đến giáo viên hơn nữa. Ðời sống giáo viên phải bảo đảm thì mới yên tâm dạy tốt được. Lẽ ra nhà trường cần mở cơ sở sản xuất nhưng ông hiệu trưởng lại cho rằng trước hết phải làm cho được chức năng của giáo dục, nếu đầu tư vào sản xuất thì sẽ bị ảnh hưởng đến giáo dục. Còn cho thuê mặt bằng thì ông hiệu trưởng bảo rằng cần phải giữ sạch đẹp, yên tĩnh cho nhà trường... Chúng tôi có bàn và thấy ông hiệu trưởng là đúng. Nhưng như thế Hội phải vất vả nhiều để đi vận động các nơi...
Ông ta ngừng 1 lát rồi khi Sơn muốn nói thì ông ta lại nói tiếp:
- Thầy biết không, đầu năm Hội đã cấp học bổng cho 10 em...
Nhìn chiếc nhẫn, Sơn thấy đỏ bừng cả mặt, ý nghĩ xúc phạm bị dâng lên trong anh, và anh nói dằn từng tiếng, cố kèm chế:
- Thưa bác, bác biết đấy, cháu không thể nhận món quà này. Lương tâm của 1 ông thầy không cho phép cháu làm thế... Cháu không thể đổi danh dự của mình lấy chiếc nhẫn được!
Trước lời từ chối dứt khoát, quyết liệt như thế, ông ta im lặng, sững sờ. Nhưng là 1 người có vẻ sành sỏi, ông ta chống chế:
- Nhưng đâu có ai biết được việc này, tôi xin lấy danh dự ra cam kết với thầy như thế. Vả lại, ta có thể xem đây là 1 sự giúp đỡ của hội phụ huynh học sinh cho 1 giáo viên đang gặp nhiều khó khăn...!
Sơn nhìn người đàn ông căm giận. Ông ta là đại diện cho phụ huynh học sinh mà lại có thái độ như thế, thật là tủi nhục! Không kèm được sự nóng giận, Sơn đổi giọng:
- Thưa ông, giáo viên chúng tôi không bán điểm lấy tiền. Chúng tôi không tạo ra điểm. Ðiểm là điểm của các em, được nhiều hay ít là do các em. Giáo viên chúng tôi đã bị coi thường, có em học sinh đã đánh thầy giáo của mình, nay ông là phụ huynh, ông cũng đánh chúng tôi nữa ư?
Ông ta sững sờ trước sự thay đổi đột ngột của Sơn, rồi ông liếc Sơn 1 cái, mặt nhăn nhó, môi giật giật, ông ta lấy chiếc nhẫn bỏ vào túi.
- Ðược rồi.
Với bộ mặt đó, Sơn bỗng nhớ ra, ông chính là người đàn ông đã kêu xích lô và ngồi lên xe Sơn, đến khi biết được ông ta về ngang qua trường, Sơn không đi, ông ta đã lầm bầm, bước xuống và cũng liếc xéo anh, cũng với cái miệng như thế. Trong một thoáng - Sơn nghĩ - nếu ông ta nhận ra anh đạp xích lô thì sao? Phải tìm cách cho ông ta đi sớm, ông ta đang nhìn chăm chăm vào anh.
Sơn đứng lên, giọng anh dịu xuống:
- Xin lỗi bác, cháu hơi nóng, bác có thể ra về và yên tâm, cháu sẽ cố gắng hết sức để kèm cặp em Dũng ở học kỳ 2.
Sơn nhìn đồng hồ, đã 3:40, giờ này anh bạn đồng nghiệp đạp xích lô có lẽ đang đem xe về, nếu ông ta thấy chiếc xích lô, ông ta sẽ nhận ra anh ngay.
Sau câu nói của Sơn, người đàn ông đứng dậy, lấy mũ đội lên đầu nói:
- Ðược rồi...
Rồi đi ra cửa.