Số lần đọc/download: 8932 / 159
Cập nhật: 2015-07-11 21:05:32 +0700
Chương 40 -
R
ené de Fromentin thường được họ hàng coi là anh chàng gàn dở, điên khùng. Người ta sang Đông Dương vì một lý tưởng truyền giáo, vì đi tìm vinh quang, vì làm giầu, còn ông ta sang Đông Dương hoàn toàn vì sự hiếu kỳ, vì những cuốn sách mà nhìn vào ta chỉ thấy những nét vẽ ngoằn ngoèo như vẽ bùa, vì những gì tốt đẹp trong quá khứ cũng như trong tương lai mà không ai hiểu nổi. Ông ta đã tiêu phí một phần gia tài vào chuyện rồ dại đó. Được quen Pierre, được biết Cổ Đình, ông ta hay về chơi nơi đó.
Có ba người ở đây ông thích giao du. Thứ nhất là Pierre. Ở người họa sĩ này ông thích sự vô tư, thích cái tình yêu mãnh liệt của anh với sự phồn thực nhiệt đới. Anh ta say mê cỏ cây hoa lá ê hề ở đây, còn say mê cả cái ánh nắng chói chang ở đây.
Người thứ hai là cha xứ Colombert. Ông kính phục vì cha xứ này ở sự vô tư và lòng tin cơ đốc vô bờ bến của ông. Như vậy là đã hơn 50 năm ông già tận tụy thờ phụng Chúa ở cái xứ xa xôi này rồi còn gì. Tuổi chịu đựng trung bình của một cha đạo làm việc ở Đông Dương là bảy năm. Có người chỉ mới được hội thừa sai Paris chuyển sang đây làm việc vài ba năm, đã ngã gục vì không chịu đựng nổi. Họ đã chết vì bệnh tật, vì khí hậu, vì lòng thù hận vô lý của con người. Ấy thế mà cha Colombert đã vượt qua hết thảy mọi thử thách bản xứ, ông đã sống thọ; lúc này cha đã ngoại bảy mươi mà còn tráng kiện. Không những thế, cha Colombert còn tích lũy cho mình được một khối kiến thức đồ sộ và một cái vốn ngoại ngữ uyên thâm. Kể cả chữ Hán.
Người thứ ba René vẫn hay nói chuyện ở đây là ông Lềnh, người đầu bếp già Trung Hoa. Ở con người này, ông khâm phục sự khiêm nhường giản dị, sự minh triết lặng lẽ. Ông cũng không thể ngờ, khi Pỉerre nói cho biết rằng, ông Lềnh xưa kia đã là vị tú tài, đã chống nhà Thanh, rồi sang đất Bắc Kỳ làm kẻ cướp, thầy bói thầy lang, rồi cuối cùng mới chịu yên vị làm chân đầu bếp kiêm thầy dạy chữ Hán ở đồn điền.
Lần này về Cổ Đình, René tìm đến ngay ông già Tầu. Ông ta trú trong một căn nhà lá nhỏ tinh tươm ở tận cùng xóm phu đồn điền. Vì là khách tây quý nên ông Lềnh thường tiếp René bằng thứ chè lạ lùng. Chè không phải búp lá mà là những đoạn gỗ nhỏ chẻ mỏng. Ông Lềnh bảo đó là trà Hồng Mai. Ở Cổ Đình, vào trong rừng hay gặp những thung mơ. Người dân vẫn hái quả đem bán. Có những cây mơ già cỗi ít quả, nhân dân chặt hạ xuống, cưa thân cây ra thành những đoạn nhỏ, chẻ thành dăm rồi đem phơi khô gọi là trà Hồng Mai. Nước mai già màu hồng nhạt. Uống nó phải ngẫm nghĩ gọi là thiền trà. Nhấp một ngụm, lặng lẽ ngồi sẽ thấy vị thơm, vị chan chát. Thoáng ngọt trong cổ họng, có thể quên mọi ưu phiền. Ông Lềnh bảo:
- Người châu Âu các ông ưa sự mạnh mẽ, tốc độ, bạo liệt, khó cảm nhận được cái thứ thanh tịnh của loại trà này. Riêng thứ Hồng Mai tôi đang mời ông là gỗ từ một cây mai cổ thụ mà người dân bảo đã trăm tuổi. Mai khó sống lâu. Kiếm được cây mai trăm năm đốn gỗ làm trà, hiếm vô cùng.
Hai người nói với nhau rất nhiều chuyện. René đang nghiên cứu Hán học, thành thử gặp ông Lềnh, nói chuyện không biết chán. Cuối cùng René gật gù:
- Tôi vẫn chưa hiểu hết người An Nam. Chẳng lẽ cũng như những người bạn của tôi ở Hà Nội. Họ bảo dân An Nam thông minh nhưng lười biếng, không có khí chất của một dân tộc hùng mạnh. Lúc nào gặp họ tôi cũng chỉ thấy sự sợ sệt, khúm núm và những ánh mắt nhìn nghiêng len lén.
Ông Lềnh cười:
- Chúng tôi cai trị họ đã ngàn năm. Kể về việc xưng vương trùm thiên hạ, nước chúng tôi đã làm từ mấy ngàn năm trước. Còn các ngài làm chủ ở xứ Đông Dương này mới được vài chục năm. Các ngài hiểu họ đâu bằng chúng tôi. Hãy coi chừng sự sợ sệt khúm núm. Đừng tin vào sự lười biếng yếu đuối. Đừng coi thường sự lam lũ gần như cùng kiệt của họ...
Câu chuyện của họ đang thú vị, bỗng bị cắt ngang vì Pierre đến giục René về để chuẩn bị đến dự bữa ăn tối tại nhà xứ Cổ Đình. Cha Colombert được tin René về chơi, ông làm cơm mời những người bạn cùng quê hương. Ông mời René và cả hai anh em nhà Messmer. Julien có việc, phải lên tỉnh gặp ngài công sứ, hẹn nhất định sẽ dự nhưng về muộn.
René và Pierre đến trước. Họ cưỡi ngựa sóng đôi đi đến nhà thờ Cổ Đình. Hai người xuống ngựa nhưng còn đứng trước ngôi nhà thờ nhỏ rất đáng yêu để ngắm nghía.
Cha Colombert thật khéo. Ông đã thiết kế ngôi nhà thờ giống hệt cái nhà thờ nhỏ ở quê ông. Ông muốn mang một chút hình ảnh nơi quê nhà, từ nước Pháp xa xôi sang, cắm tại quả đồi nơi quê hương thứ hai của ông. Ông đã nghĩ tới những ngày cuối cùng của đời mình; chắc nó cũng không còn xa xôi lắm. Người dân xóm Vườn sẽ chôn ông ở cái nghĩa địa nhỏ bé đằng sau nhà thờ. Ở đấy, ông vẫn nhìn thấy ngôi nhà thờ thân yêu, hình ảnh của quê cũ, và dĩ nhiên cả hình ảnh của quê hương thứ hai, tức Cổ Đình, tức hồ Huyền, tức con sông Son và những núi đồi bao la của vùng đất mà ông yêu mến chẳng kém gì nước Pháp.
Chỉ có phần thánh đường xây bằng gạch. Còn phần mặt tiền và tháp cao của nhà thờ toàn xây bằng đá xẻ. Những viên đá vuông vức xây trần, hở mạch, làm cho ngôi nhà thờ giống hệt ngôi nhà thờ quê ông. Lúc tả ngôi nhà thờ ở quê bên Pháp được xây bằng đá, ông đâu có ý định bắt dân đạo ở đây cũng phải xây bằng đá. ông nghĩ xây nhà của Chúa bằng gạch cũng khang trang lắm rồi. Nhưng ông trương Cam và quản Liến lại nói:
- Thực ra đá ở bên kia sông có sẵn. Chỉ mất công xẻ thôi. Ta chỉ cần xẻ đá đủ để xây tháp và mặt tiền. Còn những chỗ không lộ ra xây bằng đá rối cũng được. Khi xây tháp và mặt tiền xong, thấy ngôi nhà thờ đã có dáng dấp rất giống ngôi nhà thờ quê mộng tưởng của mình, cha Colombert chảy nước mắt cảm ơn những người đồng đạo.
Còn Pierre, khi nhìn thấy ngôi nhà thờ đá thì hân hoan reo lên: "Ôi! Đẹp quái!". Chính lúc xây tháp và xây mặt tiền nhà thờ, Pierre lăn lóc ở đây cả tháng trời, vậy anh còn lạ gì nữa mà phải reo lên như vậy - Sở dĩ Pierre hân hoan reo mừng vì trước kia mới xây xong, đá còn sáng màu quá. Còn bây giờ, đá đã cũ xỉn. Đã thấy rêu xanh mọc trên tường đá. Thời gian đã làm cho ngôi nhà thờ cũ đi. Pierle bảo:
- Không gì đẹp bằng màu thời gian. Không một thứ vôi nào, sơn nào có thể làm áo khoác cho những công trình tôn giáo đẹp bằng thời gian đã đem thứ rêu đen, rêu xanh phủ lên những bức tường đá xám.
Cha Colombert nghe tin khách quý đến, chạy ra cầm tay René de Fromentin dắt vào ngôi nhà xinh xắn của ông ở bên cạnh nhà thờ. Sự nồng nhiệt của cha xứ làm ông René cảm động:
- Ôi cố nhân! Cố nhân! Đã lâu lắm không thấy. Tôi vẫn luôn luôn mong đợi gặp mặt. Thật vui mừng, ông vẫn không quên ông già ở cái chốn hẻo lánh này.
René hỏi:
- Tôi nghe nói tòa giám mục có ý định cho cha về Pháp, về cố hương an dưỡng tuổi già?
- Phải! Bề trên có nói với tới như vậy, song tôi đã xin ở lại. Tôi yêu quý người dân ở đây. Tôi yêu xứ sở này. Tôi muốn được chôn nắm xương tàn của mình tại mảnh đất quê hương thứ hai.
Cha giới thiệu ông khách đến trước. Đó là bác sĩ Alexandre, con rể ông tú Cao trong làng. Hai vợ chồng bác sĩ về thăm ông nhạc. Cha xứ mời cả hai người, nhưng bà Nguyệt vì bận phải đến nhà họ hàng nên chỉ có một mình bác sĩ đến dự.
Trong lúc chờ đợi ông Julien lên tỉnh về, bốn người bàn chuyện phiếm. Bàn tiệc bày ngoài sân, dưới một giàn nho trĩu quả. Ông cha xứ nói:
- Giống nho này tôi mang từ Pháp sang, nhưng không hợp thổ ngơi, quả chua lắm. Tuy nhiên, tôi vẫn thích, bởi vì nó gợi nhớ lại hương vị cố hương.
Pierre lên tiếng:
- Cả chúng ta nữa, chúng ta có khác gì cây nho. Thú thật tôi rất yêu cái xứ xở này, nhưng không hiểu sao lúc nào cung vẫn cảm thấy một sự ly cách. Tôi có một người bạn họa sĩ, người bản xứ. Anh ta người làng Cổ Đình. Lúc nói chuyện anh ta có nhắc đến một từ. Các ông có biết người dân An Nam gọi người Trung Quốc đến nơi này là gì không?
Cha xứ gật gù:
- Họ gọi người Trung Quốc sang đây là "chú khách" tức là người khách lạ. Khắc đến rồi khắc đi thôi.
Nói đến người Trung Hoa, nhà dân tộc học René lại chợt nhớ ngay đến ông Lềnh, người đầu bếp già. Vừa mới tiếp chuyện ông cách đây chừng một tiếng. René gật đầu:
- Thật đáng tiếc! Rất đáng tiếc. Có nhiều sự khác biệt quá giữa Đông và Tây. Thực ra, người Đông phương cũng đã thấy cái yếu của họ, họ đang cố gắng Tây phương hơn cuộc sống của họ. Đáng lẽ ra chúng ta cũng phải Đông phương hóa, tức là xích gần lại.
Một tiếng nới từ bóng tối chui ra:
- Vị nào vừa nói chúng ta phải tự Đông phương hóa đấy. Tôi xin mạn phép không tán thành...
Mọi người quay đầu và nhận ra Julien Messmer đã đứng gần đó. Cha xứ vui mừng:
- Ông Julien thật đúng hẹn. Vui quá! Vui quá!
- Tôi phải phi ngựa nước đại. May mắn được con ngựa hay, cứ sợ về muộn quá làm mất vui cho cả mọi người. Mấy khi có cuộc gặp mặt đông đủ như thế này.
Julien tháo găng tay, ngồi vào bàn và tiếp tục lời nói dở chừng:
- Sở dĩ tôi bảo chúng ta không cần Đông phương hóa, bởi vì tất cả những lời nói mỹ tự chỉ là những ngôn từ che đậy. Về thực chất, lịch sử chỉ là những cuộc vật lộn khốc liệt giữa các dân tộc mạnh và yếu. Có những dân tộc sinh ra chỉ để chịu sự nô lệ. Có những dân tộc sinh ra để mà thống trị. Chúng ta ăn nói khéo léo, thực ra, chỉ để cho những người bị trị cảm thấy dễ nghe, dễ chịu hơn khi ở dưới quyền người khác.
Ông René nhẹ nhàng:
- Có lẽ ông Julien tự tin quá, cũng như nhiều người Pháp chúng ta đã tin như vậy. Liệu chúng ta có nên quá ư tự mãn như vậy không? Đành rằng người phương Đông lúc này quá ư hèn yếu dưới con mắt chúng ta. Nhưng liệu có mãi như thế không? Lịch sử luôn đầy biến động và có những diễn biến ta không bao giờ ngờ tới được. Người đầu bếp Trung Hoa, ông Lềnh của ông có những câu nói bắt buộc tôi phải suy ngẫm. ông ta bảo: Mọi vật luôn phản phục. (Mọi vật luôn quay trở lại). Vì vậy ông ta nói chúng ta đi trong lịch sử, phải luôn run sợ như đi trên băng mỏng.
Cha Colombert cố làm cho dịu tình hình:
- Ông Julien nới cũng phải. Và ông René nói cũng đúng. Dân tộc Pháp chúng ta là một dân tộc vĩ dại. Nó đã tỏa sáng trên hoàn cầu. Còn tinh thần của người Đông phương cũng rất đáng trọng...
Nhà dân tộc học vội bám ngay lấy ý kiến của cha xứ:
- Phải đấy! Phải đấy! Riêng về mặt tôn giáo, có thể nói người phương Tây không có tôn giáo. Đạo Cơ Đốc đến châu Âu từ phương Đông. Chúng ta đã được Đông phương hóa từ mấy nghìn năm về trước.
Julien cãi lại:
- Không phải người châu Âu bị Đông phương hóa; nói cho đúng, đạo Cơ Đốc sau khi vào châu Âu đã bị Tây phương hóa. Chúng ta đem tinh thần của người Tây phương vào đạo đó. Ngày nay, đạo Cơ Đốc đã hoàn toàn mang tinh thần Tây phương, nó là của người Tây phương. Có tinh thần Tây phương, đạo Cơ Đốc mới vĩ đại, và bây giờ ta đem cái tinh thần ấy truyền bá ra toàn thế giới.
Không ngờ cuộc tranh luận lại trở nên sôi nổi và có phần gay cấn như thế, cha Colombert ngắt cuộc tranh luận, cố làm cho nó dịu đi bằng cách gọi ông bõ già mang món ăn mới lên. Ông làm nguội bớt sự hăng hái của các vị khách bằng cách giới thiệu món ăn.
- Cá này tên gọi cá Lăng, một thứ cá chỉ có ở gần cửa sông Son. Nó là đặc sản vùng này. Con cá giống con cá trê nhưng to bằng bắp đùi. Khoảng độ hai. ba cân thì rất tuyệt. Cá nạc, không có xương dăm. Cá Lăng hấp lên rất ngon. Thịt thơm và bổ. Có thể nướng chả ăn càng đặc biệt.
Khách nếm cá, khen tấm tắc, ông bác sĩ Alexandre quay lại câu chuyện bằng cách phân tích theo tinh thần khoa học:
- Thực ra, mọi vật ở thế gian này đều tương tác lẫn nhau. Không bao giờ chỉ có tác động một chiều. Vật A tác động lên vật B. Đó là sự tương tác hai chiều. Chả thế mà ở thuộc địa của người Anh ở châu Phi, người Anh quá thiểu số, người ta đã nhận thấy người da trắng đã bị châu Phi hóa, người ta gọi là hiện tượng "going black" (trở thành đen).
René mỉm cười:
- Còn tôi, tôi cho rằng ở Đông phương, không thiếu gì người da trắng chúng ta "going yellow" (trở nên vàng). Đó là trường hợp những ông quan Tây đi đâu cũng trống dong cờ mở, rồi tàn lọng đằng trước đằng sau... Đó là trường hợp những ông Tây bị "en congaié" (mê gái Việt) đi đến đâu cũng tìm của lạ...
Mọi người đều mỉm cười. Và nhờ những mẩu chuyện vui như vậy không khí bàn tiệc cũng giãn ra, hết căng. Ông bác sĩ hỏi nhà dân tộc học:
- Tôi nghe nới người dân xứ Bắc Kỳ tin vào thuyết luân hồi. Họ cho rằng những linh hồn người chết, hết thế hệ này đến thế hệ kia, đều lang thang chung quanh ta để chờ dịp đầu thai trở lại cõi trần.
- Đúng thế. Họ tin vào sự đầu thai từ tiền kiếp sang kiếp hiện tại. Vì thế nếu có một người châu Âu nào sinh ra trên mảnh đất này, lập tức có một linh hồn bản xứ sẽ nhập vào cái sinh linh bé bỏng mới ra đời đó. Họ bảo trẻ con sinh ở thuộc địa, sẽ có màu da trắng, nhưng linh hồn là linh hồn An Nam.
Thực ra, hiện tượng "going black" là có thật. Đó là sự trả thù của đất mẹ. Đó là số phận những người đi xâm chiếm chúng ta. Chúng ta định đồng hóa người, nhưng chúng ta cũng không thoát khỏi bị đồng hóa trở lại.
Cha Colombert gật đầu:
- Đó là sự công bình của Chúa. Chúa không phân biệt da trắng, da đen, da vàng. Với ai Chúa cũng ban tình yêu thương. Có lẽ, nhiều khi, chúng ta cay nghiệt quá, nên chúng ta đào sâu hố ngăn cách giữa những màu da. Tôi chỉ là một tu sĩ bình thường. Tôi không có và không muốn những tham vọng chính trị. Tôi chỉ là người đi gieo hạt tình thương của Chúa. Tôi đã tận mắt thấy nhiều cảnh đau thương của xứ này. Do vậy, tôi nhiều lúc thấy nhớ cố hương, nhưng phần nhiều là cảm thấy như mình đã được sinh ra ở xứ này. Có lẽ các ông nói đúng đấy. Chúng ta đi đồng hóa xứ sở này và tôi cũng đã bị xứ sở này đồng hóa trở lại. Vì vậy, nên cùng sống với người bản xứ, tôi chẳng thấy ngăn cách gì cả. Phải chăng tôi đã trở thành một ông già An Nam?
Julien lên tiếng:
- Chung quy lại, vấn đề mà ta đang bàn cãi là vấn đề đồng hóa. Thực chất, ta đến Đông Dương để khai hóa văn minh cho dân bản xứ, chẳng qua chúng ta cũng chỉ muốn chứng minh nền văn hóa của chúng ta là ưu việt nhất. Chúng ta muốn biến xứ sở này thành một nước Pháp nhỏ bé, và người dân ở đây thành những thần dân, những bóng hình của người dân Chính quốc.
René quay sang cha Colombert:
- Thưa đức cha, nếu tôi nhớ không lầm thì, chính đức giám mục Puginier, nhà chiến lược tài năng đã mách nước cho các nhà thuộc địa rằng: "Muốn bình định xứ sở này, trước hết phải tiêu diệt đảng Văn Thân, tức là những trí thức lãnh đạo tinh thần của Việt Nam. Mà muốn làm việc đó thì phải xóa bỏ đi chữ Hán. Sau đó thay thế dạy chữ Hán bằng cách dạy chữ quốc ngữ, rồi dần dần dạy cho người dân biết chữ Pháp". Thưa cha điều ấy có đúng không?
- Tôi cũng đã được nghe đức giám mục nói đến chuyện đó - Cha Colombert trả lời giọng rầu rầu. Không biết có phải cha buồn vì chợt nhớ tới đức giám mục quá cố rất thánh hay vì một cớ nào khác. Pierre cũng góp vào câu chuyện:
- Thật là giỏi! Tôi nghe ông Lềnh, người đầu bếp Trung Hoa nói, ngày xưa, người Trung Hoa cũng đã làm việc đó rồi. Người Trung Hoa đồng hóa các dân tộc khác không chỉ bằng quân sự mà chủ yếu bằng thứ chữ kỳ lạ của họ. Biết chữ Hán, thấm nhuần văn hóa Hán. Đó Ià cách đồng hóa gốc rễ nhất. Chúng ta đã và đang thực hiện công trình ấy. Hán học đã bị bỏ và đang tàn lụi. Chữ quốc ngữ và chữ Pháp đang thay thế chữ nho.
Nhà dân tộc học ngẫm nghĩ rồi đưa ra nhận xét:
- Thực ra, đây cũng là một cuộc tranh đấu kịch liệt: một bên là quyết tâm đồng hóa, một bên là phản đồng hóa. Đừng tưởng những người cầm đầu tinh thần của xứ này họ chịu đâu. Vừa qua phong trào Duy Tân là điều chứng tỏ.
Julien cười khẩy:
- Tôi không tin những con người sợ sệt khúm núm ở cái xứ sở tối tăm này làm được gì.
Thấy mọi người chợt im lặng khi anh nói, Julien cũng ngừng phát biểu, nhìn mọi người một lát như để thăm dò, rồi mới tiếp tục một cách quyết liệt:
- Có lẽ chúng ta thương cảm quá. Cũng đúng thôi vì chúng ta là những người cơ đốc giáo... Tuy nhiên, lịch sử luôn lạnh lùng và thản nhiên. Nó không có khái niệm xót thương. Ở mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa... các dân tộc luôn vật lộn với nhau khốc liệt. Mạnh được yếu thua là quy luật. Dân tộc nào chỉ mong chờ sự nới tay của số phận sẽ phải chấp nhận thiệt thòi. Tôi chỉ muốn làm đúng quy luật lịch sử.
René nhìn Julien rồi gật gù:
- Lão Tử cũng có nói tới ý ấy: "Thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật vi sô cẩu". Trời đất không có lòng nhân, coi vạn vật là loài chó rơm....Tôi có điều kiện gặp gỡ những người trí thức bản xứ, Hán học có, Tây học có. Họ cũng suy nghĩ nhiều về đất nước họ. Họ cũng biết đất nước họ đang mê ngủ. Họ cũng biết sự đối đầu với chúng ta là một quy luật lịch sử tàn khốc. Tuy nhiên có những người cũng có ý nghĩ: Cuộc đối đầu này là một cơ hội làm cho đất nước họ thức dậy. Như anh đã nói đấy, cuộc đối dầu này là lạnh lùng và khốc liệt. Vậy, chỉ có hai khả năng, một là họ bị thành thần dân của nước Pháp, hai là họ thức dậy và tái sinh.
Julien cười:
- Tôi cũng mong gặp một đối thủ xứng đáng như ông nói. À... những người bạn trí thức bản xứ của ông cho rằng phải làm thế nào để thực hiện ước vọng tái sinh?
- Họ cho rằng nước họ cần phải qua bốn cuộc cách mạng. Thứ nhất: Tách ra khỏi Hán học, tách ra khỏi ảnh hưởng Trung Hoa, một ảnh hưởng đã có lúc rất lợi cho dân tộc họ nhưng nay kìm hãm họ.
Thứ hai: Làm một cuộc cách mạng gay go nhất, tức là chống lại chúng ta, tách ra khỏi sự thống trị của người Pháp.
Thứ ba: Đó là cuộc cách mạng kỹ nghệ, làm cho đất nước họ thoát ra khỏi tối tăm nghèo đói.
Thứ tư: Cuối cùng là cuộc cách mạng dân chủ. Con người tự ý thức rất cao về mình. Đứng ở điểm cao mà tiếp nhận, tổng hợp cái hay của cả Đông và Tây.
Không ngờ cuộc tranh luận lại nổ ra gay gắt thế, cha Colombert cố tìm cách chấm dứt mà không được.
Julien cười to:
- Thì cuộc cách mạng thứ nhất, chúng ta đã làm hộ họ rồi đó. Chúng ta đã xóa bỏ Hán học. Chúng ta đã dứt họ ra khỏi cái vòng phụ thuộc ngàn đời của họ với nước Trung Hoa. Thật may cho họ. Đáng lẽ ra họ phải biết ơn chúng ta chứ. Cuộc cách mạng thứ ba thứ tư, đối với họ chỉ là ảo tưởng nếu như không có bàn tay chúng ta chỉ dẫn. Còn cuộc cách mạng thứ hai, họ nghĩ tới tức là có tư tưởng phiến loạn. Những kẻ ấy, chúng ta phải tìm diệt từ khi nó còn trứng nước.
René cũng không kém cạnh. Mắt ông cũng nảy lửa khi nói với Julien:
- Dù anh ý định thế nào thì những cuộc cách mạng ấy cũng đã và đang xảy ra. Bỏ Hán học ư? Tốt! Họ chẳng cảm ơn chúng ta, vì đó chẳng phải lòng tốt của ta mà hoàn toàn chỉ vì lợi ích của chúng ta. Còn dạy chữ quốc ngữ để cuối cùng thành ra toàn xứ sở này biết tiếng Pháp ư? Đó mới là ảo tưởng. Cái đích của họ không phải tiếng Pháp mà là chữ quốc ngữ. Điều thú vị ở chỗ, cái mà ta định dùng để thống trị họ, thì họ lại dùng để chống lại chúng ta. Gậy ông đập lưng ông mà.
Julien trở nên tức giận. Sự tức giận làm ông ta quên cả dè dặt, quên cả cẩn trọng, đã nói ra những điều mà đáng lẽ trong một bữa rượu người ta không nên nói:
- Tôi biết chứ. Tôi đâu có mù lòa. Tôi biết rằng ngay trên đất Cổ Đình này, người ta đang tổ chức những lớp dạy chữ quốc ngữ. Nhưng đằng sau những lớp học này là cái gì. Đó mới là vấn đề.