Số lần đọc/download: 256 / 23
Cập nhật: 2020-06-05 12:47:51 +0700
Chương 9
C
on ngựa như một luồng gió nâu vun vút ngược dốc. Nó vượt qua trấn Mường Cang đầy bóng lính áo xanh sĩ lâm. Nó băng qua những khe sâu, lướt qua những triền núi vắng vẻ.
Nhưng, còn cách trấn Pha Linh hơn một cây số thì con ngựa dừng lại, khuỵ hai chân trước rồi nằm ềnh ở giữa đường. Châu Quán Lồ giật mạnh dây cương, xốc con ngựa dậy, nó cũng không đứng lên được, nó đạp chân mấy cái, trợn mắt, phì một hơi dài rồi chết cứng. Nó chết vì đứt ruột!
Lồ đi bộ. Mệt, đói, buồn, hắn bước uể oải. Buổi chiều tê giá. Mảng trời phía tây chói gắt một vệt mây da cam. Những ngọn núi nhọn, đóng khung thị trấn, trông dữ tợn như những mũi chông, đang bắt đầu mờ dần. Lát sau, mảng mây da cam xỉn lại như màu gỉ đồng. Cái thị trấn khép lại trong sương sa âm thầm.
Dù tâm thần đang hoang mang buồn nản, Lồ cũng nhận ra Pha Linh đã đổi khác nhiều rồi. Cái phố xưa chỉ là một vạch kẻ ngắn, nay đã phình ra cả bốn phía. Nhà gianh, nhà cỏ, lều bạt chen chúc bên bờ suối, dưới chân đồi, mặt quay cả về nhà La Văn Đờ, như con chiên châu tuần dưới chân Chúa. Tiếng ngựa hí giòn giã lẫn tiếng cười phởn phơ. Tiếng cười nô giỡn. Tiếng kèn lá réo rắt. Âm điệu, tiếng đông càng lúc càng cuồng nhiệt lúc thị trấn lên đèn.
Pha Linh đã đổi khác. Vì dân H'Mông từ nơi xa vẫn ùn ùn kéo tới. Vì lính tráng mỗi ngày một thêm đông. Và hàng hóa không hiểu ở đâu ra, đã la liệt ở các quầy hàng mới mọc: đèn pin, rượu Tây, vải vóc, nước hoa, đồ hộp. Pha Linh náo nhiệt như một cái chợ. Quán ăn, tiệm hút, sòng bạc nhan nhản. Pha Linh là một trại lính. Bóng lính nầm nập, súng ống đạn dược xó xỉnh nào cũng có. Pha Linh là một nhà tù: vọng gác lô xô cả loạt trên các cao điểm; vào trấn, phải qua một cổng đá mới xây.
Đang đi, Lồ bỗng thấy một người cưỡi ngựa dong theo một con ngựa nữa có yên cương từ xa tiến lại.
— Chào na nủ, mời na nủ lên ngựa?
Lồ sửng sốt, nghe giọng quen quen mà hắn không sao nhận ra được mặt người cưỡi ngựa ra đón.
— Ngựa của ai đấy?- Lồ hỏi.
Tên cưỡi ngựa quay ngựa, khẽ cười:
— Vọng gác trên núi nhìn ống nhòm thấy na nủ từ xa, cấp báo về. La tả quán sai tôi đi đón.
— Chính La tả quán?
— Vâng. La tả quán đã sai bày tiệc đón na nủ ở nhà.
Lồ leo lên lưng ngựa, con mắt lành căng trong đêm:
— Anh là ai mà tôi nghe giọng quen quen nhỉ?
Trong đêm, bật một tiếng cười nhỏ.
— Không nhận ra tôi à?
— Không.
— Tôi đã hút thuốc phiện với na nủ ở làng Nhuần. Na nủ bảo tôi đi hộ vệ cho na nủ...
— À...
— Tôi đã bắn chết tên họa sĩ Quốc dân Đảng.
— À!
— Tôi đã suýt bắn chết tên Chính đầu sỏ Việt Minh. Tôi đã dẫn ông Phô-rô-pông từ biên giới về Pa Kha. Tôi là Giàng A Lử, người bên Can Chư Sủ đây mà. Không nhận ra tôi à?
Lồ “hừ” một tiếng, nghĩ: “Thằng này khác thằng Pao em nó quá, khó chơi đấy”. Lồ thấy khó chịu, nhất là lúc ấy, trong ánh sáng hắt ra từ căn nhà La Văn Đờ, hắn đã nhìn thấy mặt Lử. Lử trông thật dữ: mũ Nhật chom chỏm trên cái đầu trọc méo mó, vệt ria mép đen to như cái bàn chải và cái sẹo nằm ngang trán to như con giun đất.
Lử cũng đã nhìn rõ Lồ, và lòng hắn lại tấy lên nỗi khao khát: “Ta đã như thế, sao chưa được La tả quán tin. Đù a! Lồ hơn ta có hai tuổi mà nổi danh khắp nước H'Mông!”.
Nhà La Văn Đờ bây giờ đã thực sự là một tòa gia trạch lớn. Hai ngọn đèn măng sông rừng rực ở hiên tỏa sáng cả một vùng rộng, san sát những căn nhà cột gỗ pơ-mu, mái lợp tôn trắng. Nhà gác cũ mới sơn lại, cột màu đỏ chói, cánh cửa màu xanh đậm. Một vòng tường trình khoanh tất cả những căn nhà mới dựng phía sau thành một khu vực riêng, trong đó tấp nập bóng người đi lại, rì rầm tiếng cối xay, thậm thịch tiếng cối giã, và ồn ĩ tiếng ngựa hí, tiếng bò rống, lợn kêu...
Lồ đưa ngựa lên bậc thềm theo thói quen nghênh ngang cũ. Nhưng sắp tới các bậc trên cùng thì hắn xuống ngựa. “Chỗ này cán bộ Chính đứng”. Hắn chợt nghĩ, vứt dây cương cho Lử, chậm rãi bước lên gác.
Bước vào căn phòng, con mắt lành của Lồ bị chói lóa muốn chảy nước. Tiệc rượu đã bày sẵn. Xá xíu, xíu nhục... la liệt, và ở giữa mặt bàn rộng, những chai rượu túm tụm, đỏ gắt như một khối lửa. Những thứ đó lâu lắm Lồ mới lại thấy. Cả người đàn bà mới bước ra kia nữa, cũng như từ giấc mơ Lồ hiện ra. Mái tóc bồng, ngào ngạt nước hoa. Cái áo đỏ nở căng nơi ngực. Hai con mắt mướt ánh cười dưới hai vệt lông mày vẽ cong như đầu cần câu, cứ nhoi nhói, vừa chọc ghẹo, âu yếm, vừa giễu cợt, xa lánh, gợi nhớ, kích thích.
— Na nủ uống nước nhé.
Từ đôi môi người đàn bà thoát ra một thứ tiếng H'Mông óng ngọt và say đắm. Ngọt và say như chất rượu Lồ uống. Khà, rượu gì mà ngon thế? Bụng lâm râm cháy. Tâm trí tê tê. Mắt cay cay và những khớp xương tay, chân, vai hông Lồ lỏng ra, thú vị, trong khi những đầu ngón tay ngón chân cứ rân rân ngứa ngứa, dễ chịu.
“À! A Linh, vợ ba La tả quán”.
Lồ nghĩ thầm, ả đàn bà nhấp nháy hai con mắt lóng lánh:
— Na nủ vào thay quần áo đi. Ồ! Về đất nước H'Mông rồi thì mặc quần áo người H'Mông chứ.
Lồ ngoan ngoãn đứng dậy, ả đàn bà dắt tay hắn. Căn buồng tối om, sực nức mùi đàn bà... “Sao đi lâu thế không về? Không nhớ tôi à?”. Ả đàn bà quay lại, ôm chầm Lồ. Hơi thở Lồ ngàn ngạt. Lồ sục tay vào ngực ả. Lạ sao ả không chống cự, lại rướn chân cao lên và áp chặt vào người Lồ. Lồ đẩy ả sát vào vách tường, bàn tay rời ngực ả, lần xuống dưới. “Vẫn là của tôi đấy chứ?”. “Ừ, để đến tối!”.
Lát sau, Lồ bước sang buồng ăn. Hắn đã sạch sẽ và giản dị trong bộ áo quần lanh màu chàm. Vui vẻ, thỏa mãn, hắn nhận ra mấy người ngồi sẵn ở bàn tiệc La Văn Đờ và một người Pháp, râu vàng, mắt xanh. Người Pháp đứng dậy nghiêng người chào Lồ.
Đờ đi dép cói, áo ca-pốt khuy đồng vàng chóe, không cài khuy, khoác ngoài áo lanh đen, bước tới đầu bàn, rót một cốc rượu, đưa Lồ, tự nhiên và thân mật:
— Na nủ chết ngựa à?
— Vâng, con ngựa của tôi chết ở mặt trận. Tôi mượn một con của tỉnh đội.
Rót một cốc rượu nữa, Đờ bâng quơ:
— Thôi, về được là mừng rồi! Hầy, ngựa của Việt Minh thiếu gì con tốt mà nó lại đưa con xấu thế cho na nủ!
— Tự tôi chọn thôi.
— Hầy, thế ủy viên quân sự không có ngựa riêng, lính hầu riêng à?
— Không có.
— Lương bổng ra sao?
— Không có! Phát cái gì được cái đó!
— Khặc, khặc...
Đờ đột ngột ngửa cổ cười. Lồ ngơ ngác:
— Việt Minh nói bây giờ chịu khổ, sau này sẽ sung sướng.
— Khặc, khặc...
Lần này không phải chỉ có Đờ cười. Cả tên Pháp râu vàng như râu ngô non cũng cười. Tên Pháp đó là quan tư Phô-rô-pông.
— Kha kha... — Phô-rô-pông cười rất tự nhiên- Ông Lồ, ông đáng yêu như một chàng trai mới lớn. Kha kha... Tôi yêu ông quá... Tôi là con gái thì tôi mê ông. Mê ông.
Lồ ngây người. Nhậy cảm trước những lời khen, da thịt Lồ như được ai xoa vỗ. Và ở bên kia bàn, hơn ai hết, Đờ còn nhận ra, trong Lồ lúc này còn có cơn hứng dục đang mơn man tỏa sóng.
Đờ chíp chíp miệng. “Trâu không cày thành trâu rừng. Ngựa thả rông thành ngựa hoang. Ta không nhanh tay, có đứa sẽ nhảy lên lưng con ngựa hoang kia mất thôi”.
Quả thật Đờ thấy Lồ đã trở nên cần thiết vô cùng với y rồi. Đờ có uy danh của một quan lớn. Đờ là chúa đất tàn bạo, là thổ ty am hiểu mỗi đường đi nước bước. Đờ có cái nham hiểm, quỷ quyệt của kẻ thủ mưu. Nhưng không có Lồ, thì làm sao Đờ có thể thực hiện được mộng ước: một quan lớn H'Mông trong một nước H'Mông? Lồ không chỉ tàn bạo. Tàn bạo không thôi thì chỉ là một tên tay sai. Như Lử. Lử rất muốn được Đờ cất nhắc. Nhưng ngoài sự hung tợn ra, Lử không còn gì khác? Không ai bằng Lồ.
Tính nết Lồ thật hấp dẫn. Rất mực trâng tráo, táo tợn, nhưng lại ngây thơ, vụng dại. Đàn bà yêu hắn đến mê cuồng, con trai H'Mông theo hắn đến cả đàn. Hắn không hề lui khi cần phải tiến. Hắn quả quyết, lại không rắm rối, nhiều mưu đồ cá nhân. Trước kẻ địch nào, hắn cũng không hề sợ hãi. Bản lĩnh ấy, không phải tên tay sai nào cũng có.
Đờ còn cần tới Lồ hơn nữa vì ông Châu uý Vàng Đình Tráng hiện là một cái gai cho Đờ. Ông Tráng vẫn để quân trong Trung đoàn vệ quốc quân, ông không tán thành Đờ, ông chủ trương hòa hợp giữa Việt Minh với bộ tộc H'Mông nơi biên địa này. Lồ bỏ Việt Minh về tức là việc xây dựng nước H'Mông riêng của Đờ có thêm thực lực và sức cuốn hút.
Nhưng Đờ cần Lồ thì người Pháp cũng muốn dùng Lồ. Phô-rô-pông, sau khi đã chỉ huy cuộc phản loạn của cha con Hoàng Văn Chao ở Pa Kha đã có mặt ở đây. Chính vợ y, Seo Váy, đã đưa y đi. Y như kiểu đưa chồng về chơi quê ngoại. Đờ giật mình khi thấy Phô-rô-pông hiện ra ở trước tòa nhà trong bộ quần áo lanh H'Mông. Và bây giờ thì Đờ lo.
Câu chuyện giữa Lồ và Phô-rô-pông đã đậm đà dần. Viên quan tư cười, chòm râu giật giật:
— Tôi biết thế nào ông Lồ cũng về. Tôi xin kể ông nghe một câu chuyện Ấn Độ. Có một con hổ con mới đẻ ra thì bị đàn dê bắt. Đàn dê nọ nuôi hổ con, tập cho hổ con ăn cỏ. Hổ con theo đàn dê, lớn lên cũng chỉ ăn cỏ và kêu be be. Nhưng một hôm, hổ mẹ về. Nó gọi hổ con ra, đưa cho hổ con một miếng thịt lợn tươi và bảo: Mi là hổ. Mi phải ăn thịt. Hổ con liếm mép, cúi xuống ngoạm một miếng thịt. Ngon quá. Hổ con ăn hết miếng thịt, tức thì gầm một tiếng và nhảy vọt vào rừng.
— Ha ha ha...
Lồ bật cười, con mắt độc nhất sáng như mắt trẻ:
— Sau thế nào?
— Sau nó trở về bắt hết đàn dê kia, ăn thịt.
— Ha ha... hay quá!
A Linh vừa bưng tiếp mấy món ăn lên. Lần này là những đồ ăn Tây: xúc xích, pa-tê, bít tết.
La Văn Đờ rót rượu cho Phô-rô-pông, nhưng quay mặt nhìn Lồ:
— Ông Tư nói vậy là muốn nói anh là con hổ con đấy, anh Lồ ạ.
Lồ nghếch mặt ngây ngô:
— Tôi mà là con hổ con?
— Thì anh cũng đang ăn cỏ, đang kêu be be với đàn dê Việt Minh đó thôi.
Lồ vẫn không hiểu. Đờ hơi cúi xuống:
— Bọn Việt Minh nó thừa biết anh là hổ chứ. Vậy mà anh lại tin nó tốt với anh! Việt Minh bụng lửa, miệng nước. Tôi có kinh nghiệm rồi. Tin Việt Minh khác gì tin chim ri không ăn lúa, trâu không ăn cỏ.
— Tôi tin vừa vừa thôi.
— Việt Minh nó cũng chỉ cần anh tin nó vừa vừa thôi.
Lồ rùng mình. Hai con mắt của Đờ như hai ngọn đèn soi vào tâm óc hắn:
— Để nó dùng cái sức của anh.
— Tôi đi đánh Pháp cho nó?
— Và đi đánh người H'Mông cho nó nữa.
Lồ giật thót, trợn trừng:
— Sao? Nó bắt tôi đi đánh người H'Mông?
Đờ thẳng lưng như một pho tượng:
— Rồi đến một ngày, chính tay anh sẽ cầm dao đâm pê H'Mông.
— Không! Tôi không thế!
— Việt Minh nó bắt thế!
— Tôi không nghe.
— Đù a! Thế là không biết mưu sâu của Việt Minh! Sao cứ liếm cái tay nó định chém mình? Nghe nói: anh đã thề mặt trời là đi theo Việt Minh. Chà, bạo miệng quá, dòng họ, gia tộc chết cả vì lời thề độc ấy đấy. Tóc thì dài mà trí óc thì ngắn là thế! Anh có nhớ chuyện ông nội anh đánh nhau với hai con chó của thằng seo phải không?
— Trời!
— Việt Minh nói: Anh là cái đuôi của họ. Anh là con chó của thằng seo phải ư?
Lồ thét một tiếng. Hắn đấm ngực, hắn dậm chân, hắn gào, hắn rống. Và sau cùng hắn khóc nức nở như một đứa trẻ bị đòn oan.
“Đù a! Ông nói hòn dái ta còn to là đúng rồi?”
Vậy là tới đây đời Lồ đã sang một bước ngoặt. Đời Lồ vốn phức tạp. Sinh ra trong một gia đình giữ chức dịch nhỏ. Cá tính hắn kỳ quặc: ngây thơ, chân thực, vị tha với đồng loại, nhiều tài hoa thiên bẩm, nhưng cực kỳ thô lỗ, cục cằn. Hắn đã theo Việt Minh, hắn phục Chính. Nhưng hắn khó có thể đi theo cách mạng được. Phần tiêu cực trong gia sản tinh thần của hắn quá nặng nề. Hắn lại ở trong vòng trói buộc của Đờ, mà Đờ thì thâm hiểm. Đờ dám dùng cả cô vợ ba của mình để lôi kéo Lồ.
Thiển cận, dễ bị xúc động, Lồ khóc, Lồ cất tiếng chửi cho tới lúc có một bàn tay nhỏ, mềm dịu, thơm mát xoa vuốt tóc hắn:
— Thôi nín đi, anh Lồ.
Lồ ngẩng lên. A Linh đã ngồi cạnh hắn, âu yếm ghé tai hắn:
— Về được đây là mừng rồi. Còn lo anh không về được kia!
Đờ cũng đã đứng dậy, cúi xuống vỗ vai Lồ:
— Thôi, chính tôi cũng dại. Về được, còn người, còn cả. Chẳng đâu bằng đất người H'Mông ta đâu. Ăn đi. Mai anh sẽ đi xem trại lính của ta. Đông hơn xưa nhiều rồi. Tôi đã sửa soạn một cái nhà to đón ông Lồ Pháy và bố anh về. Ăn đi, xong đi chơi. Người từ các nơi về cứ muốn xem mặt anh, sắp đến đầy sân đấy. Họ nói: A! Người H'Mông ta có người tài giỏi thế đấy nhé. Ăn đi! Còn nhiều việc đấy. Châu Mường Cang nó định lập lại liên minh với ta đánh Việt Minh, muốn anh làm chỉ huy tất cả đấy.
Lồ chùi nước mắt. Rượu lại đổ ồng ộc, sóng sánh trong cốc. Mùi thịt ngọt lự tỏa trong căn buồng. Đi đâu cả rồi mà vắng vẻ thế! Cả La Văn Đờ. Cả Phô-rô-pông. Chỉ còn lại A Linh. Chỉ còn lại bàn tay A Linh đang kéo Lồ vào căn buồng đầu hồi. Trời tối thật rồi. Y hẹn thật rồi. Tốc vạt áo ngược lên, A Linh cười cười: “Của anh đấy! Không về có phải phí đi không? Nào!”
Bộ đội đi trong đêm mờ mờ ánh trăng đầu tháng. Đã quá nửa đêm. Bóng người bước theo hàng một, nhấp nhô.
Quang Ngọc vừa đi vừa chạy. Gần sáng, anh mới bắt kịp bộ phận tiểu đoàn bộ. Tiểu đoàn vệ quốc quân do Đắc chỉ huy gồm hai đại đội các chiến sĩ người miền xuôi và một đại đội các chiến sĩ người các dân tộc tập hợp ở một cánh rừng, đã tỏa ra chiếm lĩnh trận địa.
Vai phải đeo khẩu tôm-sơn, lưng khoác cây ghi ta, anh theo mấy chiến sĩ liên lạc lên một quả đồi, nhìn xuống đèo Mã Yên Sơn và đã nhận ra đơn vị mình đang ém quân ở đây.
Giặc đã vượt qua núi Liên Sơn, đóng ở đèo Mây, cách đây tám cây số. Thế nào chúng cũng tiến quân đến đây.
Đèo Mã Yên Sơn dài bốn cây số, một bên là vực sâu. Ngồi trên ngọn đồi vầu cao, Ngọc có thể nhìn thấy con đường đèo uốn những vòng mềm mại, vắng lặng, giống một nét vẽ phác, lúc ẩn lúc hiện và ua úa vàng.
Vắng vẻ, yên tĩnh. Đồi núi ngủ lìm lịm, giấu kín hơn ba trăm con người đang ngóng chờ giặc tới. Ngọc đã quen thuộc với đời sống bộ đội, và quen thân với từng chiến sĩ. Với những chiến sĩ hôm qua còn là choảng pin, mìn pin của các thổ ty, cuộc chiến đấu này sẽ là cuộc chiến đấu đầu tiên của họ. Hoàng Văn Chao, La Văn Đờ, Nông Vĩnh Yêng đã thực sự trở mặt. Nhiều người, như Pao, đã vượt qua vòng vây của bọn phản bội để về đây. Ôi! Cuộc chiến đấu đầu tiên trong đời người của mỗi con người! Nhưng Ngọc có cảm giác hình như không phải là anh sắp tham dự một trận đánh lớn. Êm đềm quá. Gió thầm thì, thoang thoảng. Chim thức giấc cùng trời đất đang cất lên bản nhạc thắm thiết, trẻ trung buổi mai. Con cu gáy gù những âm êm mượt, tròn nuột ấm áp. Họa mi buông những tiếng luyến láy cao vót ngọt ngào. Trong những bụi cây rậm, lũ chim nhỏ rúc rích như tiếng xa quay. Và trên những cây gạo trắng mốc trơ cành, bầy quạ đen tung cánh bung ra những âm thanh náo động.
Tràn đầy vòm trời, mặt đất là khúc nhạc sớm mai. Nghe đâu đây là tiếng fluýt ngọt lịm, véo von, tiếng vi ô lông dịu dàng, thỏ thẻ, tiếng xe-lô trầm lặng, suy tư, tiếng pia-nô nỉ non, thánh thót.
Cảm hứng dâng tràn lòng Ngọc. Những âm trầm, những nốt nhấn, nốt vuốt, đang hòa hợp, dạt dào trong lòng anh. Cuộc đời Ngọc lúc này là khúc nhạc đang vút cao lên tới đỉnh điểm. Đoạn mở đầu là nỗi bâng khuâng, vẻ ngơ ngác của kẻ tìm đường. Chương tiếp là sự quằn quại, khổ đau, bối rối, u uất. Và giờ đây, nhạc đang chuyển từ màu tối đen, nóng đục sang tươi mát, dịu ấm. Đời Ngọc đã sang trang. Ngọc đã tìm lại được Dung. Anh không tin ở tai mình nữa khi Chính báo tin Dung và cho phép anh về làng Nhuần để gặp Dung. Ngọc đã đứng trước Dung từ cõi chết trở về, nước mắt ướt tràn hai gò má. Hạnh phúc đến với Ngọc đột ngột, lớn lao quá, sâu sắc quá, thấm thía quá!
Lòng Ngọc xưa là một thế giới khép kín, nay vừa bật mở những ô cửa màu xanh. Bi kịch cá nhân đã giải tỏa. Nghệ thuật của anh đã thoát khỏi cơn sầu tủi, ủy mị riêng tư. Và nó sẽ không phải là thứ nghệ thuật bốc đồng chốc lát.
“Ta phải viết một bản nhạc”. Ngọc lật úp cây đàn, tì tay trên bầu đàn, viết. Chao ôi! Cuộc đời đẹp quá! Lòng ta chan hòa với lòng mọi người! Ta muốn được sống mãi như thế này! Nhưng nếu cần thiết thì ta cũng sẵn sàng nằm xuống. Đó không phải là cái chết thảm hại vì lầm đường, lạc lối như của Trọng. Đó là cái chết ung dung, thanh thản, vì ta đã có hạnh phúc; chiến đấu cho hạnh phúc chân chính của con người là hạnh phúc. Vì ta chết cho ước nguyện sâu xa: tất cả mọi người sẽ được sống trong hạnh phúc tràn đầy.
Cảm xúc dồn dập tới. Giai điệu, tiết tấu đang kết hợp thành hình tượng. Môi Ngọc thầm thì câu hát.
— Đồng chí nào hát đấy?
Chợt có tiếng ai quát. Môi Ngọc khép chặt, lưu luyến câu nhạc. Tâm mặc áo săng đay, khẩu các-bin cầm tay, từ phía sau cánh rừng vừa đi tới. Anh dừng lại, gãi gãi cái thái dương bạc:
— Trời, ông nghệ sỹ. Lại đàn! Ra trận mà cũng đàn à?
Ngọc xếp tờ giấy trên bầu đàn, ngượng nghịu:
— Tôi cảm hứng quá. Định viết bản nhạc nhan đề là “Giải phóng”.
— Sáng tác hả?
— Vâng ạ.
Tâm cúi nhìn. Cây đàn Tâm quăng hôm đánh vào thị xã vỡ toang một miếng ở đáy được nhấc lên, dựa vào vai Ngọc.
— Sao, vẫn cái đàn cũ à?
Ngọc ngẩng lên, cười:
— Nó vỡ lại hóa ra ấm tiếng, anh ạ.
— Thôi... tớ xin lỗi — Tâm vỗ vai Ngọc. Tớ dốt! Nhưng mà Ngọc ạ, cậu phải làm thế nào sáng tác được một bản như “Quốc tế ca” ấy. Nghe hát mà tâm can cứ rừng rực, như có trống thúc trong lòng ấy. Thôi, tớ đi đây. Khe khẽ chứ. Hát lẩm bẩm thôi nhé.
Giặc vẫn chưa tiến quân.
Tâm quay về làng Mán Tòng Sành, nơi đóng quân của ban chỉ huy mặt trận. Đêm đen kịt. Những vệt lân tinh sáng xanh, ao ảo. Mùi nứa mục ải tanh ngái. Qua khoảng rừng âm u, trời bỗng thoáng đãng.
Từ ngoài sân, Tâm đã nhìn thấy ánh lửa cháy to ngần ngật trong gian bếp và nghe thấy tiếng người cười quen quen,sảng khoái.
Tâm nhẩy vào cửa, reo mừng rỡ:
— Ông Chính! Ông đến lúc nào thế?
Cạnh bếp lửa có ba bốn anh du kích Dao khăn đỏ to xù quấn đầu đang ngồi nấu gang vụn đúc đạn. Bật lên một bóng người cao, xương xương, rắn rỏi.
— Chào Chính ủy mặt trận!
Chính đội mũ nồi, mặc áo bu dông Mỹ, đeo súng ngắn bước ra, hàm răng trắng bóng trong đêm:
— Mình đi qua các làng Dao cơ sở. Tạt vào đây thăm anh em. Tình hình có ổn không?
— Tàm tạm.
— Cơ quan tản cư đã xong.
— Bọn thổ ty thế nào?
— Đúng như chúng mình dự tính thôi — Mắt Chính thoáng ánh cười — Tin mới nhất là họ Nông và họ La vừa hộiquân, chúng lập một liên minh quân sự. Đứng đầu là thằng Phô-rô-pông.
— Hừ.
— Mai mình về họp ở Trung ương.
— Thế à?
Tâm ngồi xuống. Cái bếp như roãng ra. Âu nước gang đỏ rực. Một chiến sĩ du kích thận trọng bê cái âu ra, rót xuống những khuôn đạn bằng gỗ đặt trên chậu nước. Tâm đứng dậy: “Để tôi giúp một tay”. Anh hoạt bát hẳn lên. Nước gang tuột qua khuôn, tọt xuống nước kêu chuýt chuýt và nước trong chậu sôi lên ục ục, bốc khói. “Chết thằng Tây rồi! Chết thằng Việt gian rồi!” Tiếng những người du kích reo trong bụm khói mờ. Mặt Chính chìm trong khói đúc đạn. Bóng Tâm mờ mờ khắc khổ.
“Một giai đoạn mới thật sự đã bắt đầu rồi” Chính nghĩ rạo rực. Lại nhớ tới đêm nào hai anh em Seng — Tếnh đúc đạn ở bờ sông Chảy. Mới đó mà đã như lâu rồi. Kỷ niệm những ngày đã qua vấn vít lòng người quá. Giờ đây có lẽ chưa phải lúc ngồi đánh giá lại toàn bộ những sự kiện đã xảy ra. Có những điều sẽ quên đi. Những thế hệ sau đây chắc chắn sẽ giỏi giang hơn, thông minh hơn, họ sẽ phê phán rất rạch ròi thời kỳ biến động sâu sắc này. Nhưng liệu họ có hiểu cho thế hệ anh, vì hoàn cảnh lịch sử, khó có một con đường nào khôn ngoan hơn? Và, dù thế nào chăng nữa, đây vẫn là thời kỳ sản sinh ra những con người thật đẹp. Họ có thể còn ấu trĩ, nhưng họ trong sáng tuyệt vời. Họ tìm đến cách mạng với mối tình đầu thiêng liêng. Có thể họ chưa đủ tài năng để lý giải mọi điều. Cách mạng là một khoa học nghiệt ngã, gian khổ, có thể họ chưa nắm bắt được hết. Nhưng nhiệt tình xả thân vì cách mạng là gương mặt rạng rỡ vô cùng của họ. Kiến là thế. Và Tâm đẹp hơn là anh tự thể hiện mình. Châu cũng vậy. Lớp cán bộ này tiêu biểu cho phần chủ yếu nhất của đạo đức cách mạng! Nhà tù của chế độ thổ ty lần đầu tiên có tiếng đập cửa. Nó đã rung vang. Nhưng, bây giờ mới là lúc thức tỉnh của hàng vạn người nô lệ. Và cuộc đấu tranh thực sự bây giờ mới bắt đầu. Chính sẽ lại tiếp tục đi vào cuộc chiến đấu này. Giai đoạn trước, toàn bộ sự kiện đã cho anh thấy: quần chúng nhân dân các dân tộc hoàn toàn có thể vùng dậy được, mặc dù họ đã bị làm cho mê muội hàng thế kỷ dưới bóng đen tàn bạo của chế độ thổ ty. Bây giờ, anh còn cần nhiều hiểu biết sâu sắc hơn nữa về họ; anh sẽ đi thẳng tới với họ, sống với họ, cùng họ chiến đấu.
Khói tỏa loãng. Tâm bỗng cúi xuống ho.
Chính ngẩng lên: “Sau trận này, nhất định phải đưa Tâm đi an dưỡng”.
Tâm dứt cơn ho, ngồi xuống, phẩy phẩy tay như xua khói:
— Ông Chính này! Còn một việc tôi sực nhớ mà ta chưa bàn kỹ là việc lập Công binh xưởng. Hỏi xem ở làng Nhuần có nhiều hang dơi không.
— Ông sẽ phụ trách Công binh xưởng?
— Không! Không! Sức tôi đã đến nỗi nào.
— Tôi nhân nhượng với anh lần này là lần cuối cùng đấy. Đối với đồng chí, đừng là hòn đá cuội đấy!
Chính ngước lên. Lòng anh bỗng nao nao. Anh bỗng linh cảm thấy hình như sẽ có điều gì bất thường sẽ xảy ra.
— Tâm à! — Giọng Chính không giấu nổi thiết tha — Nắm vững công tác chính trị. Hình như có chiều hướng nôn nóng, và hơi bi quan.
— Có đấy.
— Lào Cai có thể sẽ mất đất. Từng trận có thể thất bại. Bọn thổ ty có thể sẽ gây được thanh thế lớn. Nhưng đó chỉ là tạm thời. Ngay bây giờ phải lấy chiến thắng Việt Bắc, lấy khí thế của cả nước để cổ vũ niềm tin, tạo sức bật mới.
Tâm gật đầu. Hai con mắt như hút lấy mắt Chính. Chính hiểu rằng Tâm tiếp nhận ý kiến của anh. Hơn thế nữa: ý kiến của anh đã gặp ý kiến của Tâm.
Anh bỗng hơi cúi xuống. Một ý nghĩ chợt đến. Anh ngẩng lên:
— Mình ra ngoài ấy, ông có nhắn gì không?
“Nhắn gì!” Chính muốn nói gì? Anh nghĩ: Mình vô tình quá. Sống với Tâm lâu rồi mà chuyện vợ con, gia đình Tâm thế nào, không bao giờ hỏi han, bàn bạc. Thời đại trang nghiêm quá. Tình yêu như một thứ xa xỉ với Tâm.
— Mai ông đi à?
— Lát nữa thôi.
— Có qua làng Nhuần không? Cho hỏi thăm Châu. Nói mình đã nhận được lọ ruốc rồi.
Tâm khẽ cười. Hai người nắm tay nhau.
— Đi họp lần này ở Trung ương chắc sẽ có nhiều cái mới đấy nhỉ?
— Ông lấy cái áo bu-dông của mình mà mặc.
Họ dùng dằng. Và hai bàn tay bỗng rời nhau. Mấy anh du kích Dao chạy ra cửa. Ngoài cửa có ánh đèn pin rọi. Tiếng một người Kinh hỏi vọng vào:
— Có đồng chí Tâm, đồng chí Chính ở đây không, các đồng chí ơi?
Chính bước ra cửa, ngạc nhiên kêu to:
— Bác Bằng! Đồng chí Khả!
— Chào các anh, may quá.- Tiếng ông Bằng hoan hỉ.
— Ôi!- Tiếng Khả reo — Cuộc kỳ ngộ lý thú thật!
Lửa bếp sáng rực. Ông Bằng mặc va-rơi, đội mũ cát, vai đeo túi dết, bước vào. Sau ông, Khả mặc trấn thủ, đội mũ xì-cút, tay xách dép cao su, quần xắn cao. Khả sà ngay vào bếp, liến thoắng:
— Gớm, tìm các anh vất vả quá. Anh Chính ạ. Chị Châu đồng ý cho tôi đi cơ sở đấy. Công việc văn phòng tôi đã giao lại cho một cô mới ở Yên Bái lên. Còn cái máy Rơ manh tông thì giao cho nhà tôi. Cô ấy đã đánh được rồi. Mê-tót hẳn hoi nhé... Gớm, đi chuyến này vất vả quá. Toàn xuyên rừng. Nhưng mà tuyệt.
Ông Bằng ngồi xuống cạnh bếp, mở cái túi dết, trịnh trọng:
— Báo cáo các anh: đường dây ra Trung ương đã lập xong. Lần này tôi lên đây để nghiên cứu đường dây xuống các cơ sở.
— Bác chịu khó quá.
— Hôm qua tôi có qua thị xã.
— Chắc tản cư hết rồi.
— Còn vài người. Tôi có gặp cái thằng võ sĩ Vận đi hộ vệ cho Vũ Khanh. Nó bỏ Khanh về. Nó bảo Khanh hiện đang lang thang ở Mông Tự. Xem chừng bơ vơ lắm.
— Phải cảnh giác! — Tâm đáp, mặt lầm lì.
— Quà của các anh đây- Ông Bằng kéo một gói giấy báo từ trong túi dết ra.
Chính mở nhanh gói giấy. Công văn của Khu, của Trung ương. Báo cáo của bộ phận thường trực. Thư của Châu. Và cuối cùng là một cuốn sách.
Chính ghé xuống bếp lửa. Hai tay nâng cuốn sách giấy giang rung nhè nhẹ. Cuốn “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi” của đồng chí Tổng bí thư Trường Chinh.
Những người du kích Dao ghé lại. Tâm ngồi xuống. Tay Chính lật nhanh bìa sách. Vẫn chưa hết xúc động. Lâu nay anh vẫn nghe đến cuốn sách này, cuốn sách gối đầu giường của tất cả các cán bộ lãnh đạo kháng chiến, giờ mới được cầm nó trong tay. Nó đã vượt qua bao chặng đường gian khổ để vào tới đây, nơi giáp mặt trận, như một sự tiếp sức kịp thời.
— Chính ủy hút thuốc lá không?
Tâm dừng lại. Một anh tự vệ, đội mũ cát két ngồi dưới một vòm cây, đưa cho Tâm một cuộn thuốc lá sừng bò. Tâm ngồi xuống. Cuộn xong điếu thuốc, ngẫm nghĩ thế nào anh lại đưa cho đồng chí tự vệ:
— Thôi, cất đi. Đánh trận xong, hút khoái hơn.
— Chỉnh ủy biết tin Châu Quán Lồ bỏ về chưa?
— Biết rồi.
— Cái thằng ấy...
— Tớ biết là trước sau thế nào nó cũng về với cái ổ quỷ của nó.
— Chính ủy ạ, trận này phải chơi với bọn lê dương đấy.
— Thuyền to, sóng cả! Cậu sợ không?
— Không! Người ta tuy vậy mà cũng khó chết. Chả có gì mà sợ cả. Không có vũ khí, bị nó trói nó đánh, còn không sợ. Huống hồ bây giờ...
— Cậu nói rất đúng!
Tâm đi.
Đại đội tự vệ công nhân nằm ở khúc giữa của trận đánh. Họ là những phu mỏ phốt phát, những người thợ ở đề-pô Phố Mới Tâm mới tập họp lại cách đây hơn một tháng, khi Tâm theo ý kiến của Chính, đi vào xây dựng phong trào công nhân.
Qua nơi đại đội tự vệ phục kích, Tâm ngược lên phía trên. Thấy một nhóm chiến sĩ các dân tộc, anh rẽ vào. Pao, Mìn và anh em Seng- Tếnh ở đó, họ ngồi sau một búi ô rô lớn khe khẽ trò chuyện với nhau. Một thế hệ thanh niên các dân tộc sinh ra từ những nỗi khổ truyền kiếp, đã gặp nhau ở chiến hào.
Tâm dừng lại, lắng nghe. Giọng Pao ngàn ngạt:
— Đêm ấy chúng tôi chôn ông lão Pâu xong thì bọn thằng Tường lại mò đến trụ sở Châu bộ. Đêm ấy cháy cả trấn. Tôi thương ông lão Pâu quá. Bọn thằng Tường đâm nát ngực ông lão. Ông lão thều thào bảo tôi: “Chết thế này hơn là chết trong tay Hoàng Văn Chao. Ta chết để trả ơn cán bộ Kiến đấy, cháu ạ”.
— Đoàn trưởng Đắc đâu, các đồng chí? — Tâm hỏi. Pao nhổm lên, trả lời:
— Tôi không biết. Cũng đang muốn tìm đồng chí ấy đấy.
— Có việc gì cần thế?
— Cậu Mìn này mới ở Mường Cang ra, muốn xin vào bộ đội.
— Mới ra à?
Tâm nhìn anh thanh niên Nùng mặt sần sùi trứng cá. Anh thanh niên gãi cái đầu lởm chởm tóc.
— Muốn ở nhà mà không được. Lý Kiêu Đương thấy tôi là bạn Pao, bố tôi nói chuyện với cán bộ Chính, nó tức, nó gọi tôi lên chửi, dọa. Nông Vĩnh Yêng làm phản rồi. Con rể nó là Xì Xám Mần về giúp nó. Nó cho lính vây trụ sở Châu bộ. Đồng chí Tiến bắn hết đạn phải chạy đến nhà tôi ẩn. Tôi đưa đồng chí ấy vào rừng. Nông Vĩnh Yêng muốn bắt tôi. Tôi trốn đi.
— Cây muốn lặng, gió chẳng đừng thì gió lên, bão lên, rung mạnh cây vào. Sợ gì. Được, tôi nhận đồng chí vào bộ đội.
“Thế là đội quân của các chiến sĩ vô sản thêm một nô lệ vùng dậy nữa”. Tâm lại sục sôi những ý nghĩ hùng tráng. Anh ngồi xuống cạnh hai anh em Seng — Tếnh, giữ ngực tránh cơn ho.
— Seng — Tếnh à, nhằm cho trúng nhé!
Seng nhìn chính ủy mặt trận, gật gật đầu.
Tếnh chớp chớp mắt:
— Rồi còn phải đánh Châu Quán Lồ nữa chứ! Chính ủy?
Tâm vỗ vai người trai H'Mông:
— Rồi quét sạch bọn bóc lột khỏi mặt đất này!
Vòm trời vo vo tiếng đàn ong bay.
Pao ngẩng lên:
— Ong từ vùng cao về, đi tránh rét.
Tâm ngước nhìn. Những chấm ong nhỏ như bụi đang bay qua vòm cây gu đay. Ong vùng cao đang di chuyển về vùng thấp. Sinh vật thích nghi với tự nhiên bằng sự chuyển cư. Con người không thế, con người phải chiến đấu.
— Anh Tâm!
Nghe tiếng gọi mừng rỡ, Tâm nhìn xuống thì thấy Đắc tay xách chiếc mũ sắt, áo bu dông Mỹ mở ngực, súng đeo gọn ở sườn trái, chân đi ghệt lửng, đang rẽ một bụi cây hăm hở đi lên.
— Tôi đang muốn tìm anh. Lại chỗ Ban chỉ huy mặt trận, các đồng chí nói anh vừa đi. Anh Chính sáng nay về Trung ương họp rồi, anh Tâm nhỉ?
— Ta xem lại đội hình một tí đi anh Đắc.
Hai người đi ngược lên phía trên.
Rừng sáng những vệt nắng ấm, thứ nắng chớm đông, vàng như những lá vàng mười.
— Anh Tâm ạ!
Đắc dừng lại. Ngón tay trỏ ngoắc hai mũ sắt. Cái mũ sắt quay mấy vòng rồi lại quay ngược lại. Đắc chụp mũ sắt lên đầu. Khuôn mặt anh bỗng như đanh lại, rắn chắc. Chỉ có hai con mắt dưới vệt mày đen thẳng như kẻ là không giấu nổi sự ngượng ngập.
— Anh Tâm ạ!
Đắc cúi xuống, lại ngước lên. Tâm gầy rộrộc. Xương má nổi gồ. Tóc đã bạc hết cả mảng đầu phía sau.
— Anh Tâm ạ, thời gian qua tôi đã sống như thế nào, giờ đây tôi mới thật nhìn rõ. Nhờ các anh, tôi khám phá ra tôi. Có lúc tôi đã căm ghét anh, nguyền rủa anh. Tôi xin lỗi anh, anh Tâm!
Tâm xua tay, mũi khịt khịt:
— Thôi, thôi. Điều quan trọng là chúng mình làm lợi hay làm hại cách mạng.
— Tôi thành thật xin lỗi anh. Trước giờ nổ súng, tôi muốn...
— Đồng chí hiểu cho tôi.
— Tôi hiểu.
— Anh em đồng chí nếu có chém nhau là chém đằng dọng. Chúng ta là chiến sĩ cách mạng, phải đối xử với nhau trong quan hệ đó.
Nhìn tiểu đoàn trưởng, giọng Tâm thấp xuống:
— Đồng chí Đắc, thành thật mà nói tôi cũng có những điều không đúng với đồng chí. Tôi quá khắt khe...
Đắc quay đi:
— Tôi rất ân hận. Hứa với anh, không thắng trận nàyày tôi không về nhìn mặt anh nữa.
— Đồng chí Đắc! Dù không thắng cũng phải trở về. Cuộc chiến đấu của chúng ta còn dài. Phải sống để rút kinh nghiệm và thắng keo khác. Tôi hy vọng ở đồng chí...
Trong đời, chưa bao giờ Đắc được hưởng một sự nghiêm khắc mà thân ái, mà dạt dào tình đồng chí như thế. Nhưng Tâm không nói hết câu. Cơn ho bất thần nổi dậy xóa lấp tất cả dự định của anh. Tâm ôm ngực, sắp xỉu xuống. Đắc vội ôm Tâm. Cơn ho của Tâm rung chuyển cả Đắc. Đắc ghì chặt Tâm như để nhận bớt cái đau rát trong cơn ho của Tâm sang mình.
Nhưng, hai người đã vội rời nhau.
Địch đã tới đỉnh đèo.
Chúng dừng lại ở đỉnh đèo, tụ thành một khối đen bầm. Sau khi nã một loạt cối và xả liên thanh một hồi xuống dọn đường, chúng mới tuồn quân xuống dốc.
Hai hàng lính viền hai mép đường, ngựa thồ súng lớn, đạn dược, lương thực đi giữa, địch lầm lầm tiến. Những cái mũ sắt nghênh nghênh. Những nòng súng ngọ nguậy. Tiếng giày đinh giẫm rạo rạo mặt đường đầy sỏi cơm. Lê dương mũ đỏ. Lính dõng. Thổ phỉ biên giới... Loáng thoáng những gương mặt quen thuộc.
Pao nằm cạnh chính ủy Tâm. Nòng súng poọc hoọc của Pao ghếch lên, song song với ngọn súng các-bin của Tâm. Pao sắp tham gia một trận đánh lớn, trận đánh lớn đầu tiên trong đời Pao. Pao đã có mặt ở trấn Pa Kha giữa những ngày thổ ty Chao nổi loạn, Pao đã vào cuộc. Kiến đã bị thương trong lần bọn Tường bao vây, nổ súng. Pao cõng Kiến vượt vòng vây. Sau ba ngày lặn lội đã về tới làng Nhuần. Giờ Pao ở đây. Súng của Pao sẽ nổ để trả thù cho ông lão Pâu, cho những số kiếp khốn khổ, cho chính đời Pao đang khao khát vươn dậy. Pao quay nhìn Mìn. Súng của Mìn cũng chĩa xuống mặt đường. “Ta sẽ trả thù cho hai con mắt của cha, Mìn ơi”, Pao nghĩ, nghèn nghẹt trong lồng ngực.
Địch đã rải quân suốt từ đỉnh đèo tới chân đèo.
Thời cơ đánh đã tới. Nằm cạnh Tích với khẩu trung liên, Đắc bỗng nhổm dậy, vung súng ngắn, thét:
— Bắn!
Tằng tằng tằng... Từ những hố, những bụi bờ, ba khẩu trung liên giật nảy lên, xổ những băng đạn dài xuống mặt đường. Trong ánh lửa đạn, ngời lên những gương mặt xúc động, được chiếu rọi từ bên trong. Địch tóe ra hai bên đường.
— Bắn mạnh! Giật mìn!
— Ùng, ùng, ùng.
Tiếng Đắc thét, tiếng mìn, tiếng súng dội lên, nổ ran ran. Vòm trời như vỡ từng mảng lớn.
Địch ngã gục hơn chục tên trên đường, rối loạn đội hình. Chúng dạt xuống bờ vực, cuống quýt liều chết nhảy sang mé đồi gianh. Đàn ngựa sợ hãi, chạy tán loạn.
Tích chồm lên, vai áp báng khẩu trung liên.
Hai càng súng đã lún sâu xuống bờ công sự. Khói đạn tạt sạm cả mặt Tích. Chỉ còn hàm răng Tích hở trắng lóa.
— Chuyển trung liên theo tôi!
Tiểu đoàn trưởng vung súng lục, vụt lên. Tích ôm khẩu súng bỏng giãy chạy theo. Họ đặt khẩu súng máy ở ngay sát chỗ Tâm. Pao, Mìn và hai anh em Seng — Tếnh đã nổ những loạt đạn đầu tiên.
— Bắn!
Khẩu trung liên giật giật, nổ đoang đoác.
— Chúng còn đông lắm, đồng chí Đắc!
— Yên trí!
Tâm nhìn lên đỉnh đèo. Địch vẫn đang dồn quân xuống. Chúng đoán được hỏa lực của ta? Chúng rút về sau một quả đồi. Những viên đạn cối rú rít đã rơi xuống cạnh nơi Tâm nằm. Mắt Tâm nóng như lửa: “Cách đánh thế này hỏng rồi! Không được! Phải rút kinh nghiệm”. Ùng! Một quả cối nổ ngay phía sau Tâm, anh chúi xuống, rồi lại vội nghển lên.
“Păng!” Có tiếng một chiến sĩ kêu, tiếc rẻ:
— Vỡ cái đàn của đồng chí Ngọc rồi!
Tâm nhìn sang Đắc, ruột gan cồn cào:
— Đồng chí Đắc!
Đắc hất vành sắt, mặt anh ánh trong ánh lửa phụt ở đầu nòng:
— Đánh đến viên đạn cuối cùng!
— Không được.
— Chỉ có cách ấy!
— Không! Để lại cho tôi một trung đội. Còn tất cả rút vào rừng.
Đắc nao núng. Tích nhổm lên báo cáo: trung liên sắp hết đạn.
— Tôi sẽ ở lại, anh Tâm. Địch đang xung phong.
— Đánh bật chúng xuống! Tiếp tục cho một bộ phận rút.
Dưới chân đồi, địch đang lổm nhổm bò lên. Đông quá! Chúng dàn một hàng ngang. Súng nổ tằng tằng, khói mù mịt.
Một tốp địch vừa nhô đầu khỏi bụi cây phía Tâm. Ngọc bò lại cạnh Pao. Hai anh em Seng — Tếnh nhấp nhổm, Tâm chồm lên, phía trước anh, trên một mô đất cao, địch vừa kéo lên một khẩu đại liên: “Phải chiếm chỗ đó”. Tâm nghĩ, bật dậy: — Các đồng chí! Việt Bắc đang thắng to. Noi gương Việt Bắc, anh dũng xông lên! Xung phong!
— Xung phong ong...
— Xung phong ong...
Tiếng hô xung phong nổi dậy kéo một vệt dài. Tâm nhảy qua bụi cây. Các chiến sĩ nhảy theo. Pao và Ngọc vụt lên. Khẩu poọc hoọc của Pao nổ đành đành.
— Chiếm khẩu súng máy, đồng chí Pao — Tâm thét!
Pao chạy ngược mô đất. Ngọn súng tóe lửa, Pao nhảy chồm tới. Hai tên địch chết, xác sấp trên đất. Ngọc cũng đã tới. Pao quay ngọn súng máy ngược lại.
— Tích ơi! Đồng chí Tích!
Tích vọt lên.
Tiếng đại liên nổ từng tràng dài đĩnh đạc.
Tâm nép bên một mô đá cạnh đường, ngước lên. Gặp hỏa lực bất ngờ, địch đang chùn lại, rồi lui. Phải thừa cơ áp đảo địch! Đuổi chúng ra khỏi đèo. Rồi rút! Nghiên cứu lại. Đánh kiểu trận địa chiến thế này, hao tổn lực lượng quá, làm sao đánh lâu dài được! Tâm nhảy ra khỏi mô đá, vung khẩu các-bin:
— Các đồng chí, xung phong!
Seng — Tếnh chạy qua mặt Tâm, Đắc dẫn một trung đội ào xuống. Địch đang co lại.
Bóng một tên sĩ quan địch vừa hiện ra ở khúc đường ngoặt. Trông nó quen quá. Hao hao giống thằng Lộc. Lại có nét giống như thằng phán Thông. Hay nó là phán Thông thật. Nó chuồn đi đâu sau vụ mưu sát Chính? Tâm né vào bên đường, giơ khẩu các-bin bóp cò. Anh nhìn thấy tên địch ngã. Nhưng không nghe thấy tiếng súng. Tựa như có một làn khói đặc vừa ập vào mặt anh. Anh nắm chặt một búi gianh. Đất nghiêng đảo, tròng trành.
— Anh Tâm!
Tâm nghe thấy Tích và Ngọc thét thất thanh. Anh lảo đảo, vai đập vào bờ dốc mé đồi. Máu ở ngực đã trào ra ướt đẫm mọt mảng áo săng-đay phía ngực bên phải. Anh cố mở mắt. Sao yên ắng thế?
— Đồng chí chính ủy!
— Anh Tâm!
Đắc nhảy tới, ôm lấy Tâm, nâng đầu Tâm lên đùi mình. Tâm lại cố mở mắt. Môi nhợt mấp máy.
— Đuổi địch ra khỏi đèo... Xem lại cách đánh...
— Anh Tâm!
— Xem lại... đánh lâu dài... — Môi Tâm mấp máy — Chào Chính. Chào Châu. Chào đoàn thể...
Trời! Đắc gục đầu trên ngực Tâm. Nước mắt xối xả xót xa, đau đớn.
Nhưng anh đã ngẩng lên, đặt Tâm xuống, bảo hai anh Seng — Tếnh cõng Tâm về phía sau và cầm lấy khẩu các-bin của Tâm, giơ cao lên, thét như vỡ họng:
— Các đồng chí! Đánh địch ra khỏi đèo, trả thù cho đồng chí Tâm! Tiến lên!
Trên mô đất cao, Pao đẩy Tích ra một bên, giành lấy khẩu đại liên. Tóc Pao đầy bụi đất. Tấm áo lanh rách toạc một bên vai. Khẩu poọc hoọc chéo bên sườn. Mặt Pao căng đỏ. Hai con mắt xếch chéo rung theo nhịp nổ của tràng đạn đang bay về phía địch. Hai con mắt Pao nhìn rõ kẻ địch. Hoàng Văn Chao, Tường, Phô-rô-pông, lũ sảo quán Pha Linh như đang ở trước mặt Pao. Đầu nòng súng phùn phụt ánh lửa căm hờn. Gương mặt Ngọc thấp thoáng sau làn đạn. Anh đang chuyển đạn cho Pao.
HẾT