Số lần đọc/download: 991 / 27
Cập nhật: 2017-05-20 09:04:16 +0700
Ba Mươi Tám
T
hế giới đang thay đổi,” Nigel Batty nói. “Nó không còn là thập niên bảy mươi nữa. Đây không phải phim Kramer kiện Kramer. Trong những tranh chấp về nơi cư trú, luật pháp vẫn thiên về người mẹ - và nó sẽ luôn luôn là vậy. Nhưng người ta ngày càng nhận thức được rằng không phải người phụ huynh tệ hại nào cũng là đàn ông.”
“Tôi ghét phải nghĩ rằng con trai tôi sẽ lớn lên cùng một gã nào khác,” tôi nói, với bản thân hơn là với luật sư. “Tôi ghét cái ý nghĩ rằng nó phải ở trong cùng một nhà với một người không quan tâm gì đến nó. Một người chỉ quan tâm đến mẹ nó.”
“Chuyện đó sẽ không xảy ra. Dù cô ta nói gì đi nữa - cô ta đã bỏ hai cha con anh lại. Và anh đã trông nom cậu con trai khá tốt. Dù cô ta có nói gì với luật sư của mình đi chăng nữa.”
“Tôi không thể tin nổi là cô ấy đang cố làm tôi bị kết tội vô trách nhiệm. Nếu cô ấy công bằng, tôi còn có thể tôn trọng cô ấy. Nhưng chuyện này - nó làm tôi tức sôi máu, anh hiểu ý tôi phải không Nigel?”
“Tôi hiểu.”
Luật sư của tôi không còn là ông Batty đối với tôi nữa. Giờ thì anh ta là Nigel. Giờ anh ta đã kể chuyện của mình với tôi.
Bảy năm trước anh ta đã kết hôn với một cô gái Pháp anh ta gặp khi cô đang làm luật sư ở London. Họ ổn định ở đây và có hai bé gái sinh đôi trong vòng một năm kể từ ngày cưới. Thế nhưng khi cuộc hôn nhân bắt đầu rạn nứt cách đây hai năm, vợ anh ta - không bao lâu sau đó sẽ là vợ cũ - quyết định rằng mình muốn quay lại Pháp. Và với sự cho phép của Tòa án Phúc thẩm, cô đã đưa con gái của họ ra khỏi Anh. Từ đó đến giờ Nigel Batty chưa từng gặp lại chúng.
“Thế là rốt cuộc con tôi mất một phụ huynh và không nghi ngờ gì là căm ghét người còn lại,” anh ta nói. “Nhờ một thẩm phán ngu như chó nào đó nghĩ rằng chỉ có người mẹ mới được tính là phụ huynh. Và tôi cũng chẳng phải trường hợp đặc biệt nữa - bao nhiêu người cha đã mất liên lạc với con của họ. Vì người phụ nữ họ cưới muốn trừng phạt họ.”
Tôi bày tỏ sự đồng cảm với anh ta. Đã tối muộn và người lao công đang lục đục quanh cái văn phòng vắng teo của anh ta ở West End. Anh ta ngồi trên bàn và nhìn chằm chằm xuống con đường tắc ở quảng trường Hanover.
“Hai đứa con tôi hẳn sẽ sống tốt hơn nếu có đủ cả cha cả mẹ. Nhưng để có được cái đó - cái nhiệm vụ bất khả thi là giúp cho hai đứa nó có cả cha và mẹ - chuyện đó sẽ cần có sự nhường nhịn ở một mức độ nào đó. Và tranh chấp cư trú không có chỗ cho nhường nhịn. Và cũng không phải là vì điều tốt nhất cho bọn trẻ. Đáng lẽ phải là thế, nhưng thật sự lại không phải vậy. Lúc nào cũng là vì người mẹ muốn.”
Anh ta tháo kính ra và dụi mắt.
“Cho dù luật pháp cố làm cho quyết định cư trú đỡ gây nên những cảm xúc tiêu cực, nhưng nó vẫn phải kết thúc với chiến thắng của một người phụ huynh và thất bại của người kia. Không thể khác đi được. Người thua cuộc thường là người đàn ông. Nhưng - và đây là điều đã thay đổi trong vòng hai mươi năm trở lại đây - không phải luôn luôn. Và chúng ta có thể thắng vụ này. Chúng ta xứng đáng thắng vụ này.”
“Nhưng cô ấy có yêu thằng bé.”
“Cái gì cơ?”
“Gina yêu Pat. Tôi biết là cô ấy yêu nó.”
Nigel sục sạo vài tờ giấy trên bàn, gần như là xấu hổ thay tôi.
“Tôi không chắc là chuyện đó có liên quan, phải không nhỉ?” anh ta nói.
Tôi ngắm họ từ cửa sổ. Gina ra khỏi ghế lái phụ của chiếc Audi và cho Pat ra ngoài từ cửa sau - thằng bé bảo với tôi rằng Richard đã lắp một cái khóa trẻ con và rồi, ngồi xổm trên lề đường để hai mẹ con cao bằng nhau, cô quàng tay quanh người thằng bé, ấp cái đầu vàng hoe của nó vào cổ mình, níu chặt lấy vài giây phút cuối của cô bên nó trước khi trả lại cho tôi.
Gina nán lại bên cửa xe - chúng tôi không nói chuyện với nhau được nữa, nhưng cô vẫn chờ đến khi thấy tôi rồi mới quay vào xe - và khi tôi nhìn Pat chạy dọc cái lối đi nhỏ dẫn đến cửa nhà, mắt sáng lóng lánh, tôi biết là nó đáng được yêu thương nhiều như bất kỳ đứa trẻ nào trên thế giới này.
Một lúc sau, thằng bé ngồi chơi đồ chơi dưới sàn phòng nó.
“Pat à?”
“Vâng ạ?”
“Con có biết là hiện giờ mẹ và cha không hòa hợp với nhau lắm phải không?”
“Cha mẹ không nói chuyện với nhau.”
“Đấy là vì hiện giờ cha mẹ đang vướng chút tranh luận.”
Thằng bé không nói năng gì, đập Luke Skywalker vào mạn tàu Millenium Falcon. Tôi ngồi xuống trên sàn cạnh nó. Nó vẫn cứ đập Luke.
“Cha mẹ yêu con rất nhiều. Con biết điều đó chứ?”
Nó không nói gì.
“Pat?”
“Chắc vậy ạ.”
“Và cha mẹ đều muốn con đến sống với mình. Con thích sống ở đâu hơn? Với cha chứ?”
“Vâng.”
“Hay với mẹ?”
“Vâng.”
“Không thể là cả cha cả mẹ được. Con có hiểu điều đó phải không? Không thể là cả hai. Không còn như thế được nữa.”
Thằng bé ùa vào vòng tay tôi và tôi âu yếm vỗ về nó.
“Khó thật, phải không con yêu?”
“Khó thật ạ.”
“Nhưng đấy là cái mà cha mẹ đang tranh luận. Cha muốn con ở đây. Và mẹ muốn con ở với mẹ. Mẹ và Richard.”
“Vâng, nhưng đồ của con thì sao ạ?”
“Cái gì cơ?”
“Tất cả đồ của con. Tất cả đồ của con đều ở đây cả. Nếu con sang kia để sống - thì đồ của con sẽ ra sao ạ?”
“Chuyện đó không phải là vấn đề, con yêu. Chúng ta có thể chuyển đồ của con. Con không phải lo về chuyện đó. Việc quan trọng là con sống ở đâu. Và cha muốn con ở đây.”
Nó ngước lên nhìn tôi. Đây là cặp mắt của Gina.
“Tại sao ạ?”
“Vì như thế tốt cho con,” tôi nói, và ngay giữa lúc các từ đó đang được nói ra, tôi tự hỏi liệu điều đó có thật sự đúng không.
Tôi đã thay đổi trong sáu tháng vừa qua, những tháng ngày tôi nuôi lớn Pat một mình. Chương trình với Eamon chỉ là một cách trả tiền nhà, không phải là cách để chứng tỏ giá trị của mình với bản thân tôi và với những người khác. Công việc không còn là trung tâm vũ trụ của tôi. Trung tâm vũ trụ của tôi là con trai tôi.
Khi tôi cảm thấy hãnh diện hay sợ hãi hay ngỡ ngàng hay bất kể điều gì nhắc nhở tôi rằng mình vẫn còn đang sống, thì đó không phải là vì bất kể chuyện gì trong phòng thu, mà là vì Pat đã học được cách buộc dây giày hay đã bị bắt nạt ở trường hay đã nói hoặc làm gì đó khiến tôi đứng hình vì thích thú, làm gì đó nhắc nhở tôi rằng con trai tôi là cậu bé đẹp nhất thế giới. Nếu thằng bé đi mất thì tôi sẽ có cảm giác như thể mình đã đánh mất hết tất cả.
“Cha chỉ muốn điều tốt nhất cho con,” tôi nói, và lần đầu tiên tự hỏi liệu tôi muốn điều tốt nhất cho nó, hay điều tốt nhất cho tôi.
“Cha con và mẹ xem cô ấy biểu diễn ở Palladium khi cô ấy mười tám tuổi,” mẹ tôi nói. “Người ta gọi cô ấy là Cô gái đến từ Vịnh Con Cọp.” Mắt bà mở to phấn khích - tại sao trước đây tôi chưa bao giờ nhận ra chúng xanh đến mức đấy nhỉ? Trong bóng tối của nhà hát Albert, mắt mẹ tôi tỏa sáng như kim cương ở cửa sổ cửa hiệu Tiffany.
Dù họ luôn dành hầu hết mọi buổi tối ở nhà, cha mẹ tôi vẫn luôn đi xem một vở nhạc kịch khoảng sáu tháng một lần - Tony Bennett ở nhà hát Royal Festival, một vở Oklahoma! hay Guys and Dolls được phục dựng ở West End - và đấy là lý do bây giờ tôi đang đưa mẹ đến một buổi diễn ở nhà hát Albert. Là chương trình biểu diễn mà bà ưa thích nhất - Cô gái đến từ Vịnh Con Cọp.
“Shirley Bassey!” mẹ tôi nói.
Tôi từng bị kéo đến một vài chương trình của Shirley Bassey trước khi tôi đủ lớn để chống đối. Nhưng hồi tôi chưa lớn, khán giả của cô không tạp nham như đám đông mà chúng tôi đang thấy trong nhà hát Albert này.
Những chàng điển trai đến khó tin đội những cái mũ Uzbek nhỏ xinh và lông mày tỉa tót tìm ghế ngồi cùng những cặp đôi các cụ lờ phờ uể oải từ vùng ngoại ô London, những người đàn ông mặc veston như khi đi câu lạc bộ, những người phụ nữ với kiểu tóc Maggie Thatcher cứng đơ lạ lùng mà thế hệ mẹ tôi thường làm cho một buổi đi chơi tối.
“Con chưa từng nhận ra là Shirley già cả lại có ảnh hưởng lớn đến thế với đám đồng tính,” tôi nói. “Cũng có lý - bọn con trai thích sự kết hợp giữa sự hào nhoáng của ngành giải trí và bi kịch cá nhân. Cô ấy là Judy Garland của nước Anh.”
“Đám đồng tính?” mẹ tôi ngơ ngác hỏi. “Đám đồng tính nào?”
Tôi ra hiệu về phía đám đàn ông trẻ tuổi mặc đồ Versace và Prada, nổi bật rõ rệt giữa những đồ len và polyester của đám ngoại ô.
“Đầy xung quanh mẹ đấy.”
Đúng lúc ấy, cậu ngồi cạnh mẹ tôi - một anh chàng có dáng người mẫu nam quá đẹp trai không thể là dân “thẳng” - đứng dậy và thét lên phấn khích khi dàn nhạc bắt đầu chơi những hợp âm đầu bài “Kim cương là mãi mãi”.
“Chúng tôi yêu cô, Shirley à! Cô thật tuyệt!”
“Đấy, cậu này có đồng tính đâu,” mẹ tôi nói thầm vào tai tôi, hoàn toàn nghiêm túc.
Tôi phì cười và quàng tay quanh người mẹ, hôn lên má bà. Bà hồ hởi cúi người về phía trước khi Shirley Bassey xuất hiện ở trên đỉnh cầu thang - váy dạ hội của bà có cái gì đó trông như đèn nhấp nháy sáng long lanh, tay bà vung lên đầy cường điệu trong không trung.
“Mẹ làm cách nào thế hả mẹ?”
“Mẹ làm cách nào cái gì cơ?”
“Mẹ làm cách nào để có thể tiếp tục sau khi mất cha? Ý con là, mẹ đã ở bên ông cả đời. Con không thể tưởng tượng nổi sẽ ra sao khi phải cố lấp đầy một lỗ hổng lớn đến vậy.”
“Thì, ta cũng không thể hoàn toàn hồi phục được, tất nhiên. Ta chẳng bao giờ có thể hồi phục được. Mẹ nhớ cha con. Mẹ cô đơn. Có những lúc mẹ sợ. Và mẹ vẫn phải ngủ mà không tắt đèn.”
Mẹ nhìn tôi. Shirley Bassey đang đi tới đi lui ở mép trước sân khấu giữa tiếng vỗ tay như sấm động và cơn mưa hoa. Phải, bà chắc chắn là Judy Garland của nước Anh.
“Nhưng ta phải học cách buông tay,” mẹ tôi nói. “Không phải đấy cũng là một phần của nó sao?”
“Một phần của cái gì ạ?”
“Một phần của việc yêu một ai đó. Thật lòng yêu một ai đó. Nếu ta yêu một ai đó thì ta không coi họ là một phần nối thêm của bản thân mình. Ta không yêu họ chỉ để có lợi gì đó cho ta.”
Mẹ tôi quay lại phía sân khấu. Trong bóng tối nhà hát Albert tôi có thể nhìn thấy cặp mắt xanh da trời của bà đang long lanh nước mắt.
“Yêu là biết khi nào phải buông tay,” bà nói với tôi.