Số lần đọc/download: 0 / 42
Cập nhật: 2020-10-20 22:07:34 +0700
Chương 38
Buồng bệnh ông Kim nằm có ba người. Ông Cư chủ tịch tỉnh H, ông Khải, bí thư tỉnh T. Buồng dành điều trị cho cán bộ cao cấp nên khá rộng rãi và đầy đủ tiện nghi. Ngoài hai buổi đi dạo sáng, chiều và khám bệnh, uống thuốc, thì giờ còn lại ba ông ngồi nói chuyện trên trời dưới đất. Một lần ông Cư bảo:
- Mấy cái tay Tuyên huấn và Tổ chức ở tỉnh tôi đi bồi dưỡng thời sự, chính trị về báo cáo lại với tôi ở tỉnh anh nông dân đang bung ra làm ăn cá thể theo chủ trương của tỉnh. Tôi hốt quá chẳng biết hư thực thế nào liền cho đi kiểm tra lại tình hình Hợp tác xã trong tỉnh, bấy giờ mới biết tỉnh tôi cũng có mấy Hợp tác cũng bung ra đủ các kiểu khoán. Tôi chỉ thị cho các huyện chỉ đạo cho các Hợp tác xã đó dừng lại ngay. Nhưng rồi giống như anh thợ vụng nặn nồi đất, nắn được bên này tròn thì bên kia lại méo. Nông dân người ta đã không muốn làm ăn kiểu cũ thì dù có chỉnh đốn thế nào họ cũng tìm cách lách để làm ăn theo ý mình. Ép quá thì họ xin ra khỏi Hợp tác.
Ông Kim cười hỏi:
- Anh có nghe mấy cái anh Tuyên huấn tỉnh anh bảo tôi chống lại Đảng không?
- Nói anh chống lại Đảng thì không, nhưng nói anh đi ngược lại đường lối tập thể hóa của Đảng thì có.
- Như vậy có khác gì chống lại Đảng.
Ông Khải tham gia:
- Khi cái tin các anh ngang nhiên ra Nghị quyết chống lại đường lối Hợp tác hóa của Đảng đến với tôi, tôi vô cùng ngạc nhiên. Không hiểu các anh nghĩ gì mà làm như vậy. Nhiều anh còn quy kết các anh đang đi theo đường lối xét lại. Nếu không được nghe anh kể chuyện lại, thì tôi vẫn nghĩ anh đang đi ngược lại trào lưu của miền Bắc là mọi người, mọi ngành đều đi trên con đường làm ăn tập thể.
Ông Kim nói:
- Chúng tôi cũng phải vượt qua nhiều áp lực mới ra được Nghị quyết chứ chẳng dễ dàng gì. Ngay cả trong nội bộ chúng tôi cũng có người quy kết tôi chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa xét lại. Ngoài ra có mấy anh phái viên của Ban bí thư Trung ương hết chạy lên chạy về báo cáo với Ban bí thư khiến chúng tôi khốn đốn vô cùng. Nếu không có quyết tâm của tập thể tỉnh ủy thì khó mà ra được Nghị quyết.
Bà Lê cầm quạt quạt cho ông Kim và nói đùa:
- Anh Kim chảy máu dạ dày suýt chết cũng tại vì cái Nghị quyết ấy đấy các anh ạ.
- Nhà tôi nói đùa đấy. Các anh có nghĩ một tỉnh như tỉnh tôi vừa có đồng bằng, trung du và miền núi mà liên tục trong hai năm qua bình quân đạt trên 5 tấn thóc trên một héc-ta không?
Ông Cư:
- Đúng là thần kỳ. Đất tỉnh tôi không thua kém ai nhưng các huyện đồng bằng trong mấy năm vừa qua vẫn ì ạch trong phạm vi ba tấn chứ không thể hơn.
Bác sĩ Thành, viện trưởng vào phòng.
- Xin chào các bác. Đêm qua các bác ngủ ngon chứ?
Ông Cư đáp:
- Ngủ tốt bác sĩ ạ.
- Bác Kim nằm xuống để em xem nào.
Bà Lê đứng bên cạnh theo dõi từng cử chỉ của bác sĩ Thành. Thấy bác sĩ đứng lên, bà Lê hỏi:
- Tình trạng của anh Kim nhà tôi thế nào bác sĩ?
- Tốt lắm rồi. Vết mổ liền da rất đẹp.
Ông Kim hỏi:
- Liệu tuần này tôi đã ra viện được chưa?
- Chưa đâu. Nhanh lắm cũng phải sang tuần sau. Anh đừng sốt ruột. Để cho ổn định hoàn toàn đã.
- Ở nhà hiện nay đang rất cần sự có mặt của tôi, nếu bác sĩ cho tôi ra viện trong tuần này là tốt nhất. Cơ quan tôi lúc nào cũng có một bác sĩ ở bên cạnh tôi, bác sĩ không phải lo.
- Công việc cả một đời người chẳng khi nào làm hết được. Nhưng ốm đau là phải nghỉ thì mới làm việc lâu dài được bác ạ. Bác về sớm được một tuần rồi quay lại đây nằm một tháng, tính ra bác lỗ vốn to. Bác yên tâm đi. Chúng tôi sẽ cố gắng để tuần sau bác ra viện trong tình trạng sức khỏe tốt nhất.
Bác sĩ khám tiếp cho ông Cư và ông Khải rồi chào, đi ra khỏi phòng.
2
Tuyên và Hạnh, người yêu của Tuyên xách một túi hoa quả trong tay đi dọc hành lang của bệnh viện. Đi qua phòng nào cũng dừng lại nhìn vào rồi bỏ đi. Gặp một cô y tá bê một khay thuốc đi lại, Tuyên hỏi:
- Xin lỗi cô, phòng của ông Kim bí thư tỉnh ủy Phước Vĩnh nằm ở đâu nhờ cô chỉ giúp.
Cô y tá hỏi:
- Có phải cái ông bí thư tỉnh ủy chia ruộng cho nông dân cày cấy có phải không?
Tuyên hơi ngớ ra không hiểu cô y tá nói gì, nhưng sau đó lại gật đầu:
- Phải, phải.
Cô y tá chỉ về phía cuối hành lang:
- Nếu thế thì bác ấy nằm ở phòng số 24.
- Cám ơn cô.
Tuyên và Hạnh vừa đi vừa đưa mắt nhìn lên tấm biển treo trước cửa phòng. Thấy phòng 24, Tuyên dừng lại nhìn vào bên trong. Nhìn thấy bố đang vui vẻ nói chuyện, Tuyên mừng rỡ:
- Chào bố mẹ. Chào hai bác.
Hạnh chào theo. Bà Lê đứng lên rồi gần như lao về phía Tuyên:
- Con về khi nào?
- Con về hôm qua. Về đến nhà thấy cửa đóng kín mít, con chạy qua chỗ bác Thường hỏi mới biết bố đi bệnh viện, con liền xuống đây luôn. Đây là Hạnh, người yêu của con.
Ông Kim cười rưng rưng:
- Học hành xong chưa mà đã tính chuyện lấy vợ?
- Xong rồi bố ạ.
Ông Kim giới thiệu với ông Cư, ông Khải:
- Đây là anh con đầu của tôi. Cháu đang học ở Cộng hòa dân chủ Đức.
Ông Cư khen:
- Ăn cơm Tây có khác. Cháu không bớt cho bố cháu một ít.
- Cháu ở nhà đã to cao như thế rồi bác ạ - Bà Lê bảo.
Ông Kim tụt xuống giường:
- Mấy bố con mình đi ra ngoài kia ngồi nói chuyện, để đây cho hai bác nghỉ.
Ngồi xuống chiếc ghế băng kê dọc hành lang, ông Kim hỏi:
- Hai đứa cùng học với nhau à?
Tuyên đáp:
- Hạnh học ngành kiến trúc bố ạ.
Bà Lê hỏi:
- Quê cháu ở đâu?
- Thưa bác, cháu ở Hà Nội ạ.
Bà Lê hỏi tiếp:
- Bố mẹ cháu còn khỏe chứ?
- Vâng. Bố cháu ở bộ đội, còn mẹ cháu làm ở Cục thống kê.
Tuyên hỏi:
- Con nghe chú Đô bảo sở dĩ bố bị chảy máu dạ dày là do bác Chính bắt bố làm kiểm điểm có phải không bố?
- Cái thằng Đô này ăn nói lung tung thật. Không phải đâu con ạ. Con không nhớ bố đã bị chảy máu dạ dày hai lần rồi không. Con đừng nghe người ta nói lung tung rồi nghĩ không tốt về bác Chính. Bác ấy là một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, tình nghĩa giữa bác ấy và bố vẫn như xưa. Không có chuyện gì xảy ra giữa bố và bác ấy đâu.
- Sức khỏe của bố thế nào rồi?
- Tốt rồi con ạ. Bác sĩ bảo tuần sau sẽ cho bố xuất viện. Con bảo con học xong rồi phải không?
- Vâng.
Bà Lê hỏi:
- Con về nước luôn hay còn qua lại bên đó?
Tuyên đáp:
- Con về thăm bố mẹ rồi quay sang bên đó.
- Bao giờ thì về hẳn? - Ông Kim hỏi.
- Con định ở lại bên Đức vài ba năm nữa mới về bố ạ.
Một thoáng thoáng nghi ngờ lướt qua, ông Kim hỏi:
- Học xong rồi không về còn ở lại bên ấy làm gì?
- Con định đi làm một vài năm kiếm một ít tiền rồi về bố ạ.
Ông Kim không tin ở tai mình, hỏi lại:
- Con vừa nói gì. Ở lại kiếm tiền à?
Tuyên đáp bình thản:
- Vâng. Ngành học của con có về nhà cũng chẳng có việc làm, trong khi đó ở bên Đức rất cần người mà lương cũng cao nên con định ở lại bên ấy làm việc vài ba năm vừa kiếm một ít tiền vừa củng cố thêm kiến thức thông qua lao động thực tế rồi mới về.
Ông Kim nhìn thẳng vào mặt Tuyên:
- Đảng cho con đi học để về phục vụ đất nước chứ không phải đi học để đi làm thuê cho nước ngoài. Con học xong rồi nếu về nước không có việc làm thì đi bộ đội. Mặt trận đang rất cần người cầm súng.
- Bố nghe con nói hết đã.
Ông Kim nói dứt khoát:
- Không phải nói gì nữa.
Bà Lê bảo chồng:
- Thì anh bình tĩnh để cho con nói hết xem sao.
Tuyên biết bố bị sốc vì câu nói thẳng của mình nên sửa lại:
- Thưa bố. Có lẽ nghe con nói hai tiếng kiếm tiền hơi khó nghe nên đã khiến bố tức giận. Thực ra ngành con học là một ngành rất khó. Trong mấy năm qua chủ yếu là học lí thuyết chứ chưa có điều kiện thực hành. Trong khi đó ở miền Bắc nước ta hiện nay chưa có điều kiện để nhập các thứ máy móc hiện đại về để ứng dụng trong sản xuất. Vì vậy con muốn ở lại bên Đức vài ba năm để lao động nhằm củng cố thêm kiến thức và kinh nghiệm trong thực tế. Nếu sau này miền Bắc có điều kiện ứng dụng ngành con học vào trong sản xuất và trang bị máy móc, lúc ấy con có một tay nghề vững vàng thì sức cống hiến của con cho đất nước càng cao bố ạ.
Ông Kim ngồi lặng yên.
Hạnh nói rụt rè:
- Thưa hai bác, anh Tuyên nói đúng đấy ạ. Ngành anh Tuyên học có lẽ là để dành cho đất nước sau khi hết chiến tranh. Nếu anh Tuyên về mà không làm đúng ngành mình học thì coi như mấy năm học vừa qua chẳng ích gì hai bác ạ.
Ông Kim đã thấy nguôi nguôi nên quay sang hỏi Hạnh:
- Cháu học đã xong chưa?
- Thưa bác, cháu còn hai năm nữa ạ.
- Vậy là hai đứa về cùng?
Hạnh cười kín đáo:
- Bác nghĩ anh Tuyên ở lại vì cháu có phải không?
Ông Kim cười:
- Càng tốt chứ sao.
Hạnh nói:
- Ngành cháu học về nước là có việc làm ngay. Hiện nay ở Hà Nội cũng có một trường Cao đẳng Mỹ thuật công nghiệp. Cháu định sau khi về nước sẽ xin vào làm giảng viên ở đó.
Bà Lê hỏi:
- Cháu đã nói với bố mẹ cháu về mối quan hệ giữa cháu và thằng Tuyên nhà bác chưa?
- Cháu viết thư nói cho bố mẹ cháu biết từ lâu rồi ạ.
Ông Kim đùa:
- Vậy mà thằng Tuyên nhà bác giấu tiệt.
Tuyên cười:
- Con về nước đã đến trình diện với mẹ vợ ngay. Hôm nay chúng con trình diện bố mẹ rồi còn gì nữa.
Ông Kim hỏi:
- Bố cháu hiện nay ở Hà Nội hay ở đâu?
Hạnh đáp:
- Bố cháu đang ở Lào bác ạ. Nghe anh Tuyên bảo bác cũng có một thời gian ở trong quân đội có phải không?
- Bác ở bảy, tám năm gì đó, bác không nhớ nữa.
- Hôm nào bác ra viện, cháu xin mời hai bác đến nhà cháu chơi.
Ông Kim vui vẻ nói:
- Nhất định hai bác sẽ đến. Cháu và thằng Tuyên nhà bác định khi nào thì đi?
- Chúng cháu định về nghỉ khoảng ba tuần bác ạ.
Một cô y tá đi lại chỗ ông Kim:
- Cháu mời bác vào tiêm thuốc ạ.
- Cháu vào đi, bác vào ngay đây.
Nói xong ông Kim đứng lên đi theo cô y tá.
3
Từ phòng làm việc trở về ông Kim thấy bà Thường đang ngồi nói chuyện với bà Lê. Ông hỏi:
- Hai chị em nói chuyện gì mà trông có vẻ tâm đắc thế?
Bà Thường đáp:
- Đang nói chuyện thằng Tuyên. Làm việc xong chú còn ngồi làm gì trên phòng giờ mới về?
- Có việc gì đâu, ngồi tán chuyện với tay Côn. Tay Tấn thế mà giỏi ra phết. Năm nay hắn chỉ đạo làm vụ xen canh đâu vào đó. Lại lo giống má, phân tro cấp cho mấy chục Hợp tác xã trọng điểm, mừng quá chị ạ.
- Tôi cũng nghe chú Quốc nói cho biết Ty Lương thực cũng có kế hoạch sẵn sàng thu thu mua nông sản do các Hợp tác xã làm ra.
Bà Lê đứng lên xua tay:
- Dẹp chuyện Hợp tác xã lại kẻo dạ dày lại bục ra bây giờ. Đã ăn cơm được chưa em dọn? Chị Thường ngồi chờ anh về ăn cơm cả tiếng nay rồi.
- Cứ dọn ra ăn được bao nhiêu thì ăn.
Trong khi bà Lê lúi húi dọn cơm, ông Kim nói với bà Thường:
- Tôi định tối nay bắt tay vào viết bản kiểm điểm, theo chị nên viết thế nào?
- Ông Trung Chính bảo chú sai ở chỗ nào cứ viết lại nguyên xi như thế và hứa sẽ sửa chữa, thế là xong.
- Mình không sai mà cứ đi nhận là sai, tôi thấy nó như thế nào.
- Tôi biết là chú rất khổ tâm nhưng biết làm sao được. Từ trước đến giờ đã thành căn bệnh, người bị kiểm thảo nói dối thì được khen là thành khẩn với tổ chức, còn nói thật thì bị ghép vào cái tội là ngoan cố, là thiếu trung thực với Đảng, chú còn lạ gì nữa.
Ông Kim thở dài thườn thượt:
- Thôi thì đành nói dối với lương tâm mình, nói dối Đảng một lần trong đời chứ chẳng có cách nào hơn.
Bà Lê bê mâm cơm ra đặt xuống bàn, nói:
- Em nghe không rõ, hình như chị và nhà em đang bàn chuyện kiểm thảo nhà em có phải không?
- Chú ấy hỏi tôi không biết nên viết bản kiểm thảo như thế nào. Tôi bảo anh Trung Chính bảo chú ấy sai như thế nào thì cứ thế mà viết.
Bà Lê thắc mắc:
- Như thế hóa ra mình nhận là mình làm sai hả chị?
Bà Thường hỏi lại:
- Thế theo cô thì làm thế nào? Chú ấy viết là mình không làm sai à?
- Theo em mình không làm sai thì chẳng việc gì mà viết kiểm thảo.
Bà Thường bảo:
- Không được đâu cô ạ. Chú Kim mà không viết kiểm thảo theo lệnh của anh Trung Chính, thế nào chú ấy cũng bị ghép vào tội ngoan cố rồi Ban bí thư sẽ thành lập đoàn thanh tra về kiểm tra các Hợp tác xã thì lắm chuyện lắm. Bói ra ma quét nhà ra rác. Chuyện bé sẽ xé ra to rồi bắt nông dân phải trở về với con đường làm ăn như cũ thì bao nhiêu công sức, tâm huyết của chú ấy và Ban thường vụ coi như đổ xuống sông xuống biển.
- Chị cứ nghĩ nhà em kiểm thảo thì Ban bí thư để cho yên à?
- Để yên thì không. Thế nào Ban bí thư cũng yêu cầu chúng ta sửa chữa sai lầm. Còn sửa chữa hay không, sửa như thế nào là do ta. Ban bí thư làm sao mà biết được.
- Thế hóa ra cả đời hoạt động cách mạng của nhà em trong sáng như gương bỗng nhiên tự mình bôi một vết ố lên đấy.
Ông Kim cầm lấy đũa:
- Dù mình bị một vết ố trong lí lịch đảng viên nhưng nông dân không phải quay lại với con đường ăn bữa hôm lo bữa mai thì cũng coi như mình hy sinh để cho nông dân được no ấm, thế là hạnh phúc lắm rồi. Thôi, không bàn chuyện này nữa, ăn cơm đi kẻo đói bụng.
Ăn cơm xong nghỉ ngơi một lúc, ông Kim xách điếu cày đi lên phòng làm việc của mình. Khi đi ngang qua phòng Đô, ông bảo Đô soạn cho ông cây đèn bão để đề phòng mất điện. Trời ủ bão khiến không khí oi nồng bức bối. Ông Kim bật điện rồi đi đến mở toang tất cả các cánh cửa sổ trong phòng. Đô xách cây đèn bão và ấm nước để xuống bàn:
- Em pha cho anh ấm nước chè đặc quánh theo yêu cầu của anh đây.
Đô nói xong lặng lẽ lui ra. Đêm cuối tháng trời tối đen như mực. Bốn bề im ắng. Điện yếu bóng đèn đỏ quành quạch. Chiếc quạt trần quay chậm chạp đến nỗi nhìn rõ cả ba cái cánh. Ông Kim lấy một tập giấy trong tủ ra để xuống bàn rồi ngồi xuống. Thấy bóng điện không đủ ánh sáng, ông bật lửa đốt thêm cây đèn bão, sau đó mở tập giấy lấy ra một tờ, ngồi bóp trán một lúc rồi bắt đầu viết: Đảng Lao động Việt Nam. Bản kiểm điểm cá nhân. Tên tôi là Hoàng Kim, sinh năm 1917. Tham gia hoạt động cách mạng năm 1939, làm liên lạc cho Xứ ủy Bắc Kỳ…
Dòng ký ức xa xăm cùng khuôn mặt và lời nói của ông Trung Chính hiện ra cùng một lúc: “Đồng chí là bí thư tỉnh ủy, đồng chí phải chịu trách nhiệm chính trong việc đưa nông dân trở về con đường làm ăn cá thể. Đồng chí phải thành khẩn kiểm điểm trước Ban bí thư về những sai lầm của mình. Phải nói rõ nguyên nhân dẫn đến sai lầm là do nhận thức mơ hồ về cuộc đấu tranh giữa hai con đường hay do động cơ cá nhân. Muốn nông dân tôn vinh mình là vị cứu tinh của họ…”
Ông Kim cầm tờ giấy vừa viết được mấy dòng lên xem rồi bằng một cử chỉ dứt khoát, ông xé tờ giấy ra làm nhiều mảnh vo tròn lại vứt xuống gầm bàn rồi bước ra khỏi phòng. Những bóng đèn mắc thưa thớt trên đường mờ ảo chiếu lên thân hình cao lêu nghêu và những bước chân đơn độc của ông. “Động cơ cá nhân muốn nông dân tôn vinh mình là vị cứu tinh của họ” ư? Cả cuộc đời ông từ khi còn làm liên lạc cho xứ ủy Bắc Kỳ và hơn mười năm làm bí thư tỉnh ủy, trong đó ba năm làm bí thư tỉnh ủy trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, vào sinh ra tử nhưng chưa một lần ông nghĩ đến danh lợi. Đến đồng quà tấm bánh người ta quý ông đem biếu ông cũng từ chối không nhận. Chưa khi nào ông để cho con cái nhờ vả cái thế bí thư của bố mà tiến thân. Nông dân no ấm ông vui, nông dân đói khổ ông lo như lo cho bà con ruột thịt của mình. Trằn trọc suy nghĩ ngày này sang tháng khác để tìm ra con đường no ấm cho nông dân đâu phải vì ông muốn họ tôn vinh ông là vị cứu tinh. Họ quý, họ thương ông với tình thương chất phác của người nông dân khi họ biết ông cũng thương cũng quý họ như người ruột thịt. Vì sao ông Trung Chính không hiểu điều đó mà đi gán cho ông cái điều mà chưa khi nào ông nghĩ tới.
Ông Kim trở về phòng làm việc ngồi vào bàn, mở nắp bút máy ra cặm cụi viết lại: Tôi là Hoàng Kim, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Phước Vĩnh. Tôi xin kiểm điểm về ưu, khuyết điểm của tôi như sau…
Ông Kim vứt ngòi bút lên trên tờ giấy đang viết, đưa hai tay ôm lấy đầu chống xuống bàn. Trong tai ông Kim bỗng vang lên những câu hỏi chát chúa phát ra từ hai cái loa sắt ở trong hội trường: “Nói khoán cho hộ là tận dụng được khả năng lao động, tất cả lao động có nghĩa vụ làm cho tập thể. Đúng hay sai?”… “Nói giao ruộng cho người lao động tự mình chủ động sắp xếp công việc, cải tiến công cụ và tận dụng lao động phụ trong gia đình, do đó đạt yêu cầu tăng năng suất, như thế có đúng không”… “Nói khoán cho hộ là một biện pháp tổ chức phân công lao động hợp lí. Trên cơ sở đó sẽ thực hiện từng bước chuyên môn hóa lao động trong sản xuất có đúng không?”… Mấy tiếng “Đúng hay sai”, “Có đúng không” cứ lặp đi lặp lại thành một âm thanh rền rĩ. Ông Kim buông tay trên đầu và đưa bịt lấy hai tai. Đôi mắt ông trở nên đờ đẫn.
Bà Lê cầm một cốc sữa bước vào thấy động tác của ông Kim như vậy hốt hoảng kêu lên:
- Anh làm sao thế?
Ông Kim giật mình ngẩng đầu lên trả lời:
- Có sao đâu.
- Không sao, sao hai tay ôm chặt lấy tai, bộ mặt thì thất thần như sợ hãi điều gì khiến em lo quá.
Ông Kim cười gượng:
- Mệt quá nên ngủ gật và mơ đang cưỡi rồng bay lên trời. Nghe tiếng gió ù ù bên tai hốt quá.
Bà Lê biết chồng nói dối để bà yên tâm nên bảo:
- Anh uống sữa đi rồi về nghỉ. Chẳng việc gì mà cái thân làm tội cái đời.
Ông Kim cười méo mó:
- Có khi phải về nghỉ thật. Anh thấy mệt mỏi quá rồi.
Nói xong ông Kim cầm cốc sữa lên uống một hơi, đứng lên bỏ về nhà.
4
Cuối cùng thì ông Kim vẫn viết xong bản tự kiểm điểm và bài báo đăng ở Tạp chí Học tập theo chỉ thị của ông Trung Chính. Khi đưa cho ông Côn đọc, đọc xong ông Côn cười bảo:
- Hoá ra anh cũng có tài nói dối.
- Tớ nhớ đến câu nói xưa nay trong dân gian một điều nhịn chín điều lành ông ạ. Trong chiến thuật quân sự đôi khi cũng phải rút lui để bảo toàn lực lượng. Thôi thì một người chịu mang tiếng với Đảng nhưng thành quả của Nghị quyết 68 không mất là coi như mình chịu hy sinh để cho bà con nông dân được no ấm, không lo cái đói thường niên là tốt rồi.
Nhưng rồi cây muốn lặng gió chẳng đừng. Một buổi sáng ông Kim đang ngồi nói chuyện với ông Côn về việc mở thêm nghề phụ cho các Hợp tác xã nông nghiệp thì Phương vào.
- Báo cáo bí thư, có công văn của Ban bí thư vừa gửi xuống.
Linh cảm có chuyện chẳng lành, ông Kim hỏi Phương:
- Cậu đã đọc chưa?
Phương đáp:
- Tôi chưa đọc.
- Đã quy định các công văn gửi tới chánh văn phòng có trách nhiệm đọc trước khi chuyển cơ mà.
- Công văn này có đóng dấu mật nên tôi không dám tự tiện đọc.
Ông Kim cầm lấy chiếc phong bì:
- Được rồi. Xin cám ơn cậu.
Phương ra khỏi phòng, ông Kim bóc công văn ra xem. Nét mặt ông trở nên nhăn nhúm, đau khổ. Ông Kim nói thì thào:
- Thế là chúng ta bị dồn đến tận chân tường rồi ông ạ. Ban bí thư ra Thông tri yêu cầu ngừng ngay công tác khoán hộ trong các Hợp tác xã nông nghiệp.
Nói xong ông Kim quẳng tờ Thông tri cho ông Côn. Đọc xong ông Côn nói:
- Thông tri này và bài nói chuyện của anh Trung Chính là một. Chỉ thêm phần biện pháp sửa chữa cụ thể. Đòn đánh bồi hiểm quá, không biết mình có gượng dậy nổi không.
Ông Kim ngồi trầm ngâm mãi mới hỏi ông Côn:
- Theo ông, ta làm gì bây giờ?
- Chỉ thị đã thành văn bản rồi thì chỉ có việc chấp hành chứ chẳng có cách nào hơn.
- Như thế thì bỏ mặc cho nông dân muốn ra sao thì ra à? Không được. Phải tìm mọi cách bảo vệ cho được những thành quả do Nghị quyết 68 đem lại.
- Anh tính bảo vệ bằng cách nào?
- Bằng cách nào sẽ tính sau, nhưng phải bảo vệ cho bằng được. Không thể để nông dân mất niềm tin vào Đảng.
- Tôi nghĩ bà con nông dân hết sức hoang mang khi biết tin này đấy ạnh ạ.
Ông Kim qua chỗ Đô bảo Đô báo cho các ủy viên thường vụ chiều họp rồi trở về nhà nằm ra giường thở dài. Bà Thường vào thấy vậy hỏi:
- Chú mệt à?
Ông Kim ngồi dậy:
- Chán quá chị ơi. Ban bí thư vừa gửi Thông tri xuống yêu cầu chấm dứt ngay việc khoán hộ và tổ chức xã viên học tập lại điều lệ của Hợp tác xã bậc cao để chấp hành cho tốt. Thế là coi như bao nhiêu công sức của cán bộ đảng viên từ cấp tỉnh cho đến cơ sở tan thành mây khói.
- Thông tri đến khi nào?
- Tôi vừa nhận xong cùng đọc với ông Côn rồi trở về đây.
Bà Thường bực mình thốt lên:
- Quá đáng quá đi mất. Bây giờ chú tính sao?
- Chỉ thị bằng văn bản hẳn hoi thì phải chấp hành chứ biết làm sao. Tôi định chiều nay hội ý Ban thường vụ để thông báo thông tri này và bàn biện pháp chấp hành. Ngày kia sẽ triệu tập chủ tịch và bí thư huyện ủy lên họp để thông báo và bàn kế hoạch sửa chữa.
Bà Thường chợt nghĩ ra điều gì đó nói giọng vui vẻ:
- Chú Kim này, hay là để tôi về gặp anh Trung Chính lấy tình thân quen trước đây nói thiệt hơn với anh ấy xem sao. Biết đâu anh ấy sẽ nghe ra.
- Chẳng ăn thua gì đâu chị ạ, chị có đi cũng chỉ mất công thôi. Chị thấy thái độ anh ấy hôm làm việc với Ban thường vụ, sau đó là buổi nói chuyện với các tỉnh ủy viên và cán bộ đầu ngành của tỉnh, đến bây giờ lại ra bản thông tri này thì biết thái độ của anh Trung Chính kiên quyết như thế nào rồi.
Bà Thường thở dài:
- Cũng là người Cộng sản mà vì sao suy nghĩ và tình cảm lại không có tiếng nói chung mới lạ. Ngày trước ông ấy viết những bài báo nói về nông dân hết sức sâu sắc, vì sao bây giờ lại quay lưng lại với cái đói nghèo của họ là thế nào?
- Nói rằng anh Trung Chính không quan tâm đến cuộc sống của nông dân cũng không đúng. Nhưng có lẽ anh ấy sống xa với thực tế hiện tại quá. Hoàn cảnh sống của anh ấy bây giờ cũng khác xa. Ngày xưa còn mặc quần áo nâu ngồi ăn cơm với nông dân, ngày nay sống trong bốn bức tường của biệt thự. Ngày trước anh ấy chống gậy băng rừng lội suối với chị em mình. Bây giờ đi đâu cũng rùng rùng có người bảo vệ, dân không được đến gần. Làm việc thì chủ yếu thông qua báo cáo của cấp dưới mà cái loại cấp dưới quan liêu và cơ hội như tay Bao, tay Đỗ còn ối. Rút cuộc thì cái anh nông dân vẫn là loại đầu chày đít thớt. Có kêu cũng chẳng đến trời. Không biết làm cách nào để duy trì được phương thức khoán hộ đây. Bỏ khoán hộ cũng có nghĩa từ bỏ no ấm để quay trở về với đói nghèo chị ạ.
Bà Thường không nói gì mà chỉ kêu lên:
- Chán quá đi mất!