Số lần đọc/download: 2794 / 97
Cập nhật: 2015-08-28 02:06:50 +0700
Chương 40: Lần Gặp Gỡ Cuối Cùng Với Tổng Thống Diệm
T
ôi cho rằng tình hình đã đi quá đà, nay dù ở trung ương có những nỗ lực dàn xếp thì các địa phương một số người quá khích của bên chính phủ, hoặc bên Phật giáo vẫn cứ gây ra những hành động nguy hiểm, khiêu khích.
Tôi trở về Huế giữa lúc tình hình tại đấy hết sức căng thẳng. Các sinh viên hay tin tôi đã trở về, kéo vào gặp tôi rất đông. Một đại diện sinh viên trình bày các biến chuyển vừa qua, cho biết một sốo sinh viên bị bắt giam, tra tấn và một số khá bị đe đoạ. Họ đòi hỏi chính phủ phải trả tự do cho tất cả những kẻ bị bắt và chấm dứt những hành động áp bức đối với những sinh viên Phật tử.
Tôi hứa sẽ can thiệp với nhà chức trách để yêu cầu trả tự do cho những người bị bắt, kêu gọi các sinh viên bình tĩnh. Nhân danh một linh mục, tôi xác nhận với anh em sinh viên Phật tử rằng không hề có chuyện công giáo bách hại, hay đàn áp Phật giáo mà chỉ có thể có chuyện một chính phủ có những hành động có thể không đúng đối với Phật giáo. Tôi cam kết với các sinh viên rằng nếu quả thực chính phủ có chủ trương đàn áp Phật giáo thì chính tôi với tư cách linh mục và viện trưởng sẽ đứng về phía các anh em sinh viên.
Trong lúc số sinh viên đang tụ tập trong và ngoài phòng tôi, tôi gọi điện thoại ngay cho đại biểu chính phủ miền Trung, lúc đó là ông Nguyễn Xuân Khương vừa được bổ nhiệm thay thế ông Hồ Đắc Khương được triệu hồi về. Tôi yêu cầu ông đại biểu chính phủ trả tự do mau chóng cho những sinh viên bị bắt. Ông Khương hứa giải quyết ngay.
Các sinh viên còn cho tôi biết rằng nếu vụ Phật giáo không dàn xếp yên được ngay, thì sẽ có nhiều vị sư sãi ở chùa Từ Đàm tự thiêu, nhiều sinh viên cũng sẽ tự thiêu, và nhiều cuộc biểu tình sẽ diễn ra khắp thành phố Huế.
Tôi chỉ khuyên các sinh viên bình tĩnh, đừng lầm lẫn phạm vi chính trị với tôn giáo, còn những hoạt động của anh em sinh viên thì tuỳ theo lương tâm, mọi người tự do tham dự vào các hoạt động họ thấy là chính đáng.
Ngày hôm sau ông đại biểu chính phủ và toà tỉnh Thừa Thiên trả tự do cho một số sinh viên bị bắt giam mấy hôm trước. Các sinh viên tuy chưa được thoả mãn hoàn toàn, nhưng có vẻ hoà hoãn hơn đôi chút.
Hôm sau tôi vào gặp ông Cẩn, mặc dù là người ít học, nhưng ông Cẩn, theo nhận xét của tôi không hẹp hòi thiển cận như nhiều người lầm tưởng.
Khi nghe tôi trình bày về dư luận quần chúng cà các chính khách ở Mỹ đối với chế độ và vụ Phật giáo, ông Cẩn đã đặc biệt lưu tâm, tỏ ra hết sức lo lắng khuyên tôi nên vào gặp thẳng ông Diệm để trình bày sự thật đầy đủ, may ra còn cảnh tỉnh chăng:
- Cha cần phải về Sài Gòn nói rõ mọi chuyện cho "cụ" biết (ông Cẩn gọio Diệm bằng tiếng cụ). Con hiểu nhưng không biết làm cách nào giúp cho cụ hiểu được. Cha biết là con khó mà nói gì cụ tin. Con có ý thưa với cha, là chẳng những cha nói miệng, mà cha nên ghi lại trên giấy những điều cha định nói với cụ, rồi lúc cha ra về cha để lại tấm giấy đó cho cụ, để cụ có dịp đọc lại mà suy nghĩ kỹ hơn. Cha làm như thế có thể cụ sẽ đưa cho ông Nhu và Đức cha đọc.
Lúc này quyền hành của ông Cẩn trên thực tế chẳng có gì. Những ảnh hưởng đối với các nhà chức trách thì đã lọt vào tay Đức cha Thục, cho nên dù ông Cẩn hết sức hoà dịu, cố gắng dàn xếp, nhưng vì thiếu quyền hành, ảnh hưởng nên khó làm được việc gì ích lợi quan trọng để ổn định tình hình.
Trong lúc đó, tình hình biến chuyển mau chóng, trưa 11-6 Thượng toạ Thích Quảng Đức tự thiêu, báo chí quốc tế, các hãng truyền hình lớn đã chụp hình, quay phim và tường thuật vụ này, làm cả thế giới lên án chế độ ông Diệm. ông Diệm hiệu triệu quốc dân, và ý ông muốn kêu gọi dân chúng bình tĩnh, tin tưởng vào thiện chí dàn xếp của ông, nhưng câu nói cuối cùng của ông có thể bị hiểu lầm là một câu nói đầy kiêu căng, khinh miệt: "Sau lưng Phật giáo trong nước hãy còn có hiến pháp nghĩa là có tôi!".
Ngày 16-6 các tăng ni biểu tình trước toà đại sứ Mỹ đồng thời tại chùa Giác Minh hàng ngàn Phật tử tụ tập dự tang lễ Thượng Toạ Quảng Đức. Cuộc tụ tập biểu tình, có xô xát với cảnh sát, làm cho nhiều người bị thương, hàng trăm bị bắt. Tại Huế, không khí thật ngột ngạt, làm tôi có cảm tưởng như không khí một buổi chiều sắp dông bão lớn.
Ngày 23-6 tôi vào Sài Gòn và sáng hôm sau ngày 24-6, lễ Thánh Gioan Baptista, quan thầy của Tổng thống, tôi đã vào dinh để chúc mừng ông. Theo lời khuyên của ông Cẩn tôi đã viết sẵn lên giấy những điều sắp nói cầm theo vào phòng làm việc của ông Diệm.
Tôi vào đề ngay:
- Thưa cụ vừa đi Mỹ về tôi được lệnh cụ phải ra Huế giải quyết vụ sinh viên ngay chưa có dịp nào thưa chuyện với cụ về dư luận Mỹ đối với Việt Nam. Nay nhân dịp vào mừng lễ bổn mạng cụ, tôi muốn thưa với cụ những khuynh hướng chính trong dư luận Mỹ đối với tình thế hiện nay. Khuynh hướng thứ nhất của một nhóm chủ chiến thiểu số do một tướng lãnh chủ trương muốn đánh mạnh để thắng mau.
Khuynh hướng này không được chính phủ, quốc hội và dân chúng ủng hộ. Khuynh hướng thứ hai chủ hoà, chấp nhận một giải pháp trung lập. Khuynh hướng này do các chính khách Dân chủ như Harrimam, Hillman chủ xướng. Khuynh hương này tuy được quần chúng và giới trẻ ở Mỹ ủng hộ rầm rộ, nhưng không được chính phủ Mỹ nghe theo hoàn toàn.
Một khuynh hướng có vẻ ôn hoà trung dung muốn rằng chính phủ Kennedy vẫn tiếp tục ủng hộ Việt Nam với một số những điều kiện đặc biệt nào đó. Khuynh hướng này được chính phủ Kennedy lưu ý đặc biệt. Theo khuynh hướng này thì một trong những điều kiện mà Mỹ đòi hỏi ở Việt Nam là cụ phải có những thay đổi chính trị sâu rộng, lập Thủ tướng và các tổng trưởng có thực quyền, chọn những người không có liên hệ gia đình, và nếu thấy ai có tài năng thì dù họ thuộc một đảng phái đối lập cũng nên dùng họ. Các bộ trưởng nên được nâng lên hàng tổng trưởng để tăng thêm uy tín và quyền hành. Tại Quốc hội cũng phải cố gắng lập khối đối lập thực sự. Nếu cụ có những thay đổi chính trị như vậy thì Mỹ có thể tiếp tục ủng hộ Việt Nam để chiến thắng cộng sản, nếu không nội cuối năm 1963 Mỹ sẽ dùng Phật giáo làm cái cớ để lật đổ chế độ của cụ, vì Tổng thống Kennedy sắp phải ra tranh cử nhiệm kỳ 2, cần gây uy tín để đắc cử. Đối với cử tri Mỹ trong mùa vận động tuyển cử này, thì xem chừng lật cụ là việc làm ăn khách nhất.
Ông Diệm có vẻ trầm ngâm, nhưng là cái trầm ngâm của một người không muốn biết một sự thật không vừa ý, hơn là sự trầm ngâm của một người muốn tìm một con đường mới. Ông chống chế:
- Những thay đổi ở thượng tầng kiến thiết quốc gia không cần thiết lắm. Những người nào có chút khả năng thì như cha biết tôi đã dùng hết rồi, và có mấy ai ra gì đâu. Cha thử nghĩ xem, nếu đặt Thủ tướng thì lấy ai xứng đáng bây giờ? Nhóm Caravelle thì cha đều biết qua cả có ai xứng đáng giữ chức Thủ tướng đâu? Điều quan trọng là tổ chức hạ tầng kiến thiết tức là ấp chiến lược.
Tôi cố gắng thêm lần cuối để thuyết phục ông Diệm chấp nhận những thay đổi cần thiết trên thượng tầng:
- Thưa cụ, nói rằng thượng tầng cơ sở không quan trọng thì e không đúng lắm. Cụ chẳng đang ở vị thế cao nhất trong thượng tầng cơ sở, và giữ một trách nhiệm quan trọng nhất, nặng nề nhất đó sao. Chẳng những cụ cần những người thuộc hạ trung thành ở thượng tầng cơ sở, mà cụ còn cần những cộng tác viên tài năng can đảm, liêm sỉ, nhiều sáng kiến. Có thể lúc này cụ không tìm ra những người như thế để xây dựng thượng tầng, nhưng với sự nới rộng sẽ khích lệ những kẻ tài năng đến với cụ nhiều hơn, tạo cơ hội cho những nhân tài kiêu căng hoặc e thẹn đến hợp tác với chế độ. Đó là nói về những lợi ích trong nước, trong nội bộ. Bây giờ, thưa cụ chúng ta cần người Mỹ, lệ thuộc nhiều vào người Mỹ, chịu ảnh hưởng nặng nề vì sự thương hay ghét của họ. Nếu không vì những lợi ích thiết thực mà phải cải tổ chính phủ, thì cũng nên vì để làm hài lòng người Mỹ mà cải tổ, để họ khỏi phá hoại. Cụ cũng đã hiểu câu châm ngôn "ai chi tiền thì kẻ đó cai trị". Hiện nay người Mỹ đang chi tiền. Nếu cụ cứng rắn quá sẽ bị bẻ gẫy.
Ông Diệm có dáng suy nghĩ, lo lắng, chú ý hơn lúc đầu một chút:
- Nếu bây giờ chúng ta nhượng bộ một bước thì Mỹ sẽ lại đòi thêm, biết nhượng bộ đến bao giờ cho vừa lòng họ? Tôi muốn võ trang đầy đủ cho Bảo an, Dân vệ, thanh niên chiến đấu. Mỹ không chịu. Tôi muốn tăng cường quân đội, Mỹ từ chối không cấp vũ khí và phương tiện, Mỹ chỉ muốn đưa quân qua Việt Nam mà thôi.
Ông Diệm ngưng một lúc, nhìn mơ màng lên trời rồi bắt đầu thuyết về ấp chiến lược. Ông cho rằng ấp chiến lược là giải pháp hay nhất để đánh bại cộng sản ở nông thôn, thực hiện những cải cách cần thiết cho nông dân. Tôi đã được nghe ông Nhu nói về ấp chiến lược một cách say sưa. Những lý lẽ ông Diệm đưa ra quanh vấn đề ấp chiến lược cũng không khác gì luận điệu của ông Nhu. Tôi tán đồng chủ trương đó, chỉ tiếc rằng đã không được thực hiện từ khi mọi cơ hội còn thuận tiện, ngày tháng còn dài, chờ đến bây giờ thì e muộn quá rồi.
- Thưa cụ, tôi xin đồng ý với cụ là quốc sách ấp chiến lược hay lắm, nhưng chúng ta cần có thì giờ và phương tiện để thực hiện. Nếu làm cho người Mỹ bực tức, họ không ủng hộ ta, thì lấy đâu phương tiện mà thực hiện. Hơn nữa người Mỹ có thể không cho chúng ta có thì giờ để thực hiện đủ với phương tiện riêng của chúng ta.
Ông Diệm im lặng, có vẻ không muốn nghe tôi nói thêm. Tôi biết ý ông nên kiếu từ ra về. Thấy không lung lạc được ông Diệm tôi cảm thấy gần như tuyệt vọng, nhìn thấy trước những viễn ảnh đen tối cho chế độ và cho quốc gia. Hơn nữa những hỗn loạn quanh vụ Phật giáo càng ngày càng lớn thêm. Không cần Mỹ phải trực tiếp nhúng tay vào, chỉ cần một lực lượng chính trị hay quân sự nào đủ gan liều một chút, biết khai thác đúng cách và đúng lúc những xáo trộn chính trị và tôn giáo hiện nay cũng có thể lật đổ được chế độ ông Diệm. Dù kính mến ông Diệm vì những thân tình cá nhân, những liên hệ bằng hữu, tôi nghĩ rằng, nếu có một lãnh tụ nào tài đức hơn ông Diệm đứng lân làm công việc đó, thì vì quyền lợi quốc gia dân tộc, tôi sẽ chấp nhận.
Nhưng trước mắt tôi, đếm kỹ những nhân vật tên tuổi trong danh sách những chính khách Việt Nam, tôi không nhìn thấy một ai đủ khả năng thay thế ông Diệm để lãnh đạo quốc gia. Vì những ý nghĩ đó, hơn là vì cảm tình riêng của tôi đối với ông Diệm và gia đình ông, tôi cố gắng tìm mọi cách để cứu vãn chế độ ông Diệm, mặc dầu tôi linh cảm mọi nỗ lực của tôi đều vô ích, vô vọng.
Tôi nghĩ rằng ông Diệm rất mộ đạo, kính nể những bậc lãnh đạo tôn giáo, nên tôi đến gặp Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình ngay sau khi rời văn phòng ông Diệm. Tôi lại trình bày những điều tôi vừa trình bày với ông Diệm:
- Thưa Đức cha, con đi Mỹ về, nhận thấy dư luận Mỹ đã hết thiện cảm với chế độ này và chính phủ Mỹ vì áp lực của dư luận quần chúng và quốc hội, chỉ có thể tiếp tục ủng hộ chế độ nếu có những cải tổ chính trị sâu rộng ở thượng tầng, bằng không Mỹ có thể tính cách triệt hạ chế độ và lật đổ ông Diệm. Như Đức cha biết, một sự hỗn loạn chính trị lúc này có thể đưa quốc gia chúng ta đến nguy vong. Con đã cố gắng trình bày những nhận định của con với Tổng thống nhưng cụ không nghe, con chỉ là một linh mục, dù cụ có lúc coi con như bạn, nhưng không thể gây ảnh hưởng gì quan trọng đối với cụ. Con nghĩ rằng nếu bây giờ các Đức cha trên toàn quốc gửi cho cụ một văn thư khuyến cáo cụ thay đổi chính sách và cải tổ nội các, thì có lẽ cụ sẽ nghe theo.
Đức cha Bình gật gù:
- Tôi cũng nhận thấy tình thế lúc này thật khó khăn, phức tạp. Tôi chấp nhận ý kiến của cha và sẽ bàn sau với các Đức cha khác để thảo văn thư và gửi Tổng thống.
Tôi không rõ về sau Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình và các Đức cha có gặp gỡ nhau thảo văn thư khuyến cáo ông Diệm thay đổi chính sách và cải tổ chính phủ hay không, nhưng tôi không còn được nghe tin gì.
Cũng ngày hôm đó tôi đến gặp Đức khâm sứ toà thánh là Đức cha Asto khoảng 5 giờ chiều. Đức khâm sứ mới được cử sang Việt Nam ít lâu. Tôi trình bày mọi việc, từ những nhận xét về dư luận Mỹ, đến hai cuộc gặp gỡ ông Diệm và Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình, cùng mọi ý kiến riêng của tôi. Đức khâm sứ cũng đồng ý với những nhận định của tôi, tỏ ra lo lắng về những diễn biến dồn dập của tình thế. Ngài có ý dịch bản điều trần của tôi gởi về Toà thánh và xin Đức giáo hoàng khuyến cáo ông Diệm, hy vọng làm như thế thì với tư cách một tín đồ Công giáo ông sẽ chịu nghe dễ dàng hơn. Lúc bấy giờ Đức Giáo hoàng Gioan XXIII vừa băng hà ngày 4-6, và Đức Hồng y Gio-Vanni Battita Montini vừa được bầu lên ngôi giáo hoàng, lấy hiệu là Giáo hoàng Phao Lô VI hôm 21-6.
Tôi thưa với Đức khâm sứ rằng tôi chỉ viết tay một bản mà thôi nên nay không thể nào có bản thứ hai y hệt như bản điều trần để lại trên bàn ông Diệm. Đức khâm sứ ngỏ ý muốn tôi ngồi lại, viết thật giống như bản điều trần đã đưa ông Diệm, rồi trao cho ngài để ngài cho dịch ra. Tôi thưa rằng bây giờ tôi không có thì giờ, vì lát nữa, lúc 7 giờ tối, tôi phải dự một bữa cơm chiều với một số trí thức, nhân sĩ, và 8 giờ sáng thì tôi đã phải lên máy bay về Huế. Đức Khâm sứ nhất định buộc tôi phải cố nhớ mà viết lại bản điều trần, ngài nói:
- Cha đi ăn về trễ lắm thì cũng đến 10 giờ là cùng. Cha nên chịu khó thức khuya một chút viết lại bản điều trần bằng tiếng Pháp, càng giống càng tốt, rồi bất cứ giờ nào viết xong thì đưa lên cho tôi, để gửi sang Toà thánh Vatican.
Tôi đi dùng cơm tối với một số trí thức như Tôn Thất Thạch, Đại tá Tung, Nguyễn Trân v.v… Sau đó tôi vội về nhà trọ, cố nhớ lại, viết lại bản điều trần bằng tiêng Pháp, 5 giờ sáng tôi lên gặp Đức khâm sứ toà thánh, và ngài yêu cầu tôi ký tên dưới bản điều trần. Tôi cười:
- Thưa Đức khâm sứ, bên La Mã ai biết đến tên tuổi con mà ký làm gì?
- Cha lầm đó, bên La Mã người ta biết đến cha lắm chứ. Tôi hy vọng Đức thánh cha sẽ có thư khuyến cáo ông Diệm và ông sẽ nghe mà sửa đổi.
Tôi nói chuyện với Đức khâm sứ một chút rồi ra phi trường về Huế.