Sở dĩ bạn thất bại là do bạn dám tiên phong đi tìm vùng đất mới, phương pháp thực hiện mới, và những cách thức thể hiện mới.

Eric Hoffer

 
 
 
 
 
Tác giả: Ma Văn Kháng
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Son Vo Di
Số chương: 62
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 5912 / 75
Cập nhật: 2016-04-22 16:50:51 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần IV - 3 - -
hư cây trên rừng, chẳng cần người săn sóc, Pùa con út của hố pẩu theo tháng theo ngày, lặng lẽ lớn khôn dần. Đã qua tuổi mười ba, tức tuổi mụ, giờ Pùa được coi như là một người lớn. Lớn, vì cày đã thạo. Vì bổ ván thông lợp nhà trúng thớ, phẳng như cưa.
Mấy hôm nay Seo Cả nằm liệt thì xốc vác hết việc nhà. Xay bắp, kéo củi, vác nước, việc gì cũng thông thạo. Với Pao, Pùa đã thành người lớn từ cái đêm phỉ nổi vừa rồi. Pao và A Sinh bắn nhau với bọn Lử. Không ai bảo mà Pùa nhảy lên lưng ngựa: "Anh Pao, em ra châu báo cho bộ đội”.
Cao vống lên, khuôn mặt tròn dần, má nổi phinh phính, ria mép mườn mượt lông tơ. Tai như cái lá mít. Mắt cũng xênh xếch như mắt Pao. Pùa chỉ thua kém Pao cái vạm vỡ của tuổi thanh niên đã thuần thục. Trong gia đình hố pẩu, con cái chia hai nhánh khác hẳn nhau từ khuôn vóc dáng hình tới tính tình. Lử và anh cả đã chết, loắt choắt, hung tợn, bản năng, thấp kém. Pao là nhánh khác: cao lớn, hiền lương, thuần hoà, cao thượng. Giờ, theo Pao có Pùa.
Sớm nay, xay xong cối ngô, Pùa tìm bộ quần áo mới nhất mặc vào rồi định đi, thì thấy hố pẩu, mặt lầm lầm lưng thắt bao dao đang từ trong bếp bước ra.
- Cha đi đâu?
- Tao lên rừng.
- Ơ!
- Mặc tao!
Hố pẩu vùng vằng, đi.
Pùa chạy ra đường làng. Trời sáng rõ mặt đất. Mặt đất rộn rịch tiếng chân người. Cả trăm người làng, lưng đeo địu thóc, vai mang túi quần áo, tay xách nồi đang nhao nhác gọi nhau, ùn ùn kéo nhau ra phía sau làng, ngược lên núi Chè.
- Các bác ơi, hôm nay đón bộ đội về làng, sao lại đi lên rừng thế?
Chả ai đáp lại Pùa. Pùa lại chạy. Đến trước nhà Giàng ly trang thì thấy lão Sếnh nhô ra:
- A! Thằng Pao em! Sao mày không mặc váy vào?
- Ông nói cái gì thế?
Lão Sếnh nhếch hai con mắt bạc:
- Bộ đội về, nó xẻo hết dái con giai, đàn ông Hmông đấy, thằng Pao em à.
- Thật chứ?
- Lại chả thật?
- Thế thì để tôi xẻo trước của ông đã!
- Ối! ối.
Vấp cái gốc đào, lão Sếnh ngã chổng kềnh. Pùa xấn tới.
- Thôi thôi mà… Pao em! Tha tội cho anh mà!
- Giống cái của con dê đực lắm, phải thiến đi mới được.
- Ối, đừng, đừng… Anh xin chú mà!
Chợt nghe thấy tiếng khèn, Pùa quay lại, quên phắt lão Sếnh, chạy đi. Trong làng, nhiều nhà trước cửa gài một túm lông gà, một nắm lá xanh. Ở đầu làng, nơi Pao, A Sinh mới dựng cái cổng chào tết lá để đón bộ đội, ngay ở dưới đất, ai đó đặt hai cái cung bằng nứa, dây lạt căng, lắp sẵn tên chĩa ra phía ngoài.
Đá chân vào cây cung, Pùa kêu:
- Anh Pao! Lão quản ma bày cung ma bắn bộ đội đây.
A Sinh ôm cây khèn, lắc đầu:
- Kệ nó! Có bắn con bọ măng!
- Cả làng kéo nhau lên rừng Chè rồi, anh A Sinh ạ.
- Ở rừng được cả năm cả tháng à?
Pao nhìn lên phía sau làng. Sinh ngậm ống khèn. Lâu lắm Sinh mới lại thổi khèn. Cây khèn cũ, ống tiêu lên nước bóng lọng, gài trên vách nhà tưởng đã mọc nấm, thế mà tiếng còn trầm ấm, mới mẻ quá.
Ve ve ve… Pặp pặp pặp…
Khèn vi vút tiếng nhỏ tiếng to, khiến Sinh mê ngay khèn mình. Như người nghiện, nhấp một chén rượu, rồi lại muốn thêm chén nữa, đôi chân Sinh mỗi lúc một mềm dẻo một mềm, ngón tay Sinh mỗi lúc một tinh một nhạy.
Khèn A Sinh ve ve toàn điệu đỏ, điệu vui. Nghe kỹ, còn thấy lẫn trong dòng thác âm thanh nô nức nọ, là cái say, cái tỉnh, cái khôn. Khèn A Sinh không bay lên chín tầng mây để Trời đang chơi cờ cũng ngẩn ngơ vén mây ngó xuống: “Đứa nào thổi cây khèn Thần hay như trứ kềnh thế!" Khèn Sinh không vang tới rừng để muông thú phải nắm tay nhau nhảy múa. Khèn Sinh hoà điệu nghiêng ngả, rồi sà xuống chân núi, chào anh bộ đội.
Mặt trời lên xanh núi xanh rừng.
Pùa ngó xuống núi, kêu: "Bộ đội đang đi qua miếu Quan âm”. Mọi người nhìn theo. Dốc lên ngoằn ngoèo. Áo quần bộ đội xanh bạc. Sau các anh, bốn ngựa thồ nặng cậm cạch leo dốc.
Bộ đội đã nghe thấy tiếng khèn mừng. Chân các anh chạy xô cả đá. Bốn con ngựa hí hởn hí dài.
Pao, áo lanh nhuộm nước chàm mới, khẩu poọc-hoọc chéo qua khuôn ngực nở, hai con mắt xếch mâng mâng đỏ: “Chào các đồng chí!”. Rồi, sững lại, Pao kêu thật to và lao tới:
- Anh Chính!
- Pao!
Ôm choàng nhau cả hai đều rưng rưng nước mắt. Lâu lắm rồi hai anh em mới gặp nhau. Năm 1946, Pao đưa anh Chính đi Pa Kha, Pha Linh, Mường Cang thuyết phục các thổ ty hợp lực với Việt Minh đánh Quốc dân đảng. Dạo đó Pao chỉ là một chàng trai Hmông mới lớn, thật thà, chất phác. Còn bây giờ, Pao đã là một chủ tịch xã, một con người từng trải. Từng trải nhưng cạnh anh Chính, Pao thấy mình chỉ là chàng trai mới lớn thôi.
Khả đeo cái máy chữ sau lưng, nhìn Pao, vẻ đàn anh:
- Cậu Pao khoẻ ra đấy! Khá lắm! Nhảy xuống vực mà không chết - Rồi Khả quay ngang quay ngửa - Các đồng chí! Xin giới thiệu với các đồng chí, đây là chủ tịch Pao. Chúng ta có được ăn no ngủ yên, rút quân sớm là nhờ đồng chí này đấy. Còn giới thiệu lại với anh Pao: cô này là Dung, y tá của đội công tác, thân gái phá vây vào tới Pa Kha, là vợ nhạc sĩ Quang Ngọc. Anh hùng tương ngộ! Bắt tay nhau nào!
- Anh Ngọc! Chào chị Dung! - Pao sung sướng
- Chào Pao.
Ngọc nắm chặt tay Pao. Mắt Ngọc nheo nheo như tìm cái gì trên mặt Pao. Pao năm 1946 bị bọn Lử bắt trói vào cây vông, căm uất dâng đầy đã nhổ bật cây vông thoát hiểm, xuống châu, tìm Việt Minh. Hình ảnh ấy đáng được tôn vinh như hình ảnh Prô-mê-tê phá xiềng. Pao năm 1948 cùng Ngọc phục kích quân giặc ở Mã Yên Sơn. Pao vừa nhảy xuống vực chết để sống lại mãnh liệt như thiên thần dũng sĩ.
Vây quanh A Sinh, bộ đội cười nói ồn ào.
Na cười ha hả, phô hàm răng đều chằn chặn, ôm vai Pùa:
- Pao em có biết thổi khèn không?
- Biết in ít thôi.
Quang Ngọc chen vào đám xem múa khèn. Nắng lóng lánh sáu sợi dây đàn ghi ta.
Chính hỏi Pao:
- Làng cấm bang mấy ngày?
Pao tấm tức:
- Ba ngày. Họ bày đặt ra thôi! Tôi ức lắm.
Chính lắc đầu:
- Không sao. Đội công tác sẽ ở ngoài làng ba ngày. Trong ba ngày này, Pao phổ biến cho anh em biết phong tục kiêng kị của bà con nhé.
Khả kéo Na ra cạnh cái cổng chào, gãi gãi thái dương, nhăn trán:
- Này, ông Na, phỉ nó còn hàng đống trên rừng kia kia. Tập trung thế này nó cho một băng đại liên thì đi đời nhà ma cả đấy, ông ạ.
- Cán bộ tỉnh gì mà nhát thế!
- Ơ! Cái ông này… Thân tôi, tôi sợ cóc khô gì! Lo là lo cho anh Chính ấy chứ…
Na cười hì hì, tai nghênh nghe nghe sáo Ngọc vừa cất cao.
o O o
Lão Sếnh ghé xuống bàn đèn:
- Bộ đội nó không vào làng. Nó đóng lại ở ngoài đồi cây sơn tra. Ăn ngủ ở đó. Có cả ba bốn con ngựa thồ vải, nó bảo nó sẽ phát vải cho ai rách rưới, Giàng ly trang à.
Giàng Súng ngồi dậy. Bên kia bàn đèn, quản ma A Đa vẫn nằm, mắt ti hí, le lé cái nhìn ngang. Lát sau, lão cụ cựa, thở è è rồi chống tay ngồi dậy. Cũng họ Giàng nhưng quê A Đa ở tận vùng Thập Vạn Đại Sơn. Lão đến Can Chư Sủ vài năm nay và trở thành quản ma từ lúc nào không ai hay. Bày ra trò cấm bang này là lão. Tất nhiên, hố pẩu có nghe mới được.
- Đừng tin nó! - Quản ma nhìn Lão Sếnh.
- Ai tin nó được! - Lão Sếnh phụ hoạ.
- Nó ghê gớm đấy! Còn nhớ không? Cộng sản là cái gông, hòn đá, đẻ con có đuôi mà.
- Gặp ai trong làng tôi cũng nói thế này: Bộ đội về nó xẻo dái đấy!
- Nó còn ác hơn kia. Hôm qua, đại quân nó kéo đi đánh Pha Linh. Nó không coi ai ra gì đâu.
- Hứ, nó dám động đến na nủ Lồ! Na nủ không phải người thường. Ngài chỉ một một mắt. Ngài là người trời.
Đứng thẳng dậy, lão Sếnh giũ váy phành phạch:
- Tôi đi đến lều hố pẩu nhé.
- Ờ - Quản ma quay cổ liếc Giàng Súng. Lão đang đăm đắm nhìn ra ngoài trời. Trăng đã lên.
- Ông bảo với hố pẩu: Người họ Giàng ta phải đóng cửa lại. Tôi xem sổ sách, thấy tôi, ông và ông Súng có mệnh là cái then cửa.
- Cái then cửa?
- Ờ. Tôi, ông, ông Súng vốn là người trời, là cái cây đa trên mặt trăng kia kìa. Rồi trời sai ta xuống đây, đi lang thang đến đâu cũng làm cái then cửa… Bảo hố pẩu thế! Thú dữ nó mở then vào được nhà là lại như cái vụ Hầu Thào đấy.
- Còn tệ hơn nữa ấy chứ.
o O o
Ngoài trời, trăng mờ mờ sáng.
Trăng rọi sáng từng ngách núi, góc rừng. Trăng toả rạng từng mái cỏ mỗi nhà. Nhìn rõ mồn một cây đa trên mặt trăng. Nhìn thấy cả những đống lửa bộ đội đốt lửa trại ở ngoài làng. Trăng sáng quá, nhưng chỉ là cái sáng ở ngoài trời. Các lều cỏ lẩn trong bóng cây trên núi Chè, không dám thắp đèn, im thít, tối thui.
Ba ngày liền, bộ đội vẫn đóng quân ở đồi cây sơn tra ngoài làng.
Ngày thứ tư, hết hạn cấm. Lão Sếnh đến lều hố pẩu rồi từ đó sang lều khác, thoăn thoắt như chuột, thì thào: Bộ đội nó sắp vào làng, nó sắp đốt nhà đấy. Chết thôi, con Seo Cả ốm nằm nhà sắp rơi vào tay nó…
Hố pẩu lo nẫu cả người. Bà vợ kế, hai đứa con nhỏ ngồi trong lều, không dám ho he một lời. Thằng bé đói, ẹ ẹ khóc. Mẹ nó quát: Mày muốn Việt Minh nó lên chọc tiết hả? Hố pẩu, cha mày nó còn bắt tù định giết kia kìa.
Nhưng từ ngày thứ tư qua, không thấy cảnh đốt nhà ở Can Chư Sủ. Lợn vẫn đi đi lại lại trong làng. Gà vẫn gáy sáng trưa đều đặn. Ngày thứ năm cũng thế. Ngày thứ sáu, bà Doa lẻn về rồi vội vã trở lên, hổn hển:
- Tôi vào buồng con Seo Cả. Đặt cho nó bát thuốc bảo nó uống, rồi vội chạy ra. Húi! Hai bộ đội đang múc cám cho lợn ăn. Một bộ đội gọi tôi: “Bác ơi, bác ơi”. Tôi chạy!
Mọi người nghe cùng ngẩn ngơ. Thế là thế nào?
Hố pẩu thì lì. Ngày thứ tám, ông dậy từ sớm:
- Tôi về xem vợ Lử thế nào! Cứ ở nguyên đây nhé. Bảo tất cả thế!
Ông đầu họ dặn bà vợ kế, rồi xuống núi.
Nhưng, chân ông đi một bước lại muốn lùi một bước, đi hai bước lại muốn lùi hai bước. Tới làng rồi, ông còn đứng lại, ngập ngừng. Nhưng, lát sau, thật lạ, ông bước thật mạnh. Mặt ông đanh lại như gạch già lửa. Mắt ông nghiêm lạnh, quăng quắc. Nhà tao, tao về đây. Làng họ Giàng tao là Can Chư Sủ. Nào, mày dám làm gì tao? Thằng Việt Minh mặt người vuốt hổ kia. Mày giết tao như giết người Hầu Thào đi! Mày bắt tao như mày bắt ở bữa cơm độc ác đi.
Hố pẩu can đảm vì căm hờn. Nhưng ông đứng sững lại ở trước cổng, tim hẫng một nhịp như bước hụt. Sân nhà ông phong quang sạch sẽ. Trên phiến đá nổi phơi ngô mọi khi, một anh bộ đội trẻ, mặt bầu bầu đang ngồi thổi sáo. Ôi! tiếng sáo, tiếng người Hmông! Nhưng tiếng Hmông thật hay tiếng Hmông giả đây?
- Pừ từ từ… Pừ từ từ… Tú ú u u…
o O o
Tiếng sáo thong thả bay vào buồng Seo Cả.
Seo Cả mê man trên cái ổ rơm mỏng. Vía chị có chín thì đã bỏ đi sáu rồi. Vía chị đi tìm Pao. Chị thấy mình đang nắm đuôi con ngựa Pao cưỡi. Chị thấy mình nhẹ tênh, bập bềnh trên sóng sông Chảy. Chị gần cái chết quá. Thằng Lử tàn ác đánh chị. Đòn thù ấy làm chị chết ngất.
Pùa vực chị dậy. Hố pẩu mếu máo: Mày chết đấy, hả con dâu? Rồi ông đặt bên gối chị một cục thuốc phiện. Thuốc phiện cầm máu. Bà Doa tới sắc cho chị bát thuốc lá cầm máu. Nhưng máu chị đã chảy ngấm hết xuống đất và cái thai truỵ rồi còn đâu! Ba ngày chị chết lịm trong máu. Lão A Đa đến khấn khứa lầm rầm. Nghe như tiếng lão cúng ma hồi nào. Chị lại mê: Người ta chết, có người làm ma chôn cất, hồn được về trời. Chị không về được trời, làm sao đứng ở cửa nhà trời cầm ô đợi Pao được. Chị khóc dòng dòng, Anh Pao ơi, con chúng mình, anh chẳng biết đâu, bị Lử giết chết rồi.
Nhưng mà chị chẳng chết. Chị chập chờn ở giữa địa ngục và trần gian. Cái sống không nhận mà cái chết cũng chưa muốn thu chị, nó bảo: Chốn trần ai, mày còn phải khổ thêm ít nữa đã, Seo Cả!
Ba ngày chị vật vờ. Ngày thứ tư hình như chị tỉnh nghe được tiếng thằng Pùa: Chị Seo Cả ơi, bộ đội về đông lắm. Chị chẳng hiểu gì. Chị chỉ thấy đói ngấu đói nghiến. Chị bò xuống đất. Chị đi tìm cái ăn. Chị phải sống để khổ thêm ư? Không, Pao còn sống, chị còn phải sống. Ngô treo từng chùm trên gác. Lý người Hmông là con dâu không được lên gác. Nhưng chị cứ leo. Leo được hai bậc thì chân rủn, mắt hoa, chị ôm cái thang, giụi xuống. Thằng Pùa ở đâu chạy vào, hốt hoảng:
- Ôi, chị Seo Cả. Bộ đội vào làng rồi! Hơn ba mươi người nhé. Chị ăn cơm, em lấy cơm cho.
Đầu giường chị từ đó có Pùa, có con chim hót.
- Chị ơi, bộ đội hiền lắm. Bộ đội đem cả vải tới cứu rách. Cán bộ Chính, cán bộ Khả với anh Pao ở trụ sở, bắc một cái máy a lô, dây kéo qua núi qua rừng nhé.
- Úi, chị Seo Cả ơi, bà Doa lại về, gặp cán bộ Chính rồi. Nói chuyện nhưng bà cứ chi pâu ề (không biết). Rồi bà ấy chạy.
- Người làng về rồi chị à. Nhớ con lợn, con gà mà. Bộ đội có làm gì ác đâu. Còn trông lợn, gà hộ nhé. Cán bộ Chính đi với anh Pao, đi thăm các nhà, đi xem ruộng. Phen này bọn Lử hết đường rồi. Bộ đội Na gác hết các ngả đường nhé. Các bộ đội khác thì chia nhau về các nhà.
- Chị ơi! Có cả bộ đội đàn bà, bộ đội trẻ con. Có cả bộ đội thổi sáo.
Seo Cả tỉnh dần theo câu chuyện của Pùa. Chị nghe thấy tiếng sáo. Tiếng sáo lọt vào ô cửa sổ căn buồng, thoạt đầu mờ mờ rồi rõ dần, thật dần. Thật là tiéng sáo Hmông. Thật là tiếng nói Hmông rồi:
Pừ từ… Pừ từ từ…
Em ơi, em không trở lại
Mặt đất anh ở, dưới đất em về.
Lòng anh, chín lá gan đều héo.
Pừ pừ pừ…
Tiếng sáo làm chị ứa nước mắt. Tiếng sáo như sợi lanh trắng bay bay ở giữa trời.
- Chào chị! Chị bị ốm à?
Nghe tiếng chào, Seo Cả ngước mắt. Lần này chị thấy thằng Pùa và một gương mặt nữ hiền hậu có hai con mắt dài van vát, đen láy. Sau lưng người phụ nữ, nghểnh lên một cái đầu trẻ con tóc lơ phơ vàng óng.
"Bộ đội đàn bà, bộ đội trẻ con”. Seo Cả nghĩ, thằng Pùa toét miệng:
- Chị Seo Cả em đấy. Bé ơi ra anh bế nào!
- Để tôi xem bệnh rồi tôi tiêm thuốc cho chị nhé.
Hố pẩu dừng ở cửa, ngửi thấy mùi cồn, hắt hơi hai cái rồi đứng im. Người phụ nữ địu con, rút kim tiêm ở bắp tay Seo Cả, quay ra, đầu hơi cúi xuống, lễ độ:
- Chào bác ạ. Cháu là Dung, y tá của đội công tác.
Lẳng lặng quay đi, hố pẩu bước tới cái bếp khách, ngồi xuống. Ngoài sân, có một lũ choai choai kéo tới. Bọn này ở trên lều nương về từ lúc nào thế? Chúng và thằng Pùa hò nhau khiêng cái cần cối chè đi dựng cột điện thoại. Loáng thoáng bóng mấy người bộ đội. Người thổi sáo đã đi. Chợt có ai đó kêu to ở ngoài đường: “Cháy cái cầu sang Phéc Bủng rồi”. Tiếng A Sinh gắt: “Lại bọn thằng Lử thôi!”.
Bỗng, hố pẩu ngửng lên. Từ ngoài sân, một người cao gầy vừa bước lên hiên, đứng cạnh cái quan tài, chõ qua cửa sổ, thì thào gọi:
- Cô Dung! Này, Khả đây! Sao cô lại tiêm thuốc cho vợ phỉ thế? Chồng nó là thằng Lử chỉ huy phỉ ở đây đấy.
Trời! Người hố pẩu lạnh toát như đóng băng. Người nọ đã hấp tấp đi ra. Ngoài cổng, Pao vừa đi vào, đằng sau là một cán bộ, cao bằng Pao, nhưng mảnh người, nhanh nhẹn.
Hố pẩu cúi xuống. Thổi lửa mà làm gì? Để cho nó biết rõ mặt ta à?
- Chào hố pẩu.
Người cán bộ cất tiếng chào. Pao đứng ở giữa nhà.
- Cha à, cha! Đây là đồng chí Chính, bí thư tỉnh, người lãnh đạo cao nhất tỉnh ta. Đồng chí Chính dẫn đội công tác về đây cùng nhân dân tiễu phỉ, gây lại đời sống thanh bình cho người Hmông ta - Pao ngoảnh lại Chính, khấp khởi - Cha tôi nói được tiếng Kinh đấy, anh Chính à.
- Chào bác, tôi…
Nhưng Chính chưa kịp nói được câu mở đầu, ông già đã nhấc hai chân, chuyển một vòng bán cung, đáp thật lạnh nhạt:
- Chi pâu ề.
Pao hộc một tiếng:
- Cha!
Ông già quay phắt lại. Lần này mắt ông mở trừng trừng, và ông dằn từng tiếng:
- Chi pâu ề.
Chính vội kéo tay Pao, như níu giữ cơn giận bất thần của Pao.
o O o
Chi pâu ề - Không biết. May hiu - Không biết. Ma xi nha - Không biết. Pú dẩn tờ - Không biết. (Tiếng các dân tộc thiểu số Hmông, Dao, Hà Nhì và tiếng Quan Hoả). Ấy là những từ đáng sự nhất với sự giao tiếp trong những ngày này. Những từ ấy phát ra từ cõi lòng lạnh nhạt, với hai con mắt trân trân, với trái tim băng giá. Đó là sự đối lập lạnh lùng. Đáng sợ hơn, người nói câu đó với Chính lại là người biết tiếng Kinh, hiểu biết, rất hiểu biết và đứng đầu, có tín nhiệm với dòng họ Giàng, với Can Chư Sủ.
Ông cụ đứng, như cây gỗ, nhìn thẳng vào mặt Chính, với thái độ công khai bất hợp tác. Ông cụ muốn bày tỏ thái độ: Hỡi người Kinh kia. Mày đứng đầu tỉnh. Mày đến cái nhà đá giam tao ở châu, mày nói xin lỗi tao. Rồi mày thả tao về. Nhưng bây giờ tao không muốn nhìn thấy mặt mày. Cái thế tao là thế kẻ dưới. Còn mày, mày vẫn là đứa cai trị tao. Mày có hai cái mặt: Một cái mặt là thằng Vận quát nạt thằng Pao, một cái mặt là mày thân thiết với thằng Pao. Một thằng bắt tao, một thằng thả tao. Một đứa tiêm thuốc cho con dâu tao, một đứa nói không được tiêm. Bụng mày là nước, mồm mày là lửa. Óc mày nghĩ một đường, tay mày làm một nẻo. Sáo Hmông mày là sáo giả! Tao không sống chung được với mày. ừ, có quyền thì mày cứ tàn hại dòng họ tao, dân tộc tao đi!
- Chi pâu ề - Ông cụ nhắc lại một lần nữa câu nói ấy và hất con mắt lên nhìn Chính với vẻ thách thức không che giấu.
- Thưa cụ, chúng tôi từ xa đến để chào cụ, kính thăm sức khoẻ của cụ. Bây giờ, cụ mới về, còn mệt, xin cụ cho phép lúc khác tôi tới thăm cụ.
Chính nói dịu dàng. Nhưng Chính hiểu rằng: sau cái cánh cửa ngôn ngữ bất đồng đã che lấp một mối quan hệ phân cách hai bên. Một hàng rào thù địch đã dựng, tua tủa những chông gai.
Vùng Biên Ải Vùng Biên Ải - Ma Văn Kháng Vùng Biên Ải