As a rule reading fiction is as hard to me as trying to hit a target by hurling feathers at it. I need resistance to celebrate!

William James

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Số chương: 43
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1344 / 6
Cập nhật: 2016-06-24 21:22:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 39
à Sinh cầm cái dĩa có con gà luộc vàng ươm bóng láng bắt chéo cánh thật khéo, mỏ ngậm cái bông đỏ thắm, cẩn thận đặt vào mâm có sẵn xôi và bánh trái định thắp mấy nén hương cúng tất niên, bỗng bà nghe tiếng ông Sinh quát:
_Mày nói tao nghe không lọt tai rồi đấy. Mày bảo mày đi Thượng Hải cất hàng. Vậy sao có chừng đây thuốc thế! Mày tưởng bố già này lú lẫn tính qua mặt phải không?. Mày không giải thích được số lượng thuốc lẽ ra phải mang về nếu so với số tiền mày lấy mà không hỏi tao thì không xong với tao đâu! Cái tội mãi đến tối qua mới xách mặt về, tưởng làm ăn vất vả lắm nào ngờ số thuốc mang về có tăng đâu trong khi tiền lại hụt?
Bà Sinh bỏ cả mâm xôi gà định cúng hớt hãi chạy lên, mặt tái đi, gằn từng tiếng một:
_Này tôi nói cho hai cha con ông biết hôm nay là ba mươi tết đó nhé! Đừng có mà to tiếng không được đâu, tôi van hai người đấy! Mọi việc hãy để qua tết hành hạ nhau cũng không muộn, giờ ra sửa soạn cúng ở nhà cho xong còn qua tết bác kẻo không kịp.
Ông Sinh chống nạnh nhìn Dân chằm chặp, họ đang đang đối đầu nhau qua cái bàn, cả hai làm như không hề nghe bà Sinh nói gì.
Dân từ tốn điềm tĩnh chỉ cái sổ đang mở phân trần:
_Bố sao chưa hỏi gì con đã nhắng lên thế? Đây bố coi đây! Cứ so sánh giữa số lượng thuốc và số lượng tiền con ghi coi có sai lệch không đã rồi con sẽ thưa với bố mọi điều.
Ông Sinh nhìn xuống sổ một lúc rồi ngửng lên vặn hỏi tiếp:
_Đúng là ở đây số vốn của tao với mày tính thì không hao hụt nhưng ý tao muốn nói là nếu tính luôn số tiền mày lấy của tao bảo ứng ra mua thêm thuốc thì hụt nhiều lắm! Thuốc đã không mang về đủ vậy tiền đâu?
Dân bình thản rút trong áo ra một túi vải thẩy lên bàn nghe cái cạch thật lớn nói:
_Đây là số tiền con lấy trong rương định qua Thượng Hải mua thuốc nhưng khi qua đó hoá ra giá cả còn mắc hơn ở Vân Nam nên con không mua hàng, giờ trả lại bố. Chưa gì bố đã hét lên chán quá! Bố coi thường con quá đấy! Con chỉ mong bố tin con bằng một phần mười anh Tùng thôi, con cũng được nhờ rồi!
Ông Sinh đỏ mặt uất lên nhưng cố dằn xuống không nói gì thêm lặng lẽ cầm túi tiền đi vào phòng trong.
Bà Sinh thở hắt ra nhẹ nhỏm rồi quay lưng lật đật chạy ra phía sau miệng lu loa:
_Hai người sửa soạn ra cúng tất niên mau lên.
Dân nở một nụ cười đắc ý rồi dạ thật to chạy vội theo mẹ.
Dân chăm chú nhìn bố lúi húi rót trà rượu còn mẹ sửa lại mâm lễ, sắp đặt lại, xoay xở sao cho vừa mắt, xong xuôi cả hai dâng hương thành tâm khấn vái.
Đứng bên mẹ Dân nghe rõ lời khấn:
"Xin trời đất tổ tiên ông bà ban phước ban lộc phù hộ toàn gia mọi sự được thoả yên trọn vẹn mười phần, cha mẹ con cái an ninh khang thái, buôn may bán đắt, mọi việc suôn sẻ, thằng Dân nhà con sẽ có tin vui gặp được người vừa ý thành gia thất, con dốc lòng cầu khẩn, cúi xin soi tận, ý khẩn tâm thành xin trời đất chứng giám. Thượng hưởng."
Khấn tới đây Dân thấy mẹ sì sụp lạy rồi vái tứ phương. Nghe những lời khấn, lòng Dân bỗng xốn xang dao động nhưng khuôn mặt diễm lệ của Sa lại hiện ra khiến chàng lắc lắc đầu lẩm bẩm: "Không! Không thể được! Mình đến bất hiếu mất thôi!"
Bà Sinh nghe con lảm nhảm tưởng chàng đang khấn vái tiến lại gần noí:
_Thằng này đã thắp nhang đâu mà khấn hả con?
Dân đỏ mặt rồi luýnh quýnh rút nhang trong bao ra thắp. Nhìn đăm đăm làn hương toả Dân thầm mong chuyện chàng và Sa sẽ thuận buồm xuôi gió. Lúc nãy khi trả lại cha số tiền Dân thầm cám ơn Trời Phật đã cho mình trúng một vố to, mau chóng hoàn vốn lại cho cha, tiền lời giữ lại sẵn sàng cho cuộc tẩu thoát. Mọi sắp xếp toan tính cho đến nay diễn ra thật suôn sẻ kịp lúc nên cha mẹ vẫn không nghi ngờ gì!
Thật ra lúc đầu đến Thượng Hải chỉ tính mua thuốc nhưng khi so với Vân Nam thuốc ở Thượng Hải mắc hơn nhiều bù lại có những món hàng không nghĩ tới trước lại có giá rất hời, đánh hơi thấy có lời Dân mua hết sạch số vốn của cha, may mắn thay về tới Vân Nam ngày hôm trước hôm sau đã tiêu thụ không cần phải bán lắt nhắt trên đường về đây cho thêm lỉnh kỉnh mệt nhọc. Kiểu này chắc mình và Sa có duyên với nhau nên trời thương giúp sức cũng nên. Nghĩ tới đây Dân cười tủm tỉm đứng đờ người ra cứ cầm nhang trên tay quên cắm vào bát nhang khiến bà Sinh phải nhắc nhở:
_Dân làm gì vậy?
Dân vội vã cắm nhang vái lia lịa rồi quay sang hỏi mẹ:
_Mẹ sửa soạn mâm lễ mang sang cúng tổ tiên chưa?
Bà Sinh đáp:
_Xong xuôi đâu vào đấy chờ đến giờ ngọ bố mày hô là đội mâm qua bên ấy.
Dân len lén nhìn mẹ rồi dạ thật ngoan ngoãn. Chàng biết đây là lần cuối chàng ăn tết ở nhà. Mai này phiêu bạt nơi đất khách quê người biết có dịp nào không? Biết chuyện mình cao bay xa chạy thế nào mọi người cũng điêu đứng. Lát nữa đây sẽ gặp Sa. Phải xem thái độ của nàng rồi mới tính kế được.
Nghĩ tới đây Dân hỏi mẹ:_À mẹ ơi! vợ chồng anh Tùng sao rồi mẹ? Đã cơm lành canh ngọt chưa? Chị Sa còn ở gian lá không?
Bà sinh đáp:
_Hình như chị Sa vẫn ở đó nhưng xem ra bác mày đã nguôi giận rồi!
Ông Sinh xen vào:
_Ở đâu thì ai mà biết chắc? Nhiều khi ban ngày ở phía sau để đỡ đần công việc cho tiện thôi. Dạo này bố thấy bác gái có vẻ hoà hoãn với con dâu rồi! Mọi việc đã êm! Đừng rỗi hơi thắc mắc chuyện bên ấy, con hãy lo chuyện nhà mình trước đi, coi có ưng ý đám nào thì nói bố đi hỏi cho!.
Dân đưa mắt nhìn mẹ nhếch mép cười nhẹ. Bà Sinh lặng thinh không tỏ vẻ gì.
Sa vừa mặc xong tấm áo mới chưa kịp vấn lại tóc thì nghe tiếng cu Tí gọi ơi ới ngoài sân:
_Thím sa ơi! Thím đi đâu rồi con có quà cho thím đấy!
Nghe tiếng thằng bé, Sa mừng quá hơn mươi ngày nay nó không có nhà nên cũng rất nhớ, nàng vội mở cửa bước ra khỏi phòng. Thằng Tí cầm một xấp tranh màu sắc rực rỡ chìa ra trước mặt Sa khoe:
_Thím nhìn này, hôm qua ngoại cho con tiền dẫn con đi mua tranh treo tết. Con lựa hoài mới được từng này đây nhưng đủ màu hết thím thấy chưa?
Sa ngồi xuống cái ghế đẩu lấy từ trong phòng ra định phơi cái áo bông nhưng chưa kịp, kéo nó lại gần cúi nhìn tranh. Thằng Tí hỏi:
_Thím xem trước rồi lựa một tấm nhé! Con biếu thím đấy!
Sa cúi xuống ngắm nghía lật từng bức tranh. Màu hoa hiên, hoa hoè, xanh chàm, hồng cánh sen, điệp trắng, gạch non, hoa lý, hoa cà, điều thắm, sắc màu cứ lần lượt lướt qua mắt, rực rỡ tươi tắn khiến lòng rộn lên xuyến xao nhớ lại màu sắc của lụa là cũng như bức tranh Tố nữ anh Bôn mua tặng nhân mùa xuân năm ngoái. Những bức Đại cát, Phú quý, Nghênh xuân, cha nàng sai thằng Út dán khắp nhà để đón tết. Mới đó đã một năm. Mọi sự đã đổi thay.Tự nhiên nước mắt ứa ra nhân lúc thằng Tí đang loay hoay với mấy bức tranh không để ý nàng lau vội dòng nước mắt chảy dài trên má.
Chờ hoài không thấy Sa chọn tấm nào thằng bé hối:
_Thím chọn đi! Con còn biếu người khác nữa.
Sa hỏi lại:
_Thím thích đủ thứ màu nên con cứ lựa dùm, bức nào cũng được! Công nhận Tí chọn tranh đẹp quá!
Được khen thằng bé có vẻ sung sướng nó hân hoan rút ngay một tấm có vẽ một đứa bé tròn trịa mủm mỉm mặt mày sáng láng đưa cho Sa kèm theo lời chúc:
_Chúc thím năm sau có em bé thật kháu để con còn có em cho vui.
Sa nhìn nó ngỡ ngàng. Từ lâu nàng bíêt nó thông minh nhưng không ngờ nó tinh tế thế!
Sa cầm ngay bức tranh áp vào lòng mình thầm thì:
_Thím cũng mong sao cho những lời chúc của con thành sự thật.
Thằng bé nói giọng chắc nịch:
_Ơ hay! Đã chúc đã mong là phải thành sự thật chứ!
Rồi nó chìa ra bức tranh vẽ cụ già râu tóc bạc phơ gánh hai trái đào tiên tâm sự:
_Thím biết bức này con biếu ai không?
Sa lắc đầu. Nó giải thích:
_Đây là ông thọ gánh hai trái đào tiên, trái bên này tượng trưng cho bình an và bên kia là trường sinh nên chắc chắn là để dành cho nội rồi!
Cuối cùng nó cầm hai bức lên nhưng vội úp mặt tranh xuống không cho Sa thấy ngay, nhìn quanh quất ánh mắt thoáng lên sự tinh nghịch rồi tủm tỉm hỏi Sa:
_Đố thím con tặng dì Khuyên bức gì?
Sa ngẫm nghĩ một lúc rồi lắc đầu.
Nó phá lên cười nhón chân lên ghé tai Sa thì thào:
_Con sẽ tặng dì Khuyên hai bức. Bức “Đánh ghen” vẽ mấy bà mặt dữ như chằng tinh, dì Khuyên khi nào đe nẹt con cái mặt cũng y thế đấy thím Sa! Còn bức kia là “ Thầy đồ cóc” vì bố dì là thầy đồ Lương đó!
Nói tới đây nó ôm bụng cười ngặt nghẽo. Sa lật ngửa hai bức tranh lên nhìn một lúc cũng không nhịn được phá lên cười theo. Đang cười bỗng tiếng chị Xuân từ bếp vọng ra:
_Tí ơi mau lên!
Thằng Tí hối hả cuốn mấy bức tranh còn lại đứng dậy kéo tay Sa giục:
_Ôi suýt quên mất! Nội dặn con tìm thím dặn thím sửa soạn còn qua phòng thờ làm lễ đón ông bà về, gần trưa rồi!
Sa chạy vội vào phòng cất bức tranh rồi theo thằng bé đi thẳng đến bếp. Vừa bước vào đã choáng ngợp, chân va ngay vào cái lồng gà để choán cả lối đi vì không còn chỗ. Thằng Tí vội kéo sát vào góc rồi nói:
_Gà trống thiến của ngoại tết nội đấy thím Sa! À thím ơi,nhà thím ở đâu sao chưa thấy chú Tùng đưa thím về mà cũng không thấy người nhà thím qua đây tết nội?
Bà Chánh bước vào đúng lúc nên đã nghe hết những lời thằng bé nói. Bà vội ra lệnh:
_Tí! Con mặc đồ mới sao chưa qua phòng thờ thắp nhang cho nội và bố còn vào bếp làm gì lỡ vấy bẩn ra đó thì sao? Mau lên!
Thằng bé cúi đầu lủi thủi đi ra.
Sa nhìn quanh quất nhưng không dám mó tay vào bất cứ thứ gì. Ký ức về cái chảo bị cháy hôm nào giờ còn hổ thẹn lắm, nhớ lại vẫn còn bủn rủn. Hôm nay sao bếp tự dưng chật hẹp thế này?. Đang đi cứ phải nghiêng đầu tránh những chùm nem, tré, những bao nấm khô, những dây măng khô, lạp xưởng, những túi miến tàu treo lủng lẳng lòng thòng đây đó quanh bếp. Năm cây giò vừa mới vớt ra cũng được treo lên cho ráo, bốc hơi nghi ngút toả một mùi thơm đến cồn cào cả ruột gan.
Bà Chánh tiến lại gần Sa nhìn bộ đồ mới nàng mặc trên người gật gù có vẻ hài lòng rồi bà chỉ cái mâm đã sắp sẵn những chén chè hoa cau xen lẫn những dĩa xôi vò nói:
_Con bưng cái mâm này vào phòng thờ trước đi!
Sa dạ thật nhỏ từ từ tiến lại sát mâm, cúi xuống hết sức cẩn thận nắm chặt thành mâm nhấc lên, quay lưng cất bước, trống ngực đập thình thịch, người cứ run lên nhưng cố giữ bình tĩnh. Bà Chánh đứng trong bếp nhìn theo.
Đi từ xa Sa đã nhìn thấy chị Xuân và Tùng ngồi cạnh nhau ngắm nghía mấy chậu cúc và cành đào chưng ngay trước ngưỡng cửa phòng thờ. Hai người không biết Sa đang đi tới. Giọng chị Xuân kể lể “Em biết không chị đi rạc cả cẳng lựa tới lựa lui mới được mớ cúc, cành đào này, còn chậu quất nữa nghe em, già mới mang ra sau tưới nước đó”.
Tùng vụt quay người lại. Vân Sa bưng mâm xôi chè vừa trờ tới ngay đằng sau. Tùng nhìn sững Sa, nàng đẹp quá dáng người mềm tha thướt thấp thoáng sau làn lụa mỏng. Sa cũng mạnh dạn nhìn thẳng vào mắt Tùng trìu mến tha thiết như chờ đợi được đáp trả nhưng Tùng như chợt tỉnh ra nhíu mày quay đi kéo chị Xuân ngồi nhích qua bên tránh đường cho Sa bước vào phòng thờ đồng thời nói thật to cốt cho Sa nghe thấy:
_Đào phai và cúc chị mua đẹp quá! Em đang tìm cái gì kê cho ngay ngắn cao ráo vừa tầm nhìn. Mong rằng những cành hoa này sẽ xua tan những gì xúi quẩy tối tăm cứ lảng vảng trong nhà này suốt bấy lâu nay.
Sa cố giữ chặt mâm xôi chè cho khỏi run, vội đi ngay vào phòng thờ không dám nhìn Tùng nữa. Xuân khẽ liếc Tùng thở dài. Ánh mắt ấy tuy có căm hận lạnh lùng nhưng vẫn để lộ chút gì đó hờn dỗi khiến Xuân xót xa buột miệng khuyên nhủ:
_Tùng à! Thôi năm hết tết đến rồi chuyện năm cũ cho nó trôi đi. Oán hận hờn dỗi dằn vặt người liệu có ích gì không khi chính em cũng có sung sướng gì đâu!
Tùng hiểu Xuân đang ám chỉ gì nhưng chàng khó giải thích được tại sao mình không thể tha thứ cho Sa ngay cả trong dịp mà mọi người lý ra sẽ được thứ tha.
Đặt mâm xôi chè trên bàn thờ thật khẽ đến nỗi thằng Tí ngồi trên trường kỷ mải mê ngắm những bức tranh vẫn không hay biết gì, Sa lui từ từ vào góc tối nơi ánh sáng của những ngọn đèn không soi tới, đưa tay ôm ngực bặm môi khóc lặng lẽ, cố dằn không để cho những tiếng nấc uất nghẹn phát ra ngoài.
Bên ngoài tiếng Khuyên léo nhéo:
_Chào bác ạ! Bố mẹ con bảo con mang chục cam Xã Đoài sang trước để bác kịp sửa lễ cúng gia tiên chút bố mẹ con sang sau ạ!
Giọng bà Chánh vang lên:
_Ôi bày vẽ làm gì không biết, mỗi năm mới có một dịp mời thầy đồ với cô phụ tá bệnh xá, những người mà gia đình này suốt năm phải trông nhờ mà cứ quà với cáp hoài sao đặng? Thôi con vào trong nói chị Xuân đưa cho cái đĩa mà đơm cam rồi đem vào phòng thờ, chắc chú Sinh cũng sắp qua rồi! Không biết thằng Dân đã về chưa đây?
Bà Chánh vừa nói tới đây thì ngoài ngõ đã lao xao. Khuyên kêu lên:
_Ôi chú thím Sinh sao thiêng thế vừa nhắc đã có mặt ngay!
Đứng trong phòng thờ nghe cuộc đối thoại Sa giật bắn người khi nghe nhắc đến Dân. Nàng đứng yên tại chỗ không dám ló đầu ra ngoài nhìn.
Nhưng rồi mọi người khăn gấm lượt là cũng lần lượt bước vào phòng thờ. Lão câm lăng xăng chạy qua chạy lại, hết rót nước pha trà lại cầm đĩa dầu có ánh lửa leo lét đi theo Tùng. Chàng đi tới đâu lão bám theo đó. Lợi dụng mọi người đang bận tíu tít không để ý Sa cố tình đứng lẩn vào bóng tối tránh những ánh nhìn soi mói.
Cuối cùng mọi người dạt ra, chú Sinh xuất hiện bưng mâm pháo đi trước, rồi đến thím Sinh đội một mâm rõ lớn chất đầy đủ các thứ mứt gì không rõ chỉ thấy óng ánh vàng xanh hồng đỏ nhìn đến là rộn rã. Thằng Tí trố mắt ngắm cái mâm của thím Sinh mắt sáng rỡ toét miệng cười.
Cuối cùng là Dân khệ nệ đội trên đầu cả một mâm bánh chưng bọc lá dong xanh mướt vuống vắn cột bằng những sợi dây nhuộm phẩm điều. Sa cúi gầm mặt không hề ngước lên. Tùng lúc này đang nhìn Dân trừng trừng, hai bàn tay nắm chặt lại như thể sẵn sàng tung ra những nắm đấm. Khuyên khẽ đến bên chàng kéo nhẹ tay áo, Tùng quay lại, Khuyên nháy mắt ra hiệu cho Tùng nhìn vào góc khuất. Sa đang đứng nép trong góc cúi mặt như một tội phạm bị hỏi cung. Mặt Tùng tím lại rồi khinh khỉnh quay đi.
Giọng bà Chánh vang lên:
_Gớm nhỉ! Làm ăn gì mà tới ngày ba mươi bác mới gặp được mặt hả Dân?. Tùng ơi sao đứng thừ ra đấy, đỡ cái mâm cho em nó với!
Tùng nhấc cái mâm trên đầu Dân xuống nói vu vơ:
_Nhìn cảnh con cháu đội mâm như em chắc tổ tiên cảm động lắm đây!
Dân vô tư không ngờ Tùng đang mỉa mai hớn hở tự đắc:
_Đương nhiên rồi! Thằng em này buôn may bán đắt làm sao không nhớ tới ông bà chứ!
Đúng lúc đó lão câm ú ớ chỉ điã dầu đã khêu to ngọn bấc. Tùng cùng với chú Sinh tiến tới trước bàn thờ mồi lửa đốt đèn nến, thắp tuần hương mới.
Giữa mùi hương trầm nhang khói, ánh nến lập loè giọng chú Sinh thành kính vang lên: “ Hôm nay vật đổi sao dời, năm cùng tháng kiệt, đông tàn sắp hết, xuân tiết gần sang, chiều ba mươi tết, sửa lễ tất niên, truy niệm tổ tiên...” đang đọc lưng chừng sớ bỗng tiếng con vẹt kêu nheo nhéo:
_Trình bà nhà có khách! Trình bà nhà có khách!
Mọi người đang chắp tay cố gắng chú tâm nghiêm trang ngước nhìn bàn thờ nhưng con vẹt kêu nhắng lên khiến bà Chánh sốt ruột khẽ ra hiệu cho Xuân ra coi ai vì cửa cổng hôm nay mở toang không đóng. Con Mực bị cột tuốt đằng sau, nãy giờ nhiều người vô ra con vẹt không hề lên tiếng vậy mà bây giờ không dưng kêu inh ỏi chắc chắn có khách lạ rồi!
Để mặc cho moi người làm lễ trong phòng bà Chánh cũng chạy ra theo Xuân. Một người khăn áo chỉnh tề nhưng lại đội thúng đồ đang lặng lẽ đi dọc hàng cau dáng vẻ nghiêm trang từ từ tiến lại. Anh ta không bước lên bậc thềm mà dừng lại gần cành đào chưng trước phòng thờ hai tay vẫn giữ cái thúng có vẻ rất nặng nhưng không để xuống, Xuân còn ngờ ngợ chưa nhớ ra ai thì bà Chánh đã cất tiếng:
_Bôn nhà ông sui đấy phổng?
Nghe bà Chánh hỏi Bôn mới dám cất tiếng đáp lễ:
_Dạ thưa bà đúng con là Bôn đây ạ!
Vừa nói anh ta vừa hạ cái thúng trên đầu đặt trước mặt định quỳ xuống nhưng bà Chánh mau chóng chạy tới ngăn lại kêu lên:
_Anh làm gì thế? Anh thay mặt ông bà sui đến đây chúc tết tôi phải không?
_Dạ đúng thế thưa bà. Con được bác Mạc nhờ đưa thúng gạo tám thơm cùng với ít nếp hương, ít đường phèn và hai chục trứng vịt coi như chút lễ bạc dâng lên bà và anh Tùng mong được nhận cho. Ngoài việc nhân dịp tết tới hỏi thăm gia đình, con còn chuyển lời nhắn của bác hương trưởng và bác Mạc muốn thưa với bà rằng năm nay bên ấy có chút việc riêng nên chờ cho gia đình bên này thư thả ít tất bật khoảng ra giêng khi gia trang đã vãn khách lui tới chúc tụng thì bác con xin qua thăm bà và gia đình được không ạ?
Bà Chánh chưa kịp đáp thì bên trong mọi người đã làm lễ xong, chú Sinh vội bước ra cố giữ vẻ tự nhiên chú hỏi:
_Bôn đấy à mang đồ sang tết bà phải không?
Bôn cúi đầu chắp tay vái ông Sinh rồi dạ thật khẽ. Thấy mọi người lố nhố trong phòng thờ Bôn bối rối chắp tay vái bà Chánh vội vàng nói:
_Thưa bà giờ con xin phép được ra về cho kịp chuyến đò cuối năm kẻo chiều ba mươi e khó đón đò công việc bên ấy còn lu bu lắm thưa bà!
Sợ Bôn đứng lâu sẽ gây sự tò mò bà Chánh nói với Xuân:
_Con mang quà tết ông xui gia vào trong bếp đi!
Rồi quay sang Bôn bà nói:
_Tôi định mời anh ở lại ăn bữa cơm tất niên nhưng anh đã nói thế thì cứ về đi cho kịp chuyến đò rồi thưa với hai bác bên đó muốn tới chúc tết lúc nào chả được. Mà đúng thế! Suốt tháng giêng nếu không hẹn trước chưa chắc tôi đã có nhà thường xuyên, ra giêng thì thời gian rộng rãi hơn. À mà có muốn gặp Tùng và Sa không?. Bà Chánh tuy hỏi thế nhưng không có ý gọi hai người ra vì bà biết chắc sẽ gây khó cho con trai vì Tùng chưa sẵn sàng.
Bôn nghe vậy hai mắt chợt sáng rỡ nhưng nhớ lại những gì ông Mạc căn dặn không dám nấn ná thêm nữa vả lại thái độ bà Chánh không có vẻ gì giận dữ nữa nên chàng nôn nóng muốn về để báo cho ông Mạc và dì Lam biết để bớt lo, nếu ở lại nói hớ ra điều gì thì hỏng bét, do đó vội cáo từ bà Chánh rồi lật đật quay bước.
Đứng phía trong Tùng đã nhận ra Bôn nhưng không ra chào. Qua ánh mắt chồng, Sa cũng biết ý nép mình trong góc không nhúc nhích nhưng cứ run bần bật vì xúc động khi nghe cuộc đối thoại tiếng được tiếng mất giữa bà Chánh và Bôn bên ngoài. Khi bà Chánh bước vào phòng thờ Sa thở phào nhẹ nhõm lòng thoáng tiếc nuối đã không gặp được Bôn một tí để hỏi thăm mọi người. Ngày tết nhìn gia đình mọi người sum vầy nàng cũng thương nhớ gia đình làng xóm mình nhưng giờ này Sa chẳng muốn nghĩ tới ai nữa, nỗi buồn trong mắt Tùng mới chính là mối bận tâm của nàng lúc này. Nó xâm chiếm toàn bộ đầu óc không còn chỗ cho những ưu tư khác.
Bà Chánh tiến lại bàn thờ thắp nén hương cắm rồi ghé sát tai Tùng thì thầm:
_Hồi nãy thằng Bôn mang đồ tới tết đó con biết chứ?
Tùng đáp:
_Dạ con biết nhưng chú còn đọc sớ làm lễ nên con không dám ra ngoài.
_Không sao mẹ đã ra tiếp và nó có cho biết ra giêng bố mẹ vợ con sẽ qua thăm.
Tùng không muốn nói thêm gì nữa chăm chú nhìn lên bàn thờ nét mặt buồn rười rượi. Bà Chánh thở dài kéo tay bà Sinh đang ngồi trên trường kỷ têm trầu giục:
_Chị với tôi ra đằng bếp giúp con Xuân một tay dọn bàn ăn tất niên rồi ai còn về nhà nấy chứ! Ông bà đồ Lương qua chưa?
Thím Sinh têm trầu định ăn vội bỏ xuống đi theo bà Chánh. Mọi người xem chừng đã thắp nhang van vái hết cũng lục tục ra sân cho thoáng mát quây quanh chú Sinh hồi hộp chờ đốt dây pháo. Chỉ còn Sa ngồi một mình trong góc phòng thờ ngần ngừ chưa muốn ra vì nàng chưa thắp nén nhang nào cho ông bà cả! Nãy giờ để ý thấy thế nhưng Dân chưa muốn tiếp cận Sa lúc này sợ bị lộ. Thế nhưng nét mặt đau đớn buồn bã của Sa khi nhìn Tùng thì thầm bên Khuyên làm Dân hụt hẫng không dám tin là sự việc sẽ tốt đẹp như mình nghĩ. Tiếng pháo nổ giòn giã xen lẫn tiếng kêu la cười đùa. Lợi dụng lúc mọi người đang mãi vui không để ý Sa đánh bạo đứng lên rút que nhang châm lửa kính cẩn thắp hương ngước nhìn tấm ảnh lão gia gọi thầm:
_Cha ơi! Hãy phù hộ cho con được sáng suốt để con có thể làm vơi đi nỗi buồn trong mắt chồng, chàng buồn con cũng khổ quá cha ơi! Vừa khấn nàng vừa cúi gập vái lạy.
Vừa lúc đó Tùng đưa ông bà đồ Lương vào thắp nhang. Khuyên bỏ coi đốt pháo bước theo vào. Sa thấy vậy vôi bước ra ngoài tránh không muốn nhìn Khuyên. Dân vừa thấy bóng Sa chàng nhìn quanh quất dè chừng rồi tiến lại gần hỏi khẽ:
_Sa ơi! Sao rồi? Hẳn Sa đã đọc thư tôi viết rồi chứ?.
Sa thấy Dân đứng sát bên mình gặng hỏi, nàng vừa sợ vừa tức không nhìn Dân nói sẵng:
_Em đừng làm thế! Tôi không bằng lòng thái độ ấy đâu!
Dân hỏi tới:
_Sa nói thế ai mà hiểu được! Sa có chấp thuận những gì tôi nói trong thư không thì cho tôi biết đi rồi tối tôi sẽ tìm cách gặp riêng,chúng mình bàn bạc sau!
Sa nhíu mày gắt:
_Im đi! Sao lại coi thường tôi thế?
Bên trong lợi dụng lúc cha mẹ mình còn đang thắp nhang cho lão gia, Khuyên ra hiệu cho Tùng nhìn ra ngoài. Chàng đã thấy Dân ghé sát bên Sa thì thào gì đó. Người run lên bần bật đến nỗi không chịu đựng thêm Tùng quay phắt đi không thèm nhìn, ngồi phịch xuống trường kỷ ánh mắt quắc lên như thể vừa quyết định dứt khoát một việc gì đó! Khuyên sung sướng nở nụ cười mãn nguyện.
Không biết mình bị theo dõi nên khi nghe Dân hỏi Sa tức mình đôi co:
_Thế bây giờ muốn gì đây?
_Muốn gặp riêng Sa.
_Để làm gì?
_Để hẹn ngày chúng mình cùng thoát khỏi nơi này.
_Nếu tôi không đi thì sao?
_Thì cũng phải gặp tôi để trả lại số tiền chứ? Số tiền đó có nhỏ đâu?Phải không nào?
Sa nhìn Dân ánh nhìn thoáng vẻ khinh bỉ khiến Dân chợt hoang mang bất an chàng hỏi:
_Vậy Sa đã đọc thư của tôi chưa?
_Nếu tôi nói tôi xé ngay không hề đọc lúc ấy thì có tin không?
_Không! Sa có đọc tôi tin như thế! Nếu Sa không bằng lòng thì trả tiền tôi chứ giữ làm gì?
Nghe Dân nói tới đây mặt Sa tái lại, nàng nói gần như thể van xin:
_Dân ơi! Đừng nói nữa! Chị sẽ trả em ngay nhưng không phải bây giờ, lỡ ai nhìn thấy thì khốn nạn cho chị lắm!
_Thì tôi có bắt Sa trả liền đâu nào! Thôi để tối khi đón giao thừa xong tôi lẻn qua nhé! Cứ đợi tôi nhé!
Nói xong không đợi Sa trả lời Dân bước ra chỗ khác, lại gần bên cha mình lúc đó đang đốt dây pháo cuối cùng mừng gia tiên về. Sa lủi thủi đi vào bếp với tâm trạng vô cùng hoang mang lo lắng! Nàng tự trách sao hôm đó lại nhận quà làm gì!
Vô Biên Vô Biên - Nguyễn Minh Trân Vô Biên