Tôi chưa từng biết ai phải khổ sở vì làm việc nhiều quá. Chỉ có rất nhiều người khổ sở vì có tham vọng nhiều quá mà lại không có đủ hành động.

Dr. James Mantague

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 39: Mùa Đông Thứ Hai…
áng hôm nay, tên Bằng vào gọi tôi đi cung sớm. Phòng cung chỉ có tên Nhuận. Ngay khi nhìn thấy tôi, y tỏ vẻ tươi cười niềm nở. Sau khi chỉ ghế cho tôi ngồi, y săn đón hỏi:
- Hôm nay tôi gặp anh, chắc anh sẽ cho tôi biết nhiều điều mới lạ! Tôi tin là hơn nửa tháng nay, anh đã suy nghĩ kỹ để nhìn thấy vấn đề rồi. Bây giờ, tôi để anh tự do nói, anh hãy mạnh bạo nói đi! Chính anh đưa tay ra mở cửa, cho anh vào tương lai đó!
Ngồi nghe y nói, tôi tỏ vẻ rất khổ tâm và đau xót. Khi y giục, tôi mới tỏ thật nỗi tuyệt vọng của mình:
- Thưa ông, lâu không được gặp các ông, tôi vẫn hy vọng rằng các ông và nhà nước đã xác minh được lòng thành khẩn cùa tôi với cách mạng. Thế nhưng, bây giờ ông lại bảo tôi mở cửa vào tương lai, thì tôi còn biết làm sao được nữa! Và như vậy, nhà nước vẫn chưa kết luận được sự việc của tôi. Đã hơn một năm rồi, tôi mòn mỏi đợi chờ.
Y không cười nữa, nghiêm giọng:
- Thôi được, chúng tôi vẫn sẵn sàng mở cửa chờ đón anh, cách mạng luôn luôn giang tay cứu vớt những con dân bị lầm đường lạc lối. Muộn còn hơn không! Bây giờ, anh hãy nói lại chi tiết, tả tỉ mỉ ngôi nhà tranh ở Cầu Cống, nơi tên Hòa đã huấn luyện anh.
Ngồi nghe y nói, trong dạ tôi cũng hơi lo. Qua tấm ảnh Phan và tôi chụp chung, chắc chắn chúng có người của chúng trong ấy. Bây giờ, tên Nhuận bắt tôi tả lại, như vậy có nghĩa là chúng có thể thẩm tra xác minh. Nhưng đã trót khai trước đây nhiều lần, tôi thường lấy nhà một người Tầu bên Chợ Lớn mà tôi quen biết. Tôi đã đến chơi mấy lần nên nhớ để tả, còn không gian là ngõ Cầu Cống, Khánh Hội; do đó, lúc này tôi chỉ việc moi óc nhớ lại toàn cảnh nhà người Tầu đó để ghi lại. Tuy vậy, trong lòng tôi cũng đầy băn khoăn lắng lo. Tôi nói, nó ngồi ghi, chỗ nào chưa sáng tỏ nó hỏi lại. Mãi gần hết giờ, nó mới cho về.
Ngay chiều đó, lại gọi nữa. Khi tôi ra tới nơi, y đưa cho tôi 5 tờ giấy, chỉ cái bàn con ở góc phòng:
- Anh hãy ngồi viết tỉ mĩ chi tiết: dụng cụ, đồ đạc…bên trong nhà, bên ngoài nhà. Đường đi từ Khánh Hội vào. Rồi một tờ, anh hãy vẽ một sơ đồ, có chú thích từ phía Sài Gòn sang qua cầu Khánh Hội, cho tới ngõ ngôi nhà đó.
Tôi cầm giấy về chỗ bàn con ngồi, óc căng ra. Phải chăng đây là khúc nút, để chúng sẽ cởi tung toàn bộ sự việc ra? Tôi đã suy nghĩ, đào sâu, xét kỹ, nhưng thấy không còn cách nào cả. Mà một khi tôi đã hiểu là không còn cách nào khác, chỉ còn một con đường duy nhất trước mặt, tôi sẽ đường hoàng dấn bước. Bản sơ đồ, thoáng trông có vẻ rõ ràng chi tiết, đường nét sáng tỏ, nhưng nếu đi vào thực tế, chỉ có mù trời. Tôi vẫn để những kẻ hở để phòng hờ sau này.
Chiều về tới xà lim, tôi thấy cửa buồng đang mở. Tên Tư đang cầm mấy miếng vải sọc ở cái quần rách của tôi. Thấy tôi về, y sừng sộ hỏi:
- Những mảnh vải này, anh xé ở đâu ra?
Thấy thái độ của lão như thế, tôi hơi ngạc nhiên trình bầy:
- Thưa ông, đấy là ở một bộ quần áo cũ, trại phát cho tôi một năm trước, khi tôi mới vào. Nó đã bở, rách cả hai đầu gối, đũng quần cũng đã bục ra. Tôi phải xé từ đầu gối làm khăn mặt, còn phía trên tôi làm quần đùi, thay đổi lúc mặc trong buồng.
Vừa nói, tôi vữa cởi giải rút quần, chỉ quần trong cho y xem.
Đến đây, phản xạ cấp thời cho tôi hiểu là chúng đang tìm cớ để cùm tôi. Gần hai tháng nay rồi, hàng ngày tên Tư coi tôi, y còn lạ gì hàng ngày, tôi vẫn mặc chiếc quần đùi rách đi đổ bô, cũng như ra vào lấy cơm, sao y không hỏi. Đến hôm nay, tôi đi cung, chắc y đã được lệnh đến buồng, tìm một lý do để cùm tôi. Các mặt khác thuộc về nội quy, tôi không sai phạm. Không còn cớ gì, chỉ còn cái quần rách. Quần, vải đã cũ, ở xà lim đã hơn một năm, mùa Hè thường phải mặc đêm, mồ hôi ướt đẫm, lại không được giặt thường xuyên, như vậy, làm gì không mục!
Thế là y ghép tôi vào tội phá hoại tài sản xã hội chủ nghĩa. Y ra rút cùm, bắt tôi bỏ chân vào. Ôi thân tù, chúng làm thế nào chả phải chịu! Tôi đành phải bỏ chân vào mà lòng tái tê, héo úa.
Y xách cả mấy miếng vải hôi hám, mốc meo của tôi đi. Như thế là mới thả cùm chừng gần một tháng, giờ lại cùm.
Lại gian khổ bắt đầu. Trời đã cuối tháng 8, vào Thu, cuộc sống của tôi ở trong tù lại bắt đầu…mất ”tự do”. Lại những ngày dài tăm tối với chiếc cùm oan nghiệt, heo hút, cô đơn. Cứ ngày này, qua ngày khác, tuần này qua tuần khác, và tháng này qua tháng khác, bao nhiêu đau thương tủi cực chất chồng, mò mẫm lặn lội trong vũng bùn đời…lao lý.
Chiều hôm đó, sau giờ tan tầm chừng một lúc, các cán bộ đã lấy hết xe ra về. Cảnh sinh hoạt của Hỏa Lò đã vào giờ vắng lặng, chỉ còn tiếng loa léo nhéo đều đều như mọi khi. Chợt tôi nghe tiếng huyên náo, ồn ào của một tốp người, từ phía cổng Hỏa Lò đi vào phía cổng trại chung. Tiếng tên Nhiễm cao giọng:
- Sao hôm nay về muộn thế?
Rõ ràng tiếng tên Tân trả lời, giọng thổn thức:
- Báo cáo cán bộ, bây giờ tòa mới xử xong!
Giọng tên Nhiễm gằn mạnh:
- Các anh oan lắm sao, còn khóc? Các anh mang theo những cái gì vào đấy?
Một vài tiếng xụt xịt, tiếng hỉ mũi, rồi một giọng nói như rên:
- Báo cáo cán bộ, có mấy gia đình vợ con lên, cho ít quà…
- Anh là Chương à? Anh, tòa xử bao nhiêu năm?
Một giọng khàn khàn nghẹn ngào:
- Báo cáo, chung thân!
- Thế anh kia bao nhiêu năm?
Giọng ồm ồm:
- Báo cáo, 20 năm!
- Còn anh này?
Tiếng tên Tân nói trong nức nở:
- Báo cáo, 15 năm!
Tiếng tên Lê từ trên gác phía ngoài cổng, nói vọng vào:
- Đồng chí Nhiễm cho họ vào đi, rồi lên đây tôi nhờ chút việc!
Những bước chân xào xạo lẫn với những tiếng xụt xịt của hàng chục người đi qua cổng, nhỏ dần rồi mất hút. Lòng tôi vẫn còn ngỡ ngàng suy nghĩ về tên Tân, đến lời nhận định về vụ án của y, khi tôi hỏi:
“Có thể tôi không phải ra tòa. Nếu có ra, cũng từ 2 đến 3 năm là cùng!”.
Ngây thơ như thế, nên các cậu khóc là phải rồi! Chủ quan, rồi bị quật một đòn mới choáng váng như búa bổ. Âu đây cũng là một sự việc, để tôi suy ngẫm sau này…..
Thấm thoát, trời lại chuyển sang Đông. Những ngón chân, ngón tay của tôi lại bắt đầu sưng nhức. Cứ mỗi độ Đông về, đời tôi càng cay đắng!
Sáng hôm nay, tiếng loa vừa ngừng bặt, giờ làm việc đã đến. Tiếng tên Lê phó giám thị ầm ầm quát tháo với vẻ rất bực bội, đang đi dần vào phía cổng trại chung, nơi có một số cán bộ mới tới, đang buộc khóa xe đạp. Giọng tên Lê dội lên đanh đanh:
- Hôm qua, đồng chí nào lấy xe đạp của tôi đi?
Một giọng rụt rè trả lời:
- Báo cáo đồng chí…hôm qua quả tình…..tôi không ra phố. Có lẽ đồng chí Thế?!…..
Lê càng bực tức:
- Các anh lấy xe không bao giờ hỏi tôi cả. Cứ mỗi lần tôi đi, lại thấy xe không mất “má” phanh, cũng xỉ lốp; không bẹp chắn bùn, cũng đứt dây phanh…..Tôi đi sửa xong, mấy bữa sau, lại tình trạng ấy. Khóa rồi, vẫn mở đi!
Có tiếng cười rúc rích nho nhỏ, tiếng tên Lê gào lên hồng hộc:
- Tôi nói cho các anh biết là, chưa phải giai đoạn Cộng Sản chủ nghĩa đâu nhé! Lần sau, anh nào lấy xe đừng trách tôi!
Qua mẫu đối thoại trên, tôi thấy lũ cán bộ này, từ tên Lê trở xuống, trong tâm tư vẫn mang một niềm tin về viễn ảnh rực rỡ, hào quang ngày mai của chủ nghĩa Cộng Sản. Từ đấy, tôi cũng thấy được tâm trạng chung của chung của quần chúng nhân dân và cán bộ miền Bắc trong giai đoạn đó (1963). (Tôi không nói những trướng hợp cá biệt), vẫn chưa nhìn rõ chiếc bánh mầu sắc huy hoàng rực rỡ, mùi vị thơm ngon tuyệt thế của chủ nghĩa Cộng Sản, chỉ là chiếc bánh vẽ. Họ chưa thấy được rằng, cái “thiên đường Cộng Sản” ấy, không bao giờ có thể hiện thực, trong xã hội loài người này cả. Thực tế biện chứng như toán học: A cộng B bằng C, thì dứt khoát, không bao giờ A lại lớn hơn C. Chỉ kém hơn, hoặc bằng, trong trường hợp B bằng không mà thôi.
Sáng hôm nay, ngày 16 tháng 10, tên Tư mở từng buồng cho ra đổ bô. Xong, y chỉ vào đống chăn ở một góc nền lối đi, cho mỗi người mượn một cái, và tùy người cho mượn áo trấn thủ. Đến lượt tôi, có lẽ lúc này ở xà lim ấy tôi là người ở lâu nhất. Hàng ngày tôi và y vẫn nhìn thấy nhau, vì thế, y có vẻ dễ dãi; chỉ vào đống chăn, y dịu giọng bảo tôi:
- Anh không có quần áo, tôi cho anh chọn một cái chăn dầy và một cái áo trấn thủ!
Tôi lựa một cái chăn dầy và một cái áo trấn thủ, còn tốt đến 80%. Nghĩ đến những ngày rét giữa Đông sắp tới, tôi đành xề, xuống nước với y:
- Thưa ông, tôi không có màn cũng như quần áo, lạnh quá, chân tay của tôi bắt đầu sưng buốt (tôi vừa chỉ ngón chân và gơi tay cho y xem). Đề nghị xin ông, chốc nữa nếu còn thừa, xin ông cho mượn một cái chăn nữa? Tôi xin cảm ơn ông!
Y không nói gì cả, hất hàm bảo tôi vào đi. Thôi đành vào buồng! Được cái chăn dầy, trong dạ cũng hý hửng rồi! Tôi đã bỏ chân vào cùm, vẫn chưa thấy y đóng chốt. Tội gì! Tôi lại khe khẽ lấy chân ra. Tuy ngồi, tuy đứng loanh quoanh, nhưng trong lòng vẫn thấp thỏm không yên. Mắt cứ luôn luôn liếc về chiếc cùm, thành ra được nghỉ cùm một lúc mà lòng vẫn không được thoải mái.
Những người ở xà lim có chăn riêng ở nhà mang theo, vẫn đều được mượn thêm một cái. Khi tên Tư mở các buồng cho mượn chăn hết lượt, y đến mở cửa buồng tôi. Tôi tiến ra phía cửa, y chỉ vào 3 cái chăn ở dưới nền:
- Anh xếp lại, để trên ghế kia! Tôi cho anh mượn một cái nữa!
Nỗi vui mừng hưng phấn như ngày còn bé nhận được quà, chạy ùa vào lòng tôi. Sau khi xếp chăn lên ghế, tôi vội vàng ôm chiếc chăn nữa vào buồng, như ôm niềm ấm êm hạnh phúc cho những ngày Đông rét sắp tới.
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen