The wise man reads both books and life itself.

Lin Yutang

 
 
 
 
 
Tác giả: Haruki Murakami
Thể loại: Lịch Sử
Dịch giả: Trần Đĩnh
Biên tập:
Upload bìa: Nhật Trường
Số chương: 41
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3972 / 167
Cập nhật: 2015-11-14 02:34:48 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
39. Sarin! Sarin Đấy!
arin! Sarin đấy!”
Koichiro Makita (34)
Anh Makita làm trong ngành sản xuất phim. Từ 1988 đến 1994, anh có công ty riêng và sản xuất độc lập. Nhưng khi kinh tế suy thoái, anh đi làm cho công ty hiện tại. Anh phụ trách việc phát triển hình ảnh cho các phần mềm trò chơi máy tính.
Trong lúc soạn quyển sách, tôi đặt ra cho mình một quy tắc là không phỏng vấn bất kỳ ai quá một lần – không thêm thắt về sau – nhưng anh Makita là một ngoại lệ. Máy ghi âm của tôi chạy không tốt, nó không phát lại được những gì đã ghi nên thật không may tôi đã phải xin thêm một lần thứ hai – để “có nhiều chi tiết hơn.” Có lẽ trục trặc của máy ghi âm cũng là một kiểu tiên tri; trong lần thứ hai, anh Makita đã cho tôi một cuộc phỏng vấn lâu, kỹ càng.
Anh Makita không ngại phát biểu nhưng anh cũng không phải típ người tự nguyện cho thông tin về bản thân. Những câu trả lời của anh luôn nằm trong ranh giới của các câu hỏi đặt ra. Không phải người tọc mạch, tôi thấy khó hỏi thẳng được anh về những hậu quả của vụ đánh hơi độc với gia đình anh. Tuy sau đó đôi khi tôi có tiếc là mình đã dè dặt.
o O o
Tôi đi làm bằng tàu điện ngầm tuyến Hibiya. Tàu đông không thể ngờ nổi, đặc biệt ở ga Kita-senju, nơi nhiều người đổi tàu thế mà người ta lại đang làm đủ kiểu sửa chữa ăn lấn vào không gian sân ga – thật nguy hiểm. Khẽ đẩy một cái là ông dễ dàng ngã xuống đường tàu.
Tôi nói tàu đông là vì một lần khi tôi ở trên tàu thì cái cặp của tôi bị nuốt chửng và quét đi mất trong dòng người. Tôi cứ giữ chặt nó, cố không buông nhưng đành buông vì không thì cánh tay tôi sẽ gãy mất. Thế là cái cặp biến mất luôn. Tôi tưởng sẽ không bao giờ thấy lại nó nữa. [cười] Tôi đã phải chờ cho đến lúc vãn người để tìm. Ít ra nay cũng đã có điều hòa không khí. Chứ ngày xưa thì mùa hè quả là không chịu nổi.
Một số người xuống ở Akihabara, nhờ đó có thêm không gian thở. Ở Kodemmacho, không có người chà cọ vào người ông và ở Kayabacho thì thậm chí ông còn có thể tìm được một chỗ ngồi. Quá Ginza còn có thể đọc tạp chí.
Vợ tôi và tôi có đứa con gái lên bốn. Chúng tôi lấy nhau đã năm năm. Chúng tôi thuê nhà ở. Đó là chỗ gia đình tôi ở hồi tôi còn nhỏ, nhưng rồi khi tôi còn đi học thì bố mẹ và em trai tôi lần lượt qua đời cho nên tôi là người duy nhất còn lại. Nay tôi có gia đình riêng và chúng tôi vẫn ở tại chỗ này. Nó ở trong một khu vực dân cư, hơi nhỏ nhưng có mọi tiện nghi hiện đại.
Ban đầu tôi muốn làm trong lĩnh vực âm nhạc. Hồi học cao đẳng, tôi là thành viên một ban nhạc của trường và tốt nghiệp xong tôi vẫn ở ban nhạc đó thêm ba năm nữa. Thuần túy nghiệp dư, phần lớn chỉ chơi mấy bài techno. Tôi thậm chí không có cả chỗ để bố trí các nhạc cụ của mình.
Tốt nghiệp xong cao đẳng tôi trở thành một viên chức điển hình. Nhưng cái đó quả thật không phải là tôi. Tôi khó sống nổi trong môi trường văn phòng. Tôi làm cho một công ty máy tính nhưng tôi ghét việc đó. Nó khiến tôi quá bận. Hầu như không có thời gian nghỉ. Việc không đi đến đâu nên sau một năm rưỡi tôi xin thôi.
Rồi sau một dạo tôi có việc làm mới với một công ty nghe nhìn nhưng sau ít năm nó sập tiệm cho nên tôi lập công ty riêng. Tôi thật sự không muốn làm thuê cho chính mình nhưng vì các lý do thuế má, chuyện đó lại tỏ ra cần thiết. Vào thời kỳ phát đạt nhất, công ty có ba người, nhưng kinh tế kém đi nên công việc ít, thế là trong năm cuối cùng chỉ có mỗi tôi.
Ngày 20 tháng Ba là thứ Hai. Tôi có hẹn gặp với sếp nên đi làm sớm. Nếu tôi đợi vài chuyến tàu ở Kita-senju thì có thể có chỗ ngồi nhưng tôi lỡ mười lăm phút nên vừa có tàu đến là nhào lên ngay. Ngồi hay đứng thì ông vẫn cứ bị kẹt mặt đối mặt vào người khác nên đằng nào thì ngồi cũng không phải hoàn toàn dễ chịu. Hôm ấy tàu chật cứng. Các sáng thứ Hai là tệ hại nhất.
Tôi thường lên toa thứ tư tính từ đầu tàu, bằng cửa cuối toa. Vào cùng một giờ cố định nên nói chung đều là các bộ mặt quen thuộc nhưng hôm ấy lại là một đoàn tàu khác nên tôi không biết một ai. Tôi nhớ cái ấn tượng ấy, ấn tượng rằng mọi thứ đã hơi khác đi ra sao.
Tuyệt đối không có cơ may được ngồi cho tới Tsukiji. Thật bất thường. Quanh quẩn quãng Kayabacho, tôi vẫn hay có được chỗ ngồi mà… Cho nên muốn gì cuối cùng tôi cũng kiếm ra chỗ và vừa lúc ấy thì có thông báo, “Một hành khách bị ngã quỵ. Đoàn tàu sẽ đỗ ở ga này để sơ cứu tạm thời.” Tôi ngồi chờ nhưng sau hai phút thì tin ấy lại đổi ra thành “Ba hành khách bị ngã quỵ.”
Bên ngoài trên sân ga có một bức tường người. Toàn bộ chuyện này xảy ra ở toa trước, nơi có cái gói sarin. Cái gì vậy nhỉ? Tôi nghĩ và thò đầu ra ngoài cửa nhưng không thấy gì bất thường. Rồi một ông trung niên đi từ hướng ấy đến nói, “Sarin! Sarin đấy!” Tôi nhớ rõ rệt là ông ta nói “sarin” nhưng giọng ông ta nghe như đang say.
Nghe thấy thế, mấy người ở quanh tôi đứng lên, nhưng nom không có vẻ gì là đặc biệt vội vã cả. Họ không phải đang toan chạy trốn hay gì gì đó.
Sau đó một lát có một thông báo khác: “Đã phát hiện thấy hơi độc. Ở dưới hầm ngầm rất nguy hiểm. Xin đi lên mặt đất cho an toàn.” Tất cả hành khách nghe thế liền đứng cả lên và xuống tàu nhưng vẫn chưa náo loạn. Họ đi nhanh hơn bình thường một chút nhưng không có xô đẩy hay sao cả. Một vài người che khăn tay lên miệng hoặc ho, nhưng chỉ thế thôi.
Gió đang thổi qua nhà ga theo chiều từ cuối lên đầu đoàn tàu. Vì thế nên tôi đã nghĩ, “Mình ổn thôi, vụ rắc rối xảy ra ở toa trước, ngược gió với đây.” Và lối ra cũng ngược chiều gió, dẫn tới cửa ra ở cuối đoàn tàu. Trong lúc đó tôi cảm thấy cổ họng tê tê là lạ. Ông biết khi nha sĩ cho ông ngậm thuốc tê thì nó rỉ xuống cổ họng ông chứ? Y như thế đấy. Thật thà mà nói thì tôi sợ. Nhận ra mình có thể bị chết vì hơi độc, điều đó bất chợt ập mạnh vào tôi. Nếu đây là sarin thì nghiêm trọng đấy. Tôi có thấy nó tác động thế nào trong vụ Matsumoto, hít phải nó là chết liền.
Tôi đi qua cửa ra và lên cầu thang. Ra ngoài tôi muốn hút thuốc nhưng hầu như không hít được vào cổ họng, và rồi tôi ho khù khụ. Chính lúc ấy tôi biết tôi đã hít phải sarin. “Tốt nhất là mình gọi cho công ty,” tôi nghĩ. Ngoài nhà ga có hai buồng gọi điện thoại nhưng cả hai đều có những hàng dài người chờ. Tôi đã phải chờ mười lăm hay hai mươi phút mới đến lượt. Vẫn chưa đến giờ làm việc nhưng tôi bảo cô gái nhấc máy: “Có khủng bố trên tàu, tôi sẽ đến muộn.”
Gọi xong tôi nhìn quanh thì thấy có nhiều người, đến cả tá, nằm quằn quại dưới đất. Vài người hình như đã bất tỉnh, vài người đang được khiêng lên cầu thang. Trước lúc tôi gọi được điện thoại thì mới rải rác vài người, nhưng chỉ trong năm mười lăm phút, chỗ này đã trở nên nhốn nháo, tuy chưa phải là không khí vùng chiến sự như trên tivi.
Một nhân viên điều tra nọ đi quanh và lớn tiếng hỏi, “Có ai trông thấy thủ phạm vụ thả hơi độc không?” Ngay lúc đó một xe cứu thương đến.
Họ vẫn chưa niêm phong lối vào ga điện ngầm và có khá nhiều người đã đi xuống xem. Tôi nghĩ, “Thế này nguy hiểm quá.” Nhưng cuối cùng tôi nhớ là đã có một nhân viên nhà ga xuất hiện và đóng cửa lối vào lại.
Tôi biết mình đã hít phải hơi độc cho nên rất lo nhưng không biết có nên rời chỗ này hay không. Tốt nhất là tôi nên đi xét nghiệm ngay, đúng không? Cứ mặc kệ mà lên đoàn tàu khác đi làm rồi khuỵu xuống giữa đường thì chỉ tổ chuốc lấy phiền toái.
Nhưng nghĩ lại thì tôi vẫn đi được – không như những người bị khiêng đi – vậy chắc có nghĩa là tôi không đến nỗi tệ như họ. Khi đội sơ cứu đến nói, “Ai cảm thấy khó chịu xin lên xe cứu thương,” tôi đã không lên. Tôi nghĩ mình không sao.
Cho nên tôi đi bộ đến ga Shintomicho và lên tuyến Yurakucho đi làm. Khi tôi đến sở, giám đốc điều hành gặp tôi hỏi liệu có ổn không. Tôi giải thích tình hình, ông bảo tôi, “Người ta bảo đó là sarin, vậy tốt nhất là anh nên nhanh đến một bệnh viện mà làm vài xét nghiệm.”
Bệnh viện ở gần đó. Thật ra lúc tôi vào ga tàu điện ngầm ở Shintomicho mọi cái đã bắt đầu mờ đi nhưng khi đó tôi lại nghĩ là do ở ngoài kia mặt trời chói quá. Sau tôi mới biết đó là do sarin. Cổ họng tôi gần như không còn tê tê nữa; tôi đã hút thuốc lá được. Nhưng dẫu gì tôi vẫn muốn họ xét nghiệm cho tôi.
Nhưng họ bảo tôi, “Chúng tôi không xét nghiệm được sarin.” Các bác sĩ hẳn đã không được xem tin tức. Họ không biết chút nào về chuyện đang xảy ra. Lúc này chừng 10 rưỡi. Cố nhiên trước đây họ chưa xét nghiệm sarin bao giờ nên chẳng hiểu tiến hành thế nào. Sau khi bắt tôi chờ cả tiếng đồng hồ để họ nghĩ cách thì họ bảo tôi, “Ừm, hình như đó là thuốc trừ sâu cho nên việc cần làm là uống nhiều nước rồi thải nó ra qua hệ thống cơ thể anh. Còn hiện nay thì anh ổn thôi.” Tốt, lúc này mình đang ổn, tôi nghĩ và đi ra khu vực tiếp tân trả tiền. Lúc đó một cô y tá đang xem tivi đi đến bảo tôi, “Ở đây chúng tôi không điều trị được sarin. Tivi nói có thể điều trị toàn diện ở Bệnh viện Thánh Luke. Ở đằng ấy họ có thuốc và có thể làm các xét nghiệm thích hợp. Tốt nhất là anh đến hỏi lại chỗ cảnh sát.”
Tôi vẫn không yên tâm nên đã đến đồn cảnh sát ở trước bệnh viện mà hỏi viên sĩ quan ở đó xem nên đến bệnh viện nào để xét nghiệm sarin. Chắc nghĩ tôi là một ca nghiêm trọng, ông ta gọi ngay xe cứu thương. Họ đưa ngay tôi đến một bệnh viện ở cách đó chừng hai mươi phút.
Vì tôi là một “ca nghiêm trọng”, ba bác sĩ đã chờ tôi sẵn ở đó. Tôi ngượng quá, tôi chỉ có những triệu chứng nhẹ. “Tình trạng của anh không đến nỗi xấu lắm. Nếu hôm nay không xuất hiện bất thường nào nặng hơn thì anh ổn,” họ bảo tôi. Không truyền dịch, không thuốc men.
Vậy là tôi nhanh chóng trở lại với nhịp sống bình thường. Đồng tử tôi không co lại tệ lắm – tôi không nhớ tình trạng này kéo dài bao lâu.
Sau vụ đánh hơi độc, không hiểu thế nào cảnh sát lại đinh ninh tôi là một trong những thủ phạm. Hai nhân viên điều tra đến nhà mà quay tôi. Một người nhìn vào mắt tôi nói: “Anh vẫn luôn để đầu tóc như thế này chứ?” Sau khi tôi tường thuật lại mọi sự của cả ngày hôm ấy, họ đưa cho tôi hai tấm ảnh chân dung, một cái trông khá là giống tôi. “Trong vụ đánh hơi độc, anh có tình cờ trông thấy ai giống một trong hai người này không?” Không, tôi đáp, nhưng tôi biết là họ thật sự nghi tôi. Theo hai nhân viên điều tra này, rất có khả năng các thủ phạm cũng đã bị nhiễm sarin và đã đến các bệnh viện để chữa.
Hai hay ba tuần sau, điện thoại réo: “Có phải anh Makita đấy không?” cái giọng kia nói. “Vâng?” “Cảnh sát đây. Chúng tôi cho là bây giờ anh đã về nhà.” Hình như họ muốn tôi xác nhận chính thức nên tôi đã đến báo cáo với cảnh sát khu vực. Tôi nghĩ mình đã bị giám sát, có khi còn bị bám đuôi. Họ vẫn chưa kết nối được hẳn vụ việc này với Aum và mọi người thì đều căng thẳng.
Tôi cảm thấy ghê tởm đám Aum nhiều hơn là giận dữ chúng. Tôi khinh những người làm ngơ với những hiểm họa của cái loại tôn giáo này. Tôi đặc biệt không thích những người cố tuyển người mới cho tổ chức của chúng.
Khi tôi còn học cao đẳng, chỉ trong vòng khóa học ba năm ấy tôi đã mất bố mẹ và em tôi. Bố thì ra ra vào vào bệnh viện suốt nên khi bố mất tôi cũng không sốc mạnh. Nhưng mẹ tôi chỉ vừa nghe thấy tiếng tim thổi và vào bệnh viện nằm theo dõi thì hai ngày sau đã qua đời. Họ thậm chí còn chưa kịp phẫu thuật. Tôi suy sụp hoàn toàn. Không ai hình dung rằng mẹ lại có thể chết. Rồi em tôi chết trong một tai nạn. Đến nước ấy, tôi không thể không nghĩ, “Con người ta có thể chết bất cứ lúc nào.” Gần như tôi cảm thấy tựa hồ tới đây sẽ đến lượt mình.
Tôi chỉ cứ ngủ và ngủ. Một lèo mười hai tiếng. Ngủ lâu như thế thì giấc ngủ của ông sẽ rất chập chờn. Tôi mê nhiều.
Quanh thời gian ấy, một người của những tôn giáo mới này đã tiếp cận tôi. Gã tuyển mộ đến gặp tôi, nói, “Kiểu bất hạnh này sẽ cứ còn lặp lại vậy, tốt hơn là ngay lúc này và ngay ở đây anh hãy tự thay đổi số phận mình đi. Chẳng lẽ anh lại không nên chấp nhận một lòng tin hay sao…?” Theo tôi thấy thì thật sự là vô vị. Có lẽ vì thế mà tôi thất vọng với tôn giáo quá thể.
Ngầm Ngầm - Haruki Murakami Ngầm