Số lần đọc/download: 2559 / 89
Cập nhật: 2015-08-18 16:19:01 +0700
Chương 15: Trên Sông Khói Sóng Cho Buồn Lòng Ai
T
ừ Kinh Châu tôi đi Vũ Hán (Wuhan ). Vũ Hán là thành phố nằm trên chỗ tụ hội của sông Trường Giang và một con sông nên thơ khác tên là Hán Thủy. Ngày xưa chưa hề có tên Vũ Hán vì thật ra Vũ Hán là do ba thị trấn hợp lại, đó là Vũ Xương, Hán Dương và Hán Khẩu. Ngày trước chúng là ba thị trấn riêng biệt, cách nhau bởi sông Trường Giang rộng mênh mông. Ngày nay chiếc cầu Trường Giang tại Vũ Hán nối chúng lại với nhau biến thành một thị trấn phồn vinh, đồng thời khai tử tên Vũ Xương, làm nhiều người yêu thơ tiếc nuối.
Đường đi của tôi từ Kinh Châu đến Vũ Hán chính là đường xuyên qua Giang Châu, một vùng hoa gấm của thơ phú đời Đường. Giang Châu là một vùng có tên từ thời đầu công nguyên. Thời nhà Hán Tuyên Đế (năm 65), triều đình lấy một số vùng của Dương Châu, Kinh Châu mà lập ra Giang Châu, thủ phủ là Vũ Xương. Đó là một vùng xanh tươi, nhiều sông hồ, gồm Nhạc Dương, Động Đình Hồ, Lư sơn, Hán Thủy, Tầm Dương. Ngày nay tên Giang Châu đã biến mất trên bản đồ, nó đã được chia vào hai tỉnh Hồ Bắc và Giang Tây.
Vũ Xương một thời là thủ phủ của Giang Châu, là địa danh nổi tiếng. Hơn hai ngàn năm trước ở đây có người đánh đàn hay tên là Bá Nha. Bá Nha hay đàn bài Lưu thủy cao sơn, bài này không ai biết thưởng thức chỉ trừ một người. Người đó là Chung Tử Kỳ. Lã Thị Xuân Thu kể: Ngày nọ Bá Nha gảy đàn, lòng nhớ tới núi cao, Tử Kỳ liền bảo: "Thiện tại hồ cổ cầm, Nguy nguy hồ nhược Thái sơn" (Đánh đàn hay thay, Vòi vọi như Thái sơn). Đến lúc Bá Nha nghĩ đến vực sâu, Tử Kỳ nhận ra ngay "Đăng đăng hồ nhược lưu thủy" (Cuồn cuộn như nước chảy). Đến lúc Tử kỳ chết, Bá Nha đập đàn không bao giờ gảy nữa. Tại Vũ Hán ngày nay có một cái lâu các với biển đề bốn chữ "Lưu thủy cao sơn", bên cạnh đó là một phiến đá, đó là nơi Bá Nha từng gảy đàn.
Phía đông Vũ Hán có Đông Hồ rộng mênh mông, cũng trong thời Chiến quốc của Bá Nha Tử Kỳ có một thi hào đã đến đây, đó là Khuất Nguyên mà ta đã nhắc đến. Ngày nay nơi đây có tượng của ông và viện bảo tàng nghệ thuật nói về con người chí khí đó.
Miền linh địa của nhạc và thơ như Vũ Xương cũng phải là chỗ lui tới của thần tiên. Tương truyền rằng có một đạo sĩ tu thành tiên tên là Phí Văn Vi (38), cỡi hạc vàng ngao du sông thủy. Tiên hay cỡi hạc. Trên núi Thanh Thành, quê hương của đạo sĩ, tiếc thay kẻ người trần mắt thịt như tôi không gặp tiên cũng chẳng thấy hạc. Nhắc lại chuyện Đông Hồ thì tiên và hạc bay ngang đây thấy một bên là Trường Giang hoành tráng, một bên là Đông Hồ kiều diễm mới nghỉ chân trên mỏm đá Hoàng Hộc. Hậu thế mới xây một lâu các ngay trên mỏm đá đó, đặt tên là Hoàng Hạc Lâu, tương truyền khoảng trong thế kỷ thứ tư sau công nguyên. Bốn trăm năm sau có một nhà thơ tên Thôi Hiệu (39) đến đây. Ông lên lầu ngắm cảnh Hán Dương bên kia sông, cảnh trời chiều trên Trường Giang và sáng tác bài thơ Hoàng Hạc Lâu bất hủ:
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư hoàng hạc lâu.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
Yên ba giang thượng sử nhân sầu!
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ!
Hạc vàng đi mất từ xưa,
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.
Hán Dương sông tạnh cây bày,
Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai? (40)
Đến Giang Châu thì làm sao tôi quên được "Giang Châu tư mã". Đó là tên được đặt cho Bạch Cư Dị, nhà thơ lớn của đời Đường. Cũng như Khuất Nguyên ngàn năm về trước, Bạch Cư Dị là kẻ làm quan nhưng đầy chí khí, đời ông bị đám quan lại bất tài vùi dập. Năm 816, lúc 44 tuổi, ông bị giáng chức đi làm tư mã (41) ở Giang Châu. Lúc này Giang Châu đã dời thủ phủ từ Vũ Xương về Tầm Dương. Tầm Dương chẳng qua là một đoạn sông của Trường Giang, địa danh đó cũng đã biến mất, ngày nay được gọi là Cửu Giang (Jiujiang ).
Tầm Dương lại nằm sát núi Lư sơn, một thắng cảnh và núi thiêng của Phật giáo. Bạch Cư Dị về đó, "dựng một mái nhà tranh bên chùa Đông Lâm, dưới ngọn Đông Lô thuộc dãy Lư sơn, dành phần lớn thì giờ tu tiên học Phật"(42). Thế nhưng Bạch Cư Dị là người hay có lòng xót thương với phụ nữ. Mười năm trước đó, năm 806, ông đã viết bài Trường hận ca thương khóc cho người đẹp Dương Quí Phi. Đó là một bài thơ để lại cho hậu thế một tấm lòng cảm thông đầy nhân đạo với thân phận của hồng nhan bạc mệnh. Năm 816, sau khi chứng kiến cảnh trôi nổi của chính đời mình, đêm nọ, bên bến Tầm Dương hiu quạnh, ông nghe tiếng đàn tỳ bà trong một chiếc thuyền, "giọng đàn lanh lảnh có tiếng ở kinh kỳ".
Hãy nghe lời tự sự của ông: "Hỏi ra mới biết là một người xướng nữ ở Trường An thường học đàn ở hai nhà thiện tài họ Mục và họ Tào; đến khi tuổi cả sắc suy mới gởi thân làm vợ một người lái buôn. Liền bảo đặt rượu và gảy mấy khúc đàn chơi, gảy xong người ấy buồn bã, tự kể khi trẻ trung thì vui thú chừng nào, nay phải lưu lạc tiều tụy ở nơi giang hồ. Ta ra làm quan ở ngoài đã hai năm vẫn thường lẳng lặng, tự dưng đêm ấy cảm mấy lời nàng nói mời để ý nỗi mình bị giáng trích, nhân làm bài ca trường thiên để tặng. Cả bài có 616 chữ, đặt tên là Tỳ bà hành".
Ôi, nhà thi hào cùng khóc với nàng kỹ nữ, có cảnh nào đáng cảm khái hơn? Vì thế mà tác phẩm Tỳ bà hành vang danh muôn thuở, dưới núi Lư sơn mà sinh ra được bài thơ trác tuyệt của kiếp nhân sinh. Mới đầu là:
Tầm Dương giang đầu hạ tống khách,
Phong diệp, địch hoa thu sắt sắt.
Chủ nhân há mã khách tại thuyền,
Cử tửu dục ẩm vô quản huyền
Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách,
Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu.
Người xuống ngựa khách dừng chèo
Chén quỳnh mong cạn, nhớ chiều trúc ty
Để rồi người nghe cảm thấy:
Đồng thị thiên nhai truân lạc nhân,
Tương phùng hà tất tằng tương thức
Cùng một lứa bên trời lận đận
Gặp gỡ nhau lọ sẵn quen nhau
Và lúc chia tay:
Tọa trung khấp hạ thùy tối đa?
Giang châu tư mã thanh sam thấp.
Lệ ai chan chứa hơn người?
Giang châu tư mã đượm mùi áo xanh (43).
May thay cho Bạch Cư Dị, về sau ông lại được vời về kinh, nhận nhiều nhiệm sở khác nhau. Thế nhưng ông cũng đã chán ngán đường hoạn lộ, chỉ nhận những chức vụ không phải tranh giành với quan lại trong triều. Ông tránh triều đình, chủ động xin công tác ở những vùng xa nhưng tuyệt đẹp Hàng Châu, Tô Châu. Các đời vua thay thế nhau, vị nào cũng coi trọng ông nhưng ông tìm cách xa lánh, nhận những chức tước ít thế lực. Năm 836 ông về hưu với hàm Hình bộ thượng thư, kết bạn với sư Như Mãn, tự xưng là Hương sơn cư sĩ, "lòng nơi Thích Phạn, chân chốn Lão Trang". Bạch Cư Dị mất năm 845, thọ 75 tuổi. Ông để lại khoảng 2800 bài thơ, đứng ngang hàng với Lý Bạch và Đỗ Phủ nhưng nếu Lý Bạch phóng đãng giang hồ, Đỗ Phủ lăn lóc phong trần thì ông là một nhà Nho hiển đạt, địa vị nghiêm túc, nghiêng về trí tuệ.