Số lần đọc/download: 8932 / 159
Cập nhật: 2015-07-11 21:05:32 +0700
Chương 39 -
N
gày rằm tháng mười là ngày giỗ cụ phó bảng Vũ Huy Tân, cũng là ngày giỗ cụ cử Phùng Khiêm. Tại sao hai người lại giỗ cùng ngày? Nguyên do như sau: Đúng ngày rằm tháng mười năm Giáp Thân (1884) là ngày ông cử Khiêm chết. Rồi ở Huế vua Hàm Nghi lên ngôi. Huế thất thủ, vua chạy ra Quảng Bình xuống chiếu Cần Vương. Ông Vũ Huy Tân ở đất Hưng Hóa cùng các văn thân và các nghĩa sĩ chống Pháp. Năm Mậu Tí (1888) vua Hàm Nghi bị bắt. Phong trào Cần Vương bị suy yếu, một số văn thân tự vẫn, một số ra hàng, nhưng một số người vẫn không chịu thua, trong đó có phó bảng Vũ Huy Tân. Cụ Vũ Huy Tân lúc đó cũng gần 50 tuổi song còn tráng kiện. Một bận, đúng ngày giỗ Phùng Khiêm, cụ trở về Cổ Đình, gọi học trò lại bảo rằng:
- Bác cử Khiêm với ta là chỗ thâm giao. Nay bác Cử vì việc nước mà lẫm liệt hy sinh. Gia đình bác ở dưới Nam cũng vì thế mà tan tác hết. Con cháu chẳng biết còn ai. Bác Cử gái lại là người họ Vũ Xuân. Ta rất xót xa, không muốn người đã chết phải chịu cảnh hương lạnh khói tàn. Bác Cử lại có lúc giúp ta dạy bảo các anh. Một ngày cũng là nghĩa thầy trò. Ta muốn từ nay các anh lấy ngày rằm tháng mười, thay ta, đốt nén nhang tưởng nhớ đến vong linh bác Cử. Mảnh đất này, họ Vũ Xuân dựng trường cho ta dạy học. Cũng nên làm giỗ ở chính ngôi trường này.
Bữa ấy, học trò trong vùng về rất đông. Thứ nhất để làm giỗ ông Cử. Thứ nhì để thầy trò gặp mặt nhau. Mấy năm nay cụ phó bảng đi biền biệt, thỉnh thoảng mới tạt về, nên môn sinh rất nhớ nhung thầy.
Hôm ấy, cụ Vũ Huy Tân rất phấn hứng. Cụ báo tin cho mọi người biết tin vua Hàm Nghi đã bị giặc bắt đi đày. Giọng cụ rất cảm khái. Cụ sang sảng nói:
- Có người cho rằng vì đức vua là người đứng đầu cả nước nay đã bị bắt thì khác gì con rắn mất đầu. Phong trào Cần Vương ắt phải tan rã. Như thế là nản lòng, thoái chí. Có người hỏi ta rằng: "Vua đã mất thì còn gì nữa?". Ta xin trả lời rằng: "Vua mất, còn nước". Ta xin nói thật, ta trọng quốc hơn trọng quân. Ta rất trọng khí phách của quan đình nguyên Phan Đình Phùng ở Hà Tĩnh. Vua bị bắt rồi mà vẫn tự mình chiêu mộ binh lính đánh Pháp. Tức là cụ Phan đã lấy sự ái quốc hơn trung quân.
Cụ phó bảng giọng rưng rưng, bưng chén rượu lên:
- Nay, ta có người bạn đồng môn đi theo cụ Phan dấy binh cứu nước, đã viết thư ra cho ta. Cho nên, một chén rượu này gọi là tình thầy trò chia tay tiễn biệt. Ai có hoàn cảnh thì theo ta ra đi cùng chí hướng. Ai không có hoàn cảnh thì ở lại. Mong các trò đừng quên những lời ta đã dặn dò
Cụ phó bảng còn nâng một chén rượu thứ hai, chén rượu thề trước vong linh cử Khiêm, người bạn cụ vô cùng kính trọng. Cụ đốt ba nén nhang thề rằng:
- Tôi là Vũ Huy Tân, trước vong linh bác Phùng Khiêm, xin thề rằng tấm thân này xin dành trọn cho non sông...
Cụ Vũ Huy Tân, sau buổi lễ ấy, cùng hai người học trò lên đường đi vào miền Trung. Về sau, không thấy ba người trở về. Chắc chắn họ đã chết, nhưng không ai biết họ chết vào ngày nào. Do đó, học trò cụ phó bảng lấy ngày cụ ra đi, cũng là ngày giỗ cụ Phùng Khiêm làm ngày cúng.
Cậu cháu Huy được ông tú Cao kể cho nghe về lịch sử ngày giỗ ấy, lấy làm cảm động. Giá như vào thời hiện đại, hẳn đã có ảnh của cụ phó bảng để lại. Thấy người cháu cứ vương vấn mãi về chuyện không có di ảnh của người đã khuất, cụ Tú bảo:
- Thầy ta ngày xưa cao, gầy, rất quắc thước. Con người lúc nào cũng khoan thai, tề chỉnh. Không hiểu cụ có biết cầm, kỳ không. Chắc là không vì cụ đâu có thì giờ. Nhưng thi, họa thì cụ sành lắm. Cụ vẽ rất thần tình nhưng ít khi cụ vẽ, còn tự vẽ về mình thì không bao giờ.
Vui chuyện, cụ tú Cao kể thêm về thời đi học của cụ phó bảng:
- Thầy ta nói thuở trẻ học cụ nghè Vũ Tông Phan. Nghe nói thầy Vũ Huy Tân là cháu họ cụ Nghè. Trường cụ Nghè có tên là Trại Hồ Đình bên hồ Hoàn Kiếm thuộc phường Báo Thiên. Trường cụ nghè Vũ nổi tiếng ở Hà Nội vì học trò đỗ đạt và làm quan to rất đông trong thời vua Tự Đức. Cụ phó bảng thầy ta chịu ảnh hưởng rất nhiều cụ thám hoa Lê Đình Diên. Khi còn đi học cụ Nghè, Lê Đình Diên là trưởng tràng. Thầy ta vẫn được cụ Lê kèm cặp. Cụ Lê có bài từ nổi tiếng tên là Tứ Nãi nên người đời vẫn gọi cụ là Tứ Nãi tiên sinh. Bài từ có bốn khổ. Hai khổ cuối thầy ta rất thích:
...Người đời cày ruộng bằng trâu
Ta lại đem bút thay trâu mà cày
Cày bút vẳng tiếng trâu hì hục
Chữ từng hàng gấm vóc nở hoa...
Người đời đọc sách ngâm nga
Ta nay Tâm đọc lại là phần hơn
Tâm đọc sách không vang thành tiếng
Mà thiên kinh vạn quyển làu trơn
Thanh cầu tâm đắc là hơn.
- Đọc bằng Tâm ư? - Huy thất lên thán phục. Cụ thám hoa này độc đáo thật.
- Đúng vậy! Chẳng thế mà thầy ta lúc nào cũng nhắc nhở:
Người đời đọc sách ngâm nga
Ta nay "Tâm đọc" lại là phần hơn.
Cụ phó bảng chịu ảnh hưởng nhiều nhất của Tứ Nãi tiên sinh là lòng căm ghét bọn Tây Dương. Lúc cụ Tứ Nãi về hưu trí là lúc bọn Đồ Phổ Nghĩa (Jean Dupius) đem thuyền cặp bên sông Cái, không coi luật lệ triều đình ta ra gì. Tứ Nãi tiên sinh liền đứng ra tụ tập văn thân trong tỉnh Hà Nội để đánh bọn Tây Dương đó... Thầy ta nói: "Đó là hành xử của người đọc sách bằng tâm đó. Còn kẻ đọc sách bằng miệng, đọc ra mồm chữ bay đi hết".
Hai bác cháu cùng cười. Cụ tú Cao được dịp kể chuyện về những người nho sĩ thời cụ nên phấn hứng lắm. Bao nhiêu kỷ niệm, bóng dáng ngày xưa chợt tràn về. Nhưng chúng chỉ như những ánh hồi quang leo lét. Cho nên giọng cụ pha chút ngậm ngùi:
- Lại nói về vẽ, về thư pháp. Thầy ta có hoa tay. Chữ viết như rồng như phượng. Con xem đây này. Con tưởng rằng thầy ta không vẽ ư.
Cụ Tú lại bên bức tranh chữ Đạo. Cụ nâng niu tấm lụa; cụ ngắm gần, ngắm xa nét chữ. Cụ bảo:
- Đó, con xem cái thần của thầy ta hiện ra trên nét chữ như thế nào. Tưởng như nước chảy bên trong, mây bay bên trong. Mềm mại thế mà vô cùng cứng cỏi. Mềm mại thế mà không bao giờ gãy ngã... Hôm thầy ta từ biệt ra đi, ông cử Lễ là trưởng môn (trưởng tràng) và ta là đứa học trò ít tuổi nhất trong trường đến lạy thầy và mỗi người xin thầy một chữ để thờ. Thầy ta ngẫm nghĩ rồi viết vào hai vuông lụa bạch. Với bác cử Lễ, thầy cho chữ Nhẫn. Còn ta, thầy cho chữ Đạo.
- Thưa bác, ý nghĩa là thế nào?
Cụ tú Cao gật gù:
- Thường thường, khi cho chữ, người ta nhân đó muốn khen, hoặc muốn răn người được chữ.
- Ví dụ như chữ Đạo của nhà ta thì sao?
Cụ Tú vừa nói vừa ngẫm nghĩ:
- Khi còn là học trò, ta luôn khiêm nhường, luôn biết lễ nghĩa, lúc nào cũng suy ngẫm trước những hành vi của mình... Liệu có phải thầy đã bằng lòng với ta một chút nào chăng? - Rồi ông cụ chợt trầm ngâm. Nhưng chắc chắn ở đây còn mang một lời khuyên răn. Cháu chắc biết thanh thế của họ Vũ Xuân ở Cổ Đình này chứ. Họ nhà ta chẳng ai làm quan to, chẳng ai đỗ đạt cao, nhưng đời nào cũng luôn làm những chức dịch hào lý cao nhất làng xã. Đạo tức là răn dạy đấy. Hãy giữ lấy đạo làm người. Quan không to nhưng luôn ở cạnh dân. Gần lửa rát mặt. Đừng cậy thế mà gây ai oán cho dân. Đừng cậy giàu mà khinh bỉ người ta. Đừng cậy tay đao tay thước mà làm rớm máu dân lành...
- Thưa bác, thế còn chữ Nhẫn của cụ cử Lễ?
- À... Thầy ta là người sâu sắc, biết cái tướng của từng người, biết cái nết của từng dòng họ. Với họ Vũ Xuân ta thầy nhắc nhở chữ Đạo. Còn họ Đinh Công, thầy lại khuyên luôn giữ chữ Nhẫn. Bởi vì họ ấy hay đỗ đạt cao. Lại toàn những con người bộc trực ương ngạnh. Bộc trực thì tốt nhưng cái không hay của tính bộc trực là không mềm dẻo. Mà trong thời đại loạn như thế này con người liệu có thể trụ nổi khi chỉ biết cứng mà chẳng biết mềm? Ông cử Lễ đỗ đạt, ra làm quan phủ, quan huyện. Ông đồ Tiết, hai con: kẻ chết, người biệt xứ; riêng ông ấy lại mắc vòng tù ngục. Ông Lễ tuy làm quan nhưng có được người Tây tin dùng đâu; nhưng đối với ông em, làm quan cho người Tây đã là một tội lỗi... Anh em khảng tảng mỗi người một nơi... Thế đó... Thầy ta cho chữ Nhẫn cũng vì thế đó.
Ngẫm nghĩ một lúc, cụ nói:
- Mấy năm nay, giỗ thầy, bác Cử Lễ không về. Liệu năm nay bác ấy có về không?
Ông già tự hỏi rồi lại tự trả lời:
- Chắc là không. Già quá rồi còn gì... Mà chẳng cứ gì bác ấy, tất cả chúng ta đều già rồi.
Ông già càng lúc càng ngậm ngùi:
- Thầy ta đã ra đi rồi... Còn chúng ta cũng sắp sửa. Ngẫm lại bao nhiêu chuyện đã qua... thấy dang dở quá, thấy chẳng được gì... - Mắt ông già chợt sáng lên - Có lúc ta cũng muốn nối chí của thầy ta... Cháu ạ... Cái hồi Đông Kinh Nghĩa Thục... Cái hồi Duy Tân... ta ra Hà Nội đâu phải để kinh doanh... Nghe nói có các nhà nho Duy Tân... ta cũng muốn ra đó gánh vác một tay. - Cụ thở dài - Nhưng rồi... muôn sự tại trời. Phong trào tan rã. Ta cũng suýt nữa rơi vào vòng lao lý... May nhờ có Alexandre... anh ta say mê con Nguyệt... Anh ta chạy vạy... nhờ vả... nên ta mới thoát. Ta cảm động vì cái ân nghĩa ấy... nên mới gả cái Nguyệt cho anh ta... đành chịu cái tiếng gả con cho... kẻ ngoại bang...
- Nghe nói vì anh Alexandre là đốc tờ chữa khỏi bệnh cho bác nên...
- Ấy là cách nói trệch ra thôi... Vả lại, chữa bệnh cho ta khỏi chết và cứu ta khỏi ngục tù nào có khác gì nhau đâu.
Huy cầm tay ông bác già thương cảm. Cái thế hệ cha chú của anh thực ra cũng nhiều tâm sự. Cái thế hệ hùm thiêng đã sa cơ thật đầy hùng tâm tráng khí. Còn cái thế hệ mới của Huy thực ra mới chỉ manh nha. Bàn tay xương xẩu của ông bác già run run trong tay anh. Bàn tay già nhưng còn ấm lắm. Anh có cảm giác bàn tay khô héo ấy như muốn truyền chút hơi ấm còn sót lại cho anh.
Cụ Tú bảo:
- Thế mới biết cái chữ "Nhẫn" của thầy ta chẳng những cần cho nhà ông phủ Lễ, mà còn cần cho tất cả chúng ta.
Đến chỗ này thì người cháu khác người bác. Huy nói với cụ Tú:
- Không phải đâu bác ạ. Chúng cháu chẳng "nhẫn" được nữa đâu.
Đấy là cuộc nói chuyện giữa hai bác cháu cụ Tú hôm trước ngày giỗ cụ phó bảng và cụ Cử. Hai bác cháu lấy phất trần phủi bụi trên bức tranh chữ Đạo, rồi lau bàn thờ, lau lại chiếc khám trên có đặt bài vị cụ phó bảng và cụ Cử. Họ lau cả phản, cả sập, cả hương án... thậm chí cả những cây cột cho đến lúc căn nhà thờ sáng bóng như gương. Cụ Tú bảo phải làm như vậy vì cụ phó bảng ngày xưa sạch sẽ lắm. Cụ chúa ghét bụi bặm. Ông thầy già thuở trước muốn tất cả những đồ vật quanh mình đều phải biến thành gương để khi nhìn vào bất cứ vật nào cũng đều có thể soi gương, có thể trông thấy khuôn mặt trong veo của mình.
Bà cụ tú Cao bé nhỏ, lưng đã còng, nên trông loắt choắt như một đứa trẻ nhỏ. Tuy thế, cụ vẫn khỏe lắm, chẳng bệnh tật gì. Cả đời cụ tận tụy với chồng con, kính trọng ông Tú, coi chồng như một người toàn thiện, có thể nói như một ông thánh. Đối với việc giỗ tết hương khói, cụ rất coi trọng. Ngày giỗ hai cụ thầy năm nào cũng làm thanh bạch thôi nhưng nhất quyết phải cho tươm tất. Do đó, tối hôm trước, cụ đã sang nhà thím Pháo dặn phải cho cái Hoa đến làm giúp. Kể ra mình cụ làm cũng xong, nhưng cụ sợ mình đã già chân tay lẩy bẩy, có đứa con gái nhanh chân nhanh tay cụ thấy yên tâm hơn.
Sáng sớm hôm rằm, cô Mùi đã đội lễ từ đền Mẫu xuống. Cô bảo:
- Cụ tổ con yếu lắm rồi. Năm nay cụ đi lại trong nhà còn khó. Cụ con thế mà vẫn nhớ. Từ mấy hôm nay cụ con có nhắc: "Sắp đến ngày giỗ ông ấy rồi đấy. Cô nhớ sắm sửa lễ vật cho đủ". Cụ con bảo dạo này hay nằm mơ gặp cụ cử Khiêm. Cụ bảo: "Ông cụ vẫn như ngày xưa, chẳng thấy già đi".
Cách đây vài năm, vào ngày giỗ, cụ Tổ cô vẫn từ núi Mẫu xuống dự. Hai, ba năm nay, cụ yếu không đi được, nhưng không khi nào quên ngày giỗ chồng xưa.
Huy biết cụ phó bảng gần như một danh nho. Đã có lần, vào ngày giỗ, học trò đã tổ chức tế lễ cụ linh đình. Nay, thời thế khác rồi, nho học đã tàn, còn tổ chức được ngày giỗ thầy như thế này đã là tươm tất lắm. Các học trò cụ lục tục kéo đến. Cũng chả còn đông lắm. Chỉ chừng chục người, trong đó có cụ tú Cao, tiên chỉ Nhậm, cụ Tú làng Già, chánh Thi, đồ Tiết và mấy người nữa mà Huy chẳng biết tên. Huy chú ý đến cuộc họp mặt này, bởi vì ở đây, anh mới có dịp làm quen với những người nắm đời sống tinh thần của Cổ Đình. Từ bao đời nay, nho sĩ tuy không có tổ chức chặt chẽ, nhưng nó là một cộng đồng chỉ đạo linh hồn của làng xã. Nho học tàn, tổ chức nho sĩ rệu rã sắp biến mất, cần phải có một thứ tổ chức khác thay thế để làm chỗ dựa cho làng quê. Nếu chưa có tổ chức mới ấy thì chí ít anh cũng phải gây được cảm tình với những người đứng đầu cũ. Hình như cụ tú Cao cũng mang máng cảm nhận được ý tưởng ấy của Huy. Cụ đã hoạt động trong phong trào Duy Tân nên phần nào cũng hiểu được công việc vận động tổ chức quần chúng. Cụ lại rất có cảm tình với người cháu nên cụ lặng lẽ không nói gì, tuy nhiên thực ra cụ đang giúp anh.
Huy, trên danh nghĩa cháu ruột, là người nhà cụ Tú, do đó việc anh đi lại như con thoi từ dưới bếp lên nhà thờ để hầu hạ cho các cụ là hợp lý quá. Vả lại, việc luôn được xuống bếp anh cũng thích.
Thích vì được ngắm Hoa, được nói chuyện với Hoa. Bây giờ Hoa đã là học trò của anh rồi. Lớp học ở nhà Trịnh Huyền cho người lớn đã có thêm người học trò thứ tư, đó là Hoa. Huy nhìn Hoa làm món chả chìa, khen nức nở:
- Cô Hoa có bàn tay khéo quá. Chỉ trông cô làm đã thấy ngon.
Hoa đỏ mặt lên rồi trả thù bằng cách sai vặt anh:
- Cậu Huy, lấy cho cháu hạt tiêu...
- Sao cô lại xưng cháu?
- Thì ở làng này, đến nhà ai tôi cũng đều phải xưng cháu.
- Cậu Huy, bưng mâm xôi lên nhà thờ.
Về phần các cụ, thấy được một ông tú tài Tây bưng mâm như vậy, các cụ cũng khoái chí.
Ba gian nhà thờ, đèn nến sáng trưng, khói hương nghi ngút. Hai cái chiếu hoa trải trên nền gạch hai gian bên. Cụ tú Cao thắp hương khấn vái rồi lấy ở mâm bồng dưới chân ngai ra cuốn giấy. Cụ trịnh trọng mở cuốn giấy. Hóa ra đó là bức tranh chữ Đạo mà cụ đã cuộn lại để lên ban thờ lúc nào Huy không biết. Cụ Tú treo bức tranh chữ ở trước hương án, rồi nói với mọi người.
- Trông thấy chữ của thầy cũng như gặp mặt thầy. Mời các cụ lần lượt vào thắp hương lạy thầy.
Đợi cho mọi người lễ xong và an tọa cụ mới nói:
- Đáng lẽ ra, bác trưởng môn Đinh Công Lễ phải về làm chủ lễ để chúng ta được tưởng nhở tới công ơn và khí tiết của hai thầy. Nhưng bác Lễ nay quá già yếu, lại ở xa không về được nên giao phó công việc cho tôi. Thầy chúng ta lúc nào cũng đinh ninh chữ Đạo trong tâm nên đã để lại chữ này, không phải cho riêng tôi đâu, mà cho tất cả chúng ta. Các cụ đều là người lịch lãm, tôi chẳng dám nói nhiều, chỉ xin nhắc lại lời thầy chúng ta: "Sau này, khi ta quy tiên, ngày giỗ ta, các con chỉ xem lại chữ này. Thế là đã thỏa vong linh ta lắm rồi".
Khi các cụ đã ngồi vào mâm, cụ Tú kéo Huy ra, nói với mọi người:
- Đây là thằng cháu Huy, con chú ký Nhàn.
- A, cậu tú Huy! Chúng tôi biết, chúng tôi biết.
- Vâng, cháu về làng để chờ thi tú tài phần thứ hai. Cháu tuy bận học, nhưng cũng để ra chút thì giờ lúc rỗi rãi để dạy học cho các cháu nhỏ.
- Thật quý hoá! Quý hoá!
- Bây giờ không học chữ nho nên việc biết chữ quốc ngữ là việc cần thiết. Chúng ta là người học đạo thánh hiền, chúng ta biết cái sự học là cần thiết cho dân đến thế nào.
Ông tiên chỉ Nhậm:
- Ấy cái việc học này chính phủ bảo hộ cũng rất khuyến khích. Nhưng ta phải xin phép. Phải giữ cho kín kẽ chứ các cụ.
- Xin phép thì cứ xin. Nhưng chờ được phép rồi mới dạy thì đến bao giờ trẻ con mới biết chữ. Chi bằng ta cứ coi như lớp học của các thầy đồ xưa. Chỉ cần cụ Chánh, cụ Tiên chỉ, ông Lý biết và gật đầu thế là được chứ gì. Ấy... hiện nay gia đình ông lý Cỏn cũng đã cho các cháu trong nhà học chữ. Chẳng lẽ chính phủ Tây cũng cấm cả việc chú dạy cháu, anh dạy em ư?
- Ồ, lớp học trong nhà như thế thì chắc được.
Các cụ vừa ăn uống vừa bàn tán khá sôi nổi. Đúng lúc đó, Tuấn xuất hiện. Anh thưa với các cụ:
- Lúc cháu ở Bắc Ninh, thầy cháu dặn rằng đến ngày giỗ cụ phó bảng, cháu phải trình bức thư này lên các cụ.
Cụ tú Cao cầm thư đọc cho mọi người cùng nghe:
Kính lạy hương hồn thầy
Kính thưa các huynh đệ đồng môn
Ngày giỗ thầy, vì sức yếu, con không về được, trong lòng thật buồn rầu áy náy vô cùng.
Kể từ khi con được cắp sách đến trường, nghe lời thầy giáo huấn, con vẫn nhớ đến câu của người xưa: "Dĩ đồng vi giám, khả chính y quan. Dĩ cổ vi giám, khả tri hưng phế. Dĩ nhân vi giám, khả tri đắc thất".
(Lấy đồng làm gương soi, có thể sửa y phục chỉnh tề. Lấy đời xưa làm gương soi. Có thể biết lẽ hưng vong. Lấy người làm gương, có thể biết phải trái được mất).
Do vậy, con luôn chăm chắm sự tu thân. Từ khi ra làm quan, chưa bao giờ hổ thẹn với lời thầy dạy. Tuy nhiên, việc ở đời thiên hình vạn trạng, con cũng phải lúc cứng lúc mềm, tuy nhiên phải cố giữ điều bất biến ứng cùng vạn biến.
Nhưng than ôi! Đời người thì có hạn, mà sự vật thì vô biên. Có khi việc định làm thì chưa xong. mà thời thì đã qua. Để cho kẻ hành nhân phải ngậm ngùi dang dở mà chịu tiếng oan khiên.
Con xin trình tấm lòng son. Và một lạy này mong thầy ở dưới tuyền đài chứng giám.
Trưởng môn
Đinh Công Lễ
Người ta ngơ ngác nhìn nhau?
- Ông phủ Lễ nói gì đấy nhỉ?
- Ông ấy kêu oan cùng thầy.
- Oan gì?
- Thì chuyện giữa ông ấy và ông đồ Tiết.
- Làm sao?
- Em đi tù, còn anh làm quan Phủ. Cụ đồ Tiết chẳng muốn nhìn mặt anh, trong khi đó...
- Làm sao?
- Trong khi đó người Tây lại nghi ngờ phủ Lễ.
- Nghi ngờ gì?
- Nghi rằng phủ Lễ một mặt theo Tây, một mặt lại giúp ông Đề Thám. Vì vậy, phủ Lễ mới mất chức...
Người ta xì xào thôi chứ không nói rõ ra. Lá thư không rõ ràng. Những người ngồi đây cũng không rõ ràng. Đến cả lời nới của cụ tú Cao về chữ Đạo cũng chẳng biết định nói với những ai.
Ông đồ Tiết, lòng buồn rời rợi, lặng lẽ ngồi yên. Từ lúc đến, ông chẳng nói một câu.