"True self is non-self, the awareness that the self is made only of non-self elements. There's no separation between self and other, and everything is interconnected. Once you are aware of that you are no longer caught in the idea that you are a separate entity.",

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Selma Lagerlöf
Thể loại: Tuổi Học Trò
Nguyên tác: Nils Holgerssons Underbara Resa Genom Sverige
Dịch giả: Hoàng Thiếu Sơn
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 43
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 174 / 13
Cập nhật: 2020-07-08 19:35:51 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 39 - Truyện Cổ Do Con Quạ Kể[150]
hi khách du lịch đã đi rồi. Nils có thể nhìn ra chung quanh thì chẳng thấy ngỗng trời đâu cả. Chẳng có ngỗng đực trắng nào đến tìm chú cả. Chú gọi lên nhiều lần, nhưng vô hiệu. Chẳng một phút nào chú cho là đàn ngỗng đã bỏ rơi mình, mà chỉ sợ có sự bất hạnh nào đã xảy đến cho đàn; chú nghĩ nát óc để tìm cách đến với đàn, thì Bataki, con quạ, bỗng đâu đáp xuống cạnh chú. Thật không bao giờ Nils nghĩ rằng mình có thể chào Bataki mà vui mừng đến thế. Chú nói:
- Bataki thân mến, may sao mà bác đến đây! Bác có thể cho tôi biết ngỗng trắng với đàn ngỗng trời ở đâu không?
- Họ nhờ ta đến đây, Bataki nói. Akka trông thấy một tay đi săn và không dám chờ cậu. Akka giao cho ta việc đưa cậu về với các bạn. Leo lên lưng ta, và ta đuổi kịp họ ngay.
Nils ngồi lên, quạ đưa chú về hướng nam. Cả hai hạ xuống một thung lũng rộng. Vùng này thật đẹp: núi cao như ở tỉnh Jämtland, nhưng rất ít đất trồng trọt, rất ít xóm làng. Bataki đáp xuống một đống rạ, và để Nils xuống.
- Ở đây mùa hè có đại mạch, cố kiếm lấy mấy hạt mà ăn, quạ bảo như vậy.
Trong khi Nils tìm mấy nhánh lúa, tuốt hạt ra ăn thì Bataki nói chuyện với chú.
- Cậu thấy cao nguyên rộng và đẹp đằng kia, phía chính nam đấy chứ? Quạ bắt đầu như thế.
- Có, tôi thấy.
- Cao nguyên ấy gọi là Sonfjället, quạ nói tiếp, và ngày trước ở đấy hết sức nhiều chó sói. Những người ở thung lũng con sông ấy lắm khi rất khó mà thoát được chúng nó.
- Bác có thể kể cho nghe chuyện nào hay về chó sói không? Nils hỏi.
- Ta có nghe kể là trước đây lâu lắm, chó sói hình như có tấn công một người bán thùng gỗ, chậu gỗ đủ thứ, Bataki nói. Ông ta ở Hede, cái làng ở phía trên thung lũng này độ vài dặm. Độ ấy đang mùa đông, và chó sói rượt theo ông ta trên mặt băng của sông Ljusna, ông ta đang đi ở đấy. Chúng nó độ một chục con và ngựa làng Hede lại chạy rất tồi. Tai họa khó mà tránh được.
Bờ sông vắng vẻ, và cũng phải hai dặm mới đến được cái trại gần nhất. Người kia cứ như tê liệt đi vì kinh hãi. “Đúng lúc đó thì thấy cái gì cử động giữa các gốc cây bách cắm vào băng để đánh dấu đường đi. Khi nhận ra được là cái gì, nỗi kinh hãi của ông ta lại càng tăng. “Đó chẳng phải là chó sói, mà là một bà lão khốn khổ đi ăn xin khắp vùng, người ta gọi là Finn-Malin. Bà lão gù và thọt, cho nên từ xa người ta đã nhận ra.
“Bà lão đi thẳng đến phía bầy sói. Chắc là bà ta chưa trông thấy chúng, và người dân làng Hede hiểu tức khắc rằng ông ta đi qua mặt bà ta mà không báo cho biết, thì bà ta sẽ rơi vào nanh vuốt của bầy sói, còn chính ông ta thì sẽ thoát nạn. Mặt khác, nếu dừng lại đón bà ta lên với mình thì bà ta cũng sẽ chẳng được cứu thoát. Gần như chắc chắn là trong trường hợp đó thì sẽ bị giết chết cả ba mạng: ông ta, bà lão và con ngựa. Vậy thì hi sinh đi một mạng để cứu lấy hai mạng kia, chẳng phải là công bằng hơn không?
“Đúng lúc đó, bầy sói tru tréo nghe hung gở lắm. Con ngựa vọt lên, nổi khùng, và chạy vụt qua bà lão. Bà ta cũng nghe tiếng tru và đã hiểu ra.
“Người đàn ông thấy bà lão giơ tay lên trời và mở miệng ra kêu. Bà lão nguy rồi, nhưng ông ta thì sẽ thoát. “Thoạt tiên, ông ta thấy nhẹ cả người, nhưng tiếp theo thì đau nhói ở ngực. Từ trước cho đến ngày hôm đó, ông ta chưa hề làm cái gì phải hổ thẹn cả. Từ lúc đó, cuộc đời của ông ta sẽ bại hoại hết.
“Bỗng ông ta ghìm con ngựa và hãm nó lại.
“- Lên nhanh đi, Finn-Malin, ông la kêu. Lên xe nhanh lên!” “Ông ta nói giọng gay gắt, vì chính mình giận mình đã không thể cứ để bà lão mặc với số phận bà ta.
“Ông ta càu nhàu: mụ cứ ở nhà có hơn là đi lang thang khắp nẻo không, đồ phù thủy già. Đây này, con Đen và ta sẽ mất mạng vì mụ cho mà xem”.
“Bà lão cứ làm thinh”.
“Người đàn ông lại nói: - Hôm nay, con Đen đã phải chạy hơn năm dặm rồi, và chở thêm mụ lên, xe ta cũng chẳng nhẹ bớt đi được chút nào.
“Các tấm ván trượt của xe miết vào mặt băng, kêu kèn kẹt, nhưng vẫn không át nổi tiếng thở hổn hển của bầy sói.
“Thôi thế là hết đời, người đàn ông nói. Nhặt mụ lên, Finn-Malin à, chẳng được cái quái gì, cả cho mụ, lẫn cho chúng ta”.
“Bà lão mãi đến lúc đó cứ làm thinh, vì đã quen bị mắng nhiếc suốt đời, cuối cùng mới mở miệng.
“- Tôi không hiểu tại sao ông lại không vứt khỏi xe các thùng và bông này đi. Mai ông có thể đến nhặt lại, cũng được chứ sao”.
“Người đàn ông hiểu ngay lời khuyên đó là đúng và tự lấy làm lạ đã không nghĩ ra. Ông ta đưa cương ngựa cho bà lão cầm, tháo các dây buộc thùng và chậu gỗ, lăn mấy chiếc xuống đất. Bầy sói hoảng hốt, rồi tò mò, dừng lại dò xem là cái gì; nhờ thế chiếc xe trượt, vượt xa lên được một lúc.
“Thế mà chưa đủ thì tôi sẽ tự mình lao xuống cho sói ăn thịt, bà lão nói. Có thể là như thế ông sẽ thoát được chăng?” “Trong lúc bà lão nói thì người đàn ông đang tháo một cái bộng gỗ to. Bỗng ông ta dừng tay.
“Một người đàn ông và một con ngựa lành lặn, mà bắt buộc phải để cho chó sói ăn thịt một bà lão, mới thoát được thân sao? Tất nhiên phải có một cách thoát thân chứ. Nhưng cách nào đây?
“Ông ta lại làm tiếp. Giờ thì phải đu cái bộng gỗ nặng này qua thành chiếc xe trượt.
“Bỗng người đàn ông ngừng tay lần nữa, và bật lên cười khanh khách.
“Bà lão nhìn ông ta, ngỡ là điên. Ông ta cười vì đã tìm ra cách cứu thoát được cả ba. Làm sao lại không nghĩ ra được sớm hơn?
“Này, Finn-Malin à, nghe tôi bảo! Ông ta nói. Mụ đánh cái xe này tức tốc về làng Linsäll. Mụ bảo người làng ta là ta đang ở một mình trên mặt băng giữa bầy chó sói, và họ hãy đến cứu ta”.
“Người đàn ông chờ cho bầy sói đến sát cạnh xe trượt. Thế là ông ta thả rơi cái bộng gỗ to tướng xuống đất, tự mình nhảy ra khỏi xe, và chui xuống dưới bộïng.
“Cái bộng này, đóng để gây bia cho cả một cái trại lớn uống hôm lễ giáng sinh, chứa cả người ông ta dễ như không. Bầy sói nhảy lên chung quanh, cắn vào thành bộng, cố dụ cho bộng đổ xuống, nhưng vô hiệu. Cái bộng đã nặng lại chắc. Người đàn ông thoát nạn.
“Sau khi chế giễu một hồi những cố gắng của bầy sói, ông ta nghiêm trang tự nhủ rằng, từ nay về sau nếu không may mà lâm vào cái thế xem như bế tắc, thì mình sẽ nhớ lại cái bộng này. Mình sẽ tự nhủ là không cần phải làm thiệt hại, không những chính mình mà cả người khác nữa. Bao giờ cũng có lối thoát thứ ba, chỉ phải tìm ra mà thôi”.
Bataki kết thúc câu chuyện bằng mấy lời đó, giọng trịnh trọng tựa hồ đọc những châm ngôn và như có một dụng ý đặc biệt. Vả lại, Nils cũng đã nhận thấy là hầu như bao giờ mà quạ kể chuyện gì thì cũng đều như thế cả. “Quạ có ý muốn nói gì mà kể cho mình cái chuyện này nhỉ?” Chú nghĩ thế.
Ăn xong, Bataki và chú bé đi tiếp, dọc theo dòng sông Ljusna. Đến gần làng Kolsätt giáp tỉnh Hälsingland, quạ lại đỗ xuống cạnh một cái nhà thấp lụp xụp. Cửa sổ chẳng có, chỉ một cửa con con trên mái thôi. Từ ống khói, có khói, phun lên lẫn với những tia lửa, và bên trong nghe có tiếng búa nện.
- Nghe tiếng cái lòø rèn ấy, ta nhớ rằng xưa kia làng này có những thợ rèn khéo tay chẳng ai bì kịp. Ta có nghe kể những chuyện về việc đó.
- Kể cho tôi nghe một chuyện đi, - Nils yêu cầu. Bataki lại kể, không để cho Nils phải khẩn khoản. “Thế này này, có một bận một người thợ rèn mời hai thợ cả khác, một người từ tỉnh Dalarna, người kia từ tỉnh Värmland, đến thi tài về việc làm đinh. Hai người kia nhận lời thách, và ba ông thợ rèn gặp nhau tại đây, làng Kolsätt. Ông thợ tỉnh Dalarna làm trước. Ông ta rèn một tá đinh, thật đều, thật nhọn, và thật bóng đến mức không một ai có thể làm tốt hơn. Sau đó đến ông thợ tỉnh Värmland. Ông ta cũng rèn một tá đinh thật hoàn hảo, hơn nữa chỉ mất một thời gian bằng nửa ông thợ tỉnh Dalarna thôi. Các giám khảo cuộc thi khuyên ông thợ tỉnh Härjedalen đừng làm thử nữa, vì không thể nào làm đẹp hơn ông nọ, cũng như nhanh hơn ông kia được. “Tôi không chịu thua đâu, ông ta trả lời. Phải có một cách thứ ba để hơn người chứ”.
Ông ta để sắt lên đe, không nung trước, mà vừa nện búa vừa làm cho sắt nóng lên, và rèn đinh này đến đinh khác, không dùng than, cũng chẳng dùng bễ. Chưa một ai được thấy sử dụng cái búa khéo đến thế, và ông thợ rèn tỉnh Härjedalen được công nhận là khéo tay nhất đất nước”.
Bataki ngừng lời. Nils suy nghĩ một lúc, sau cùng thì hỏi: - Này, quạ có dụng ý gì mà kể cho tôi nghe cái chuyện đó?
- Ta chỉ nhớ lại khi trông thấy cái lò rèn cũ kia thôi, - Bataki trả lời bâng quơ như vậy.
Hai kẻ lữ hành lại bay tiếp. Quạ mang Nils đi qua cái vùng của tỉnh Härjedalen giáp với tỉnh Dalarna. Ở đấy, quạ đậu xuống một ngọn đồi mọc trên một cao nguyên.
- Cậu có biết rõ cái núi nhỏ dưới chân cậu đây là cái gì không? Bataki hỏi.
Nils thú thật là không biết.
- Cái mộ đấy, một ngôi mộ cổ đấy, quạ nói. Mộ xây trên thi hài một người tên là Härjulf, là kẻ đầu tiên đến tỉnh Härjedalen và trồng trọt ở đây.
- Có lẽ bác cũng có một chuyện kể cho tôi nghe về người đó chứ? Nils hỏi.
- Ta không được nghe kể lại gì nhiều về ông ta, nhưng ta nghĩ rằng ông ta là người Na Uy. Trước ông ta phụng sự quốc vương Na Uy, rồi xích mích với nhà vua. Ông ta tìm đến quốc vương Thụy Điển, bấy giờ đóng đô ở Uppsala và xin phụng sự vua mới. Ít lâu sau, ông ta cầu hôn em gái vua, và vị vua từ chối, ông ta liền bắt cóc nàng. Như thế, ông ta đã tự đặt mình vào cái thế không thể trở về Na Uy, cũng như ở lại Thụy Điển được nữa, mà ông ta thì chẳng muốn ra ở nước ngoài một chút nào cả. “Phải có một khả năng thứ ba chứ”, ông ta nghĩ thế, và liền rút lui cùng với gia nhân và kho tàng, về phía bắc, qua suốt tỉnh Dalarna, mãi cho đến tận những miền hoang vu mênh mông ở phía bắc tỉnh ấy. Ông ta dừng lại đây, xây nhà, khai hoang và thành ra cư dân đầu tiên của xứ này.
Nghe chuyện sau cùng này, Nils càng hoang mang hơn bao giờ cả.
- Bác không muốn cho tôi biết dụng ý của bác thế nào khi kể cho tôi nghe chuyện ấy sao? - chú hỏi.
Thoạt tiên Bataki chẳng trả lời sao cả, chỉ nhắm mắt quay đầu qua quay đầu lại, sau cùng thì nói:
- Vì ở đây ngoài chúng ta ra chẳng có ai, nên có một điều ta muốn hỏi cậu. Có bao giờ cậu đã hỏi kĩ cái điều kiện mà ông gia thần đã biến cậu ra thế này, bắt cậu phải theo để làm cho cậu trở lại thành người không?
- Chỉ có một điều mà tôi được nghe nói là tôi phải đưa con ngỗng đực trắng đến Lapland, rồi dẫn nó về Skåne yên hàn vô sự.
- Đúng như ta nghĩ, Bataki nói, vì lần sau cùng mà chúng ta gặp nhau, cậu nói hết sức tự hào rằng phản bội một người bạn tin cậy mình, là xấu lắm! Cậu nên hỏi Akka về cái điều kiện đi. Cậu biết là Akka đã tự mình đến nhà cậu để nói chuyện với ông gia thần đấy.
- Akka chẳng nói gì với tôi về việc ấy cả.
- Có lẽ vì Akka nghĩ rằng cậu mà đừng biết những lời của gia thần thì hơn. Akka thiết tha với cậu hơn là với ngỗng đực trắng.
- Lạ thật, Bataki à, quả là bác có cái tài làm cho tôi buồn và lo, Nils nói thế.
- Thật ra điều ấy có thể như thế cũng nên, nhưng lần này ta nghĩ rằng cậu phải biết ơn ta vì đã nhắc lại cậu những lời của gia thần. Ông ta nói rằng cậu sẽ trở lại làm người, nếu cậu đem con ngỗng đực trắng về nhà để cho mẹ cậu có thể làm thịt nó.
Nils vọt phắt dậy, chú kêu lên:
- Thật là một điều bịa đặt độc ác, bác đã nghĩ ra đó thôi, Bataki ạ!
- Cậu có thể tự mình hỏi lấy, hình như Akka cùng đàn đang đến kìa. Nhưng đừng có quên những chuyện mà ta đã kể cho cậu nghe hôm nay. Có cách vượt qua tất cả mọi khó khăn, miễn là tìm ra được. Ta rất muốn xem cậu sẽ thành công như thế nào.
Cuộc Phiêu Lưu Kỳ Diệu Của Nils Cuộc Phiêu Lưu Kỳ Diệu Của Nils - Selma Lagerlöf Cuộc Phiêu Lưu Kỳ Diệu Của Nils