Biển lặng không làm nên những thủy thủ tài giỏi.

Tục ngữ châu Phi

 
 
 
 
 
Tác giả: Vân Thảo
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 46
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 42
Cập nhật: 2020-10-20 22:07:34 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 37
Nghị quyết 68 ra đời đã được gần hai năm. Năng suất lúa vụ sau cao hơn vụ trước. Từ chỗ chỉ đạt một tấn rưỡi, tấn tám trên một héc-ta thì giờ đây bình quân toàn tỉnh đã đạt năm tấn. Hồng Vân trở thành ngọn cờ đầu đạt đến bảy tấn trên một héc-ta. Gia Đạo cũng xấp xỉ sáu tấn. Chỉ mới bốn vụ lúa, hai chiêm hai mùa và hai vụ xen canh đã làm bộ mặt nông thôn Phước Vĩnh thay đổi hẳn. Người nông dân không những đủ ăn đủ mặc mà bắt đầu tính đến chuyện xây dựng nhà cửa. Nhiều tỉnh nghe nói Phước Vĩnh nhờ có khoán hộ mà năng suất lúa tăng lên gấp đôi gấp ba nên tổ chức đến tham quan và về tổ chức thực hiện khoán theo cách riêng của mình. Không ngờ việc làm đó đã làm hại ông Hoàng Kim. Một buổi chiều ông đang ngồi làm việc thì anh nhân viên cơ yếu của tỉnh ủy bước vào.
- Thưa bí thư, có điện tối mật của Ban bí thư Trung ương, chúng em vừa nhận và dịch xong.
Ông Kim cầm lấy bức điện xem rồi ngẩng đầu lên hỏi anh nhân viên:
- Có ai biết chưa?
- Dạ chưa. Chúng em giữ nguyên tắc của cơ yếu, điện gửi cho ai, chỉ người ấy được xem.
- Cám ơn cậu.
Anh nhân viên cơ yếu chào ông Kim rồi lui ra. Đúng lúc đó bà Thường bước vào. Thấy ông Kim cầm tờ giấy trên tay với dáng vẻ suy nghĩ, bà Thường hỏi:
- Chú đang đọc gì mà có vẻ suy nghĩ thế?
- Bên cơ yếu vừa đưa điện sang báo anh Trung Chính về làm việc với tỉnh ủy.
Thế là điều dự cảm của mình đã thành sự thật. Bà Thường nghĩ và hỏi:
- Bao giờ anh ấy về?
- Ngày mồng sáu tháng này. Anh Trung Chính sẽ về trước nửa ngày để làm việc với thường vụ. Anh ấy yêu cầu triệu tập từ bí thư huyện ủy trở lên và các cán bộ đầu ngành của tỉnh để nghe anh ấy nói chuyện vào ngày hôm sau.
- Tôi đoán không sai. Sấm sét sắp đổ xuống đầu chú rồi đấy.
- Cái gì đến rồi sẽ đến có gì mà lo hả chị – ông Kim điềm tĩnh nói – Có lẽ phải triệu tập thường vụ họp đột xuất để bàn công tác bảo vệ chứ anh ấy ở lại qua đêm là phức tạp lắm.
Bà Thường hỏi:
- Chú định bố trí chỗ ăn ở ra sao? Anh Trung Chính là người rất kỹ tính.
- Có lẽ phải dọn dẹp lại cho thật sạch sẽ mấy gian nhà dành cho các ông phái viên ở trước đây cho anh Trung Chính và đoàn tùy tùng ở chứ chẳng có chỗ nào hơn. Việc bảo vệ phải gọi tay Thạch qua để giao nhiệm vụ cho nó. Ta họp thường vụ ngay bây giờ nhé.
Bà Thường bảo:
- Tôi thấy chẳng cần triệu tập thường vụ họp làm gì. Ăn ở thì gọi chú Phương, chánh văn phòng lên giao nhiệm vụ. Còn việc bảo vệ thì nói với chú Quốc gọi Trưởng Ty Công an đến bàn bạc công tác bảo vệ vòng trong vòng ngoài như thế nào, thế là xong. Tôi nghĩ lần này anh Trung Chính lên đây mục đích là để nói về Nghị quyết 68 và những việc làm của các Hợp tác xã đang diễn ra lâu nay. Chú nên dành thời gian suy nghĩ về vấn đề này để nếu nhỡ anh Trung Chính có hỏi còn trình bày với anh ấy.
Ông Kim nói nhẹ bẫng:
- Có gì mà phải suy nghĩ. Mình nghĩ thế nào, cứ thế mà nói. Đừng nói dối thì thôi. Tôi đồng ý là không phải họp thường vụ nữa. Để tôi qua báo cậu Đô cho gọi cậu Phương để giao cho việc chuẩn bị ăn ở.
- Để đấy tôi đi gọi cho.
- Vậy tôi nhờ chị.
Bà Thường đứng lên đi ra.
Được bà Thường báo tin, ông Côn vội vã đến chỗ ông Kim. Hỏi loanh quanh một lúc, ông Côn bảo:
- Tự nhiên tôi thấy lo quá anh ạ. Tôi có linh cảm sẽ có chuyện chẳng lành đối với anh cũng như thành quả vừa đạt được qua hai năm thực hiện Nghị quyết 68.
- Vì sao ông lại có cái linh cảm kỳ quặc như vậy? – Ông Kim hỏi.
- Tôi chẳng biết giải thích thế nào với anh. Nhưng những gì mà ông Bao và ông Đỗ đã làm trong thời gian qua đã báo hiệu cơn sóng gió sẽ đến với anh cũng như tỉnh ủy chúng ta.
Ông Kim ngồi nghĩ ngợi sau câu nói của ông Côn. Lát sau ông nói:
- Có lẽ ông nói đúng. Việc rút anh Ẩn về để thay ông Đỗ vào đó đã nói lên thái độ kiên quyết của anh Trung Chính buộc chúng ta trở về con đường làm ăn như cũ. Nếu vậy thì tội cho nông dân quá ông ạ.
Phương vào cắt đứt câu chuyện giữa ông Kim và ông Côn:
- Bí thư cho gọi tôi ạ? – Phương hỏi.
- Ừ. Cậu ngồi uống nước rồi tớ sẽ giao nhiệm vụ cho cậu.
Ông Côn đứng lên lẳng lặng ra khỏi phòng.
Ông Kim nói với Phương:
- Có hai việc tớ giao cho cậu phải làm ngay từ hôm nay đây. Việc thứ nhất là triệu tập các bí thư huyện ủy, các tỉnh ủy viên và cán bộ đầu ngành của tỉnh sáu rưỡi sáng ngày mồng bảy phải có mặt ở hội trường tỉnh ủy để họp. Không ai được vắng mặt. Việc thứ hai là cho quét tước, dọn dẹp dãy nhà của các ông phái viên ở trước đây cho sạch sẽ đàng hoàng để tiếp khách. Thứ ba là sửa sang hầm trú ẩn quanh nhà khách cho sạch sẽ. Thường xuyên kiểm tra xem có rắn rết gì ở trong hầm không. Bộ bàn ghế sa-lông để ở trong phòng ông Đỗ còn để đó hay đưa trả lại phòng khách rồi?
- Tôi đã cho nhân viên đưa về phòng khách của tỉnh ủy rồi.
- Cho đem đặt lại như cũ và đánh vécni lại cho đàng hoàng. Đây là phòng của vị lãnh đạo cao cấp ở nên cậu cần để mắt tới một chút. Vị này khó tính lắm đấy.
Phương tò mò:
- Ai đấy ạ?
- Chỉ được báo là có cán bộ lãnh đạo về làm việc với tỉnh ủy chứ tớ không biết ai về.
Phương cười:
- Bí thư vừa nói vị này khó tính lắm sao lại bảo không biết ai. Khách ở lại bao nhiêu ngày và ăn uống thế nào ạ?
- Trước mắt mới biết ở đây một buổi chiều, một đêm và cả ngày hôm sau. Còn có ở thêm nữa hay không khi khách lên mới biết được. Không biết ăn uống sẽ tính sao đây? Cũng chẳng biết đoàn có bao nhiêu người để mà tính toán.
- Tôi cứ cho chuẩn bị thực phẩm cho khách đặc biệt gồm mười người, thiếu thừa gì đó tính sau có được không ạ?
- Thế cũng được. Cậu nhớ là trong đoàn có một khách đặc biệt phải ăn riêng một mâm đấy nhé.
- Vâng. Còn gì nữa không ạ?
- Nhớ ra việc gì tớ sẽ xuống nói với cậu sau. Chỉ nhắc cậu là phòng gian bảo mật cho tốt. Không để anh chị em nhân viên bàn tán, đoán non đoán già đấy nhé.
Phương ra khỏi phòng. Ông Kim hút một điếu thuốc lào rồi cũng đứng lên đi ra khỏi phòng về nhà lấy xe đạp nhảy lên đạp đi.
2
Ông Quốc đang làm việc với Tấn, trưởng Ty Nông nghiệp và Sản, trưởng Ty Lương thực thì ông Kim đạp xe vào. Nhìn thấy mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt ông Kim, ông Quốc hỏi:
- Có chuyện gì mà trông anh đạp xe đạp có vẻ vội vàng vậy?
Ông Kim vừa dựng xe vừa trả lời:
- Có việc khẩn cấp cần bàn với ông đây.
- Sao anh không nói qua điện thoại mà đạp xe cho mệt?
- Chuyện tối mật. Không thể nói qua điện thoại được. Ba ông đang bàn việc gì đấy?
Ông Quốc đáp:
- Tôi đang bàn với hai ông này kế hoạch vụ xen canh sắp tới nên chỉ đạo trồng cây gì, giống má ra sao. Đến lúc nông dân thu hoạch phải thu mua cho nông dân như thế nào.
- Hay quá nhỉ. Cho tớ nghe có được không hay giữ bí mật?
- Bàn xong đường nào chẳng phải báo cáo với bí thư chứ có gì mà bí mật.
- Tớ đùa cho vui thôi. Bàn đến đâu rồi?
- Sắp xong rồi.
Ông Kim hỏi giọng quan tâm:
- Kế hoạch các ông thế nào?
Ông Quốc đáp:
- Theo đề nghị của trưởng Ty nông nghiệp thì vụ xen canh năm nay chỉ tập trung vào ba loại cây chủ yếu: Ngô, đậu tương và khoai tây.
Ông Kim hỏi:
- Sắn thì sao? Các huyện miền núi và vùng bán sơn địa cây khoai tây và đậu tương chắc gì đã đưa lại lợi ích hơn cây sắn.
Tấn đáp:
- Chúng tôi chỉ tính đến những loại cây có giá trị kinh tế cao thôi bí thư ạ.
- Cây sắn ăn tươi được, ăn khô được, chăn nuôi cũng tốt. Trong trường hợp cây lúa bị thất bát, nó là loại cây cứu đói rất hữu hiệu, thế mà cậu bảo giá trị kinh tế không cao thì lạ thật.
Tấn chống chế:
- Nhưng đất trồng sắn không nhiều bí thư ạ.
Ông Kim kêu lên:
- Chết, chết. Trưởng Ty Nông nghiệp mà nói một câu khó nghe quá đi mất. Có hàng ngàn héc-ta đất chân rừng, gò đồi mà bảo đất trồng sắn không nhiều thì tôi đến chịu ông.
Tấn cười:
- Em đầu hàng. Nhưng bí thư hỏi ông Sản có chịu nhập hàng ngàn tạ sắn của nông dân không đã. Nếu hắn từ chối thì khỏi phải đầu tư vào cây sắn cho mất công.
Ông Kim nói luôn:
- Tớ chẳng cần Ty Lượng thực tiêu thụ. Nhổ đến đâu thái đến đó, phơi khô cho vào bồ dùng cả năm.
Tấn hỏi:
- Coi như tự sản tự tiêu?
- Chứ sao nữa. Ty lương thực của cậu Sản không chịu nhập, tớ không tự sản tự tiêu thì vứt đi đâu.
Sản tưởng ông Kim nói thật nên thanh minh:
- Em đã nói em không nhập khi nào mà anh nói vậy?
Ông Quốc cười:
- Hai cậu mắc lừa ông Kim rồi.
Ông Kim cười xong bảo:
- Tớ rất hoan nghênh việc làm của các cậu là vừa tìm cây gì có giá trị kinh tế cao để chỉ đạo nông dân gieo trồng, vừa tìm cách tiêu thụ sản phẩm do nông dân làm ra. Với hạt thóc, qua thay đổi phương thức quản lí lao động của mấy vụ chiêm và vụ mùa vừa rồi coi như tạm ổn. Vấn đề gay cấn hiện nay của nông dân là đang thiếu tiền mặt để mua sắm. Nếu đổ thóc ra để lấy tiền mặt thì hết sức thất sách. Vì vậy phải tạo điều kiện cho nông dân làm kinh tế phụ bán để lấy tiền mặt. Có lẽ tiến tới đây phải mở cửa cho nông dân trao đổi hàng hóa với nhau ông Quốc ạ. Ai cần bán con gà, con cá, củ khoai, củ sắn, cân thóc, cứ để cho người ta mang ra chợ bán. Kẻ thừa cần bán, kẻ thiếu cần mua mà ngăn sông cấm chợ thì vô lí quá.
- Biết là vô lí đấy nhưng nếu chúng ta làm thế thì lại vi phạm chính sách quản lí thị trường của Nhà nước.
- Nông dân tự bán tự mua với nhau, không cho phép tư thương gom sản phẩm của nông dân rồi đem bán lại cho nông dân bằng cái giá cắt cổ thì sao?
Tấn tỏ ra đồng tình:
- Tôi thấy ý kiến của bí thư hay đấy. Thực tế hiện nay các chợ ở nông thôn người ta vẫn lén lút mang sản phẩm ra chợ để bán chứ có ngăn cản được người ta đâu.
Ông Kim nhớ ra mục đích mình qua gặp ông Quốc nên hỏi:
- Các cậu đã trao đổi việc đầu tư cho vụ xen canh xong chưa?
Ông Quốc đáp:
- Mới tàm tạm thôi. Đang vướng chỗ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân như thế nào.
- Vậy tạm thời dẹp lại đó rồi bàn tiếp. Bây giờ tớ đang có chuyện quan trọng cần bàn với ông Quốc đây.
Tấn nói:
- Vậy chúng tôi xin rút lui để bí thư và chủ tịch làm việc.
Khi Tấn và Sản ra rồi, ông Quốc hỏi ông Kim:
- Có việc gì thế anh?
- Ban bí thư vừa điện lên báo ngày mồng sáu anh Trung Chính sẽ lên làm việc với Ban thường vụ. Ngày mồng bảy sẽ có cuộc nói chuyện từ bí thư huyện ủy trở lên và các cán bộ đầu ngành của tỉnh. Tớ đã giao cho văn phòng lo chuyện ăn ở và triệu tập các thành phần về dự vào sáng mồng bảy rồi. Tớ qua đây báo cho ông biết để gọi tay Thạch đến bàn việc bảo vệ trong những ngày anh Trung Chính làm việc ở tỉnh.
Ông Quốc tỏ vẻ lo lắng:
- Chắc sấm sét sắp đánh xuống đầu anh em mình đây.
- Có thể như thế. Còn năm hôm nữa thôi nên lát nữa ông cho gọi tay Thạch qua để bàn mới kịp. Bảo với tay Thạch ngay từ chiều mồng năm anh em bảo vệ đã có mặt ở trong khu cơ quan tỉnh ủy để triển khai công tác bảo vệ. Cũng không cần thông báo cho tay Thạch là ai sẽ lên làm việc với tỉnh ủy.
Ông Quốc hỏi:
- Anh có dự đoán anh Trung Chính sẽ đề cập vấn đề gì với tỉnh ủy không?
- Không ngoài Nghị quyết 68.
Ông Quốc thắc mắc:
- Nhưng Nghị quyết 68 đã được thực hiện gần hai năm nay rồi kia mà.
- Tính của anh Trung Chính là rất thận trọng. Chắc anh ấy chờ thu thập được đầy đủ những việc làm của các Hợp tác xã nông nghiệp để làm chứng cứ rồi mới làm việc với chúng ta. Nghe đâu ở Hải Phòng, Hải Hưng và cả Phú Thịnh cũng đang bung ra đủ các loại khoán nên có thể anh Trung Chính muốn dập tắt nơi xuất phát của phong trào để làm gương cho các nơi.
Ông Quốc thở dài chán nản:
- Không biết chuyện gì sẽ đến đây.
- Nắng chiều nào che chiều ấy, chẳng có gì mà lo. Ông cho gọi tay Thạch qua bàn ngay đi nhé. Tớ về đây.
Ông Kim vội vàng đi ra dắt xe đạp nhảy lên đi. Ông Quốc nhìn theo cái dáng cao lêu nghêu gò lưng đạp xe của ông Kim buông tiếng thở dài thương cảm.
3
Một loạt ô-tô con sang trọng nối đuôi nhau đỗ trong khuôn viên tỉnh ủy. Đầu tiên là một chiếc Vôn-ga màu đen bóng loáng, kế đến là hai chiếc Mốt-cô-vích. Sau cùng là hai chiếc com-măng-ca. Mấy chục chiến sĩ công an đứng rải rác khắp các ngả đường trong khuôn viên. Không một bóng người đi lại. Không khí trang nghiêm, nặng nề bao trùm lên từng nhánh cây ngọn cỏ.
Trong phòng khách tỉnh ủy, ông Trung Chính và người trợ lí của mình cùng mấy cán bộ trong Ban nông nghiệp Trung ương ngồi một phía. Còn các ủy viên thường vụ tỉnh ủy ngồi một phía. Không khí trong phòng khách cũng nặng nề đến nghẹt thở.
Ông Trung Chính ngừng nói đứng lên đi lại trong phòng như để suy nghĩ những điều mình sẽ nói tiếp. Đi được mấy vòng, ông dừng lại nhìn chăm chú vào bức chân dung của Mác, Lê-nin lồng trong một khung gỗ hình bầu dục treo ở trên tường. Mọi con mắt nhìn theo từng cử chỉ của ông. Lát sau ông trở về ngồi vào chỗ cũ, chiêu một ngụm nước do người trợ lí đưa cho rồi tiếp tục nói bằng cái giọng khúc chiết sắc lạnh của mình:
- Những điều tôi vừa nêu lên với các đồng chí là có cơ sở chứ tôi hoàn toàn không áp đặt cho các đồng chí. Khi các đồng chí phái viên về phản ánh những hiện tượng diễn ra trong các Hợp tác xã của tỉnh các đồng chí, lúc đầu tôi nghĩ đó chỉ là hiện tượng tự phát nhất thời của nông dân, thế nào các đồng chí cũng nhận ra và chấn chỉnh. Nhưng khi tôi nhận được bản dự thảo về quản lí lao động của các đồng chí, tôi đã đoán được con đường các đồng chí sẽ đi. Tôi đã yêu cầu các đồng chí phái viên trao đổi một cách chân tình với các đồng chí để các đồng chí nhận ra sai lầm của mình. Thế nhưng không những các đồng chí không chấn chỉnh mà còn đi xa hơn. Đó là ra Nghị quyết chính thức để các cơ sở Đảng chỉ đạo cho nông dân thực hiện những việc làm hết sức vô nguyên tắc của các đồng chí. Các đồng chí có biết đưa được nông dân đi vào con đường làm ăn tập thể là một trong những thành quả hết sức lớn lao của Đảng ta không. Đáng ra các đồng chí phải nêu cao trách nhiệm trước Đảng, làm cho kinh tế tập thể ngày càng phát triển vững mạnh thì ngược lại các đồng chí đã có những chủ trương sai trái, đi ngược lại hoàn toàn với con đường tập thể hóa Xã hội chủ nghĩa. Trong việc làm này đồng chí Kim phải chịu trách nhiệm phần lớn vì đồng chí là bí thư tỉnh ủy nhưng lại hành động hết sức tùy tiện.
Ông Kim từ đầu cuộc họp đến giờ cố gắng nhẫn nhịn. Khi phát biểu, ông chọn từng chữ, từng lời để né tránh sự bắt bẻ của ông Trung Chính. Vốn tính tình trung thực, thẳng thắn, có gì là nói bung ra ngay. Nói hết, nói không một chút nể nang. Nhỡ nói sai làm người khác không vừa lòng thì xin lỗi một cách chân thành. Giờ đây ông cố ép mình lại để đắn đo hơn thiệt trước khi nói là một cực hình đối với ông. Khi nghe ông Trung Chính bảo mình hành động tùy tiện, ông thấy cần phải nói thẳng chính kiến của mình liền đứng bật lên như một chiếc lò xo:
- Thưa đồng chí. Đồng chí bảo đồng chí không áp đặt mà phê phán chúng tôi là có cơ sở. Tôi nghĩ cái cơ sở do một vài đồng chí phản ánh lại với đồng chí đã bị bóp méo theo cách nhìn nhận hết sức chủ quan và bảo thủ của các đồng chí đó. Còn thực tế thì sau khi có Nghị quyết 68, bộ mặt của các Hợp tác xã nông nghiệp trong tỉnh Phước Vĩnh đã thay đổi hoàn toàn. Từ chỗ năng suất mấy năm trước đây năm nào cũng chỉ đạt từ một tấn rưỡi đến một tấn tám trên một héc-ta một vụ thì nay đã đạt được trên dưới năm tấn một héc-ta. Có hợp tác xã như Hồng Vân ở huyện Vĩnh Hòa đã đạt bảy tấn trên một héc-ta. Tổng sản lượng năm qua đạt 222.000 tấn, tăng hơn năm ngoái đến 4000 tấn. Chỉ tiêu lợn cân cho Nhà nước vượt từ 100 đến 150%. Tổng đàn lợn của tỉnh chúng tôi hiện tại có 307.000 con. Vì sao các đồng chí không chịu nhìn nhận thực tế đó mà quy cho chúng tôi hết tội này sang tội khác. Các đồng chí ngồi ở trên cao mà phán xuôi phán ngược, sai chỗ này, đúng chỗ kia. Còn chúng tôi suốt ngày lội ruộng với xã viên, chúng tôi hiểu nên làm thế nào để cho nông dân không phải đói…
Đôi mắt sắc lạnh của ông Trung Chính nhìn thẳng vào ông Kim:
- Nói như vậy là đồng chí kết tội cho Trung ương quan liêu có phải không?
Ông Kim vẫn đứng nguyên đáp lại:
- Tôi không nói Trung ương quan liêu. Nhưng tôi xin mạnh dạn nói thật với đồng chí, trong tình hình hiện nay dân cần thóc gạo hơn là cần lí thuyết. Trong khi cào cỏ cải tiến, xe cải tiến, bình bơm thuốc trừ sâu và máy tuốt lúa đạp bằng chân chưa sản xuất đủ để cung cấp cho nông dân mà đã đem chuyện cơ giới hóa, điện khí hóa, hóa học hóa ra nói với nông dân thì làm sao họ hiểu nổi.
Ông Trung Chính hỏi giọng gay gắt:
- Theo đồng chí, chủ nghĩa Mác - Lê-nin và con đường làm ăn tập thể Xã hội chủ nghĩa là những tín điều và lí thuyết vu vơ có phải không?
Ông Kim không một chút nao núng:
- Có lẽ hai chữ tín điều tôi vừa nói là sai. Nhưng nếu đồng chí không kết tội tôi thì tôi xin nói thật, ở một mức độ nào đó chúng ta đang rơi vào chủ nghĩa giáo điều. Hơn mười năm trước đây Đảng ta đã trả một giá quá đắt cho lí thuyết giáo điều trong Cải cách ruộng đất. Đồng chí phê phán Nghị quyết 68 của chúng tôi là sai lầm, mở đường cho nông dân trở lại con đường làm ăn cá thể. Là biểu hiện những lệch lạc về quan điểm, lập trường. Tôi thì tôi cho rằng, Nghị quyết 68 là một Nghị quyết xuất phát từ tình hình thực tế của Hợp tác xã nông nghiệp hiện nay và đã đúc kết thành lí luận hẳn hoi…
Ông Trung Chính cắt ngang:
- Trước khi lên đây, tôi đã đọc lại một lần nữa Nghị quyết 68 của các đồng chí và cố tìm hiểu cái lí luận đã được đúc kết từ thực tiễn của các đồng chí như thế nào rồi. Dưới cái vỏ bọc nghe rất ngọt ngào là một số vấn đề về quản lí lao động nông nghiệp trong Hợp tác xã hiện nay, nhưng nội dung bên trong thì khoán ruộng đất cho hộ, để cho dân tự do khai phá đất chân rừng, gò đồi, sử dụng đất canh tác chia cho xã viên nuôi lợn. Việc làm sai trái như vậy mà đồng chí cho rằng đã đúc kết thành lí luận hẳn hoi ư?
Ông Kim nói khẳng khái:
- Tôi xin khẳng định lại một lần nữa là Nghị quyết 68 của chúng tôi hoàn toàn xuất phát từ thực tiễn tình hình của các Hợp tác xã nông nghiệp trong những năm qua. Thực tiễn đã chỉ ra sự vô lí là khi xây dựng Hợp tác xã quy mô, ta vẫn dùng đơn vị hộ để tính toán quy mô, diện tích, công cụ sản xuất. Nhưng khi tiến hành sản xuất lại tách hộ ra khỏi tư liệu sản xuất. Nghị quyết 68 của chúng tôi lấy yếu tố con người quyết định mọi thắng lợi, vì vậy con người phải được giao quyền tự chủ sáng tạo. Nếu không làm thế, vẫn tiếp tục duy trì quản lí lao động theo kiểu dong công phóng điểm thì các mối quan hệ kinh tế trong Hợp tác xã hoạt động kém hiệu quả. Chúng ta biến nông dân thành những người làm công, chính xác hơn là làm thuê cho tập thể. Nghị quyết 68 của tỉnh ủy chúng tôi là muốn đưa hộ xã viên trở về vị trí là một đơn vị kinh tế tự chủ trong Hợp tác xã nông nghiệp, không biết chúng tôi sai ở chỗ nào?
Ông Trung Chính không hề tỏ ra xúc động trước những lời lẽ có vẻ ngang bướng của ông Kim. Ông nói hết sức bình tĩnh:
- Các đồng chí sai ở chỗ nào ư? Nghị quyết 68 thể hiện nhận thức về cuộc đấu tranh giữa hai con đường còn lệch lạc, mơ hồ. Không nhận thấy hết tính chất phức tạp, lâu dài của nó. Các đồng chí nên nhớ rằng, giai cấp địa chủ và tư sản tuy đã bị đánh tan về cơ bản, nhưng tàn dư tư tưởng của nó còn rơi rớt lại. Chỉ cần có cơ hội tốt là chúng ngóc đầu dậy. Vì vậy cuộc đấu tranh giai cấp trên mặt trận tư tưởng chưa hề chấm dứt mà nó vẫn tiếp tục diễn ra dưới mọi hình thái khác nhau. Với chủ trương khoán hộ của Nghị quyết 68 sẽ tạo điều kiện cho đầu óc tư hữu của nông dân có cơ hội phát triển, tính tập thể của xã viên giảm dần. Phương thức quản lí kinh tế tập thể Xã hội chủ nghĩa của các đồng chí biểu hiện quan điểm hết sức sai lầm là sản xuất cách nào cũng được, miễn là sản phẩm xã hội được tăng. Lập luận của các đồng chí là khoán cho hộ mới tận dụng được sức lao động, tránh được đi muộn về sớm, làm cho xã viên chủ động, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cá nhân. Khoán cho hộ là một cách khuyến khích bằng lợi ích vật chất khiến cho xã viên hăng say lao động. Tất cả chỉ là ngụy biện. Ba khoán cho hộ thực chất là trở lại cách làm ăn cá thể. Nó phá vỡ nội dung của phong trào Hợp tác xã nông nghiệp. Làm cho Hợp tác xã chỉ còn là hình thức. Nó không những sai lầm về phương pháp quản lí mà còn trái với đường lối Hợp tác hóa nông nghiệp của Đảng và Nhà nước. Các đồng chí nên nhớ rằng, Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp là một tổ chức kinh tế tập thể Xã hội chủ nghĩa cho nên việc quản lí Hợp tác xã phải theo đúng phương thức sản xuất Xã hội chủ nghĩa.
Ngừng lại một lát lấy khăn lau mặt, ông Trung Chính nói tiếp:
- Tôi thừa nhận với các đồng chí là trong mấy năm qua vấn đề quản lí lao động trong một số Hợp tác xã có nhiều thiếu sót. Trình độ các Hợp tác xã chênh lệch nhau khá nhiều. Bên cạnh số Hợp tác xã có khí thế vươn lên, số Hợp tác xã yếu và kém còn chiếm tỉ lệ khá lớn. Theo sự phân loại của 62 Hợp tác xã làm thí điểm vận động dân chủ thuộc Thanh Hóa, Hải Hưng và ngoại thành Hà Nội, số Hợp tác xã loại khá chiếm 24,1%, trung bình chiếm 48,5% và số Hợp tác xã yếu kém chiếm 27,4%. Nhiều nơi việc quản lí tư liệu sản xuất của Hợp tác xã làm chưa tốt, để hư hỏng, mất mát nhiều. Tuy trong thời gian qua công tác quản lí Hợp tác xã có nhiều tiến bộ nhưng các mặt quản lí sản xuất, quản lí lao động, quản lí tài vụ và phân phối đều yếu, thậm chí có khuyết điểm sai lầm. Trong nhiều Hợp tác xã tình hình thiếu dân chủ về mặt tài chính, sổ sách không phân minh hoặc chỉ phân minh về hình thức, nạn tham ô lãng phí khá phổ biến. Việc phân phối không được công bằng, hợp lí, không khuyến khích lao động. Những yếu kém tồn tại tôi vừa nói là tất yếu của sự phát triển. Do các đồng chí không nắm được điều này nên đã vội quy kết cho cơ chế đang hiện hành không biết bao nhiêu tội. Nào là tập trung quan liêu bao cấp, nào là hạn chế quyền tự chủ sản xuất của người nông dân và còn bao nhiêu tội khác. Từ chỗ nhận định hết sức chủ quan đã dẫn đến chủ trương sai lầm rất đáng tiếc. Tôi đề nghị các đồng chí trong Ban thường vụ phải nghiêm khắc kiểm điểm chủ trương sai trái của mình. Riêng đồng chí Kim phải viết bản tự kiểm điểm vai trò bí thư tỉnh ủy của mình với Ban bí thư. Ngoài ra phải viết một bài mang tính chất tự phê bình về chủ trương khoán hộ của mình gửi đăng trên Tạp chí Học tập của Đảng để cho các tỉnh khác rút kinh nghiệm, không lặp lại con đường sai lầm của tỉnh Phước Vĩnh.
Ông Kim định đứng lên nói nhưng bà Thường kín đáo nắm tay ông giữ lại. Bà biết rõ cơn sóng gió đang ào ạt trào dâng trong lòng ông Kim. Nếu để nó bung ra có thể dẫn đến đổ bể tất cả. Khi ông Kim chịu ngồi yên rồi, bà Thường đứng lên nói giọng cay đắng:
- Thưa anh Trung Chính. Anh có cho phép tôi nói với anh đôi lời với tư cách là người một thời đã thân quen với anh không?
Ông Trung Chính cười gượng:
- Thế cô nghĩ rằng tôi đã thành người xa lạ đối với cô rồi hay sao?
- Anh không những thành người xa lạ đối với riêng tôi mà còn xa lạ cả với mọi người. Thú thật là tôi không còn nhận ra anh nữa.
Ông Trung Chính nói một câu gượng gạo:
- Tôi có khác gì đâu, chỉ có già đi thôi.
Bà Thường nói chua chát:
- Cái già bên ngoài của anh không đáng ngại. Điều đáng ngại là trái tim của anh đang già cỗi và đã biến thành sắt đá mất rồi. Anh có biết ngày còn hoạt động bí mật, anh, anh Việt, anh Dũng ở trong nhà tôi ai là người nuôi các anh ăn, ai làm liên lạc, ai bảo vệ các anh? Ngoài nông dân ra chẳng có ai cả. Không sợ máy chém, không sợ tù tội khổ sai, nuôi nấng bảo vệ các anh để các anh làm cách mạng giải phóng cho họ. Sao bây giờ anh quay ra vô tình, thờ ơ với cuộc sống còn đói nghèo thiếu thốn của họ đến vậy? Sao anh không dám vứt mẹ các nguyên tắc đang ràng buộc họ để cho họ được thoải mái làm ăn, để họ còn nuôi con nuôi cái và đóng góp cho cuộc kháng chiến chống Mỹ. Sao vậy anh Trung Chính? Sao vậy? Anh trả lời cho tôi đi.
Mọi con mắt lo lắng đổ dồn về phía bà Thường. Ông Trung Chính cảm thấy có một luồng khí lành lạnh xuyên qua da thịt mình. Ông vô cảm với cuộc sống của người nông dân một thời nuôi nấng che giấu cho ông ư? Trái tim ông đã già cỗi rồi ư? Không. Những gì ông cùng với Ban chấp hành Trung ương Đảng làm hôm nay là hướng tới xây dựng miền Bắc thành một xã hội Xã hội chủ nghĩa giàu đẹp, làm hậu thuẫn vững chắc cho công cuộc giải phóng miền Nam, hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc trong cả nước. Tâm huyết ông chẳng có gì thay đổi. Đúng như vậy. Chẳng có gì thay đổi. Biện minh cho mình xong, ông Trung Chính nhìn bà Thường rồi nói mạch lạc:
- Bao nhiêu năm rồi mà cô vẫn giữ được cái tính khí khái của mình. Cô trách tôi thờ ơ, vô tình với cuộc sống đang còn khổ cực của người nông dân là không đúng đâu. Những gì tôi làm và tôi nói đều vì cuộc sống của họ. Nhưng họ phải được sống trong một cộng đồng làng xã kiểu mới, mình vì mọi người và mọi người vì mình chứ không phải sống cảnh thân cò lặn lội một mình trên đồng ruộng. Nếu không tạo được một nông thôn mới, nông thôn Xã hội chủ nghĩa thì cuộc sống của người nông dân vẫn tiếp tục đói nghèo thôi cô ạ. Riêng việc cô yêu cầu tôi vứt hết các nguyên tắc để cho nông dân tự do muốn làm gì thì làm thì đây là một câu nói hết sức vô nguyên tắc của cô đấy. Nông dân cần phải được đưa vào làm ăn tập thể, đó là nguyên tắc bất di bất dịch. Mọi chủ trương sai trái để cho nông dân vin vào đó để tìm cách trở về con đường làm ăn cá thể cần phải được chấm dứt.
Ông Trung Chính dừng lại và tiếp tục lấy khăn tay lau mồ hôi.
Bà Thường định đáp lại lời ông Trung Chính nhưng ông Kim đã nhanh chóng đứng lên. Cuộc họp bỗng chốc biến thành cuộc tranh luận tay ngang:
- Với trình độ của chúng tôi những lời đồng chí vừa nói chúng tôi đã hiểu từ lâu. Không những hiểu mà chúng tôi còn mơ ước cao xa hơn, đó là nông thôn chúng ta sẽ trở thành những nông trang, nông trường tập thể như ở Liên Xô với đầy đủ máy móc nông nghiệp hiện đại chứ không phải nông dân vẫn sử dụng cái cày chìa vôi như đang diễn ra trong nông thôn chúng ta…
Ông Trung Chính hỏi cắt ngang:
- Đồng chí biết thế sao còn chỉ đạo ra một Nghị quyết hoàn toàn trái ngược lại mơ ước của đồng chí?
- Tôi đã khẳng định với đồng chí rồi. Nghị quyết 68 của chúng tôi xuất phát từ tình hình thực tế hiện nay của các Hợp tác xã trong tỉnh chúng tôi. Cơ chế áp dụng cho Hợp tác xã nông nghiệp trước đây ngày càng bộc lộ ra những điều bất hợp lí. Nghị quyết 68 của chúng tôi nhằm khắc phục những điều bất hợp lí đó.
- Bằng cách chia ruộng đất cho nông dân ai muốn làm kiểu nào cũng được chứ không cần đến kế hoạch sản xuất của Hợp tác xã?
- Tại sao đồng chí không chịu nghe những điều chúng tôi đã trình bày mà cứ cố tình gán ghép cho Nghị quyết 68 của chúng tôi là tạo điều kiện cho nông dân trở về con đường làm ăn cá thể?
- Lần nữa tôi khẳng định với đồng chí Nghị quyết 68 của các đồng chí là vô nguyên tắc. Tôi xin chỉ ra cho các đồng chí thấy sai lầm khoán hộ ở chỗ nào. Thứ nhất, Hợp tác xã khoán sản lượng cho hộ rồi chia ruộng đất cho hộ làm, đây thực chất là hình thức phát canh thu tô của giai cấp địa chủ trước đây. Thứ hai, khoán hộ sẽ dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy làm, Hợp tác xã không quản lí được lao động, không sử dụng hợp lí được sức lao động. Phong trào thi đua yêu nước của tập thể và cải tiến kỹ thuật sẽ sút kém dần. Thứ ba, hộ nhiều lao động và lao động khỏe sẽ thu nhập nhiều hơn những gia đình neo đơn hoặc có chồng con đi chiến đấu, đi công tác, gây ảnh hưởng không tốt đến nhiều mặt. Khoán hộ, Hợp tác xã không quản lí chặt chẽ sản phẩm nông nghiệp, ảnh hưởng không tốt đến việc ổn định giá cả, quản lí thị trường. Ngoài ra vai trò của ban chỉ huy đội sản xuất bị hạn chế rất nhiều vì khoán cho hộ tự xã viên điều khiển lấy công việc làm ăn của gia đình họ, ban chỉ huy đội sản xuất sẽ không kiểm tra được công việc của từng người. Hơn nữa chính bản thân cán bộ đội cũng lao vào công việc mà đội đã khoán cho gia đình, công việc tập thể bị lơi lỏng. Tóm lại khoán cho hộ thực chất là trở lại cách làm ăn cá thể, đầu óc tư hữu của xã viên phát triển, tính tập thể của xã viên giảm dần. Nó sẽ phá vỡ nội dung của phong trào Hợp tác hóa nông nghiệp, làm cho Hợp tác xã chỉ còn là một cái vỏ. Khoán hộ không những sai lầm về phương pháp quản lí mà còn trái với đường lối Hợp tác hóa nông nghiệp của Đảng và Nhà nước.
Ông Kim chưa kịp phản ứng thì Đình đã đứng lên:
- Tôi hoàn toàn tán thành với những nhận định của đồng chí Trung Chính. Tôi cũng đã nhiều lần đấu tranh với đồng chí Kim về vấn đề này, nhưng đồng chí ấy không chịu nghe. Cứ lấy ý kiến đa số để áp đảo tôi. Tôi tin rằng với những ý kiến sáng suốt của đồng chí Trung Chính, tỉnh ủy chúng tôi sẽ nghiêm túc xem xét lại những sai lầm của mình…
Bà Thường nổi đóa ngắt luôn lời Đình:
- Đồng chí Đình đừng có cái kiểu ăn theo nói leo như vậy. Đồng chí thử nhìn lại mình xem với vai trò của một thường vụ tỉnh ủy, đồng chí đã làm gì cho cuộc sống no ấm của nông dân tỉnh ta mà chỉ ngồi một chỗ hết đâm bị thóc đến chọc bị gạo? Đồng chí bảo Nghị quyết 68 sai. Vậy sao đồng chí không mở mắt ra xem nhờ có Nghị quyết mà chỉ mấy vụ lúa nông dân đã vực năng suất từ một tấn rưỡi một héc-ta lên bốn tấn, năm tấn rưỡi. Đáng ra làm một người đảng viên thấy như vậy đồng chí vui mừng là phải, sao lại còn quay ra phê phán Nghị quyết mà tuyệt đại đa số tỉnh ủy viên đã thông qua?
- Tôi đứng trên quan điểm lập trường của giai cấp công nhân để nhìn nhận vấn đề. Khó khăn chỉ là tạm thời. Không vì khó khăn mà đi ngược lại đường lối của chủ nghĩa Mác - Lê-nin.
Bà Thường định nói thì ông Trung Chính đưa tay ngăn lại:
- Các đồng chí bình tĩnh lắng nghe ý kiến của nhau. Qua ý kiến của đồng chí gì vừa rồi chứng tỏ ngay trong thường vụ của các đồng chí không phải ai cũng tán thành Nghị quyết sai trái của tỉnh ủy của các đồng chí. Tôi đề nghị các đồng chí cần xem xét lại và có biện pháp ngăn ngừa những sai lầm có thể tiếp theo.
Ông Kim cảm thấy có một cục gì đó trào lên chặn ở cổ họng ông. Hai tay ông nắm chặt mép bàn để giữ cho mình bình tĩnh, khỏi ném ra những lời nói không những có hại cho ông mà còn có hại cho cả Nghị quyết 68.
4
Bà Lê đi làm về phải ghé qua cửa hàng bách hóa mua số phiếu đường sắp hết hạn nên về nhà muộn hơn mọi ngày. Vừa nhìn thấy bà đạp xe về, chị Thu từ trong bếp ăn tập thể cầm đôi đũa cả trong tay chạy tới chặn xe bà Lê lại:
- Bác Lê. Bác cho em hỏi chuyện này.
Bà Lê thấy thái độ lo lắng của chị Thu hỏi vội vàng:
- Có chuyện gì mà trông cô hớt ha hớt hải thế?
Chị Thu nói giọng run run:
- Em nghe nói Trung ương đang về kiểm điểm bác trai phải không bác?
- Ai nói với cô thế?
- Bác không biết đấy thôi. Cả cơ quan đang lo cuống lo cuồng lên kia kìa.
Bà Lê bảo chị Thu:
- Ông Kim có chuyện gì mà Trung ương kiểm điểm? Cô đừng nghe mọi người đoán mò.
- Em cũng đoán thế. Cả đời bác Kim chỉ biết lo cho mọi người chứ có làm hại ai bao giờ đâu mà phải kiểm điểm. Ấy, như cái Hợp tác xã quê em mấy năm trước đây đến hạt thóc cũng không đủ để nấu cháo. Thế mà nay nhờ có khoán hộ nên chẳng còn lo đói nữa. Bà con bảo tất cả là do công của bác Kim.
- Công của tập thể tỉnh ủy chứ công gì riêng ông Kim nhà tôi. Khách chiều nay có ăn cơm bếp nhà ta không?
Chị Thu đáp nhanh nhẩu:
- Có đấy bác ạ. Gớm, chưa khi nào nhà bếp nấu cơm mà mấy anh công an lại nhìn từng li từng tí làm như sợ nhà bếp ăn bớt tiêu chuẩn không bằng.
- Chẳng phải sợ ăn bớt mà người ta bảo vệ đấy cô ạ.
- Ai bỏ thuốc độc đâu mà phải bảo vệ hả bác?
Bà Lê cười:
- Chẳng phải sợ bỏ thuốc độc nhưng nhỡ ra các cô làm ăn không cẩn thận, mất vệ sinh để các ông ấy đau bụng thì gay.
Bà Lê dắt xe về nhà. Thấy Đô đang đứng dưới gốc cây sưa với thái độ bồn chồn, bà Lê biết có chuyện chẳng lành nên hỏi Đô:
- Chú có nắm được tình hình làm việc giữa anh Trung Chính và Ban thường vụ như thế nào không?
- Công an đứng vòng trong vòng ngoài làm sao em đến gần để biết được. Nhưng chắc chắn là căng thẳng lắm. Vừa rồi giờ nghỉ giải lao, em ngồi trong nhà nhìn ra thấy anh Kim xách cái điếu cày ra ngồi một mình dưới gốc cây thị nhưng chỉ thấy cầm điếu thôi chứ không hút. Trông dáng vẻ anh ấy buồn lắm.
Bà Lê than:
- Khổ thân anh ấy. Tất cả sức lực trí tuệ đều dành cho cuộc sống no ấm của người nông dân thế mà cũng chẳng được yên. Lần này nếu có chuyện gì thì anh ấy suy sụp mất.
- Anh Kim không phải là người dễ đầu hàng đâu chị ạ. Anh ấy sẽ bảo vệ Nghị quyết của tỉnh ủy đến cùng cho chị xem.
- Trứng chọi với đá làm sao mà chịu nổi hả chú. Theo chú thì tình hình sẽ đi đến đâu?
- Em đang lo mọi việc sẽ bị đình lại và trở về làm ăn như cũ.
- Làm gì có cái chuyện ấy. Mà nếu có đi chăng nữa thì chắc gì nông dân lại chịu quay về đường cũ.
Hoàng hôn buông xuống đã lâu mà không thấy ông Kim về nhà. Bà Lê sốt ruột chạy qua hỏi Đô:
- Làm việc xong lâu lắm rồi, chú có biết anh chú và chị Thường đi đâu mà chưa thấy về ăn cơm?
- Em đang định xuống bảo với chị đây. Không biết có chuyện gì không mà em thấy anh ấy vẫn còn một mình ở trên phòng họp.
Bà Lê hốt hoảng:
- Chết chửa. Sao chú không vào hỏi xem anh ấy có sao không?
- Em sợ anh ấy đang suy nghĩ chuyện gì đó, em vào làm cắt đoạn suy nghĩ của anh ấy, anh ấy mắng nên em không dám vào.
- Chú chẳng ra sao. Nhỡ anh ấy căng thẳng quá đang lên cơn đau dạ dày thì sao? Chú đi với tôi lên đấy xem sao.
Bà Lê đi trước, Đô theo sau.
Trong bóng tối nhập nhoạng có tiếng quát khẽ:
- Ai? Đứng lại!
Bà Lê giật mình:
- Tôi là Lê, vợ của bí thư tỉnh ủy đây.
Anh công an đến gần nhận ra bà Lê:
- Xin lỗi chị, trời nhập nhoạng em nhìn không rõ. Chị đi đâu mà tối thế?
Bà Lê nhận ra người vừa hỏi mình là Thỉnh, công an tỉnh. Bà hỏi:
- Chú có thấy anh Kim còn ngồi trong phòng họp không?
Thỉnh đáp:
- Lúc họp xong em đi qua thấy còn ngồi ở đó, bây giờ không biết còn ở đó hay không.
Bà Lê và Đô vào phòng họp. Đô đưa tay bật đèn. Trong ánh sáng vàng vọt, ông Kim ngồi như bất động. Bà Lê hốt hoảng chạy tới:
- Anh có sao không?
Ông Kim vội vàng đáp:
- Không sao, không sao.
- Không sao, sao họp xong ngồi lì ở đây không về nhà ăn cơm?
Ông Kim chống chế:
- Có nhiều việc cần suy nghĩ nên ngồi một mình ở đây cho yên tĩnh.
Bà Lê than vãn:
- Chẳng biết họp hành kiểu gì mà trông anh thảm hại quá đi mất. Chú Đô dìu anh chú về nhà hộ chị.
Ông Kim cáu:
- Ơ hay cái cô này. Người ta chẳng đau chẳng ốm gì bỗng dưng nhờ người dìu là thế nào.
Nói xong ông Kim uể oải đứng lên đi ra khỏi phòng.
Tối ấy ông Kim định bỏ cơm. Bà Lê dỗ mãi ông mới nhai trệu trạo vài miếng rồi xách cái ghế ra ngồi ở sân. Bà Thường cũng không thấy về nhà ông Kim ăn cơm như mọi ngày. Đêm nặng nề bao trùm lấy khuôn viên khu vực tỉnh ủy. Tiếng ếch nhái kêu râm ran. Thỉnh thoảng tiếng điếu cày rít lên sòng sọc. Bà Lê dọn bát đĩa xong xách một cái ghế từ trong nhà ra ngồi cạnh ông Kim. Hơn hai mươi năm làm vợ, bà rất hiểu tính tình của chồng. Vui buồn nóng giận chẳng khi nào giấu được. Nhìn thái độ ông Kim từ tối đến giờ, bà biết đang có điều gì đó làm cho ông vô cùng khổ tâm. Bà nói như vỗ về:
- Anh đừng có lấy thuốc lào để chữa cơn buồn bực của mình. Rít lắm đứt ruột mà chết đấy. Họp hành có chuyện gì bình tĩnh nói cho em nghe nào, xem em có giúp được gì không.
- Không có chuyện gì đâu.
- Không có chuyện gì sao định bỏ cả cơm tối để ngồi thở vắn than dài.
Ông Kim buột miệng:
- Không khéo công lao của tập thể tỉnh ủy mấy năm nay biến thành công cốc mất.
- Sao lại thế được? – Bà Lê không hiểu hỏi.
Ông Kim nói chậm rãi và buồn:
- Chiều hôm nay anh Trung Chính phê phán hết sức gay gắt Nghị quyết 68 và yêu cầu tỉnh ủy phải chấn chỉnh lại. Anh ấy còn yêu cầu tôi viết bản kiểm điểm về những sai lầm của mình trước Ban bí thư Trung ương và viết bài tự phê bình về việc cho nông dân khoán hộ để đăng trên Tạp chí Học tập.
- Đến thế kia à. Sao lại có chuyện vô lí như vậy được chứ. Thế cả Ban thường vụ không ai có ý kiến gì?
- Có. Còn gay gắt nữa là đằng khác. Nhưng chẳng làm gì lay chuyển được tính tình rắn như thép của anh ấy.
Bà Lê thở ra:
- Hoá ra uy quyền của cá nhân thời nào cũng mạnh hơn lẽ phải. Hiệu quả của Nghị quyết 68 sờ sờ ra đó sao mà anh ấy cố tình nhắm mắt làm ngơ được chứ? Thế anh có định viết kiểm điểm không?
- Anh Trung Chính thay mặt Ban bí thư Trung ương ra lệnh làm sao mà không viết được. Anh ấy bảo sai, mình không sai nên chả sợ. Kiểm điểm, phê bình, thậm chí kỷ luật hay tù tội cũng không sợ. Chỉ sợ dân, sợ Đảng hiểu lầm mình mà thôi.
- Hiểu lầm thì phải tìm cách thanh minh, phải tường trình, phải bảo vệ những gì mình cho là đúng để Đảng hiểu, dân hiểu chứ lo gì bị hiểu lầm.
Ông Kim thở dài:
- Với đảng bộ và nhân dân tỉnh Phước Vĩnh, mình chẳng cần thanh minh thì người ta cũng biết mình là người thế nào. Nhưng làm sao thanh minh với Trung ương Đảng, với đảng viên và nhân dân toàn miền Bắc rằng, bí thư tỉnh ủy Phước Vĩnh không chống lại đường lối tập thể hóa của Đảng và Nhà nước. Không mở đường cho nông dân trở lại con đường làm ăn cá thể, khi anh Trung Chính đã thay mặt Ban bí thư kết luận như vậy. Không những thế, tôi phải viết một bài công khai nhận sai lầm của mình trên tờ Tạp chí Học tập, cơ quan ngôn luận của Đảng.
Bà Lê nói giọng tức tối:
- Anh không viết thì đã sao. Ông ấy có cất cái chức bí thư tỉnh ủy của anh cũng chẳng sao. Việc gì dằn vặt cho khổ cái đời.
- Đâu phải anh lo lắng vì cái chức bí thư tỉnh ủy của mình bị lung lay. Anh chỉ lo tình hình này không khéo rồi dẫn đến cấm các phương thức khoán của Nghị quyết 68 thì không biết mọi việc sẽ đi về đâu. Nông dân lại trở về với cảnh đói cơm rách áo thì tội lắm. Thôi, em vào đi ngủ đi để cho anh ngồi một mình một lát.
Bà Lê nói dịu dàng:
- Anh như thế này làm sao mà em ngủ yên được.
- Không phải lo cho anh, anh đã bình tĩnh trở lại rồi. Anh rất cần ngồi một mình.
- Em lo cho bệnh dạ dày của anh quá. Con cái đứa thì đi học nước ngoài, đứa đang ở nơi sơ tán. Anh mà nằm lăn ra đấy chỉ có mình em xoay xở làm sao được.
Ông Kim cáu:
- Đã bảo vào ngủ đi. Cứ ngồi đấy mà nói lảm nhảm nhức đầu quá.
- Ơ hay. Sao tự nhiên nổi cáu với em. Đã thế thì em vào đây.
Bà Lê giận dỗi đứng dậy xách ghế đi vào nhà.
Ông Kim rít một điếu thuốc lào rồi theo thói quen tựa đầu vào thành ghế ngước nhìn vào bầu trời đêm sâu thẳm đầy sao. Gió lặng. Cây cối đứng im phăng phắc. Không khí oi nồng. Sao nhấp nháy và thay đổi màu sắc lúc xanh lúc vàng liên tục báo hiệu những cơn mưa to trong những ngày sắp tới. Ông Kim nhắm mắt muốn lấy lại sự thư thái qua một một chiều quá căng thẳng đối với mình. Nhưng mắt vừa nhắm, bỗng dưng hình ảnh ông Trung Chính hiện lên trong óc và những lời nói của ông văng vẳng bên tai. “Đồng chí là bí thư tỉnh ủy nên phải chịu trách nhiệm với những sai lầm trong việc ra Nghị quyết cũng như chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 68. Tôi thay mặt Ban bí thư yêu cầu đồng chí thành khẩn kiểm điểm sai lầm của mình với Ban bí thư… Vì nhận thức còn mơ hồ hay do động cơ cá nhân, muốn nông dân tôn vinh mình như một vị cứu tinh của họ. Ngoài ra đồng chí phải viết một bài tự phê bình sai lầm trong việc tổ chức khoán hộ đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là phá vỡ mối quan hệ sản xuất Xã hội chủ nghĩa của Hợp tác xã nông nghiệp, gửi đăng trên Tạp chí Học tập để các nơi rút kinh nghiệm, không lặp lại sai lầm của đồng chí…”
Khuôn mặt với đôi mắt sắc lạnh ấy đã có một thời thân thương với ông biết nhường nào. Một lần ông không còn nhớ là năm nào, chỉ nhớ đó là thời còn ở chiến khu Việt Bắc. Một hôm ông đang ngồi gỡ những mẩu tàn thuốc lá bỏ vào một cuốn sổ tay để trước mặt thì ông Trung Chính từ xa đi lại. Ông Trung Chính hỏi:
- Chú đang làm gì đấy?
- Em gỡ mấy mẩu tàn thuốc lá để hút. Em hết thuốc lào đã năm hôm này rồi.
- Chú bỏ thuốc lào đi có phải đỡ khổ sở như vậy không?
- Em hút thuốc lào từ ngày còn đi cày thuê cho địa chủ Đình nên nhựa thuốc đã lẫn vào trong máu của em rồi, khó bỏ lắm.
- Có quyết tâm là bỏ được hết.
- Em cũng đã quyết tâm mấy lần rồi. Nhưng cũng chỉ quyết tâm được đến ba ngày là cùng. Chị Thường vào vùng địch hậu sao hôm nay vẫn chưa ra hả anh? Đáng ra ngày hôm qua có mặt ở cơ quan theo như quy định nhưng không biết sao hôm nay vẫn chưa thấy có mặt. Không biết có gặp chuyện gì không. Em mong chị Thường về còn quá trẻ con mong mẹ đi chợ về.
- Có việc gì mà mong cô Thường về?
- Chị Thường cũng nghiện thuốc lào như em nên lần nào vào địch hậu ra chị ấy cũng đưa thuốc lào ra. Có đợt đem ra cả cân. Hai chị em hút đến nửa năm mới hết.
Ông Trung Chính cười:
- Tưởng mong để làm gì hóa ra mong có thuốc lào. Anh có việc này định bàn với chú đây. Tổ chức định bố trí chú về bổ sung cho Ban thường vụ huyện ủy Linh Sơn tỉnh Phước Vĩnh. Chú có đồng ý sự phân công của tổ chức không?
- Em đã làm lãnh đạo bao giờ đâu mà cử em làm thường vụ huyện ủy?
- Chẳng ai sinh ra để làm lãnh đạo cả. Cứ làm khắc quen. Hơn nữa anh sống với chú từ ngày chú còn làm liên lạc cho xứ ủy Bắc Kỳ nên anh rất hiểu chú. Chú không những trung thành tuyệt đối đối với Đảng mà còn biểu hiện phẩm chất của một người rất thông minh. Huyện Linh Sơn là một huyện miền núi nằm giáp ranh giữa vùng tự do và vùng tạm chiếm. Để ngăn chặn chúng ta từ vùng tự do tràn xuống, địch đã bố trí một hệ thống đồn bốt dày đặc khiến phong trào của huyện gặp nhiều khó khăn. Nguồn cán bộ cấp huyện của tỉnh Phước Vĩnh còn thiếu nên Tỉnh ủy Phước Vĩnh đề nghị với Trung ương tăng cường lãnh đạo cho huyện Linh Sơn. Anh thấy chú có thể đảm đương được việc này nên đã đề nghị cử chú đi.
Ông vui vẻ nhận lời. Ông Trung Chính bảo:
- Anh rất hoan nghênh tinh thần của chú. Hoạt động trong vùng địch tạm chiếm hết sức gian khổ và nguy hiểm nên chú phải hết sức thận trọng. Phải dựa vào dân, tin tưởng dân thì mới hoàn thành được nhiệm vụ.
Ngày ấy thật gian khổ nhưng con người ta lại thương yêu nhau như anh em một nhà. Tất cả chỉ có chung một lí tưởng duy nhất là kháng chiến thắng lợi để xây dựng một nước Việt Nam độc lập và giàu mạnh. Nhưng kháng chiến thắng lợi rồi mọi việc lại không giản đơn như mọi người nghĩ. Bao nhiêu xáo trộn diễn ra trong một giai đoạn lịch sử chỉ trên dưới mười năm. Cải tạo tư sản, cải cách ruộng đất, chống cưỡng ép di cư rồi cuộc chiến tranh chống Mỹ diễn ra trên phạm vi cả nước. Tình hình phe Xã hội chủ nghĩa cũng phát sinh ra nhiều quan điểm đường lối và khuynh hướng chính trị khác nhau. Phản đối ai, ủng hộ ai cũng trở thành cuộc đấu tranh tư tưởng trong nội bộ Đảng. Chẳng nói gì đâu xa. Nguyên cái việc làm cho dân giàu thôi mà không biết bao nhiêu khuynh hướng, quan điểm đối chọi nhau chan chát. Người thì muốn cào bằng tất cả rồi dàn hàng ngang tiến lên, ai cũng như ai. Kẻ thì muốn để cho dân tự do làm ra của cải rồi đưa dần vào khuôn khổ. Người thì muốn xây dựng xã hội bằng sức mạnh vật chất. Kẻ thì muốn xây dựng xã hội bằng khẩu hiệu lấy chính trị làm gốc tư tưởng dẫn đầu. Có tư tưởng tốt là có tất cả v.v… Càng nghĩ ông Kim càng thấy buồn đến não lòng. Người khác không hiểu ông là một nhẽ. Đường này người không hiểu ông và phê phán việc làm của ông lại là ông Trung Chính, người đã dìu dắt ông đi làm cách mạng, người mà ông vô cùng kính trọng và coi như người thầy, người anh cả của mình. Hình ảnh và những lời nói của ông Trung Chính gieo vào lòng ông Kim một tâm lí nặng nề mà suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của ông, ông chưa gặp phải bao giờ.
Ông Kim nặng nề đứng lên đi vào nhà. Ông đi đến cái tủ gỗ cũ kỹ lôi từ trong đó ra một cái xắc cốt bằng da đã sờn mép đem đến đổ dốc ra bàn. Những tấm ảnh đen trắng, nhiều chiếc đã ố vàng rơi ngổn ngang xuống mặt bàn. Đêm mất điện, chỉ có cây đèn dầu cháy leo lét. Ông Kim cầm từng tấm ảnh đưa lên xem. Có tấm ông chỉ xem lướt qua rồi bỏ sang một bên. Có chiếc ông dừng lại khá lâu, nhìn vào từng khuôn mặt trong ảnh. Đó là những tấm ảnh thời ông còn rất trẻ chụp ở chiến khu Việt Bắc. Những người trong ảnh người thì mặc áo quần bà ba màu nâu, người thì quần âu, áo cổ vuông, có người mặc quân phục đội mũ lưới trên đầu. Bà Lê thấy chồng có thái độ khang khác đi đến ngồi cạnh. Ông Kim cầm lên một tấm ảnh chỉ có hai người. Đó là ông Trung Chính chụp chung với ông ở chiến khu Việt Bắc. Ông Trung Chính đôi mắt sáng và nụ cười rất tươi, mặc chiếc áo sơ mi cộc tay cổ bẻ, quần âu. Còn ông Kim thì mặc bộ bà ba. Lúc đó ông hai mươi tám tuổi. Người gầy và đen. Đôi mắt to và sáng. Ông Trung Chính tay quàng lên vai ông Kim với dáng vẻ hết sức thân mật. Hai người đứng dưới cầu thang một nhà sàn. Bức ảnh đã ố vàng nhiều chỗ. Ông Kim ngắm bức ảnh một cách chăm chú. Tấm ảnh gợi lại trong ông một thời quá khứ. Tất cả đã qua rồi. Ông Kim nghĩ rồi đưa tay nhấc bóng đèn ra cầm tấm ảnh cho vào ngọn lửa đèn để đốt. Bà Lê nhanh tay giật chiếc ảnh trong tay ông Kim:
- Tấm ảnh kỷ niệm thì có tội tình gì mà anh đốt nó đi.
Ông Kim chợt nhận ra sự vô lí của mình:
- Anh sai rồi. Sai rồi.
Nói xong ông ngồi thừ ra.
5
Hội trường tỉnh ủy có chừng bốn mươi người gồm các tỉnh ủy viên và các cán bộ đầu ngành của tỉnh đang ngồi im phăng phắc nghe ông Trung Chính nói chuyện.
Cách hàng ghế đầu tiên chừng vài mét, chiếc máy ghi âm của Đức chế tạo to gần bằng nửa chiếc va-li chạy bằng băng cối quay chầm chậm. Hai bên tường hội trường hai chiếc loa sắt phát ra thứ âm thanh choe chóe như muốn xé màng nhĩ người nghe.
Đình ngồi ở hàng ghế đầu cùng với Ban thường vụ, thỉnh thoảng lại chạy tới nhìn vào cái băng của chiếc máy ghi âm đang quay. Sau đó bảo Văn, nhân viên của Ban tuyên huấn là người chịu trách nhiệm ghi âm:
- Cậu nhớ chú ý đấy nhé, không được để máy bỏ sót một chữ nào.
- Thủ trưởng nói thế nào thì máy ghi thế ấy chứ làm sao mà sót được ạ.
- Thì tớ cứ dặn cậu thế.
Ông Kim thấy thái độ lăng xăng của Đình lấy làm khó chịu bảo:
- Giao việc cho người ta là phải tin vào người ta chứ việc gì cậu cứ chạy lên chạy xuống nhắng lên như vậy.
- Bài nói chuyện của anh Trung Chính cực kỳ quan trọng nên cần phải nhắc nhở anh em chứ để họ ghi sót thì chết.
Sau khi nói khái quát về thành tích của miền Bắc trong thời gian qua, ông Trung Chính đi vào tình hình của tỉnh Phước Vĩnh:
- Phần ưu điểm của tỉnh Phước Vĩnh tôi đã nói chung với phong trào Hợp tác xã trên toàn miền Bắc. Ở đây tôi muốn nói đến phần khuyết điểm, sai lầm để các đồng chí nhận ra và quyết tâm sửa chữa để đưa phong trào Hợp tác xã của tỉnh đi vào đúng quỹ đạo. Thật ra trong công tác quản lí Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp của các đồng chí có nhiều vấn đề cần phải nói, phải bàn. Nhưng tôi chỉ phát biểu ý kiến về công tác ba khoán và quản lí tư liệu sản xuất, nhất là quản lí ruộng đất của các Hợp tác xã ở Phước Vĩnh trong thời gian gần hai năm trở lại đây.
Ông Trung Chính dừng lại cầm cốc nước uống rồi bỏ cốc xuống, rút khăn ra lau mặt và nói tiếp:
- Thực tế khoán hộ của các đồng chí đã thu được những thành công rực rỡ ở những điểm nào? Thứ nhất, bằng cách giao khoán ruộng đất của Hợp tác xã cho hộ, trong một số Hợp tác xã đang diễn ra tình trạng chia lại ruộng đất cho xã viên. Thứ hai, bằng cách khoán sản lượng cho hộ, một số Hợp tác xã đã tự biến mình thành người phát canh thu tô đối với xã viên. Thứ ba, trong nhiều Hợp tác xã phương thức cá thể đang lấn át phương thức sản xuất tập thể. Thứ tư, nhiều Hợp tác xã đường lối và nguyên tắc hợp tác hóa nông nghiệp của Đảng đã bị vi phạm một cách nghiêm trọng. Bây giờ tôi xin đi vào phân tích từng điểm một trong chủ trương khoán cho hộ để các đồng chí xem đúng hay sai.
Ông Trung Chính lại dừng để uống nước và rút khăn lau mặt.
Lợi dụng lúc ông Trung Chính ngừng nói, Đình lại chạy lên hỏi Văn:
- Ghi được hết không sót câu nào chứ?
Văn trả lời với thái độ khó chịu:
- Máy vẫn chạy đều, còn ghi đủ hay sót làm sao mà em biết được.
Đình lại lùi về chỗ ngồi của mình.
Ông Trung Chính uống nước xong nói tiếp:
- Một số các đồng chí quan niệm sản xuất theo kiểu nào cũng được, miễn là sản phẩm xã hội tăng, đó không phải quan điểm của giai cấp công nhân và của Đảng. Thật vậy. Trong nông nghiệp của miền Bắc nước ta hiện nay chỉ có hai phương thức sản xuất, sản xuất tập thể và sản xuất cá thể. Sản xuất tập thể thì tiến lên Chủ nghĩa Xã hội, đời sông nhân dân ấm no, hạnh phúc. Sản xuất cá thể tạo ra nền kinh tế tiểu sản xuất hàng hóa, nền kinh tế này hàng ngày, hàng giờ đẻ ra Chủ nghĩa Tư bản và nếu nó phát triển thì sẽ làm cho đời sống nhân dân lao động không được bảo đảm. Chính vì vậy chúng ta tiếp tục cải tạo quan hệ sản xuất trong nông nghiệp…
Gần như suốt đêm qua ông Kim trằn trọc không sao ngủ được. Giữa đêm dạ dày của ông nhâm nhẩm đau. Bà Lê dậy lấy ca vét cho ông uống nhưng vẫn không thấy cơn đau thuyên giảm. Sáng nay ông chỉ uống cốc sữa rồi đi lên hội trường. Bà Lê thấy ông đau bảo ông không phải đi họp nữa nhưng ông bảo sợ ông Trung Chính cho rằng mình phản ứng với việc ông bị phê phán chiều hôm qua nên kiếm cớ đau để ở nhà. Âm thanh chát chúa của hai chiếc loa sắt thỉnh thoảng vang lên câu hỏi gay gắt: Khoán như thế đúng chưa? Để cho nông dân làm giàu như vậy đã đúng với quan điểm đường lối của Đảng và Nhà nước chưa? cứ như từng mũi kim đâm vào dạ dày ông đau buốt khiến ông phải cúi gập người xuống đưa hai tay ôm lấy bụng để chặn cơn đau. Mặt mày ông dần dần tái mét. Bà Thường nhìn thấy ông Kim đang cúi gập người ôm bụng, hỏi:
- Chú làm sao vậy?
- Bụng đau và cảm giác buồn nôn chị ạ.
Bà Thường hốt hoảng:
- Bỏ mẹ. Không khéo lại chảy máu dạ dày cũng nên. Chú xin phép về nhà nằm nghỉ đi.
- Không có gì đâu. Lát nữa chắc đỡ thôi.
Ông Quốc ngồi cạnh bảo:
- Chị Thường nói đúng đấy. Anh nên về nhà nằm nghỉ và bảo cậu Đô cho gọi bác sĩ đến kiểm tra xem sao. Nếu có hiện tượng chảy máu dạ dày tái phát là phải đi cấp cứu ngay.
Ông Kim cố nhịn đau bảo:
- Không can gì đâu. Tớ đã thấy hơi ổn rồi.
Bên trên, ông Trung Chính vẫn tiếp tục nói:
- Chiều hôm qua tôi làm việc với Ban thường vụ tỉnh ủy và đã chỉ rõ những sai lầm nghiêm trọng mà tỉnh ủy của các đồng chí mắc phải. Tôi đã đề nghị Ban thường vụ nghiêm khắc kiểm điểm trong việc đưa ra Nghị quyết 68. Tôi cũng đã yêu cầu đồng chí Hoàng Kim với vai trò bí thư tỉnh ủy của mình cũng phải chịu trách nhiệm phần lớn trong việc này và cũng yêu cầu đồng chí Hoàng Kim nghiêm khắc kiểm điểm với Ban bí thư Trung ương. Các đồng chí thân mến!…
Ông Kim bỗng nhiên ôm bụng ngồi sụp xuống nền đất. Bà Thường, ông Quốc, ông Dần hốt hoảng chạy đến ngồi xuống cạnh ông Kim. Bà Thường lo lắng hỏi:
- Chú thấy trong người thế nào?
- Tôi thấy bụng đau quá chị ạ.
Ông Kim nói xong ôm bụng, đầu gục xuống, sau đó ông gợn gợn mấy cái trong cổ rồi nôn ra một bãi máu loang đỏ cả nền nhà. Bà Thường hốt hoảng kêu lên:
- Ai chạy đi gọi bác sĩ hộ cho chú Kim với.
Cả hội trường xôn xao. Nhiều người bỏ ghế của mình chạy lên xúm lại đứng bao quanh ông Kim. Ông Trung Chính từ trên bục nói chuyện cũng nhảy xuống hỏi:
- Đồng chí Kim sao vậy?
Ông Quốc đáp:
- Anh ấy lại bị chảy máu dạ dày tái phát anh ạ.
- Phải cho đi cấp cứu ngay. Không nên để chậm trễ.
Cùng lúc bác sĩ Sản, bà Lê và Đô chạy ào vào. Bà Lê gạt mọi người ra rồi ôm lấy ông Kim.
- Khổ thân anh. Đêm qua đã trằn trọc suốt đêm không ngủ. Sáng nay bảo ở nhà nằm nghỉ cũng không chịu nằm. Biết làm sao bây giờ đây.
Sản kéo bà Lê ra:
- Chị ra để cho em xem anh ấy như thế nào.
Sản cầm tay ông Kim xem mạch rồi bảo:
- Mạch yếu lắm. Để tôi tiêm cho bí thư một ống thuốc trợ lực, còn ai đi gọi hộ anh Hành đánh xe chuyển bí thư lên bệnh viện tỉnh cấp cứu ngay. Ai ở gần đây có phích nước sôi xách hộ đến đây cho tôi luộc kim tiêm.
Ông Dần nhảy lên xách cái phích dùng pha nước cho ông Trung Chính đem xuống.
Sản bảo ông Dần:
- Bác cho em mượn luôn cái ca cái cốc gì đó cũng được.
Ông Dần lại nhảy lên lấy luôn cái cốc của ông Trung Chính đưa xuống.
Trong khi bác sĩ Sản tiêm thuốc, ông Trung Chính bảo:
- Để tôi bảo lấy cái xe Mốt-cô-vích của đồng chí trợ lí của tôi chở đồng chí Kim về bệnh viện Việt Xô cho nhanh và đỡ xóc. Chảy máu dạ dày mà xe xóc là hết sức nguy hiểm.
Không ai nói gì về lời đề nghị của ông Trung Chính khiến ông phật ý:
- Vì sao tôi bảo lấy xe trợ lí của tôi chở đồng chí Kim đi cho an toàn mà không ai chịu làm là thế nào?
Ông Kim nói trong cơn đau:
- Không cần đâu. Tôi đi xe com-măng-ca cũng được.
Bà Lê nhìn ông Trung Chính với đôi mắt hằn học, trách móc:
- Anh ban ơn huệ muộn quá. Anh Kim mà có mệnh hệ gì thì mấy mẹ con tôi và bà con cả tỉnh Phước Vĩnh này hận anh suốt đời.
Ông Trung Chính cười thân thiện:
- Cái cô này ăn nói hay nhỉ. Tôi làm gì mà mấy mẹ con cô và bà con Phước Vĩnh hận tôi.
- Làm gì thì anh tự biết.
Ông Kim bước lên xe. Bà Thường bảo ông Quốc:
- Chú Quốc ở nhà tiếp tục công việc để tôi đi cùng cô Lê xuống bệnh viện.
Chi đến cạnh bà Thường bảo:
- Chị cho em đi cùng.
- Thế thì cô ngồi trước. Tôi và cô Lê ngồi sau với chú Kim.
Ông Trung Chính nói với bà Thường:
- Đồng chí Thường cho đưa đồng chí Kim về bệnh viện Việt Xô nhé. Tôi sẽ trực tiếp gọi điện cho bệnh viện trưởng cử các bác sĩ giỏi chăm sóc đồng chí Kim.
- Vâng. Trăm sự nhờ anh.
Xe chạy. Mọi người đứng tần ngần nhìn theo cho đến khi không nhìn thấy mới quay vào hội trường. Đình chen mọi người đến cạnh ông Trung Chính nói xun xoe:
- Bài nói chuyện của anh sâu sắc quá. Ban tuyên huấn chúng tôi đã cho ghi âm lại để sau này soạn thành tài liệu gửi xuống cho cơ sở học tập.
- Thế à – Ông Trung Chính nói gọn lỏn rồi lặng lẽ đi vào hội trường.
Đình chữa ngượng với mọi người bằng cách cúi xuống buộc lại dây giày.
Bí Thư Tỉnh Ủy Bí Thư Tỉnh Ủy - Vân Thảo Bí Thư Tỉnh Ủy