Số lần đọc/download: 22739 / 122
Cập nhật: 2015-10-14 21:37:32 +0700
Z.28 Bão Ngầm Trên Biển Phong Lan - Chương 4: Điệp Vụ Disa
T
rong hồ sơ, Disa không phải là một người đàn bà đẹp tuyệt vời mà là một chất độc có tác dụng giết người kinh khủng không tiền khoáng hậu.
Hiện nay, danh từ "võ khí hơi độc và vi trùng" không còn làm dư luận sửng sốt nữa vì nước nào - nhất là các nước lớn - cũng có cơ quan nghiên cứu và chế tạo. Nhưng trong những ngày mở đầu thế chiến thứ hai, danh từ này đã gây chấn động mạnh mẽ. Đồng minh đã bàng hoàng khi nghe tin Hít Le xúc tiến sản xuất võ khí hơi độc và vi trùng. Mọi nỗ lực được tung ra hầu ngăn chặn âm mưu tiêu diệt nhân loại của Hít Le...
Gần 30 năm sau thế chiến thứ hai, một số bí mật ghê gớm về võ khí hơi độc và vi trùng được tiết lộ. Các yếu nhân đã biên soạn và xuất bản hồi ký. Những văn thư tối mật cũng được công bố. Do đó, người ta đã biết những chi tiết trong âm mưu của Đức Quốc Xã, một âm mưu mà nếu thành công sẽ thay đổi toàn diện bộ mặt của quả địa cầu.
Tuy nhiên, còn một số bí mật ghê gớm khác được giữ lại. Trong số này là những bí mật về chất độc Disa. Không hiểu sao MI-6 từng làm mưa làm gió tại Đông Nam Á đặc biệt tại Tân Gia Ba, mà không nắm được hồ sơ Disa. Và rốt cuộc là hồ sơ Disa được chuyển về Hoa Thịnh Đốn và cất giữ trong két sắt bất khả xâm phạm của Trung Ương Tình Báo Hoa Kỳ C.I.A.. Ông tổng giám đốc Sì mít đích thân bút phê vào trang đầu của tập hồ sơ Disa như sau:
"Xếp lại, chờ biến chuyển mới."
Ông Sì-mít cho xếp lại vì từ ngày thế chiến chấm dứt đến giờ, trái đất trải qua nhiều nguy biến lớn lao như chiến tranh Cao Ly, chiến tranh Việt Nam, nhưng các tin tức hoặc nhân sự xa gần liên hệ đến Disa đều đắm trong màn tối.
Mãi đến thời gian gần đây, đột nhiên vụ Disa nổ bùng như trái siêu bom ngàn mê ga tôn. Ông Sì-mít vội rút hồ sơ ám bụi ra nghiên cứu. Các lãnh tụ điệp báo trên thế giới được cấp tốc triệu tập để bàn luận. Rồi một kế hoạch hành động chung được chấp thuận...
Văn Bình được phái đi Tân Gia Ba...
Một thời gian trước ngày khởi hành, Văn Bình ghé văn phòng ông Hoàng để tìm hiểu nội dung điệp vụ Disa. Nội dung của nó có thể tóm lược như sau:
Cuối năm 1941, Nhật tấn công Trân Châu cảng, gây cảnh khói lửa trên toàn cõi Viễn Đông thì ở Tân Gia Ba, có một nhà bác học tên Fat-yew. Fat sinh trưởng ở Trung Hoa, xuất dương sang Mỹ du học từ tấm bé và tốt nghiệp những bằng cấp khoa học cao cấp nhất. Ra trường, Fat không thể hồi hương, mang tài năng để phục vụ Trung Quốc vì chiến tranh Trung-Nhật rục rịch bùng nổ. Cùng một số khoa học gia khác, Fat-yew phát minh một chất độc kỳ lạ, dường như nó được rút ra từ một giống cá lòng tong, có có thể pha hòa với nước dễ dàng vì không có màu sắc, lại không có mùi vị, nó nhiễm độc bằng cách thấm qua làn da, làm giây thần kinh tê liệt, buồng phổi ngừng thở, trái tim ngừng đập trong vòng 12 giờ đồng hồ.
Thật ra, Fat không chủ tâm chế tạo chất độc. Tình cờ ông đã tìm ra công thức trong một cuộc thí nghiệm về các loại cá độc. Ông tiến hành các cuộc thí nghiệm này trong khuôn khổ chương trình khảo sát thực phẩm chôn giấu dưới biển, do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ và khuyến khích nhằm khai thác những nguồn dinh dưỡng bao la của ngũ đại dương (1) .
Fat mê hoa phong lan nên đặt tên chất độc là Disa. Sau khi tìm ra Disa. Fat sợ hoảng hồn, vì định mạng ác nghiệt đã đặt vào bàn tay hiếu sinh của ông một võ khí tuyệt đối khả dĩ tàn sát hàng chục, hàng trăm triệu con người trong một lúc, không thuốc nào chữa khỏi.
Fat bèn ếm nhẹm kết quả của cuộc thí nghiệm. Nhưng sự ếm nhẹm này không đi đến đâu, vì mặc dầu Fat điều khiển và giữ vai trò quan trọng nhất, bên cạnh ông còn một nhóm cộng sự viên khác. Và một người đã trình báo với Ngũ Giác Đài. Dĩ nhiên, bộ Quốc Phòng Mỹ không thể bỏ qua một phát minh trọng đại như vậy. Fat được vời đến để tái diễn cuộc thí nghiệm dưới sự giám định của các chuyên viên quân sự về võ khí hơi độc và vi trùng.
Lương tâm bị cắn rứt dữ dội. Fat trốn khỏi Hoa Kỳ. Mục đích của ông là mai danh ẩn tích, sống để dạ, chết đem đi với công thức Disa. Ông theo một cô bạn gái chung thủy về Tân Gia Ba. Hai người sống cuộc đời vô danh trên đảo, cô bạn gái hành nghề y sĩ giải phẫu kiếm tiền nuôi ông, còn ông ở lì trong nhà, đọc sách và trồng phong lan.
Người ta vẫn chưa hiểu lý do nào thúc đẩy ông trở lại cuộc đời hóa học gia và chế tạo võ khí Disa. Một phần, có lẽ ông là người Tàu, ông cảm thấy đau xót trước cuộc tiến quân vũ bão của Nhật, đè bẹp Trung Quốc ông, và sửa soạn đè bẹp đảo Tân Gia Ba nơi ông đang sinh sống yên ổn. Ông nhận thấy không thể khoanh tay nhìn Nhật đại thắng. Trong một phút nào đó, ông nẩy ra ý định sản xuất chất độc Disa, dùng nó làm phương tiện lật ngược thế cờ.
Một phần là do sự thuyết phục của cô bạn gái khi ấy đã trở thành vợ ông. Nàng cũng là người Tàu, gia đình từng sống nhiều năm ở Viễn Đông. Vụ 85 phi cơ Nhật đánh đắm hai chiến hạm lớn nhất của Anh (2) ở gần đảo đã làm nàng xúc động dữ dội. Vì trong số 840 sĩ quan và thủy thủ bị thiệt mạng có những người nàng quen thân.
Nàng vận động ngầm với viên tướng tư lệnh xin phương tiện cho Fat-yew mở phòng phí nghiệm. Viên tướng này yêu cầu Fat tản cư qua quần đảo Sumatra hầu được an toàn hơn, song Fat cương quyết từ chối. Trước sự cứng đầu của Fat, người ta đành cho Fat hành động theo ý muốn. Fat không thể xử dụng các công ốc vì lệnh phá hủy tài sản trên đảo đã được ban hành, hơn nữa, đạo quân thứ 5 của Nhật có rất nhiều tai mắt có thể tìm cách ngăn cản, bắt cóc hoặc ám sát Fat, nên người ta bố trí cho Fat làm việc trong một xí nghiệp tư nhân trong khu Hoa Kiều. Đó là nguyên nhân thầm kín tại sao thống đốc Tô Mát không cho phép tướng Sim Sơn san thành bình địa các nhà máy của người Tàu.
Ngày 15-2-1942, Tân Gia Ba đầu hàng. Trước ngày đó, Fat-yew vẫn ở lại trên đảo. Ngày 12-2, phi cơ Nhật oanh tạc nhà máy mà Fat đặt phòng thí nghiệm. Cả tòa nhà bị sập, nạn nhân lên đến ba, bốn trăm mạng, song Fat không bị thương, dụng cụ thí nghiệm cũng chỉ bị hư hao nhẹ. Fat bèn dọn đến vệnh viện Toàn Khoa (3) nơi vợ ông làm y sĩ giải phẩu.
Tình hình chung hoàn toàn tuyệt vọng. Gần một triệu người bị vây chặt trong một vùng đất rộng 5 cây số đường bán kính, nước máy chỉ còn đủ dùng trong vòng 24 giờ đồng hồ, lương thực thiếu hụt, phi cơ địch lại oanh kích liên tục và bừa bãi bất kể giờ giấc vì khi ấy không quân Anh đã hoàn toàn vắng bóng.
Bệnh viện Toàn Khoa, nơi Fat-yew tạm trú biến thành nhà xác khổng lồ, mùi hôi thối xông lên nồng nặc, người chết la liệt, chôn không kịp, hoặc không có ai lo chôn, ngoài sân, trong nhà, trên giường, dưới đất, thậm chí trên bậc thang lầu cũng đầy ngập xác chết. Giữa quang cảnh hỗn loạn thê thảm ấy, Fat-yew hoàn thành xong những liều đầu tiên của độc chất Disa.
Trưa 13-2, dân chúng được lệnh đổ hết rượu. Trong khi hàng vạn chai huýt ki bị đập vỡ ngoài đường thì trong phòng thí nghiệm Fat-yew đóng độc dược vào thùng sắt.
Đúng 2 giờ chiều, một cuộc họp mật giữa các viên chức quân chính cao cấp diễn ra tại đồn Can Nin (4) . Cuộc họp này duyệt xét tình hình kháng cự trên đảo, tuy nhiên, vấn đề di chuyển chất độc Disa cũng được đề ra. Chỉ có hai nhân viên MI-6 biết rõ về chất độc Disa, các nhân vật khác phó hội hôm ấy không hề được hỏi ý kiến, và sau này, khi chiến tranh chấm dứt, họ được phỏng vấn thì họ đều nói không biết.
Ngày 14-2-1942, hai nhân viên MI-6 hộ tống vợ chồng Fat-yew trên đoàn tàu cuối cùng rời Tân Gia Ba. Khoảng 3.000 người, gồm nữ trợ tá, chuyên viên quân chính được chính thức tản cư trong ngày 14. Đó là chưa kể hàng ngàn người tản cư phi pháp, trong số có rất nhiều đào binh. Và đàn bà, trẻ con nữa. Mọi người chất lên tàu lớn, tàu nhỏ, thuyền, đò đủ cở. Hầu hết đều bị tàu chiến và máy bay Nhật chặn đánh trước khi ra đến ngoài khơi và đều bị đánh đắm.
Vợ chồng Fat-yew cùng hai nhân viên MI-6 hộ tống được đưa lên tàu Li Wo (5) . Chiếc Li Wo rời đảo với 8 sĩ quan chỉ huy, 68 thủy thủ và một số hành khách không biết rõ là bao nhiêu. Con tàu bị phi cơ Nhật oanh kích liên tục, song ngờ sự điều khiển khéo léo của thủy thủ đoàn, nó không bị ăn bom. Không may cho nó, vừa thoát khỏi các đợt oanh kích dữ dội của không quân thì nó lại đụng đầu một bộ phận của hải quân Nhật trên đường đổ bộ Nam dương. Mặc dầu chỉ được võ trang đại bác cũ, với một khẩu 100 ly ọp ẹp và 13 viên đạn cuối cùng, cộng 2 khẩu trung liên, nó vẫn phải chống trả và kết quả nó bắn trúng một tàu vận tải, bốc cháy ngụt trời. Nó bị một chiếc tuần dương hạm Nhật hành hạ tàn nhẫn trong suốt giờ rưỡi đồng hồ. Sau khi xài hết 13 viên đạn, hạm trưởng ra lệnh mở hết tốc lực, tông con tàu đã bị méo mó và què cụt giữa đoàn công voa địch. Và nó bị bắn tan xác.
Chỉ có 10 người trên tàu Li Wo sống sót.
Trong số này không thấy tên vợ chồng Fat-yew và hai nhân viên MI-6.
Vụ độc chất Disa được giữ bí mật nên sự biệt tích của những người trong cuộc không gây ra phản ứng nào. Hơn nữa, tàu Li Wo vừa chìm ngoài khơi thì ở trên đảo, quân đội Nhật do tướng Yamashita chỉ huy đã trở thành chủ nhân ông, các viên chức Anh cao cấp đều bị cầm tù.
Sau đó, tổng hành doanh quân đội Anh tại Viễn Đông đã đặc biệt lưu ý đến sự biệt tích của Fat-yew. Tháng 9-1943, nghĩa là năm rưỡi sau, một lực lượng biệt kích được gửi đến vùng ven biển Tân Gia Ba.
Thư khố chiến tranh Thái Bình Dương ghi nhận là đai úy Lai ơn (6) được ủy thách thi hành kế hoạch Jaywick, gồm 3 chiếc ca nô, mỗi ca nô chở 2 đội com măn đô, với nhiệm vụ vược trùng dương đến sát đảo, gắn mìn từ thạch nặng 7 kí mỗi trái vào vỏ tàu Nhật bỏ neo ở hải cảng. Và kết quả là Lai-ơn thành công vẻ vang, 7 chiến hạm Nhật bị đắm. Hai đội com măn đô đã làm một việc không tiền khoáng hậu: họ đã lênh đênh trên biển đúng 48 ngày đêm, và vượt hơn 6.000 cây số, gặp hàng chục khó khăn, tính mạng luôn luôn bị đe dọa.
Kế hoạch Jaywick do đại úy Lai-ơn thực hiện mới là công tác dò đường. Đầu năm 1944, MI-6 phái sang một đội biệt kích khác, gồm toàn người nhái kinh nghiệm, lục lọi vùng biển nơi chiếc Li Wo bị bắn chìm.
Tháng 9-1945, Tân Gia Ba thoát khỏi ách Nhật. Tình báo Anh Quốc lập tức bắt tay vào việc tìm vớt xác tài Li Wo. Họ vẫn chẳng thấy gì hết. Vợ chồng Fat-yew và hai nhân viên MI-6 tiếp tục biệt tích, MI-6 tạm cho là họ đã bị cá ăn thịt. "Tạm cho" vì MI-6 không nắm được chi tiết cụ thể nào chứng tỏ họ đã thật sự có mặt trên tàu Li Wo đến khi tàu đắm. Vì ngay cả tướng Percival ra lệnh tản cư vợ chồng Fat-yew cũng chỉ biết là họ đã rời đảo, còn rời giờ nào, có đáp tàu Li Wo hay không, họ còn sống hay đã chết, thì hoàn toàn mù tịt.
Hồ sơ Disa được cất dưới đáy tủ MI-6 ở Luân Đôn.
Đối với MI-6 vụ Fat-yew được coi như kết thúc, gia đình Fat thiệt mạng, những chai lọ đựng chất độc rớt xuống đáy biển. Những chai lọ này không nhiễm độc đại dương vì chúng được đóng kỹ trong thùng thép, gồm nhiều lớp vỏ chồng chận lên nhau, như thể bình thủy đựng nước nóng. Theo MI-6 thì đáy biển chung quanh Tân Gia Ba bị lún sâu sau khi Pháp thí nghiệp bom nguyên tử ở Tân Đảo kế cận nên thùng thép độc dược Disa bị kẹt trong những hang ngầm, và không có hy vọng nào trục vớt lên nữa.
Tình báo Trung Hoa quốc gia lại không nghĩ như MI-6. Họ có nhiều nhân viên trong các bang Hoa kiều ở Tân Gia Ba nên họ tiếp tục công cuộc điều tra. Sau ngày Mao làm chủ lục địa, họ chuyển hồ sơ Disa cho C.I.A..
Ai cũng tưởng vụ Disa đã bị thời gian nhận chìm. Không ngờ nó chỉ chợp ngủ hơn 20 năm ròi thức dậy. Thức dậy với những đe dọa ghê gớm của trái siêu bom nguyên tử treo trên đầu nhân loại.
Một buổi đẹp trời kia, tổng hành doanh C.I.A. ở Lan gờ li tiếp được một bức thơ lạ. bức thư được đánh máy, chỉ gồm mấy chữ cộc lóc:
"Hãy mở hồ sơ Disa."
Một bức thư tương tự được gởi tới tổng hành doanh MI-6 ở Luân Đôn. Hai ông Sì-mít - và M. tổng giám đốc C.I.A. và MI-6 gặp nhau để bàn bạc. Thoạt tiên, hai ông cho rằng bức thư lạ chỉ là trò đùa tinh quái của một cựu viên chức an ninh nào đó ở Tân Gia Ba, gần xa dính líu đến vụ Disa. Hai ông mở lại tập hồ sơ ám bụi nghiên cứu kỹ lưỡng rồi quyết định chờ đợi. Vì nếu là công việc làm ăn có tính toán, người lạ sẽ gởi thư tiếp.
Hai ông khỏi phải chờ lâu lắt. Vì chỉ một tuần sau, họ nhận được lá thư mới. Nội dung như sau:
"Nếu quý vị muốn nhận mẫu hàng trước để làm bằng, chúng tôi xin thỏa mãn. Quý vuị hãy đăng trong mục Rao Vặt của nhật báo Pháp Buổi Chiều ra trong tuần này một bản tin ngắn gởi cho ông Hsiang, nhắn là chấp thuận điều kiện, đồng thời cho một địa chỉ nào đó tại Ba Lê hầu ông Hsiang có thể liên lạc thư từ."
Từ đó, thư đi thư lại giữa một hộp thư của C.I.A. ở Ba Lê và con người tự xưng là Hsiang. Một tháng sau mới có một bức thư quan trọng:
"Tiếp theo những thư từ trao đổi giữa quý vị và chúng tôi, xin đính kèm theo đây cái ve đựng chất Disa.
Quý vị đã giữ hồ sơ Disa nên không thể không biết rằng chất Disa được đóng trong nhiều thùng thép khác nhau. Ve này được lấy ra từ thùng thép nhỏ nhất. Nó được làm bằng thủy tinh riêng, rớt xuống đất không vỡ, nút nó được khằng kỹ lưỡng như nút chai nước hoa, hơn nữa, nó còn được bọc sáp bên ngoài. Quý vị sẽ có thể nhìn thấy là vỏ sáp còn nguyên vẹn. Đề phòng tai nạn, nó còn được bỏ trong hộp thép có nắp, và nắp mở cũng khằng kín bằng sáp. Yêu cầu quý vị thận trọng: khi mở hộp cũng như mở ve, không được đặt gần nơi phát nhiệt lượng như lò sưởi, tủ lạnh, vân vân… vì nhiệt lượng có thể làm nổ.
Việc gì ra việc nấy, chúng tôi yêu cầu hoàn trả cho chúng tôi số tiền 20 đô la Mỹ, tổng cộng tiền tem, tiền gửi bảo đảm từ trước đến nay. Riêng về ve Disa, xin biếu không để gây tín nhiệm.
Sở dĩ chúng tôi gửi ve Disa đến quý vị là vì quý vị còn nghi ngờ. Chúng tôi giành cho quý vị một thời gian để thí nghiệm, nghiên cứu và bàn cãi vì điều kiện của chúng tôi là hai tháng tròn kể từ ngày ve Disa được gửi đi.
Điều kiện được liệt kê như sau:
Quý vị sẽ chuyển vào trương mục của chúng tôi tại ngân hàng O.d.B. (7) ở Thụy Sĩ số tiền 20 triệu Mỹ Kim. Xin nhắc lại, 20 triệu Mỹ Kim. Số tiền này được đổi lấy toàn thể những thùng thép đựng Disa do Fat-yew chế tạo.
Xin quý vị miễn trả giá. 20 triệu đô la Mỹ nhiều đấy, song nó chỉ bằng cái móng tay đối với những quốc gia tung vãi hàng tỷ đô la để phóng phi thuyền lên mặt trăng. Phương chi, 20 triệu đô la này sẽ không do một quốc gia nào đơn phương thanh toán, mà do các đồng minh trong khối Tây Phương hùn góp.
Trong trường hợp quý vị không chấp nhận, chúng tôi đành phải thương lượng với phe chống lại quý vị. Nói rõ hơn, chúng tôi sẽ tiếp xúc với GRU Sô Viết và Quốc Tế Tình Báo Sở Trung Hoa. Chúng tôi nghĩ rằng Sô Viết và Trung Hoa sẽ trả tiền ngay, không mất thời giờ mặc cả lôi thôi. Quý vị hẳn đã tiên liệu được trường hợp GRU và Quốc Tế Tình Báo Sở trở thành sở hữu chủ các thùng Disa. Chúng tôi tin chắc họ sẽ không ngần ngại dùng nó làm áp lực trên trường chính trị quốc tế.
Trong trường hợp quý vị chấp thuận, xin cắt cử một nhân vật có thẩm quyền tiếp xúc với chúng tôi. Với nhân vật này, chúng tôi sẽ nói rõ về thể thức giao hàng và thể thức trả tiền. Để tiện việc, chúng tôi mạn phép đề nghị ông Cheng Ho ở Tân Gia Ba làm đại diện của quý vị để gặp gỡ chúng tôi. Cheng Ho từng được người Anh khen ngợi trong những ngày kháng Nhật trên đảo, trước kia là cán bộ hữu công của tình báo Trung Hoa quốc gia và hiện nay có liên hệ với C.I.A., chúng tôi thiết nghĩ không ai hội đủ điều kiện bằng Cheng để tiếp tục cuộc điều đình.
Chúng tôi đã tính toán và sắp đặt chu đáo. Việc chúng tôi làm hôm nay không phải là ngẫu hứng hoặc phiêu lưu liều lĩnh. Mà là kết quả của nhiều tháng, nhiều năm nghiên cứu tỉ mỉ.
Cầu mong Thượng Đế ban phép cho quý vị được sáng suốt để tránh những thảm cảnh mới cho nhân loại.
Nay kính
Hsiang-pen Lih.
Bức thư của Hsiang đã mang lại cho ông Sì-mít, tổng giám đốc C.I.A. khá nhiều sửng sốt. Hsiang phải là kẻ có tai mắt bên trong C.I.A. mới biết được hoạt động của Cheng Ho. Dầu sao bức thư cũng giúp C.I.A. xác định được một điểm quan trọng: Hsiang có mặt ở Tân Gia Ba và có thể là các thùng sắt đựng độc dược Disa vẩn còn ở trong vùng.
Ông Sì-mít thảo luận với ông M. Và các đồng minh khác, trong số có ông Hoàng, tổng giám đốc sở Mật Vụ Nam Việt. Ông Sì-mít bằng lòng trả hết số tiền 20 triệu mỹ kim do Hsiang đòi hỏi với điều kiện các cơ quan bạn giao cho ông toàn quyền hành động, và riêng MI-6 đảm bảo sẽ thuyết phục Tân Gia Ba hợp tác chặt chẽ.
C.I.A. mở lại hồ sơ cá nhân của Cheng Ho mổ xẻ từng li từng tí.
Cheng xuất thân từ một gia đình không tai tiếng và suốt từ ngày cắp sách đến trường đến khi thành nhân, Cheng chưa làm điều gì trái luật pháp hoặc bị dư luận dị nghị. Hắn lại lập được nhiều thành tích can đảm trong thời gian Tân Gia Ba bị quân Nhật bao vây. Tình báo Trung Hoa quốc gia không ngớt lời khen ngợi. Người Ang cũng cấp bằng tưởng lục. Và trong những năm phục vụ C.I.A., hắn đã làm cấp trên vừa lòng.
Tuy nhiên, hồ sơ cá nhân của Cheng Ho có một vài điểm cần được tìm hiểu cặn kẽ hơn nữa. Hắn có bộ vó hiền lành, ốm o, nhưng thật ra hắn là võ sĩ hữu hạng, hắn đã mở trường dạy võ Thiếu Lâm ở Chợ Lớn. Hắn học võ khi nào? Học vỡ với mục đích gì? Tại sao không dạy ở Tân Gia Ba mà lại cất công đến Sàigòn mở trường? Đời tư của hắn lại chứa đựng nhiều bí mật. Sau thế chiến, dường như mẹ hắn trở về Ấn Độ rồi biệt tích luôn. Người em gái hắn biệt tích trong cuộc di tản khỏi đảo năm 1942 và hắn không hề nhắc tới. Vợ hắn cũng là một đề tài thắc mắc. Khu Hoa kiều có hai chị em hoa khôi, hàng trăm thanh niên Tàu bỏ ăn bỏ ngủ, thế mà Cheng đã quá tứ tuần, chẳng lấy gì làm đẹp trai và giàu có lại vớ được cô chị, Vân Kiều để gá nghĩa trăm năm. Và không hiểu sao Vân Kiều lại mắc bệnh thần kinh và cũng biệt tích?
Vì những thắc mắc này, C.I.A. chỉ cho phép Cheng Ho đại diện để thương lượng với Hsiang nhưng không được trao toàn quyền. Người có toàn quyền quyết định tại chỗ là đại tá Z.28, tức Tống Văn Bình của Sở Mật Vụ Việt Nam.
o O o
Do đó, Văn Bình tất tưởi đến Tân Gia Ba.
Nhưng chàng chỉ đến nơi kịp thời để vuốt mắt cho Cheng Ho, sợi dây liên lạc duy nhất với Hsiang-pen Lih, chủ nhân ông các thùng thép đựng chất độc Disa có thể tàn sát cả nhân loại….
Chú thích
1. Phát minh khoa học này được coi là bí mật hạng nhất ở Hoa Kỳ và Liên Sô. Loại cá lòng tong có chất độc được gọi là phankton đuôi dài lòng thòng. Chất độc kể trên còn mạnh hơn cả Clostridium botulinun A (Xin nhớ A mạnh gấp 5 lần chất B được tìm ra mười mấy năm trước). Chỉ cần 410 gờram là có thể giết chết được toàn thể nhân loại. Nó có tác động ngăn chận chất acetylcholine được tiết ra trong cơ thể, khiến nạn nhân tê liệt thành kinh, bị nghẹt thở mà chết.
2. Đó là chiến hạm Prince of Wales và Repulse
3. Tức là General Hospital.
4. Tức là Fort Canning. Phiên họp này được đặt dưới quyền chủ tọa của trung tướng Percival,với sự tham dự của các tướng Heath, Gordon Bennet, Keith Simmons, Beck with Smith và Key. Theo tài liệu lịch sử, phiên họp này quyết định việc đầu hàng Nhật.
5. Liwo vốn là tàu buôn, trọng tải 707 tấn, thường chở hàng chuyến trên sông Dương Tử, được nhà cầm quyền Anh trưng dụng năm 1940 để làm tàu tuần tiễu ở Mã Lai. Thuyền trưởng là đại úy T.S. Wilkinson.
6. Tức là đại úy Ivan Lyons. Toán biệt kích do ông chỉ huy xuất phát từ Úc Châu trên một con tàu đánh cá cũ Nhật Bản tên là Krait.
7. Tức là Overseas Development Bank (ngân hàng phát triển hải ngoại) ở Giơ neo, Thụy Sĩ.