Nguyên tác: 倚天屠龍記
Số lần đọc/download: 26888 / 924
Cập nhật: 2018-05-25 23:16:08 +0700
Hồi 38 Quân Tử Khả Khi Chi Dĩ Phương
Dao đồ tể bỏ xuống,
Vạn ác đều tiêu tan.
Bờ mê và bến giác,
Cách nhau chỉ một gang.
o O o
T
rên quảng trường tiếng người im lặng dần, lão tăng trong Đạt Ma Đường đứng sau lưng Không Trí lại dõng dạc nói:
- Chúng ta cứ theo đúng qui củ các vị anh hùng đã định ra, bắt đầu tỉ võ. Đao thương quyền cước không có mắt, nếu có chết ai cũng là do số trời. Môn phái bang hội nào võ công cao cường nhất còn lại sau cùng thì đao Đồ Long và Tạ Tốn sẽ thuộc về người đó.
Trương Vô Kỵ lông mày hơi nhíu lại, nghĩ thầm: "Lão hòa thượng này sợ người ta ra tay không đủ mạnh, oán cừu các phái kết không sâu, bụng dạ đâu có từ bi như Không Kiến, Không Văn các vị thần tăng".
Vì đã qui định mỗi người đấu xong hai trận thì được nghỉ ngơi nên đánh trước đánh sau không mấy khác biệt, lập tức có người đứng ra giữ trận, lại có người tiến lên khiêu chiến, chỉ một thoáng đã có sáu người chia thành ba cặp đấu với nhau. Triệu Mẫn từ khi ở chùa Vạn An tập luyện tuyệt nghệ của sáu đại môn phái đến nay, tuy chưa đến đâu nhưng kiến thực quả rộng rãi hơn người, đứng giữa Trương Vô Kỵ và Phạm Dao, nghị luận nho nhỏ về võ công của sáu người này, đoán ai thắng ai bại, nói năng rất mạch lạc đầu đuôi. Chỉ chừng thời gian uống một chén trà, trong ba đôi đã có hai đôi phân thắng bại, chỉ còn một cặp vẫn dây dưa, rồi lại có người khiêu chiến với những kẻ thắng, trở thành sáu người ba đôi nữa đấu tiếp. Hai đôi mới đấu dùng binh khí, kẻ lên người xuống, mười phần thì đến tám chín có máu chảy mới phân được thua.
Trương Vô Kỵ nghĩ thầm: "Nếu cứ đấu như thế này, các bang hội môn phái thể nào cũng tổn thương hòa khí rất nặng, dẫu không ai bỏ mạng nhưng phái nào thua rồi cũng sẽ tìm cách báo thù hóa ra thành một tai họa tự tàn sát lẫn nhau thật ghê gớm".
Trên đấu trường, Chấp Pháp trưởng lão của Cái Bang đánh ông già lùn của phái Hoa Sơn một chưởng hộc máu tươi, ông già cao liền ngoạc mồm chửi:
- Đồ ăn mày thối tha, đồ ăn mày bẩn thỉu!
Y tung mình nhảy ra toan khiêu chiến với Chấp Pháp trưởng lão của Cái Bang. Ông già lùn nắm tay sư đệ kéo lại nói nhỏ:
- Sư đệ, ngươi đánh không lại y đâu, chi bằng mình cố nhịn một phen.
Ông già cao bực bội nói:
- Đánh không lại cũng cứ đánh.
Tuy miệng nói thế, kỳ thực y biết rằng sư huynh võ nghệ chiêu số cũng như mình nhưng tu tập cao siêu hơn nhiều, sư huynh đã bại trận, thì y không thể nào thắng được, bị ông già lùn giữ lại bèn luôn mồm chửi bới quay trở về lều.
Kế đó Chấp Pháp trưởng lão lại thắng luôn chưởng môn phái Mai Hoa Đao, thắng luôn hai trận, trong tiếng hoan hô như sấm động của đệ tử Cái Bang, đắc ý dương dương quay về chỗ.
Cứ như thế ta đi ngươi tới, trên quảng trường đấu luôn hai giờ, mặt trời đã ngả về tây, người xuất chiến càng lúc võ công càng thêm mạnh. Bao nhiêu người vốn hùng tâm bừng bừng, nhất định phen này tại anh hùng đại hội nở mày nở mặt, tỏ lộ uy phong thế nhưng thấy võ công của người khác mới biết mình đúng là ếch ngồi đáy giếng, có lên Thái Sơn mới biết trời cao đất rộng, thành ra không dám xuất trường nữa.
Đến khoảng giờ thân, Chưởng Bát long đầu của Cái Bang ra khiêu chiến, đánh cho Bành Tứ Nương của Bài Giáo ở Tương Tây một trận tơi bời. Lưng Bành Tứ Nương bị rách một mảng lớn, xấu hổ quá vội đi xuống. Chưởng Bát long đầu nhìn phái Nga Mi, cười khẩy nói:
- Đàn bà con gái có gì là chân thực bản lãnh đâu? Chẳng ỷ vào đao kiếm sắc bén, thì cũng nhờ ám khí quái lạ, vị Bành Tứ Nương này luyện đến mức đó kể cũng không phải dễ.
Chu Chỉ Nhược nói nhỏ với Tống Thanh Thư mấy câu, Tống Thanh Thư gật đầu, chậm rãi bước ra, chắp tay chào Chưởng Bát long đầu nói:
- Long đầu đại ca, để tôi lãnh giáo cao chiêu của đại ca.
Chưởng Bát long đầu vừa thấy Tống Thanh Thư, đã giận đến xanh cả mặt, lớn tiếng nói:
- Họ Tống kia, ngươi là đưa gian tặc nhận lệnh của Trần Hữu Lượng trà trộn vào trong Cái Bang. Việc giết chết Sử bang chủ, ngươi chắc cũng có dự phần, hôm nay ngươi còn dám vác mặt ra gặp ta ư?
Tống Thanh Thư lạnh lùng đáp:
- Trên giang hồ việc trà trộn vào hang ổ địch thám thính cơ mật cũng là chuyện thường, ai bảo bọn ăn mày chúng bay có mắt như mù, không biết rõ bản lai diện mục của Tống đại gia?
Chưởng Bát long đầu chửi toáng lên:
- Đến như phái Võ Đương là bố đẻ ra ngươi, ngươi còn phản bội thì có việc gì ngươi không làm? Ngươi với cha thì bất hiếu, tương lai với vợ rồi cũng bất nghĩa. Phái Nga Mi thể nào rồi cũng tan tành vì ngươi thôi.
Tống Thanh Thư tức đến mặt đanh lại không còn chút máu nói:
- Ngươi giở rắm giở thối ra đã xong chưa nào?
Chưởng Bát long đầu không thèm nói nữa, vù một tiếng đánh ngay ra một chưởng. Tống Thanh Thư lùi lại tránh được, giơ tay phất một cái dùng Kim Đính Miên Chưởng của phái Nga Mi chống đỡ. Chưởng Bát long đầu giận y trà trộn vào Cái Bang nên chiêu nào cũng dùng sát thủ, đánh thí mạng ác độc dị thường không phải chỉ là tỉ võ so tài như những người khác.
Chưởng Bát long đầu trong Cái Bang địa vị chỉ dưới bang chủ và hai Truyền Công, Chấp Pháp trưởng lão tài nghệ quả thực không phải bình thường. Tống Thanh Thư tuy là một nhân vật lỗi lạc trong đám đệ tử đời thứ ba của phái Võ Đương nhưng vì mới tập luyện Kim Đính Miên Chưởng nên chưa thuần thục thành thử những chỗ tinh vi ảo diệu trong pho chưởng pháp này không thi thố được. Đấu đến bốn năm chục hiệp tới lúc gặp hiểm nguy y đành sử dụng Miên Chưởng của phái Võ Đương ra sách giải. Đó là võ công y học từ khi còn nhỏ đã từng luyện tập hơn hai chục năm, đầu nghĩ sao tay làm vậy cho nên uy lực rất lớn, tuy bề ngoài trông cũng hao hao như Kim Đính Miên Chưởng của phái Nga Mi nhưng phép vận kình sách chiêu hoàn toàn khác hẳn.
Người đứng xem không ai rõ chỗ đó lại tưởng y dần dần lấy lại uy thế nhưng Ân Lê Đình càng coi càng giận, kêu lên:
- Thằng nhãi Tống Thanh Thư kia, ngươi quả thật mặt dầy. Đã phản bội phái Võ Đương sao lại còn dùng công phu của Võ Đương để cứu mạng? Ngươi không cần cha ngươi nữa sao vẫn còn dùng công phu võ học cha ngươi truyền cho ngươi?
Tống Thanh Thư mặt đỏ bừng quát lên:
- Công phu của Võ Đương có gì ghê gớm đâu? Coi cho kỹ này!
Tay trái y đột nhiên chộp vào mặt Chưởng Bát long đầu, xoay qua trái rồi đảo ngược qua phải, biến hóa liên tiếp bảy tám chiêu hoa dạng, bất thần tay phải vươn ra, nghe bộp một tiếng, năm ngón tay cắm luôn vào sọ Chưởng Bát long đầu. Người bên ngoài còn đang ngạc nhiên, thấy năm ngón tay y máu me đầm đìa, còn Chưởng Bát long đầu ngã lăn ra, chết ngay lập tức. Tống Thanh Thư cười nhạt nói:
- Phái Võ Đương có công phu đó chăng?
Trong khi mọi người còn la ó kinh hãi, tám người trong Cái Bang đã nhảy ra, hai người đỡ thi thể Chưởng Bát long đầu, còn sáu người kia xông vào tấn công Tống Thanh Thư. Sáu người đó đều là hảo thủ của Cái Bang, trong đó bốn người tay cầm binh khí, khiến cho Tống Thanh Thư lâm vào thế cực kỳ nguy cấp.
Một hòa thượng to béo đứng sau lưng Không Trí đại sư liền quát lên:
- Các vị trong Cái Bang đông người đánh một, chẳng làm hỏng qui củ anh hùng đại hội hôm nay hay sao?
Chấp Pháp trưởng lão liền kêu lên:
- Các ngươi lui xuống, để bản tọa báo thù cho Chưởng Bát long đầu.
Các đệ tử Cái Bang liền nhảy lùi về phía sau, khiêng xác Chưởng Bát long đầu về lều của mình, ai nấy phẫn nộ, hầm hầm nhìn Tống Thanh Thư. Quần hùng ai nấy nghĩ thầm: "Tuy nói rằng hai bên tỉ thí chết ai nấy chịu nhưng tên họ Tống này ra tay quả là tàn độc quá".
Trương Vô Kỵ nghĩ đến năm lỗ hổng trên vai Triệu Mẫn cùng cái chết thảm khốc của vợ chồng Đỗ Bách Đương đêm hôm nọ nơi căn nhà tranh, run run hỏi:
- Dương tả sứ, sao phái Nga Mi lại có môn võ công tà độc như thế nhỉ?
Dương Tiêu lắc đầu nói:
- Thuộc hạ chưa thấy loại công phu này bao giờ. Thế nhưng sáng phái tổ sư của phái Nga Mi có ngoại hiệu Tiểu Đông Tà, võ công nếu như có ba phần tà khí cũng không lấy gì làm lạ.
Hai người còn đang nói chuyện thì Tống Thanh Thư và Chấp Pháp trưởng lão đã xông vào đánh nhau. Chấp Pháp trưởng lão thân hình bé nhỏ nhưng hành động cực kỳ nhanh nhẹn, mười ngón tay như móc như chùy, dùng Ưng Trảo Công đối phó với Tống Thanh Thư, xem ra sử dụng chỉ công cốt để chộp năm ngón tay vào thiên linh cái Tống Thanh Thư báo thù cho Chưởng Bát long đầu. Ban đầu Tống Thanh Thư cũng sử dụng Kim Đính Miên Chưởng để đấu với ông ta, đến lúc kịch liệt, Chấp Pháp trưởng lão quát lên một tiếng:
- Tiểu cẩu tặc!
Năm ngón tay trái chộp vào đầu Tống Thanh Thư, đang toan sử kình ấn vào thì Tống Thanh Thư đã vươn tay trái ra, nghe cách một tiếng, năm ngón tay y đã cấu vào yết hầu Chấp Pháp trưởng lão.
Chấp Pháp trưởng lão ngã nhào về trước, kình lực tay trái chưa giảm, cắm sâu vào mặt đất, máu me vung vãi đầy mặt đất lập tức chết liền. Chu Chỉ Nhược giơ tay ra hiệu, tám nữ đệ tử phái Nga Mi cầm trường kiếm nhảy ra, từng đôi dựa lưng vào nhau đứng chắn bốn góc, vây Tống Thanh Thư vào giữa, Cái Bang đệ tử nếu như xông lên tấn công thì sẽ thành thế hỗn chiến ngay.
Một lão tăng thuộc Đạt Ma Đường liền sang sảng nói:
- Ba mươi sáu đệ tử của La Hán Đường đợi lệnh.
Ông ta vỗ tay ba cái, ba mươi sáu nhà sư Thiếu Lâm mặc áo vàng liền nhảy ra, mười tám người cầm thiền trượng, mười tám người cầm giới đao, kẻ trước người sau, chia ra khắp nơi, trông tưởng như trận pháp mà lại không phải trận pháp, trấn giữ các nơi hiểm yếu.
Nhà sư đó lại tiếp:
- Tuân theo pháp chỉ của Không Trí sư thúc, ba mươi sáu đệ tử La Hán Đường giám quản qui củ anh hùng đại hội. Hôm nay đại hội thi tài tỉ võ, nếu có ai ỷ đông hiếp ít thì là kẻ địch chung của thiên hạ võ lâm. Phái Thiếu Lâm chúng tôi là vai chủ, bắt buộc phải duy trì công đạo. Ba mươi sáu đệ tử sẽ giám sát chặt chẽ, bất luận ai phạm phải qui củ đều sẽ giết ngay tại chỗ, quyết không dung tình.
Ba mươi sáu đệ tử Thiếu Lâm lớn tiếng đáp ứng, mắt đăm đăm nhìn vào giữa quảng trường. Kể từ lúc đó, phái Nga Mi đã phòng bị trước lại thêm phái Thiếu Lâm giám thị ở bên cạnh, các đệ tử Cái Bang tuy ai nấy đều vừa buồn vừa giận nhưng không còn dám xông lên động thủ, chỉ còn nước hung hăng chửi bới, rồi lên khiêng thi thể Chấp Pháp trưởng lão về.
Triệu Mẫn quay sang nói với Phạm Dao:
- Khổ đại sư, không ngờ phái Nga Mi lại có tuyệt chiêu như vậy, hôm trước ở chùa Vạn An, Diệt Tuyệt sư thái thà chết không chịu ra khỏi tháp tỉ võ có lẽ là vì thế đó.
Phạm Dao lắc đầu, trong lòng cố suy nghĩ làm sao sách giải được chiêu này. Y thẫn thờ một hồi, đột nhiên quay sang nói với Trương Vô Kỵ:
- Giáo chủ, thuộc hạ thỉnh giáo một lộ võ công.
Y để hai tay lên bàn, ngón tay trỏ và ngón tay cái bên trái, một trước một sau, cực kỳ linh hoạt lên lên xuống xuống, nói nhỏ:
- Hai tay tôi liên tiếp tấn công giữ riệt lấy tay tiểu tử đó, vận nội lực chấn gãy khớp xương tay, chỉ lực của y tuy lợi hại thật nhưng không thể thi triển kỹ thuật đó được nữa.
Trương Vô Kỵ cũng đưa hai ngón tay trỏ, bên trái móc lại, bên phải nâng lên, nói:
- Cẩn thận đừng để y dùng chỉ đâm vào cánh tay.
Phạm Dao gật đầu đồng ý nói:
- Thuộc hạ sẽ dùng cầm nã thủ bắt lấy cổ tay y, dùng mười tám thế Uyên Ương liên hoàn đá vào hạ bàn.
Trương Vô Kỵ đáp:
- Tấn công mạnh mười tám chiêu liền khiến y không kịp thở.
Hai người bốn ngón tay lên xuống, nhanh nhẹn tuyệt luân kẻ đánh người đỡ. Phạm Dao đột nhiên mỉm cười:
- Mấy chiêu đó của giáo chủ quá ư thần diệu, tiểu tử đó trừ chỉ lực ra, võ công dẫu sao cũng chỉ có hạn, mấy chiêu đó khiến y không cách nào thi triển được.
Trương Vô Kỵ mỉm cười:
- Y không thi triển được ba chiêu đó thì Phạm hữu sứ dĩ nhiên thắng rồi.
Ngón tay trỏ bên trái của chàng liền đảo một vòng, ngón tay trỏ bên phải đột nhiên đâm luôn vào giữa móc lấy ngón tay Phạm Dao, mỉm cười yên lặng. Phạm Dao ngạc nhiên, chợt vui mừng:
- Đa tạ giáo chủ chỉ điểm, thuộc hạ thật là bội phục. Bốn chiêu đó thật ngoài sức tưởng tượng, mở mắt cho thuộc hạ, tiếc thay tôi không được bái giáo chủ làm thầy.
Trương Vô Kỵ đáp:
- Đây là Loạn Hoàn Quyết trong thái cực quyền pháp do thái sư phụ tôi truyền cho, yếu chỉ nằm ở tay trái đảo mấy vòng. Gã họ Tống kia tuy xuất thân từ Võ Đương nhưng chắc y chưa hiểu được chỗ tinh vi đó đâu.
Phạm Dao đã sẵn có chủ định biết đường chế ngự được Tống Thanh Thư, tuy nhiên Tống Thanh Thư mới thắng luôn hai trận, theo qui củ có thể lui xuống nghỉ ngơi, phải đợi y xuất trường lần tới mới tiến lên khiêu chiến được.
Triệu Mẫn mỉm cười, vẻ thật nhí nhảnh đi qua phía bên kia. Trương Vô Kỵ chạy theo hạ giọng hỏi:
- Mẫn muội có chuyện gì mà vui thế?
Đôi má trắng như ngọc của Triệu Mẫn ửng hồng, cúi đầu nói:
- Chàng truyền cho Phạm hữu sứ mấy chiêu võ công, chỉ giúp chấn gãy cánh tay Tống Thanh Thư, sao chàng không dạy giết y luôn thể?
Trương Vô Kỵ đáp:
- Tống Thanh Thư tuy làm nhiều chuyện bất nghĩa nhưng dẫu sao cũng là đứa con duy nhất của Tống đại sư bá, nên để chính đại sư bá phân xử thì hơn. Nếu anh bảo Phạm hữu sứ lấy mạng y e rằng không phải với đại sư bá.
Triệu Mẫn cười nói:
- Chàng giết y, Chu gia tỉ tỉ sẽ thành quả phụ, gá lại duyên xưa chẳng hay hơn ư?
Trương Vô Kỵ cười nói:
- Thế em có để cho anh lấy không?
Triệu Mẫn mỉm cười nói:
- Thiếp chỉ mong có bấy nhiêu để đến khi chàng thay lòng đổi dạ, cô nàng sẽ khoét năm cái lỗ trên ngực kẻ bạc tình.
Trong khi Trương Vô Kỵ trao đổi chiêu thức với Phạm Dao thì Tống Thanh Thư đã được tám nữ đệ tử phái Nga Mi hộ vệ quay trở về lều. Mọi người thấy y dùng năm ngón tay giết hai người thật là kinh tâm động phách, ai nấy nổi da gà, không người nào nghĩ đến chuyện đứng ra mạo hiểm. Một lúc sau, Tống Thanh Thư lại nhẹ nhàng tiến ra giữa sân, ôm quyền nói:
- Tại hạ nghỉ ngơi đã xong, không biết có vị anh hùng nào lên dạy bảo chăng?
Phạm Dao đáp lời:
- Để ta lên lãnh giáo tuyệt học của phái Nga Mi.
Y vừa toan nhảy ra, đột nhiên có một bóng màu tro thấp thoáng, một người đã đứng ngay trước mặt Tống Thanh Thư, quay sang nói với Phạm Dao:
- Phạm đại sư, xin ông nhường tôi một chuyến.
Người đó khí độ ngưng trọng, hai chân không phải chữ đinh cũng không phải chữ bát, tay ôm theo hình thái cực chính là Võ Đương nhị hiệp Du Liên Châu.
Phạm Dao thấy người hớt tay trên mình lại chính là sư bá của giáo chủ nên không tiện tranh giành chỉ nói:
- Phạm mỗ hôm nay may mắn được xem thần kỹ của Du nhị hiệp phái Võ Đương.
Tống Thanh Thư từ bé vẫn sợ vị sư thúc này thấy ông ta nín hơi vận khí, nghiêm trang thủ thế biết việc hôm nay chẳng phải là chuyện tập luyện giao đấu như hồi còn trên núi Võ Đương mà là chuyện một sống một chết, tuy y đã học được một loại võ công lạ lùng nhưng vẫn không khỏi khiếp đảm.
Du Liên Châu vòng tay nói:
- Mời Tống thiếu hiệp.
Ông hành lễ mà miệng xưng hô như thế rõ ràng cho đối phương biết ông không dám coi thường Tống Thanh Thư nhưng cũng không còn chút tình hương lửa gì nữa. Tống Thanh Thư không nói một lời, khom lưng chào. Vù một cái Du Liên Châu đã đánh ra một chưởng.
Du Liên Châu thành danh đã trên ba mươi năm thế nhưng chính mắt thấy ông ta hiển lộ thân thủ thì trong võ lâm chẳng có mấy người, mãi đến hôm nay mới thấy ông dùng nhu kình trên hai bàn tay hóa giải thế mãnh liệt Tích Lịch Lôi Hỏa Đạn, công lực tinh thuần như vậy ai nấy đều tự biết mình không sao bằng được. Trên giang hồ ai cũng biết yếu chỉ võ công của phái Võ Đương là dùng nhu khắc cương, chiêu số tuy chậm rãi nhưng biến hóa thật tinh vi ngờ đâu Du Liên Châu hai chưởng đánh như gió cuốn thực là nhanh nhẹn, chỉ trong nháy mắt Tống Thanh Thư đã bị trúng một đá một chưởng tại hông và đùi.
Tống Thanh Thư hết sức kinh hãi: "Thái sư phụ và gia gia đều muốn ta lên làm chưởng môn đời thứ ba của phái Võ Đương, không có võ công gì mà lại giữ kín không truyền thụ. Pho quyền cước nhanh như thế này của Du nhị thúc, chiêu thức ta đều đã học cả rồi nhưng xuất chiêu sao lại nhanh đến thế, chẳng phải là đại kỵ của bản môn hay sao? Đây ngờ lại ghê gớm đến như thế". Y muốn dùng công phu chỉ lực Chu Chỉ Nhược dạy cho nhưng bị Du Liên Châu ép cho đến không kịp thở thành thử chỉ liên tiếp lùi bước, hết sức bảo vệ môn hộ.
Mọi người chăm chú nhìn hai người đấu với nhau, tuy thấy Du Liên Châu chiếm được thượng phong nhưng khi nãy Tống Thanh Thư giết chết Cái Bang nhị lão, cũng đều là phản bại vi thắng, đang yếu thế đột nhiên tung sát thủ, việc đó không phải là không có thể xảy ra lần nữa. Du Liên Châu càng đánh càng nhanh nhưng mỗi chiêu mỗi thức đều thật rõ ràng, chẳng khác gì một ca sĩ đại tài, hát đến chỗ thật nhanh nhưng mỗi tiếng mỗi nốt đều vẫn đâu ra đấy, không một chút mơ hồ lẫn lộn.
Quần hùng lục tục đứng lên, những người đứng sau trèo cả lên bàn lên ghế, ai nấy tấm tắc:
- Võ Đương Du nhị hiệp danh bất hư truyền, tấn công nhanh đến không kịp thở mà chiêu thức không trùng nhau lần nào.
Thế nhưng Tống Thanh Thư là đệ tử đích truyền của phái Võ Đương, bao nhiêu tinh vi biến hóa trong quyền cước của Du Liên Châu y đã từng học qua, thế nhưng đánh nhanh như thế thì bây giờ mới gặp lần đầu. Trên quảng trường bụi vàng bay tung, thành một đám mây mù, bao phủ cả Du Tống hai người.
Bông nghe một tiếng bộp thật kêu, hai chưởng đụng nhau, cả Du Liên Châu lẫn Tống Thanh Thư đều bật ngược về sau, đám bụi cũng chia thành hai. Du Liên Châu chân chưa vững đã lại tung mình nhảy tới.
Ân Lê Đình lo lắng cho an nguy của sư huynh, nhích dần đến bên đấu trường, tay cầm cán kiếm, mắt chăm chăm nhìn vào hai người đánh nhau. Lúc này Tống Thanh Thư sống chết chỉ còn trong đường tơ kẽ tóc nên hết sức chống đỡ, không còn nghĩ gì tới chuyện hai môn phái khác biệt, sử dụng toàn là công phu Võ Đương luyện từ tấm bé. Hai người quyền cước chiêu thức, Ân Lê Đình đều thuộc nằm lòng, biết là chiêu nào cũng đều là sát thủ trí mạng, trong bụng so với người ngoài còn bồn chồn hơn nhiều. Thế nhưng thấy Du Liên Châu mỗi lúc một thắng thế, nếu không vì phải đề phòng Tống Thanh Thư đột nhiên giở đòn sát thủ đưa năm ngón tay chộp thành năm cái lỗ nên phải hết sức dè dặt thì đã lấy mạng y rồi.
Trương Vô Kỵ cũng lo lắng, trong tay cầm sẵn hai thanh thánh hỏa lệnh, nếu Du Liên Châu bị nguy hiểm đến tính mạng thì chàng sẽ không còn kể gì đến qui củ đại hội đành phải ném ra cứu sư bá.
Chỉ thấy bụi bay mù mỗi lúc một cao, Tống Thanh Thư đột nhiên năm ngón tay trái tung ra, chộp vào đầu vai phải của Du Liên Châu. Du Liên Châu trong hơn một trăm chiêu vừa qua vẫn đợi y thi triển ngón này, khi Tống Thanh Thư ra tay giết hại hai trưởng lão Cái Bang, ông đã nhìn rõ, nếu như không vì thấy trước lần đầu tiên gặp y dùng sát thủ thì dẫu không chết cũng bị thương nặng. Thế nhưng ông sớm biết trước nên trong bụng đã có phương pháp ứng phó rồi.
Tống Thanh Thư luyện môn trảo pháp này chưa bao lâu, biến hóa không được nhiều, lúc này lại giở ra, so với hai lần trước cũng chỉ đại đồng tiểu dị. Du Liên Châu vai phải nghiêng qua, tay trái vung lên xoay một vòng.
Triệu Mẫn và Phạm Dao hai người nhịn không nổi cùng kinh ngạc kêu lên "Ồ" một tiếng, hai vòng Du Liên Châu vừa hoa lên chính là chiêu Loạn Hoàn Quyết trong thái cực quyền mà Vô Kỵ vừa chỉ điểm cho Phạm Dao. Triệu Mẫn và Phạm Dao vừa thấy thế biết ngay Tống Thanh Thư đã lọt vào bẫy rồi, quả nhiên tiếng "Ồ" chưa dứt, năm ngón tay bàn tay phải của Tống Thanh Thư đã đâm vào yết hầu Du Liên Châu. Trương Vô Kỵ giận quá, chửi thầm: "Đáng chết lắm, đáng chết lắm!". Chấp Pháp trưởng lão của Cái Bang chết vì trảo này của y, Tống Thanh Thư cũng giở độc thủ ra để đối phó với sư thúc.
Thế nhưng hai cánh tay của Du Liên Châu vẫn một xoay thành vòng tròn, một kéo lại, sử dụng Toàn Phiên, Loa Toàn[1] hai kình lực trong Lục Hợp Kình, cuốn chặt lấy hai cánh tay Tống Thanh Thư, cách cách hai tiếng, khớp xương tay của y đã bị bẻ gãy từng tấc rồi. Du Liên Châu quát lên:
- Hôm nay ta báo thù cho thất đệ.
Hai cánh tay ông chập vào, dùng chiêu Song Phong Quán Nhĩ, bàn tay sử dụng miên kình vỗ vào hai bên mang tai Tống Thanh Thư, đầu y vỡ ngay lập tức.
Thân hình y chưa kịp ngã xuống, Du Liên Châu đang toan đá thêm một cước lấy mạng y ngay tại trận, bỗng một bóng xanh thấp thoáng, một sợi trường tiên[2] đánh luôn vào mặt. Du Liên Châu vội vàng nhảy vọt về sau tránh được, sợi dây đó nhanh nhẹn tuyệt luân liên tiếp ra chiêu, chính là chưởng môn phái Nga Mi Chu Chỉ Nhược đứng ra báo thù cho chồng.
Du Liên Châu vội vàng lùi lại ba bước, tiên pháp của Chu Chỉ Nhược vô cùng biến ảo chỉ ba chiêu đã vây ông ta vào giữa, đột nhiên rung một cái, thu roi lại, tay trái chộp lấy ngọn tiên, lạnh lùng nói:
- Lúc này ta lấy mạng ông e rằng không phục. Mau lấy binh khí ra!
Soạt một tiếng Ân Lê Đình đã rút kiếm ra, xông lên nói:
- Để ta lên tiếp cao chiêu của Chu cô nương.
Chu Chỉ Nhược lạnh lùng lườm ông ta, quay sang coi thương thế Tống Thanh Thư, thấy y hai mắt đã lồi ra, thất khiếu[3] ứa máu, nằm rũ dưới đất, xem chừng khó sống được. Ba nam đệ tử phái Nga Mi liền tiến lên khiêng y về.
Chu Chỉ Nhược quay lại chỉ vào Du Liên Châu nói:
- Ta giết ông trước rồi giết họ Ân kia cũng không muộn.
Du Liên Châu vừa rồi trổ hết toàn lực vậy mà không làm sao thoát ra được vòng vây của nhuyễn tiên, trong lòng thật là hoảng sợ. Ông lo cho sư đệ, nghĩ thầm: "Để ta đấu với cô ta một phen, dẫu có chết vì cây roi này thì lục đệ cũng nhìn ra được mối manh của tiên pháp. Khi đó còn may ra trong cái chết tìm ra đường sống". Ông vói ta lại nhận lấy thanh kiếm trong tay Ân Lê Đình. Ân Lê Đình cũng thấy cục thế thật là nguy hiểm, đến như sư huynh võ công đứng hàng thứ nhì trong phái Võ Đương cũng còn thấy khó tránh được ngọn roi của nàng ta. Hai sư huynh đệ cùng một ý nghĩ, dẫu cho thân mình chết dưới tay địch cũng chỉ mong người kia nhìn ra được yếu chỉ của phép đánh roi, thành thử trù trừ không muốn giao kiếm lại, nói:
- Sư ca, để tiểu đệ hạ trường cho.
Du Liên Châu quay nhìn sư đệ, mấy chục năm qua cùng nhau học nghệ, tình thân khác gì tay chân, trong đầu nảy ra một ý nghĩ nhanh như ánh chớp, nhớ tới Du Đại Nham tàn phế, Trương Thúy Sơn tự sát, Mạc Thanh Cốc thảm tử, Võ Đương thất hiệp nay còn có bốn, hôm nay xem ra hai trong bốn người sẽ bỏ mạng nơi đây. Ân lục đệ võ công cao siêu thật nhưng tính tình lại thật yếu mềm, nếu như mình chết trước, tâm thần y sẽ đại loạn, chưa chắc đã trổ được tài có bỏ mạng cũng không ích lợi gì. Còn nếu như lục đệ chết trước, ta nhìn ra được chỗ tinh nghĩa trong tiên pháp của cô gái này, may ra còn có thể cùng nàng ta đồng qui ư tận?. Nghĩ thế ông gật đầu:
- Lục đệ, cố giữ thêm được lúc nào hay lúc ấy.
Ân Lê Đình nghĩ đến vợ là Dương Bất Hối đang mang thai, đưa mắt nhìn Dương Tiêu và Trương Vô Kỵ nhưng lại gạt ngay đi: "Ta chết đi rồi, Bất Hối và con ta sẽ có người lo lắng, việc vì phải dặn dò tỉ tê như đàn bà thế làm gì". Nghĩ vậy ông giơ kiếm lên, mắt nhìn vào mũi kiếm, tâm thần tập trung, tiếp đến ngực thu vào, lưng nhô ra, vai chìm xuống, khuỷu tay lơi[4], nói:
- Xin chưởng môn nhân ra chiêu.
Tuy tuổi tác Ân Lê Đình lớn hơn Chu Chỉ Nhược nhiều nhưng lúc này nàng là chưởng môn phái Nga Mi nên ông không để mất lễ số. Du Liên Châu thấy sư đệ dùng thức mở đầu trong thái cực kiếm để nghinh địch biết Ân Lê Đình dùng tuyệt học của sư môn để chống với cường địch, nên chậm rãi lui về phía sau.
Chu Chỉ Nhược nói:
- Xem chiêu đây.
Ân Lê Đình biết đối phương ra chiêu nhanh như chớp, nếu bị nàng chiếm được tiên cơ sẽ khó mà lật ngược thế cờ, cho nên chân trái tiến lên, kiếm đưa sang bên trái, dùng chiêu Tam Hoàn Sáo Nguyệt, chiêu đầu hư hư thực thực, dùng tay trái cầm kiếm tấn công địch, mũi kiếm lấp lánh, phát xuất tiếng gió vù vù. Người đứng ngoài nhịn không nổi cất tiếng hoan hô vang đội.
Chu Chỉ Nhược nghiêng người tránh qua một bên, Ân Lê Đình liền dùng thế Đại Khôi Tinh và Yến Tử Sao Thủy, trường kiếm ở trên không vung lên thành một vòng tròn, tay phải đâm kiếm quyết ra, cũng phát ra tiếng vụt vụt. Chu Chỉ Nhược uốn chiếc eo thon, tránh được cả hai thế nói:
- Ân lục hiệp, ta nhường ông ba chiêu để trả lại ân tình năm xưa trên núi Võ Đương.
Nàng vừa dứt câu, nhuyễn tiên chẳng khác gì một con linh xà vùng vẫy, nhắm thẳng ngực Ân Lê Đình phóng vào. Ân Lê Đình tránh qua bên trái, chiếc roi đang ở trên không nửa chừng cũng chuyển hướng đuổi theo.
Ân Lê Đình liền dùng chiêu Phong Bãi Hà Diệp, trường kiếm hớt qua, roi kiếm chạm nhau, nghe keng một tiếng nhỏ, Ân Lê Đình thấy hổ khẩu rát lên, suýt nữa thì trường kiếm văng đi mất, trong bụng hết sức kinh hoảng: "Ta vẫn tưởng nàng ta chiêu số quái dị mà thôi còn nội lực không thể nào bằng ta được, ngờ đâu nội kình y thị cũng kỳ dị không sao tưởng nổi".
Nghĩ thế ông ngưng thần tập trung ý chí, sử dụng pho thái cực kiếm pháp xoay vòng, bảo vệ môn hộ cực kỳ nghiêm mật. Chiếc nhuyễn tiên trong tay Chu Chỉ Nhược chẳng khác gì một giải lụa tưởng chừng không có một chút trọng lượng nào, thân hình khi đông khi tây, lúc lên lúc xuống, tưởng như bay lượn chung quanh Ân Lê Đình.
Trương Vô Kỵ càng coi càng lấy làm lạ, nghĩ thầm: "Nàng sử dụng nhuyễn tiên so với ba vị cao tăng Độ Ách, Độ Nạn, Độ Kiếp hoàn toàn khác hẳn". Ban đầu chàng tưởng phái Nga Mi có võ công tà môn, lúc này thấy thân thủ nàng biến ảo như quỉ mị, so với Diệt Tuyệt sư thái hoàn toàn không giống chút nào, trong lòng không khỏi e ngại. Phạm Dao bỗng nói:
- Nàng ta giống như quỉ chứ không phải người nữa rồi.
Câu đó đúng ngay tâm sự Trương Vô Kỵ khiến chàng giật mình, nếu trên bãi đất không có ánh sáng chói lòa, cung quanh người đứng đông nghẹt thì chàng đã nghi Chu Chỉ Nhược chết rồi, hồn ma đang cùng Ân Lê Đình giao đấu. Trong đời chàng đã từng chừng kiến không biết bao nhiêu võ công quái lạ thế nhưng tiên pháp thân pháp của Chu Chỉ Nhược chẳng khác gì gió thổi phất phơ cành liễu, nước trôi dập dềnh cánh bèo, không phải khí tượng con người, trong nhất thời tưởng mình đang trong giấc mơ, lòng thấy lạnh lẽo: "Chẳng lẽ nàng có yêu pháp hay sao? Hay là có quỉ nhập vào người?"
Thân pháp Chu Chỉ Nhược kỳ lạ nhưng thái cực kiếm là môn kiếm pháp Trương Tam Phong sáng chế ra trong tuổi lúc xế chiều sau thái cực quyền, là môn kiếm thuật không đâu hơn được, Ân Lê Đình sử dụng ra rồi miên miên bất tuyệt, tuy không đả thương được đối thủ chỉ cầu tự bảo vệ lấy mình nhưng quả thực không một chút sơ hở nào.
Bỗng nghe tiếng một người lè nhè quái dị kêu lên:
- Chao ôi! Tống Thanh Thư sắp tắt hơi rồi, Chu đại chưởng môn ơi, sao không lo tiễn chồng về nơi chín suối, tới khi góa bụa rồi biết sao cho phải.
Mọi người theo hướng âm thanh nhìn theo, chính là Chu Điên. Y biết phái Võ Đương bình sinh tối chú trọng đến dưỡng khí điều tức, lúc giao phong đều cốt sao giữ được "hươu nai chạy bên cạnh cũng không nháy mắt, non Thái sụp trước mặt cũng chẳng kinh hoàng"[5] cho nên có ý nhiễu loạn tâm thần Chu Chỉ Nhược để tương trợ Ân Lê Đình. Y lại lải nhải tiếp:
- Này này! Chu Chỉ Nhược cô nương của phái Nga Mi ơi, ông chồng cô thở hắt ra rồi kìa, có mấy câu muốn trối trăn, nói là y còn ba bảy hai mươi mốt, bốn bảy hai mươi tám đứa con hoang. Y chết rồi nhờ cô nuôi chúng thành người, có thế y chết mới nhắm mắt được. Liệu cô có bằng lòng hay không nào?
Quần hùng nghe y nói nhăng nói cuội, có người nhịn không nổi cười lên hô hố, nhưng Chu Chỉ Nhược làm như không nghe thấy. Chu Điên lại kêu:
- Ối chao ôi! Không xong rồi! Chào Diệt Tuyệt sư thái, hồi này bà vẫn khỏe chứ? Lâu ngày không gặp, trông bà càng ngày càng rắn rỏi. Âm hồn bà nhập vào Chu Chỉ Nhược cô nương, thảo nào ngọn roi múa trông thật đẹp mắt.
Đột nhiên thân hình Chu Chỉ Nhược hụp xuống nhô lên một cái đã nhảy lùi mấy trượng, trường tiên quật vụt qua vai ngược về sau, đầu roi nhắm thẳng vào mặt Chu Điên. Nàng vốn dĩ cách lều của Minh Giáo đến hơn mười trượng, nhưng nhuyễn tiên múa lên là tới ngay, chẳng khác gì rồng bay trên trời, tên rời khỏi nỏ. Chu Điên đang cao hứng nói sùi cả bọt mép, có ngờ đâu Chu Chỉ Nhược đang ác đấu đột nhiên vung roi tập kích, y còn đang sững sờ, trường tiên đã đến mặt rồi. Chu Chỉ Nhược không quay người lại nhưng cây roi làm như có mắt, đầu roi nhắm ngay mũi y bay tới.
Chu Chỉ Nhược vung roi đánh về sau rồi, nhưng ngón tay trỏ và ngón tay giữa bàn tay trái lại liên tiếp đâm vào Ân Lê Đình, cả thảy bảy chỉ liền, toàn là nhằm vào những điểm trọng yếu trên mặt và ngực.
Ân Lê Đình không kịp công địch, cũng không cách nào vòng ngược kiếm về chặt tay nàng, đành sử dụng chiêu Phượng Điểm Đầu hạ mình xuống tránh né. Khi đó nơi lều của Minh Giáo nghe bốp một tiếng, tiếp theo là tiếng loảng xoảng liên hồi. Thì ra Dương Tiêu đứng ngay bên cạnh Chu Điên, mắt tinh tay lẹ, múa chưởng đánh bật chiếc bàn trước mặt, chặn roi của Chu Chỉ Nhược. Trường tiên đánh trúng chiếc bàn lập tức gỗ bay tung tóe, bình trà, chén trà trên mặt bàn cũng tung tóe khắp nơi, mọi người ai cũng bị mảnh sứ, nước trà văng trúng.
Chu Chỉ Nhược đánh ra không trúng, không để ý đến Chu Điên nữa, nhuyễn tiên quay trở lại tấn công Ân Lê Đình như gió táp mưa sa. Du Liên Châu đứng bên cạnh quan sát một hồi lâu nhưng vẫn chưa nhìn ra chỗ tinh yếu trong tiên pháp của nàng, nghĩ thầm: "Ta có ra tay lần nữa, pho thái cực kiếm không thể nào sử dụng hay hơn lục đệ. Thế nhưng nếu đấu lâu, cô ta là đàn bà nội lực không đủ, bên mình có thể lấy dẻo dai bền sức mà thủ thắng".
Ông thấy Ân Lê Đình kiếm pháp vào ra khép mở, âm dương động tĩnh, đã đạt tới mức tuyệt diệu những gì Trương Tam Phong truyền thụ cho, nghĩ thầm trong đời sư đệ chưa từng thi thố kiếm thuật cao minh như thế bao giờ, hôm nay lâm vào sinh tử quan đầu, nêu đem hết những tinh yếu phát huy. Võ công phái Võ Đương càng đánh càng mạnh, thời khắc càng lâu càng đi vào chỗ không thể bại được.
Chu Chỉ Nhược đột nhiên rung động trường tiên, xoay thành những vòng lớn vòng nhỏ, bay vây chung quanh Ân Lê Đình. Thái cực kiếm và thái cực quyền đều dùng trong phép vận kình thành vòng tròn, trường tiên của Chu Chỉ Nhược rung động thành vòng, vòng của roi và vòng của kiếm hai bên trùng nhau nhưng có điều trường tiên nhanh gấp mấy lần. Kình lực trên kiếm của Ân Lê Đình bị kéo đi, lập tức thân không đứng vững, xoay mình mấy lần, ánh sáng xanh lóe lên một cái, trường kiếm văng lên trên không. Trường tiên của Chu Chỉ Nhược quay vòng trở lại, đầu roi nhắm ngay đỉnh đầu Ân Lê Đình mổ tới.
Du Liên Châu tung mình nhảy tới, tay phải chộp lấy đầu sợi roi. Chu Chỉ Nhược liền tung một ngọn cước trúng ngay hông Du Liên Châu. Du Liên Châu chưa tìm ra được chỗ tinh yếu và quái dị trong tiên pháp của Chu Chỉ Nhược, đến khi thấy nàng quay tiên thành vòng tròn đoạt được trường kiếm của Ân Lê Đình, lúc ấy bỗng rõ ngay: "Hóa ra y thị công lực chỉ xoàng xoàng vậy thôi, việc rung tiên thành vòng tròn so với thái cực quyền công phu của bản môn còn kém xa". Ông chộp được đầu roi rồi, chịu để cho hông bị nàng ta đá một cước, tay trái thò ra, chính là một chiêu trong Hổ Trảo Tuyệt Hộ Thủ, đâm thẳng vào bụng dưới Chu Chỉ Nhược. Chu Chỉ Nhược không cách nào chống đỡ được, trong đầu một ý nghĩ nhanh như chớp thoáng qua: "Thôi hôm nay ta chết dưới tay Du nhị thúc rồi". Tay phải nàng liền buông rơi nhuyễn tiên, năm ngón tay chộp xuống đỉnh đầu Du Liên Châu, cốt để hai người đồng qui ư tận.
Du Liên Châu nghiêng đầu toan tránh, ngờ đâu bên hông trúng cước rồi huyệt đạo bị đóng, đầu cổ cứng đơ, không sao chuyển động được nhưng tay trái vẫn vận kình chộp tới.
Ngay trong giờ phút nghìn cân treo trên sợi tóc ấy, một bóng người từ bên cạnh vụt tới, tay phải gạt Hổ Trảo Tuyệt Hộ Thủ của Du Liên Châu ra, tay trái đỡ bật năm ngón tay của Chu Chỉ Nhược đang cắm xuống đầu Du Liên Châu, chính là Trương Vô Kỵ ra tay cứu cả hai người.
Chu Chỉ Nhược song chưởng liền nhắm ngay ngực Trương Vô Kỵ đánh tới. Nếu chàng né tránh chưởng lực của Chu Chỉ Nhược sẽ trúng ngay mặt Du Liên Châu, thành thử chàng liền dùng tay trái gạt ra.
Hai người ba bàn tay đụng nhau, Trương Vô Kỵ thấy song chưởng của Chu Chỉ Nhược hoàn toàn không có một chút kình lực nào, trong lòng hãi sợ: "Chao ôi! Không xong! Nàng khổ đấu với lục thúc hơn hai trăm hiệp, đã đến mức đèn khô dầu kiệt. Luồng kình lực của ta nếu tống ra ắt sẽ đánh nàng chết ngay tại chỗ". Chàng lập tức giữa đường thu thủ kình lại.
Ban đầu tả chưởng của chàng đánh ra, những tưởng Chu Chỉ Nhược là một đại cường địch võ công so với mình không hơn kém bao nhiêu, huống chi lấy một tay chống lại hai tay nên không dám coi thường chút nào, chưởng đó chàng sử dụng đủ mười thành lực. Kình lực vừa tung ra rồi, chàng mới phát giác đối phương không còn chút hơi sức nào cả, vội gượng thu về dẫu biết đây là đại kỵ trong võ học, có khác gì dùng đủ mười thành lực tự đánh vào mình, huống chi trong một trời gian sợi tóc không lọt đó đột nhiên thu về, dụng lực ắt phải cực kỳ mãnh liệt. Thế nhưng chàng đã đến mức nội kình thu phát do tâm, luồng kình lực đó có đánh trúng, cùng lắm cũng chỉ ngộp thở chứ không đến nỗi nào. Ngờ đâu chàng vừa thu kình về, bỗng thấy chưởng lực đối phương chẳng khác nào hồng thủy tràn ra khỏi bờ, thế mãnh liệt không cách gì đương cự nổi.
Trương Vô Kỵ kinh hãi không đâu kể xiết, biết là mình đã bị ám toán, trên ngực nghe bình một tiếng, đã bị song chưởng của Chu Chỉ Nhược đánh trúng rồi. Đó là chính chưởng lực của chàng cộng thêm song chưởng của địch thủ, khác nào hai đại cao thủ cùng hợp kích, hộ thể Cửu Dương thần công tuy hồn hậu thật nhưng cũng chịu không nổi. Huống chi chưởng lực của Chu Chỉ Nhược lại luồn theo kẽ hở mà vào, chính lúc chàng đang dùng hết sức cũ rồi mà lực mới chưa sinh ra. Công phu đó là đích truyền của phái Nga Mi, năm xưa Diệt Tuyệt sư thái đã dùng đánh chàng hộc máu ngã lăn ra. Có điều năm xưa chàng hoàn toàn không biết cách đề ngự, lúc này thì chỉ vì thương người nên bị lừa mà trúng kế. Chàng không còn tự chủ nổi ngã vật về sau, mắt tối sầm, hộc ra một ngụm máu tươi.
Chu Chỉ Nhược đánh lén thành công, tay trái liền vươn ra, năm ngón tay chộp vào ngực chàng. Trương Vô Kỵ bị trọng thương nhưng tâm thần chưa loạn, thấy trảo đó chộp tới ngực ắt vỡ tung, vội cố gượng lùi về sau mấy tấc, nghe xoẹt một tiếng, năm ngón tay của Chu Chỉ Nhược đã xé rách áo chàng, để lộ da thịt trên ngực.
Lúc này Du Liên Châu bị nàng đá trúng ngay huyệt đạo ngã ra, không cử động được, Ân Lê Đình vội xông lên cứu viện nhưng không kịp nữa rồi, thấy Trương Vô Kỵ ắt không sao qua khỏi kiếp nạn. Chu Chỉ Nhược vừa toan phóng tiếp năm ngón tay phải, trong một chớp mắt, bỗng nhìn thấy trên ngực chàng một vết sẹo dài, chính là vết sẹo mình dùng kiếm Ỷ Thiên đâm chàng trên Quang Minh Đính. Năm ngón tay nàng chỉ còn cách ngực Trương Vô Kỵ chưa đầy nửa thước, nhu tình trong lòng chợt dấy lên, mắt nhòa lệ, không sao chộp xuống được nữa.
Nàng còn đang bàng hoàng thì Vi Nhất Tiếu, Dương Tiêu, Ân Lê Đình, Phạm Dao bốn người đã cùng xông tới. Vi Nhất Tiếu phi thân chặn ngay trước mặt giáo chủ, Dương Phạm hai người chia ra đánh vào hai bên tả hữu Chu Chỉ Nhược, còn Ân Lê Đình ôm Trương Vô Kỵ chạy ra.
Việc xảy ra khiến đấu trường trở thành đại loạn, quần đệ tử phái Nga Mi và sư sãi chùa Thiếu Lâm quát tháo rầm rĩ, tay cầm binh khí xông vào. Dương Phạm cùng Chu Chỉ Nhược trao đổi mấy chiêu rồi ngừng tay không dám đánh lâu còn Vi Nhất Tiếu đỡ Du Liên Châu dậy cùng đi về lều. Phái Nga Mi và Thiếu Lâm thấy hai bên đã thôi, cũng lui xuống.
Triệu Mẫn vốn cũng xông lên cứu viện nhưng thân pháp không nhanh bằng Vi Nhất Tiếu và Dương Tiêu đến nửa chừng thấy Trương Vô Kỵ mồm đầy máu, sợ đến mặt trắng bệch như tờ giấy. Trương Vô Kỵ gượng cười:
- Không sao đâu, chỉ vận khí một hồi là khỏe ngay.
Mọi người đỡ chàng ngồi xuống đất nơi lều tranh, Trương Vô Kỵ liền chầm chậm vận chuyển Cửu Dương thần công để điều trị nội thương. Chu Chỉ Nhược nói:
- Còn vị anh hùng nào muốn lên chỉ giáo nữa chăng?
Phạm Dao xốc lại thắt lưng, hùng dũng tiến ra. Trương Vô Kỵ vội gọi:
- Phạm hữu sứ, ta hạ lệnh không được xuất chiến. Chúng ta ... chúng ta chịu thua ...
Nói chưa hết câu đã hộc máu ra hai lần nữa. Lệnh của giáo chủ Phạm Dao không thể không tuân theo, nếu cứ nhất định ra đấu sẽ khiến cho vết thương của Trương Vô Kỵ càng thêm nguy kịch, huống chi xuất chiến dẫu tận tâm kiệt lực chết chỉ uổng mạng, không được việc gì cho bản giáo.
Chu Chỉ Nhược đứng giữa quảng trường gọi thêm hai lần nữa. Vừa rồi Trương Vô Kỵ thu lực lại tự mình đánh vào mình, chỉ có chàng và Chu Chỉ Nhược hai người là biết chuyện đó mà thôi, người ngoài lại tưởng chưởng lực của nàng quái dị nên Trương Vô Kỵ không địch nổi, còn Chu Chỉ Nhược ngừng tay tha mạng cho chàng thì ai ai cũng thấy rõ ràng. Nàng chỉ là một thiếu nữ trẻ tuổi, liên tiếp đánh bại Ân Lê Đình, Du Liên Châu, Trương Vô Kỵ ba cao thủ hạng nhất, võ công kỳ lạ thực không ai tin nổi. Trong đại hội hôm nay tuy không hiếm người thân mang tuyệt học, nhưng cũng biết tài mình không thể bằng được Ân, Du, Trương ba người nên chẳng ai dại gì lên nạp mạng.
Chu Chỉ Nhược đợi thêm một lát vẫn không thấy ai tiến lên, vị lão tăng Đạt Ma Đường liền bước ra, chắp tay nói:
- Tống phu nhân chưởng môn phái Nga Mi kỹ quán quần hùng, võ công đứng đầu thiên hạ. Có vị anh hùng nào không phục chăng?
Chu Điên kêu lên:
- Ta Chu Điên không phục.
Vị lão tăng liền nói:
- Vậy xin mời Chu anh hùng hạ trường so tài.
Chu Điên đáp:
- Ta đánh không lại cô ta thì so tài cái gì?
Nhà sư bèn nói:
- Nếu Chu anh hùng tự biết mình không địch lại, thì là phục rồi còn gì?
Chu Điên đáp:
- Ta tự biết không địch lại nhưng vẫn không phục thì đã sao?
Nhà sư già không muốn cùng y dây dưa thêm nữa hỏi tiếp:
- Trừ vị Chu anh hùng này ra, có vị nào không phục nữa?
Ông ta hỏi liên tiếp ba lần, Chu Điên hừ ba tiếng nhưng không còn ai trả lời không phục. Vị lão tăng bèn nói:
- Nếu không còn ai hạ trường tỉ thí, chúng ta cứ theo đúng như đã bàn định, Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn giao cho chưởng môn phái Nga Mi Tống phu nhân xử trí. Đồ Long đao nay ở trong tay ai thì cũng xin người đó giao lại cho Tống phu nhân giữ. Đó là quyết định chung của mọi người, không ai được dị nghị.
Trương Vô Kỵ lúc ấy đang điều quân nội tức, vận dụng Cửu Dương chân khí trị liệu vết thương, dần dần đi vào cảng giới phản hư minh không, bỗng nghe nhà sư kia nói "Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn giao cho chưởng môn phái Nga Mi Tống phu nhân xử trí", trong lòng chấn động, lại hộc ra thêm một ngụm máu nữa.
Triệu Mẫn ngồi ở bên cạnh, hết tâm hết sức săn sóc, thấy chàng đột nhiên run rẩy, mặt mày biến sắc, biết ngay tâm sự chàng, nhỏ nhẹ nói:
- Vô Kỵ ca ca, nghĩa phụ do Chu tỉ tỉ xử trí thì hay lắm rồi. Lúc nãy chị ấy không nỡ ra tay hại chàng, đủ biết tình ý vẫn còn sâu đậm, quyết không hại nghĩa phụ đâu, chàng cứ yên tâm mà dưỡng thương.
Trương Vô Kỵ nghĩ quả như vậy, thấy an tâm hơn.
Lúc này mặt trời đang xuống sau núi, bãi đất tối dần. Vị lão tăng kia nói tiếp:
- Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn bị giam ở một nơi đằng sau núi. Hôm nay trời đã tối rồi, các vị chắc cũng đã đói. Ngày mai đúng ngọ, chúng ta lại tụ tập nơi đây, lão nạp sẽ dẫnTống phu nhân đến nơi mở cửa thả tù ra. Lúc đó chúng ta sẽ lại được chiêm ngưỡng võ công vô địch của Tống phu nhân một lần nữa.
Dương Tiêu, Phạm Dao đưa mắt nhìn Triệu Mẫn, trong bụng đều nghĩ: "Quả nhiên cô ta liệu sự không sai. Phái Thiếu Lâm quả có âm mưu, Chu Chỉ Nhược võ công dẫu cao cường, cũng không thể nào đánh bại được nhóm ba lão tăng Độ Ách, e rằng nàng sẽ bỏ mạng nơi đỉnh núi kia để rồi phái Thiếu Lâm vẫn xưng hùng xưng bá."
Lúc đó Chu Chỉ Nhược cũng đã quay về lều cỏ, hôm nay phái Nga Mi uy nhiếp quần hùng. Các đệ tử thấy chưởng môn nhân trở về, không ai không cảm thấy kính phục. Quần hùng tuy thấy Chu Chỉ Nhược đã đoạt được cái danh hiệu "võ công đệ nhất thiên hạ" nhưng việc chưa kết liễu, trong bụng ai cũng có tính toán riêng nên chưa ai chịu xuống núi. Vị lão tăng lại nói:
- Các vị anh hùng đến thăm bản tự, đều là khách quí của chùa Thiếu Lâm, nếu ai có ân oán dây dưa, cũng xin nể mặt bản tự, tạm thời nhịn một chút, đừng giải quyết ngay tại núi Thiếu Thất này, nếu không là coi thường phái Thiếu Lâm lắm vậy. Các vị dùng bữa tối xong, các nơi mặt trước núi cứ việc du lãm tùy ý, sau núi là nơi tệ phái giữ kinh và dạy dỗ môn đệ, xin các vị tự trọng giữ bước cho.
Phạm Dao sau đó bế Trương Vô Kỵ đem về nơi những lều cỏ do chính người trong Minh Giáo dựng nên. Trương Vô Kỵ tuy bị thương nặng, nhưng sau khi uống chính viên linh đan chàng đã chế từ trước, dùng Cửu Dương chân khí thúc đẩy dược lực, đến đêm khuya lúc canh hai, thổ ra ba ngụm máu bầm, nội thương hoàn toàn khỏi hẳn.
Dương Tiêu, Phạm Dao, Du Liên Châu, Ân Lê Đình các người vừa mừng vừa sợ, tấm tắc khen công phu nội lực của chàng thật khó ai sánh kịp, người thường bị thương như thế, dẫu có cao nhân điều trị, ít ra cũng phải dưỡng thương một hai tháng mới hết ứ trệ chân khí lưu chuyển bình thường, chàng chỉ mất có vài giờ đồng hồ đã khỏi nếu không chính mắt trông thấy thì chẳng ai dám tin.
Trương Vô Kỵ ăn hai bát cơm, nghỉ ngơi một lát rồi đứng lên nói:
- Ta đi ra ngoài một lát.
Chàng là giáo chủ nên dẫu không nói đi đâu, đi lo chuyện gì cũng không ai dám hỏi thêm. Ân Lê Đình nói:
- Cháu trọng thương mới khỏi, nên hết sức cẩn thận.
Trương Vô Kỵ đáp lời:
- Vâng
Thấy Triệu Mẫn vẻ mặt hết sức lo lắng nên mỉm cười với nàng ý muốn nói: "Em cứ yên tâm!".
Chàng ra khỏi lều cỏ, ngửng đầu lên thấy trăng sáng vằng vặc, thêm mấy chòm sao, hít một hơi dài, chân khí trong người lưu chuyển, tinh thần phấn chấn đi đến ngoài chùa Thiếu Lâm, nói với tri khách tăng:
- Tại hạ có việc muốn gặp người chưởng môn phái Nga Mi, làm ơn dẫn đường cho.
Nhà sư kia thấy đó là giáo chủ Minh Giáo, trong bụng sợ hãi lắm vội vàng cung kính nói:
- Vâng, vâng! Tiểu tăng xin dẫn đường, mời Trương giáo chủ đi qua bên này.
Ông ta bèn dẫn chàng qua phía tây, đi độ chừng một dặm đến mấy gian nhà nhỏ. Vị tri khách tăng nói:
- Phái Nga Mi đều ở tại nơi đó, tăng ni phân biệt, đêm khuya tiểu tăng không tiện đến gần.
Y sợ Trương Vô Kỵ lại đến giao đấu với Chu Chỉ Nhược, nếu hai cao thủ đương thế ra tay, mình vô duyên vô cố có khi bị vạ lây. Trương Vô Kỵ cười nói:
- Nếu sư phụ đi về nói chuyện này ra e rằng kinh động đến người khác, chi bằng tôi điểm huyệt đại sư để ngồi đây chờ, nên chăng?
Vị tri khách tăng vội nói:
- Tiểu tăng quyết không dám nói, giáo chủ cứ yên tâm.
Y vội vàng lật đật quay mình tháo lui. Trương Vô Kỵ chậm rãi đi đến trước căn nhà nhỏ, còn cách chừng mươi trượng đã thấy hai ni cô phi thân nhảy ra, giơ kiếm chặn lại, quát hỏi:
- Ai đó?
Trương Vô Kỵ vòng tay nói:
- Minh Giáo Trương Vô Kỵ cầu kiến chưởng môn Tống phu nhân của quí phái.
Hai nữ ni kinh hoàng thất sắc, một người tuổi trung niên ấp úng:
- Trương ... Trương giáo chủ ... xin ngài đợi, tôi ... để tôi vào bẩm báo.
Bà ta tuy cố gắng trấn tĩnh nhưng tiếng nói run run, quay mình đi chưa được mấy bước đã lấy còi tre ra thổi báo động.
Phái Nga Mi hôm nay nở mày nở mặt trước mặt anh hùng thiên hạ, người chưởng môn đánh bại liên tiếp ba cao thủ khiến cho tất cả bọn mày râu không còn ai dám đứng ra khiêu chiến, từ khi khai mở môn phái đến nay quả thực chưa bao giờ vinh dự đến thế. Thế nhưng phái Nga Mi hôm nay giết hai trưởng lão Cái Bang, đánh bại Võ Đương nhị hiệp, đả thương giáo chủ Minh Giáo, gây chuyện với người khác không phải ít. Huống chi Chu Chỉ Nhược được cái danh võ công đệ nhất thiên hạ, không biết có bao nhiêu người ghen tị bực tức, thân nơi hiểm địa sợ cường địch đêm nay tới quấy rối thành thử phòng bị cực kỳ nghiêm mật. Ni cô đó thổi mấy tiếng còi, chung quanh liền chạy ra đến hai chục người, kiếm quang lấp loáng, chia ra trấn giữ các nơi. Trương Vô Kỵ làm như không thấy, hai tay chắp sau lưng, bình tĩnh đứng chờ.
Nữ ni tiến vào trong căn nhà nhỏ bẩm báo, một lát sau quay ra nói:
- Chưởng môn tệ phái nói rằng: Nam nữ hữu biệt, buổi tối không tiện tiếp khách. Xin mời Trương giáo chủ lui bước.
Trương Vô Kỵ đáp:
- Tại hạ hơi biết y lý, muốn được trị thương cho Tống Thanh Thư thiếu hiệp chứ không có ý gì khác.
Ni cô kia ngạc nhiên, lại tiến vào bẩm lại lần nữa, qua một hồi lâu mới quay trở ra nói:
- Chưởng môn nhân xin mời vào.
Trương Vô Kỵ xốc xốc lưng áo chứng tỏ mình không đem binh khí theo, rồi theo ni cô nọ vào trong nhà. Chỉ thấy Chu Chỉ Nhược ngồi ở một bên, tay chống cằm, ngơ ngẩn xuất thần, nghe tiếng chàng đi vào cũng không quay lại. Nữ ni kia rót một chén trà để lên bàn rồi lui ra ngoài, nhẹ nhàng đóng cửa lại, trong phòng không còn ai khác. Một cây nến trắng khi tỏ khi mờ, chiếu lên trên bộ quần áo xanh nhạt của Chu Chỉ Nhược, tình cảnh thật là thê lương.
Trương Vô Kỵ trong lòng chua xót, hỏi nhỏ:
- Thương thế Tống sư ca ra sao, để tôi xem một chút được không?
Chu Chỉ Nhược không quay đầu lại, lạnh lùng nói:
- Xương đầu của y bị chấn vỡ, thương thế cực kỳ trầm trọng, khó mà sống nổi. Không biết có qua khỏi đêm nay hay không?
Trương Vô Kỵ nói:
- Cô biết tôi y thuật không phải kém, mong tận lực chữa trị một phen.
Chu Chỉ Nhược hỏi lại:
- Sao anh lại muốn cứu y?
Trương Vô Kỵ sững sờ, nói:
- Tôi lầm lỗi đối với cô, trong lòng thật là hổ thẹn, huống chi hôm nay cô lại nương tay tha mạng cho tôi. Tống sư ca thụ thương tôi thể nào cũng hết sức.
Chu Chỉ Nhược đáp:
- Anh nương tay cho tôi trước, không lẽ tôi không biết hay sao? Nếu anh cứu được Tống đại ca thì muốn tôi báo đáp cái gì?
Trương Vô Kỵ đáp:
- Một mạng đổi một mạng, mong cô nới tay cho nghĩa phụ tôi.
Chu Chỉ Nhược chỉ vào nội đường, thản nhiên nói:
- Y ở trong đó.
Trương Vô Kỵ đi tới cửa phòng, thấy bên trong tối đen như mực, không đèn lửa gì vội cầm cây nến đi vào bên trong. Chu Chỉ Nhược vẫn chống tay lên má ngồi ở cạnh bàn không đi theo. Trương Vô Kỵ vén chiếc màn lên, thấy Tống Thanh Thư hơi thở yếu ớt, hai mắt lồi ra, ngũ quan méo mó, mặt mũi thật là ghê rợn, đã sớm hôn mê không biết gì. Chàng cầm cổ tay y thấy mạch chạy hỗn loạn, lúc nhanh lúc chậm, da dẻ lạnh ngắt, không cứu chữa ngay thì quả khó mà qua khỏi đêm nay.
Chàng lại mò xương đầu của y, thấy trước trán và sau ót có bốn chỗ bị vỡ, nghĩ thầm song quyền của Du nhị bá lợi hại biết là chừng nào, chiêu Song Phong Quán Nhĩ này sử dụng đủ mười thành nội kình, nếu Tống Thanh Thư nội công không có căn cơ thì đã chết ngay tại đương trường rồi.
Chàng thả màn xuống, để chân nến lên trên bàn, ngồi trên chiếc ghế tre trầm tư tìm cách cứu chữa. Tống Thanh Thư bị trọng thương trí mạng, cứu được hay không thật chỉ có ba phần hi vọng.
Chàng ngồi khoảng chừng thời gian một bữa ăn, rồi đi ra ngoài nói:
- Tống phu nhân, có cứu được mạng Tống sư ca hay không, tôi thực không dám chắc, cô có để cho tôi thử một phen chăng?
Chu Chỉ Nhược đáp:
- Nếu anh không cứu được mạng y thì trên đời này không có người thứ hai nào làm được.
Trương Vô Kỵ nói:
- Dẫu có cứu được mạng y, dung mạo võ công khó mà được như cũ, đầu óc cũng bị chấn động hỏng rồi, chỉ sợ... chỉ sợ... nói năng không được suông sẻ nữa.
Chu Chỉ Nhược đáp:
- Anh cũng đâu phải là thần tiên. Tôi biết anh sẽ tận tâm tận lực cứu y để trong lòng khỏi áy náy, yên tâm đi làm quận mã triều đình.
Trương Vô Kỵ trong lòng bàng hoàng nhưng việc này thật khó mà biện bạch, thành thử chỉ lẳng lặng quay trở vào phòng, giở chiếc chăn mỏng đắp trên người Tống Thanh Thư, điểm tám nơi huyệt đạo trên người y, mười ngón tay nhẹ nhàng dùng sức như có như không nắn các chỗ xương vỡ trên đầu lại. Xong rồi chàng lấy trong bọc ra một chiếc hộp vàng, lấy ngón tay út quệt một chút cao đen, trộn cho thật đều rồi nhẹ nhàng bôi lên những chỗ xương gãy. Cao đó chính là thánh dược nối xương tiếp gân của Thiếu Lâm Tây Vực Hắc Ngọc Đoạn Tục Cao năm xưa chàng được Triệu Mẫn tặng cho để tiếp xương cho Du Đại Nham và Ân Lê Đình còn dư chưa dùng hết. Cửu Dương chân khí trong lòng bàn tay chàng cuồn cuộn tuôn ra dẫn thuốc vào các nơi xương bị đứt.
Ước chừng tàn một nén hương, Trương Vô Kỵ đã đưa hết thuốc đi các nơi, thấy mặt Tống Thanh Thư không có gì thay đổi, trong bụng mừng rỡ, biết việc cứu sống được y có thêm vài phần hi vọng. Chàng bị trọng thương mới khỏi, bây giờ phải vận nội kình không khỏi tim hồi hộp, thở giốc, phải đứng ở bên giường Tống Thanh Thư điều quân nội tức một hồi lâu xong mới đi ra khỏi phòng, để cây nến lên trên bàn.
Dưới ánh sáng mờ mờ của ngọn đèn, chàng thấy khuôn mặt Chu Chỉ Nhược trắng bệch một cách khác thường. Ở bên ngoài đâu đó có tiếng chân người nhẹ nhàng qua lại, biết là phái Nga Mi đang đi tuần tra canh gác liền nói:
- Tính mạng Tống sư ca có cơ cứu được, cô cứ yên tâm.
Chu Chỉ Nhược nói:
- Đến như anh còn không tin tưởng rằng có thể cứu được y thì sao tôi dám tin rằng sẽ cứu được Tạ đại hiệp.
Trương Vô Kỵ nghĩ thầm:"Ngày mai nếu nàng lên phá trận Kim Cương Phục Ma Khuyên, dẫu phái Nga Mi có một hai cao thủ tiếp tay, mười phần đến chín là thất bại, không chừng còn bỏ mạng nữa là khác". Chàng bèn nói:
- Cô có biết tình hình nơi giam nghĩa phụ thế nào không?
Chu Chỉ Nhược đáp:
- Không biết. Phái Thiếu Lâm có mai phục ghê gớm lắm hay sao?
Trương Vô Kỵ kể lại chuyện Tạ Tốn bị giam nơi địa lao trên đỉnh núi thế nào, ba vị lão tăng giám thủ ra sao, chính mình hai lần tấn công bị thất bại, rồi Ân Thiên Chính vì thế mà từ trần đầu đuôi thuật sơ qua một lượt.
Chu Chỉ Nhược lặng yên nghe xong nói:
- Nếu như thế, anh phá còn không nổi thì tôi lại càng không đi đến đâu.
Trương Vô Kỵ đột nhiên động tâm, mừng rỡ nói:
- Chỉ Nhược, nếu hai đứa mình liên thủ thì có thể thành công được. Tôi lấy lực đạo thuần dương chí cương, cuốn lấy ba sợi trường tiên của ba lão tăng. Cô dùng kình lực âm nhu thừa cơ mà tấn công vào, một khi vào trong Phục Ma Khuyên rồi, nội ngoại giáp công thì có thể thủ thắng.
Chu Chỉ Nhược cười khẩy nói:
- Tôi với anh trước đây đã có ước định hôn nhân, chồng tôi lúc này sống chết không biết thế nào, hôm nay tôi lại không giết anh, người ngoài thể nào chẳng bảo tôi vẫn còn chút tình xưa nghĩa cũ. Nếu bây giờ lại bảo anh ra tương trợ, anh hùng thiên hạ sẽ bảo tôi là kẻ vô liêm sỉ, tính nết trăng hoa.
Trương Vô Kỵ vội nói:
- Mình chỉ cốt sao không thấy hổ thẹn với lương tâm, người khác nói ra nói vào việc gì phải để ý đến?
Chu Chỉ Nhược đáp:
- Thế nhưng nếu tôi tự hỏi lòng thấy hổ thẹn thì sao?
Trương Vô Kỵ ngơ ngẩn, không sao trả lời được, đành ấp úng:
- Cô... cô...
Chu Chỉ Nhược nói:
- Trương giáo chủ, chúng mình cô nam quả nữ, đêm khuya ở chung một chỗ không khỏi người ta dị nghị, thôi anh đi về đi.
Trương Vô Kỵ đứng lên vái một vái thật sâu nói:
- Tống phu nhân, cô từ khi còn nhỏ đối với tôi thật hết lòng, mong cô gia ân thêm một lần nữa. Trương Vô Kỵ này còn sống ngày nào, không bao giờ dám quên cao nghĩa.
Chu Chỉ Nhược lặng thinh không đáp, chẳng nhận lời cũng chẳng cự tuyệt. Nàng từ đầu đến cuối không quay đầu lại nên Trương Vô Kỵ không nhìn thấy mặt nàng ra sao, đang định xuống giọng khẩn cầu, Chu Chỉ Nhược bỗng cao giọng nói:
- Tĩnh Tuệ sư tỉ, tiễn khách.
Kẹt một tiếng cửa mở ra, Tĩnh Tuệ đã đứng bên ngoài, tay cầm trường kiếm, mặt hầm hầm nhìn chàng. Trương Vô Kỵ nghĩ đến chuyện sống chết của nghĩa phụ chỉ ở một phút này, nếu mình có phải mất mặt chịu nhục cũng có đáng gì đâu, đột nhiên quì phục xuống đất, rập đầu lạy Chu Chỉ Nhược bốn cái nói:
- Tống phu nhân, xin cô thương tình.
Chu Chỉ Nhược vẫn trơ trơ như tượng đá. Tĩnh Tuệ quát lên:
- Trương Vô Kỵ, chưởng môn nhân bảo ngươi đi ra, sao còn lải nhải gì nữa? Quả thật đúng là hạng người vô liêm sỉ, là quân bại họa của võ lâm.
Bà ta lại tưởng Trương Vô Kỵ nhân dịp Tống Thanh Thư sắp chết, đến van lơn xin nối lại duyên xưa. Trương Vô Kỵ thở dài một tiếng, đứng dậy đi ra.
Chàng về đến lều tranh của Minh Giáo, Triệu Mẫn đã ra ngoài đón hỏi:
- Vết thương của Tống Thanh Thư có thể cứu được, phải không? Chàng lại dùng Hắc Ngọc Đoạn Tục Cao của thiếp đi lấy lòng người ta chứ gì?
Trương Vô Kỵ đáp:
- Ôi, em đúng là liệu sự như thần. Thương thế của y có cứu được hay không, lúc này chưa thể nói được.
Triệu Mẫn thở dài một tiếng nói:
- Chàng tưởng cứu mạng cho Tống Thanh Thư có thể đổi được Tạ đại hiệp ư? Vô Kỵ ca ca, chàng càng làm càng hỏng chuyện, không biết tâm sự người khác chút nào.
Trương Vô Kỵ lạ lùng hỏi:
- Sao thế? Anh chẳng hiểu tí gì cả.
Triệu Mẫn nói:
- Chàng hết tâm hết sức cứu Tống Thanh Thư thì có khác nào nói với Chu tỉ tỉ là chàng chẳng còn chút quyến luyến nào nữa, chàng thử nghĩ xem chị ấy có giận hay không nào?
Trương Vô Kỵ ngẩn ngơ không nói nên lời, tự hỏi không lẽ Chu Chỉ Nhược chẳng muốn chàng trị thương cho chồng nàng, nhưng quả nàng quả thực đã nói:"Tôi biết anh sẽ tận tâm tận lực cứu y để trong lòng khỏi áy náy, yên tâm đi làm quận mã triều đình". Câu nói đó đúng là có ý oán trách, huống chi nàng lại còn thêm:"Thế nhưng nếu tôi tự hỏi lòng cảm thấy hổ thẹn thì sao?".
Triệu Mẫn nói:
- Chàng cứu mạng cho Tống Thanh Thư, bây giờ lại hối hận, có phải không?
Nàng không đợi Trương Vô Kỵ trả lời, mỉm cười điềm nhiên đi vào trong nhà. Trương Vô Kỵ ngồi xuống tảng đá, nhìn vào vầng trăng lạnh, ngơ ngẩn xuất thần, nghĩ lại mọi việc từ khi quen biết Chu Chỉ Nhược tới nay, tới thần thái ngôn ngữ lần sau cùng này, càng thấy hoang mang khó hiểu.
o O o
Sáng sớm ngày mồng sáu tháng năm, tiếng chuông chùa Thiếu Lâm boong boong vang động, quần hùng lại tụ tập nơi quảng trường. Nhà sư già của Đạt Ma Đường kỳ này không còn nhận lệnh của Không Trí nữa, tự động đứng lên sang sảng nói:
- Thưa với tất cả các vị anh hùng, hôm qua tỉ võ so tài, chưởng môn phái Nga Mi Tống phu nhân nghệ quán quần hùng, xin mời Tống phu nhân ra sau núi phá cửa quan để nhận Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn, lão tăng xin dẫn đường.
Nói xong ông ta liền đi trước, tám ni cô đại đệ tử của phái Nga Mi liền đi theo, kế đó là Chu Chỉ Nhược và những đồng môn khác rồi sau cùng là những anh hùng tất cả một đoàn về phía hậu sơn.
Trương Vô Kỵ thấy Chu Chỉ Nhược quần áo vẫn giống hôm qua không mặc đồ tang, biết Tống Thanh Thư còn sống, nghĩ thầm:"Nếu y qua được một đêm thì có hi vọng không chết". Mọi người lên đến đỉnh núi, đã thấy ba vị lão tăng ngồi xếp bằng nơi gốc ba cây tùng. Vị lão tăng Đạt Ma Đường liền nói:
- Kim Mao Sư Vương bị giam nơi địa lao giữa ba gốc thương tùng, khán thủ tù phạm là ba vị trưởng lão của tệ phái. Tống phu nhân võ công thiên hạ vô song, chỉ cần thắng được ba vị trưởng lão là có thể mở nhà tù đem người đi. Tất cả chúng tôi xin được chiêm ngưỡng thân thủ của Tống phu nhân.
Dương Tiêu thấy sắc mặt Trương Vô Kỵ bất định, liền ghé tai chàng nói nhỏ:
- Giáo chủ khoan tâm. Vi Bức Vương, Thuyết Bất Đắc hai người đã tất lãnh Ngũ Hành Kỳ mai phục dưới chân núi. Nếu phái Nga Mi không chịu giao Tạ Sư Vương lại cho chúng ta, mình đành phải dùng võ lực.
Trương Vô Kỵ nhíu mày nói:
- Như thế chẳng làm hỏng qui củ đại hội, mất hết tín nghĩa còn gì.
Dương Tiêu đáp:
- Thuộc hạ chỉ sợ Tống phu nhân cầm đao cầm kiếm kề vào cổ Tạ Sư Vương, mình ném chuột sợ vỡ đồ, còn việc tín nghĩa không quan trọng lắm.
Triệu Mẫn cũng nói khẽ:
- Tạ Sư Vương kẻ thù thật là đông, mình phải đề phòng trong đám người có kẻ phát ám khí đánh lén.
Dương Tiêu nói:
- Phạm hữu sứ, Thiết Quan đạo trưởng, Chu huynh, Bành đại sư bốn người đã phân chia bốn góc đề phòng rồi.
Triệu Mẫn nói:
- Tốt hơn hết là có người nào phóng ám khí, mình thừa cơ sang đoạt Tạ Pháp Vương, như thế anh hùng thiên hạ không trách mình thiếu tín nghĩa. Nếu như sóng lặng gió êm... cái đó quả... Ôi, Dương tả sứ, nếu ông không quản ngại thì hãy phái người giả trang tấn công lén Tạ Sư Vương, trong khi hỗn loạn, mình sẽ cháy nhà hôi của, xông ra cướp người.
Dương Tiêu cười nói:
- Kế đó hay lắm.
Nói xong y bèn đi sắp đặt người lo liệu. Trương Vô Kỵ biết làm như thế thật không quang minh lỗi lạc chút nào, nhưng vì muốn cứu nghĩa phụ, không còn cố kỵ gì nữa, trong lòng thật là cảm kích Triệu Mẫn, nghĩ thầm: "Mẫn muội và Dương tả sứ đều có tài quyết đoán lúc lâm nguy, thảo nào hai người bàn bàn tính tính thật là hợp ý nhau, ta thật không có cái khả năng đó".
Bỗng nghe Chu Chỉ Nhược nói:
- Ba vị cao tăng là trưởng lão của phái Thiếu Lâm, hẳn võ học thâm hậu lắm. Nếu như bản tọa lấy một địch ba thì thật không công bình chút nào, lại thêm bất kính.
Vị lão tăng Đạt Ma Đường nói:
- Nếu Tống phu nhân muốn có thêm một hai người tiếp tay cũng được không sao cả.
Chu Chỉ Nhược nói:
- Bản tọa may mắn đạt được cái danh vị đứng đầu cũng do anh hùng thiên hạ nhường nhịn, nhờ vào võ công do tiên sư Diệt Tuyệt sư thái bí truyền. Nếu lấy ba địch ba, dẫu có đắc thắng cũng không tỏ lộ được cái khổ tâm của tiên sư năm xưa dày công giáo huấn; còn như lấy một địch ba thì hóa ra bất kính với chủ nhân. Thôi thế thì để gọi một tiểu tử ra liên thủ, người đó hôm qua bị thương dưới tay bản tọa, thương thế chưa khỏi hẳn. Tiểu tử này trước kia đã bị tiên sư đánh ba chưởng thổ huyết, thiên hạ ai ai cũng biết, có thế mới khỏi thương tổn đến uy danh của tiên sư.
Trương Vô Kỵ nghe đến đó trong lòng mừng rỡ:"Tạ trời tạ đất, nàng quả nhiên nhận lời yêu cầu của ta". Chỉ nghe Chu Chỉ Nhược gọi:
- Trương Vô Kỵ, ngươi mau ra đây.
Quần hào Minh Giáo trừ bọn Dương Tiêu ra không ai hiểu rõ nguyên do, thấy Chu Chỉ Nhược gọi giáo chủ bản giáo tiểu tử này tiểu tử nọ, không ai không khỏi bất bình. Thế nhưng lại thấy Trương Vô Kỵ mặt mày tươi tỉnh, bước ra, vái một cái thật sâu, nói:
- Đa tạ Tống phu nhân hôm qua nương tay, tha mạng cho tiểu tử.
Trong bụng chàng đã có chủ định rồi: "Nàng trước mặt đông người nhục mạ ta, chẳng qua cũng chỉ để cho phái Nga Mi được nở mày nở mặt, để trả thù hôm trước trong ngày hôn lễ chú rể bỏ đi. Vì nghĩa phụ, ta phải chịu nhịn nhục cho xong việc".
Chu Chỉ Nhược nói:
- Ngươi hôm qua trọng thương thổ huyết, bây giờ ta cũng không cần phải nhờ đến ngươi làm gì, chỉ cần ra cho có vẻ vậy thôi.
Trương Vô Kỵ đáp:
- Vâng, mọi việc xin nghe lệnh mà làm, không dám vi phạm.
Chu Chỉ Nhược lấy nhuyễn tiên ra, tay phải rung một cái cây roi đã vòng thành hơn chục vòng lớn có nhỏ có, trông thật đẹp mắt, tay trái vung ra, ánh sáng xanh lấp lánh lộ ra một thanh đoản đao. Quần hùng hôm qua đã thấy uy lực của nhuyễn tiên, ngờ đâu tay trái lại còn có thể dùng đao, vũ khí một bên dài một bên ngắn, một bên cứng một bên mềm, quả thực hai bên hoàn toàn ngược lại với nhau. Quần hùng vừa kinh ngạc vừa bội phục, người nào cũng thấy hào hứng.
Trương Vô Kỵ lấy trong bọc ra hai thanh thánh hỏa lệnh tiến tới hai bước, đột nhiên chân bước lảo đảo, cố ý húng hắng ho mấy tiếng, làm như bị thương chưa khỏi, xem ra tự lo cho mình còn chưa xong, nếu như thắng được tam tăng thì cũng toàn là do công lao của Chu Chỉ Nhược.
Chu Chỉ Nhược đi đến gần bên chàng, hạ giọng hỏi nhỏ:
- Anh từng lập lời thề báo thù cho biểu muội, nếu như hung thủ hại cô ấy lại là nghĩa phụ anh thì anh có còn cứu ông ấy nữa hay thôi?
Trương Vô Kỵ ngạc nhiên nói:
- Nghĩa phụ có khi tâm trí thất thường, nếu thế không tính.
Độ Ách nói:
- Trương giáo chủ hôm nay lại lên tứ giáo nữa đấy ư?
Trương Vô Kỵ đáp:
- Cũng mong ba vị đại sư lượng thứ cho.
Độ Ách nói:
- Khéo nói lắm! Nghe nói vị chưởng môn phái Nga Mi này hôm qua tài nghệ thắng tất cả mọi người, không lẽ cô ta võ công còn cao hơn Trương giáo chủ hay sao?
Trương Vô Kỵ đáp:
- Đúng thế! Vãn bối hôm qua bị Chu chưởng môn đánh cho trọng thương thổ huyết.
Độ Nạn nói:
- Nếu thế thì quả là lạ thật!
Trường tiên của ba vị lão tăng chậm rãi vung ra.
Ngay lúc đó từ phía lưng chừng núi văng vẳng mấy tiếng đàn, tiếng sáo hợp tấu vọng lên. Trương Vô Kỵ trong bụng mừng thầm, chỉ thấy mấy tiếng dao cầm tính tang tính tang, bốn cô gái mặc áo trắng đi lên, trong tay mỗi người cầm một cây đoản cầm, kế đó tiếng tiêu dìu dặt, bốn thiếu nữ áo đen tay cầm trường tiêu cũng tới. Đen trắng xen kẽ nhau, tám cô gái chia nhau đứng tám phương vị, cùng dạo đàn thổi tiêu, âm vận thật là tao nhã. Một thiếu nữ mặc áo lụa mỏng màu vàng trong tiếng nhạc khoan thai bước lên, chính là cô gái Trương Vô Kỵ từng gặp ở Lô Long trong lần hội ngộ với quần hào Cái Bang.
Cô bé con Sử Hồng Thạch, bang chủ Cái Bang vừa trông thấy liền chạy ra đón, sà vào lòng nàng, kêu lên:
- Dương tỉ tỉ, Dương tỉ tỉ, các trưởng lão và long đầu của chúng tôi bị người ta giết cả rồi.
Cô gái vừa nói vừa chỉ Chu Chỉ Nhược:
- Chính phái Nga Mi và phái Thiếu Lâm hạ độc thủ đó.
Cô gái áo vàng gật đầu nói:
- Ta biết cả rồi. Hừ, Cửu Âm Bạch Cốt Trảo chưa chắc đã vô địch thiên hạ đâu!
Nàng ta lên núi tiền hô hậu ủng, hình dáng lại thật xinh đẹp tiêu sái, mọi người ai nấy đều chăm chăm nhìn, hai câu đó lại từng chữ rõ ràng truyền vào tai mọi người. Quần hùng kinh ngạc, một số người tương đối có tuổi nghĩ thầm: "Pho trảo pháp của phái Nga Mi kia, không lẽ là môn võ công nổi danh tàn độc hơn một trăm năm trước Cửu Âm Bạch Cốt Trảo đấy chăng?". Tuy đã từng nghe đến Cửu Âm Bạch Cốt Trảo rồi, nhưng chỉ biết là âm độc ghê gớm nhưng thất truyền đã lâu chưa ai nhìn thấy bao giờ.
Thiếu nữ cầm tay Sử Hồng Thạch đi lẫn vào trong đám người của Cái Bang ngồi xuống một tảng đá. Chu Chỉ Nhược mặt hơi biến sắc, hỏi nhỏ:
- Cô ta là ai thế?
Trương Vô Kỵ đáp:
- Tôi cũng chỉ gặp có một lần, chẳng biết tên cô ta là gì, chỉ biết có liên hệ sâu xa với Cái Bang.
Chu Chỉ Nhược hứ một tiếng nói:
- Ra tay đi thôi!
Trường tiên của nàng rung một cái vung ra, cuốn lấy sợi dây của Độ Nạn, mượn sức nhảy luôn vào giữa ba cây tùng xanh ngắt. Ngay chiêu đầu tiên nàng đã tấn công thẳng vào trung cung của địch, vừa nhanh nhẹn vừa ác liệt, lại thật gan dạ, quả thật dẫu cao thủ hạng nhất trên giang hồ xem ra cũng chưa sánh kịp. Quần hùng thấy nàng ở trên không, chẳng khác nào một con hạc xanh đáp xuống, thân pháp nhẹ nhàng vô tỉ, nhuyễn tiên bên tay phải quện lấy sợi dây của Độ Nạn, vừa mượn sức đối phương lại nhất thời khiến cho ông ta không sử dụng được binh khí. Độ Ách và Độ Kiếp hai sợi dây cùng vung lên, chia hai bên đánh vào.
Trương Vô Kỵ liền xông thẳng lên, chân vừa nhấp một cái, đột nhiên lảo đảo. Mọi người kêu ối lên một tiếng, ai cũng tưởng chàng bị thương xong đứng không vững, có biết đâu đó là một chiêu trong võ Ba Tư ghi trên thánh hỏa lệnh, thân pháp quái dị, muốn đạt cực điểm phải làm như ngã nhào về trước, hai thanh thánh hỏa lệnh đã đánh ngay vào ngực Độ Nạn. Khi đó sợi dây của Độ Nạn còn đang bị nhuyễn tiên của Chu Chỉ Nhược cuốn chặt nên không thể thu về đỡ kịp, Độ Ách, Độ Kiếp hai người thấy thế nguy vội vàng bỏ Chu Chỉ Nhược, song tiên cùng đánh vào Trương Vô Kỵ. Hai sợi dây linh động uy mãnh đánh, tấn công vào chàng chẳng khác gì hai con rồng đen, ai nấy đều nghĩ Trương Vô Kỵ thật khó mà chống đỡ, ngờ đâu chàng lăn ngay xuống đất, nguy hiểm vạn phần tiến luôn vào bên cạnh Độ Ách. Tay trái của Độ Ách liền nhằm vai chàng chém xuống, Trương Vô Kỵ dùng Càn Khôn Đại Na Di hóa giải, đột nhiên nhổm dậy, đầu vai lại xông lên huých vào Độ Kiếp.
Hôm nay chàng muốn nhường cho Chu Chỉ Nhược được nổi danh, để tiếng đánh bại Thiếu Lâm tam tăng đều do chưởng môn phái Nga Mi còn mình chỉ cốt sao cứu được nghĩa phụ nên toàn sử dụng võ công Ba Tư, lăn qua đông một cái, nhào qua tây một cái, đã khó coi lại càng thêm bệ rạc nhưng nếu muốn độc địa thì cũng thật độc địa.
Những người đứng coi tuy không ít người đã từng được coi những chiêu thức trác tuyệt thế nhưng lộ võ công này quá cổ quái, người Trung Thổ lại chưa ai sử dụng bao giờ, huống chi hôm qua Trương Vô Kỵ bị thương ai cũng chứng kiến nên lúc đầu không ai thấy được sự thực. Những kẻ thù với Minh Giáo thì mừng thầm, còn phe bạn của Minh Giáo thì ai cũng ưu tư e ngại chàng hôm nay sẽ bỏ mạng nơi đây.
Hai bên trao đổi đến vài chục chiêu rồi, Chu Chỉ Nhược thân hình khi lên cao khi xuống thấp, phiêu hốt hết sức còn Trương Vô Kỵ càng lúc càng thêm tơi tả, chân tay luống cuống, vụng về xem ra chưa bằng một kẻ mới học võ, thế nhưng tình thế dù hung hiểm cách nào chàng cũng thoát khỏi sát thủ của đối phương trong đường tơ kẽ tóc.
Những người tâm cơ khôn ngoan liền hiểu ngay bên trong có điều gì bất thường, đoán chừng võ công chàng sử dụng cũng một kiểu như Túy Bát Tiên, trông thì loạng choạng chẳng đâu vào đâu nhưng thực ra bên trong có những biến hóa kỳ lạ, loại võ công này so với chính lộ còn khó học hơn nhiều.
Lộ võ công Ba Tư cổ này cực kỳ ghê gớm nếu như lấy một chọi một, đấu với bất cứ người nào trong ba vị lão tăng ắt cũng khiến cho đối phương chân tay loạc choạc chẳng khác nào lần đầu tiên Trương Vô Kỵ gặp Phong Vân ba sứ giả. Thế nhưng ba vị cao tăng tu tập khô thiền đã mấy chục năm, tâm ý tương thông, một trong ba người có sơ hở thì hai người kia lập tức trám vào ngay. Thân pháp chiêu số quái dị của Trương Vô Kỵ đúng ra chỉ một đòn đã làm cho địch nhân hoa cả mắt, tưởng bên trái mà hóa ra bên phải, tưởng phía trước mà lại ở sau lưng, không sao nhận thức được, thế nhưng ba nhà sư tâm động đâu roi theo đó, những biến hóa của chàng nhìn mà không thấy, coi như không. Quái chiêu của Trương Vô Kỵ tưởng như không bao giờ hết nhưng đến bảy tám mươi chiêu vẫn không làm tổn hại đến một cái lông của ba lão tăng. Đấu đến trăm chiêu, chàng thấy uy lực của ba sợi dây càng lúc càng mạnh, còn thân pháp của mình thì dần dần trì trệ, không còn linh động biến ảo như lúc đầu.
Chàng có biết đâu võ công mình đang sử dụng gần một nửa là ma đạo, mà Kim Cương Phục Ma Khuyên của ba nhà sư chính là đại pháp tinh diệu nhất của nhà Phật để hàng phục tà ma. Người ngoài đứng xem thấy chàng càng đấu càng lên tinh thần, thực ra trong lòng chàng ma đầu mỗi lúc một bành trướng, chỉ cần thêm một trăm chiêu nữa, sẽ bị võ công Phật môn thượng thừa của tam tăng khống chế, lúc đó sẽ nhảy múa lung tung không tự chủ được nữa, ba cao tăng chẳng cần ra tay, chỉ cần để chàng tự mình kết liễu đời mình cũng xong. Minh Giáo bị người đời gọi là ma giáo, vốn cũng không phải là không nguyên do, nhưng lộ võ công này khởi thủy do Sơn Trung Lão nhân, là một ác nhân giết người không chớp mắt sáng chế. Trương Vô Kỵ chẳng biết chuyện đó nhưng bây giờ gặp phải cường địch mới phát huy đến chỗ tinh vi áo diệu của pho võ công này, tâm linh càng lúc càng cảm ứng, đột nhiên ngửa cổ cười ha hả ba tiếng, trong âm thanh đầy gian trá tà ma.
Ba tiếng cười của chàng vừa dứt, bỗng nghe giữa ba cây tùng có tiếng người từ nơi địa lao truyền lên, chính là nghĩa phụ Tạ Tốn đang tụng kinh. Chỉ nghe giọng nói già nua của ông đọc kinh Kim Cương:
- Khi đó Tu Bồ Đề nghe giảng kinh, hiểu rõ nghĩa lý, nước mắt ràn rụa, bạch Phật rằng: "Kính lạy Thế Tôn, Phật giảng kinh điển thâm sâu dường ấy. Tôi từ khi có được tuệ nhãn đến nay chưa từng được nghe kinh này. Bạch Thế Tôn, nếu ai nghe kinh này mà có lòng tin thanh tịnh, ắt sẽ sinh ra thực tướng..."
Trương Vô Kỵ vừa đấu vừa nghe, từ khi Tạ Tốn tụng kinh uy lực của trường tiên trên tay ba nhà sư Thiếu Lâm lập tức giảm đi, nghe Tạ Tốn vẫn niệm tiếp:
-... Bạch Thế Tôn, hôm nay tôi được nghe kinh điển, tin tưởng chăm theo không còn gì khó nữa. Nếu đến đời sau, năm trăm năm nữa, chúng sinh được nghe kinh này, tin tưởng chăm theo, quả là hiếm có lắm thay. Vì sao thế? Người đó không có ngã tướng, không có nhân tướng, không có chúng sinh tướng, không có thọ giả tướng...
Trương Vô Kỵ nghe tới đây, trong lòng dạt dào như sóng biển, biết rằng nghĩa phụ từ khi bị giam nơi địa lao trên đỉnh núi này, ngày ngày nghe ba vị cao tăng của chùa Thiếu Lâm tụng kinh, lần trước rõ ràng có thể thoát thân được nhưng tự biết mình tội nghiệt nặng nề, nhất định không chịu rời nơi đây, chẳng lẽ sau mấy tháng nghe kinh Phật đã đại triệt đại ngộ hay sao? Trong kinh có viết: "Nếu đến đời sau, năm trăm năm nữa, chúng sinh được nghe kinh này, tin tưởng chăm theo..." Trong lòng nghĩa phụ ta lúc này, cái kẻ năm trăm năm sau đó chẳng lẽ lại là Trương Vô Kỵ này chăng? Chỉ vì kinh nghĩa thâm trầm vi diệu, chàng đang kịch đấu không thể suy nghĩ cho sâu xa. Chàng có biết đâu Tu Bồ Đề trong kinh là một trưởng lão ở nước Xá Vệ bên Tây Trúc nghe Thích Già Mâu Ni giảng kinh Kim Cương, thành ra khi nghe Tạ Tốn tụng kinh văn chàng chỉ hiểu lờ mờ.
Lại nghe Tạ Tốn tiếp tục tụng niệm:
- Phật bảo Tu Bồ Đề:"Chính thế đó! Chính thế đó! Nếu có ai nghe được kinh này, không kinh, không khiếp, không sợ, quả thực thật hiếm có trên thế gian... Ta trước đây vì vua Ca Lợi mà cắt thân thể, nay ta cũng vì ngươi, vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sinh tướng, vô thọ giả tướng. Vì sao thế? Ta đã từng bị chặt đứt ra thánh từng khúc từng khúc, nếu như có ngã tướng, nhân tướng, chúng sinh tướng, thọ giả tướng, ắt sẽ nổi lòng giận dữ thù hận... Hỡi Bồ Đề ngươi nên rời xa những tướng đó".
Đoạn kinh văn đó nghĩa lý thật rõ ràng, hiển nhiên định nói rằng, mọi việc trên thế gian này đều là huyễn ảo, ngay cả đối với thân thể mình, tính mệnh mình, trong lòng không còn một chút ý niệm dẫu cho người khác có đâm chém thân thể mình, cắt ra thành từng khúc, nếu không còn nghĩ đó là thân thể mình thì không còn chút gì phiền não. Nghĩa phụ đang ở trong địa lao mà lòng bình thản như thế, không lẽ ông đã đạt tới cảnh giới bất kinh, bất bố, bất úy rồi hay sao?
Chàng trong lòng lại chợt nổi lên một ý niệm:"Hay là nghĩa phụ nhắn với ta rằng đừng phải lo nghĩ cho ông ta làm chi, không cần phải ra sức cứu ông ta thoát hiểm nữa?".
Thì ra trong mấy tháng qua Tạ Tốn bị giam tại chùa Thiếu Lâm, ngày đêm nghe ba nhà sư tụng kinh Kim Cương, nghĩa lý trong kinh cũng hiểu biết ít nhiều, lúc này nghe thấy tiếng cười của Trương Vô Kỵ quái dị, dường như ma tâm đang nổi lên dần dần đi vào chỗ nguy hiểm, liền lên tiếng tụng kinh Kim Cương để giúp chàng thoát ra khỏi những ma chướng đang uất kết trong lòng.
Trương Vô Kỵ một mặt nghe Tạ Tốn tụng niệm Phật kinh, chiêu số trên tay vẫn không ngừng lại, trong đầu nghĩ đến nghĩa lý lồng trong kinh văn, ma lực trong tâm từ từ tiêu giảm, pho võ công Ba Tư cổ quái kia không còn liền lạc với nhau, nghe vút một tiếng, sợi dây của Độ Kiếp đã nhằm đánh vào vai bên trái. Trương Vô Kỵ hạ vai xuống tránh, sử dụng Càn Khôn Đại Na Di tâm pháp, phối hợp với Cửu Dương thần công lập tức chế ngự ngay được kình lực đánh tới, trong lòng hơi động:"Ta sử dụng pho võ công Ba Tư cổ quái kia khó mà thắng được". Chàng liếc sang Chu Chỉ Nhược, thấy nàng lạng trái lách phải xem ra sắp sửa thua đến nơi, nghĩ thầm: "Thế ngày hôm nay không thể nào vẹn cả đôi bề. Nếu ta không trổ hết toàn lực, nếu Chỉ Nhược thua rồi thì không còn làm sao cứu nghĩa phụ được nữa".
Chàng liền hú lên một tiếng dài, cầm hai thanh thánh hỏa lệnh lập tức chuyển sang thế công. Trong khi tiếng tụng kinh của Tạ Tốn vẫn tiếp tục, Trương Vô Kỵ ngưng thần sử dụng Càn Khôn Đại Na Di tâm pháp, thành thử ông ta đọc chàng tuy có nghe nhưng không biết gì cả cố gắng làm sao bắt được ba sợi dây của những nhà sư ngõ hầu Chu Chỉ Nhược có cơ hội đột phá vòng vây chen vào trong giữa ba cây tùng.
Một khi chàng đem toàn lực ra thi triển, tam tăng thấy áp lực đè lên những sợi dây càng lúc càng nặng khiến ai nấy phải vận nội lực để chống lại. Kim Cương Phục Ma Khuyên của ba nhà sư lấy tinh nghĩa yếu chỉ từ kinh Kim Cương, điểm tối hậu mong đạt đến là? vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sinh tướng, vô thọ giả tướng?, khiến cho không còn phân biệt ta với người, sống với chết, mọi sự đều là không huyễn cả. Thế nhưng tuy tam tăng tu luyện đã cao nhưng khi ra tay vẫn còn ý niệm khắc địch chế thắng, tuy đã bỏ cái sống chết của bản thân mình ra ngoài nhưng cái phân biệt ta với người vẫn còn chưa sao diệt được, cho nên uy lực của Kim Cương Phục Ma Khuyên chưa lên đến cực điểm.
Trong ba nhà sư thì Độ Nạn tu tập cao nhất, biết được mình phải làm sao trừ được "bốn tướng ta với người" nhưng cái tâm tranh thắng Độ Nạn, Độ Kiếp hai người còn thịnh, thâm nhiễm tạp niệm còn sâu, chấp vào hình tướng của thế gian thành thử tiên pháp của Độ Ách không thể không chiều theo phối hợp với hai sư đệ.
Người ngoài đứng xem thấy Trương Vô Kỵ biến cải chiêu số võ công, cuộc diện tỉ đấu giữa ba cây tùng càng lúc càng kịch liệt, trên đầu ba nhà sư lờ mờ thấy hiện lên một làn hơi, biết là trên trán và đỉnh đầu mồ hôi bị nội lực hâm nóng thành hơi bốc lên, đủ biết năm người đã đến cảnh giới đấu bằng nội lực. Trên đầu Trương Vô Kỵ cũng có thủy khí hiện ra, nhưng thẳng tắp một sợi như cây bút, vừa nhỏ vừa dài tụ mà không tán, rõ ràng nội lực của chàng cao siêu hơn cả ba nhà sư. Hôm qua quần hùng ai cũng thấy chàng bị trọng thương nào ngờ chỉ mới qua một đêm đã hoàn toàn bình phục, nội lực thâm hậu đến thế khiến ai nấy phải kinh hãi.
Còn Chu Chỉ Nhược thì không chính diện giao phong với ba nhà sư, chỉ ở ngoài vòng chạy qua chạy lại đánh cầm chừng, cứ thấy vòng Kim Cương Phục Ma chỗ nào sơ hở thì lại phóng tới, trường tiên đâm vào rồi lại nhảy ra ngoài như gà thấy cáo. Đến lúc này Trương Vô Kỵ và nàng võ học ai cao ai thấp mọi người đã rõ, trong đám người đứng ngoài có mấy người thì thầm bàn tán với nhau:
- Trong những năm gần đây người ta đồn rằng Minh Giáo Trương giáo chủ võ công cao cường đời nay không ai sánh kịp, quả nhiên danh bất hư truyền. Hôm qua y cố ý nhường vị Tống phu nhân này đấy thôi, đúng là đàn ông con trai ai lại hơn thua với đàn bà bao giờ.
- Ai bảo là đàn ông con trai ai lại hơn thua với đàn bà? Tống phu nhân vốn là vợ của Trương giáo chủ, bộ ngươi không biết hay sao? Cái đó gọi là "tình xưa nghĩa cũ".
- Hừ, "tình oan nghĩa trái" thì có chứ "tình xưa nghĩa cũ" cái gì?
- Thế nhưng sau đó Tống phu nhân lại tha chết cho Trương giáo chủ, thế chẳng phải "tình chàng nghĩa thiếp" hay sao?
Chiêu số của Thiếu Lâm tam tăng và Trương Vô Kỵ càng lúc càng chậm lại nhưng biến hóa thì càng lúc càng tinh vi. Võ công của Chu Chỉ Nhược vốn chỉ lấy biến hóa kỳ ảo là chính, thắng được Võ Đương nhị hiệp là tuyệt đỉnh rồi, nói đến công phu nội lực, so với Du Liên Châu, Ân Lê Đình thật còn kém xa. Lúc này Trương Vô Kỵ và ba nhà sư lấy bản lãnh chân thực đấu với nhau không có cách nào lấy khéo léo mà che đậy được, nàng không cách gì chen tay vào, có lúc cố vung roi xông lên nhưng đụng phải nội kình của bốn người lập tức bị dội ngược trở ra.
Lại đấu thêm nửa giờ nữa, Cửu Dương chân khí trong người Trương Vô Kỵ cuồn cuộn lưu chuyển, thánh hỏa lệnh phát ra tiếng gió vù vù. Ba nhà sư mặt mũi vốn khác nhau lúc này ai nấy đều đỏ bừng như máu, tăng bào căng lên chẳng khác gì gió thổi vào. Thế nhưng áo quần Trương Vô Kỵ không thấy gì khác, cao thấp xem ra đã rõ ràng, nếu như chàng lấy một địch một, hay cả đến một địch hai thì đã thắng rồi. Cửu Dương chân khí của chàng nguyên hồn hậu không đâu sánh được, lại thêm Trương Tam Phong chỉ điểm cho phép luyện khí trong thái cực quyền, cho nên càng đấu càng thịnh, có thể kéo dài đến một hai giờ cho đến khi đối phương kiệt lực. Ba nhà sư lúc này biết rằng càng lâu càng bất lợi, đột nhiên cùng cất tiếng quát lên, ba sợi dây cùng chuyển động, bóng dây ngang dọc, lúc có lúc không. Trương Vô Kỵ chăm chăm nhìn thế roi của địch, đến đâu sách giải đến đó, trong bụng hơi bồn chồn: "Võ công Chu Chỉ Nhược tuy lạ lùng thật nhưng học cũng chưa bao lâu, thành ra uy lực không bằng Dương tả sứ và ông ngoại liên thủ. Ta một mình không thể nào làm được chuyện gì, xem ra hôm nay mình lại thua mất. Lần này không cứu được nghĩa phụ thì biết làm sao đây?".
Chàng trong bụng hoang mang, nội lực liền sút giảm bị tam tăng thừa cơ tấn kích khiến cho đã gian nan lại càng thêm nguy hiểm. Chỉ trong một chớp mắt, trong đầu Trương Vô Kỵ hiện ra biết bao yêu thương Tạ Tốn dành cho khi còn ở trên Băng Hỏa Đảo, lại nghĩ đến Tạ Tốn mắt đã mù nhưng chấp nhận mạo hiểm quay trở lại giang hồ cũng chỉ vì mình, hôm nay nếu không cứu nổi ông ta thật chàng cũng không mong sống nữa làm gì. Bỗng thấy trường tiên của Độ Nạn từ phía sau cuốn tới, chàng không còn nghĩ gì tới sinh tử an nguy của bản thân, tay trái vươn ra để cho cây roi quất vào cánh tay, dùng phương pháp Na Di Càn Khôn đề ngự sức đánh vào, tay phải dùng thánh hỏa lệnh đỡ hai sợi dây của Độ Ách, Độ Kiếp đang tấn công tới, thân hình chẳng khác gì một con chim đại bàng bay giạt qua bên trái, giữa không trung xoay một vòng đã quấn luôn trường tiên của Độ Nạn vào cây thông ông ta ngồi.
Chiêu đó quả không ai ngờ nổi, Trương Vô Kỵ lấy tay đẩy một cái tung ngược người về sau định xiết cho sợi dây cho lún sâu vào cây thông, Độ Nạn kinh hãi hết sức giựt lại, Trương Vô Kỵ biến chiêu thật nhanh, theo đà giựt kéo luôn về phía ông ta. Thân cây tùng tuy to thật nhưng dưới gốc đã bị khoét mất một nửa để làm chỗ tránh gió tránh mưa cho ba nhà sư, lúc này bị sợi trường tiên dẻo dai cuốn lấy, do hai luồng lực đạo của Độ Nạn và Trương Vô Kỵ cùng kéo, nghe lách cách mấy tiếng, cây tùng gãy ra làm đôi, từ trên không đổ ụp xuống.
Nhân lúc Độ Ách, Độ Kiếp nhị tăng còn đang kinh ngạc chưa kịp trở tay, song chưởng của Trương Vô Kỵ liền tung ra, quát lên một tiếng đánh thẳng vào cây tùng của Độ Ách. Chưởng lực đó là công lực của cả một đời chàng, cây tùng kia chịu không nổi, lập tức gãy ngay. Hai cây tùng gãy, cành lẫn lá nặng phải đến mấy nghìn cân đổ ập vào cây tùng của Độ Kiếp. Trương Vô Kỵ phi thân nhảy lên, hai chân đạp luôn vào cây tùng thứ ba, cây đó cũng gãy nốt, rung chuyển rồi từ từ ngã xuống.
Trong tiếng cây đổ, tiếng người hò reo ầm ầm huyên náo, Trương Vô Kỵ liền ném hai thanh thánh hỏa lệnh trên tay về phía Độ Ách, Độ Kiếp. Nhân lúc hai nhà sư cuống quít một mặt tránh cây thông, một mặt đối phó với hai thanh thánh hỏa lệnh Trương Vô Kỵ hụp xuống, lăn tròn giữa khe hở cây thông đang đổ xuống, vào được vòng Kim Cương Phục Ma, sử dụng Càn Khôn Đại Na Di tâm pháp, vừa đẩy vừa lay, lập tức xê dịch được tảng đá đóng nắp hầm, kêu to:
- Nghĩa phụ, may chạy ra!
Chàng e ngại Tạ Tốn không chịu ra, không đợi trả lời, thò tay xuống, nắm lấy lưng ông ta kéo lên.
Ngay lúc đó hai sợi dây của Độ Ách và Độ Kiếp đã đánh tới. Trương Vô Kỵ đành phải bỏ Tạ Tốn xuống, thò tay móc hai chiếc thánh hỏa lệnh trong túi ném về phía hai nhà sư, hai bàn tay nhanh như điện, chộp luôn hai đầu dây. Độ Ách, Độ Kiếp đang toan vận nội lực đoạt về thì hai thanh thánh hỏa lệnh đã bay tới trước mặt, không còn kịp suy nghĩ gì khác, chỉ còn nước vứt bỏ sợi dây, nhảy vọt về phía sau mới tránh được tập kích. Ngay khi đó tả chưởng của Độ Nạn đã đánh tới trước ngực, Trương Vô Kỵ kêu lên:
- Chỉ Nhược, mau chặn lại!
Chàng nghiêng người né qua, ôm Tạ Tốn, chỉ mong cứu ông ta ra khỏi ba cây tùng, phái Thiếu Lâm sẽ không còn nói gì được nữa. Chu Chỉ Nhược hừ một tiếng, hơi chần chừ, hữu chưởng của Độ Nạn đã đánh tiếp theo. Trương Vô Kỵ thân hình lệch qua cốt tránh những yếu huyệt sau lưng, để cho chưởng đó đánh vào đầu vai.
Chàng ôm Tạ Tốn, đang định nhảy ra khỏi ba cây thông gãy, Tạ Tốn nói:
- Vô Kỵ hài nhi, ta một đời tội nghiệt thâm trọng, ở nơi đây nghe kinh sám hối nên tâm mới an, thông hiểu lý lẽ. Con cứu ta ra làm gì?
Ông nói xong giẫy giụa toan đứng xuống. Trương Vô Kỵ biết nghĩa phụ võ công thật cao cường, nếu như kiên quyết không chịu đi thì thật khó mà đối phó bèn nói:
- Nghĩa phụ, con đành đắc tội vậy!
Năm ngón tay phải chàng vận kình điểm luôn mấy nơi huyệt đạo trên đùi, ngực và bụng để nhất thời ông ta không cử động được. Thế nhưng vì trở ngại đó, chưởng của ba nhà sư Thiếu Lâm cùng đánh ra, quát lên:
- Để người lại!
Trương Vô Kỵ thấy chưởng lực của tam tăng bao phủ bốn bề tám hướng, thủ chưởng chưa đến, kình phong đã ép vào, đành phải bỏ Tạ Tốn xuống đất, giơ chưởng ra chống đỡ, kêu lên:
- Chỉ Nhược, mau ôm nghĩa phụ ra ngoài!
Song chưởng của chàng vung lên thành từng vòng, vận toàn lực đối phó với ba nhà sư để không người nào rảnh tay ngăn trở Chu Chỉ Nhược. Đó là một trong những công phu tối cao trong Càn Khôn Đại Na Di tâm pháp, chưởng lực xoay tròn hư hư thực thực, dính chặt lấy chưởng của cả ba nhà sư.
Chu Chỉ Nhược nhảy vào trong vòng, đi đến bên cạnh Tạ Tốn. Tạ Tốn quát lên:
- Hừ, con tiện nhân...
Chu Chỉ Nhược liền giơ tay điểm á huyệt của ông ta, mắng lại:
- Họ Tạ kia, ta có hảo ý cứu ngươi, sao lại mở mồm chửi người là sao? Ngươi tội ác ngập đầu, tính mạng ở trong tay ta, tưởng ta không giết ngươi được hay sao?
Nói xong giơ tay phải lên, năm ngón tay thành trảo, vồ xuống đỉnh đầu Tạ Tốn. Trương Vô Kỵ trông thấy hoảng hốt, vội kêu:
- Chỉ Nhược, không được thế!
Lúc này chàng đang giở hết công lực bình sinh đấu với ba nhà sư, tuy tam tăng không có ý giết Trương Vô Kỵ, nhưng vào lúc mà sinh tử chỉ quyết định trong nháy mắt, không muốn đả thương người thì chính mình sẽ chết không cách nào có thể dung tha cho nhau được. Trương Vô Kỵ vừa mở mồm, chân khí tiết lậu, chưởng lực của ba nhà sư lập tức như bài sơn đảo hải ụp tới, chỉ đành hết sức gượng lại. Hai bên đều vận yếu quyết chữ "niêm", nếu chưa thắng bại thì không thể làm cách nào rời ra được.
Chu Chỉ Nhược bàn tay để trên không nhưng chưa vồ xuống, liếc Trương Vô Kỵ cười nhạt nói:
- Trương Vô Kỵ, hôm trước ở trong thành Hào Châu, đang khi làm lễ cưới ngươi bỏ ta mà đi, đâu có ngờ đến ngày hôm nay?
Trương Vô Kỵ tâm chí chia làm ba, vừa lo cho tính mạng của Tạ Tốn, lại căm giận nàng nhân lúc khẩn cấp đem chuyện cũ ra báo thù, huống chi tam tăng chưởng lực vẫn cuồn cuộn đổ tới, dẫu như chuyên tâm ngưng thần đối phó rồi về sau cũng thua, huống chi tâm hồn hỗn loạn thật đúng là đại họa lâm đầu.
Trên trán chàng mồ hôi từng giọt đổ xuống, chỉ giây lát trước mặt sau lưng, quần áo chỗ nào cũng ướt đẫm. Dương Tiêu, Phạm Dao, Vi Nhất Tiếu, Thuyết Bất Đắc, Du Liên Châu, Ân Lê Đình cả bọn thấy tình hình như thế, ai nấy đều kinh hãi thất sắc. Ai nấy đều cùng mang một ý niệm, chỉ mong cứu được Trương Vô Kỵ, còn mình dẫu phải bỏ mạng cũng không hối hận, nhưng người nào cũng biết mình công lực không đủ, không nói gì đứng giữa can hai bên ra, mà nếu có tiến lên tấn công ba nhà sư, tam tăng sẽ nhẹ nhàng đưa ngoại lực dồn vào Trương Vô Kỵ khiến chàng càng phải chịu đựng nhiều hơn, cứu không xong lại càng thêm hại.
Không Trí cao giọng kêu lên:
- Ba vị sư thúc, Trương giáo chủ mấy lần gia ân cho bản phái, xin nhẹ tay cho.
Thế nhưng bốn người đã đến lúc không còn có thể phân ra được nữa, Trương Vô Kỵ vốn không có bụng đả thương ba lão tăng, những nhà sư cũng nhớ đến cái ơn giải vây hôm trước đang tìm cách ngừng tay có điều hai bên đều lâm vào thế cưỡi trên lưng hổ không sao xuống được. Tam tăng đã đến lúc không còn chú ý gì đến bên ngoài thành thử mấy lời của Không Trí không ai nghe thấy, mà dù có nghe thì cũng đành chịu.
Vi Nhất Tiếu lạng người một cái như một làn khói mỏng bay vào trong ba cây tùng gãy toan đánh vào Chu Chỉ Nhược, thế nhưng thấy nàng ta giơ tay để trên lưng chừng, nếu như xông lên, thủ trảo ắt chộp ngay xuống đầu Tạ Tốn. Tạ Tốn chết đi, Trương Vô Kỵ đau lòng lập tức táng mạng dưới chưởng của ba vị trưởng lão Thiếu Lâm. Vi Nhất Tiếu bất quá chỉ cách Chu Chỉ Nhược chừng một trượng, nhưng đành ngẩn ngơ đứng nhìn, không dám tiến lên. Trong giây lát trên đỉnh núi ai nấy đứng trơ trơ như tượng đá, không ai cử động, cũng không ai nói một lời nào.
Đột nhiên Chu Điên cười khà khà hùng dũng tiến lên. Dương Tiêu giật mình kinh hãi quát lớn:
- Điên huynh, không được lỗ mãng.
Chu Điên không để ý đến, đi đến trước mặt ba nhà sư Thiếu Lâm mặt mày tươi tỉnh hỏi:
- Ba vị đại hòa thượng, có ăn thịt chó không nào?
Y thò tay vào bọc lấy ra một đùi chó đã nấu chín, nhứ nhứ trước mặt Độ Ách. Mấy hôm nay chùa Thiếu Lâm đãi ăn chỉ toàn món chay, Chu Điên hay rượu thích thịt, hai ngày liền hôm nào cũng rau dưa đậu phụ làm sao chịu nổi? Tối hôm qua y bắt trộm được một con chó, xẻ ra ăn no, nhưng còn giữ lại một đùi, bây giờ tình hình cấp bách nên đem ra quấy nhiễu tinh thần ba nhà sư. Bọn Dương Tiêu thấy thế ai nấy mừng rỡ, nghĩ thầm:"Chu Điên bình thời hành sự khùng khùng điên điên, nhưng bây giờ quả là kế hay lắm". Mọi người biết rằng một khi sử dụng nội lực toàn do tập trung tinh thần chí khí, Chu Điên nếu phá rối như thế, chỉ cần một nhà sư nổi sân niệm, tâm thần hơi phân tán là Trương Vô Kỵ có thể thắng được ngay.
Ba nhà sư nhìn mà không thấy, không ai để ý gì đến y. Chu Điên giơ đùi thịt chó lên nhai nhồm nhoàm, tấm tắc:
- Thơm quá! Ngon quá! Ba vị đại hòa thượng ăn thử một miếng xem nào!
Y thấy tam tăng vẫn thản nhiên như không, liền giơ đùi chó toan nhét vào mồm Độ Ách. Những nhà sư Thiếu Lâm đứng quanh cùng quát lên:
- Thằng điên kia, mau ra ngay.
Chu Điên đẩy chiếc đùi chó vào môi nhà sư, đột nhiên cánh tay giật mạnh, nửa người tê đi, nghe bạch một tiếng chiếc đùi chó đã rơi xuống đất. Thì ra lúc này nội kình Độ Ách đã tỏa ra khắp thân thể đến mức "ruồi nhặng không đậu được", bất cứ nơi nào khi gặp phải ngoại lực lập tức đẩy văng đi.
Chu Điên kêu lên:
- Ối chao! Ối chao! Thật tệ quá, thật tệ quá! Ông không ăn thịt chó thì cũng chẳng sao, cớ gì lại hất đùi chó ngon lành của tôi xuống đất, làm bẩn hết thế này? Ông phải đền cho tôi, ông phải đền cho tôi!
Y hoa chân múa tay kêu la rầm rĩ. Ngờ đâu ba nhà sư tu tập công phu, không bị các ma chướng bên ngoài quấy rối. Chu Điên tay phải lật một cái đã rút trong người ra một con dao, kêu lên:
- Nếu ông không chịu ăn thịt chó, lão tử hôm nay sẽ thí mạng cho mà xem.
Y giơ dao lên vạch vào mặt một cái, lập tức máu chảy ròng ròng. Quần hùng kinh hoảng kêu lên, Chu Điên lại giơ dao cắt thêm một đường nữa, lập tức mặt mũi đầy máu me, trông thật quái đản ghê rợn. Hình ảnh đó dẫu ai trông thấy cũng gớm ghiếc, nhưng Thiếu Lâm tam tăng vẫn chuyên chú, mắt tai mũi lưỡi không còn sử dụng, nên nào có thấy cái cảnh tự hủy hoại của Chu Điên đến như y đến trước mặt cũng không hay biết. Chu Điên lại kêu toáng lên:
- Hòa thượng giỏi nhỉ, nếu ông không đền đùi thịt chó cho tôi, tôi chết ngay tại đây cho mà xem.
Y giơ đoản đao lên toan đâm luôn vào tim mình. Y thấy giáo chủ tình hình nguy khốn, quyết ý xả mệnh tự sát để quấy nhiễu tinh thần ba nhà sư. Đột nhiên một bóng vàng thấp thoáng, một người đã phi thân tới, vươn tay cướp luôn con dao trong tay y, tiếp theo nghiêng người lướt tới, năm ngón tay thò ra, chộp xuống đỉnh đầu Chu Chỉ Nhược, thủ pháp sử dụng giống hệt cách Tống Thanh Thư dùng để giết các trưởng lão Cái Bang.
Năm ngón tay của Chu Chỉ Nhược tuy chỉ cách đỉnh đầu Tạ Tốn chưa đầy một thước, nhưng kẻ địch thân pháp nhanh quá, đành phải rút tay về đỡ, gạt chiêu đó ra ngoài.
Trương Vô Kỵ nội kình mạnh không kém gì ba nhà sư liên thủ, nhưng công phu khô thiền "ta vật đều quên" thì kém xa, chưa đến mức vào mắt mà không thấy, vào tai mà không nghe nên khi thấy Chu Chỉ Nhược ra tay uy hiếp Tạ Tốn, tâm thần chàng liền xao động ngay. Chu Điên đi lên phá rối, đến lúc cầm dao tự tận chàng đều nhìn rõ, trong bụng lại càng hoảng hốt. Lúc đó nội tức trong người chàng dâng lên như sóng biển, chỉ chớp mắt là hộc máu chết ngay tại chỗ, bỗng thấy cô gái áo vàng nhảy vào đoạt đoản đao trong tay Chu Điên, xuất chiêu tấn công Chu Chỉ Nhược giải thoát Tạ Tốn khỏi nguy nan.
Trương Vô Kỵ trong lòng mừng rỡ, nội kình lập tức trổi lên, kình lực của ba nhà sư liền hóa giải, chỉ giây lát đã thành thế thăng bằng. Bọn Độ Ách tuy không nhìn, không nghe thấy cảnh giới bên ngoài nhưng nội kình hai bên lên xuống vẫn cảm thấy rất tinh tế, thấy đối phương nội kình bỗng tăng lên thật nhanh nhưng không chuyển từ thế thủ sang thế công chính là cơ hội tối hảo để tiêu trừ nguy nan. Ba nhà sư tâm ý tương thông, lập tức liền từ từ thu kình lại, Trương Vô Kỵ cũng thu bớt một phần, tam tăng lại thu một phần. Cứ như thế bên này thu một ít bên kia thu một ít chỉ khoảnh khắc hai bên đều thu về cả. Tất cả bốn người cùng cười ha hả đứng lên. Trương Vô Kỵ vái một cái thật sâu, Độ Ách, Độ Nạn, Độ Kiếp ba nhà sư cũng chắp tay đáp lễ, cùng cất tiếng:
- Bội phục, bội phục!
Trương Vô Kỵ quay đầu nhìn lại thấy cô gái áo vàng đang cùng Chu Chỉ Nhược giao đấu thật kịch liệt. Cô gái tay không còn Chu Chỉ Nhược một tay roi, một tay đoản đao nhưng xem ra vẫn núng thế. Võ công cô gái áo vàng xem ra cùng đường với Chu Chỉ Nhược, phiêu hốt linh động, huyễn ảo vô cùng nhưng giơ tay cất chân đều chính chứ không phải tà, nếu nói Chu Chỉ Nhược dáng như quỉ mị thì cô gái áo vàng thật chẳng khác gì thần tiên.
Trương Vô Kỵ chỉ mới coi sơ qua cũng biết cô gái kia chỉ thắng chứ không thua, nghĩa phụ không có gì nguy hiểm, nhưng xem ra nàng ta ra chiêu như muốn dò đường để xem võ công Chu Chỉ Nhược đến đâu, còn như quả như muốn thắng thì đã đánh ngã Chu Chỉ Nhược từ lâu rồi.
Độ Ách nói:
- Thiện tai! Thiện tai! Trương giáo chủ, tuy các hạ không thắng được ba anh em chúng tôi, chúng tôi cũng không thắng được các hạ. Tạ cư sĩ, xin ông cứ tự nhiên.
Nói xong ông ta tiến lên giải các huyệt đạo cho Tạ Tốn nói:
- Tạ cư sĩ, phóng hạ đồ đao, lập địa thành Phật. Cửa Phật lúc nào cũng mở rộng, thế gian này không ai là không độ được. Ta với ngươi ở trên đỉnh núi này cũng đã lâu ngày, cái đó cũng là có duyên với nhau.
Tạ Tốn đứng thẳng dậy nói:
- Ngã Phật từ bi, may được ba vị đại sư chỉ cho con đường sáng, Tạ Tốn này cảm kích khôn cùng.
Chỉ nghe thiếu nữ áo vàng quát lên một tiếng, tay trái vươn ra đã đoạt được trường tiên trong tay Chu Chỉ Nhược, tiếp theo thúc cùi chỏ vào huyệt đạo trên ngực nàng, năm ngón tay phải vươn ra để hờ trên đầu nói:
- Ngươi có muốn nếm mùi "Cửu Âm Bạch Cốt Trảo" hay chăng?
Chu Chỉ Nhược không cử động được, nhắm mắt chờ chết. Tạ Tốn tuy hai mắt không nhìn thấy gì nhưng tình cảnh chung quanh vẫn hiểu rõ, tiến lên vái một cái nói:
- Cô nương cứu mạng cho hai cha con tôi, đại đức đó thật là sâu nặng. Vị Chu cô nương này nếu không biết hối cải, vẫn tiếp tục làm điều bất nghĩa, thể nào rồi cũng có ngày bị quả báo. Khẩn cầu cô nương hôm nay tha cô ta một chuyến.
Cô gái áo vàng nói:
- Kim Mao Sư Vương hối cải nhanh quá đi thôi.
Thân hình nàng lắc một cái đã lùi ra ngoài.
Chú thích
[1] Kình lực xoáy vào như hình trôn ốc, hình mũi khoan
[2] Trung Hoa chính yếu có hai loại tiên, một loại gọi là cương tiên, hình dáng giống như một cây gậy có cán, đúc bằng kim loại (hơi giống cây giản), một loại là nhuyễn tiên là một thứ roi mềm (dài hơn). Việt Nam ta có cây roi (ở vùng Bình Định rất nổi tiếng) còn gọi là trung bình tiên giống cây côn một đầu chuốt hơi nhỏ hơn, chiều dài bằng người đứng thẳng giơ tay lên, phương pháp sử dụng giống như đánh thương, chủ yếu dùng để đâm. Ngoài ra ta còn một loại roi khác gọi là roi lâm, ngắn hơn trung bình tiên, phép đánh nửa roi, nửa côn.
[3] Gồm hai mắt, hai lỗ mũi, hai lỗ tai và miệng
[4] tâm vô bàng vụ, hàm hung bạt bối, trầm kiên trụy trửu là yếu quyết của người tập luyện thái cực quyền hay kiếm pháp ý nói người luyện phải buông lỏng ra để khí lực lưu chuyển cho thông sướng.
[5] Thái Sơn băng ư tiền nhi sắc bất biến, Mị lộc hưng ư tả nhi mục bất thuấn