Far more seemly were it for thee to have thy study full of books, than thy purse full of money.

John Lyly

 
 
 
 
 
Tác giả: Maurice Leblanc
Thể loại: Trinh Thám
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 42
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3681 / 152
Cập nhật: 2017-05-10 22:12:22 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Héclốc Sôm Ra Tay
hưa, các ông dùng gì ạ? Người hầu bàn hỏi.
- Món gì cùng được, Arxen Lupanh hờ hững đáp, nhưng không rượu, không thịt gì cả.
Người hầu bàn quay đi, vẻ coi thường.
Tôi lắc đầu kêu lên:
- Thế nào, anh vẫn ăn chay à?
- Ừ, dạo này tôi càng tích cực hơn, Lupanh đáp.
- Này, do khẩu vị? Do thói quen hay do tín ngưỡng đấy?
- À, do vệ sinh thôi, anh ạ.
- Thế không bao giờ "phá giới" à?
- Ồ, có chứ... Khi đi ra ngoài thì cũng phải... Không thì lập dị chết!
Chúng tôi ăn bữa chiều tại một tiệm ăn nhỏ gần nhà ga Bắc. Arxen Lupanh triệu tập tôi đến đây. Chàng thích vậy. Thỉnh thoảng, chàng lại gọi dây nói hẹn hò tôi ở một xó xỉnh nào đó của Pari. Lúc nào chàng cũng tỏ ra cao hứng, vui sống, giản dị và hiền hậu, và luôn làm cho tôi bất ngờ với một mẩu giai thoại, một kỷ niệm hoặc một câu chuyện phiêu lưu mà tôi không biết.
Chiền hôm ấy, tôi thấy chàng có vẻ hồ hởi hơn mọi ngày. Chàng cười, nói hăng say khác thường với một giọng mai mỉa tinh tế riêng của chàng, một giọng mai mỉa không cay độc, nhẹ nhàng và tự phát. Mỗi lần gặp chàng là một thú vui và tôi không khỏi không biểu lộ với chàng sự thoả mãn ấy của tôi.
- Đúng! Đúng! Chàng reo lên, tôi đang sống những ngày mà mọi cái đối với tôi đều thú vị tuyệt vời, mà sự sống trong tôi như một kho báu vô tận không bao giờ cạn. Ấy thế mà chỉ có Chúa biết là tôi sống rộng rãi.
- Có khi rộng rãi quá ấy, anh Lupanh ạ.
- Tôi đã nói với anh sự sống trong tôi là kho báu vô tận cơ mà! Tôi có thể tiêu pha phung phí con người tôi, có thể quăng sức lực và tuổi trẻ của tôi ra bốn phương trời, nhưng chính vì tên tuổi mà tôi đã làm cho sức lực của tôi mạnh và trẻ hơn lên... Vả lại cuộc đời của tôi tươi đẹp lắm lắm! Nếu tôi muốn, chỉ cần ngày một ngày hai là tôi có thể trở thành một diễn giả, một giám đốc nhà máy, một nhà hoạt động chính trị..., biết thế nào được, phải không anh? Nhưng xin thề với anh, tôi không hề có ý nghĩ như thế. Tôi là Arxen Lupanh, mãi mãi vẫn là Arxen Lupanh. Tôi cố tìm trong lịch sử mà không sao thấy được một số phận trọn vẹn hơn, mãnh liệt hơn, so sánh với của tôi.
Napôléông chăng? Kể ra cũng tạm... Nhưng vào cuối đời hoàng đế, khi bị cả châu Âu nghiền nát trong chiến dịch của nước Pháp, Napôléông mỗi lần lâm trận chắc cũng tự hỏi phải chăng đây là trận cuối cùng?
Không hiểu Arxen Lupanh phát biểu nghiêm túc hay nói đùa nhỉ?
Trầm ngâm mấy giây, chàng sôi nổi nói tiếp:
- Anh thấy đấy, nguy hiểm sờ sờ trước mắt! Anh không ngừng cảm thấy nó. Anh hít thở nguy hiểm như hít thở không khí. Anh nhận thấy nguy hiểm lại gần mình, rình mò, gầm thét và réo ù ù xung quanh anh... Nhưng giữa cơn phong ba bão táp, anh hãy bình tĩnh, hãy đứng vững! Nếu không, anh sẽ đi đời ngay! Chỉ có một cảm giác so sánh được, đó là cảm giác của người lái xe ở sau tay lái đang băng băng trên đường. Nhưng hành trình của ôtô chỉ trong một buổi sáng. Còn hành trình của tôi kéo dài suốt cả đời!
- Cảm hứng trữ tình xiết bao! - Tôi reo lên, - thế mà anh đã làm tôi tin sai là không có lý do đặc biệt nào khiến anh hưng phấn!
Arxen Lupanh mỉm cười, nói:
- Chịu anh! Anh đúng là một nhà tâm lý cừ khôi. Thú thực là có lý do đấy.
Chàng rót cho mình một cốc nước mát, uống rồi nói với tôi:
- Anh đã đọc báo Le Temps ngày hôm nay chưa?
- Chưa.
- Hồi chiều Héclốc Sôm đã vượt biển Măngsơ và sẽ đến đây vào hồi sáu giờ.
- Hả? Sao lại có chuyện quái thế?
- À! Một chuyến du lịch nho nhỏ theo lời mời của các ngài Crôgiông. Giécboa, Hôtơrêch. Họ sẽ tập hợp ở ga Bắc rồi cùng nhau đi gặp Ganimar. Lúc đó sẽ khai mạc một cuộc họp tay sáu.
Mặc dầu tò mò một cách kinh khủng, tôi cũng không bao giờ dám hỏi Arxen Lupanh về những hoạt động trong đời tư nếu chàng không tâm sự. Về phần tôi, đó là vấn đề giữ ý tứ mà tôi luôn tôn trọng, vả lại lúc này, tên của Arxen Lupanh chưa được công bố chính thức trong vụ viên kim cương xanh, vì vậy tôi đành dằn lòng chờ đợi. Chàng nói tiếp:
- Báo Le Temps còn đăng một bài phỏng vấn ông chánh thanh tra Ganimar, đề cập tới một người Đàn bà tóc hoe nào đó là "tình nhân" của tôi, đã ám sát ngài nam tước Hôtơrêch và lấy trộm của bà Đơ Crôgiông cái nhẫn kim cương xanh nổi tiếng. Và dĩ nhiên tờ báo buộc tội tôi là kẻ xúi giục những tội ác này.
Tôi hơi rùng mình. Có thực thế không? Liệu tôi có bắt buộc phải tin là thói quen ăn cắp, lối sống và chính cái lôgíc của những sự việc đã đẩy con người tới hành động giết người? Sao chàng có vẻ bình thản đến thế? Đôi mắt của chàng đang nhìn kia sao thẳng thắn đến thế?
Tôi ngắm kỹ đôi bàn tay của chàng: những bàn tay mảnh dẻ, thật là lành, những bàn tay của nghệ sĩ.
- Ganimar bị ảo giác thôi! - Tôi nói khẽ.
- Không đâu, - Lupanh phản đối. - Ganimar mưu mẹo, khôn ngoan, đôi lúc tài trí nữa kia, anh ạ!
- Ganimar mà tài trí ấy à?
- Ừ. Thí dụ bài phỏng vấn ấy là một đòn bậc thầy đấy. Thứ nhất, Ganimar thông báo việc kẻ kình địch của lão là Héclốc Sôm đến Pari để tôi liệu mà đề phòng đồng thời gây khó khăn cho đối phương. Thứ hai, xác định chính xác lão đã đi đến đâu trong vụ này, để cho Héclốc Sôm muốn ăn hết phải tự tay đào giun! Ấy, lão cứ giả ngô giả ngọng thế mà ăn người đấy!
- Dù sao bỗng dưng anh có hai đối thủ, mà toàn những tay ra trò cả.
- Ối dào! Một tay không đáng kể, anh ạ!
- Còn tay kia thì sao?
- Héclốc Sôm ấy à? Thú thực y thuộc loại tầm cỡ đấy. Tuy nhiên đấy chính là lý do khiến tôi say mê, lý do vì sao anh thấy tôi vui vẻ đến thế. Trước hết là vấn đề tự ái, anh ạ. Người ta cho rằng để hạ được tôi, sự có mặt của tay thám tử người Anh không phải là thừa. Tiếp là, anh thử nghĩ mà xem còn gì thú vị hơn loại như tôi lại sắp được đấu tay đôi với Héclốc Sôm. Tóm lại, tôi bắt buộc phải chuẩn bị cho đến nơi đến chốn. Tôi biết y lắm. Cái anh chàng người Anh này không bao giờ chịu lui lấy nửa bước đâu, anh ạ!
- Y mạnh lắm hả?
- Ừ, rất mạnh! Nói đến thám tử, tôi tin là không đào đâu ra một tay nào cừ như y. Nhưng dù sao tôi vẫn lợi thế hơn vì y là kẻ tấn công mà tôi là người chống đỡ. Vai trò của tôi dễ dàng hơn, vả lại...
Arxen Lupanh thoáng mỉm cười, rồi chậm rãi nói tiếp:
- Vả lại, tôi biết cách đánh của y, trong khi y lại không nắm được đấu pháp của tôi. Tôi sẽ dành cho y những đòn bất ngờ khiến y nhớ đời.
Chàng gõ gõ ngón tay xuống bàn, khoái trá nói nhát gừng:
- Arxen Lupanh chống Héclốc Sôm... Pháp chống Anh... Cuối cùng là... Chà! Anh chàng đáng thương quá... Y không ngờ ta đã chuẩn bị đâu vào đấy rồi... Lupanh lão luyện chứ có phải...
Arxen Lupanh bỗng im bặt, ho sù sụ và giấu mặt trong khăn ăn cứ như bị nghẹn.
- Sao? Anh bị nghẹn bánh mì à? - Tôi vội hỏi. - Chiêu một ngụm nước vậy này!
- Không, không phải thế đâu, Lupanh khẽ đáp:
- Thế... anh làm sao hả?
- Tôi cần khí trời!
- Để tôi mở cửa sổ nhé!
- Không, để tôi đi ra ngoài... Anh đưa mũ áo cho tôi, mau... Tôi phải chuồn...
- Ơ kìa! Thế nghĩa là thế nào?
- Anh hãy nhìn hai ông khách vừa vào kia kìa, để ý cái ông to cao ấy... Khi ra, anh hãy đi sang bên phải tôi sao cho ông ta không nhìn thấy tôi.
- Cái ông ngồi bàn sau lưng anh ấy à?
- Ừ... Thôi khẩn trương lên. Ra ngoài, tôi sẽ giải thích cho anh...
- Nhưng ai đấy hả anh Lupanh?
- Héclốc Sôm!
Arxen Lupanh cố trấn tĩnh như thấy ngượng về sự lúng túng của mình. Chàng bèn đặt chiếc khăn ăn xuống bàn, uống một ngụm nước rồi mỉm cười thản nhiên nói:
- Kể cũng buồn cười thật đấy. Mình có phải là con người dễ xúc động đâu, ấy thế mà bất chợt nhìn thấy...
- Nhưng anh sợ gì chứ? Cải trang tài tình như anh, ai mà nhận ra được? Ngay cả tôi, mỗi lần gặp lại anh, tôi vẫn cứ thấy như gặp một ngươi nào khác.
- Héclốc Sôm sẽ nhận ra tôi! Lupanh nói, tuy mới gặp nhau có một lần nhưng tôi linh cảm y đã nhìn thấy tôi cả đời. Không phải y nhìn thấy cái bề ngoài thiên biến vạn hóa của tôi mà nhìn thấy con người cụ thể của tôi. Vả lại... tôi cũng không ngờ lại có một cuộc chạm trán đặc biệt đến thế... trong cái quán ăn nhỏ bé này.
- Thôi, ta đánh bài chuồn chứ hả? - Tôi hỏi.
- Khoan đã, anh ạ!
- Anh tính sao?
- Tốt nhất ta cứ xử sự cho đàng hoàng. Chúng ta sẽ tới gặp y.
- Anh định thế à?
- Ừ, như vậy tôi sẽ có cái lợi thế là trực tiếp hỏi y, xem y đã nắm được những gì... Đấy, tôi có cảm giác đôi mắt cú vọ của y đang nhìn xoáy vào lưng tôi, vào gáy tôi. Y đang moi óc... cố nhớ lại...
Arxen Lupanh suy nghĩ. Tôi thấy trên môi chàng bỗng nở một nụ cười tinh quái. Và tôi tin là do tính ngông hơn là do hoàn cảnh thuê, Arxen Lupanh vụt đứng lên quay phắt lại và vồn vã chào:
- Ồ! Ông Héclốc Sôm! Bất ngờ quá! Quả là một sự may mắn. Xin giới thiệu với ông một người bạn của tôi!
Thoáng một, hai giây bối rối, Héclốc Sôm bỗng theo bản năng, toan nhảy xổ vào Arxen Lupanh. Arxen Lupanh lắc đầu nói:
- Ông Héclốc Sôm, ông lại mắc sai lầm rồi! Cử chỉ của ông không những không được đẹp mà còn hết sức vô ích nữa kia.
Tay thám tử người Anh quay nhìn xung quanh như để cầu cứu.
- Ông định tìm cứu viện à? Vô ích nốt, ông ạ! Lupanh nói, vả lại liệu ông có chắc đủ khả năng tóm được tôi không? Thôi, xin ông nên biết điều thì hơn.
Tỏ ra biết điều trong lúc này quả thật không lấy gì làm thú vị cho lắm! Tuy nhiên có lẽ thấy không có cách gì hơn, tay thám tử lừng danh đành nhổm người lên và lạnh nhạt giới thiệu:
- Ông Uynxơn, cộng tác viên, bạn của tôi. Còn đây là ông Arxen Lupanh.
Thái độ sửng sốt quá đỗi của Uynxơn khiến mọi người cười phá lên. Đôi mắt trợn tròn, cái miệng há hốc trên khuôn mặt đầy đặn, căng bóng, đóng khung giữa những mớ tóc râu cứng quèo dựng đứng như bàn chải... trông Uynxơn càng thêm ngộ nghĩnh.
Héc Lốc Sôm cười khẩy pha chút giễu cợt:
- Anh Uynxơn, trước những sự kiện tự nhiên nhất thế giới này mà anh cũng ngơ ngơ ngác ngác được thì lạ thật.
- Sao anh không bắt hắn hả? Uynxơn lắp bắp hỏi.
- Anh không nhận thấy con người hào hoa phong nhã đang đứng giữa tôi và cửa ra phố hay sao. Mà từ ông ấy ra tới cửa có hai bước, chỉ cần tôi khẽ nhúc nhích là ông ấy đã ở ngoài đường rồi.
- À, Lupanh nói, nếu thế thì khó gì?
Nói đoạn, Arxen Lupanh liền đi vòng các bàn và ngồi xuống sao cho vị trí của tay thám tử người Anh ở vào giữa chàng và cửa ra vào, phó mặc cho y tuỳ ý khu xử.
Uynxơn liếc nhìn Héclốc Sôm xem có nên biểu lộ sự thán phục hành động dũng cảm của đối phương hay không? Héclốc Sôm vẫn im lặng khó hiểu nhưng sau một lát, y cất tiếng gọi:
- Bồi đâu!
Nhân viên phục vụ chạy tới. Héclốc nói:
- Cho sôda, bia và uýtxki đây!
Hòa ước đã được ký kết cho tới khi có lệnh mới! Một lát sau, cả bốn người chúng tôi đã ngồi vào bàn và chuyện trò một cách bình thản.
Héclốc Sôm là một người... như mọi con người mà ta gặp hàng ngày. Y trạc năm mươi tuổi, trông giống một ngài tư sản hiền lành suốt đời cặm cụi tính sổ tính sách sau một cái bàn giấy. Nếu không có đôi mắt cú vọ rất sắc và tinh nhanh thì, với bộ ria má hung hung, cái cằm cạo nhẵn và cái vẻ bề ngoài hơi nặng nề, người ta dễ lầm Héclốc Sôm với những công dân lương thiện khác của Luân Đôn.
Vâng chính đó là Héclốc Sôm, một hiện tượng kỳ lạ về trực giác, về khiếu quan sát, sự nhìn xa trông rộng và về tài biến báo. Người ta nghĩ là thiên nhiên đã tinh nghịch gộp hai mẫu thám tử khác thường nhất của trí tưởng tượng, Đupanh của Étga Pô và Lơ Cốc của Gabôriê, thành một nhân vật khác thường hơn, siêu thực hơn. Khi nghe kể về những chiến tích đã làm cho y lừng danh thế gian, người ta phải tự hỏi phải chăng Héclốc Sôm là một nhân vật huyền thoại, một nhân vật ra đời từ trí tưởng tượng của một nhà tiểu thuyết vĩ đại như Cônan Đôilơ chẳng hạn?
Khi Arxen Lupanh hỏi về dự kiến thời gian ở lại Pari, lập tức Héclốc Sôm đi thẳng vào vấn đề.
- Thời gian tôi lưu lại đây hoàn toàn phụ thuộc vào ông, ông Lupanh ạ.
- Ồ! Lupanh cười đáp, nếu đúng là như thế thì thưa ông Héclốc Sôm, tôi xin mời ông đáp tàu biển ngay tối hôm nay!...
- Ngay tối nay thì hơi sớm đấy, tuy nhiên tôi hy vọng trong tám đến mười hôm nữa...
- Thưa ông, ông vội thế cơ ạ?
- Vâng, tôi còn rất nhiều việc phải làm, nào là vụ trộm ở ngân hàng Hoa - Anh, nào là vụ bắt cóc phu nhân Écclextơn... Thế nào, ông Lupanh ông có tin thời gian một tuần lễ là đủ không?
- Nếu ông chỉ quan tâm đến vụ án - kép về viên kim cương xanh thì với thời gian ấy là rộng rãi quá đấy! Vả lại đó cũng là khoảng thời gian cần thiết để tôi phòng ngừa. Biết đâu trong vụ này ông lại giành được một số thế lợi nào đó có thể nguy hiểm đến sự an toàn của tôi!
- Thế ạ, chính tôi cũng đang tính lợi dụng những thế lợi trong khoảng thời gian tám đến mười ngày ngắn ngủi ấy.
- Và có lẽ ông sẽ tóm cổ tôi vào ngày thứ mười một?
- Không ạ! Vào đúng ngày thứ mười. Đó là giới hạn cuối cùng, thưa ông Lupanh.
Lupanh ngẫm nghĩ một lát rồi lắc đầu nói:
- Khó đấy! Cũng khó đấy, ông Héclốc Sôm ạ!
- Vâng, kể ra cũng khó nhưng không phải không thể thực hiện được. Do đó, chắc chắn là...
- Chắc chắn là sẽ thực hiện được! - Uynxơn nói.
Héclốc Sôm mỉm cười:
- Ông Uynxơn đây là người am hiểu sẽ làm chứng cho ông, ông Lupanh ạ.
Đăm chiêu một lát, tay thám tử người Anh nói tiếp:
- Tất nhiên, tôi không có trong tay tất cả chủ bài vì sự việc diễn ra cách đây đã lâu rồi. Tôi thiếu những yếu tố, những dấu vết mà tôi có thói quen dựa vào để điều tra.
- Như những vết bùn hoặc tàn thuốc lá chẳng hạn, Uynxơn trịnh trọng nhấn mạnh.
- Nhưng ngoài những kết luận đáng lưu ý của Ganimar, tôi còn có trong tay những bài báo viết về vấn đề này, toàn bộ những nhận xét đã thu thập được cộng thêm một vài ý kiến cá nhân.
- Đó là những quan điểm mà chúng tôi đã suy diễn do phân tích hoặc do giả định, - Uynxơn lại trịnh trọng chêm vào.
- Thưa ông Héclốc Sôm, - Lupanh "cung kính" nói, - xin ông thứ lỗi cho sự tò mò của tôi, ông có thể cho biết ý kiến tổng quát của ông trong vụ này.
Thực không gì lý thú hơn chứng kiến hai con người ấy ngồi trước mặt nhau, khuỷu tay tỳ trên bàn, ung dung và trịnh trọng tranh luận với nhau cứ như đang cùng giải quyết một vấn đề gay go hoặc cùng nhau thống nhất về một quan điểm nào đó. Cả hai đều có giọng mỉa mai. Còn Uynxơn thì say sưa ngây ngất lắng nghe.
Héclốc chậm rãi nhồi thuốc vào tẩu, đánh diêm châm rồi thủng thẳng nói:
- Tôi mong rằng vụ này sẽ không đến nỗi phức tạp như tôi tưởng lúc ban đầu.
- Tất nhiên không đến nỗi phức tạp như thế. – Uynxơn lặp lại.
- Tôi nói là "vụ này” vì theo tôi chung quy chỉ nằm trong một vụ duy nhất. Cái chết của nam tước Hôtơrếch, việc mất cắp cái nhẫn kim cương xanh và những điều bí ẩn về vé số 511 - xeri 23... chỉ là những mặt trái của vụ người Đàn bà tóc hoe, vả lại theo quan điểm của tôi, vấn đề mấu chốt là tìm ra mối liên hệ giữa ba hồi của cùng một vở kịch, tìm ra được sự kiện chứng minh tính nhất quán của ba phương pháp hành động, Ganimar phán đoán hơi hời hợt. Thầy thanh tra xem tính nhất quán ấy chung quy ở cái tài tẩu thoát, ở khả năng "xuất quỷ nhập thần" của thủ phạm. Tôi nghĩ là làm gì có chuyện thần thông biến hoá như thế!
- Rồi sao nữa ông?
- A theo tôi, - Héclốc Sôm nói rành rọt, - cái cốt lõi của toàn bộ câu chuyện ly kỳ này là ở chỗ chính ông đã dẫn dắt sự việc đến địa điểm mà ông đã định trước. Cho đến nay chưa ai phát hiện, song ý đồ ấy của ông là rõ ràng và hiển nhiên. Đó không những là kế hoạch mà còn là một điều kiện, một sự cần thiết không thể thiếu được để đi đến thắng lợi.
- Ông có thể cho biết một vài chi tiết không?
- Dễ thôi. Chẳng hạn ngay từ khi xảy ra vụ tranh chấp thẩm quyền giữa ông và ông Giécboa, hiển nhiên nhà ông luật sư Đơtinăng là địa điểm tất yếu mà ông chọn làm nơi gặp gỡ. Rõ ràng không có nơi nào bảo đảm hơn, chẳng thế ông đã lấy đó làm nơi hẹn gặp người Đàn bà tóc hoe va cô Xugian Giécboa một cách công khai, có thể nói là như thế.
- Cô Xugian Giécboa, con gái ông giáo trường trung học Vécxay ấy ạ! - Uynxơn nói rõ thêm.
- Bây giờ chúng ta hãy nói về viên kim cương xanh. Có phải là ông định chiếm đoạt viên đá quý ấy ngay từ khi ông nam tước mua được không? Chắc chắn là không phải. Nhưng khi nam tước Hôtơrếch dọn đến ở tại biệt thự của ông em thì sáu tháng sau xuất hiện Ăngtoanét Brêha. Đó là mưu toan lấy trộm lần thứ nhất. Sau lần ông lấy trượt ấy, người ta tổ chức bán đấu giá viên kim cương xanh ở biệt thự Đruo một cách hết sức rùm beng. Nhưng trong cuộc đấu giá này, việc mua bán có được tự do không? Có chắc người hám mua giàu sụ nhất, đoạt được viên đá quý ấy không? Hoàn toàn không. Đúng lúc ông chủ ngân hàng Hécsman sắp thắng thì một người đàn bà gửi cho ông ta một bức thư doạ nạt và thế là nữ bá tước Đơ Crôgiông bị chính người đàn bà ấy xúi giục, lại mua được. Liệu có thể "chớp” ngay viên kim cương ấy không?
Không, ông chưa đủ phương tiện. Phải chờ dịp. Nhưng nữ bá tước lại ở trong lâu đài của bà bên sông Xen. Ông chỉ chờ có thế. Cái nhẫn biến mất.
- Để rồi lại xuất hiện trong lọ đựng bột xà phòng chải răng của ông lãnh sự Blaikhen, một điểm dị thường đến kỳ cục, - Lupanh hỏi.
- Thôi đi ông! - Héclốc Sôm đấm mạnh xuống mặt bàn và thét lên, - tôi không phải là người để ông kể những chuyện tầm phào như vậy đâu! Những kẻ ngu ngốc thì mới bị lỡm, cáo già như tôi ấy à, xin lỗi ông...
- Thế nghĩa là thế nào ạ?
- Thế nghĩa là...
Héclốc Sôm ngưng một lát nhằm tăng hiệu quả của câu sắp nói. Cuối cùng y dằn giọng:
- Viên kim cương xanh mà cảnh sát phát hiện lẫn trong bột xà phòng chải răng là... một viên kim cương giả. Còn viên thật hiện ông đang giữ.
Arxen Lupanh im lặng, nhìn thẳng vào tay thám tử người Anh rồi thành thực nói:
- Ông quả là một tay đáng gờm, ông Héclốc ạ!
- Đáng gờm lắm, phải không? - Uynxơn há hốc miệng thán phục.
- Phải, - Lupanh xác nhận, - mọi cái đều sáng tỏ, mọi cái đều lộ rõ chân tướng. Trước ông, bao nhiêu thẩm phán dự thẩm, bao nhiêu phóng viên báo chí, những người đã từng lăn xả vào vụ này, đều đi xa sự thật hết. Đúng là lôgic và trực giác kỳ diệu,
Được một người hiểu biết tỏ lòng khâm phục, Héclốc thích lắm, nói:
- Ôi dào, chỉ cần động não một chút!
- Vâng, vấn đề là chỉ cần biết cách suy nghĩ. Nhưng giờ đây những giả thiết đã được khoanh vùng, những khó khăn ban đầu đã được san bằng...
- Bây giờ tôi chỉ còn việc khám phá nốt tại sao ba sự việc lại diễn ra ở 25 phố Clapêrông, ở 314 đại lộ Hăngri Máctanh và ở giữa những bức tường của lâu đài Đơ Crôgiông. Toàn bộ vụ án là ở chỗ ấy. Còn ngoài ra chỉ là chuyện tầm phào, là những câu đố chữ con nít. Ông Arxen Lupanh, ý kiến ông thế nào?
- À, cũng đại khái thế thôi, ông ạ!
- Vậy tôi xin nhắc lại với ông là trong mười ngày nữa mọi việc sẽ xong xuôi. Liệu có được không, ông Lupanh?
- Vâng, trong mười ngày nữa ông sẽ nắm được toàn bộ sự thật.
- Và ông sẽ bị bắt, ông Lupanh ạ!
- Ấy, không đâu, ông Héclốc ạ!
- Không à?
- Vâng! Để có thể tóm cổ được tôi, cần phải có một sự ngẫu hợp tình huống cực kỳ huyền hoặc, một loạt những cái không may hết sức bất ngờ, mà thưa ông sự bất trắc ấy tôi không chấp nhận.
- Thưa ông Lupanh, cái mà những tình huống và những sự ngẫu nhiên trái ngược nhất không thể giải quyết thì ý chí và tính ngoan cường của con người lại làm được.
- Thưa ông Héclốc, nhỡ một người khác cũng ngoan cường, cũng có ý chí lại đưa ra một vật cản vô địch để chống lại ý đồ ấy thì sao ạ?
- Thưa ông, không một vật cản nào lại không thể thắng nổi.
Ánh mắt họ trao đổi bình tĩnh, gan dạ và như xoáy vào nhau hoàn toàn không có vẻ gì là khiêu khích cả. Đó là tiếng thép chạm nhau trong sáng và thẳng thắn của hai thanh kiếm khi giao tranh.
- Khá lắm, - Lupanh reo lên. - Đáng mặt kỳ phùng địch thủ đấy. Kiếm được một tay như Héclốc Sôm này cũng hiếm. Tha hồ mà thích đấy!
- Này, - Uynxơn hỏi, - thế ông không sợ à?
- Không mảy may nào, ông Uynxơn ạ! Lupanh đứng dậy nói. Cụ thể, - tôi phải mau chóng về sắp xếp lại hang ổ kẻo nhỡ bị chõm thì nguy! Ông Héclốc này, có phải thời gian chúng ta quy định là mười ngày không nhỉ.
- Vâng, đúng mười ngày. Hôm nay là chủ nhật. Đến thứ tư mồng tám, mọi chuyện đều kết thúc!
- Và tôi sẽ bị quăng vào nhà đá?
- Điều đó là chắc chắn!
- Mẹ kiếp! Tôi thì tôi vẫn cứ khoái cái cuộc đời phóng khoáng, không buồn phiền, quanh mình luôn tồn tại cái cảm giác an ủi của một thiện cảm chung, thỉnh thoảng một chuyến áp phe nho nhỏ và kệ thây mấy thầy cảnh sát! Ấy thế mà sắp phải thay đổi hết cả. Cuối cùng là mặt trái của vinh quang... Sau buổi đẹp trời là mưa bão! Không phải chuyện đùa nữa rồi! Thôi, tạm biệt nhé!
- Mau chân lên ông Lupanh ạ! - Uynxơn ân cần nói với kình địch đáng trọng của Héclốc Sôm. - Đừng để lãng phí một phút nào!
- Ông nói đúng đấy, ông Uynxơn! Tôi chỉ xin giành một phút để thưa với ông là tôi rất hân hạnh về cuộc gặp gỡ này và thấy ghen với ông Héclốc Sôm đã có được một cộng tác viên quý báu như ông.
Họ lịch sự chào nhau, hệt hai đấu thủ trên võ đài mà số phận buộc họ phải đánh nhau không thương tiếc nhưng lại không hề thù hằn nhau. Nắm lấy cánh tay tôi, Arxen Lupanh kéo tôi đi ra.
- Anh thấy thế nào, Lupanh? Anh vừa giành cho tôi một bữa ăn mà những sự cố sẽ đọng mãi trong tôi.
Arxen Lupanh đóng cửa tiệm ăn lại sau lưng. Đi độ mươi bước, chàng bỗng đứng lại:
- Anh hút thuốc không?
- Không, hình như anh cũng không hút cơ mà?
- Tôi có hút đâu!
Arxen Lupanh châm một điếu thuốc, vung tay vẩy tắt lửa. Bất chợt chàng quẳng điếu thuốc đi chạy ù qua đường để gặp hai người lạ mặt vừa được tín hiệu gọi ra khỏi chỗ tối. Chàng trao đổi vài câu gì đó với họ trên vỉa hè rồi quay trở lại với tôi.
- Xin lỗi anh chứ, thằng cha Héclốc đáng ghét sắp gây khó khăn cho tôi đấy. Nhưng xin thề với anh, y sẽ không xong với tôi đâu. Chà! Mẹ kiếp, tôi sẽ cho y biết tay. Thôi, tạm biệt anh. Uynxơn có lý đấy, tôi không nên để mất thì giờ vô ích!
Arxen Lupanh bước đi rất nhanh.
Buổi chiều kỳ lạ, nói cho đúng hơn cái nửa buổi chiều tôi được tham dự ấy đã qua đi như vậy. Ngay sau đó biết bao sự kiện khác cũng đã diễn ra mà tôi xin kể ra đây theo lời tâm sự của một khách ăn bữa tối hôm đó.
Đúng lúc Arxen Lupanh từ biệt tôi, Héclốc Sôm cũng đứng dậy và rút đồng hồ ra:
- Chín giờ kém hai mươi. Đúng chín giờ tôi phải gặp ông bà bá tước ở ga.
- Ta đi thôi! - Nốc vội hai ly uýtxki, Uynxơn hô to.
Hai người bước ra cửa.
- Uynxơn, đừng ngoảnh lại... có thể chúng ta bị theo dõi đấy. Trường hợp ấy, cứ giả đò như ta không biết. Uynxơn này, theo ý anh, Lupanh vào tiệm ăn để làm gì?
- Để ăn! - Uynxơn đáp luôn.
- Anh Uynxơn, càng làm việc với nhau, tôi càng thấy anh tiến bộ không ngừng. Phải nói là anh cừ thật đấy.
Trong bóng tối, Uynxơn đỏ mặt lên vì khoái chí. Héclốc nói tiếp:
- Lupanh vào tiệm để ăn, cứ cho là thế, rồi sau đó rất có thể để biết chắc tôi có đi đến lâu đài Crôgiông như Ganimar đã thông báo trong bài phỏng vấn không? Tôi sẽ đi để khỏi trái ý hắn. Tuy nhiên, để lợi thời gian với hắn, tôi sẽ không đi nữa!
- Chà! - Uynxơn sửng sốt thốt lên.
- Uynxơn, nghe đây! Anh hãy chuồn theo đường phố này, nhảy lên một chiếc xe hơi, chuyển sang hai ba xe khác. Sau đó quay trở lại lấy vali của chúng ta gửi ở phòng giữ hành lý rồi ba chân bốn cẳng thẳng đến khách sạn Êliđê Palaxơ.
- Đến Êliđê Palaxơ làm gì?
- Anh sẽ thuê một căn buồng rồi lên giường ngủ một giấc thật say sưa và chờ chỉ thị của tôi. Nghe chưa?
Uynxơn ra đi, rất tự hào về vai trò quan trọng được giao phó. Trong khi đó Héclốc Sôm lấy vé nhảy lên tàu tốc hành đi Amiêng. Ông bà bá tước Đơ Crôgiông đã có mặt trên tàu.
Héclốc Sôm chào hai người, mồi một tẩu thuốc khác rồi thản nhiên đứng hút ở hành lang.
Tàu chuyển bánh. Mười phút sau, Héclốc Sôm ngồi xuống bên bà bá tước và hỏi:
- Thưa bà, bà có mang chiếc nhẫn theo không?
- Có đây ạ.
- Bà làm ơn cho tôi mượn.
Héclốc Sôm cầm chiếc nhẫn lên ngắm nghía.
- Đúng như dự đoán, viên kim cương này là làm giả.
- Ông nói sao ạ?
- Có một phương pháp mới nung chảy bụi kim cương ở nhiệt độ cao, sau đó chỉ việc khôi phục lại thành một viên đá duy nhất.
- Thưa ông, nhưng viên kim cương của tôi là thật cơ mà?
- Vâng, đúng như thế ạ! Nhưng đây không phải viên kim cương xanh của bà.
- Thế viên của tôi đâu?
- Viên kim cương xanh ấy hiện đang ở trong tay Arxen Lupanh!
- Thế còn viên này là thế nào ạ?
- Viên này đã thay thế viên thật của bà và được giúi vào trong lọ bột xà phòng của ngài Blaikhen mà bà đã tìm lại được.
- Vậy nó là giả à?
- Vâng, hoàn toàn là của giả ạ!
Bà bá tước Đơ Crôgiông choáng váng sững sờ không thốt lên được lời nào. Trong khi đó đức ông chồng hoài nghi xoay lên quay xuống cái nhẫn. Cuối cùng nữ bá tước lắp bắp nói:
- Sao lại thế được? Nhưng tại sao họ không chỉ lấy cắp không thôi mà còn bày trò đánh tráo thật giả làm gì? Mà họ làm thế nào lấy cắp được cơ chứ?
- Thưa bà, chính đây là điều tôi sẽ cố gắng làm sáng tỏ.
- Ở lâu đài Crôgiông ấy ạ?
- Không. Tôi sẽ xuống Cren sau đó quay trở lại Pari. Chính tại đây cuộc đấu tay đôi giữa tôi và Arxen Lupanh sẽ diễn ra. Cuộc chiến ở nơi nào cũng vậy thôi, nhưng nên để cho Lupanh tưởng tôi đang trên đường...
- Tuy nhiên...
- Thưa bà, có gì ảnh hưởng tới bà đâu! Điều chủ yếu đối với bà là viên kim cương, phải thế không ạ?
- Vâng.
- Vậy xin bà hãy an tâm! Lúc nãy tôi vừa có một sự cam kết còn khó giữ trọn hơn kia. Hãy tin vào Héclốc Sôm này. Viên kim cương thật sự sẽ về với bà.
Tàu chạy chậm lại. Héclốc Sôm bỏ viên kim cương giả vào túi rồi mở cửa toa tàu. Ông bá tước kêu lên:
- Ông xuống trái phía rồi!
- Như thế mới đánh lạc hướng được Lupanh. Tạm biệt nhé!
Héclốc nhảy xuống. Một nhân viên nhà ga phản kháng kịch liệt, song tay thám tử người Anh đã đi về phía phòng trưởng ga. Năm mươi phút sau, y nhảy lên một chuyến tàu xuôi về tới Pari trước nửa đêm.
Héclốc Sôm chạy xuyên qua ga, vào một quầy ăn, ra một cửa khác rồi nhảy lên một chiếc xe ngựa.
- Xà ích! Phố Clapêrông!
Biết chắc không bị ai theo dõi, Héclốc ra lệnh dừng xe ở đầu phố, rồi bắt đầu xem xét tỉ mỉ nhà của luật sư Đơtimăng và hai ngôi nhà bên cạnh. Héclốc sải những bước chân đều đặn, đo đạc vài khoảng cách, viết vào sổ tay mấy con số và đôi dòng ghi chú.
- Xà ích! Đại lộ Hăngri Máctanh!
Tới góc đại lộ và phố La Pômpơ, Héclốc trả tiền xe, theo vỉa hè tới số nhà 134. Y lại bắt đầu những thao tác như trên trước biệt thự của nam tước Hôtơrếch và hai toà nhà ở sát hai bên, đo bề ngang tương ứng của các mặt trước nhà, tính chiều sâu của những mảnh vườn ở trước nhà.
Đại lộ vắng tanh vắng ngắt và rất tối dưới bóng bốn hàng cây. Đó đây xen kẽ vài ngọn đèn khí đốt hiu hắt như đang cố chống chọi với bóng đêm dày đặc. Ánh sáng yếu ớt của một ngọn chiếu lờ mờ một phần biệt thự. Héclốc Sôm nhìn thấy biển "cho thuê” treo toòng teng ở hàng rào, hai lối đi bỏ hoang quanh một thảm cỏ nhỏ và những ô cửa sổ trống rỗng của toà biệt thự vắng người ở.
- Đúng thật, - Héclốc Sôm nói, - từ khi ông nam tước qua đời đến giờ, nhà đâm hoang vắng. Chà! Giá mà lọt được vào trong nhà thăm thú một lát thì hay quá nhỉ!
Chỉ cần ý nghĩ ấy thoáng đến thôi, Héclốc đã bắt tay ngay vào việc. Nhưng làm thế nào bây giờ? Hàng rào thì cao không thể vượt được, Héclốc bèn lôi trong túi ra một cái đèn pin và một chìa khoá vạn năng lúc nào cũng ở sẵn trong người. Y sửng sốt nhận thấy một cánh cổng song sắt chỉ khép hờ. Y liền lẻn vào vườn, chú ý không đóng sập cánh cổng. Nhưng mới tiến được mấy bước, tay thám tử người Anh bỗng đứng sững lại: trên lầu hai, sau một ô cửa sổ thấp thoáng có một ánh sáng lờ mờ.
Ánh sáng lờ mờ ấy chuyển sang cửa sổ thứ hai, rồi sang cửa sổ thứ ba. Héclốc Sôm không phát hiện gì khác ngoài một bóng lướt trên vách các phòng. Tiếp đó, từ lầu hai, ánh sáng lờ mờ ấy đi xuống lầu một và lượn lờ mãi hết phòng này sang phòng khác.
- Quái! Kẻ nào dám đi dạo trong ngôi nhà nơi ông nam tước Hôtơrếch bị giết chết, vào lúc một giờ sáng thế này nhỉ? Héclốc tự hỏi một cách hào hứng.
Muốn biết, chỉ có một cách duy nhất là phải thân chinh lẻn vào tận nơi. Héclốc Sôm không lưỡng lự. Nhưng đúng lúc y băng qua vùng sáng đèn khí đốt để tới bậc thềm thì có lẽ bị kẻ lạ phát hiện, vì đúng lúc ấy các ánh sáng lờ mờ bỗng phụt tắt và không bật lên nữa.
Héclốc khẽ đẩy cánh cửa án ngữ thềm nhà. Cửa cũng để ngỏ! Không thấy động tĩnh gì, y bèn đánh liều mò mẫm trong bóng tối. Héclốc tìm được tay vịn cầu thang, lần bước lên lầu một. Xung quanh vẫn tối tăm và tĩnh mịch.
Tới thềm nghỉ cầu thang, Héclốc lách vào một căn phòng và tiến lại giáp một cửa sổ mờ mờ ánh đèn. Y bỗng phát hiện kẻ lạ đang len lỏi dọc những bụi cây ở bên trái sát với tường ngăn hai mảnh vườn. Có lẽ hắn dã xuống theo một cầu thang khác và đã ra ngoài vườn bằng một lối cửa khác.
- Ái chà! - Héclốc Sôm bỗng kêu lên. - Không khéo hắn chuồn mất!
Héclốc Sôm vội lao xuống thang gác, vọt qua bậc thềm để cắt đường rút lui của kẻ lạ. Nhưng y chẳng thấy ai cả? Phải mất vài giây định thần, y mới phân biệt trong đám cây nhỏ có một đống đen sẫm hơn không hoàn toàn đứng im.
Tay người Anh suy nghĩ. Tại sao có điều kiện dễ dàng thế mà kẻ lạ không tẩu thoát? Hay hắn muốn nấp lại để rình người đã quấy phá công việc bí ẩn của hắn?
Tóm lại đây không phải là Lupanh, Héclốc nghĩ, vì nếu là Lupanh có thể sẽ khôn khéo hơn. Đây chỉ là một tên nào đó trong bọn thôi.
Nhiều phút trôi qua. Héclốc Sôm đứng im, mắt gắn vào kẻ địch đang thu lu ngồi rình. Nhưng đối phương vẫn gan lì không động đậy mà Héclốc lại không phải con người chịu ngồi yên lấy một giây, y bèn lặng lẽ kiểm tra xem ổ đạn súng sáu quay có trơn không, nới con dao găm ra khỏi vỏ rồi xăm xăm bước thẳng tới kẻ địch một cách hết sức lạnh lùng táo bạo và xem thường hiểm nguy.
Một tiếng động gọn: đối thủ lên đạn. Bất thình lình Héclốc Sôm nhảy xổ vào cái đống lù lù. Kẻ lạ không kịp trở tay! Nháy mắt, hắn đã bị Héclốc Sôm đè sấn lên người. Một cuộc vật lộn dữ dội và tuyệt vọng diễn ra. Tay thám tử người Anh đoán là kẻ lạ đang cố rút dao găm. Nhưng ý nghĩ về sự thắng lợi sắp tới, lòng mong muốn điên dại tóm được tên tòng phạm ấy của Arxen Lupanh ngay từ giờ phút đầu, đã khiến Héclốc Sôm có một sức khoẻ phi thường. Y vật ngã kẻ địch, đè hẳn lên người hắn, năm ngón tay như năm vuốt nhọn chẹn cứng lấy cổ họng hắn, giữ hắn bất động. Rồi nhanh như cắt, với bàn tay rảnh, y vội vã tìm đèn pin, bấm nút chiếu thẳng vào mặt tên tù binh:
- Uynxơn! - Héclốc kinh hãi thét lên.
- Ơ! Héclốc Sôm! - Uynxơn lắp bắp kêu, giọng ồm ồm nghẹn ngào.
Hai người giữ nguyên cái tư thế ấy ở bên nhau ngán ngẩm, đầu óc trống rỗng, không ai nói với ai lấy một lời nào. Tiếng còi của một chiếc xe hơi nào đó ở ngoài phố ré lên như xé không khí. Một cơn gió thoảng lay động cành lá. Héclốc Sôm vẫn không động đậy, năm ngón tay vẫn bấu chặt lấy cổ họng Uynxơn khiến anh chàng khò khè yếu dần đi.
Tức quá, Héclốc Sôm bất thình lình buông tay ở cổ Uynxơn ra nhưng lại để tóm lấy vai anh chàng mà lắc lấy lắc để.
- Anh làm gì ở đây hả? Nói mau... Có phải tôi bảo anh rúc vào bờ vào bụi để do thám tôi không?
- Tôi mà đi do thám anh ấy à? - Uynxơn rên rỉ. - Nhưng tôi đâu có biết là anh cơ chứ!
- Thế anh đến đây để làm cái trò gì hả? Tôi bảo anh lên giường đi nằm cơ mà!
- Tôi đã lên giường rồi.
- Phải ngủ, hiểu chưa!
- Tôi cũng đã ngủ!
- Nhưng, không được thức dậy!
- Thế bức thư của anh...
- Bức thư nào của tôi?
- Bức thư mà anh nhờ một người nhận chuyên chở hàng mang tới cho tôi ấy!
- Làm gì có chuyện thế! Anh điên à?
- Tôi thề với anh đấy!
- Thế bức thư ấy đâu?
Uynxơn trao bức thư, Héclốc cầm lấy, rọi đèn pin và đọc:
"Uynxơn, không ngủ nữa, phóng ngay đến đại lộ Hăngri Máctanh. Nhà hoang vắng. Anh hãy vào nhà, xem xét, dựng một sơ đồ chính xác, xong xuôi quay về trèo lên giường - Héclốc Sôm".
- Tôi đang đo đạc các phòng, - Uynxơn nói, - thì bỗng thấy một bóng đen ngoài vườn. Tôi chỉ có một ý nghĩ là...
- Là tóm cổ bóng đen chứ gì? Ý nghĩ tuyệt đấy! - Héclốc Sôm vừa nói vừa lôi Uynxơn đứng dậy. - Nhưng anh thấy đấy, lần sau có nhận được thư của tôi, trước hết phải xem xem chữ viết có bị mạo không đã.
- Ơ! vậy là không phải thư của anh à? -
Uynxơn lúc bấy giờ mới vỡ lẽ thốt lên.
- Rất tiếc là không phải, ông bạn ạ!
- Thế là của ai?
- Của Arxen Lupanh!
- Nhưng hắn viết thư này nhằm mục đích gì cơ chứ?
- À, cái đó có trời biết! Chính tôi cũng đang lo đây. Mà hắn dựng anh dậy, lôi anh đến đây giữa đêm khuya thế này để làm quái gì nhỉ? Giá hắn chõm tôi thì lại là một nhẽ. Đằng này lại là anh. Tôi cứ thắc mắc không hiểu hắn nhằm mục đích gì...
- Anh Héclốc này, tôi thấy ta nên về khách sạn ngay...
- Ừ, tôi cũng thấy thế.
Hai người đi ra cổng, Uynxơn đi trước, nắm lấy song cổng kéo mạnh.
- Ơ này, - Uynxơn hỏi, - anh đã đóng cổng đấy à?
- Đâu có, tôi chỉ khép hờ thôi mà.
- Thế nhưng...
Đến lượt Héclốc Sôm kéo mạnh cánh cổng song sắt, y bỗng hoảng hốt nhào tới cái khoá.
- Chết cha! Cổng bị khoá tịt mất rồi!
Héclốc Sôm hùng hổ nắm lấy chấn song cổng rung lấy rung để. Nhưng cuối cùng, biết là chỉ mất công toi, y đành thất vọng buông thõng tay xuống.
- Anh Uynxơn này, bây giờ thì tôi có thể giải thích cho anh tất cả. Chính Arxen Lupanh, chính hắn đã lường trước việc tôi xuống ga Cren và đã khôn khéo đặt bẫy tại đây để đón tôi. Hắn lại còn có nhã ý gửi cho tôi một người bạn để cùng bị nhốt cho vui! Tất cả nhằm làm cho tôi mất tiêu một ngày trời. Và có lẽ cũng để cho tôi một bài học là đừng nên chõ mũi vào công việc của người khác.
- Có nghĩa là chúng ta bị cầm tù?
- Anh dùng từ đúng đấy! Héclốc Sôm và Uynxơn bị Arxen Lupanh bắt làm tù binh. Chuyện đâm ly kỳ đấy! Nhưng không, không thể thế được!
Bỗng Uynxơn bỗng vỗ mạnh vào vai Héclốc Sôm:
- Này... nhìn trên gác kìa... có ánh sáng...
- Đúng là có ánh sáng lập lòe sau một cửa sổ ở lầu một.
Cả hai người cùng vụt chạy, mỗi người lên theo một lối cầu thang và cùng gặp nhau ở cửa căn phòng có ánh sáng. Một mẩu nến đang cháy leo lét ở giữa phòng. Bên cạnh mẩu nến có đặt một cái làn, trong làn đựng một chai rượu vang, một con gà quay và nửa ổ bánh mì.
Héclốc Sôm cười phá lên:
- Tuyệt quá! Họ lại mời ta chén bữa tối! Đúng là một tòa lâu đài kỳ diệu trong truyện thần tiên! Anh Uynxơn này, anh bỏ ngay bộ mặt đưa đám đi thôi. Kể cũng buồn cười thật đấy!
- Có đúng là buồn cười thật không hả anh? Uynxơn rên rỉ một cách sầu thảm.
- Chà, cười đến vỡ bụng đi ấy chứ! – Héclốc vui vẻ nói, - thú thực tôi chưa bao giờ gặp chuyện hài hước đến thế. Cái anh chàng Arxen Lupanh này đúng là một diễn viên hài kịch cừ khôi, một tay mai mỉa bậc thầy. Hắn nện anh, nhưng lại rất ân cần với anh! Anh Uynxơn này, có các vàng tôi cũng không đánh đổi bữa tiệc thịnh soạn này đâu. Thôi này, ông bạn thân mến ơi, sao cứ rầu rầu rĩ rĩ mãi thế? Anh làm tôi buồn lây đấy! Không hiểu tôi có lầm không chứ tôi thấy anh chẳng có chút đức tính cao quý nào giúp anh vượt khó khăn. Anh phàn nàn nỗi gì cơ chứ? Đáng lẽ lúc này, tôi hoặc anh có thể đã nhận một con dao găm của nhau cắm vào cổ rồi! Có đúng thế không nào? Thôi này, đồ tồi...
Sau một hồi châm chọc và pha trò, Héclốc đã khiến Uynxơn phấn chấn lên, đã động viên được anh chàng vui vẻ chén ngoén hết một cái đùi gà và nốc cạn một ly rượu vang. Nhưng khi mẩu nến tàn, hai người phải nằm co trên sàn gác, phải gối lên cánh tay mà ngủ thì các tình huống trớ trêu bỗng lại hiện ra với đầy đủ khía cạnh khó chịu và nực cười của nó. Họ trải qua một đêm đáng buồn.
Đến sáng, Uynxơn thức giấc, mình mẩy đau ê ẩm và rét cóng. Một tiếng động nhẹ khiến anh chàng chú ý: Héclốc Sôm quỳ trên sàn gác, người cúi gập, đang dùng kính lúp xem xét những hạt bụi, xác định các dấu phấn trắng mờ mờ hình như là những chữ số rồi ghi chép cẩn thận những chữ số ấy vào sổ tay.
Uynxơn có vẻ đặc biệt khoái cái công việc này của Héclốc Sôm nên bám riết chàng thám tử qua khắp các phòng. Héclốc xem xét từng phòng và ở hai phòng khác y cũng bắt gặp những dấu phấn như thế: hai vòng tròn trên những bức hoành phi gỗ sồi, một mũi tên trên vách và bốn chữ số trên bốn bậc cầu thang.
Sau một tiếng đồng hồ, Uynxơn nói:
- Những con số chính xác đấy chứ hả?
- Chính xác à? Tôi chẳng hiểu gì cả? - Héclốc đáp, - nhưng nhất định nó có ý nghĩ gì đây.
- Ý nghĩa rõ ràng quá ấy chứ! - Uynxơn hào hứng đáp, - đó là số những thanh gỗ ván sàn.
- Thế à?
- Vâng! Còn hai vòng tròn chỉ rõ những bức hoành giả, anh thử kiểm tra xem có đúng thế không? Mũi tên chỉ hướng đi của cái giá chuyển bát đĩa từ dưới bếp lên.
Héclốc Sôm kinh ngạc, thán phục nhìn Uynxơn.
- Chà chà! Làm sao anh biết được tất cả những cái ấy hả? Con mắt tinh đời của anh khiến tôi đâm xấu hổ đấy.
- À, có gì đâu, - Uynxơn phổng mũi vì sung sướng nói, - chính tôi đã vạch những dấu ấy tối hôm qua đấy, theo chỉ thị của anh... à của Lupanh thì đúng hơn vì bức thư là của hắn.
Lúc ấy, Uynxơn không thể ngờ mình đang trải qua giờ phút nguy hiểm khủng khiếp hơn cả khi vật lộn ở dưới vườn với Héclốc Sôm. Tay thám tử người Anh muốn ăn sống nuốt tươi ngay ông bạn vàng. Tự kiềm chế mãi, y mới nửa cười nửa mếu nói:
- Khá lắm! Khá lắm! Làm ăn được đấy! Lợi được bao nhiêu là thời gian! Thế cái đầu óc phân tích và quan sát đáng phục của anh còn tác động vào điểm nào khác nữa không hả? May ra tôi còn lợi dụng được những kết quả chứ!
- Đáng tiếc là tôi mới tiến hành được có thế.
- Tức thật đấy. Khởi đầu đầy hứa hẹn! Nhưng thôi, chuyện đã rồi, chúng ta chỉ còn mỗi một bài là... chuồn khỏi đây!
- Về hả anh? Nhưng bằng cách nào được?
- Bằng cách thông thường của những người lương thiện, tức là bằng lối cổng.
- Nhưng cổng bị đóng tịt rồi còn đâu!
- Thì sẽ mở ra chứ lo gì!
- Ai mở hả anh?
- A, xin anh vui lòng gọi hai thầy cảnh sát đang đi dạo ngoài phố kia.
- Nhưng...
- Nhưng làm sao?
- Thế thì nhục nhã quá! Thiên hạ sẽ nói gì khi họ biết Héclốc Sôm và Uynxơn bị Arxen Lupanh cầm tù!
- Làm thế nào được hả ông bạn? - Héclốc Sôm nhăn nhó nói, - kẻ nào cười thì hở mười cái răng. Vả lại chúng ta cũng không thể ở lì mãi trong toà biệt thự này được!
- Chẳng nhẽ anh bó tay không tìm được cách gì khác nữa à?
- Chịu!
- Tuy nhiên cái người mang cho chúng ta làn thức ăn lại không vào mà qua lối vườn. Như vậy, phải có một lối nào khác chứ? Ta cố tìm thử xem, đỡ phải gọi cảnh sát.
- Anh nói thì hay lắm, nhưng anh quên là cảnh sát Pari đã huy động lực lượng tìm kiêm cái lối đi bí mật ấy trong sáu tháng ròng và chính bản thân tôi, trong khi anh còn đang ngủ say sưa tôi đã thăm thú từ nóc tới hầm rượu của toà biệt thự này. Ông bạn Uynxơn thân mến ơi, Arxen Lupanh không phải là con mồi chúng ta thường quen săn đâu. Hắn không để sót một cái gì bao giờ!
Tới mười một giờ, Héclốc Sôm và Uynxơn được giải thoát... và được điệu về bót cảnh sát gần nhất. Ở đây, sau khi nghiêm khắc chất vấn, ông cẩm tỏ ra quan tâm tới hai vị khách nước ngoài một cách hết sức trìu mến. Ông bực tức nói:
- Thưa các ông, tôi rất lấy làm tiếc về chuyện vừa qua. Chắc các ông sẽ rõ quan niệm đáng buồn về lòng mến khách của người Pháp. Lạy Chúa! Đêm qua chắc các ông rét và khổ lắm! Chà, thằng cha Lupanh này đoảng quá!
Một chiếc xe hơi đưa họ về tận khách sạn Êlidê Palaxd. Uynxơn vào bàn giấy hỏi chìa khoá phòng. Sau khi tìm tòi một hồi, người phục vụ khách sạn ngạc nhiên nói:
- Dạ thưa ông, căn phòng ấy ông đã thôi thuê rồi ạ!
- Tôi à? Sao lại thế?
- Dạ, qua bức thư mà bạn ông đưa cho khách sạn chúng tôi sáng nay.
- Bạn nào của tôi?
- Cái ông đưa cho chúng tôi bức thư của ông ấy ạ... Thưa ông, danh thiếp của ông còn kèm theo với thư đây.
Uynxơn cầm lấy bức thư và tấm danh thiếp: thiếp và chữ viết trong thư đúng là của Uynxơn!
- Lạy Chúa tôi! - Uynxơn thốt lên, - hắn lại chơi khăm ta tiếp một vố nữa đây! Thế còn hành lý của tôi đâu?
- Dạ, bạn của ông đã mang đi cả rồi ạ!
- Ôi, thế anh đã trao hết cho người ta à?
- Vâng, vì tấm danh thiếp của ông đã cho phép chúng tôi.
- Ờ! Đúng vậy!... Đúng vậy!
Hai người bước đi lang thang trên đường phố Săng Êlidê, im lặng, chậm chạp. Ánh nắng đẹp của mùa thu chan hoà đại lộ. Không khí dịu và nhẹ.
Tới bồn tròn ngã sáu, Héclốc châm tẩu thuốc rồi rảo bước. Uynxơn sải chân đi theo:
- Anh Héclốc Sôm này, tôi chẳng hiểu anh ra sao cả. Sao anh lại có thể bình thản đến thế nhỉ. Người ta lỡm anh. Người ta vờn anh như mèo vờn chuột... Mà anh thì cứ câm như hến ấy!
Héclốc Sôm dừng lại và nói:
- Anh Uynxơn, tôi đang nghĩ tới tấm danh thiếp của anh.
- Sao kia?
- Anh có biết chúng ta đã chạm trán với một con người như thế nào không? Biết thế nào cũng phải đọ sức với chúng ta, hắn đã "tầm" được mẫu chữ của anh và của tôi, luôn có sẵn trong ví một vài tấm danh thiếp của anh. Anh nghĩ mà xem, tất cả những cái đó nói lên sự thận trọng, ý chí sáng suốt, phương pháp và tổ chức!
- Nghĩa là thế nào?
- Uynxơn thân mến, thế nghĩa là để đánh bại được một kẻ thù vũ trang ghê gớm như thế, chuẩn bị chu đáo và tuyệt diệu như thế phải là... phải là tôi! Và như anh thấy đấy, Héclốc Sôm nói, - vạn sự khởi đầu nan mà!
Tới sáu giờ, tờ báo Echo de France ra buổi chiều đăng một mục nhỏ:
"Sáng hôm nay ông Tênar, chánh cẩm quận XVI, đã giải thoát cho các ông Héclốc Sôm và Uynxơn, bị Arxen Lupanh cẩn thận nhốt trong biệt thự của cố nam tước Hôtơrếch. Hai ông đã phải trải qua một đêm tuyệt vời trên sàn gác. Ngoài ra, hai ông còn bị nẫng mất vali và đã phát đơn khiếu nại Arxen Lupanh.
Lần này Arxen Lupanh đành lòng cho họ một bài học nho nhỏ và mong rằng họ đừng bắt buộc chàng phải đối xử tệ hơn".
- Hừ! - Héclốc Sôm vò nhàu tờ báo. - Đúng là trò trẻ con! Tôi chỉ cho Lupanh mỗi một điều là...hắn quá thiên về những trò con nít! Đối với hắn, dư luận trên hết! Trong con người hắn, toàn một chất ranh ma láu lỉnh!
- Anh Héclốc Sôm này, anh vẫn bình thản như vậy sao?
- Có gì đâu anh, Héclốc cố nuốt giận nói, nổi cáu mà làm gì cơ chứ! TÔI TIN CHẮC SẼ GIÀNH ĐƯỢC THẮNG LỢI CUỐI CÙNG.
Tuyển Tập Arsene Lupin Tuyển Tập Arsene Lupin - Maurice Leblanc Tuyển Tập Arsene Lupin