We are too civil to books. For a few golden sentences we will turn over and actually read a volume of four or five hundred pages.

Ralph Waldo Emerson

 
 
 
 
 
Tác giả: Lev Tolstoy
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Vu Van Quyen
Upload bìa: khoa tran
Số chương: 130
Phí download: 10 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4557 / 45
Cập nhật: 2015-10-05 14:43:53 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 37
êm hôm đó, Maxlova mãi không ngủ được. Nàng nằm, mắt mở nhìn ra cái khung cửa chốc chốc lại bị ả con gái người phụ lễ nhà thờ đi qua đi lại che lấp, tai lắng nghe tiếng ả tóc hung khụt khịt, nàng suy nghĩ.
Nàng nghĩ, khi đến Sakhalin, nàng sẽ không đời nào chịu lấy một anh tù khổ sai mà sẽ thu xếp cách khác, lấy một người có chức vị: một thư ký hoặc một cai ngục, không thì một anh gác ngục nào đó. Bọn nầy ai mà chẳng ao ước lấy được nàng, nhưng phải giữ khỏi gầy đi mới được. Nếu không thì hỏng cả.
Và nàng nhớ lại viên thầy cãi, lão chánh án đã nhìn nàng ra sao và những người cố ý đến cạnh nàng và gặp nàng ở toà án đã nhìn nàng thế nào. Nàng nhớ lại lời con Berta hôm vào thăm. Nó kể cho nàng biết anh chàng sinh viên mà nàng yêu hồi nàng ở nhà bà Kataieva, có đến hỏi thăm tin tức về nàng và rất thương hại nàng. Nàng nhớ lại cuộc ẩu đả với ả tóc hung và động lòng thương nó. Nhớ đến lão chủ hiệu bánh đã gửi cho nàng thêm một chiếc kalasơ. Nàng nhớ lại nhiều người, nhưng chỉ riêng chỉ có Nekhliudov là nàng không nhớ tới. Nàng không bao gíờ gợi nhớ lại thời ấu và niên thiếu của mình, và đặc biệt không hề nhớ lại mối tình với Nekhliudov. Đó là những kỷ niệm quá đau thương nàng đã vùi sâu chôn chặt trong tâm khảm để không bao giờ cố nhớ lại. Ngay trong giấc mộng, nàng cũng chưa bao giờ mơ thấy Nekhliudov. Hôm nay ra toà, nàng không nhận ra chàng, không phải vì bây giờ chàng đã là một người trung niên để râu, khác hẳn khi nàng gặp lần cuối cùng, - bấy giờ chàng mặc quân phục, chưa có râu, chỉ có hàng ria mép nhỏ và có làn tóc quăn ngắn nhưng dày, - mà chính vì nàng chẳng hề bao giờ nghĩ đến chàng nữa. Nàng đã chôn vùi tất cả những kỷ niệm cũ dính lýu với chàng vào cái đêm tối đen khủng khiếp ấy, cái đêm chàng ở mặt trận về nhưng không tạt vào thăm các bà cô.
Cho đến tận trước đêm hôm đó, và trong khi còn hy vọng Nekhliudov sẽ tới thăm thì nàng chẳng những không hề thấy lo buồn vì đứa con nằm trong bụng, áp dưới trái tim mình, mà còn bồi hồi cảm động mỗi khi thấy cái thai cựa quậy nhẹ, đôi khi hơi mạnh, trong bụng mình. Nhưng từ cái đêm ấy, sự thể đã thay đổi hẳn! Đứa con sắp ra đời chỉ là một mối luỵ cho nàng mà thôi.
Các bà cô Nekhliudov mong đợi chàng. Hai bà có mời chàng rẽ vào chơi, nhưng vì chàng đánh điện trả lời không vào được vì phải kịp có mặt ở Petersburg đúng hẹn. Khi Katiusa biết tin đó, nàng quyết định ra ga gặp chàng.
Đoàn tàu sẽ đi qua ga lúc hai giờ đêm, sau khi đã thu xếp cho các bà chủ ngủ xong, Katiusa rủ một em bé là Maska, con gái bác đầu bếp, cùng đi. Nàng đi đôi ủng cũ, trùm khăn kín, lẻn chạy ra ga.
Đêm mùa thu tối đen, mưa gió. Lúc thì mưa mau, tạt những hạt to âm ấm, lúc thì lại lạnh. Ngoài đồng mờ mịt không thấy rõ đường đi dưới chân, trong rừng tối om như trong hầm. Katiusa thuộc đường là thế mà vẫn suýt nữa thì lạc, lanh quanh mãi không đến được sớm như ý muốn, mãi tới hồi chuông báo thứ hai mới tới được nhà ga. Tàu chỉ đỗ ở đấy có ba phút. Chạy lên đến sân ga, Katerina Alekxeyevna nhìn thấy chàng ở ngay trong cửa sổ toa hạng nhất. Trong ba toa sáng trưng. Trên ghế đệm bọc nhung, hai sĩ quan không mặc áo ngoài, ngồi đối diện nhau đánh bài. Mấy ngọn nến to đang cháy trên chiếc bàn con cạnh cửa sổ. Chàng mặc quần đi ngựa hẹp ống và áo lót trắng, ngồi trên tay ghế, tì khuỷu tay vào lưng ghế, đang cười về chuyện gì đó. Vừa nhận ra chàng, nàng đập bàn tay lạnh cóng vào cửa sổ. Đúng lúc đó, hồi chuông thứ ba vang lên và đoàn tàu từ từ chuyển bánh; mới đầu nó lùi lại, sau đó các toa nối tiếp nhau giật mạnh vă lần lượt chuyển bánh về phía trước. Một trong hai sĩ quan chơi bài, tay vẫn cầm bài, đứng dậy nhìn qua cửa sổ. Nàng lại gõ một lần nữa và áp mặt vào kính cửa.
Đúng lúc ấy cái toa mà nàng đang đứng cạnh cũng giật mạnh một cái và chuyển bánh. Nàng đi theo toa tàu, mắt vẫn dán vào cửa sổ. Viên sĩ quan vẫn định hạ tấm xuống nhưng không sao hạ được. Nekhliudov đứng dậy, đẩy viên sĩ quan ra và hạ tấm cửa xuống. Tàu chạy mau hơn, nàng bước nhanh, cố không chịu tụt lại, nhưng tàu mỗi lúc chạy một nanh hơn. Và đúng lúc cánh cửa sổ tụt hẳn xuống thì người nhân viên xe lửa đẩy nàng ra rồi nhảy lên toa tàu. Katiusa tụt lại sau, nhưng vẫn chạy theo trên sàn ván sân ga ướt đẫm.
Khi chạy đến hết sân ga, nàng phải cố sức ghìm lại khỏi ngã và tiếp tục chạy theo bậc thang từ sàn ván xuống đất. Nàng vẫn chạy, nhưng toa hạng nhất đã đi xa rồi.
Cạnh nàng là các toa hạng nhì và sau đó đến các toa hạng ba còn chạy nhanh hơn. Nhưng nàng vẫn chạy.
Khi toa cuối cùng có ngọn đèn đỏ đằng sau đã chạy qua mất thì Katiusa đã đến quá nhà bơm nước, giữa đồng không mông quạnh, gió lộng táp vào nàng, giật tung chiếc khăn trên đầu, thổi vạt váy tạt dán vào chân. Gió đã cuốn mất chiếc khăn mà nàng vẫn còn chạy mãi.
Cô Mikhailovna ơi? - Em bé gái kêu to, nó vẫn cố chạy theo nàng, - khăn cô rơi mất rồi.
"Chàng ở trên toa tàu sáng trưng, ngồi trên ghế đệm nhung, cười đùa uống rượu, còn mình thì đứng khóc ở đây trong bùn lầy, giữa đêm tối tăm mưa gió" Katiusa đứng lại và ngửa đầu ra đằng sau; hai tay ôm chạt lấy đầu nức nở khóc.
- Đi mất rồi! - Nàng hét lên.
Em gái nhỏ sợ hãi, ôm lấy nàng, áp mình vào vạt áo dài ướt đẫm.
- Cô ơi đi về đi!
"Đợi đoàn tàu sau đến, ta lao xuống dưới bánh xe cho rảnh" - Katiusa ngẫm nghĩ, không trả lời em bé.
Nàng định bụng nhất quyết sẽ làm như thế. Nhưng đúng lúc ấy, như bao giờ cũng vậy, ngay sau cơn xúc động vừa dịu đi, cái bào thai, con của chàng, trong bụng nàng bỗng cựa quậy, đạp và duỗi ra một cách thoải mái, rồi lại đạp bằng một cái gì nhỏ nhắn, mềm mại, nhọn đầu và bỗng nhiên, trong chốc lát, tất cả những nỗi làm nàng đau đớn đến mức tưởng không thể nào sống nổi: nàng oán hận chàng, ý định tự tận để báo thù, - tất cả những nỗi niềm đó bỗng nhiên tan đi hết. Nàng bình tĩnh lại, sửa quần áo, lấy khăn bịt đầu và vội vã trở về nhà.
Về đến nhà, nàng mệt lử, người lấm láp và ướt đẫm.
Và từ hôm đó, trong tâm hồn nàng đi dần đến nông nỗi ngày nay. Từ cái đêm khủng khiếp ấy, nàng không còn tin ở điều thiện nữa. Trước kia; nàng vốn vẫn tin vào cái thiện và nghĩ rằng mọi người ai cũng tin vào điều thiện như mình. Nhưng từ đêm ấy, nàng chắc chắn rằng không ai tin vào điều thiện cả, người ta có nói tới Chúa và tới điều thiện cũng chỉ để lừa dối người khác. Chàng, người mà nàng yêu và đã yêu nàng (nàng biết rõ thế), khi ái ân thoả mãn, đã bỏ rơi nàng, chà đạp lên tình yêu của nàng. Thế mà con người ấy lại là người tốt nhất trong tất cả những người mà nàng biết, thì những kẻ khác còn tồi tệ đến đâu. Về sau, tất cả những điều xảy ra ngày càng củng cố thêm ở nàng niềm tin nầy. Các bà cô chàng là những bà già ngoan đạo, chăm chỉ lễ Chúa, đã đuổi nàng đi khi nàng không còn hầu hạ họ được như trước.
Tất cả những người nàng quen biết, giao thiệp về sau, đàn bà thì tìm mọi cách lợi dụng nàng để kiếm tiền, đàn ông thì từ thằng cẩm già đến mấy thằng cai ngục, chúng đều coi nàng là một thứ đồ chơi để thoả mãn nhục dục.
Và tất cả mọi người, không từ một ai, trên đời nầy không còn gì khác ngoài hưởng lạc ra. Lão văn sĩ già mà nàng đã chung sống với năm thứ hai của cuộc đời tự do phóng khoáng đã khiến nàng càng tin chắc như thế. Lão ta nói trắng ra với nàng rằng hạnh phúc của con người ta ở đời chính là hưởng lạc. Lão ta gọi cái hưởng lạc đó là "Thơ" và "Đẹp".
Tất cả ai ai ở đời nầy cũng đều chỉ sống cho bản thân mình, cho sự khoái lạc của mình. Và tất cả những lời lẽ nói về Chúa, về nhân nghĩa chỉ là nói láo! Nếu như lúc nào đó, nàng băn khoăn không biết tại sao cuộc đời nầy lại sắp xếp tồi tệ đến thế, đến nỗi mọi người đều chỉ lăm lăm hại nhau và ai nấy đều đau khổ, thì lập tức nàng gạt phăng nỗi băn khoăn ấy đi, không nghĩ đến nữa: Thấy lòng buồn ngao ngán, nàng hút một điếu thuốc hay uống một cốc rượu hoặc tốt hơn hết là cùng một người đàn ông nào đó ân ái. Thế là bao nhiêu nỗi buồn sẽ tiêu tan đi hết.
Phục Sinh Phục Sinh - Lev Tolstoy Phục Sinh