Số lần đọc/download: 1417 / 12
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Chương 38/51
R
a khỏi cổng công trường, ông Nghĩa lấy tay đập đập lên quần áo cho bay bụi đi rồi lên xe đạp thẳng đến trường Bùi Thị Xuân.
Ðến trước cửa văn phòng, ông Nghĩa lại phủi bụi trên áo. Và cũng như tất cả các phụ huynh khác khi đến liên hệ, ông bỏ dép ra ngoài.
- Tôi là phụ huynh của em Quỳnh, học lớp 11A6, tôi muốn gặp ông hiệu trưởng.
Cô thư ký dừng tay đánh máy, đứng lên:
- Dạ, chú gặp có chuyện gì ạ?
- Về việc học của cháu.
- Dạ mời chú vào đây.
Rồi cô dẫn ông Nghĩa đến phòng hiệu trưởng, nói:
- Dạ, mời chú vào.
Ngồi ở bàn làm việc, thấy khách bước vào, thầy Vinh bỏ bút xuống, đứng lên bắt tay khách.
- Chào anh, mời anh ngồi.
- Dạ, chào thầy.
Thầy hiệu trưởng ngoài 40 tuổi, nhanh nhẹn, hoạt bát. Ông Nghĩa đã gặp ông nhiều lần ở các buổi lễ. Và đã có 1 lần hai người nói chuyện với nhau, nhưng có lẽ thầy không nhớ.
- Anh là phụ huynh của em Quỳnh lớp 11A6 à? May quá, hôm nay anh lại đến. Chúng tôi cũng đang tính liên hệ với anh đây.
Thầy hiệu trưởng rót nước trà mời khách:
- Xin mời anh.
- Mời thầy.
Cả hai cùng uống. Thầy hiệu trưởng đặt tách trà xuống bàn, cầm gói thuốc đưa về phía ông Nghĩa nói:
- Mời anh.
Thầy hiệu trưởng bật lửa cho khách và cho mình, rồi nói:
- Có chuyện gì xin cứ trình bày.
Ông Nghĩa thấy đã đến lúc vào đề, ông nhón người lên:
- Chắc thầy biết đấy, cháu Quỳnh - con gái tôi - lâu nay cháu học không tệ lắm.
- Vâng, em là 1 trong những học sinh xuất sắc nhất của trường, và là học sinh giỏi văn cấp thành phố.
- Nhưng tháng rồi, đột nhiên cháu học kém đi.
- Tôi biết, chúng tôi biết, tháng rồi văn em được 6 và toán được 5, các môn khác cũng như thế. Nói chung, em không được xếp vào loại tiên tiến như xưa nay.
- Dạ, dạ, theo nhà trường thì lý do vì sao cháu lại sa sút như thế?
Thầy hiệu trưởng đưa tay gỡ kính xuống:
- Chúng tôi cho rằng phải có 1 cú sốc về tâm lý, nghĩa là 1 tác động lớn đối với em. Muốn biết cụ thể, cần có sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường. Về phía nhà trường, chúng tôi đã nắm sơ bộ và có nghĩa vụ thông báo cho gia đình, dĩ nhiên. Nhưng về phía gia đình... Chúng tôi muốn biết có biến cố gì xảy ra trong gia đình hay không... Tôi muốn nói có việc gì xảy ra cho em, làm em buồn, chán nản... hoặc 1 đam mê nào đó. Nghĩa là có thay đổi trong cá tính, nếp sống, hay cả về kinh tế nữa.
Ngừng 1 lát như để khách theo kịp những ý tưởng của mình, thầy hiệu trưởng nói tiếp:
- Trong tình hình kinh tế này, có nhiều em phải dành thì giờ phụ giúp gia đình kiếm sống... Hiện nay có 1 sự thật đau lòng là chất lượng giảng dạy sa sút do nhiều nguyên nhân: chương trình còn nhiều thiếu sót, phương pháp giảng dạy có nhiều yếu kém, thầy cô do quá nhiều thiếu thốn về đời sống, không có điều kiện tốt về giảng dạy, uy tín ông thầy giảm sút. Sự thiếu quan tâm của phụ huynh và bản thân học sinh thiếu nỗ lực cũng là các nguyên nhân. Còn đối với chúng tôi, những người trực tiếp đứng trên bục giảng, chịu trách nhiệm với từng học sinh, từng con người với tâm sinh lý và hoàn cảnh riêng, với từng số phận... Anh thử nói xem là dễ hay khó?... À quên, tôi lại đi quá xa. Trở lại vấn đề em Quỳnh. Anh có thể cho biết trong thời gian qua, ở nhà điều kiện học tập của em có thay đổi gì không?
- Thưa thầy hiệu trưởng, tôi hiểu ý của thầy. Có thể nói hoàn cảnh ở gia đình vẫn bình thường.
- Ngay cả tâm tư tình cảm của em?
- Vâng, có thể nói như thế.
- Anh có để ý em có buồn phiền điều gì không?
Dường như chỉ đợi có câu hỏi như thế, ông Nghĩa chợt linh hoạt hẳn lên:
- Có lẽ có đấy, thầy hiệu trưởng... Biết nói với thầy thế nào đây... Trước kia, tôi với cháu thân nhau lắm, nghĩa là có cái gì cũng nói cho nhau nghe, cháu thường tâm sự với tôi mọi chuyện.
- Xin lỗi anh, hoàn cảnh gia đình anh, chúng tôi có biết... giá mà em Quỳnh còn mẹ thì sẽ dễ dàng cho anh nhiều lắm. Nhưng tôi nghĩ vấn đề thực sự không phải ở chỗ đó.
- Vâng, thưa thầy hiệu trưởng, cháu nó có đưa tôi xem 1 bức thư.
- Một bức thư?
- Thưa đúng, đó là 1 bức thư của 1 người bạn trai học cùng lớp với cháu... Một bức thư tình!
- À... ra thế!
Thầy hiệu trưởng vừa thốt lên vừa gật gật đầu. Ðoạn ông đeo kính vào, im lặng nhìn khách, dò xét. Người phụ huynh này có vẻ như không hài lòng - dĩ nhiên - về việc học của đứa con gái cưng độc nhất. Còn việc bức thư kia, anh ta không tỏ vẻ gì ra mặt.
Ngược lại, ông Nghĩa cũng nhìn ông hiệu trưởng, chờ đợi phản ứng tiếp theo.
Thầy hiệu trưởng đưa tay, lật lật xấp giấy tờ trên bàn, nói tiếp:
- Như anh biết đó, chuyện tình cảm giữa học trò cấp ba với nhau là chuyện thường tình. Thậm chí ở cấp hai cũng có. Việc đó nhà trường không thể ngăn cản được. Chúng tôi có làm 1 số việc để các em sinh hoạt lành mạnh, trong sáng, phù hợp với lứa tuổi và tâm lý các em. Dù sao việc đó cũng không phổ biến. Và ảnh hưởng của nó trong đa số các trường hợp là không nhiều. Quan điểm của chúng tôi là nếu nó không tác động tiêu cực đến việc học của các em thì chúng tôi không can thiệp. Dĩ nhiên tôi nói là quan hệ trong chừng mực nào đó, trong phạm vi pháp luật và đạo đức cho phép...
Ông Nghĩa, lần đầu tiên bày tỏ quan niệm của mình, ông nói:
- Nghĩa là thầy nói quan hệ tình cảm ở tuổi học trò, trong lớp học không luôn luôn có tác động xấu đến việc học của các em học sinh?
- Vâng, tôi muốn nói nó có tác động, có ảnh hưởng đến các em, nhiều hay ít tùy trường hợp, hoàn cảnh. Nhưng nó không luôn luôn có tác động xấu đến các em. Nếu tôi nói đôi khi nó giúp ích cho các em, làm các em thêm hăng hái học tập, đạt kết quả tốt hơn chắc anh không phản đối chứ?
- Tôi không tin như thế, bởi vì các em chưa trưởng thành.
- Trường chúng tôi có nhiều trường hợp như thế. Vấn đề là chúng ta giáo dục về giới tính cho các em tốt, cũng tùy thuộc vào tuổi tác và mức độ tình cảm nữa. Nhưng dù sao, theo ý tôi, chúng ta không ngăn cấm các em, vì ngăn cấm là việc làm tiêu cực, là chửa cháy chớ không phải phòng cháy. Hơn nữa, đôi lúc ngăn cấm lại là con dao 2 lưỡi. Hãy để các em phát triển tình cảm tự nhiên. Gần đây có phong trào đua đòi theo "mode", gọi là "kết model". Ðó không phải là tình cảm, đó là 1 biến tướng nguy hiểm, sai trái. Thể hiện tình cảm thì có thể có mode, nhưng không thể có mode tình cảm. Thật ra, phong trào đó chỉ có ở 1 số trường, nhưng mức độ và tác hại của nó không có gì trầm trọng lắm.
Tóm lại, tất cả những gì chúng tôi có thể làm được là giáo dục giới tính cho các em, xây dựng mối quan hệ lành mạnh, trong sáng: sinh hoạt tập thể, cắm trại, hội thảo, văn nghệ, thể dục thể thao... như anh biết đấy, mặc dù chưa được Bộ Giáo Dục chính thức đưa vào giảng dạy, chúng tôi đã có giáo trình dạy về giáo dục giới tính và đã mời các chuyên gia đến nói chuyện, tổ chức hội thảo. Chúng tôi sẽ còn đi 1 bước nữa. Nhưng chúng tôi cũng cần sự phối hộp của bên ngoài, cụ thể là các ngành xuất bản, phim ảnh, trong đó gia đình là 1 thành phần quan trọng. Ðó là 1 quan điểm và chủ trương chung. Còn về từng trường hợp cụ thể, chúng tôi đều theo dõi, nếu phát hiện ra. Chúng tôi sẽ làm trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình. Xin anh cứ yên tâm, giáo viên chủ nhiệm của em sẽ được lưu ý về vấn đề này và sẽ hợp tác với gia đình để giải quyết.
Không biết nói gì hơn, ông Nghĩa đành chào từ biệt ông hiệu trưởng.
Ra khỏi phòng hiệu trưởng, ông vào phòng truyền thống của trường, và đứng 1 hồi lâu trước ảnh của Quỳnh. Trong ảnh, Quỳnh đang nhận phần thưởng giải nhất toàn thành môn văn lớp mười với ghi chú thêm là học sinh xuất sắc nhất của trường. Bồi hồi nhớ lại kỷ niệm cũ, giây phút ngồi ở hàng ghế đầu tiên, lặng đi vì xúc động lúc Quỳnh tiến lên để nhận giải. Ông cúi đầu bước nhanh ra khỏi phòng.
Về đến nhà, thấy cửa đóng, ông Nghĩa tự hỏi hôm nay là thứ mấy. Rồi nhớ ra là thứ 5 thì Quỳnh đâu có đi học thêm. Vậy thì tại sao giờ này Quỳnh không có ở nhà? Có thể nào con bé đi chơi với thằng Minh? Không, không thể có việc đó. Vậy thì Quỳnh đi đâu mà chưa về? Nhà trường đâu có sinh hoạt gì đột xuất. Ông mới từ trường về. Nếu có tất phải có dấu hiệu gì, hoặc thông báo gì ở trường chứ?
Tuy nhiên, ông cũng đi nấu cơm. Xong xuôi mọi việc, chờ con không được, bụng đói cào, ông lấy chén xới cơm ăn trước. Nhưng ý nghĩ Quỳnh có thể gặp tai nạn làm ông bỏ dở bữa ăn, vội vã lấy xe đạp đến nhà Hạnh.
Hạnh tinh tế nhận ra vẻ khác thường nơi ông. Cô hỏi:
- Anh sao thế, Quỳnh đau à?
- Không, con nó đi đâu mà giờ này chưa về. Anh lo lắm em ạ, anh tưởng là nó sang đây với em.
- Không, từ hôm đưa cho em xem bức thư, con bé chưa ghé em.
Ông Nghĩa ngồi xuống ghế, Hạnh rót nước và lấy bánh ra mời:
- Mời anh.
Nhưng ông đứng lên, đi lại cửa nhìn ra đường rồi quay lại nói:
- Theo em nghĩ thì con bé đi đâu?
- Có thể sinh hoạt gì ở trường chăng?
- Không, anh mới từ trường của nó về đây.
- Chắc Quỳnh đến chơi nhà Hồng chứ gì.
- Chưa chắc đâu, chưa bao giờ con bé đi lâu như thế mà không xin phép anh.
- Lúc gần đây con bé có thường về trễ không?
- Có, chỉ mới tháng nay thôi, nhưng chưa lần nào trễ quá 1 tiếng.
Ông Nghĩa quay trở lại ghế, hỏi:
- Em có nghĩ là con bé đi chơi với Minh không?
- Minh hả... không, em không nghĩ như thế.
- Anh cũng không nghĩ như vậy. À, em thấy Quỳnh đi xe đạp thế nào?
- Thế nào là sao, em không hiểu.
- Anh muốn hỏi Quỳnh đi xe đạp có vững không?
- Sao anh lại hỏi thế, con bé còn vững hơn cả em!
Từ bên trong, một bà cụ đi ra:
- Nghĩa đến chơi hả con? Tụi bây nói con Quỳnh nó làm sao?
Ông Nghĩa chào bà cụ:
- Dạ thưa bác khỏe ạ?
- Cám ơn, bác vẫn vậy... dạo này con hơi ốm đấy. Cả con Quỳnh nữa. Bữa nó đến đây bác thấy nó gầy đi nhiều. Tội nghiệp gà trống nuôi con, vật giá thế này khó khăn lắm đấy.
Hạnh vừa nói vừa liếc sang ông Nghĩa:
- Quỳnh không sao mẹ ạ, cha con anh ấy vẫn sống bình thường.
Bà cụ nhìn con nói:
- Hạnh nè, con là y sĩ, nhớ chăm sóc cho cha con nó nghe - Rồi bà nhìn Nghĩa nói tiếp - Kìa, sao con không uống nước, ăn bánh đi.
Trước sự ân cần như vậy, ông Nghĩa không thể không làm theo. Ông cầm ly nước uống 1 hớp rồi lấy 1 cái bánh. Vừa ăn vừa nhìn bà cụ với ánh mắt biết ơn: Trên đời này có rất nhiều người tốt. Ông nghĩ, gặp kẻ xấu chỉ là cá biệt.
Hai mẹ con Hạnh nói với nhau điều gì đó, và lời nói của họ kéo ông về thực tại. Ông nói nhỏ với Hạnh:
- Thôi, anh về đây. Em đến nhà anh ngay nhé. Coi chừng nhà giúp anh, có lẽ anh phải đến nhà Hồng xem sao.
- Anh về đi, em đi ngay theo anh mà.
Ông Nghĩa chào bà cụ rồi ra về.
Về nhà được 1 lát thì Hạnh đến, ông nói:
- Em coi chừng nhà nhé, anh đi đây.
Rồi ông lấy xe đạp đi.
Không biết làm gì, Hạnh đến bàn ăn, giở lồng bàn ra và thấy nồi thịt kho đã đông mỡ, tô canh chua thì lạnh tanh. Nhìn thấy cái chén và đôi đũa dơ, cô nghĩ "Anh ấy chỉ kịp nấu cơm, còn nồi thịt và canh thì để lạnh như thế mà ăn". Rồi Hạnh đi hâm thức ăn. Xong cô ra đứng ở cửa để chờ. Thì giờ trôi qua thật chậm. Chờ không được Hạnh vào phòng của Quỳnh. Ðó là 1 căn phòng đẹp, ngăn nắp, sạch sẽ. Có 1 vài bức tranh trên tường, 1 tấm hình Quỳnh chụp chung với ba cô bạn, một cây đàn, một giá sách, một lọ hoa với cành thạch thảo đã khô. Hạnh nhìn lên thời dụng biểu học tập của Quỳnh, rồi cô lật lật mấy quyển tập trên bàn. Chợt có 1 mảnh giấy ló ra. Mảnh giấy viết "Thưa ba, con đến nhà Hồng chơi, chút con về". Hạnh thở dài như trút được gánh nặng. Quỳnh đã viết mảnh giấy này để cho cha xem, nhưng cô bé lại để quên nó ở bàn học của mình. Ba cô không vào phòng cô nên không thấy mảnh giấy! Dù sao thì anh ấy cũng đoán đúng. Và có thể hai người sẽ gặp nhau ở nhà Hồng hoặc trên đường đi.
Một lát sau, ông Nghĩa về. Vừa bước vào nhà ông đã hỏi:
- Quỳnh về đến nhà chưa em?
- Quỳnh chưa về. Anh không gặp cô bé ở nhà Hồng à?
- Không, họ nói Quỳnh vừa về.
- Chắc cô bé sắp về đến. Anh về sau nhưng đến trước vì anh đã quá nhanh đó thôi. Em cho anh xem cái này.
Hạnh đưa ra tờ giấy của Quỳnh. Ông Nghĩa cầm lấy tờ giấy hỏi:
- Em thấy nó ở đâu vậy?
- Trên bàn học của Quỳnh. Cô bé xin phép anh nhưng lại để quên trên bàn. Thôi, anh thay đồ rồi ăn thêm cơm đi, em đã hâm đồ ăn lại rồi.
Ông Nghĩa nhìn Hạnh:
- Em có đói không?
Vừa lúc đó có người gọi ở ngoài cổng:
- Chị Hạnh ơi, chị Hạnh.
Họ cùng đi ra. Ðó là Dung, em của Hạnh. Dung nói:
- Nhà có khách. Họ chờ lâu rồi. Mẹ bảo em đi tìm chị.
Hạnh quay lại nhìn ông Nghĩa, ông nói:
- Em về đi.
Hạnh lấy xe về, nói với ông Nghĩa:
- Mai anh điện thoại cho em nhé.
- Mai anh gọi.
Hạnh vừa đi thì Quỳnh cũng về đến.
- Thưa ba, con mới về.
- Ba vừa đi tìm con đấy!
- Chi vậy ba?
- Con đi chơi mà không nói với ba tiếng nào cả?
- Con đến nhà Hồng... con có để giấy lại cho ba.
- Từ nhà Hồng về con còn đi đâu nữa phải không?
- Thưa ba, không.
Ông Nghĩa nhìn Quỳnh với ánh mắt nghiêm khắc:
- Dạo này, con khác xưa đấy, con có biết không?
Quỳnh cúi đầu thầm nghĩ có lẽ ba cô đã nói đúng.