Cuộc chiến thật sự là giữa những gì bạn đã làm, và những gì bạn có thể làm. Bạn so sánh bạn với chính mình chứ không phải ai khác.

Geoffrey Gaberino

 
 
 
 
 
Tác giả: Chân Tàng Bản
Thể loại: Kiếm Hiệp
Số chương: 53
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1426 / 13
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 38 -
gầm Cấu Kết, Quan Với Cướp Cùng Làm Điều Bạo Ngược
Lưu đại nhân ngồi trên công đường nghe khách thương Vương Tự Thuận kể vậy, thầm nghĩ: Theo như lời gã khách buôn này kể thì cả nhà Dương võ cử đã bị lũ cướp này tàn sát rồi. Kẻ làm lỡ chuyện trong vụ này chính là viên tri huyện. Vụ này tất phải làm thế này mới rõ được. Lưu đại nhân nghĩ xong, nói:
- Vương Tự Thuận.
Có Tiểu nhân xin đợi sai bảo.
Lưu đại nhân nói:
- Hai người các ngươi hãy lui xuống viết đơn kiện để bản phủ cho gọi tri huyện Cú Dung và anh em họ Dương này tới xét hỏi.
- Dạ!
Hai người dập đầu, đúng dậy, lui ra khỏi nha môn đi viết đơn kiện. Chuyện của họ không cần kể ra đây.
Lại nói chuyện Lưu đại nhân hỏi vọng xuống:
- Từ đây tới nha môn huyện Cú Dung cách bao xa?
Nha dịch quỳ xuống, bẩm nói:
- Từ đây cách huyện Cú Dung sáu mươi lăm dặm đường.
Lưu đại nhân gật đầu. Nha dịch đứng dậy, lùi sang một bên. Đại nhân dặn, nói:
- Thư lại, hãy viết một bản công văn gởi sang huyện Cú Dung gọi tri huyện, bảo chính trong vùng và anh em nhà họ Dương cùng tới đây để ta hoàn tất vụ án này.
- Dạ!
Thư lại ứng tiếng, lập tức trở về thư phòng viết công văn, đóng ấn lên rồi sai viên thừa sai trực nhật mang đi ngay. Đại nhân hạ lệnh bãi đường. Đám thư lại tản đi, cổng nha môn đóng lại. Chuyện không cần kể nữa.
Công văn được hỏa tốc chuyển đi. Tới chính ngọ ngày hôm sau, nha dịch vào bẩm, nói:
- Bẩm đại nhân, tri huyện huyện Cú Dung và anh em Dương võ cử đều đã tới, xin chỉ thị của đại nhân.
Lưu đại nhân dặn dò, nói:
- Bảo bên ngoài chuẩn bị, bản phủ sẽ lập tức thăng đường.
Tên người hầu ứng tiếng, chạy ra ngoài, thông báo lại lệnh của đại nhân. Không lâu sau, mọi việc chuẩn bị đã xong. Hắn vào trong, bẩm rõ với đại nhân. Lưu đại nhân rời khỏi thư phòng, lên công đường, ngồi xuống. Nha dịch hét thăng đường xong xuôi, đứng sắp hàng hai bên đợi sai bảo. Lưu đại nhân ngồi trên công đường dặn xuống.
- Cho gọi tri huyện Cú Dung, dẫn anh em Dương võ cử lên công đường!
Lưu đại nhân ngồi trên cao còn chưa dứt lời, đám nha dịch đã vội vã dạ ran, chạy ra ngoài, truyền đạt lại lệnh của đại nhân.
- Truyền tri huyện huyện Cú Dung và hai anh em võ cử nhân họ Dương lên công đường.
Tri huyện huyện Cú Dung ứng tiếng, đi đầu, anh em họ Dương theo đằng sau. Ba người cất bước tiến vào công đường, Lưu đại nhân ngồi trên cao chăm chú nhìn xuống. Chỉ thấy, viên tri huyện đi đầu tiên, trên đầu hắn đội chiếc mũ mùa thu màu sắc sặc sỡ. Áo bào màu xanh da trời bằng đoạn, trước ngực thêu chim hồng, hai bên sườn đeo hai chiếc túi gấm, chân đi giày đoạn, tuổi trạc ngũ tuần có lẻ, sắc diện gian trá, không thành thực. Hai viên võ cử đi theo sau. Họ đểu mặc áo chèn bó sát thân, trên đầu đội mũ mùa thu bằng nhung, đôi giày đoạn lấm tấm bụi đường, thân hình khôi vĩ, vai rộng, lưng to, đang độ tuổi thanh niên. Nhìn sắc diện, hai anh em họ Dương mặt mũi trung hậu, nhân từ, không giống diện mạo của lũ hung đồ, ác đạo. Lưu đại nhân xem xong, trong lòng thầm nghĩ: Ta cần đặc biệt chăm sóc hai người này. Anh em nhà họ nếu không vì trượng nghĩa thì đâu phải gặp họa lớn như vậy? Tri huyện quỳ xuống trước, hành lễ rất nghiêm chỉnh, không dám có chút gì sơ sẩy. Thi lễ xong, khom mình đứng sang một bên. Anh em võ cử song song quỳ xuống, dập đầu lạy, đợi nghe đại nhân hỏi.
Lưu lão gia ngồi trên công đường, nói:
- Hai người quỳ dưới kia tên họ là gì? Sống tại thôn nào trong huyện Cú Dung? Tại sao lại ra nông nỗi này? Các ngươi hãy mau kể rõ cho ta nghe!
Hai vị võ cử dập đầu lạy, Văn Bính mở miệng gọi "đại nhân" nói:
- Tiểu nhân mấy đời sống tại huyện Cú Dung, tại Dương gia trang, gia sản cũng đủ sống qua ngày. Cha mẹ tiểu nhân mất sớm, chỉ còn lại hai anh em, tiểu nhân tên Văn Bính, đại ca tên Văn Phương, vốn họ Dương, năm ngoái cùng thi đậu võ cử nhân.
Dương Văn Bính dập đầu, nói:
- Bẩm đại nhân, anh em tiểu nhân thường ngày đóng cửa ở trong nhà, không ra khỏi cửa, hàng ngày rèn luyện võ nghệ, kiếm cung, mưu đồ thăng tiến. Cũng bởi anh em tiểu nhân đóng cửa ngồi nhà nên gặp phải họa từ trên trời rơi xuống. Ngày hai mươi ba tháng giêng, lúc ấy sắc trời đã muộn chợt có người tới gõ cửa, nói là từ quán trọ của họ Thịnh ở trấn Long Đàm tới. Bẩm đại nhân. Thịnh Công Phổ chủ quán trọ ấy chính là anh họ của bọn tiểu nhân. Gia đinh vào bẩm lại, tiểu nhân ra xem, thấy đúng là bút tích của anh họ nên đã mời người ấy vào trong thư phòng, lại sai người mang hành lý của ông ta vào, bảo thuộc hạ buộc lừa vào tàu, sai người chuẩn bị cơm nước rồi mới bóc thư ra xem. Thì ra người anh họ Thịnh Công Phổ của tiểu nhân nhờ anh em tiểu nhân giúp đỡ cho vị khách này. Vị khách ấy vốn người phủ Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, làm nghề buôn bán tơ lụa, họ Vương, tên gọi Vương Tự Thuận. Bởi trên đường về ngang qua trấn Long Đàm, muốn tới nghỉ trọ trong quán của Thịnh Công Phổ. Thịnh Công Phổ biết con đường ấy khó đi, báo ông ta nghỉ lại trong quán nhưng lại sợ bọn cướp đuổi tới quán hại chết khách trọ, liên lụy rước họa cho mình.
Dương Văn Bính lại dập đầu lạy, cất giọng kể tiếp:
- Bẩm thanh thiên đại lão gia. Người anh họ Thịnh Công Phổ của tiểu nhân vốn lòng dạ từ bi, thấy vị khách này bị nguy đến tính mạng, hoàn cảnh thực đáng thương, chỉ lo cho họ Vương mất mạng nên muốn bảo ông ta ở lại trong quán nhưng lại sợ lũ cướp đuổi tới khách bị hại trong quán của mình cũng không tốt ngay bản thân ông ta cũng bị sát tinh chiếu. Muốn bảo khách đi, lại sợ lũ cướp đuổi theo, khách e khó giữ được tính mệnh. Do đó anh họ của tiểu nhân mới viết một phong thư, bảo khách tới Dương gia trang tìm anh em tiểu nhân, ở tạm trong nhà bọn tiểu nhân một đêm, tới sáng hôm sau sẽ tiếp tục lên đường. Bẩm đại nhân: Anh em tiểu nhân trượng nghĩa cứu người, hơn nữa cũng vì nể mặt anh họ Thịnh Công Phổ, đã mời ông ta ở lại dùng cơm nghỉ lại nhà mình. Tới khoảng canh hai, bên ngoài chợt có tiếng gõ cửa, đoán chắc là lũ cướp mò tới. Gia đinh gác cổng vào trong bẩm lại, chính hắn cũng đoán được kẻ gõ cửa chính là kẻ tới gây chuyện thị phi. Hai anh em tiểu nhân bằng lấy vũ khí ra khỏi phòng, bảo gia nhân mở cổng, lũ cướp có hơn chục đứa, tên nào tên nấy đều mang theo vũ khí bên mình. Tiểu nhân hỏi chúng tại sao tới, chúng nói tới để tìm vị khách kia. Tiểu nhân mời tất cả bọn chúng vào đại sảnh, nói rõ tình, lý bên trong sự việc. Chúng nói chúng làm cướp nhưng chưa lần nào tới hành nghề trong thôn của tiểu nhân, cũng chỉ vì chúng nể danh tiếng của anh em tiểu nhân nên mới không tới quấy nhiễu người của Dương gia trang.
- Bẩm đại nhân, lũ cướp nói: "Bọn ta tuy là giặc cướp nhưng chưa lần nào tới quấy nhiễu quý thôn đây, cũng chỉ vì nể hai anh em ông, đáng được coi là tuấn kiệt vùng này. Từ xưa nói, hảo hán yêu hảo hán, bọn ta không tới, không phải vì sợ hai anh em ông. Các ông chớ nghĩ sai. Tối hôm nay, anh em bọn ta tới đây nếu nói về lý, anh em ông mau giao người ra. Vậy mới phải đạo." Đại nhân thử nghĩ xem, tiểu nhân đã giữ người ấy ở lại trong nhà mình, lẽ nào chịu dâng người cho bọn chúng. Tiểu nhân chẳng còn cách nào khác, đành phải dùng lời khuyên bọn chúng, nói làm nghề ăn cướp đâu hay ho gì. Chỉ làm tổn hại âm đức mà thôi, sau này tất bị báo ứng. Tiểu nhân nói: “Các vị đã đuổi theo người khách ấy tới đây, chẳng qua cũng chỉ vì tài sản của ông ta mà thôi! Hôm nay xin hãy nể mặt tôi, tha cho ông ta, tôi tình nguyện dâng cho các vị mấy trăm lạng bạc, các vị hãy nhận lấy, bỏ qua vụ này cho." Bẩm đại nhân, ngờ đâu bọn chúng không chịu nghe. Một tên trong đám cướp nói: "Đừng nói là ông bỏ ra mấy trăm lạng bạc, cho dù ông bỏ ra cả một đống vàng chất cao như núi thì có nghĩa lý gì? Nếu ông là người nhu nhược bất tài xem ra còn nghe được. Còn nếu nghe theo ông, thả cho tên khách kia đi, chỉ e các anh em khác trên giang hồ nghe chuyện sẽ chê cười.” Tiểu nhân nghe tên giặc này nói vậy, trong lòng đã có vài phần tức giận, nói: “Người ở đây bạc cũng có ở đây. Chỉ sợ các người không đủ sức mang đi mà thôi."
Dương võ cử miệng gọi "đại nhân" kể tiếp:
- Bẩm đại nhân: Đám cướp nghe tiểu nhân nói vậy, không những không hối hận, ngược lại còn hò hét đòi đánh nhau. Tiểu nhân cùng chúng động thủ, đám gia nhân cũng xông vào trợ giúp. Chủ tớ nhà tiểu nhân đồng tâm hiệp lực chặn lũ cướp lại. Bẩm đại nhân, lũ cướp thấy khó thắng được nhà tiểu nhân nên hai tên trong số chúng đã bị thương. Những tên còn lại kinh hãi, không dám đánh tiếp, chỉ muốn tìm đường tháo chạy. Đúng lý ra thì bọn tiểu nhân phải bắt hết lũ chúng giải lên quan xử tội nhưng tiểu nhân cảm thấy trong vụ này có hai điểm đáng tha cho bọn chúng. Điểm thứ nhất, chúng chưa hại được mạng vị khách kia, hành lý của ông ta chúng cũng chưa cướp được chút nào. Điểm thứ hai, chỉ e lũ cướp lại sinh sự. Chúng tuy không dám chọc vào anh em tiểu nhân nhưng sẽ trút giận lên đầu kẻ khác, như thế chẳng phải anh em tiểu nhân đã làm khổ cho người trong Dương gia trang hay sao? Tha cho chúng lần này cũng là chuyện nên làm. Không ngờ chính lòng từ bi đã gây ra tai họa, tai họa lại đổ ngay trên đầu mình. Tiểu nhân đã mở đường cho chúng chạy, còn cho phép chúng khiêng cả hai tên bị thương đi. Sau khi chúng bỏ đi, gia đinh nhà tiểu nhân đóng cổng lại. Không ngờ vị khách kia cũng đã thức giấc, vào đại sảnh tạ ơn anh em tiểu nhân. Tiểu nhân bảo ông ta tiếp tục đi nghỉ, tới sáng hôm sau lại giục ông ta lên đường. Cả ngày hôm ấy bình yên vô sự cho tới khi trời tối, mọi người trong đều ngủ say cả. Tới khoảng canh hai đêm ấy, trong nhà đã xảy ra chuyện lạ khiến tất cả mọi người phải kinh hãi.
- Bẩm đại nhân, tới khoảng canh hai đêm hai mươi tư, mọi người trong nhà tiểu nhân đều đã ngủ say, chợt nghe thấy có tiếng lộp cộp. Tiểu nhân giật mình tỉnh dậy. Cũng chỉ vì tiểu nhân canh cánh trong lòng, sợ lũ cướp lại tới làm phiền nên trong giấc ngủ, chợt nghe thấy có tiếng lộp cộp ngay bên ngoài cửa sổ phòng tiểu nhân. Tiểu nhân vội trở dậy mặc quần áo châm đèn lên, ra khỏi phòng, quan sát khắp nơi, chợt nhìn thấy một cái bọc màu lam. Giở bọc ra xem, thì ra bên trong là hai cái đầu người bê bết máu. Tiểu nhân xem xong, đoán ngay ra đây là kế đổ vạ của lũ cướp, nhưng đành phải đợi tới khi trời sáng, tiểu nhân cùng anh là Dương Văn Phương mang cái bọc ấy cùng bảo chính trong vùng lên nha môn huyện Cú Dung bẩm báo lại đầu đuôi sự việc. Không ngờ quan huyện đại nhân đây một mực thiên vị, dùng lời bịa đặt, đổ hết cho anh em cử nhân ta hại người, bắt phải nhận tội trên công đường. Bẩm đại nhân, tiểu nhân không thể nào nhận bừa tội vào mình. Chẳng qua tiểu nhân mang vật chứng lên chỉ là để báo quan mà thôi. Không ngờ tri huyện không chịu nghe, làm bừa một bản công văn, cách tuột tước vị cử nhân của anh em tiểu nhân rồi dùng đại hình thẩm vấn. Tiểu nhân nghĩ: Lũ giặc dùng đầu người đổ vạ cho ta, chắc chắn là do chúng muốn ngầm hại ta. Do đó tiểu nhân mới lên quan phủ tố cáo, không ngờ huyện tôn đại nhân lại khăng khăng không chịu nghe.
Dương Văn Bính lại dập đầu lạy, miệng nói:
- Bẩm thanh thiên đại lão gia, tiểu nhân biết rõ có hậu họa, giặc cướp nhất định sẽ hại cả nhà tiểu nhân, cầu xin huyện lệnh thả một trong hai anh em tiểu nhân về nhà để bảo vệ gia quyến. Không ngờ tri huyện cố chấp, quyết không chịu cho, lại hạ lệnh giam cả hai anh em tiểu nhân vào trong ngục. Sáng hôm sau có người vào báo, nói người nhà tiểu nhân đều bị giết sạch, hai mươi tư người đều phải xuống cõi u minh. Chắc chắn là do lũ cướp giết hại nên cả nhà tiểu nhân mới gặp phải thảm họa này! Nay được đại nhân lật lại bản án thực anh em chúng tôi như lại được thấy trời xanh. Mong đại nhân mau chóng bắt lũ cướp, kết thúc vụ án, người nhà bọn tiểu nhân ở dưới suối vàng cũng không dám quên ơn đại nhân.
Nói xong không ngừng dập đầu lạy. Lưu đại nhân nói:
- Võ cử Dương Văn Bính, coi như ngươi hồ đồ lú lẩn tâm can. Ngươi nói rằng biết rõ sẽ có hậu họa, vậy tại sao lại sơ sẩy, để trúng phải kế điệu hổ ly sơn? Mang đầu người lên huyện trình báo, một trong hai anh em ngươi đi là được, để lại một người ở nhà bảo vệ gia quyến. Đi như vậy ai bắt bẻ gì được ngươi? Hai anh em ngươi cùng lên huyện, thôi cũng coi như số trời đã sắp đặt như vậy. Hai mươi tư người mất mạng, oan oan tương báo biết đến khi nào mới hết? Chỉ hận một điều là quan huyện Cú Dung hồ đồ, bất minh. Nếu người ta đã ngấm ngầm giết người, tại sao còn chịu đem đầu nạn nhân lên báo quan? Cho dù người ấy bị võ cử nhân hại mạng, vậy thi thể bị ném ở đâu? Vô duyên vô cớ nhốt hai anh em võ cử vào ngục khiến người nhà của họ bị mất mạng oan uổng! Nhất định bản phủ phải bắt hắn đền mạng. Lẽ nào ta chịu bỏ qua cho tên tham quan ấy?
Lưu đại nhân đột nhiên trở mặt nói vậy khiến cho tên tham quan cấp dưới ấy sợ mất mật.
Lưu Công Kỳ Án (Phần I) Lưu Công Kỳ Án (Phần I) - Chân Tàng Bản