Số lần đọc/download: 441 / 7
Cập nhật: 2019-12-06 08:59:00 +0700
Lại Thêm Một Tiết Học Lịch Sử Nữa
H
ôm ấy lớp tôi có tiết học lịch sử.
Hẳn độc giả còn nhớ tiết học lịch sử hồi chúng tôi còn ở trường tiểu học. Từ hồi đó đến nay cũng đã lâu rồi. Và bây giờ câu chuyện lại nói về một tiết học lịch sử nữa, nhưng là ở trường trung học.
Tôi nhớ là ông hiệu trưởng đã dạy chúng tôi môn lịch sử. Các bài giảng của ông ta có đặc điểm là ông ta cố gắng gắn liền các sự kiện lịch sử với hiện tại. Dù nói về vấn đề gì, thì cuối cùng ông vẫn đi đến kết luận rằng sức mạnh hiện tại của nước Đức Hít-le là kết quả của sự phát triển lịch sử.
Ông ta nói:
- Trong tiến trình lịch sử người Đức đã từng phải chịu đau khổ vì thất bại. Trong đại chiến thế giới lần thứ nhất người Đức bị thua vì họ không có người lãnh đạo thực sự có khả năng tập hợp được toàn dân. Nhưng bây giờ không ai có thể đánh thắng được người Đức.
Thất bại trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất có làm cho bọn Đức mạnh lên không, thì tôi không biết, nhưng rõ ràng là chúng không thông minh hơn. Một lần tôi trông thấy Hít-le đang nói chuyện ở trên phim. Vài câu đầu hắn nói năng có vẻ như con người, nhưng sau hắn gào lên như muốn đâm bổ vào ai đó. Ấy vậy mà những người trên màn ảnh nghe hắn có vẻ thán phục cứ y như trước mặt họ là sự xuất hiện của Chúa trời không bằng. Nếu như sử dụng cách thể hiện của ông hiệu trưởng, thì có thể cho đó là một khối thống nhất. Có điều cái khối thống nhất này không một chút suy nghĩ mà chỉ gào lên “Hít-le muôn năm”. Ô-lép gọi đó là chứng loạn thần kinh hàng loạt. Chứng bệnh này phát sinh ra khi một khối lượng người đông đảo nghe diễn giả nói chuyện mà không nghĩ ngợi gì đến ý nghĩa của bài nói chuyện, khác nào bị mê đi.
Nhưng ở lớp tôi đã không xảy ra loạn thần kinh hàng loạt, tuy rằng diễn giả đã khéo léo bỏ qua hai ngàn năm lịch sử, tách chúng tôi ra khỏi các cuộc chiến tranh Ba Tư của A-léc-xan Đại Đế. So sánh A-léc-xan với Hít-le, ông hiệu trưởng bắt đầu sôi nổi tán dương người Ma-xê-đoan cổ xưa và những người Đức ngày nay ở trình độ này hay trình độ khác đều có chung một nguồn gốc là chủng tộc A-ri-a.
Tiếp đó ông hiệu trưởng kể rằng ngày trước A-léc-xan rất thích độc I-li-át của Hô-me rồi lái câu chuyện sang việc ở mỗi một thời kỳ lịch sử đều có đời sống tinh thần và nền văn hóa riêng biệt.
- Lấy ví dụ như các bài hát chẳng hạn, - ông ta nói. - Thật là thú vị khi theo dõi thấy lịch sử được thể hiện trong các bài ca. Trong các bài dân ca E-xtô-ni-a có nói rất nhiều về lao động cực nhọc, bởi vì những bài ca đó được sáng tác trong thời kỳ nông nô mà. Hay lấy ví dụ những bài hát phổ biến bây giờ. Đó phần lớn là những bài hát hùng dũng của quân đội, ca ngợi những chiến sĩ dũng cảm và chiến thắng trong tương lai.
Ông hiệu trưởng bắt đầu đi khắp lớp và dừng lại bên cạnh Lin-đa.
- Nào, ta hãy lấy một dẫn chứng cụ thể. Hẳn rằng em cũng có cuốn vở ghi chép những bài hát ưa thích. Có đúng là em có cuốn vở như vậy không, em Lin-đa?
Chiếc cặp sách của Lin-đa để ngay trên sàn lớp, dựa vào bàn học. Không đợi trả lời, ông hiệu trưởng nhấc chiếc cặp lên và đưa cho Lin-đa.
- Nào, em hãy đưa cho tôi mượn cuốn sổ tay chép bài hát của em một chút.
Lin-đa lục cặp và lấy ra cuốn vở trứ danh.
- Thấy chưa, tôi đoán thật chính xác. - ông hiệu trưởng mỉm cười nói và nhanh tay lật mở cuốn vở.
Tôi nhìn thằng Át-xơ.
Toàn thân căng lên, nó không rời mắt khỏi bàn tay ông hiệu trưởng. Con mắt nó nhìn hệt như ánh mắt chó săn. Trong thực tế, tôi không biết ánh mắt chó săn như thế nào, nhưng tôi có cảm giác đây đúng là ánh mắt của con chó săn khi đánh hơi thấy con mồi.
- Đây là một dẫn chứng thích hợp. - ông hiệu trưởng đột nhiên nói và tôi thấy thằng Át-xơ mở to mắt ra vì căng thẳng. - Ở đây có bài hát nói về một người lính nhớ tới người yêu. Bài “Li-bi Ma-rơ-len” này thì chúng ta ai cũng biết.
Ông hiệu trưởng lật mở toàn bộ cuốn vở và đưa trả lại cho Lin-đa. Tôi có cảm giác bộ mặt ông ta lúc này rất khó chịu.
- Nào ta tiếp tục, - ông hiệu trưởng nói không chút liên quan đến chuyện vừa rồi. - nhà nước Ba Tư chiếm giữ một lãnh thổ rộng lớn. Để giành được như vậy đã phải mất khá nhiều thì giờ. Mãi hai năm sau khi đánh nhau ở I-xa, A-léc-xan mới tới được trung tâm của nước Ba Tư.
Ngày hôm nay có vẻ như không còn gì làm cho ông hiệu trưởng quan tâm hơn nữa.
Môi thằng Át-xơ trề ra. Nó đưa mắt đang nhìn ông hiệu trưởng chuyển sang nhìn Lin-đa và từ Lin-đa lại nhìn sang ông hiệu trưởng. Tôi nghĩ rằng chắc hẳn ông ta không biết chuyện vua Ba Tư là Đa-ri Đệ tam đã có lần bị thua A-léc-xan.
Thằng Át-xơ không thể ngờ được rằng tôi và Lin-đa đã khéo léo tháo ghim cuốn vở dày, lấy ra những trang có các bài hát ấy và cuốn sổ của Lin-đa trở nên thông thường như bất kỳ một cuốn sổ nào của một học sinh nghiêm túc. Thằng Át-xơ không hiểu tí gì hết. Nó đã mong cho “bom nổ”, nhưng thay vào đó ông hiệu trưởng lại nói về tiếng gươm reo trên chiến trường ở nước Ba Tư xa xôi cách đây hơn hai ngàn năm. Thằng Át-xơ hoang mang. Và có lẽ chính vì vậy mà nó không hề cảm thấy lưng áo nó, ở ngay sát gáy, có ghim một mảnh giấy nhỏ trên đó viết dòng chữ to nắn nót:
ĐỪNG LÀM KẺ TỐ GIÁC
Và Gui-đô cũng không nhận thấy gì cả. Nó chăm chú nghe ông hiệu trưởng. Trong các giờ giảng dạy của ông hiệu trưởng, thằng Gui-đô bao giờ cũng chú ý nghe, ngồi ngay ngắn, hai tay đặt lên mặt bàn.
Cuối cùng ông hiệu trưởng ngừng kể, nhìn đồng hồ và nói:
- Còn một ít thì giờ sẽ ôn lại bài trước.
Ôn lại bài trước có nghĩa là trả lời câu hỏi và được điểm. Mà trong lúc ôn lại bài cũ, ông hiệu trưởng không chỉ hỏi bài trước mà còn hỏi cả những gì đã học trong thời gian vừa rồi.
Giác quan thứ sáu mách bảo tôi rằng bây giờ sẽ đến lượt thằng Át-xơ trả lời câu hỏi. Nó là kẻ có lỗi làm cho ông hiệu trưởng vừa rơi vào tình trạng dớ dẩn với cuốn sổ tay chép bài hát của Lin-đa. Trong khi đó ông hiệu trưởng đâu phải là con người bỏ qua mọi chuyện một cách đơn giản như vậy:
- Át-xơ Cun-đam!
Chắc chắn ông hiệu trưởng giận thằng Át-xơ lắm. Ông ta hoàn toàn có thể nghĩ rằng Át-xơ nhầm lẫn hoặc tố giác vớ vẩn. Thế mà cũng gọi là tố giác, chẳng qua là xun xoe trước mặt kẻ trên.
Mặt thằng Át-xơ dài ra. Nó sợ hãi đi lên bảng. Và bây giờ ai cũng trông thấy mảnh giấy ghim trên lưng áo nó. Tất cả - chỉ trừ có ông hiệu trưởng – ngay cả thằng Gui-đô cũng trông thấy. Thằng này bắt đầu làm điệu bộ, tự chỉ tay vào lưng áo mình, báo cho thằng Át-xơ, nhưng thằng Át-xơ đang hốt hoảng nên không hiểu gì cả. Thế rồi ngay lúc đó lại còn một lô câu hỏi của ông hiệu trưởng đổ xuống đầu nó nữa.
- Thế nào là nền kiến trúc cổ Hy Lạp?…
- Hãy miêu tả nhà hát cổ Hy Lạp!…
- Vì sao có thành ngữ “Văn chương cô đọng?”..
- Hãy miêu tả trường trung học A-ten!…
- Hãy nêu tên một số thuộc địa của Hy Lạp!…
Thằng Át-xơ không biết phần lớn những câu hỏi của ông hiệu trưởng. Nhưng dẫu nó có biết đi chăng nữa, thì nó trả lời cũng ngắc ngứ. Còn ông hiệu trưởng thì cố tình không ra câu hỏi nào về các trận đánh và về các tướng lĩnh có tên tuổi mà thằng Át-xơ có thể dễ dàng trả lời. Ông ta còn làm cho thằng Át-xơ cứ bấn lên với nhà hát, văn chương rồi cuối cùng hỏi nó về những hình vẽ trên các lọ gốm. Thằng Át-xơ không đủ sức trả lời các câu hỏi ấy.
- Anh nắm không vững những kiến thức đã học. - ông hiệu trưởng nghiêm khắc nói. - Tôi buộc lòng phải ghi cho anh điểm xấu. Về chỗ!
Thằng Át-xơ đi về chỗ. Và ngay lúc đó… nhất định là ông hiệu trưởng có trông thấy mảnh giấy trên lưng áo thằng Át-xơ. Ông ta không thể không trông thấy. Mãi đến khi thằng Át-xơ về đến chỗ ngồi rồi, thằng Gui-đô mới gỡ được mảnh giấy trên lưng áo cho nó.
Nhưng ông hiệu trưởng làm ra vẻ như không trông thấy gì.
- Cần phải thường xuyên ôn lại bài học. - ông ta nói. - “Ôn tập là mẹ của học vấn”, người La Mã cổ xưa đã nói như vậy…
Lúc đầu tôi và Ô-lép không hiểu vì sao ông hiệu trưởng lại làm ra vẻ không trông thấy mảnh giấy trên lưng áo thằng Át-xơ. Sau khi trao đổi với nhau về những sự kiện xảy ra, chúng tôi đi đến kết luận rằng ông hiệu trưởng đã trông thấy mảnh giấy ấy, nên phải đứng về phía thằng tố giác để còn trông mong tìm ra thủ phạm. Đối với ông ta, sự việc này hầu như đã làm mất đi hoàn toàn chút uy tín cuối cùng của ông ta trước toàn trường trung học.
Giờ học kết thúc.
- Xa-lu-vê-ê, mày có thấy đứa nào ghim mảnh giấy vào lưng áo tao không? - thằng Át-xơ hỏi Ma-đi-xơ.
Nhưng Ma-đi-xơ thậm chí không thèm nhìn sang phía nó.
Thằng Át-xơ thấy thế quay sang hỏi một cậu ngồi phía sau lưng nó:
- Mày làm việc ấy phỏng?
Nhưng cậu này nhìn ra cửa sổ ngáp và nói như với chính mình.
- A-léc-xan Đại đế vốn là một nông dân cường tráng.
Thằng Át-xơ quát lên với cả lớp:
- Có cậu nào trông thấy không?
Nhưng không một ai nói với nó một lời, hệt như không có nó vậy. Cuộc tẩy chay bắt đầu. Trước đó Ô-lép đã thông báo cho cả lớp biết chuyện cậu ta nghe được ở văn phòng ông hiệu trưởng. Và cuộc tẩy chay được tiến hành bắt đầu đúng vào tiết học lịch sử do ông hiệu trưởng giảng dạy.
Không ai nói chuyện với thằng Át-xơ và thằng Gui-đô.
Đó là một sự trừng phạt. Trừng phạt nghiêm khắc. Nhưng thằng Át-xơ đáng phải thế.