Số lần đọc/download: 1688 / 23
Cập nhật: 2016-07-13 10:11:16 +0700
Chương 25: Khu Trại Giam Vĩnh Viễn
C
uối cùng, dải đất hứa. Khu trại giam vĩnh viễn. Đã đến lúc Langlais, Vaillant, Ducruix đứng vững một cách kỳ lạ, Lemeunier chỉ còn là cái bóng của chính mình. Lalande bám vững được. Voineau, Pazzis và tôi, chúng tôi hồi phục gần như hoàn toàn. Toàn bộ khu trại ở đâu đó trong rừng, phía bắc tỉnh Tuyên Quang. Khu trại thu gọn đơn giản: hai dẫy nhà lớn lợp mái tranh, một con suối nước trong và chảy xiết. Chúng tôi ở trong một dẫy nhà. Trong dẫy nhà kia, tất cả các tiểu đoàn trưởng vừa mới kéo tới, trong đó có Brèche, Tourret, Vadot, Botella, Guiraud, Nicolas, Chenet và những người khác.
Không có một tập thể nào vô chính phủ hơn là một nhóm sĩ quan người Pháp bị bắt làm tù binh. Tuy nhiên, sẽ buộc phải cố gắng, chịu đựng lẫn nhau trong nhiều tháng, có thể là nhiều năm. Chúng tôi phải cử ra trưởng nhóm theo yêu cầu của những người lính Việt. Lẽ tự nhiên, chúng tôi biểu quyết cho Langlais, người giữ cấp hàm cao nhất, lâu năm nhất... Quân Việt không tán thành và dựa vào uy quyền họ chỉ định tôi. Như vậy là tôi có nhiệm vụ cùng với viên chính uỷ trại “vị sếp tối cao” ở đây xử lý các vấn đề của chúng tôi.
Tất cả các buổi sáng, lúc 6 giờ, mặc áo may-ô ba lỗ, tôi thực hành cuộc đi bộ và bài tập thể dục trong ranh giới khu trại, những buổi tập rất nặng, kéo dài hơn một tiếng đồng hồ. Voineau và Pazzis đi theo tôi cho đến ngày cuối cùng. Quân Việt, có phần nào ngạc nhiên, có phần nào cảm phục khi nhìn thấy chúng tôi tập luyện nhiều như vậy trong lúc bụng thì rỗng. Giữa trưa, tắm kéo dài dưới suối, buổi phơi nắng... Cuộc sống này đối với tôi là dễ dàng. Tôi đã nếm trải điều xấu nhất và giờ đây cơ thể phục hồi. Các cơ bắp đáp lời tốt. Tôi chỉ bị mất năm hay sáu kilô. Chúng tôi lại nhắc đến chuyện trốn chạy, lần này là cùng với Pazzis, người có mặc cảm vì đã chưa thử nghiệm việc bỏ trốn. Anh ấy, một sĩ quan theo truyền thống, anh ta phải thử nghiệm việc ấy ít nhất là vì danh dự.
Cuộc học tập chính trị tiếp tục không có kết quả. Các buổi chiều, chúng tôi phải sinh hoạt nhóm và trả lời một số câu hỏi do viên chính uỷ đề ra. Hôm ấy, phải cho biết chúng tôi nghĩ thế nào về sự giúp đỡ của chủ nghĩa tư bản Mỹ đối với nước Pháp. Tất nhiên chúng tôi nói về mọi chuyện, ngoại trừ vấn đề đó, chúng tôi nhắc tới những nhà hàng ăn tốt của người Pháp, việc chúng tôi sẽ làm sau khi trở về... nếu như chúng tôi trở về được... Cuối buổi chiều, tôi phải báo cáo nội dung sinh hoạt với viên chính uỷ.
Một buổi sáng nào đó, tập họp. Viên chính ủy chỉ trích chúng tôi bằng giọng gay gắt:
- Các anh là những kẻ phản bội lại chính sách nhân đạo của Bác Hồ. Chúng tôi đối xử với các anh theo đúng bản công ước Genève. Các anh được nuôi dưỡng cũng như anh em chiến sĩ của chúng tôi. Ấy vậy mà các anh nói dối, các anh nghĩ đến việc trốn trại. Vì vậy chúng tôi sẽ phải thu hồi của các anh tất cả đồng hồ, nhẫn đeo tay, nhẫn cưới. Chúng tôi biết là các anh có thể bán tất cả những thứ đó để trốn trại.
Lần lượt từng người, chúng tôi đi qua trước một bàn giấy giống như bàn giấy của hải quan. Mọi thứ chui vào trong chiếc túi to của một người thư ký, anh này ghi chép cẩn thận dấu vết, hình thù đồ vật, số hiệu của các đồng hồ, tất cả sẽ được hoàn lại cho chúng tôi khi chúng ta được ra trại.
Nhẫn cưới ư! Chúng tôi sắp mất hết cả. Chiếc nhẫn vàng này người ta nhìn ngắm, người ta vuốt ve, người ta hôn trộm lúc vắng người thân, ở nước Pháp người ta cùng chết với nó. Đối với một người sùng đạo như tôi, mà tôi không ý thức được thật rõ, chiếc nhẫn ấy chỉ phục vụ có một lần cho cuộc sống, cho cái chết. Chiếc nhẫn vàng này mua ở Nice vào năm 1942, gắn bó rất mật thiết giữa tôi với Gaby, với những thử thách đã cùng nhau trải qua... Không, mọi thứ đều có thể nhưng không có chiếc nhẫn cưới này. Sau rất nhiều cuộc tranh cãi dài dòng, chúng tôi sẽ giữ lại cái vật nhỏ bé không đáng kể vốn vẫn còn là sự gắn kết chúng tôi với người phụ nữ mà mình yêu.
Với tư cách là các đại tá, chúng tôi nhận được một kilô gạo mỗi ngày, các thiếu tá ở trong khu lán bên cạnh chỉ được nhận có tám lạng. Như vậy là quân Việt tìm cách chia rẽ chúng tôi, gây ra chuyện mâu thuẫn giữa chúng tôi với nhau. Tôi đề nghị với các đồng ngũ là sẽ can thiệp với viên chính uỷ để đồng nhất khẩu phần ăn... Tôi khá vất vả mới có được sự nhất trí, một số muốn duy trì đặc quyền này. Đây là cuộc đấu tranh để tồn tại, gạo là trước tiên, sau đó mới đến đồng ngũ. Thật đáng buồn cho một nhóm các đại tá bị giam giữ.
Chúng tôi không rõ số phận của De Castries ra sao, khi mà quân Việt báo cho chúng tôi biết là ông ấy sẽ đến ăn cơm với chúng tôi vào một ngày chủ nhật nào đó. Các đồng ngũ của tôi nói chung phản đối cuộc viếng thăm này, quyết định không để ý đến nó... Castries, dáng vẻ thư giãn, mặt mày cạo nhẵn, xuất hiện vào khoảng giữa trưa. Tôi thay mặt mọi người hô to: “Nghiêm!”. Và toàn bộ các sĩ quan đồng loạt đứng bật dậy... Castries mỉm cười: “Nghỉ - Xin cảm ơn - Xin chào các ông hoàng của tôi” Sau đó tôi được tham dự một cuộc chỉnh đốn của viên chính uỷ, ông ấy mắng mỏ hành vi ứng xử của tôi. Lại một lần nữa, trước con mắt của họ, chúng tôi vẫn thống nhất với nhau. Họ tức điên lên, họ vốn hy vọng điều ngược lại.
Chúng tôi phải đi lấy gạo ở một ngôi làng cách xa khoảng mười kilômét, vị chi là hai mươi kilômét cả đi và về, lúc về vác trên vai những bao gạo nặng. Tôi tình nguyện đi lấy gạo mỗi lần có việc đó, bởi lẽ chúng tôi sẽ được phân phát thêm một vài quả chuối. Sức khoẻ của tôi rất tốt, tôi thực hiện hành trình một cách thoải mái. Pazzis và Voineau cũng như vậy. Chúng tôi lại nhắc đến chuyện trốn trại, chúng tôi giấu giếm gạo và muối tích trữ được. Lần này, Pazzis sẽ tham dự. Phải, chúng tôi phải trốn khỏi nơi đây.
Vaillant ốm nặng. Anh ấy hẳn là chỉ còn nặng ba mươi tám hay bốn mươi kilô. Tôi yêu cầu có một thầy thuốc... Một bác sĩ xoàng, thực tế là một y tá quân Việt, vài hôm sau tìm tới và làm ra vẻ quan trọng, anh ta thăm khám cho vị đại tá khốn khổ của chúng tôi, người phải một mình vật lộn với thần chết.
Langlais, suốt ngày nằm dài, lưng bị đau dữ dội. Anh ấy không ăn được nữa, hoặc là ăn rất ít, từ chối cả cái thứ thuốc lá sợi mà chúng tôi thái nhỏ và cuộn bằng tờ giấy lấy trộm được trong thứ món ăn tinh thần, một vài tờ nhật báo “Nhân đạo” cũ từ nhiều tháng nay. Lemeunier, Lalande, cũng thế, đi lại khó khăn và nằm dài trên tấm phản nhiều giờ liền. Miễn sao thời gian bị giam giữ này không kéo dài quá lâu, nếu không đội ngũ của chúng tôi sẽ thưa dần.
18 tháng sáu năm 1954... 18 tháng sáu 1940, lời kêu gọi của tướng De Gaulle... Lời kêu gọi ấy giúp ích gì cho chúng tôi đây? Chúng tôi được triệu tập đến một cuộc thao diễn lớn... Tất cả các tù binh của mọi trại giam được tập trung lại, chúng tôi đi diễu hành trước các ống kính quay phim của người Nga. Thật là một cảnh thê thảm! Tôi nắm chặt hai nắm đấm. Ở nước Pháp, chắc chắn là họ bất cần và đang chuẩn bị kỳ nghỉ hè của họ. Nước Pháp đáng thương, vô tư lự, bị đánh bại năm 1940, những đứa con trai của Người, có lẽ là những đứa con ưu tú nhất, lại một lần nữa, sống lạc lõng giữa rừng rậm của cái xứ Bắc Kỳ này.
Tôi gặp lại ở đây những người anh em bị bắt làm tù binh từ nhiều năm nay, đức cha Jeandel, người bị bỏ lại trên đoạn đèo ở Tú Lệ, cậu Martial trung thành của tôi, người đã trốn trại giam nhiều lần, bị bắt lại và hẳn chỉ nặng tối đa bốn mươi kilô. Một vài hạ sĩ quan, họ đến ôm hôn tôi và tay trung úy Allaire nhỏ nhắn của tôi... “Allaire, lẽ ra cậu đã có thể trốn được”. Mười lăm năm sau cậu ấy nhắc lại cuộc hội kiến này, và bảo tôi: “Hai chân tôi đau quá, đi không nổi!”
Ngày lại ngày, tuần này qua tuần khác... từng thời gian, một con gà mái nhỏ nhoi cho mười hai người, chia ra mỗi xuất may ra mới được một lạng. Lúc chia phần, một đồng ngũ cứ loay hoay với câu hỏi: “Một mẩu thịt này cho ai đây? Cho một người!”. Chúng tôi như vậy đấy, những người anh hùng của Điện Biên Phủ, thật là một cảnh tồi tệ!
Là trưởng nhóm, cũng lại là người nấu ăn cho các vị đại tá của chúng tôi, tôi cố gắng để nấu cơm chín tới. Quân Việt, trong một ngày tốt lành, cấp cho tôi một con dê già rất hôi hám, để cải thiện mức ăn ngày thường. Sau khi rửa ráy thật kỹ và mổ thịt, tôi cho hầm qua ba lửa liên tiếp và phục vụ cho các đồng ngũ một món thịt hầm mà họ thấy rất ngon.
Người ta nói đến việc được trả tự do... Quân Việt cho chúng tôi biết về hành động của thủ tướng Mendès France1. Chúng tôi đánh giá là ông ta đã hiểu được tình hình, rằng chỉ có ông ta mới lôi được chúng tôi ra khỏi cảnh này. Cần phải rời bỏ cái xứ Đông Dương này... Tiếp tục theo đuổi liệu có ích gì? Thật vô ích để một ngày nào đó nhìn thấy toàn bộ đạo quân viễn chinh đứng bên trong hàng rào thép gai của trại tù binh.
Viên chính uỷ của chúng tôi, những người lính gác, nói chung, tỏ ra đúng mức. Hẳn là họ đã nhận được lệnh của cấp trên của họ. Nhóm các đại tá chúng tôi, rút cục, đứng vững được. Chúng tôi giúp đỡ lẫn nhau chịu đựng, tất nhiên nhóm cứng rắn gồm có Voineau, Pazzis và tôi và những người khác, họ đấu tranh, bám lấy để tồn tại.
Những sĩ quan Việt mà tôi không nắm được cấp bậc triệu tập tôi đến một cái lán nằm bên ngoài khu trại giam. Được tiếp đón đúng mức, họ muốn được cùng với tôi nhắc lại nhiều trận đánh mà tôi và họ đối đầu với nhau. Qua nhiều buổi chiều, chúng tôi nhìn lại trận đánh ở Tú Lệ, ở nước Lào, việc đánh chiếm Điện Biên Phủ, những trận đánh ở khu Thành Cổ và nhiều trận khác.
Họ có vẻ vui thích vì đã phát hiện ra tôi. Tôi được quyền có tách cà phê pha nhanh... Hương vị mới tuyệt làm sao! Chỉ cầu mong tôi có thể mang được hương vị đó về cho các bạn đồng ngũ. Những con người giản dị, có ý tứ ấy, họ cũng thừa nhận những thiếu sót mà họ có thể đã phạm phải, trong những cuộc gặp gỡ của chúng tôi. Tôi học được rất nhiều điều qua việc tranh luận với họ. Cả một cuốn sách dầy sẽ lại cần thiết để kể lại câu chuyện bốn tháng trời trong thời kỳ bị giam giữ ấy, thời kỳ hình như, sắp kết thúc... Tin chính thức, chúng tôi sẽ trở về. Viên chính ủy tỏ ra vui vẻ, thân ái, chăm sóc cho chúng tôi, những người lính gác thì mỉm cười.
Lalande bảo chúng tôi là đã đến lúc phải lấy lại những cấp hàm thật sự của chúng tôi. Nghe thấy vậy, tôi bị nghẹt thở. Botella rên rỉ: “Lẽ ra ông ta đã có thể biểu lộ sớm hơn”. Dù sao, có lẽ Lalande có lý. Vinh quang và kỷ luật quân sự. Chúng tôi phải đứng lại vào hàng ngũ, khi trở về, tỏ lòng tôn kính đối với những người đã gửi chúng tôi bước vào cuộc sống gian khổ này!...
Langlais, từ nhiều tháng nay ở trong trạng thái ngủ đông, nay tỉnh giấc một cách mạnh mẽ từng giờ một. Anh ấy trở lại là chính mình. Vaillant khá hơn một chút. Ducruix, ngược lại, từ vài ngày nay, không còn muốn ăn nữa, nước da anh ấy vàng ủng.
Thật không ngờ được! Cuộc trở về hằng mơ ước biết bao ấy đã đến. Một vài chặng đi bộ, những chặng khác ngồi xe tải. Người ta hồi sinh, những cái nhìn trong sáng hơn, những dáng điệu thoải mái hơn, thức ăn được cải thiện, quân Việt có ý định thả chúng tôi trong điều kiện khoẻ mạnh. Chúng tôi được trang phục đầy đủ: quần dài, áo sơ-mi, mũi cối Tàu. Tôi giữ gìn bộ trang phục quân dù của tôi, chiếc mũ nồi đỏ của tôi, đôi ủng nhẩy dù được lau chùi cẩn thận.
Buổi chiều hôm trước ngày chúng tôi tới Việt Trì, tại đó chúng tôi sẽ được bàn giao cho các nhà cầm quyền Pháp, viên chính uỷ của chúng tôi tổ chức một bữa tiệc mặn to: cơm, thịt lợn, thịt gà vịt, rượu nấu bằng gạo... Tình hình của Ducruix xấu đi.
- Bruno, đừng có đi. Mình sắp chết. Mình cần có cậu, cậu hãy ở bên mình...
- Nói bậy nào, Ducruix. Bám cho chắc, chúng ta tới nơi rồi, nghiến răng lại, cậu sẽ khỏi thôi.
Tôi ngồi bên cạnh cậu ấy trong lúc các đồng ngũ của tôi đang nhấm nháp bữa tiệc chưa từng có ấy.
Bữa tiệc gần kết thúc thì tôi báo cho họ biết: Ducruix vừa qua đời trong vòng tay của tôi. Chúng tôi yêu cầu có một chiếc quan tài, một lễ mai táng nghiêm chỉnh và để cậu ấy nằm lại vĩnh viễn trong ngôi làng ấy sau khi đã ghi lại tên tuổi và các dấu vết chính xác của thi hài bọc trong tấm vải liệm. Anh bạn già khốn khổ! Tại sao lại gửi cậu ấy đến cái khu lòng chảo với tư cách người quan sát? Để rồi ngã xuống khi đã gần đích đến như vậy! Thật là ngu ngốc, bất công!
Việt Trì, chúng tôi gặp lại những đồng ngũ đã bị bắt từ nhiều năm nay, những người của con đường thuộc địa số 41 và một số khác. Tôi được tin là các trung úy Emptoz và Chevret của tôi, trong nhiệm kỳ thứ hai, đã vĩnh viễn mất tích trong một cuộc trốn trại. Trapp cũng có ở đây, cái chân của cậu ấy cơ bản đã khỏi. Lại gặp đức cha Jeandel... có biết bao chuyện để kể cho nhau nghe! Nhộn nhịp, náo nhiệt làm sao! Cuộc hồi sinh... Thật tốt là mình vẫn còn sống ở trên đời này!
Viên chính ủy của chúng tôi, mặc dầu thích giảng giải học thuyết của ông ấy nhưng về cơ bản là một con người giàu tình cảm. Giống như một con gà mẹ, ông ấy đi lại xung quanh chúng tôi và có vẻ buồn bã với ý nghĩ phải chia tay với chúng tôi, hỏi han địa chỉ của chúng tôi ở nước Pháp... Thật ngốc, nhưng tôi có cảm tưởng là tôi rất muốn được gặp lại ông ấy một ngày nào đó.
Nếu như thử thách những ngày qua là gay go thì giờ đây chúng tôi nhanh chóng cảm thấy là thủ tướng Mendès France sẽ đưa chúng tôi ra khỏi thử thách đó. Và chuyến viễn du đầy sóng gió của chúng tôi không thể nào so sánh được với chuyến đi của các bạn đồng ngũ là sĩ quan cấp dưới, là hạ sĩ quan và các binh sĩ, suốt chặng đường phải đi bộ và rất nhiều người trong số đó đã chết vì các căn bệnh sốt rét, kiết lỵ qua các chặng đi địa ngục mỗi ngày ba mươi kilômét trên cái con đường thuộc địa số 41. Và ở một cấp độ khác, những người bị bắt làm tù binh từ biết bao năm trời, chuyến đi khổ cực ấy, Pouget đã mô tả trong một cuốn sách của anh ấy: “Tuyên ngôn của trại giam số 1”.
Trung úy Allaire của tôi, người đã phải đi bộ tất cả các chặng đường trước khi về tới khu trại giam số 1, mười sáu năm sau, ở Dakar đã rất muốn viết cho tôi vài trang giấy kể lại chuyến đi dài của cậu ấy. Tôi trích lại nhiều đoạn ngắn để bạn đọc rõ hơn về những gì mà họ đã phải chịu đựng. Tôi muốn nhắc lại điều này, non nửa trong số đó đã biến mất trên cái con đường mòn vô nhân đạo này, con đường dẫn tới một trại giam mà họ không đáng phải đi vào đó.
Chú thích
1. Lúc đó là thủ tướng nước Pháp - N.D