Những lần thất bại chính là hạt giống gieo mầm cho thành công sau này. Bạn có thể buồn nhưng đừng tuyệt vọng.

Khuyết danh

 
 
 
 
 
Tác giả: Cao Hành Kiện
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Trần Đĩnh
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 82
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 7882 / 156
Cập nhật: 2015-08-05 20:17:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 37
ằng sau bức tường đổ, bố, mẹ, bà ngoại ta đã chết cả đều ngồi chờ ta ăn cơm. Bây giờ ta đã phiêu bạt khá nhiều, không về nhà đã khá lâu. Ta thèm được ngồi ăn cùng các vị nói chuyện nhà chuyện cửa như những ngày bác sĩ chuẩn đoán ta bị ung thư ta đến ở nhà thằng em út, hai anh em trong bữa ăn nói những chuyện chỉ nói được với nhau trong gia đình. Thời ấy, vào bữa ăn, đứa cháu gái ta luôn muốn xem truyền hình, nó không biết rằng các chương trình truyền hình đều là đánh phá ô nhiễm tinh thần, các ngôi sao của giới văn hóa lên giải thích cho tất cả mọi người, lần lượt từng vị bày tỏ lập trường, nhắc lắp lại lời lẽ của các văn kiện chính thống. Đấy không phải là các tiết mục trẻ con muốn xem và dĩ nhiên chẳng thích hợp mấy với sự ăn uống. Ta đã chán các tin tức của đài phát thanh, báo và truyền hình, ta chỉ ao ước được trở lại với đời sống của chính bản thân ta, được nói đến quá khứ đã bị lãng quên của gia đình, chẳng hạn như về người cụ tổ bốn đời bị điên, cụ chỉ một lòng thèm khát làm quan và vì thế đã cúng tất cả tài sản, hẳn một dãy phố, chẳng móc ra nổi thậm chí một nửa cái ghế viên chức, rồi cụ hóa điên khi hiểu ra cụ bị người ta lừa. Lúc đó cụ phóng hỏa thiêu ngôi nhà cuối cùng, ngôi nhà cụ đang ở, lúc chết cụ vừa qua, trẻ hơn ta bây giờ. Cái tuổi ba mươi mà Khổng Tử lão phu gọi là tam thập nhi này nên nói vẫn cứ là cái tuổi mong manh dễ sa phải bệnh tâm thần phân liệt. Em trai ta và ta chưa bao giờ xem ảnh cụ cố bốn đời, có lẽ ở thời cụ chưa có nhiếp ảnh đưa vào Trung Quốc hoặc là đưa vào rồi nhưng mới chỉ để dành cho hoàng tộc mà thôi. Nhưng em và ta đã ăn những món ăn tuyệt vời ngon cụ tổ bà nấu, món để lại ấn tượng mạnh nhất là món tôm say rượu, thịt tôm còn nảy lật bật khi người ta cho nó vào trong miệng. Trước khi ăn một con, chúng ta phải lấy hồi lâu dũng khí. Ta còn nhớ rằng cụ tổ sau một cơn trúng phong đã bại liệt, về thuê một căn nhà cũ kỹ của nông dân để tránh các cuộc ném bom của Nhật. Ông nằm miết trong gian chính trên một chõng tre dài, khuôn mặt mang vòng hào quang của bộ tóc bạc trắng được gió ùa vào qua cửa mở rộng làm cho phất phơ bay. Mỗi khi có báo động phòng không, ông rúm người lại vì kinh hoàng. Mẹ ta bảo rằng mẹ chỉ có thể nhắc đi nhắc lại không ngơi vào tai ông rằng Nhật khôn có đủ bom, chúng còn phải để dành bom cho các thành phố. Vào thời ấy, ta còn bé hơn đứa cháu gái bé của ta bây giờ, ta vừa mới tập đi. Ta nhớ rằng để đi ra sân sau, phải bước qua một ngưỡng cửa rất cao và ngoài đó lại còn phải xuống một bậc tam cấp nữa. Ta không thể một mình qua cái ngưỡng cửa, cái sân với ta luôn luôn là một nơi bí ẩn. Trước cửa ra vào là sân đập lúa, ta nhớ ta đã cùng với trẻ con nông dân lăn lộn như thế nào trong rơm đang phơi. Trong dòng nước êm ả của con sông chạy dọc theo sân đập lúa, một con chó con đã bị chết đuối. Ta không biết có phải một kẻ bẩn thỉu nào đã ném nó xuống nước hay tự nó chết đuối, nhưng các xác của nó nằm lại lâu trên bờ. Mẹ ta dứt khoát cấm ta chơi đùa ở bờ sông, ta chỉ có thể theo người lớn đến đó đào cát lấy nước. Họ đào những cái lỗ trên bãi sông, chắt nước từ trong cát.
Ta hiểu rằng ta đang được một thế giới người chết vây quanh, rằng sau bức tường đổ này là những người thân đã chết của ta. Ta thèm quay trở lại với họ, cùng ngồi bàn ăn, nghe những điều lặt vặt nhất, ta thèm nghe tiếng nói của họ, nhìn thấy ánh mắt của họ, ngồi thật với họ ở bàn dù ta không ăn. Ta biết rằng ở dưới âm, ăn uống là một tượng trưng, một thứ nghi lễ mà người sống không được hưởng, ngồi cùng bàn nghe ké họ cũng là niềm hạnh phúc rồi. Ta bèn thận trọng đi đến gần họ, nhưng hễ ta vượt qua bức tường đổ là họ lại đứng lên, lặng lẽ biến mất vào sau một bức tường đổ khác. Ta nghe thấy xa dần tiếng chân của họ bước không ra tiếng động, thậm chí nhìn thấy cái bàn họ để lại. Trong giây lát, cái bàn phủ đầy rêu non mơn mởn, nứt ra và đổ sụp xuống trong đống đá hỗn độn, giữa các khe nứt, những ngọn cỏ dại lập tức mọc lên. Ta cũng biết họ đang bàn luận đến ta ở trong một căn nhà đổ nát khác, không tán thành hành vi của ta, lo lắng cho ta. Thật ra ta có cái gì để cho họ phải bận tâm đâu, nhưng họ vẫn cứ phải lo lắng, có lẽ người chết thường thích bận lòng cho người sống, ta nghĩ. Họ đang lén bàn với nhau nhưng thấy ta áp tai vào bức tường đá ẩm ướt phủ đầy rêu họ lại im bặt, lấy mắt thay lời, nói ta không thể sống như thế này mãi, ta cần một gia đình bình thường, một người vợ hiền trông nom cơm nước cho ta, cai quản ngôi nhà, sở dĩ ta bị một bệnh nan y thì đó chỉ là do sự ăn uống của ta không thích đáng. Họ bàn mẹo can thiệp thế nào vào đời ta, ta cần phải nói rằng họ không phải lo lắng, đến tuổi trung niên, ta có lối sống riêng của ta, lối sống ấy ta tự lựa chọn lấy, ta không thể quay trở về nẻo đường họ đặt ra cho ta. Ta không thể giống như họ, hơn nữa, đời họ vị tất đã tốt nhưng ta không thể ngăn ta nghĩ đến họ, ta muốn nhìn họ, nghe tiếng nói của họ, nói với họ về quá khứ trong trong ký ức. Ta muốn hỏi mẹ ta có phải mẹ đã đưa ra đi thuyền trên sông Tương Giang không. Ta nhớ đến con thuyền gỗ với cánh buồm bằng phên tre, người chen chúc trên thuyền, ngồi trên những ghế dài ở hai bên khoang, đầu gối đụng vào gối. Qua cánh buồm, có thể thấy nước sông sắp tràn qua thành thuyền. Con thuyền không ngừng tròng trành nhưng không ai nói năng, ai cũng làm bộ như chẳng có gì hết cho dù tất cả đều đã nhận thấy con thuyền quá tải đang có nguy cơ lật úp đến nơi. Không ai muốn đối mặt với sự thật. Cả ta, ta cũng làm bộ như chẳng có chuyện gì, chẳng khóc lẫn nhớn nhác, cố không nghĩ đến tai họa có thể xảy ra bất cứ luc nào. Ta muốn hỏi mẹ xem có phải đây cũng là chạy loạn không? Nếu ta thấy lại loại thuyền này trên sông Tương Giang thì kỷ niệm kia là thật. Ta còn muốn hỏi mẹ có phải để trốn thổ phỉ đã phải nấp vào trong chuồng lợn không? Hôm ấy, thời tiết giống hôm nay. Trời mưa bụi, lúc lên núi, xe quẹo gấp đã đổ sang một bên, người tài xế không ngừng than thở giá tay lái của ông vững thì đã không xa hố. Ta nhớ đó là hai bánh bên phải xe vì rằng sau đó, những người ngồi trên xe đều phải xuống và mang hành lý sang phía bên trái của con đường, ở sườn núi, rồi tất cả đến đẩy nhưng bánh xe cư tiếp tục quay trượt trong trong bùn, vô hiệu. Chiếc xe được trang bị một cái lò đốt bằng than củi vì còn chiến tranh, các xe dân sự không chạy bằng xăng. Để nổ máy, trước hết phải quay dữ dội một cho đến khi xe đánh rắm mới khởi động. Thời ấy, xe cộ cũng như con người, chúng chỉ thấy dễ chịu khi trút vợi được các hơi khí ậm ạch trong bụng, nhưng lần này ngay cả khi đã rắm rít rồi, chiếc xe cũng vẫn chỉ quay tít bánh và hất bùn vào đầu mặt những người đang đẩy nó mà thôi. Người tài xế cố sức ra hiệu với các xe đi qua nhưng không cái nào muốn dừng lại để chữa giúp. Vào giờ này, trời đã tối lắm, họ chỉ nghĩ tới chuyện lánh nạn. Chiếc xe cuối cùng sạt vào thành xe chạy qua, những chiếc đèn pha vàng vàng của nó sáng ánh lên như mắt một con thú hoang. Sau đó, hành khách bất chấp mưa leo dốc, lần mò trong đêm tối, không ngừng trượt chân lên đường núi lầy lội, người sau túm lấy áo người đi trước. Đó là một đoàn chỉ toàn các ông già, phụ nữ và trẻ con. Đoàn người, cuối cùng cực nhọc đến được một căn nhà nông dân không ánh sáng, bên trong không ai chịu mở cửa. Mọi người chỉ có thể chen nhau trong bãi nuôi lợn để tránh mưa; tiếng súng không ngừng nổ ở trong núi, những ánh đuốc loang loáng. Chắc có cướp. Cái sợ làm cho không ai nói một lời.
Ta băng qua những bức tường đổ nát, đằng sau, chỉ có một bụi hoàng dương lá bé như ngón út, đang run rẩy trong gió ở giữa những căn nhà phá hủy, không mái. Trước mặt, còn lại một nửa cửa sổ, có thể tì lên đó nhìn ra ngoài. Giữa các túm đỗ quyên và trúc-mũi tên hiện ra các tấm đá phủ một lớp rêu mà nhìn từ xa có vẻ rất mềm mại, giống một người thân nằm dài, đầu gối co, tay giang. Trên mái vàng của ngôi chùa ngày xưa gồm hàng nghìn điện thờ và tăng phòng, gió núi hung dữ đã làm hỏng những viên ngói kim loại. Các tăng ni rất đông, đi theo hoàng phi thứ chín của phụ hoàng hoàng đế Vạn Lịch nhà Minh đã đến đây tu hành. Hương khói và chuông thình nhật buổi sáng, trông thu không buổi chiều, không thể đã không để lại dấu vết. Ta muôn tìm một di vật thời đó nhưng ta chỉ làm được có mỗi việc lật một mảnh bia vỡ lên mà thôi. Năm trăm năm, những ngói sắt thép kia lẽ nào lại không han gỉ hết cả hay sao?
Linh Sơn Linh Sơn - Cao Hành Kiện Linh Sơn