Số lần đọc/download: 256 / 22
Cập nhật: 2020-06-05 12:47:51 +0700
Chương 7
L
àng Nhuần, ngày... tháng 9 năm 1947
Kính gửi anh Lê Chính.
Anh kính mến!
Thư của anh và những chỉ thị mới của tỉnh do vợ anh Khả đưa về, em đã nhận được. Tuyết Minh, vợ anh Khả thật là một cô bé dễ thương. Hơi nhút nhát, nhưng xem cung cách thì là con người chịu thương chịu khó, và khéo léo chân tay (chứ không khéo miệng như anh chồng(?)) Em bố trí cho cô ấy làm quản lý trường thiếu nhi dân tộc. Cô Bức cũng được đưa vào trường. Cả thằng bé Tùng nữa, anh ạ. Thằng bé càng lớn càng nghịch, ở với các cô các chú ở cơ quan dễ hư vì người lớn hay đùa tếu, lại vô ý nữa. Nó có vẻ thích hợp với cảnh rừng. Suốt ngày đi rừng với bọn trẻ con trong làng: hái măng, bắt chim, lấy quả “Mắc mật”, rồi đào dúi.
Anh ạ, rừng vào kỳ đẹp nhất trong năm. Cây xanh nức, bóng nhẫy, rườm rà lá cành. Những cây lim xanh đã ra hoa, kết những vầng tím hồng trên các vòm lá cao. Khắp rừng ngời sắc hoa. Cả phong lan nữa. Em nói về rừng nhiều như thế là vì những ngày gần đây em cùng với miền củ đầu tộc họ Tẩn, cụ Tẩn Mè Thòn, đã đi sâu vào trong các cánh rừng, tìm nguồn nước khai ruộng, tìm cây thuốc chữa sốt rét và tìm các địa điểm bí mật như ý kiến của anh.
Em đã đi rất sâu vào các vùng rừng xa, leo lên cả những triền núi đá vôi bên này sông Chảy, ở đó có rất nhiều hang động, và các loài cây gỗ quý như sến, táu, hoàng đàn. Cây hoàng đàn gỗ tỏa thơm khắp cả rừng, xưa thổ ty bắt dân lấy những loại gỗ này để làm nhà cửa của chúng. Từ đó có những hẻm sâu bí mật, có thể liên lạc với Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang được. Đó có thể là căn cứ của cuộc kháng chiến trường kỳ của tỉnh ta sắp tới, anh ạ. Sắp tới, em sẽ mở rộng cơ sở ra những vùng xung quanh triền núi Con Voi, tạo thành thế liên hoàn cho cuộc kháng chiến như nghị quyết của tỉnh. Có cảm giác yên lành xiết bao, khi bước chân đến những nơi heo hút, kín đáo ấy, những làng Dao ven bờ sông Chảy lan ra gần đường sắt Hà Nội — Lào Cai, những nơi em đã tới, đã rất tin tưởng.
Em nhớ mãi những đêm họp cơ sở, học “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Bác Hồ kính yêu. Cả làng cả dòng họ, ngồi quanh bếp lửa vàng ấm, nghe lời Bác, thành kính, nghiêm trang. Miền củ Tẩn Mè Thòn mắt sáng quắc, kể nỗi khổ ngày xưa, rồi truyền bảo con cháu phải nghe theo lời Bác. Phải đánh thằng Pháp. Dù có phải ăn củ nâu, củ páng, củ mài thay cơm, ăn tàn nứa, tàn gianh thay muối cả đời con đời cháu, cũng phải giữ được nền độc lập. Ở đâu cũng vậy: Khe Vôi, Khe Nứa, Làng Pèng, Làng Trì, Làng Sủng, Cốc Tủm, Cốc Râm... tất cả những làng Dao đã nhất tề đứng dậy rồi!
Cảm động xiết bao! Những người Dao còn sống bằng lối canh tác nguyên thuỷ, còn mê tín, còn sợ thánh thần, ma quỷ, nhưng lại vô cùng thiết tha với cách mạng. Người Dao nghèo quá. Nghèo vì trình độ sản xuất thấp kém, lại bị bóc lột triền miên hàng thế kỷ liền, nghèo vì cúng bái mê tín dị đoan. Làng nào cũng có vài chục thày cúng, tháng nào cũng có ngày dần, ngày mão, giờ tị, giờ ngọ... kiêng cữ. Tuần nào cũng có đám cúng đám lễ. Lễ cấp sắc, lễ đặt tên lại càng tốn kém. Nghèo vì làm ăn còn bấp bênh. “Một năm mất mùa, bảy năm đói”. Cây lúa trên nương hết hạn, lại sâu, lại thú rừng về phá. Khổ lắm! Thuốc thang không có. Quần áo rách rưới. Cơm không đủ ăn. Nồi cơm nhà nào cũng lổn nhổn củ mài. Trẻ em, có đứa chỉ độc cái áo, đêm lạnh, ngủ lăn lóc quanh đống lửa, trông mà rớt nước mắt. Người Dao còn khổ lắm. Nhưng tấm lòng của người Dao với cách mạng không hề đơn sai. Cả làng bây giờ chỉ ăn củ mài, trẻ con mỗi bữa được một bát cơm, đồng bào bảo nhau dành gạo cho bộ đội.
Miền củ Tẩn Mè Thòn bảo em: Cán bộ Châu bảo các cán bộ tỉnh nhé, thằng Tây nó đánh, cứ rút về đây. Thằng Tây không vào được làng Dao đâu!
Giờ đây, cả làng Dao đã thực hiện khẩu hiệu: “Ba không”: không biết, không nghe, không thấy. Người Dao mà đã giữ bí mật thì không một kẻ nào ngoài dòng họ, làng bản có thể biết được. Từ đứa trẻ con cũng biết giữ gìn bí mật của bộ tộc. Đó là sản phẩm lịch sử của một dân tộc đã trải qua cuộc tranh đấu lâu dài và gian khổ, phải luôn cố kết với nhau thành một khối để chống lại kẻ thù bên ngoài.
Anh về làng Nhuần bây giờ sẽ thấy một cảnh tượng rất tưng bừng. Các lò rèn đốt lửa thâu đêm suốt sáng. Miền củ Tẩn Mè Thòn đích thân cầm búa làm thợ cả. Đúc súng, rèn kiếm, đánh dao... đàn ông Dao nhiều người thạo lắm. Thật là những người thợ kỳ tài. Giá anh Tâm có mở Công Binh Xưởng thì cũng không lo thiếu thợ. (Trên ấy có gang, thép, sắt vụn và khi tiêu thổ kháng chiến, anh cho đào ống nước thì mang cả về đây, anh nhé). Đồng bào làm súng rất tài. Nòng súng là một thỏi thép dài. Khoan nòng bằng sức kéo dây của người hay nhờ sức nước chảy. Hàng tuần ròng mới xong một khẩu. Còn kiếm đồng bào rèn, có lẽ không thua kiếm Nhật. Đặt một chồng bạc trắng, hạ kiếm một nhát, cả chồng bạc bị cắt làm đôi. Miền củ cười: “Chém thằng Tây, thằng Việt gian đấy!”
Phụ nữ Dao thì từ lúc chưa rõ mặt người đã đi nương. Thật là những người lao động cần cù, chịu khó nhất thế gian. Hồi còn ở nhà, em cứ tưởng người nông dân làng Sài em là cực nhất trần đời. Đâu có biết, ở đây làm ăn còn vất vả hơn nhiều. Tháng tư vừa rồi, chị em làng Nhuần dọn nương, gieo lúa. Cái nắng trên nương đã làm cháy da cháy thịt, lại thêm bọn ruồi vàng. Chúng bay vù vù, bất thình lình nhao tới, đốt buốt như ong. Tay chân cứ dầy lên từng vầng đỏ sậm, ngứa ngáy, chảy nước vàng cả tháng trời. Chịu cho ruồi đốt để làm, chứ đuổi nó thì đuổi cả ngày. Mùa này, làng đã gieo thêm hơn năm trăm cân giống lúa nương để chuẩn bị lập kho dự trữ.
Bây giờ lúa nương đã vào cữ chăm sóc. Chừng hai tháng nữa thì gặt. Miền củ Tẩn Mè Thòn đã cho thanh niên đi làm lán bí mật rồi. Đội du kích vẫn tiếp tục ôn những khoa mục do anh Đắc đã huấn luyện. Em thì chỉ giảng được phần chính trị cho các đồng chí ấy thôi. Đêm ngày du kích canh gác rất cẩn mật. Có cả một trạm gác ở bên bờ sông Hồng vì sợ bọn Tây có thể đi đường tắt từ Phong Thổ, qua đèo Hoàng Liên Sơn, xuống Tả Thàng, Gia Phú, vào đây bất ngờ. Cái trạm ấy vừa rồi gặp một chuyện vô cùng kỳ lạ và may mắn. Họ bắt được một cô gái người Kinh ở bờ sông. Cô này sống ở đây đã vài tháng, chẳng hiểu ở đâu trôi giạt tới, nấu cơm thuê cho một nhà bè. Bọn nhà bè giở trò đồi tệ, cô ấy chạy. Du kích hỏi giấy tờ, không có, thế là bắt về. Trời, anh có biết cô ấy là ai không? Cô Dung! Cô Dung, người yêu của nhạc sĩ Quang Ngọc. Anh ơi, trên đời còn biết bao nỗi khổ cực, đau đớn, ê chề. Em đã khóc. Và em nghĩ: Nếu mình không đi làm cách mạng thì mình thật là một kẻ nhẫn tâm vô cùng. Hiện giờ, Dung ở với em, vợ anh Khả và cô Bức. Mồ côi cả cha lẫn mẹ, cũng là cô gái khổ cực, Bức cứ quấn lấy Dung như hai chị em. Thuốc thang, ăn uống và sống với tập thể (không khéo đây thành lập được khu gia đình cán bộ mất, anh nhỉ?) Dung đã lại người. Anh tin cho Quang Ngọc ngay để cậu ấy mừng, và bố trí cho Quang Ngọc xuống thăm Dung nhé. Mừng cho cô cậu ấy quá, anh ơi.
Anh kính mến!
Nghe em kể lan man, lộn xộn, chắc anh tưởng em đã làm được nhiều việc lắm. Không đâu. Lòng đồng bào đã vốn âm ỉ một ngọn lửa yêu nước rồi. Em chưa làm được việc gì đáng kể, trừ việc em mở lớp văn hóa thanh toán nạn mù chữ và hiện đang tổ chức trường thiếu nhi dân tộc và đưa ít tiền trợ cấp của tỉnh về các thôn, vận động đồng bào khai hoang thêm ruộng.
Bao giờ em cũng có cảm giác day dứt và chưa làm được nhiều việc có ích cho cách mạng. Bao giờ em cũng thấy bồn chồn, khắc khoải khi em ở đây. Còn anh, các anh ở trên đó đang phải đương đầu với bao khó khăn! Đi tham gia cách mạng, kể từ ngày ở cái làng Sài, tổng Quỳnh Lưu của em, tới lúc ra dự lễ Quốc tế Lao động 1-5 ở Đấu Xảo, Hà Nội (Sao em nhớ ngày ấy thế!) bao giờ em cũng có cảm giác mình là đứa em nhỏ, được các anh dành cho bao sự chiều chuộng, ưu ái. Anh đừng cười em nhé. Đã mấy lần em định biên thư đề nghị các anh phân công cho em một nhiệm vụ khác, khó khăn hơn. Nhất là từ hôm toàn quốc kháng chiến, nghe lời Bác Hồ kêu gọi, và hôm được tin anh suýt bị Lử ám sát. Rồi sau đó lại được tin thổ ty ở Pa Kha khiêu khích anh Kiến. Và gần đây là việc giặc Pháp từ Hà Nội đã đánh rộng ra và rục rịch mở đợt tấn công Thu Đông lên căn cứ địa Việt Bắc. Em nóng ruột ghê lắm. Anh thông cảm cho em.
Anh kính mến. Lâu lắm em chưa gặp anh rồi. Dạo này anh có khỏe không? Anh chú ý nằm màn nhé, kẻo lại bị sốt rét như dạo anh đi các vùng thổ ty về thì khổ. Nghe vợ Khả nói các anh ăn uống thất thường, em áy náy quá, nhưng chẳng biết làm thế nào? Anh ạ, anh thương yêu, tin tưởng ở con người, nhưng anh chớ nhẹ dạ cả tin một lần nữa đấy nhé! Về vấn đề này, anh phải nghe anh Tâm đấy. Nhẹ dạ, cả tin còn dễ tha thứ, chứ tát người là không bỏ qua được đâu đấy!
Anh cứ yên tâm về cô Bức “của anh” nhé. Cho em gửi lời thăm tất cả các anh mới, cũ ở trên đó. Cho em biết tình hình Mường Cang, Pha Linh, tình hình cả tỉnh, cả nước. Em rất nóng lòng chờ thư anh.”
Kính thư
Em, Hoàng Thị Châu