Số lần đọc/download: 8664 / 108
Cập nhật: 2015-08-12 23:00:35 +0700
Chương 35
P
hải mười giờ sáng hôm sau Vĩnh mới thức dậy. Anh nhìn quanh căn phòng mình nằm. Có chừng sáu bảy người nữa. Tất cả đều được nằm trên hai hàng giường gỗ trong phòng. Vĩnh nằm yên lặng nghe động tĩnh chung quanh. Im vắng quá, Vĩnh có cảm giác mình được đặt nằm trong một khu câm điếc! Vĩnh ngó sang người nằm gần anh nhất. Bệnh nhân là một ông già đầu trọc lóc. Ông ta nằm co quắp với tấm chăn bao cát bẩn thỉu phủ ngang hông. Vĩnh nhìn kỹ mặt ông ta. Anh giật mình. Ông ta chết rồi chăng? Rõ ràng khuôn mặt của ông đã sạm lại và sần sùi như một tờ giấy bản. Đôi mắt vàng như nghệ mở thao láo như không đang nhìn vào bất cứ một cái gì. Miệng ông hơi hé mở, để lộ đôi ba cái răng lởm chởm vàng cạch. Khuôn mặt ông gợi cho Vĩnh nhớ lại tấm ảnh chụp nhà văn Vũ Trọng Phụng lúc chết vì bệnh lao trong cảnh cơ hàn mà có lần anh nhìn thấy trên bìa một tờ báo văn học nghệ thuật nào đó trước đây... Vĩnh thấy ớn lạnh hơn lúc phát hiện hàng chục con ruồi đang bu đen một bên mép nhớt rãi của ông ta.
- Ư... ư...
Thì ra ông già chưa chết. Ông ta vừa xoay mình rên lên một tiếng thật khẽ. Vĩnh thấy mừng mừng. Anh ngó sang mấy giường kế nữa. Cũng chỉ toàn những xác người nằm bất động. Tất cả đều đồng dạng ở điểm bơ phờ, xanh xao và câm nín.
Một cơn gió buổi sáng thổi lồng qua kẽ hở đầu giường. Vĩnh ngước mắt nhìn qua những kẽ hở trên vách đó. Một vuông sân đất đỏ với vài ba luống rau muống nằm sát chân hàng rào. Những luống rau cũng rải đầy phân và ruồi bu đen như bất cứ luống rau nào trong trại cải tạo. Chả nhẽ ở đây chúng nó cũng bắt những thằng tù bệnh gần chết phải canh tác nữa sao? Những cơn gió kế tiếp vẫn đều đều thổi mùi phân, mùi nước tiểu và mùi đất ngai ngái vào phòng. Thật là mỉa mai cho Hồ Chí Minh, khi lão luôn luôn há miệng ca ngợi xã hội xã hội chủ nghĩa của lão: Đất nước ta lúc nào cũng đẹp như công viên, sạch như bệnh viện! Nhưng trên thực tế, xã hội miền Nam Việt Nam ngày nay đã trở lại cái hình dạng của một xã hội Ấn Độ phức tạp và lạc hậu trong nếp sống. Sự phức tạp và lạc hậu mà chính Gandhi đã phải than thở: Dạy cho dân nước tôi biết chùi cầu tiêu sạch sẽ còn khó hơn ngồi làm một bộ luật! Tuy nhiên, sự khác biệt giữa hai xã hội Ấn Độ thời Gandhi và Việt Nam thời nay ở chỗ, Gandhi thì cất tiếng than thở về trình độ thấp kém của người dân, còn Việt Nam ngày nay chính người dân phải than thở về trình độ ăn ở lạc hậu của giai cấp thống trị. Quả ta có thể dùng câu than thở trên bằng cách nói ngược như sau: Dạy cho cán bộ cộng sản ở nước tôi biết tổ chức ăn ở cho đúng phép vệ sinh còn khó hơn ngồi viết một bộ luật công bằng và tự do trong cái gọi là xã hội xã hội chủ nghĩa.
Thốt nhiên Vĩnh thấy khát nước. Mồm mép anh khô đắng. Có lẽ ảnh hưởng mũi thuốc đêm qua. Vĩnh nằm nhớ lại... rồi thấy sờ sợ và đưa tay rờ rẫm trên lưng. Đêm qua, trong cơn đau đớn, tay y sỹ của bệnh xá đã ra tay "trừng trị" vào quả thận bên trái của Vĩnh một mũi thuốc. Không biết thuốc gì, anh chỉ biết cái lúc anh sắp ngất đi lần thứ hai thì tên y sỹ xuất hiện bên cạnh một người nữa có tên là Tính, và qua cách xưng hô, Vĩnh đoán người tên Tính cũng là một anh chàng cải tạo. Hai người chỉ hỏi anh vắn tắt vài câu: Đau chỗ nào? Lâu chưa? Tại sao biết là sạn thận? Đái ra máu mấy lần? Hiện giờ đau nhất chỗ nào?... Sau khi được Vĩnh trả lời, hai người bàn tán một lúc rồi ra lệnh cho Vĩnh cởi bỏ hết quần áo. Không cặp mạch, không đo máu, nói chung mọi thủ tục nhiêu khê của bọn tư sản phản động đều được thủ tiêu nơi đây. Vĩnh hơi khó chịu.
- Tôi đau lưng, đâu có đau gì khác mà phải cởi cả quần?
Anh chàng tên Tính có vẻ không vui trước lối khiếu nại của Vĩnh.
- Bác sỹ đã bảo cởi thì cứ cởi đi. Anh nhiều chuyện quá.
Vĩnh nghĩ bụng. Mẹ bố mày! Muốn xem củ của bố thì bố cho chúng mày xem. Nghĩ thế Vĩnh cởi béng cái quần đùi đang mặc. Anh nằm tô hô và thản nhiên nhìn hai con thằn lằn đang mặn nồng ân ái trên cái đà ngang.
Tên y sỹ Việt cộng đang bận rút thuốc vào ống chích không để ý, riêng anh chàng Tính thấy vậy phát phì cười. Anh ta nói.
- Tính khoe của đấy à?
Thấy hắn có vẻ đã vui vui trở lại, Vĩnh cũng đáp lễ.
- Lẫm liệt thế này mà không khoe cũng hoài.
- Trước đây anh ở cùng tổ với tay Toàn hả?
- Toàn nào?
Cái đau bất chợt lại nhói lên làm Vĩnh im bặt. Anh cố nín thở thật lâu. Tính vẫn nói.
- Phạm An Toàn ấy mà!
-.....!
- Tôi đề nghị bác sỹ chích thẳng vào thận anh một mũi trấn thống.
Vĩnh thở một cái phào vì không thể nhịn hơi lâu hơn được nữa. Anh cố gắng thều thào.
- Trời đất ơi! Đâm kim vào thận tôi hả?
- Anh đừng lo. Tôi không phải bác sỹ nhưng là cựu trung úy trợ y. Tôi biết cách calmer cấp thời cái vụ sạn thận này...
- Có di hại gì không ông?
- Di hại cái gì?
- Liệu sau này còn ịn được không?
Trung úy trợ y Tính không nhịn được cười. Trước khi quay đi, hắn nói.
- Toàn nó được biên chế lên làm việc ở đây. Nó có nói về anh. Nó bảo anh là vua đùa giỡn...
Một lúc sau đó Vĩnh phải cố gắng xoay người nằm sấp xuống. Tên y sỹ Việt cộng và trợ y Tính đo đạc gì đó trên lưng Vĩnh một lúc, sau cùng anh thấy đau nhói trên lưng. Một mũi kim dài cỡ mười phân đang từ từ được ấn sâu vào thân anh. Dù đau vô cùng, Vĩnh vẫn có thể cảm thấy được mũi kim đang xuyên vào những tầng lớp da thịt. Thốt nhiên Vĩnh có cảm giác như nghe thấy âm thanh của một lưỡi lê đâm vào một bao cát đầy. Anh hét lên một tiếng.
- Trời ơi đau quá!
Giọng tên quân y Việt cộng nói như rỉ tai với trợ y Tính.
- Chắc vào thận rồi.
Giọng Tính.
- Chắc vậy. Phải nhích mũi kim sang trái một tí bác sỹ ạ.
Mũi kim lại được nhổ lên rồi lại đâm xuống. Vĩnh đau muốn chết ngất. Khi mũi kim đã đâm lút cán, Tính hỏi khẽ.
- Bây giờ có thấy đau như khi nãy không?
Vĩnh gắng gượng trả lời.
- Không.
Tiếng của tên y sỹ.
- Tốt rồi. Bơm thuốc đi.
Vĩnh cảm thấy một trạng thái nhột nhạt trong người. Rồi thì mũi kim được nhổ ra, nhưng chỉ sau một tích tắc, Vĩnh thấy như có một ngọn lửa dội vào người anh. Thoạt đầu từ hai chân, ngọn lửa dần dần dâng lên tới ngực. Trước khi ngất đi, anh chỉ còn nhớ mình đã nghẹt thở, cố giơ tay lên đấm mạnh vào ngực và còn nghe văng vẳng tiếng nói không còn phân biệt được là của ai.
- Caféin! Một mũi caféin!...
Vĩnh ngồi lên ngó quanh. Anh không biết nói với ai để xin một miếng nước uống. Bỗng nhiên Vĩnh mừng hú vì nhìn thấy một người nằm nơi cái giường kê trong góc phòng. Rõ ràng nó là Cường, trung úy không quân ở cùng khối với anh ở Trảng Lớn. Cường đi lao động bị một cọc sắt đâm nhẹ vào đùi. Nó được khênh lên bệnh xá trung đoàn ở Trảng Lớn từ tháng 11 năm ngoái. Không ngờ Vĩnh lại gặp Cường nơi đây. Vĩnh bước xuống khỏi giường. Anh lạng quạng tiến về phía Cường. Lưng còn đau ê ẩm, Vĩnh phải khom người xuống mà đi. Lúc tiến đến gần giường Cường, Vĩnh thấy nó đang ngủ. Cái màn vẫn mắc nhưng chỉ mắc một nửa để che phủ nửa phần dưới thân thể. Vĩnh bước tới ngồi xuống cái giường trống bên cạnh. Anh đạp nhằm một cái thau nhôm nhỏ để ngay dưới gầm giường. Cường bỗng choàng dậy.
Vĩnh chưa kịp nói gì thì Cường đã nhận ngay ra anh, vừa mỉm cười vừa nói.
- Mày đấy à? Từ sáng tao đã biết mày vào nằm phòng này nhưng lúc ấy mày ngủ như chết, giờ điểm danh mày cũng chẳng biết gì.
- Nằm đây cũng có điểm danh nữa hả?
- Có chứ. Sáng tối hai lần thôi. Sạn thận ở Trảng Lớn tái phát?
- Ừ. Kinh khủng quá!
- Tao biết. Xưa bố tao cũng bị. Tụi Đại Hàn nó mổ một lần lấy trong thận ra mấy viên, viên nào viên đó to như đốt ngón tay cái. Lần ấy không mổ chắc chắn ông cụ tao tiêu.
- Mày nằm đây lâu chưa? Mày ở trại nào? Tao cứ tưởng mày còn trên bệnh xá Trảng Lớn.
- Đâu có. Tao biên chế về đây cùng lượt với tụi mày. Chúng đem thẳng từ bệnh xá Trảng Lớn về bệnh xá này. Nghe nói tao thuộc nhân số trại 1 nhưng tao chưa biết trại 1 nằm đâu cả. Mày trại mấy?
- Trại 1. Vết thương mày ra sao?
Chẳng một chút muộn phiền dù chỉ trong giọng nói, Cường bình thản vừa kéo tấm đắp ra khỏi chân cho Vĩnh nhìn thấy nguyên chân trái của nó, vừa nói.
- Coi như tao vĩnh biệt trời mây mãi mãi. Mai sau nếu có, tao cũng chẳng bao giờ lái máy bay được nữa. Chân thế này đạp pédal sao được!
Vĩnh không tránh khỏi cảm giác hãi hùng khi nhìn thấy cẳng chân của bạn. Chỉ vì một tí trầy trụa nho nhỏ, đời sống lao tù Cộng sản đã khiến cho một thanh niên mạnh khỏe như Cường thành một phế nhân. Cẳng chân nó bây giờ như đã ung thối hoàn toàn. Ung thối từ bàn chân lên đến gần háng. Thịt đã bở bục và lốm đốm máu mủ. Mùi hôi hám dù không nồng nực lắm nhưng cũng khiến khứu giác của Vĩnh khó chịu.
- Trời ơi! Chúng nó không chữa cho mày à?
- Xuân thu nhị kỳ nó mới chích cho tao một hũ bi. Thấm tháp gì!
- Nhưng mày có thấy đau không?
- Tao chỉ còn thấy đau phía gần háng đây thôi. Phía dưới không còn cảm giác gì nữa.
- Sao lốm đốm chỗ thâm chỗ không thâm vậy?
- Chỗ không thâm là mủ. Chỗ thâm là thuốc tím. Thằng Tính mỗi ngày chỉ nặn bớt mủ ra và dùng thuốc tím pha rượu cồn bôi hết chân tao để tránh bị dòi đục thôi.
Lòng Vĩnh chùng xuống vì thương xót bạn. Ôi thôi, thế là xong một cuộc đời! Anh nhìn thật nhanh qua nét mặt Cường. Anh vẫn không tìm ra một nét muộn phiền nào. Sao thế nhỉ? Sao nó lại có thể bình thản trước cái tai biến kinh khủng của đời nó đến thế nhỉ? Hay là Cường đã đạt tới cái mức thân ngoại vật? Tới cái mức vô vi?
Vĩnh nhớ lại những sỹ quan không quân hào hoa cấp úy mà anh đã gặp trong trại tù. Trương Thành Trai thì nhẫn nhục, hiền hòa. Trần Trọng Minh thì bốc đồng, khoái đập lộn. Bùi Vịnh thì chậm rãi, lè phè. Lê Văn Quy thì chỉ có ăn và lúc nào cũng bàn đến những chuyện "trong bách khoa tự điển họ bảo thời trung cổ giai cấp quý tộc đẻ ra nhiều trò giao hợp kỳ lạ để mua vui, tỷ như giao hợp với ngỗng. Tại sao trong này không giao hợp với gà?"... Trong những người ấy chỉ có Cường làm cho Vĩnh ngưỡng phục với cái tính an nhiên tự tại của nó. Quả thực sướng khổ tại tâm, các cụ nói đúng quá. Và rồi nghĩ lại mình, Vĩnh tự hiểu đời anh từ đây sẽ chẳng thể sướng được lúc nào. Sướng làm sao được khi lửa thù trong tâm lúc nào cũng hừng hực...
Cường đã kéo tấm đắp lên phủ lấy chân. Vĩnh vội can.
- Mày đắp suốt ngày như thế hầm chịu sao nổi.
Cường cười.
- Còn hơn để cho bầy ruồi kia nó kamikaze vào ỉa bậy ỉa bạ sinh dòi ra!
Vĩnh nhìn quanh một vòng.
- Mấy người kia bị gì vậy?
- Cũng toàn bọn sắp chết. Tao cũng chẳng muốn nói chuyện. Suốt ngày tao nằm luyện thiền thôi. Hiện tại tao đang suy gẫm cái công án Đại Lãng. Tuyệt vô cùng Vĩnh ạ.
- Tính trở thành một võ sỹ vô địch à? Đánh với ai đây?
- Đánh với nỗi buồn của chính mình!
Nói đoạn Cường vói tay lên cái kệ đóng ở đầu giường. Nó lôi xuống một cái ca nhôm móp méo. Quên, nó nói. Quên không mời mày tí cà phê...
Vĩnh hơi bàng hoàng khi nghe thấy chữ cà phê.
- Cà phê hay nước gạo rang cháy?
- Cà phê chứ. Mày nhấp thử coi.
Vĩnh cầm lấy cái ca nhấp một chút. Đúng cà phê. Dù cà phê đã nguội nhưng hương thơm của nó vẫn ngọt ngào trong miệng.
- Ở đâu ra vậy?
- Ở bệnh xá đỡ lắm. Tụi nó lâu lâu cho bệnh nhân mua đồ. Cứ góp tiền và lập một danh sách kê khai những món muốn mua trao cho thằng Tính, nó sẽ trình hậu cần bệnh xá và chúng nó mua về cho mình. Tuy nhiên cũng chỉ giới hạn trong vài món. Thuốc lào, thuốc lá, cà phê, kẹo bánh. Lâu lâu có thể mua thêm tí thịt heo. Hồi đó tụi tao còn mua được cả giấy Kiss-me nữa.
- Ở đây đời sống văn minh nhỉ.
Cường cười.
- Nhưng bây giờ chúng đã biết và không cho mua giấy vệ sinh nữa.
- Sao vậy?
Cường lại thò tay xuống kéo lệch cái chăn đắp sang một bên cho cái chân đỡ hầm. Nó kể.
- Hồi mới về đây chúng thông báo cho bệnh nhân góp tiền mua đồ. Mày thấy chân tao thế này mà đi cầu lại phải đem theo lon nước để rửa thì phiền ghê lắm. Tao nảy ra ý xin mua giấy Kiss-me. Tụi bệnh khác bắt chước thằng nào cũng xin mua hàng chục cuộn... Hôm ấy ngoài các món khác, bọn quân y còn phải gánh về cho bệnh nhân hơn trăm cuộn mua từ Biên Hòa.
Thằng y sỹ chính của bệnh xá đứng xem hậu cần phát lại các món đồ cho tù bệnh, hắn lắc đầu ngao ngán: Gớm, các anh nằm bệnh mà sao hút thuốc gì nhiều thế. Anh nào cũng xin mua hàng chục cuốn giấy quyến thế kia hút mấy đời mới hết? Tụi tao cố nín cười vì biết thằng bác sỹ Cách mạng nó lầm giấy chùi đít ra giấy quyến vấn thuốc. Mấy hôm sau, chúng nó phát hiện ngoài cầu tiêu toàn những thứ giấy chúng nó mua cho tù mà chúng tưởng lầm là chỉ để vấn thuốc rê. Thằng bác sỹ đùng đùng nổi giận. Nó kêu văn Tính nhà ta ra cật vấn. Trợ y Tính cứ tình thật khai rằng giấy ấy không phải là giấy quyến vấn thuốc, mà chỉ là loại giấy trước đây miền Nam sản xuất cho "công tác vệ sinh cá nhân". Tên bác sỹ há hốc mồm giận tái mặt. Hắn xuống bệnh xá tập họp bọn tù bệnh lại, lên lớp một trận. Hắn nói: Cách mạng quan tâm đến sức khỏe của các anh, cho các anh góp tiền để mua những nhu yếu phẩm về bồi dưỡng. Các anh lợi dụng lòng tốt của Cách mạng, đã bắt các chiến sỹ phải lặn lội tìm mua và gánh gồng về cho các anh cả những loại giấy chùi đít của bọn tư sản trước đây... Các anh quá lắm rồi. Từ đây, tôi chấm dứt mọi công tác tạo điều kiện bồi dưỡng đặc biệt cho các anh.
- Và chúng mày không được mua đồ nữa?
- Nói thì nói vậy, hàng tháng bọn hậu cần vẫn hiên ngang cho thiết lập danh sách mua đồ bồi dưỡng. Làm mật ai chả mút tay. Chúng có làm công không bao giờ... Duy giấy vệ sinh thì từ đó không còn được mua nữa.
Vĩnh vẫn thấy khát nước dù anh đã uống hết miếng cà phê Cường cho.
- Ở đây cơm nước ra sao?
- Thoải mái nhiều. Không ăn độn. Được ăn cơm và đôi khi ăn không hết. Khai mệt không ăn cơm thì được phát cháo với hai thìa đường mỗi ngày. Buồn buồn muốn có tí đường nấu chè cứ khai ăn cháo năm ngày là đã có trong tay nửa bát đường cát trắng ngà.
- Đỡ nhỉ.
- Ừ, đỡ lắm. Nhất là vụ cơm. Mày thấy đấy, đưa lên đây toàn thứ sắp tịch, mấy người mà ăn uống được! Tao chỉ bị cái chân này thôi, nhưng bao tử còn tốt lắm, thành thử những phần cơm không ai lãnh tao lãnh hết. Ăn mệt nghỉ.
- Đồ ăn ở đây có khá hơn không?
- Dĩ nhiên. Hầu như ngày nào cũng có tí chất tanh. Tuy nhiên toàn loại cá Ngừ ươn thối, hoặc cá Đuối tanh muốn lợm mửa.
- Dọng tối đa muối vào hết tanh hết thối chứ gì.
- Dĩ nhiên phải vậy. Bếp núc ở đây hiện tại do thằng Toàn lo. Thằng ấy cũng dân Trảng Lớn. Mày biết nó không?
Vĩnh tính kể chuyện thằng Toàn ăn cắp cho Cường nghe, nhưng nghĩ sao lại thôi. Tuy thế, anh vẫn nghĩ bụng, thằng Toàn mà lọt vào công tác hậu cần có khác nào chuột sa hũ gạo.
Vĩnh nhìn quanh quất. Anh muốn trò chuyện thêm với Cường nhưng không còn gì để nói. Cường có vẻ mệt. Vĩnh đứng lên.
- Tao về chỗ nằm chút.
Cường không phản đối.
- Ừ, về chỗ đi. Cũng sắp tới giờ phát cơm rồi đấy.
Vĩnh đứng lên. Thay vì bước về chỗ nằm, anh bước ra ngoài phía cửa. Đứng nơi cửa sau của dãy nhà, Vĩnh vẫn có thể nhìn thấy bên cánh trái là khu nhà bếp của bệnh xá. Xa khỏi khu nhà bếp là mấy dãy nhà nữa. Nơi ấy cũng có ít người yếu đuối xanh xao đi ra đi vào. Đối diện với dãy trại bệnh là những dãy nhà lụp xụp dơ bẩn hơn, được ngăn cách bởi một hàng rào đơn. Theo vị trí mà đoán, Vĩnh có thể biết được nó là trại 4. Hiện tại đang là giờ lao động, trại 4 chỉ còn thưa thớt ít người ở nhà. Họ lầm lũi làm những công việc tạp dịch trong trại, hoặc nấu cơm, hoặc ngồi may những bao cát, gỡ các mắt dây thép gai... Vĩnh cố nhìn xem có ai quen không. Tuyệt nhiên không một người nào trong những bóng hình lam lũ và câm lặng ấy Vĩnh thấy quen mặt cả. Mà dù có quen đi nữa, chưa chắc gì người ta đã dễ dàng nhận ra nhau sau một thời gian khá dài theo học cái "Đại Học Tổng Hợp", nói theo ngôn ngữ đểu cáng của bọn cai tù nơi đây.
Một cái đập vào vai khá mạnh khiến Vĩnh giật mình. Anh quay lại. Phạm An Toàn, tên thiếu úy trợ y người Mỹ Tho có giọng nói nửa đực nửa cái, chuyên gia ăn cắp của trại cải tạo, đứng nhìn Vĩnh cười cười. Nó lên tiếng.
- Gặp bồ đây mừng quá.
-.....!
- Tui biên chế về đây làm hậu cần. Có thể sau đợt thăm tới đây tui được Cách mạng thả. Bồ cần gì cứ nói nhé. Tui giúp hết mình.
- Cám ơn bạn. Tôi chưa thấy mình cần gì cả.
- Ừa. Khi nào thấy cần thì nói. Mua gì cũng được. Đường, sữa, thuốc lá, thuốc lào, thịt heo, mắm ruốc, ớt, muối, tiêu... Bồ cần cứ nói.
Vĩnh cố gắng đè nén xuống cái bực một khi phải bồ bồ bạn bạn với một thằng mà anh vốn khinh bỉ. Vĩnh cố gắng lên tiếng lần nữa.
- Cám ơn bạn. Khi nào cần tôi sẽ nhờ. Nhưng mà có lẽ tôi cũng không mua gì đâu.
Hình như tới giờ chia cơm, Toàn phải quầy quả trở lại khu bếp. Trước khi đi nó nói thêm.
- Sạn thận trên này lền khên. Qua cơn đau là bị xuất viện liền. Chắc bồ không được nằm lâu đâu. Ho lao thổ huyết là số 1. Nhưng tôi sẽ nói văn Tính cho bồ nằm đây kha khá...
Nói đoạn Toàn bỏ đi một nước. Vĩnh không buồn chú ý tới lời hứa hẹn của thằng ăn cắp. Anh thủng thẳng quay về chỗ nằm.
Ít phút sau phía nhà bếp vang lên một tiếng kẻng. Giờ cơm đã bắt đầu. Đồng lúc ấy, những con đường từ đủ các hướng đông tây nam bắc, tù lao động lần lượt xuất hiện trong những đội hình quay trở về trại của họ. Vĩnh lục cái túi đầu giường, lấy ra một cái lon gò bằng tôn, một đôi đũa, một lon guigoz. Đó là những vật dụng dùng đựng thức ăn hàng ngày của Vĩnh. Vĩnh bước theo anh em xuống xếp hàng dưới bếp.
Bữa cơm đầu ở bệnh xá có cơm không độn, có cá kho và rau muống luộc sạch sẽ gấp trăm lần ở trại, thế nhưng Vĩnh ăn không thấy ngon. Một phần miệng anh còn đắng do hậu quả những mũi thuốc chích đêm qua, một phần quang cảnh những người nằm chung quanh. Họ đều là những người có nội bệnh hoặc những bệnh ngoài da đã tới thời kỳ lở loét trầm trọng...
Vĩnh vừa ăn vừa đuổi ruồi. Và khi một con ruồi mà anh tin rằng nó vừa đậu trên cái mồm nhớt rãi của ông già "bất tri thiên hạ sự" nằm bên cạnh, đậu vào bát cơm của Vĩnh, anh bỗng dưng thấy mình no lên đến cổ và không cách gì nuốt nổi nữa!
Phạm An Toàn lại xuất hiện bên Vĩnh. Hắn đứng nhìn anh ăn với vẻ ngao ngán, lên tiếng hỏi.
- Chắc bồ còn mệt không muốn ăn cơm hả? Nếu cần chiều nay tui cho bồ khẩu phần ăn với đường. Chịu hông?
Vĩnh không muốn trò chuyện nhiều, gật đại một cái cho xong.
Trợ y Tính từ ngoài bước vào nói nhỏ với Toàn vài câu rồi xoay sang Vĩnh.
- Đỡ chưa cha?
Vĩnh chỉ nhún vai. Văn Tính tiếp. Bác sỹ bảo tôi hỏi anh thấy trong người thế nào? Sáng nay khám bệnh anh ngủ như chết. Sáng mai đừng ngủ như vậy nửa nghe, ông nội. Điểm danh đàng hoàng không mấy ổng cho xuất viện đa!
Vính nhíu mày.
- Chứ bộ ông tưởng tôi muốn nằm đây lắm à?
Tính chưa kịp trả lời vội quay sang ông già đang nằm bên cạnh giường Vĩnh. Ông ta lại bắt đầu lên cơn đau và rên la với cái giọng khàn khàn trong cổ.
- Trứng! Cho tôi xin một quả trứng. Tôi thèm trứng lắm. Cho tôi xin một quả trứng Cách mạng ôi...
Hình như Tính và Toàn đã nghe quá nhiều lần câu nói ấy, họ lắc đầu và rủ nhau bỏ đi. Ông già vẫn tiếp tục kêu la một cách vô thức. Vĩnh nhìn kỹ ông ta hơn. Rõ ràng ông ta đang chết từ từ. Vĩnh quay sang gạ chuyện với một người khác nằm bên tay phải anh. Anh chàng này trông có vẻ không quá bệnh hoạn như nhiều người khác, bằng chứng anh ta đang ăn khẩu phần cơm của mình một cách rất thành khẩn và kính cẩn.
- Anh bệnh gì vậy?
Anh bạn ngừng nhai và ngó Vĩnh dò xét. Một thoáng anh ta trả lời.
- Sạn thận.
- Ủa, vậy mình đồng bệnh. Anh nằm lâu chưa?
- Trước anh một ngày. Anh ta nhai tiếp miếng cơm rồi ngồm ngoàm nói. Nhưng chiều nay tôi xuất viện rồi. Anh lẩm bẩm chửi thề. ĐM. tụi nó! Tôi đau gần chết. Nó khênh lên đây lụi đại vào thận tôi một mũi thuốc quái quỷ gì đó rồi đã vội đuổi tôi về trại đi lao động.
Vĩnh không chú tâm lắm đến lời kêu ca của anh ta. Anh chỉ muốn hỏi về ông già nằm bên cạnh.
- Ông già đau bệnh gì vậy?
- Nghe nói đau gan, nằm đây cả nửa năm rồi.
- Nghe ông ấy đòi ăn trứng.
- Ừ, cái điệp khúc ấy tôi nghe hai ngày nay rồi. Nhưng những người nằm ở đây lâu thì cho biết họ đã nghe cái điệp khúc ấy cả nửa năm nay.
- Sao không cho ông ấy quả trứng?
- Ai biết! Nhưng trứng đâu mà cho?
- Ban chỉ huy trại bệnh không có nổi quả trứng sao?
Người bạn có vẻ hơi bực mình.
- A, cái đó thì tôi không biết ạ. Muốn rõ hơn anh cứ hỏi tụi nó.
Vĩnh thấy anh bạn không có vẻ thân thiện lắm nên cũng không hỏi gì thêm. Vĩnh ngậm ngùi ngồi yên nghe ông già thều thào van xin một quả trứng. Và khi ông mệt quá không rên được nữa, Vĩnh mới đứng lên mang ca cóng của mình ra sau nhà tìm nước rửa.
Ngồi ngoài bờ giếng rửa bát, Vĩnh bỗng thấy bên trại 4 nháo nhào như người ta gặp cảnh cháy nhà. Một lúc sau Vĩnh biết được rằng ở các trại, một cuộc biên chế mới đã và đang xảy ra. Dù đau, Vĩnh vẫn nôn nóng trước chuyện biên chế. Thăm nuôi đã đến nơi, đùng đùng bị đưa đi các trại khác quả là chuyện đại bất hạnh lúc này.
Đêm hôm đó Vĩnh còn được biết thêm một chuyện khác nữa. Ngoài việc chuyển trại lòng vòng giữa 4 trại với nhau (có nghĩa là chưa ai bị đem đi xa lúc này), Vĩnh còn được biết sẽ có một số người được thả...