Nguyên tác: Nils Holgerssons Underbara Resa Genom Sverige
Số lần đọc/download: 174 / 13
Cập nhật: 2020-07-08 19:35:51 +0700
Chương 38 - Về Nam! Về Nam!
Thứ bảy, 1 tháng mười
Ôm lưng ngỗng đực trắng, Nils bay ở trên đỉnh mây. Ba mươi mốt ngỗng trời bay nhanh về phương Nam thành một hình chữ nhân đều đặn. Lông cánh xào xạc, tất cả quật vào không khí như rít lên; đến tiếng của chính mình cũng không thể nghe thấy nữa. Akka núi Kebnekaise bay đầu đàn; phía sau, bên phải và bên trái là Yksi và Kaksi, Kolmi và Neljä, Viisi và Kuusi, ngỗng đực trắng và Lông Tơ Mịn. Sáu ngỗng non đã theo đàn, giờ không đi nữa. Thay vào, các ngỗng già đem theo hai mươi hai ngỗng con, mùa hè này được nuôi nấng trong thung lũng xứ Lapland. Mười một chú bay bên phải và mười một bên trái, và cố hết sức giữ đúng các khoảng cách nhau thật đều đặn như các ngỗng già.
Các ngỗng con tội nghiệp, chưa đi xa bao giờ, thoạt tiên phải rất khổ sở mới theo được nhịp bay nhanh.
Các ngỗng con kêu lên, giọng đáng thương:
- Akka núi Kebnekaise! Akka núi Kebnekaise!
- Cái gì thế? Ngỗng dẫn đường hỏi.
- Đập mãi cánh, chúng tôi mỏi lắm! Đập mãi cánh, chúng tôi mỏi lắm!
- Bay tiếp sẽ đỡ mỏi. Akka đáp lại, chẳng bay chậm lại một tí nào. Và có thể nói rằng Akka có lí: sau hai giờ bay, các ngỗng con không còn phàn nàn về mệt mỏi nữa. Nhưng bây giờ lại đến chuyện khác; chẳng mấy chốc chúng bắt đầu rên vì đói.
Các ngỗng con kêu lên, giọng đáng thương: - Akka, Akka, Akka núi Kebnekaise!
- Gì nữa đấy?
- Đói quá, chúng tôi không thể bay xa nữa. Đói quá!
- Ngỗng trời phải biết uống gió và ăn không khí - Akka đáp lại và không thương xót, và vẫn tiếp tục bay.
Hình như tất cả các ngỗng con đã học được cái việc nuôi thân bằng gió và không khí, vì chẳng mấy chốc không còn nghe phàn nàn gì nữa. Đàn ngỗng đang còn ở trên các cao nguyên băng tích, và các ngỗng già kêu tên của tất cả các đỉnh núi vượt qua, để dạy cho các ngỗng non biết. Các ngỗng già không ngớt mồm: “Ngọn kia là Porsotjokko, và đây là ngọn Särjaktjokko, và kia ngọn Sulitelma”[147] thì các ngỗng con lại bắt đầu sốt ruột.
- Akka, Akka, Akka, các ngỗng con kêu lên, nghe đứt ruột.
- Lại cái gì nữa đấy?
- Đầu chúng tôi không đủ chỗ để chứa bao nhiêu tên. Không đủ chỗ để chứa bao nhiêu tên, các ngỗng con kêu thế.
- Càng nhiều thứ vào trong đầu, càng có chỗ; Akka trả lời, không xúc động.
Riêng Nils thì nghĩ thật đã đến lúc lên đường về Nam quá đi rồi, vì tuyết đã rơi nhiều, và mặt đất mênh mông trắng xóa một màu. Và chẳng phải nói nữa: cữ vừa rồi ở bên kia, trong thung lũng giữa cao nguyên băng tích, thật là khổ. Mưa, bão, mù cứ kế tiếp nhau không ngớt, và chỉ có một lần được trời quang thì tức khắc nước đóng băng. Những trái cây, và năm mà Nils ăn trong mùa hè thì giờ đông lại hay thối ra; sau cùng phải ăn cá sống mà chú chẳng muốn chút nào. Ban ngày đã thu ngắn lại nhiều, ban đêm thì dài ra, và các buổi sáng đến chậm một cách khủng khiếp, đối với bất cứ ai không thể ngủ mãi hết cả thời gian vắng cái mặt trời.
Nhưng cuối cùng các đôi cánh của đàn ngỗng con đã cứng cáp lên, và cuộc lữ hành về phương Nam đã có thể bắt đầu. Nils vui mừng đến nỗi hết hát lại cười, hết cười lại hát. Vả lại chẳng phải chỉ vì đêm tối và rét mướt, và thức ăn khan hiếm mà chú cầu mong được rời khỏi xứ Lapland; còn có cái khác nữa thu hút chú về Skåne.
Những tuần lễ đầu chú chẳng chút nào nhớ quê hương. Được thăm xứ Lapland, chú thích quá sức. Chỉ một nỗi lo là ngăn tất cả các đàn muỗi nhung nhúc ở đây ăn thịt mình. Cùng với Akka hay Gorgo, chú đã đi chơi nhiều vòng dài. Từ trên đỉnh núi Kebnekaise tuyết phủ, chú đã nhìn các dòng băng[148] bao quanh chân quả núi hình nón, trắng và dốc ấy. Akka đã đưa chú đến thăm những thung lũng kín đáo và nhìn suốt vào những hang dài có những chó sói cái cho con bú. Chú đã làm quen với những con hươu phương Bắc đi ăn từng đoàn đông trên các bờ hồ Torne rất đẹp, và chú đã đi xa đến tận những thác đổ Sjưfallet để chào các con gấu ở đấy. Đâu đâu cũng thấy đất nước ngoạn mục. Chú rất bằng lòng được trông thấy thế, nhưng chú sẽ không muốn ở đây chút nào. Akka đã có lí vô cùng khi nói rằng những người đi lập ấp nên để đất này lại cho gấu, cho chó sói, cho hươu phương Bắc, cho cú trắng, cho chuột núi xứ lạnh, và cho người Lapps, họ hình như được tạo ra để sống ở đây.
À, đúng, chú sung sướng được lên đường về Skåne! Chú đưa mũ vẫy khi trông thấy khu rừng bách đầu tiên; chú hô hua-ra chào những chiếc nhà nhỏ màu xám đầu tiên của dân đi lập ấp, những con dê đầu tiên, con mèo đầu tiên, những con gà mái đầu tiên. Chú bay trên những thác đổ đẹp tuyệt và thấy bên tay phải những đỉnh nhọn nhô cao trên các cao nguyên băng tích, chú chỉ nhìn thoáng qua thôi. Nhưng khi trông thấy cái nhà thờ nhỏ ở Kvickjocks với nhà mục sư bé bé và cái làng nho nhỏ chung quanh, thì lại khác. Cảnh đó đối với chú thật đẹp, đến nỗi đôi mắt chú rưng rưng lệ.
Mỗi lúc, chú lại gặp những chim di cư bay từng nhóm đông hơn mùa xuân nhiều. Các đàn chim hỏi:
- Đi đâu, ngỗng trời? Đi đâu?
- Chúng tôi đi ra nước ngoài như các bạn. Chúng tôi đi ra nước ngoài, đàn ngỗng đáp lại.
- Nhưng các cháu bé chưa đủ sức, các chim kia lại kêu lên. Không bao giờ vượt qua được với những đôi cánh yếu thế.
Cả hươu phương Bắc và người Lapps cũng đang từ giã các cao nguyên băng tích. Họ đi xuống rất trật tự: một người Lapps mở đường, rồi đến đàn súc vật, những bò đực to đi trước, rồi một dãy hươu thồ những lều vải và hành lí, và sau cùng bảy hay tám người đi chặn hậu. Trông thấy hươu, đàn ngỗng trời xuống thấp một tí để kêu: - Tạm biệt! Hẹn mùa hè sau! Hẹn mùa hè sau!
- Chúc lên đường may mắn và trở về may mắn với chúng tôi, - đàn hươu đáp lại.
Nhưng đám gấu trông thấy ngỗng thì chỉ cho các gấu con và gầm gừ: “Có thấy những đồ nhát như cáy kia không, một chút lạnh cũng sợ, không dám ở lại xứ sở trong mùa đông!” Các ngỗng già đâu có chịu kém: “Có thấy những kẻ lười chảy thây kia không, họ muốn ngủ ỳ một nửa năm hơn là cất công di cư!”[149]
Trong các rừng bách, những gà rừng non nép sát vào nhau, lông dựng đứng và rét cóng, thèm thuồng nhìn tất cả các đàn chim đang bay về phương Nam, vừa bay vừa kêu những tiếng vui sướng kia. Chúng hỏi mẹ: - Bao giờ sẽ đến lượt chúng con? Bao giờ sẽ đến lượt chúng con?
- Các con sẽ ở lại đây cạnh mẹ, cạnh cha, gà mái trả lời. Các con sẽ ở lại đây, quê mẹ, quê cha.
Núi Ostberg
Thứ ba, 4 tháng mười
Đàn ngỗng còn ở Lapland thì còn được thời tiết rất tốt: nhưng vừa vào đến tỉnh Jämtland là bị bao phủ trong sương mù dày đặc; cả đàn liền đáp xuống đỉnh một quả đồi. Nils nghĩ là mình đang ở một vùng có cư dân vì chú tưởng như nghe thấy tiếng người nói và tiếng xe kĩu kịt. Chú rất muốn đi kiếm chỗ trú trong một cái trại, nhưng sương mù dày như thế này chú sợ lạc mất. Cái gì cũng đầm đìa những nước và hơi ẩm. Những giọt nước đọng lại đầu mỗi một ngọn cỏ, và hơi khẽ động là nước rơi lả tả như mưa.
Chú đi vài bước tìm một chỗ trú thì trông thấy ngay trước mặt một ngôi nhà rất cao, nhưng không lớn. Cửa đóng và không có người ở. Nils hiểu rằng đó chỉ có thể là một ngọn tháp xây lên đấy để ngắm phong cảnh cho đẹp. Chú quay về phía đàn ngỗng.
“Ngỗng đực tốt bụng của mình ơi,” chú gọi, “cõng mình bay lên đỉnh ngọn tháp đằng kia tí. Có thể ở đây mình kiếm được một chỗ nhỏ khô ráo để ngủ”.
Ngỗng đực nghe lời và đặt chú lên mặt bằng của đỉnh tháp; chú bé nằm đấy, ngủ ngay, và chỉ thức giấc khi mặt trời ban mai chiếu thẳng vào mặt. Mở mắt ra, thoạt tiên chú khó lòng mà biết được mình đang ở đâu. Đã quen nhìn những đất hoang dã xứ Lapland, chú ngỡ rằng cái vùng trù phú như thế, trồng trọt như thế, là một bức tranh. Vả lại mặt trời mới mọc còn đem đến cho mọi vật những màu sắc thật lạ lùng.
Cái tháp xây trên một quả núi giữa một hòn đảo nằm ven bờ phía đông của một cái hồ lớn. Giờ này hồ cũng phớt hồng như da trời. Bờ hồ thì vàng, nhờ những cánh rừng nhỏ mà thu đến đã làm ngả màu vàng và vì những gốc rạ của các cánh đồng. Đằng sau dải đất màu vàng đó, rừng bách họp thành một vòng đai rộng sẫm màu mà phía trên ở bên đông, xanh biếc một hàng đồi; dọc chân trời phía tây thì chạy theo hình cánh cung một dãy núi rực rỡ nhiều đỉnh nhọn, sắc như răng cưa, màu dịu và nhạt đến nỗi không biết gọi là màu gì cho đúng, và Nils không thể nói là đỏ, là trắng, là xanh gì cả: không có cái tên nào để chỉ cái màu ấy cả. Khắp chung quanh hồ, trong cái dải màu vàng, gần như nơi nào cũng mọc lên những nhà thờ màu trắng và những làng xóm màu đỏ; và ở đúng hướng đông, bên kia cái eo ngăn hòn đảo với đất liền, một thành phố dựa lưng vào một ngọn núi che chở, trải ra giữa một vùng phì nhiêu và trồng trọt tốt tươi. “Kìa! Một thành phố đã biết kiếm cho mình một vị trí tốt và đẹp. Mình không biết tên nó là gì”, Nils nghĩ như vậy.
Đúng lúc ấy, chú giật bắn người. Mải mê ngắm cảnh, chú đã không để ý thấy những người khách đến gần ngọn tháp. Họ leo những bậc thang gác nhanh đến nỗi chú chỉ vừa kịp tìm được một chỗ nấp.
Đó là những thanh niên và thiếu nữ cùng đi bộ du ngoạn qua suốt tỉnh Jämtland. Họ vui mừng vì đã đến thành phố Ưstersund tối qua để sáng nay được thưởng ngoạn phong cảnh từ ngôi tháp đẹp Frưsưn này và nhìn thấy khắp chung quanh xa ngoài hai mươi dặm. Họ chỉ cho nhau xem và kể tên các nhà thờ và các cao nguyên băng tích. Gần nhất là các cao nguyên Ovik, họ đều đồng ý về điểm này; nhưng mà cái nào trong các ngọn kia là Åreskutan?
Một thiếu nữ lấy trong túi ra một tấm bản đồ, trải lên đùi mình, và họ ngồi xuống để xem. Nils lo ngại vì thấy họ ở lại lâu quá. Trong lúc họ còn ở đấy thì ngỗng đực không thể đến đón chú được, mà chú biết là đàn ngỗng thì đang vội tiếp tục cuộc đi xa. Giữa tiếng chuyện trò của các khách du lịch, có lúc chú tưởng như nghe thấy tiếng ngỗng cà kíu và tiếng vỗ cánh, nhưng mà chú không dám ra khỏi chỗ ẩn nấp.