TV. If kids are entertained by two letters, imagine the fun they'll have with twenty-six. Open your child's imagination. Open a book.

Author Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Ma Văn Kháng
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 42
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 178 / 17
Cập nhật: 2020-06-05 02:27:21 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 15
ẻn, Vi Văn Dẻn, nguyên tri châu Bảo Trang bên miền đông tỉnh Lào Cai, nay là huyện Bảo Trang, đã có mặt ở Phong Sa gần tháng nay. Trước Dẻn, ở cứ điểm này, đã có tổng đoàn Ngao, lí trưởng Thào A Đủa người Mông và Lý seo phải người Hà Nhì. Dẻn đến chắc chắn là để hoàn chỉnh chân dung tập đoàn tay sai rất hung hãn này. Điều này thì ai cũng rõ. Trong thế thất bại không thể tránh được, việc tổ chức bè lũ tay sai thành một lực lượng chống phá cách mạng với GCMA là nòng cốt để gây thành nạn thổ phỉ ở các vùng dân tộc thiểu số đã là đường lối chiến lược của Bộ Chỉ huy quân sự Pháp ở Bắc Kì rồi!
Tuy nhiên việc Vi Văn Dẻn xuất hiện ở đây có ý nghĩa quan trọng hơn rất nhiều những điều người ta nghĩ. Họ Vi của Dẻn vốn là thổ ti lâu đời, được hưởng chế độ “thế tập phiên thần”, cha truyền con nối của triều đình nhà Nguyễn từ cuối thế kỉ thứ mười chín. Đầu thế kỉ hai mươi, khi quân đội Pháp chiếm đóng tỉnh Lào Cai thì dòng họ này ngay lập tức trở thành kẻ tâm phúc tự nguyện vô cùng ngoan ngoãn của bọn xâm lược. Cách mạng tháng Tám năm 1945 bùng nổ. Lúc này, họ Vi còn lại có hai anh em là Vi Văn Tăm và Vi Văn Dẻn. Tăm là địa chủ ở đất Cam Đồng, một chúa đất quê mùa, bóc lột tàn bạo dân quê theo lối phát canh thu tô và các kiểu phi cổ điển khác, như độc quyền việc xay thóc lúa ở cái cối ngàn nhà mình. Khác hẳn anh trai, Dẻn trẻ tuổi, được người Pháp đào tạo qua các trường lớp có bài bản hẳn hoi, năm 1942 được hậu thuẫn của De Bernard, một sĩ quan tình báo cỡ bự, leo lên chức tri châu Bảo Trang. Dẻn có cổ phần trong Công ty Hỏa xa Việt - Điền, tàu lửa chạy đường Hải Phòng - Vân Nam. Dẻn có ba cửa hàng buôn bán tơ lụa vải vóc ở tỉnh lị. Có ba chiếc xe ca chở khách chạy lên các châu lị, huyện lị vùng cao của tỉnh. Năm 1950, quân ta mở chiến dịch Biên giới, giải phóng một loạt các địa bàn vùng biên ải, trong đó có xã Cam Đồng. Lí trưởng Vi Văn Tăm chạy thoát về Hà Nội. Cay đắng vì mất hết lợi quyền nhưng Dẻn cũng kịp thời cao chạy xa bay. Và cứ tưởng thế là họ Vi đã trở thành vô tăm tích trong lịch sử ở vùng đất này.
Không! Họ Vi của Dẻn vẫn còn đây. Tăm được sự bảo trợ của quân đội Pháp đã chuồn vào Sài Gòn. Còn Dẻn thì về đây. Dẻn về đây làm gì? Dẻn cũng chỉ là một con số trong dãy số cùng với Ngao, với Đủa, với Lý seo phải? Không! Dẻn về đây, công khai là trông coi việc hành chính dân sự nằm trong hệ thống chính quyền của quốc trưởng Bảo Đại[163]. Nhưng đâu chỉ có thế. Tình báo ta cho biết Dẻn là một mắt xích quan trọng trong tổ chức GCMA. Một nhân vật gian manh, nắm nhiều bí mật trong Ảng ten GCMA ở miền tây này.
Dẻn đâu có phải là người xa lạ. Nhất là với Lẳng, cần khỏi của lí Tăm. Sau sự kiện nhà lí Tăm bị anh Kim đột nhập, lí Tăm khiếp sợ đến mất mật hồi Cam Đồng chuẩn bị nổ võ trang tranh đấu, Lẳng đã bị Dẻn bắt lên châu. Dẻn đã ngọt nhạt dụ dỗ anh, đã không tiếc tay tàn bạo khảo tra anh. Dẻn đã chủ tâm trong việc thủ tiêu anh Trần Văn Sào anh trai của Tiển.
Về Phong Sa, vẫn là cái tinh thần cúc cung tận tụy của một tên tay sai nay gia thêm ý chí phục thù vì đã bị cách mạng tước đoạt hết mọi đặc quyền đặc lợi, Dẻn hăng hái hẳn lên. Dẻn đốc thúc ráo riết công việc xây dựng bộ máy chính quyền Phong Sa, kiểm tra gắt gao việc canh gác, tuần phòng. Mò mẫm tới những chỗ khả nghi, Dẻn để tâm dò la xem xét từng người dân sở tại, từng người phu mới tới.
Trong công việc này, Dẻn đã đánh hơi được một chỗ rất đáng nghi ngờ. Chỗ đó chính là căn nhà ông lão Nô, nơi ăn ở của một người đàn ông chiều nào cũng cùng cô Duyên đến nhà bếp của các sĩ quan lấy nước rác.
Chiều nay, Dẻn đứng vơ vẩn ở cổng, như có ý chờ đợi ai. Phố xá đang hối hả người đi người về. Dẻn thấy Ngao đang huỳnh huỵch bước từ đầu phố lại, cái chân què lệch cả một bên người. Khốn nạn cái thằng nhúng vào việc gì là hỏng việc ấy, dẫn lính đi lần nào là thất bại lần ấy. Làng Nhuần rồi. Giờ lại Ngài Thầu. Nghe nói, sau mấy ngày trốn chui trốn lủi về tới đây tối hôm kia, Ngao đã như thằng ngộ dại, cứ réo tên Thào A Đủa mà chửi. May là Đủa không có ở nhà. Đủa đã bay về Hà Nội. Đủa về Trung tâm để trình bày một kế hoạch bí mật và với kế hoạch này thì chắc chắn Việt Minh sẽ nhận được một ngón đòn bất ngờ!
Những ý nghĩ của Dẻn chợt vụt tắt. Điều Dẻn chờ đợi, rình mò đã hiện ra kia rồi. Kia rồi! Hừ! Trông mặt nó mình đã nghi quá. Hình như... Đúng rồi. Dẻn rộn rịch thở như lên cơn sốt.
Cánh cửa sau nhà bếp đã mở. Dẻn xắm nắm bước tới. Người thiếu phụ gánh hai xô nước gạo, ong óng bước ra. Chị cúi gằm, lúm đồng tiền ở bên má nháy nhẽ:
- Chào quan ạ!
- Chào cô Duyên! Có nặng không cỏ?
- Dạ... Không nặng đâu ạ.
- Cô đứng lại cho tôi hỏi câu chuyện.
- Dạ thưa quan... Nước rác bẩn...
- Ổ... Không hề gì!
Chị Duyên cố ý bước tạt vào cạnh con đường nhỏ để kéo Dẻn vào theo và ngoảnh lại phía sau, cất tiếng: “Bác cứ về trước đi nhé. Em còn bận tí việc.”
Người đàn ông ra sau chị sùm sụp cái nón rách, gánh hai thùng cơm thừa lổn nhổn những xương cùng rau đi qua. Hai chân dẻo quẹo, tay đánh ve vé, anh đi như chạy. Anh chạy thật. Gằm mặt xuống mà chạy. Mặc Dẻn gọi: “Anh gì ơi!” Anh cứ giả điếc, cum cúp gánh chạy.
o O o
Chị Duyên đặt hai xô nước gạo, hấp tấp lên thang. Kim đang ngồi ở bếp cùng bốn năm người. Đó là hai người phu, một người dõng, bà bán bánh đúc ngô và người quét chợ. Họ là những cơ sở ở Phong Sa do Kim và Lẳng mới tổ chức. Họ đang thì thầm về bọn lính mới từ Hà Nội lên, về khẩu đại bác 105 li Tây mới thả dù xuống Phong Sa hôm qua. Họ đang trao cho Kim một hòm mìn, hai hòm đạn, một khẩu súng ngắn. Còn Lẳng gánh thùng cơm về, đang ở sàn trước, loay hoay tìm chỗ giấu cái bản đồ Phong Sa do một người cai dõng vẽ mới trao cho, giấu ở đáy thùng cơm thừa nọ lên.
Chị Duyên đứng sau cái cột, chờ cho những người ở đó về hết, mới bật kêu nghèn nghẹn:
- Các anh ơi! Làm thế nào bây giờ?
Kim đã giấu xong hòm mìn, hòm đạn, nghe tiếng chị Duyên, đứng dậy giắt súng ngắn vào cạp quần, vuốt mái tóc như đã biết chuyện:
- Được rồi! Cô Duyên đừng lo!
- Nó hỏi em về anh Lẳng.
- Cô trả lời sao?
- Em bảo: Anh ấy là anh họ em ở Dào San ra đi phu giúp.
- Yên trí! Thế là được rồi!
Trời! Yên trí! Làm sao mà yên trí được? Chị Duyên vào buồng. Đứa bé ngủ trong màn. Cái đèn dầu vàng mờ. Tiếng muỗi vo ve. Lo sợ quá nhưng chị biết làm gì bây giờ. Nó hỏi: "Có phải người kia là dân Tày Cam Đồng không? Cô biết nó không, nó là Việt Minh đấy.” Ôi trời! Nói thế nào, nó cũng không nghe. Hình như nó biết hết cả rồi.
Trong cuộc đời của mình, có lúc nào chị bối rối như lúc này. Sao chị lại có thể lo sợ cho số phận của anh ấy đến như thế? Chao ôi! Mới ngày nào họ đến ở đây, chị chỉ là một phụ nữ góa bụa, buồn tủi trong cảnh đơn côi vì người chồng mới ốm chết. Chị chỉ là một con người thờ ơ với tất cả mọi việc xung quanh. Họ đã an ủi chị. Họ đã xoa dịu nỗi đau buồn của chị. Họ đã rọi một luồng sáng mới vào cuộc đời nghèo hèn của chị. Chị đã nghe lời họ, kể cả việc ậm ừ giả nhận lấy lẽ lão trưởng phố, chị đã làm quen với các anh lính dõng, chị đã lấy được nhiều tin tức về quân Pháp. Ông cụ Nô cũng nghe lời họ, năng lui tới nhà lão trưởng phố để nghe ngóng tình hình, giúp họ phán đoán xử sự. Chị đã biến đổi. Và trong những ngày qua, công việc của họ, số phận của họ, nhất là của Lẳng, đã chẳng còn là vô tình với chị.
Đang nghĩ vậy, thốt nhiên, chị Duyên giật thót mình.
Có tiếng chân bước êm êm ở đầu cầu thang, rồi một giọng đàn ông khan rè cất lên ở ngay khuôn cửa:
- Cô Duyên có nhà không?
Dẻn! Quan châu Vi Văn Dẻn! Đúng tiếng hắn rồi.
Dẻn đứng cách cửa hai bước chân. Hai tay chống sườn. Mặt hóp hép. Hai mắt kính cận phồng lồi. Chắc nó đã nhìn thấy anh Lẳng. Mà anh Lẳng lại đang lục tìm cái gì ở góc nhà thế kia. Trời ơi! Mình biết làm thế nào bây giờ? Anh Kim đâu? Dẻn đã bước hẳn vào trong nhà rồi. Cố nén sợ hãi, chị bước lại phía bàn thờ, lấy bộ ấm chén, cố tình che lấp bóng Lẳng.
Dẻn thò tay vào túi áo vét, như để lấy bao thuốc lá ra, rút một điếu rồi ung dung xoè diêm châm lửa hút. Gì mà không ung dung. Vì đã vào tận hang ổ của con mồi. Vì sau lưng đã có khẩu P34. Vì chân thang đã có hai tên mật thám trực sẵn.
- Oh! Bonsoir. Monsieur Vi Van Den!
Vậy mà đang trong tư thế thượng phong vậy, Dẻn bỗng đột ngột giật mình, lui lại một bước. Thế là thế nào nhỉ! Qui est là? Ai vừa chào ta bằng tiếng Tây đấy? Thốt kêu nho nhỏ, Dẻn vội vứt điếu thuốc vừa châm lửa xuống đất. Moi, ce nestpas qui. Ta đây chứ ai đâu mà rằng. A, thì ra một gã trai vừa từ sau một cái cột nhà ló mặt ra. Hà! Một thứ tiếng Pháp không đến nỗi tồi! Từ đâu đến mà xem ra cũng tinh tướng gớm nhỉ! Kia trông! Gã vừa trút cái mũ bê rê khỏi đầu, để lộ bộ tóc xoăn lãng tử, nghiêng mình thật điệu đàng.
Dấn lên một bước, Dẻn dần kính vào sát mắt, e hèm lên giọng:
- À quiparlez - vous? Anh đang nói với ai đấy, có biết không?
- Je suis très honoré de vous connaitre. Tôi rất lấy làm hân hạnh được biết ngài.
Kim đã ra khỏi bóng chiếc cột. “Merci! Cảm ơn." Dẻn vừa nói vừa gật gật đầu, vẻ rất tự tin và thích thú. Làm sao mà không tự tin và thích thú. Thích thú một cách bất ngờ nữa kia! Vì đích thị là cái thằng này nữa rồi còn gì. Hay thật! Hóa ra chỉ định săn một con hươu mà cuối cùng lại tóm được cả con hổ nữa. Hà!
- Oh, vous parlez bien le Francaise? Anh nói được tiếng Pháp? Vậy chẳng hay anh là người đâu ta?
- Thưa quan, tôi chẳng qua cũng như quan. Chúng ta là đàn ông, chúng ta đều phải lụy vào một cái gì đó.
- Anh nói hay lắm. Vậy anh lụy cái gì?
- Vâng, tôi là một thanh niên Hà Nội. Thú thực với ngài, tôi lên đây vì trót gửi tình tới một nữ sơn cước. “Sơn nữ ơi! Đời ta như cánh chim chiều phiêu bạt thời gian vun vút trời mây. Sơn nữ ơi! Đừng làm thắc mắc thêm lòng khổ cạn từ lâu nước mắt đầy vơi...”
- Bravo! Hoan hô! Anh có giọng hát đẹp ngang Robert Tino, ca sỹ Ý Đại Lợi[164]) trứ danh đấy. Mà này, anh đã ngỏ lòng vậy thì tôi cũng chẳng giấu gì anh nữa. Tôi đến đây cũng chỉ là vì trách nhiệm đem lại bình yên cho xứ sở này thôi.
- Vậy cụ thể là ngài có công việc gì mà hôm nay phải lần mò đến cái xó xỉnh này?
- À, nếu vậy thì ta nói thật với anh nhé! Ta đến đây để tóm tên Lẳng và một tên thứ hai nữa.
- Ai vậy, thưa ngài?
- Một tên thiếu niên Hà Thành. Chúng là một tổ quân báo của Việt Minh. Chúng đã hoạt động ở đây được vài tháng rồi. Há! “Vải thưa che sao được mắt thánh”! Anh có biết câu thành ngữ ấy không?
Kim bật cười. Và bất ngờ, thật nhanh, tay quài ra sau lưng, rút khẩu Revolver, tiến lên một bước, dí nòng súng ngắn chịt vào cổ Dẻn:
- Vậy tên thứ hai đó có phải là ta không? Oh, Je suis moi- même Nguyễn Kim. Há! Quan tri châu Vi Văn Dẻn, em trai tên địa chủ gian ác Vi Văn Tăm đất Cam Đồng! Mõ là Nguyễn Kim chính hiệu đây!
- Oh! Lính đâu!
- Taisez-vous! Câm họng! Mày mà há mõm thì con “chó lửa” Revolver này mở miệng ngay!
Rất nhanh, Kim giật cái kính ra khỏi mắt tên tri châu, cười khe khẽ, hóm hỉnh:
- Mượn tạm quan cái lánh nhé! Nào, giờ cho ngồi xuống đây để nhìn cho rõ. Mỗ đây là Kim, hồi ở Cam Đồng đã có lần làm thằng lí Tăm anh trai mày mất mật. Còn kia, Lẳng, cần khỏi nhà anh mày. Nhìn rõ chưa? Đó, chính mày đã cho anh ta “nghỉ mát” ở nhà đá. Thế là ta lại gặp nhau! Ha ha...
Lẳng lầm lì không nói, lẳng lặng rút bó lạt giang ở gác bếp, bước lại bẻ quặt tay Dẻn ra phía sau, trói nghiến lại.
Trời ơi! Tài quá! Thì ra các anh đã bố trí cả rồi! Nép sau cánh cửa, chị Duyên ôm má nức dậy vừa nghẹn ngào sung sướng vừa bàng hoàng.
Đúng lúc ấy, ngoài đường phố ran lên một tràng súng tiểu liên. Và tiếp theo sau, cả Phong Sa chìm trong tiếng súng đủ các loại. Có tiếng chân rộn rịch chạy lên cầu thang. Rồi từ ngoài cửa tuồn vào mấy bóng bộ đội. Hai tên mật vụ trực ở chân thang đã bị bắt gọn. Kim bước ra. Một bóng mũ sắt xáp tới.
- Đồng chí Trần Hòa!
- Hoan hô tổ quân báo mần ăn khá quá hỉ!
Lẳng đẩy Dẻn ra cửa, xuống thang. Kế hoạch bắt Dẻn đã được anh Tố giao, Kim và Lẳng đã bàn bạc cẩn thận cùng với bộ đội Trần Hòa, nhưng thật sự giờ Lẳng mới biết vì sao khi được Lẳng báo tin Dẻn về đây, Kim hí hửng vui mừng vậy. Kim là anh chàng tiểu tư sản học sinh rất khoái trò phiêu lưu mạo hiểm. Còn Dẻn, tên cáo già này nắm giữ nhiều bí mật của địch. Bắt được nó là tóm được “một cái lưỡi”. Ngay đêm đó, bộ đội Trần Hòa nhờ ông cụ Nô dẫn đường đã bí mật đưa Dẻn về căn cứ làng Nhuần.
o O o
Đêm ấy, chỉ một tiểu đội do Trần Hòa chỉ huy nổ mấy tràng súng quấy rối mà toàn căn cứ địch náo loạn.
De Bernard và Brusex chui dưới căn hầm ngầm. Viên thiếu tá già không quan tâm đến cuộc quấy rối lẻ tẻ vẫn thường diễn ra của bộ đội Việt Minh. Y cũng chẳng thèm để ý đến bộ mặt cáu kỉnh, đỏ gay của Brusex. Dù là manh nha y cũng biết là Brusex đang chĩa uất tức vào y. Uất tức y vì cho rằng, những cuộc đột kích của Việt Minh xảy ra gần như thường xuyên vào căn cứ này gần đây, y, với tư cách là chỉ huy trưởng căn cứ, phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Rằng y chỉ lo việc phòng thủ, chỉ ru rú ở trong căn cứ, một biểu hiện của sự hèn nhát không thể tha thứ được, chứ không dám thực thi kế sách chủ động tấn công kẻ thù. Biết Brusex vậy, nhưng De Bernard đâu có thèm chấp. Những giờ phút đang qua và sắp tới nghiêm trọng xiết bao. Brusex làm sao mà có thể hiểu được một kế hoạch tổng thể đã được Bộ chỉ huy quân đội Pháp ở Bắc bộ thống qua! Rằng kế hoạch đó sẽ gồm hai nhiệm vụ chiến lược sau đây: Một, căn cứ Phong Sa sẽ là cái bẫy, sẽ là miếng mồi nhử, nơi nghiền nát lực lượng chủ lực của Việt Minh ở miền tây. Hai, sớm muộn thì người Pháp cũng sẽ ra đi. Nhưng ra đi mà không bỏ rơi, trái lại. Ồ, lieutenant[165] Brusex, con một chủ trại ngựa nho nhỏ quê mùa, hắn chỉ có cái tính tự ái của ngựa, hắn chỉ là con ngựa non háu đá, hắn chỉ là một gã dô kề, làm sao hắn hiểu được câu chuyện rắc rối và tế nhị như thế? Chưa kể, Việt Minh nổi dậy nhanh chóng thành công như thế ở Cam Đồng lẽ nào hắn không có phần trách nhiệm. Tội hắn đã rành rành ra rồi còn gì! Hắn đã làm mất lòng dân chúng. Một bài học lẽ ra hắn phải nhớ đời! Đã không biết sử dụng những tên tay sai mà hắn gọi là chó săn, le chien de chasse, hắn lại đối xử tàn bạo với họ. Giờ đây, với tổ chức và kế hoạch của GCMA, hắn phải đứng ngoài cuộc là đúng rồi.
Brusex quả là kẻ chỉ ưa hành động, thiếu tầm suy nghĩ chiến lược thật. Ở trong căn hầm ngầm, nghe tiếng súng nổ rần rần, người hắn cứ giậm giựt, giậm giựt. Cuối cùng là ngồi cũng chẳng yên, hắn đứng lên đi đi lại lại, cứ như con hổ cuồng chân trong chuổng ở vườn bách thú. Mấy năm nay rồi, kể từ hồi bị đơn vị Trấn Hòa đánh bật khỏi cái đồn Bến Đền bên Cam Đồng, lúc nào hắn cũng ở trong cơn kích động đòi hỏi những hành động trả thù.
- Ông trung úy. - De Bernard ngẩng đầu, hai con mắt kính long lanh. - Xin trung úy nhớ cho, xung quanh ta, lúc nào cũng có những con mắt phán xét của cấp dưới.
Brusex đứng sững. Vừa trố mắt nhìn viên thiếu tá, hắn vừa xoè hai bàn tay, lắc lắc đầu:
- Tôi không hiểu! Thật tình tôi không hiểu...
De Bemard nhún vai. Nhưng hắn chưa kịp nói thì tiếng chuông điện thoại chợt réo một hồi dài. Brusex quay đi. Và khi quay lại, hắn thấy De Bemard đứng lặng như một pho tượng, tay vẫn đặt trên ống nghe.
- Có tin gì thế, thưa thiếu tá?
De Bernard đưa bàn tay múp míp đờ đẫn lên gãi gãi cái trán hói:
- Dẻn... đã mất tích. Ông Vi Văn Dẻn đã...
- Mất tích! - Brusex nhảy xổ tới cạnh chiếc máy điện thoại. - Trời! Dẻn mất tích! Thế thì nguy hiểm quá! Cái kế hoạch hành quân “đại bàng vồ mồi” chủ động tấn công kẻ thù của ta...
- Trung úy nên bình tĩnh.
- Xin ngài cất ngay cái lời khuyên vô bổ ấy vào va li cho. - Brusex rít khe khẽ, chua chát. - Tất cả... Tất cả mọi sự đổ vỡ chỉ là vì...
- Trung úy nên cẩn trọng.
- Tôi sẽ phản đối tới Bộ chỉ huy tối cao. Không thể thế được. Ngài đã quá tin vào bọn mọi bản xứ. Ngài tin chúng hơn cả tôi. Ngài đã gạt tôi ra nhiều câu chuyện bí mật với bọn chúng. Tôi xin hỏi...
- Trung úy! - De Bernard nghiêm giọng quát.
Nhưng viên trung úy đã nắm hai vạt áo va- rơi của mình, giọng rung lên giận dữ:
- Tôi xin hỏi... Có phải... Ngài đã có những kế hoạch gì đó? Ngài đã bí mật cất nhắc những tên nào lên các chức vụ chỉ huy mà không hỏi ý kiến của tôi, vị chỉ huy phó phân khu Phong Sa này. Tôi xin hỏi: Thào A Đủa đi đâu? Hắn đi đâu, làm gì mà sao tôi không được biết?
De Bernard ngoảnh mặt đi, lạnh lùng:
- Cela prouve tout dépent au Dieu![166] Xin trung úy chớ đi quá phạm vì quyền hạn của mình. Tòa án quân sự sẽ...
- A! “Điều đó chứng tỏ tất cả phụ thuộc vào Chúa Trời”! Ngạo mạn chưa! Hừ! Cela n’arrive rien! Đúng là chẳng ra chó gì cả! - Brusex bùng lên như một gói thuốc nổ. - Nếu tôi phải ra tòa thì kẻ sống vương giả như một tổng đốc Tàu, một ông vua da đen, cũng phải đứng trước vành móng ngựa.
De Bernard lẳng lặng đứng dậy. Bỏ mặc viên trung úy ở căn hầm ngầm, viên thiếu tá chậm rãi theo bậc đá đi lên. Trời đã rạng sáng và tiếng súng đã tắt hẳn. Tiểu đội do Trần Hòa đột nhập Phong Sa đã làm xong nhiệm vụ yểm trợ, đánh lạc hướng để việc bắt và đưa Dẻn về căn cứ trót lọt.
Chửi rủa một thôi một hồi ở chốn không người, Brusex hầm hầm bước ra khỏi căn hầm ngầm. Như con ngựa dữ, hắn đảo vòng quanh khu đồn chính, sục vào tất cả các lô cốt, hầm ngầm. Thấy gì không vừa ý là hắn quát tháo, rủa xả. Khoảng hơn một giờ sau, hắn tới căn nhà của bọn lính.
Nhà lính ở lợp tôn, thấp, dài như cái chuồng ngựa. Thấy vẫn còn có tên đắp chăn ngủ, hắn xồng xộc đi tới, lật chăn, định chửi một câu thì bỗng buông tay lui lại:
- Ô! Ông Ngao!
Ngao bị đánh thức, ngồi dậy đưa tay dụi mắt. Nhìn cử chỉ con trẻ ấy của Ngao, lòng Brusex chợt dịu lại. Tội nghiệp! Thì chẳng phải hắn và tên tổng đoàn này là hai kẻ đã cùng đi trên một chuyến thuyền, đã qua những ngày vui buồn, cùng chung số phận từ những ngày đã xa ở Cam Đồng. Thì chẳng phải hắn với le chien de chasse này cùng chung một số kiếp lận đận trong cuộc chiến này đó sao! Nào đâu phải tên tay sai này có trách nhiệm nhảy dù xuống Ngài Thầu. Một tên tổng đoàn Tày bị quăng vào một vùng dân Mông toàn tòng thì bằng đưa dê vào miệng hùm còn gì. Đáng thương cho nó. Đáng thương hơn nữa là, dù biết mình bị đối xử tệ bạc, bất công mà hắn chỉ giận xổi giận thì, chửi rủa om xòm rồi sau đó lại toe toét cười khì và lại cúc cung tận tụy. Kìa, nó đã đứng dậy, dập gót chân đánh pách.
- Bông giua[167] quan phó chỉ huy phân khu.
Gật gật đầu, Brusex bước lại, đặt tay lên vai Ngao:
- Ông đã bình phục rồi chứ, ông tổng đoàn?
- Bẩm... À dạ, sức con thế đã ăn thua gì ạ.
- Như vậy là ông đã đi liên tục ba ngày.
- Dạ, ba ngày ba đêm. Dạ, bọn người Mông nó dai sức lắm ạ. Nó truy đuổi con còn quá con thú.
- Thật sự là ông đã lập một chiến công. Ông xứng đáng được khen thưởng.
Hai cánh mũi Ngao phập phồng, nhưng hắn chưa kịp nói gì thì viên trung úy đã nhướn cao hai con mắt xanh lơ:
- Tôi không tâng bốc ông đâu. Ông xứng đáng được khen thưởng. Và những kẻ khác, những tên đầy đọa ông đáng phải đứng trước vành móng ngựa. Ông hãy tin lời tôi nói. Ông đáng đứng đầu tất cả bọn chúng ở đây.
- Dạ, con tài hèn sức mọn.
- Tôi nhìn người không sai đâu.
Ngưng lại mấy giây, Brusex dắt tay Ngao, kéo Ngao ra ngoài nhà, rồi dừng lại ở góc sân, hạ giọng kín đáo và thần mật:
- Ông Ngao, ông, chỉ có ông mới là kẻ duy nhất xứng đáng là tổng chỉ huy, chứ không phải là Dẻn, là Lý seo phải, cũng không phải là Thào A Đủa đâu. Nhưng mà này, tôi muốn hỏi riêng ông điều này. Ông có biết quan hệ riêng tư giữa De Bernard và Đủa không?
- Dạ... Thưa...
- Được rồi! Nếu chưa tiện nói thì để lúc khác cũng được.
- Dạ. Con có thấy mấy va li thuốc phiện và cái gì nữa..
- Tốt rồi! Nhưng mà nói khẽ thôi. Khẽ khẽ một tí nữa đi, ông bạn thân mến.
Nhìn bộ mặt bì bì, đần độn te tởn của Ngao, Brusex vừa gật đầu vừa tủm tỉm cười. Thế là mọi chuyện đã rõ ràng rồi. Vui vẻ, viên trung úy liền xoay người Ngao lại, nhìn chằm chằm vào mặt y rồi cao giọng với vẻ phấn chấn khác thường:
- Ông Ngao, trong cuộc chiến đấu này, ông có những kẻ thù riêng của mình không?
- Dạ.
- Ông cứ nói thật đi!
- Dạ! - Ngao gãi gãi cổ, ngượng nghịu, lí nhí. - Từ ngày ở Cam Đồng, con đã có rất nhiều kẻ thù riêng. Nhưng không hiểu sao, con lại căm nhất là thằng Trần Văn Tiển, em thằng Trần Văn Sào ạ. Để con kể quan nghe. Thê nào mà ở làng Nhuần con gặp nó, xuống Ngài Thầu con cũng lại gặp nó. Nó như cái bóng ma ám ảnh con ạ.
Đập bộp vào vai Ngao, Brusex cười:
- Thế thì lần hành quân này, ông theo tôi, chúng ta sẽ cùng rửa hận.
Brusex nói, óc nghĩ tới Trần Hòa và cả De Bemard. Hừ, De Bernard! Ngài chớ nên vơ hết công lao về mình và đổ tội cho người khác!
Chim Én Liệng Trời Cao Chim Én Liệng Trời Cao - Ma Văn Kháng Chim Én Liệng Trời Cao