Số lần đọc/download: 1600 / 45
Cập nhật: 2016-06-20 21:15:05 +0700
Chương 37: Cuộc Ác Chiến Lần Thứ Hai Giữa Họ Trịnh Và Họ Nguyễn
C
uộc ác chiến lần thứ nhất (1627) kết thúc vừa được sáu năm thì họ Trịnh và họ Nguyễn lại xua quân đánh nhau lần thứ hai. Lần này, Trịnh Tráng không phải mất công tìm cớ hành quân như lần trước nữa. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 31, tờ 28) chép về cuộc ác chiến lần thứ hai, nổ ra vào năm Quý Dậu (1633) như sau:
"Bấy giờ, con thứ ba của Vương thượng (chỉ Nguyễn Phúc Nguyên – ND) là Anh, đang làm Trấn thủ xứ Quảng Nam, ngầm nuôi lòng bội nghịch, bí mật viết thư, hẹn với Trịnh Tráng đem quân vào, hễ nghe có tiếng pháo nổ là Anh lập tức làm kẻ nội ứng từ bên trong. Trịnh Tráng tin lời, liền tự mình thống lĩnh đại quân tiến thẳng vào cửa biển Nhật Lệ. Hy Tông Hiếu Văn Hoàng đế ta (chỉ Nguyễn Phúc Nguyên - ND) hạ lệnh cho bọn Nguyễn Văn Thắng và Nguyễn Hữu Dật đem quân ra chống cự. Quân sĩ hai bên dinh lũy đối nhau. Quân Trịnh bắn pháo ra hiệu nhưng không thấy bọn Anh đâu cả. Trịnh Tráng sinh nghi bèn lui quân ra xa dinh trại để chờ, hơn một tuần (tức hơn mười ngày - ND), quân Trịnh vì thế mà sinh ra trễ biếng. Quân ta (chỉ quân của chúa Nguyễn - ND) xông ra đánh tới tấp, quân Trịnh tan vỡ bỏ chạy, bị giết hơn một nửa. Tráng cho Nguyễn Khắc Liệt ở lại giữ Bắc Bố Chính (Quảng Bình - ND) rồi dẫn quân về.”
Lời bàn: Thoạt tiên, bề tôi chia bè kết cánh và mưu hại lẫn nhau, chính sự theo đó mà ngày một rối bời. Thứ đến, một nước nhỏ mà có đến mấy vương triều chia nhau cai trị, cuộc tương tàn khiến cho thế nước suy vi, dân tình khốn khổ. Sau cùng, nước đã có vua lại còn có chúa, chúa Trịnh ở phương Bắc chưa đủ, thêm chúa Nguyễn ở phương Nam, lưỡi gươm tranh hùng của họ nào phải chỉ để chém nhau đâu? Giềng mối và cương thổ, phép nước và đạo lí, nghĩa tình và cơ nghiệp... tất cả đều bị vằm nát đó thôi.
Trách Nguyễn Phúc Anh phản nghịch, cam tâm chống lại đấng sinh thành của mình chăng? Phải quá, nhưng xem kĩ mới rõ... mạch phản nghịch vốn chất chứa đã lâu, từng len lỏi khắp hoàng cung và phủ Chúa, nào có thấy ai đứng ra ngăn nó, không cho chảy về phương Nam đâu. Vẫn biết thời loạn là thời chất chứa những nỗi đau, song, đến cả con mà cũng ngầm thông mưu với kẻ thù để chống lại cha đẻ của mình, thì sự thể chẳng còn biết nói thế nào cho phải nữa. Đáng sợ lắm thay!
Vết thương lớn nhất của cuộc ác chiến này, hình như không phải ở trên thể xác của một ai, mà là ở luân thường đạo lí, ở tình cảm ruột thịt thiêng liêng.