Số lần đọc/download: 3257 / 63
Cập nhật: 2016-02-20 18:08:35 +0700
Chương 6
V
ừa mới lên bờ các người di cư đợt hai đã lên đường, thành từng nhóm nhỏ tới các đất đai mà các effendi đã bán lại cho Cơ quan trung ương của phong trào phục quốc. Khai hoang các đầm lầy trở thành khẩu hiệu nhật tụng. Đối với Yakov, bây giờ đương làm việc ở Séjérah một nông trại thí nghiệm mới trong đồng bằng Galilée, sự hăng hái của những kẻ tiên khởi đợt hai này quả thực là một kích thích tuyệt vời. Đến nỗi một ngày nọ chàng làm một chuyến đến Jaffa để trình bày với anh mình một dự án chàng mới nghĩ ra:
- Như anh biết đấy, tụi Bédouin làm một trò xăng-ta với các nông trường của chúng ta: hoặc là họ đánh chúng ta, hoặc chúng ta phải mướn họ làm vệ quân che chở cho chúng ta chống lại... chính tụi họ. Chúng vừa thử đem áp dụng phương pháp đó ở Séréjah: chúng đã đến thăm, cắt nghĩa cho biết tụi chúng sẽ làm những gì nếu chúng ta không chịu mướn họ bảo vệ. Nhưng ít nhất lần này, bọn tôi cười vào mũi tụi chúng. Chúng tôi đã tự sức bảo vệ lấy, và tôi phải nói thực rằng vào lúc đầu, tình hình bên chúng ta không thuận lợi mấy. Cho tới hôm mà chúng tôi tổ chức một vụ phục kích và giết được tên đầu đảng. Kể từ đó không thấy tụi chúng ló mặt nữa. Kết luận rõ như ban ngày: nếu chúng ta có thể bảo vệ một nông trường, chúng ta có thể bảo vệ tất cả các nông trường khác. Hậu quả là chúng tôi đã tổ chức các đoàn dân vệ lưu động, và chúng tôi mong anh sẽ đứng ra chỉ huy một đoàn đó.
Ngạc nhiên, nhưng bị quyến rũ vì dự án, Jossi một lần nữa lại thận trọng cố hữu:
- Chú hãy để cho tôi thì giờ suy nghĩ đã...
- Tôi không thấy có gì đáng để suy nghĩ cả.
- Chú chẳng bao giờ thay đổi cả, Yakov: đối với chú một vấn đề bao giờ cũng chỉ có hai mặt: trắng và đen. Trước hết tôi nghĩ rằng tụi Bédouin khó lòng chịu bỏ một nguồn lợi tức như vậy mà không chiến đấu. Kế đó, còn tụi Thổ nữa. Người Thổ chắc chắn sẽ chống lại chuyện chúng ta võ trang. Đoàn dân vệ của chú họa chăng chỉ được phép có các gậy gỗ, chầy vồ mà thôi.
- Dẹp các lý luận của anh đi! Anh có thuộc về phía chúng tôi không thì nói, có hay không?
- Tôi đã nói với chú là tôi phải nghĩ đã. Các nông dân của chúng ta có lẽ không muốn có các người bảo vệ như chú tưởng. Và điều làm tôi khó nghĩ nhất là.... nếu chúng ta đi lang thang khắp xứ này, và võ trang thật đầy đủ, thì thiên hạ có thể nghĩ ra là chính chúng ta muốn gây hấn.
Yakov giơ hai tay lên trời:
- Khi ta muốn bảo vệ tài sản ta thì ta phải gây hấn! Quả thực là sau hai mươi năm sống ở Palestine, anh vẫn lý luận như một tên Do Thái ở ghetto. Chắc anh thích khai hoang cái xứ này dưới sự che chở của các tay cắt gân người Ả Rập chắc! Này anh Jossi, có anh không có anh, các đoàn dân vệ cũng đang thành lập. Đơn vị mà chúng tôi đề nghị anh giữ quyền chỉ huy ấy sẽ lên đường ngay từ tuần sau để đến căn cứ.
- Căn cứ này ở đâu?
- Trên ngọn Canaan.
Jossi kìm giữ cho mình khỏi giật mình. Chàng liếm môi và cúi đầu để che giấu xúc động.
- Tôi nhắc lại với chú là tôi cần suy nghĩ đã.
Jossi quả thực suy nghĩ thật. Từ lâu nay, chàng đã chán việc đi mua đất cho Fondation Schuman, chán việc thiết lập các nông trại trông cậy vào lòng hảo tâm của tỷ phú Thụy Sĩ hơn là tin vào sức làm việc của mình. Ngoài ra, một nhóm Do Thái nhỏ võ trang, toàn những dân nóng tính như Yakov, dám gây ra nhiều rối loạn trong xứ - ngoại trừ khi họ được chỉ huy bởi một người điềm đạm đúng mực như chàng. Nhưng chàng làm thế nào chống lại sự thèm muốn được sống trong vùng núi Canaan, gần thung lũng Houleh nơi mà chàng luôn luôn mơ ước tới.
Vậy Jossi đành từ chức khỏi Fondation Schuman để gia nhập toán quân vừa tới ngọn Canaan. Nhiệm vụ của hashomer (người bảo vệ) là coi sóc một vòng tròn rộng lớn lấy ngọn núi này làm tâm điểm, bao phủ cả vùng Rosh Pinna phía bắc tới tận thung lũng Genossar, dọc theo hồ Tibériade ở phía nam. Khi tổ chức những toán tuần tiễu, Jossi ý thức rằng các vụ đụng độ chắc sẽ xảy ra đến nơi. Ngay sau khi các Bédouin nhận thấy mình bị mất nguồn lợi lộc ấy, chúng sẽ tấn công. Một lần nữa, Jossi lại suy nghĩ. Sau vài giờ, chàng đã nghĩ ra một kế hoạch có thể ngăn ngừa được tất cả các đụng độ rắc rối. Bộ lạc nguy hiểm nhất trong vùng là bộ lạc có tay Suliman đứng đầu, một tay cướp lão luyện và cũng là dân buôn lậu nữa, sào huyệt của chúng thường đặt trong vùng đồi mạn trên Abou Yesha. Cho tới giờ, để đổi lại "sự bảo vệ", Suliman lấy một phần tư hoa mầu của Rosh Pinna. Hai mười giờ sau khi tới trại - trước khi quân Ả Rập có thể biết có sự hiện diện của các vệ quân Do Thái - Jossi ra đi một mình, không vũ khí, tìm nơi cắm trại của Suliman.
Chàng chỉ tìm ra vào lúc hoàng hôn - chừng năm mươi chiếc lều bằng da dê rải rác trên sườn của một quả đồi mặt trời thiêu cháy. Sự xuất hiện của kẻ lạ mặt to lớn râu đỏ này gây ra một sự kinh hoảng. Đàn bà con gái, mặc đồ đen mỏng, mặt che bằng một màng làm bằng những đồng tiền xâu vào nhau, vội vàng chạy tìm chỗ trú. Từ phía giữa trại, một người da đen, chắc gốc Soudan, tiến về phía khách, tự giới thiệu như là nô lệ riêng của Suliman rồi đưa khách về chiếc lều lớn nhất.
Khi Jossi đặt chân xuống đất, tên cướp già bước ra tiếp. Mặc toàn đen, hai dao găm tuyệt đẹp cài thắt lưng, Suliman chột một mắt, mặt đầy những vết thẹo chứng tỏ các trận đấu chống những người trang bị dao hay lao, hoặc những phụ nữ có móng tay nhọn. Người dân Do Thái và người dân Bédouin nghinh nhau một lúc, rồi Suliman nghiêng người kính mời Jossi vào lều.
Ngồi trên các gối và chăn trải trên đất, trong lễ nửa giờ đồng hồ họ chỉ trao đổi nhau những câu nói phép và những chuyện tầm phào, vừa ăn trái cây và uống cà phê do người nô lệ mang lại, hoặc hút một thứ điếu cầy đặt giữa hai người. Sau đó, một tiếng đồng hồ, họ thưởng thức bữa cơm: cơm hầm, dái cừu chiên, dưa. Rõ ràng là Suliman đang cố gắng đánh giá trị ông khách: anh chàng lực sĩ này chắc chắn không là một dân Do Thái tầm thường đến đây vì một vụ không quan trọng. Sau cùng Suliman quyết định hỏi khách về lý do thăm viếng. Jossi báo cho chủ nhân biết rằng kể từ giờ dân vệ Do Thái sẽ tự lo lấy việc bảo vệ nông trường Rosh Pinna, cùng gởi lời cảm ơn Suliman đã bảo vệ chung thủy trước đây. Suliman tiếp nhận tin này không hề nháy con mắt duy nhất còn lại, và khi Jossi đưa tay ra để giao hảo bằng hữu, Suliman mỉm cười và xiết chặt bàn tay phải của khách.
Đến khuya, Jossi mới trở về trại Rosh Pinna và ngay lập tức triệu tập tất cả các dân trại tới họp. Chàng đã không lầm: việc loan báo thành lập các vệ quân được mọi người đón tiếp bằng những tiếng kêu sợ hãi. Tất cả đều tin rằng ngay khi nào có dịp, Suliman sẽ cắt cổ họ hết. Jossi phải hứa sẽ ở lại nông trại, họ mới yên lòng.
Ở cuối phòng, một thiếu nữ đã nghe và nhìn chàng chăm chú đam mê. Nàng là Sarah và vừa từ một thành phố nhỏ ở miền Silésie bên Ba Lan về đây. Jossi càng to lớn bao nhiêu thì nàng càng mảnh mai nhỏ bé bấy nhiêu, râu chàng càng đỏ hung bao nhiêu thì tóc nàng càng đen huyền bấy nhiêu. Buổi họp bế mạc, nàng như tình cờ đứng gần chàng. Chàng hỏi:
- Cô mới tới nơi này?
- Vâng.
- Tên tôi là Jossi Rabinsky...
- Tất cả mọi người đều đã được nghe nói về anh.
Đêm đó, hai người không đi xa hơn thế trong chuyện tình.
Jossi kéo dài thời gian lưu lại trại này tới một tuần. Chàng tin chắc thể nào Suliman cũng ra tay, nhưng chàng cũng biết lão Bédouin này khá mưu mô để biết chờ đợi thời cơ thuận tiện. Dẫu thế nào Jossi cũng không sốt ruột: tâm tư chàng mỗi lúc một tập trung vào Sarah. Nhưng sự hiện diện của thiếu nữ làm chàng đâm ra rụt rè và ít nói; nàng càng tỏ ra tinh nghịch, chọc ghẹo chàng bao nhiêu, chàng càng thu mình trong vỏ ốc bấy nhiêu. Tất cả dân cư trong nông trại đều biết Jossi Rabinsky đã yêu Sarah rồi, tất cả, trừ chính đương sự.
Ngày thứ tám, vào lúc nửa đêm, chừng chục người Ả Rập lẻn vào Rosh Pinna mang đi mấy trăm ký thóc. Jossi, đang phiên canh, thấy bọn chúng tới, lẻn vào vựa thóc rồi lại bỏ ra. Chàng có thể bắt quả tang nhưng cố dằn lại: đối với dân Bédouin, ăn cắp chỉ là một khinh tội mà thôi. Chàng có một kế hoạch hay hơn.
Sáng ngày hôm sau chàng nhảy lên ngựa làm một chuyến thăm viếng trại Suliman lần thứ hai. Lần chàng trang bị... ngọn roi da bò. Phóng nước đại, chàng tới thẳng lều của tướng cướp. Tên nô lệ người Soudan bước ra, cười ngọt ngào mời chàng vào. Bằng một cái bạt tai, Jossi đánh hắn ngã lăn ra đất. Chàng la lớn bằng giọng mạnh mẽ của mình:
- Suliman! Suliman mi hãy thò mặt ra đây!
Liếc mắt, chàng thấy khoảng mười tên Ả Rập không biết từ đâu xuất hiện, súng cầm tay, vẻ mặt ngạc nhiên lộ rõ.
- Ohé, Suliman! Mi trốn ở đâu?
Viên tù trưởng tiến ra một cách chậm chạp cố ý. Nắm tay lại đặt lên hông, môi nhíu lại trong một nụ cười đe dọa, lão dừng lại trước mặt khách chừng ba thước hỏi thủ hạ chung quanh:
- Không biết con dê ốm nào nó kêu be he quanh lều ta vậy cà?
Càc dân Bédouin cười phá lên. Jossi lờ họ đi để coi chừng từng cử chỉ của tên cướp già.
- Con dê ốm ấy tên là Jossi Rabinsky và nó tuyên bố rằng Suliman là một tên ăn cắp, lại thêm nói dối nữa.
Nụ cười trên môi Suliman biến thành cười khẩy. Xúm quanh thành nửa vòng tròn, các Bédouin sẵn sàng nhảy xổ ngay vào kẻ lạ kia ngay khi nào có hiệu lệnh của chủ tướng. Jossi nói tiếp, khinh bỉ:
- Mi còn chờ đợi gì nữa. Tại sao mi không kêu gọi tới các thuộc hạ trẻ tuổi của mi đi? Ta thấy rõ là danh dự của mi không bằng một con heo, can đảm của mi không hơn can đảm của đàn bà.
Không can đảm hơn đàn bà... lời chửi rủa độc địa nhất đối với một người Ả Rập... Ngoại trừ khi chịu mất mặt, Suliman phải chấp nhận lời thách thức của địch thủ. Lão hét lên, hai nắm tay đưa ra:
- Mẹ mày là đồ chó cái dơ dáy nhất thế giới!
- Nói tiếp đi, mụ già... tiếp tục lèm bèm đi.
Bị xúc phạm danh dự, Suliman rút một con dao găm bạc ra, hét lên một tiếng man rợ, lao về phía người khổng lồ đã khiêu khích lão.
Ngay lúc đó ngọn roi da vút lên... Ngay lập tức, Jossi lao tới sợi dây quấn chung quanh cổ chân lão Ả Rập, kéo bổng lên trời, ném ngã sấp xuống đất. Ngọn roi quất vào lưng Suliman mạnh đến nỗi tiếng đập vang dội vào các quả đồi chung quanh.
Đến ngọn roi thứ năm, tên cướp già xin hàng, kêu lên:
- Chúng ta là anh em! Chúng ta tất cả đều là anh em.
Jossi lùi lại một bước, nói:
- Suliman, cách đây một tuần, mi đã xiết tay ta để bảo đảm danh dự và bằng hữu với nhau. Thế mà lời nói này, mi đã không giữ. Ta long trọng báo cho mi biết: nếu mi, hay một thủ hạ của mi, còn đặt một chân lên các cánh đồng thôi, ta sẽ cắt mi ra từng mảnh bằng cái roi này, vứt xác cho chó rừng ăn.
Chàng quay lại đối diện với các Bédouin đang sững sờ. Không một kẻ nào có đủ can đảm nhúc nhích. Chưa bao giờ chúng trông thấy một người mạnh đến thế, táo bạo đến thế và giận dữ đến như vậy. Không thèm để ý đến mũi súng đe dọa, Jossi nhảy lên ngựa ra đi.
Bài học đã có hiệu lực: Suliman không bao giờ dám đụng tới các đồng ruộng của người Do Thái nữa.
Sáng ngày hôm sau, khi Jossi sắp sửa lên đường với toán quân của mình trên sườn ngọn Canaan, Sarah hỏi khi nào chàng định trở lại. Đỏ mặt, Jossi lúng túng nói một cái gì đại khái như: "Mỗi tháng một lần... gần như... cứ bốn hay năm tuần...". Rồi chàng vội vã chào nàng, thúc ngựa ra đi. Vừa nhìn theo chàng, Sarah có cảm tưởng tim nàng sắp nổ vỡ tan tành. Không có một đàn ông nào trên thế gian bằng được người đó, không ai bằng đến gót chân chàng - dù kẻ đó là Do Thái, Ả Rập, Cosaque hay vua chúa đi nữa! Để cả đời, nàng cũng thấy chưa đủ để yêu và thán phục chàng!
Trong một năm liền, đứng đầu đoàn vệ quân, Jossi đã thành công việc mang lại bình an cho toàn vùng quanh núi Canaan. Đời sống của chàng không quá vui, cũng chẳng quá buồn. Nhưng trong các chuyến đi quanh vùng, chàng ưa thích nhất khúc phía bắc: chính ở phía bắc là nơi ông bạn Kammal ở, nơi có ngọn đồi từ đó nhìn xuống thung lũng Houleh. Chính cũng về phía bắc là nơi có Rosh Pinna, có Sarah, thiếu nữ xinh xắn, mắt đen lớn mà hình ảnh thường xuất hiện trong các giấc mơ của chàng. Khi chàng tiến vào nông trại này, chàng vươn mình ngồi thẳng trên yên, thúc cho ngựa chồm lên vì chàng biết có Sarah đang nhìn. Nhưng mỗi khi đứng trước mặt nàng, vẻ tự tin đẹp đẽ của chàng tan biến đi đâu mất hết, thay thế bằng một sự nhút nhát đến khôi hài.
Về phía Sarah, nàng phân vân. Tất cả cố gắng nàng đã thử làm để phá vỡ cái vỏ chàng đang thu mình vào đều không đi đến đâu. Ở Âu châu, trong thành phố nàng sinh sống, mọi sự sẽ rất giản dị: một người mối chuyên nghiệp, một nhân vật quan trọng trong ghetto, sẽ tới thăm phụ thân Jossi, và mọi sự sẽ ổn thỏa. Còn ở đây, Rosh Pinna, không có người mối mang gì cả, và cũng không có cả vị rabbin nữa.
Tình trạng như thế kéo dài hơn một năm cho tới một hôm, sau hết Jossi đã tìm thấy đủ can đảm, không phải để thổ lộ tình yêu - điều mà chàng không hề dám nghĩ tới - để tiến được lên một bước: vừa tới Rosh Pinna, Jossi đã hỏi xem nàng có muốn đi cùng chàng lên thung lũng Houleh ở phía bắc nông trại không. Sarad không đợi chàng mờ tới lần thứ nhì. Cưỡi ngựa song song nhau, họ vượt qua Abou Yesha, tiến vào vùng đồi. Con đường mòn ngừng lại ở một mỏm đồi, Jossi biết rất rõ. Chàng nói nhỏ:
- Tôi đã vào xứ Palestine qua đúng chỗ này đây, lâu rồi.
Đối với Sarah, vài lời nói ấy là quá đủ. Khi nhìn chàng đứng ngắm thung lũng, nàng hiểu chàng yêu miền đất này đến như thế nào. Im lặng, họ nhìn cảnh vật bao la. Một đôi lứa bề ngoài thật là khác nhau: một chàng trai vĩ đại, vẻ ngoài dữ tợn, một cô gái mảnh mai chỉ cao chưa tới nửa ngực chàng.
Đột nhiên Sarah cảm thấy một tình tự nồng nhiệt như thúc đẩy nàng về phía Jossi. Bởi vì chàng chỉ tìm thấy mỗi cảnh này thôi để bày tỏ với nàng ước mong quý giá nhất... Sarah thì thào:
- Anh Jossi, Jossi Rabinsky, anh có nhận... ô, xin anh... anh có nhận lấy em làm vợ anh?
Chàng phải hắng giọng trước khi bập bẹ thốt ra lời:
- À... tôi... em... lạ thật! Tôi cũng đang định hỏi em điều đó....
Chưa bao giờ, trong khắp xứ Palestine người ta được thấy một đám cưới như vậy. Các quan khách từ các miền xa nhất của Galilée đến, và có những người tới từ Jaffa, mặc dù xa cách đó tới hai ngày đường. Yakov đến cùng đoàn vệ quân, các người khẩn hoang ở Rosh Pinna đến cùng nhiều effendi người Thổ, Kammal đến đã đành mà ngay cả lão già Suliman khốn kiếp ấy cũng tới nữa. Cả một đám đông quan khách chứng kiến cô dâu chú rể tiến vào dưới chiếc lọng lớn, trao đổi các lời kết ước và uống rượu thánh. Có đủ thức ăn đẩ cho cả một đạo quân, các vũ điệu, bài ca, tiếng cười kéo dài tới một tuần lễ.
Sau khi người quan khách cuối cùng đã ra về, Jossiđưa Sarah về lều của hai người trên sườn núi Canaan.
Tuần trăng mật của họ ngắn ngủi. Tổ chức trung ương của phong trào phục quốc kêu gọi Jossi gấp để điều khiển ở Jaffa một cơ sở cố vấn cho các di dân nào muốn lập nghiệp ở miền quê. Thẩm quyền chàng có trong địa hạt này cùng sự am hiểu hoàn toàn xứ sở làm chàng hoàn toàn thích hợp với nhiệm vụ này.
Một thời gian sau, năm 1909, mọi người tham khảo chàng về một vụ hết sức quan trọng. Cộng đồng Do Thái ở Jaffa lớn mạnh đều đều và mọi người muốn có các nhà ở tiện nghi hơn, các điều kiện sinh hoạt phù hợp với vệ sinh cùng các hoạt động văn hóa.
- Những tiện nghi mà thành phố Ả Rập cũ không thể mang lại được. Jossi là một trong những người đề xướng và thực hiện kế hoạch mua một dải đất phía bắc Jaffa, một nơi nhiều cát và chỉ có một vài trại cam nhỏ.
Chính từ nơi này đã nảy sinh thành phố đầu tiên hoàn toàn là Do Thái kể từ hai ngàn năm nay. Mọi người đã tìm ra tên đặt cho đô thị này: Đồi Xuân, gọi theo tiếng hébreu là: Tel-Aviv 1.
Chú thích
1.Nay là thủ đô của quốc gia Israel.