Số lần đọc/download: 1842 / 22
Cập nhật: 2017-05-18 16:52:57 +0700
Chương 37
K
hi tiếng chuông điên thoại reo lần thứ tư, tôi bực bội bụm tai bỏ chạy xuống lầu như chạy trốn bệnh dịch. Cô Vân rượt theo tôi hổn hển nói:
- Ông Triết đi vắng, mời ông đến nghe điện thoại.
- Bất kỳ là điện thoại của ai, cô cũng cứ bảo là tôi đi vắng rồi.
- Điện thoại của cảnh sát gọi đến đấy!
Tôi kinh ngạc dừng bước lại:
- Cảnh sát tìm tôi để làm gì, chắc là họ đã lầm rồi đấy?
- Không, dạ đúng là hỏi nhà mình.
Tôi thắc mắc trở lên lầu. Cầm ống nghe lên, một giọng nói nghiêm nghị và hung hồn vang lên khiến tôi thiếu điều muốn thủng màng nhĩ. Bên kia đầu dây xưng hô danh tánh xong mới hỏi tên họ và nghề nghiệp của tôi, rồi mới bảo tôi phải đến ngay phòng cấp cứu bệnh viện Cửu Long thăm một người bạn.
- Có việc gì vậy?
Bên kia không trả lời, sau đó giọng một người đàn bà nghẹn ngào nói:
- Tôi là Phụng đây!
- Cô Phụng đó hả? Sao cô lại ở trong bệnh viện, có việc gì vậy?
- Cha tôi bị xe đụng, thương tích rất nặng, hiện giờ đang nằm trong phòng cấp cứu. Tôi nhờ cảnh sát gọi điện thoại đi khắp nơi, ông Đức Sanh và Hà Phi đều vắng nhà, anh Triết cũng chưa về, cũng may là gặp đựoc anh! Trời ơi, tôi bối rối quá, chẳng biết phải làm sao bây giờ.
- Đừng lo, tôi sẽ đến ngay!
Tuy mạnh dạn an ủi nàng, nhưng tôi cũng không sao dặn được cơn sợ hãi.
Tôi chạy như bay phóng ra khỏi cửa, bất ngờ va sầm vào lão Trấn. Lão nói:
- Chuyện gì mà trông cậu hoảng hốt thế?
- Một người bị đụng xe, tôi phải đến bệnh viện gấp! Lão đang xách thùng nước, có lẽ vừa rửa xe xong. Tôi chợt dừng lại hỏi:
- Bác Trần! Bác có thể cho cháu mượn xe tạm giây lát chăng?
Lão thoáng do dự, có vẻ không vui nói:
- Tôi mệt quá, nếu không tôi có thể đưa cậu đi.
- Cháu có bẳng lái.
- Hay là để tôi đưa cậu đi vậy! Xe này cũ quá, tôi sợ cậu không quen.
- Bác đi không được đâu. Người tôi đi thăm là Ngô Doãn Trung, bác đâu có muốn gặp mặt ông ấy.
- Hả? Có nặng lắm không?
- Tôi cũng không rõ lắm.
Khi lão giao chìa khóa xe cho tôi, tay lão run run.
Xe của lão Trần quả đúng với cái danh từ “già khú đế” của nó. Phanh không ăn, kèn không kêu, than xe lắc lư như phải gió, có lẽ có một bánh xe bị xì hơi. Hơn nửa tiếng đồng hồ, tôi mới đến bệnh viện. Đến khi leo dốc thì xe bị chết máy nằm ì tại đó. Tôi bỏ đó và vội vã đi vào phòng cấp cứu. Cô Phụng đang hỏi han một cô y tá. Thấy tôi đến, nàng bỗng chạy tới khóc nức nở. Tôi hỏi:
- Giáo sư nằm đâu?
Phụng nghẹn ngào chỉ vào phòng giải phẫu.
- Có nguy hiểm đến tính mạng không?
- Chưa biết, chẳng một ai cho tôi biết cả.
Tôi hỏi cô y tá đứng bên cạnh nàng:
- Cô có thể cho tôi biết không?
- Vừa rồi cảnh sát công lộ có cho tôi biết, trước tiên ông ấy thấy một chai rượu dính máu nằm trên con lộ dẫn đến khu Sa Điền, sau đó mới phát giác ra ông này tại một khe núi bên lề đường, nên cấp tốc gọi xe cứu thương đến đưa ông vào bệnh viện.
Tôi lại quay sang hỏi Phụng:
- Sao cô biết mà đến đấy?
- Cảnh sát tìm thấy danh thiếp trong túi áo của cha tôi. – Phụng đưa tay lau nước mắt – Họ gọi điện thoại cho tôi hay.
- Giáo sư có nói gì không?
- Có lẽ ba tôi đã bị rối lọan thần kinh, khi gặp tôi ông chỉ có khóc lóc, lè nhè gì đó. Bác sĩ bảo ông ấy say rượu, rồi vấp ngã, hay là bị xe đụng phải, đến bây giờ không ai dám quả quyết gì cả! Tôi không biết phải làm sao bây giờ?
- Chúng ta chỉ cần mong sao cho giáo sư được bình an vô sự là tốt rồi.
Một lúc sau, Hồ Phi cũng mồ hôi nhễ nhại chạy nhanh vào. Hắn thấy chúng tôi lo lắng nhìn chăm chú vào phòng giải phẫu, nên cũng lặng lẽ ngồi xuống cạnh chúng tôi. Độ một giờ đồng hồ, cánh cửa phòng giải phẫu xịch mở, hai cô y tá đẩy chiếc giường ra ngoài, đi sau là một vị bác sĩ mập và lùn đang mở khăn bịt mồm và bỏ bao tay ra.
Phụng vừa trông thấy liền gọi “cha” thật thê thảm và phóng ngay dến, nhưng cô y tá đứng bên đã giữ lại.
Tôi khẽ lên tiếng hỏi bác sĩ:
- Thưa bác sĩ có gì đáng lo ngại không?
- Đã tiếp máu rồi, không nguy hiểm đến tính mạng đâu! Vết thương trên chân và cổ không hề gì, đã được khâu lại rồi. Nhưng có điều não bộ bị chấn động, có lẽ hơi rắc rối. Sau khi xuất viện, phải tìm một nơi yên tĩnh để dưỡng bệnh, không thể làm việc bẳng trí óc được.
- Ông ấy là giáo sư, phải sống bẳng trí óc.
Bác sĩ nhún nhún vai cười thảm não:
- Khoảng hai giờ đồng hồ sau, khi thuốc mê hết hiệu lực, ông ấy sẽ tỉnh lại, lúc đps sẽ có thể biết được não bộ của ông ấy bị thương đến độ nào.
Giường bệnh được đưa thẳng đến phòng hạng ba, giáo sư Trung nằm yên như một thây ma. Vết thương trên cổ vẫn còn rỉ máu, mảnh vải băng dày côm dần dần bị nhuộm đỏ.
Phụng cứ khóc mãi, tôi và Hà Phi không biết làm sao an ủi nàng, thỉnh thoảng tôi lại nhìn đồng hồ, mong cho giáo sư Trung tỉnh dậy.
- Thế nào? Có người khẽ vịn vai tôi.
Trương Đức Sanh đang lau mồ hôi, tay kia vịn vào thành giường. Đức Sanh đến vừa kịp lúc, tôi cảm thấy như vừa trút được một gánh nặng, tôi kể sơ lại sự tình cho hắn biết và bảo hắn lựa lời an ủi Phụng. Tôi lui ra ngoài bao lơn hút thuốc.
Xưa nay tôi chưa hề biết bước chân vào bệnh viện, phòng hạng ba không tệ như tôi nghĩ, xem ra rất yên tĩnh, và sạch sẽ.
Khi cô y ra đến thử máu và đo nhiệt độ lần thứ hai, giáo sư Trung đã rên khe khẽ, Phụng nắm chặt tay tôi.
- Ủa! Phụng! Sao… con lại ở đây? – Giáo sư Trung đã nói được, giọng nói tuy không rõ, nhưng xem ra thần trí đã tỉnh táo.
Tôi mừng thầm cho ông, một người sống bằng trí óc và nhờ vào trí óc. Giáo sư Trung tiếp:
- Mẹ con đâu rồi? Mà sao con lại mặc đồ của mẹ vậy?
- Xin bác nằm nghỉ, bác vừa được giải phẫu xong nên dưỡng sức đừng nói nhiều không tốt.
- Tôi được giải phẫu? Sao chú biết? – Giáo sư Trung trố mắt, nhìn tôi như một kẻ xa lạ.
- Bác sĩ không cho phép bác nói chuyện nhiều, bác đã bị thương khá nặng!
- Nói nhảm, sao tôi lại không biết, tâm hồn của một người đã bị thương sao tôi lại không biết chứ? – Ông vẫn có thái độ cao ngạo như lúc bình thường – Vừa rồi chú bảo là bác sĩ, là bác sĩ gì, ai? Phải chăng là lão Vi? Hắn mà biết cái đếch gì. Cái thằng đó chuyên môn nhổ răng lành của người ta, còn răng hư vẫn còn nguyên. Chao ôi! Chú xem hắn đã làm đau cổ tôi rồi đây này.
Tôi đã thấy rõ bệnh trạng của giáo sư Trung, nên không dám lải nhải với ông nữa.
- Cậu hãy qua đây! – Giáo sư Trung trông thấy Đức Sanh, muốn vùng ngồi dậy, nhưng cô Phụng nhanh tay giữ ông lại, và đồng thời ra dấu bảo Đức Sanh hãy đi đi.
- Đứng nên đứng xa tôi như vậy, mình là bạn than cơ mà, có gì không thể nói ra đâu! – Ông ta dường như đã khôi phục trạng thái bình thường, hổn hển tiếp – Tôi không tệ như cậu nghĩ đâu. Thôi chúng ta không nhìn lại dĩ vãng nữa! Chỉ cần cậu cho tôi một cơ hội giải thích…
Tôi vội kề miệng vào tai Đức Sanh nói:
- Chú ý những lời nói của ông ta nhé!
- Anh biết tâm sự của ông ta à?
Tôi lắc đầu.
Giáo sư Trung nắm chặt cánh tay Đức Sanh:
- Tôi biết cậu rất hận tôi. Hận tôi có ích lợi gì đâu, sao cậu không chịu nghe tôi giải thích.
Đức Sanh nói theo:
- Thôi được rồi, bây giờ bác nằm nghĩ đi, có gì mình sẽ nói sau vậy.
- Không, cậu đừng bỏ đi! – Ông ta nắm chặt áo Đức Sanh, và bảo Phụng: - Con nói đi, cha có phải là người xấu không?
- Dĩ nhiên là không. – Phụng gật đầu nghẹn ngào – Cha là một người cha tốt nhất thế giới.
- Đúng rồi! Chính vì tôi muốn làm một người cha tốt mà tôi đã trở nên một người chồng hư đốn nhất, một người tình thiếu thành thật và một người bạn tồi tệ nhất. Chẳng hạn như… Lão chỉ tôi và nói – Cậu, đến bây giờ cậu vẫn còn hận tôi, không tha thứ cho tôi.
Tôi yên lặng đứng nghe. Tuy tôi không hiểu ông nói gì, nhưng giọng nói vẫn tỉnh táo như thường.
- Đến bây giờ mà cậu cũng không hiểu được đàn bà, long dạ của đàn bà! Người bạn trẻ của tôi ơi! Mọi điều kiện của cậu đều xuất sắc hơn tôi, học thức, tài năng, nhận phẩm đều hơn tôi, nhưng đàn bà không thích những thứ đó đâu, cậu biết không! Tôi giỏi hơn các cậu một điểm, ở cái chỗ tôi biết giữ quả tim của đàn bà, nhưng vì tình bạn tôi đành phải ruồng bỏ nàng, như cậu đã biết, vợ tôi đã chết rồi.
Tôi giả vờ gật đầu tỏ vẻ như hiểu
- Cậu hiểu được thì tốt lắm. – Giáo sư Trung mừng rỡ - Giữa bọn chúng mình tôi đã chọn cậu, tôi thấy cậu có thể là một người chồng tháo vát. Hơn nữa, tôi đã có gia đình. Chỉ có cậu, giữa chúng mình cậu là một người giàu tình cảm nhất, tôi cầu mong cho cậu thành công, bởi vì tôi yêu nàng.
Giáo sư Trung thở dốc một hồi, hiển nhiên đã có đuối sức, nhưng ông vẫn vùng vẫy muốn nói tiếp.
- Bác sĩ đến rồi!
Hà Phi đưa bác sĩ đến giường bệnh, rồi đứng một bên. Bác sĩ hỏi khẽ Đức Sanh:
- Sao, ông ấy nói gì thế?
- Dường như ông ấy bị xúc động. Theo tôi nghĩ, cứ để cho ông ấy nói cho hết tâm sự của ông ấy mình mới có thể vịn vào đấy mà chữa trị được.
Bác sĩ không để ý đến lời của Đức Sanh nói, ông ta xem cái phiếu nhịệt độ và huyết áp, thỉnh thoảng lại đặt tay lên trán của giáo sư, rồi quay sang Phụng:
- Không hề gì đâu, cho ông ấy một chút thuốc an thần, để ông ấy ngủ yên.
Sau khi chích thuốc cho giáo sư, chưa đầy ba phút ông đã ngủ say. Đức Sanh lau khô mồ hôi trên trán và khẽ bảo với tôi:
- Tôi bị trễ chuyến tàu rồi. Đêm nay tôi ở lại đây cho có bạn với cô Phụng. Nếu bệnh tình của giáo sư khả quan hơn, ngày mai tôi đưa ông về nhà. Anh về trước đi, nhớ đừng quên việc tôi nhờ anh nhé!
Hà Phi thẹn thùng nói:
- Có gì cần đến tôi không?
Phụng lên tiếng:
- Anh đi tìm bác sĩ Vi hộ. Bác sĩ ở đây bận quá!
- Được rồi, tôi sẽ đi mời ông ấy vào sáng sớm mai.
Tôi nói với Phi:
- Nhờ cậu xem hộ xe tôi nhé. Nếu không sửa được, nhờ cậu mang nó về giúp.
Phi lặng lẽ bước theo tôi, đến bên xe, Phi trề môi:
- Trời ơi, xe của anh đưa vào viện bảo tang được rồi!
- Thế mà ngay cả thứ xe cà khổ này tôi cũng không có nổi mới thảm chứ!
Phi bước đến mở nắp đầu máy xe xem xét một hồi:
- Thế này nhé, tôi gọi người đến đưa xe này về hang sửa, xong tôi sẽ cho mang đến đây, bây giờ tôi đưa anh về.
Phi đưa tôi đến nhà, khi đang móc chìa khóa cửa, thì một bong người từ cửa sau bước ra, té ra là Lưu Triết. Triết hỏi dồn:
- Tôi cũng mới về đến nhà thôi. Nghe lão Trần nói giáo sư Trung bị xe đụng, có nguy hiểm lắm không?
- Cũng không đến nỗi nào, chỉ có thần kinh e rắc rối thôi.
Về đến phòng, tôi kể hết mọi chuyện lại cho Triết và hỏi hắn:
- Cậu với Phụng khá than, cậu có thể hiểu những lời nói của giáo sư Trung không?
Triết lắc đầu, nặng nề:
- Mai tôi sẽ đến thăm ông ta, anh đi lo việc Đức Sanh nhờ đi.