Số lần đọc/download: 3179 / 36
Cập nhật: 2016-06-20 20:54:37 +0700
Chương 34: Vì Sự Thành Đạt Của Con Em Chúng Ta Trong Nền Kinh Tế Tri Thức
C
húng ta đang sống trong thời điểm bước ngoặt của xã hội loài người. Tính chất bước ngoặt của thời đại thể hiện ở sự chuyển đổi của thế giới từ nền kinh tế hậu công nghiệp sang nền kinh tế tri thức và từ nền văn minh vật chất sang nền văn minh tinh thần. Trong thế giới đang thay đổi nhanh chóng đó, chúng ta và đặc biệt là con cháu chúng ta đang đối mặt với những cơ hội và thách thức lớn lao. Những hy sinh, mất mát của dân tộc ta trong thế kỷ XX liệu có được chuộc lại bởi sự thịnh vượng trong thế kỷ tới hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự sáng suốt của chúng ta hôm nay.
Một trong những lĩnh vực rất cần đến các quyết định nhìn xa trông rộng là việc đào tạo, giáo dục thế hệ trẻ.
Trong nền kinh tế tri thức, nguồn tư bản quan trọng nhất là tri thức. Tri thức đã trở thành nhân tố quyết định của sản xuất, đẩy vốn, đất đai và lao động xuống hàng thứ hai. “Đối với những nước tiên phong trong nền kinh tế toàn cầu, cán cân giữa tri thức và các nguồn tài nguyên hiện nay đã nghiêng mạnh về phía tri thức, đến nỗi tri thức có lẽ đã trở thành nhân tố quan trọng nhất quyết định mức sống - quan trọng hơn đất đai, hơn công cụ sản xuất, hơn lao động. Ngày nay, các nền kinh tế tiên tiến nhất về công nghệ đã hoàn toàn dựa trên tri thức.” (Báo cáo phát triển thế giới, WB,1999).
Như vậy, nguồn lực chủ yếu của nền kinh tế tri thức là con người có kỹ năng và tri thức. Trong thế kỷ XXI, chỉ có những người được đào tạo cơ bản mới có cơ hội thành công. Những người không được học hành tử tế, gần như không có cơ hội để thành đạt. Điều này đòi hỏi phải cải cách cơ bản nền giáo dục và đào tạo của chúng ta.
Một nền tảng triết lý mới cho nền giáo dục của nước nhà là rất cần thiết. Nhà giáo dục học Xô viết nổi tiếng Xu-khôm-lin-xki đã từng khẳng định: học sinh không phải là một chiếc bình cần phải đổ đầy, mà là một bó đuốc cần phải thắp sáng. Nền giáo dục của chúng ta đang làm cái việc “đổ đầy” nhiều hơn là việc “thắp sáng”. Các chương trình giáo dục nặng về nhồi nhét kiến thức hiện nay đang cướp đi tuổi thơ tươi vui, hồn nhiên và trong sáng - nền tảng không thể thiếu cho sự phát triển cân đối, toàn diện và lành mạnh của con em chúng ta. Việc nhồi nhét kiến thức, số liệu trong thời đại thông tin thật là một việc làm vô nghĩa! Khi một chiếc máy vi tính có thể xử lý hàng tỷ phép tính/giây, khi trên Internet có tất cả tri thức của loài người, thì điều quan trọng là dạy cho con em chúng ta biết làm chủ những chiếc máy tính và mạng thông tin toàn cầu thay vì học những việc mà bao giờ máy tính cũng làm tốt hơn. Như vậy nền giáo dục nên chuyển từ trọng cung cấp kiến thức sang trọng phát triển kỹ năng. Dưới
đây là những kỹ năng quan trọng nhất để thành đạt trong nền kinh tế tri thức:
- Kỹ năng học suốt đời;
- Kỹ năng đổi mới và sáng tạo;
- Kỹ năng hợp tác để đổi mới và sáng tạo.
Việc tại Kỳ họp thứ 8 này Quốc hội thảo luận và quyết định về đổi mới chương trình các cấp học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở là rất kịp thời. Trong chương trình đổi mới cần đặt vấn đề dạy cho các em học sinh biết sử dụng máy tính và tiếng Anh ngay từ cấp tiểu học. Nhà nước cần nhanh chóng tạo điều kiện cho tất cả các trường, ít nhất là từ cấp trung học cơ sở được kết nối với Internet và các em được truy nhập Internet miễn phí trong giờ học chính khóa. Đây là một khoản đầu tư không nhỏ. Nhưng hết sức cần thiết để tạo điều kiện cho con em chúng ta tận dụng các cơ hội và vượt qua các thách thức của thế kỷ đang tới.
Hà Nội, ngày 6/12/2000