Reading - the best state yet to keep absolute loneliness at bay.

William Styron

 
 
 
 
 
Tác giả: Haruki Murakami
Thể loại: Lịch Sử
Dịch giả: Trần Đĩnh
Biên tập:
Upload bìa: Nhật Trường
Số chương: 41
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3972 / 167
Cập nhật: 2015-11-14 02:34:48 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
37. Anh Ấy Tốt Như Thế Đấy. Dường Như Trước Khi Chết Còn Tốt Hơn
nh ấy tốt như thế đấy. Dường như trước khi chết còn tốt hơn”
Yoshiko Wada (31)
vợ góa của anh Eiji Wada
Cô Wada đang mang thai thì chồng mất. Không lâu sau, Asuka, một cô con gái, ra đời. Sau vụ hơi độc, cô Wada hay xuất hiện trên truyền hình và nay nhiều người Nhật đã biết mặt cô. Trước khi gặp cô, tôi đã lướt qua khắp các bài báo và tạp chí có thể tìm thấy, nhưng sự khác nhau giữa hình tượng tôi tưởng tượng ra với con người mà tôi gặp thật sự đáng ngạc nhiên. Dĩ nhiên hình tượng kia thuần túy là do cá nhân tôi tạo ra và ở đây không có ai đáng trách, nhưng chuyện này khiến tôi phải ngưng lại mà nghĩ đến cách làm việc của giới truyền thông – cái cách họ dựng lên bất cứ hình tượng nào họ muốn.
Yoshiko Wada thật (đối lập lại với hình ảnh do giới truyền thông sáng chế ra) thì rạng rỡ, nói năng rành mạch, thông minh. Dùng chữ “thông minh”, tôi muốn nói là cô chọn chữ nghĩa cũng thận trọng như lựa chọn cách sống vậy. Tuy tôi chưa hề gặp người chồng quá cố của cô, nhưng bằng cách nào đó tôi vẫn biết rằng người đã chọn cô làm bạn đời thì hẳn phải là một tay được lắm.
Với cô, cú sốc trước cái chết của chồng ắt phải rất lớn. Tôi ngờ là chẳng ai lại có thể hồi phục hẳn sau một chuyện như thế. Nhưng suốt ba giờ phỏng vấn, không lần nào cô để mất phong độ và nụ cười. Cô luôn trả lời cởi mở, dù câu hỏi của tôi có tế nhị đến đâu, và chỉ một lần để mình rơi lệ, vào lúc cuối. Tôi xin lỗi đã khiến cô phải chịu đựng nhiều đến vậy.
Cô gặp tôi, trên tay bế Asuka và sau đó tiễn tôi đến tận sân ga. Đường phố gần như vắng tanh dưới cái nóng mùa hè. Đi ra ngoài, cô nom giống y như các bà nội trợ ngoại thành khác, hạnh phúc, trẻ trung. Câu nói lúc chia tay của tôi khá vụng về, “Xin giữ gìn sức khỏe và sống vui vẻ” hay đại khái thế - tôi không nghĩ ra được gì khác để nói. Có những lúc lời nói thật vô dụng, nhưng là nhà văn, tôi chỉ có lời nói mà thôi.
o O o
Tôi sinh ra ở Kanagawa [Tây Nam Tokyo] nhưng nhà tôi chuyển đến Yokohama [Nam Tokyo] từ hồi tôi học tiểu học rồi sống ở đó đến bây giờ. Tôi đi học ở Yokohama, làm việc ở Yokohama. Tôi là người Yokohama cho nên dĩ nhiên là tôi yêu nơi này. Năm ngoái khi tôi có con, tôi còn sống một thời gian dài ở nhà bố mẹ chồng ở Nagano. Không khí trong lành hơn, thay đổi hoàn toàn về môi trường, thật là tuyệt đủ đường, nhưng khi trở về đây tôi đã vui đến phát khóc lên.
Phần lớn bạn bè tôi đều ở đây, Yokohama. Bạn thời trung học, bạn cùng làm việc, bạn trượt tuyết, phải đến mười năm rồi… Bạn bè thật sự giúp tôi nhiều. Họ nay đều đã lập gia đình nhưng chúng tôi vẫn thỉnh thoảng tụ tập lại ăn thịt nướng hay đi chơi bowling hay gì đó.
Khi học xong trung học, tôi đi làm thư ký cho Cơ quan Tiết kiệm và Vay nợ Yokohama. Lấy chồng là tôi thôi việc ngay. Trước đó tôi sống với bố mẹ. Tôi là con một nhưng tôi luôn tranh cãi với bố mẹ, đặc biệt là bố. Về những cái lặt vặt vớ vẩn, thật sự thế. “Bố nói thế mà,” “Không, bố không bao giờ nói thế!” [cười] Tôi khá ích kỷ. Giờ tôi đang sống với bố nhưng không cãi nhau nữa.
Tôi gặp chồng tôi khi đang trượt tuyết. Một cô bạn của tôi có bạn trai làm ở Công ty Thuốc lá Nhật Bản và tình cờ anh ấy lại rủ chồng tôi đi cùng. Đó là vào tháng Hai năm 1991.
Chồng tôi thực sự thích trượt tuyết. Lúc 20 tuổi tôi mới bắt đầu trượt tuyết cho nên trình độ tôi không bằng được anh. Nhưng tôi vẫn đi trượt tuyết, có lẽ mỗi mùa năm lần. Dù bố mẹ không muốn cho tôi đi. Các cụ bảo nguy hiểm lắm. [cười] Các cụ quá bao bọc con cái. Tôi bị giới nghiêm đến tận 25 tuổi. Mười giờ là phải về nhà. [cười] Đôi khi về muộn tôi bị khóa cửa, cuối cùng phải sang nhà bạn ngủ nhờ. Nghĩ lại lúc đó tôi cho rằng mình đã quá hư. Nay có con rồi, tôi biết, bố cáu vì bố quan tâm.
Bốn năm trước mẹ tôi chết vì ung thư vú. Nó di căn ra khắp cơ thể. Bố nghỉ việc để ở bên mẹ. Bố đau khổ, tôi biết. Nhưng ngay cả lúc ấy, bố và tôi vẫn cãi nhau liên tục. Bây giờ tôi thấy chuyện đó thật tồi tệ, nhưng khi đó đúng là tôi không kìm được. Mặt khác, cũng chính vì chúng tôi hay cãi nhau mà bây giờ chúng tôi thân nhau.
Bố bảo tôi đã thay đổi nhiều. Dịu dàng hơn một chút. Có thể tôi đã trưởng thành hơn. Asuka là lý do chính, chắc thế. Hễ cứ nhìn con bé là cho dù kiệt sức đến đâu tôi vẫn phải mỉm cười.
Nhớ lại những ấn tượng đầu tiên, chồng tôi có vẻ không giống với khi anh trượt tuyết. Không có chút sức hút nào. Anh đeo kính cận sau cặp kính bảo hộ to đùng. Tôi có nói chuyện với anh, nhưng cảm thấy như kiểu, “Tay này sao thế nhỉ?” Anh quá đỗi không thân thiện. Anh đúng là mải mê với trượt tuyết quá, chẳng bận tâm gì được đến ai. Anh không cho phép mình nghỉ trừ khi trượt tuyết thắng. Anh ít nói.
Nhưng một tối, khi chúng tôi ra ngoài uống, anh bất ngờ thay đổi hoàn toàn. Ý tôi là anh thật sự cởi mở, còn nói đùa nữa. Anh như một người khác. Chúng tôi ở lại khu trượt tuyết ba ngày, nhưng không hề gần gũi riêng, tuy có lẽ chúng tôi có cuốn hút nhau.
Thật lòng mà nói, khi tôi gặp anh lần đầu tiên, bản năng tôi mách bảo, “Đây là người mình có thể cùng hẹn hò, thậm chí còn lấy làm chồng được.” Như kiểu, nói như thế nào nhỉ, trực cảm phụ nữ. Cho nên tôi nghĩ, “Cũng có thể cho anh ta số điện thoại nữa.” Tôi khá là tự tin. [cười]
Cả hai chúng tôi cùng 26 tuổi và đều đã uống nhiều: bia, whisky, sake, vang, đủ kiểu. Anh thật sự muốn có một khoảng thời gian vui vẻ.
Chúng tôi gặp nhau nhiều sau chuyến đi trượt tuyết ấy. Anh sống trong khu ký túc xá độc thân ở Kawaguchi, cho nên nói chung chúng tôi hay gặp nhau ở đâu đó tại trung tâm Tokyo. Chúng tôi thường đi xem phim, gặp nhau hàng tuần và nếu có thể thì cả những ngày cuối tuần nữa.
Vâng, có vẻ thực sự chúng tôi sinh ra là để dành cho nhau. Giống như số phận hay gì đó. Chúng tôi hẹn hò một năm trời mà chưa lần nào tôi thấy chán.
Anh đã nói chuyện cưới xin với bố tôi còn trước cả khi nói với tôi. Anh bảo bố: “Cháu muốn xin phép bác được chính thức gặp gỡ Yoshiko, với ý định kết hôn với cô ấy.” Dĩ nhiên tôi thích anh và mọi cái, nhưng việc anh và bố nói với nhau như thế trước khi tôi biết chuyện thật tình đã làm cho tôi khó chịu.
Chúng tôi lấy nhau tháng Sáu năm sau. Mẹ tôi mất hồi tháng Hai năm ấy nên chúng tôi phải chịu tang và hoãn đám cưới lại đến lúc đó. Chắc là khi ấy tôi thực sự muốn mặc váy cưới và mọi thứ. Chúng tôi dự định sống với bố tôi ở Yokohama sau khi cưới. Chúng tôi không muốn để bố phải thui thủi một mình… chính chồng tôi đã gợi ý như thế. Cho nên rốt cuộc ngày nào anh cũng phải đi tàu điện ngầm từ Yokohama đến Oji, mỗi lần đi về mất hai giờ đồng hồ. Ngày ngày anh rời nhà vào 6 giờ sáng. Hồi đó tôi cãi nhau với bố suốt và chồng tôi luôn phải hòa giải cho hai chúng tôi. Anh rất vất vả. Anh về nhà lúc 11 hay 12 giờ đêm, mệt tưởng chết đi được.
Chúng tôi sống với bố mười tháng rồi chuyển đến Kita-senju. Thế nào Thuốc lá Nhật Bản lại có nhà của công ty ở đó, nhưng như thế tôi lại phải mất một giờ rưỡi đồng hồ mới đến được chỗ làm ở Yokohama. Sau một năm đi lại, tôi mệt nhoài. Chồng tôi nói, “Sao em cứ hành hạ mình như thế chứ? Em cứ làm cái gì em muốn thôi.”
Thế là tôi thành người nội trợ. Ba bữa ăn một ngày cộng giấc ngủ trưa à? Nếu ông hỏi thì tôi xin nói là không tồi. [cười] Có thể xem tivi cả ngày. Trước đây tôi không xem tivi ban ngày bao giờ, cho nên đầu tiên là tôi – vui! Và vào tháng Bảy, tôi có mang. Sống ở Kita-senju thật tuyệt. Nhiều cửa hàng, gần ga và khu nhà của công ty thì rộng rãi. Tôi cũng có bạn ở đấy.
Tháng Mười một năm 1994, chồng tôi được điều từ Oji đến nhà máy chính ở Shinagawa [gần Yokohama hơn] và anh phải làm việc trên công trường trụ sở chính họ đang xây dựng ở Toranomon [trung tâm Tokyo]. Tòa nhà dự định hoàn tất tháng Tư năm 1995 và anh phải trông coi công việc lắp đặt, xây dựng. Anh là chuyên viên điện, cho nên phụ trách hệ thống thang máy, đèn đóm và máy điều hòa nhiệt độ. Tôi có thể nhận thấy anh vui vì được thoát khỏi công việc bàn giấy.
Anh về nhà, vừa uống bia vừa kể chuyện về ngày làm việc của anh. Đó là lúc thú vị nhất, nghe anh nói về công ty, về các đồng nghiệp, như là “Có cha ấy, hắn thế này thế nọ, em bảo anh nên làm gì?” Phần lớn thời gian anh đùa nhưng đã vào việc là anh tập trung, thật sự nghiêm túc, đúng thế đấy. Anh rất đáng tin cậy.
Cả hai chúng tôi đều mong có con. Chúng tôi muốn khoảng ba đứa. Đặc biệt là tôi, có lẽ vì tôi là con một. Khi biết mình có thai tôi vui khôn kể. Chúng tôi đặt tên cho con trước cả khi nó chào đời. Tôi nghe thấy cái tên trong một giấc mơ. Tôi mơ thấy đứa bé chạy mất hút đi đâu đó và tôi đuổi theo, gọi ra cái tên ấy. Tôi không thể tự nhớ được nó nhưng chồng tôi bảo nghe thấy tôi hét, “Asuka! Asuka!”
Chúng tôi hiếm khi cãi nhau. Nhưng lúc có mang tôi dễ cáu. Tôi công kích anh vì những chuyện không đâu ra đâu nhưng anh dễ dàng bỏ qua tất cả. Thường là anh cười xòa. Anh ấy là kiểu người tốt như vậy. Dường như trước khi chết lại còn tốt hơn.
Nếu anh đi làm về mà cơm nước có gì không ổn thì anh đều nói, “Không sao, anh sẽ đi mua đồ ăn mang về.” Anh còn hỏi quanh chỗ làm việc xem tôi có mang thì nên ăn gì. Anh thật sự chăm lo cho tôi. Buổi sáng, tôi thường bị mệt, chỉ ăn được bánh kẹp thịt sandwich và mứt nho, cho nên anh luôn nhớ mua cho tôi trên đường đi làm về.
Chủ nhật trước ngày 20 tháng Ba, chúng tôi đi mua sắm với nhau. Một việc anh ít khi làm.
Sáng hôm ấy trời mưa, chúng tôi nằm trong nhà ngủ, nhưng buổi chiều trời đã quang hơn nên tôi nói, “Mình đi mua sắm đi” và đó là lần duy nhất anh đáp, “Hay.”
Chúng tôi đi mua quần áo, tã lót, các món như thế cho em bé. Lúc đó bụng tôi đã vượt mặt và tôi đi đứng khó khăn, nhưng bác sĩ luôn bảo tôi: “Vận động! Vận động! Vận động!”
Sau đó chúng tôi ăn tối. Anh nóng lòng được trở lại với công việc hôm sau. Anh đã nghỉ thứ Sáu, nhưng thời hạn hoàn tất trụ sở vào ngày 1 tháng Tư đã lấp ló trước mắt và ám ảnh đầu óc anh. Ngoài ra thì vào ngày thứ Hai ấy cũng có một buổi liên hoan đón tiếp gì gì đó mà anh đang trông chờ nữa.
Anh luôn xuống tàu ở Kasumigaseki trên tuyến Hibiya để đi đến sở ở Toranomon. Anh thường dậy vào lúc 7 giờ và rời nhà sau 7 rưỡi. Sáng đó anh dậy rất sớm, quãng 5 rưỡi. Thường tôi không có thì giờ làm điểm tâm cho anh nhưng tối hôm trước anh nói: “Đôi khi thức dậy được chiều bằng một bữa điểm tâm ra trò cũng hay.” “Được, nếu anh ấy muốn vậy,” tôi nghĩ và sáng hôm sau đã ép mình dậy thật sớm nấu nướng cho anh. Có vẻ anh thèm được chiều chuộng chút ít.
Tôi không phải là người dậy sớm. Tôi thường quên điểm tâm. Và anh cũng không dậy sớm nốt nên cứ luôn luôn là “Không sao”, phút cuối cùng nháo nhào ra cửa, ăn vội ăn vàng trên đường đi làm. Nhưng sáng đó tôi để hai đồng hồ báo thức, dậy sớm, nướng bánh, pha cà phê, tráng trứng với xúc xích cho anh. Vui quá, anh hét lên: “U oa! Điểm tâm!”
Tựa hồ anh nhận thấy điềm gì báo trước. Tôi nhớ ngoài việc bảo tôi làm điểm tâm cho anh, anh còn nói đại khái cái gì như, “Nếu có chuyện gì xảy ra với anh thì em biết là em phải kiên cường chiến đấu nhé.” Bất ngờ trước câu nói, tôi sững ra mà hỏi, “Cái gì khiến anh lại nói thế?”
Thì ra công ty anh có chế độ ca kíp mới, anh có thể sẽ phải ngủ liền hai đêm ở cơ quan. Sẽ có những ngày anh không về nhà cho nên anh muốn cầm chắc rằng tôi sẽ có thể tự lo mọi việc. Nhưng nếu anh ở lại sở hai đêm thì sẽ lại được những ba ngày nghỉ và như vậy anh có nhiều thì giờ hơn với em bé, một viễn cảnh dễ chịu.
Anh rời nhà khoảng 7 rưỡi. Tôi biết anh bắt chuyến 7 giờ 37 của tuyến Hibiya xuất phát từ Kita-senju. Tôi tiễn anh, rửa ráy rồi dọn dẹp qua loa một chút trước khi yên vị xem chương trình Morning Wide Show. Họ cho chạy phụ đề ở trên màn hình, “Như thế, như thế đã xảy ra ở ga Tsukiji,” nhưng tôi không lo lắng vì tôi nhớ anh sẽ đi tuyến Marunouchi.
9 rưỡi, công ty gọi điện tới, nói, “Hình như anh nhà bị vướng phải chuyện rắc rối này. Chúng tôi sẽ gọi lại sau.” Rồi mười phút sau thì, “Anh nhà đã được đưa đến Bệnh viện Nakajima. Chúng tôi sẽ fax cho cô thông tin để có thể liên hệ trực tiếp.” Vậy là tôi gọi họ nhưng họ đang hoàn toàn rối bời. “Chúng tôi thậm chí còn chưa nắm được ai đang ở đây,” họ nói và gác máy. Tôi chỉ còn mỗi cách kiên nhẫn chờ thôi.
Đúng 10 giờ họ lại gọi: “Tình hình có vẻ xấu đi, xin cô hãy đến bệnh viện càng mau càng tốt.” Tôi chuẩn bị đi thì điện thoại lại réo: “Anh nhà đã chết.” Tôi nghĩ đây là sếp của anh. Ông nói: “Bình tĩnh, thưa cô Wada, xin giữ bình tĩnh!”
Thế đấy, đi khỏi nhà thì được thôi nhưng tôi không biết mình đang đi đâu. Cũng không hay sẽ bắt chuyến tàu điện ngầm nào. Cả hai tuyến Hibiya và Marunouchi đều bị hủy. Tôi đến chỗ đỗ taxi ở nhà ga nhưng ở đó chừng năm chục người đã xếp hàng. “Không được,” tôi nghĩ, rồi đi thẳng đến công ty taxi ở gần đó. Tất cả xe đều đã có người gọi. Họ điện đàm và tôi cứ chờ, chờ mãi mà vẫn chẳng có xe nào đến. May sao một người ở công ty taxi phát hiện ra một chiếc không khách ở bên kia chỗ chắn tàu, thế là tôi đi.
Lúc ấy thi thể anh ấy đã được chuyển từ bệnh viện đến đồn cảnh sát trung tâm ở Nihonbashi. Tôi đi một chiếc taxi khác đến Nihonbashi nhưng đường tắc do một tai nạn trên đường cao tốc. Chúng tôi rời Kita-senju hồi 10 giờ 10 và đến đồn cảnh sát vào khoảng 11 rưỡi. Trên taxi tôi nghe thấy tên chồng tôi. Người tài xế mở tin trên đài và họ đang đọc tên những người đã chết. “Là chồng tôi đấy,” tôi nói, “chồng tôi chết rồi.” Người tài xế hỏi: “Tôi có cần tắt đài không?” nhưng tôi nói, “Không, cứ để. Tôi muốn biết là đã xảy ra chuyện gì.”
Một giờ trên chiếc xe taxi ấy là một cuộc tra tấn. Tim tôi đập thình thịch, tôi nghĩ nó có thể nhảy ra khỏi lồng ngực tôi mất. Nếu mình sinh con ngay lúc này và ở đây thì sao? Nhưng tôi lại nghĩ, “Mình chưa thể chắc chắn chừng nào chưa nhìn thấy mặt anh. Tuyệt đối không có lý nào mà chuyện ấy lại xảy ra với anh được, chắc là đã lầm lẫn. Tại sao, ôi, tại sao chồng tôi lại là người chết cơ chứ?” Tất cả cứ quay cuồng trong đầu tôi. “Mình sẽ không khóc chừng nào không biết chắc”… Tôi cứ hy vọng một cách tuyệt vọng như thế.
Họ đang khám nghiệm tử thi cho nên lúc tôi được nhìn anh thì đã 1 rưỡi. Tôi phải chờ ở đồn cảnh sát suốt thời gian ấy. Điện thoại réo không ngừng và ai cũng chạy nhớn nhác hoảng loạn. Rối tinh rối mù. Sếp của chồng tôi và một sĩ quan cảnh sát giải thích mọi sự cho tôi, tuy nhiều chi tiết lúc này vẫn chưa rõ. Chỉ là giải thích qua qua: “Anh nhà đã hít phải một thứ gì và cái thứ ấy đã giết anh ấy.”
Tôi lập tức gọi bố tôi. “Bố cứ đến đi.” Vừa trông thấy mặt bố là tôi không sao cầm được nước mắt. Bố mẹ chồng tôi là nhà nông, nếu thời tiết tốt thì họ luôn làm việc ngoài đồng cho nên tôi không gọi cho họ được. Sếp của chồng tôi đã cố gọi nhưng không ai trả lời. Tôi muốn gặp mẹ chồng càng nhanh càng tốt. Tôi cứ ngồi đó, không nói nên lời, nghĩ: “Mình đang làm gì ở đây?” Tôi chỉ có thể làm mỗi việc là gật đầu với các câu hỏi của nhân viên điều tra.
Cuối cùng tôi được đối mặt nhìn chồng tôi ở dưới tầng trệt. Trên gác là đồn cảnh sát. Tầng trệt là nhà xác. Tôi đến nhìn mặt anh ở đó. Trong một gian phòng không to hơn hai tấm thảm tatami. Họ để anh nằm thẳng đơ, một mảnh vải trắng trùm lên. Trần truồng hoàn toàn và phủ một mảnh vải trắng. “Đừng đụng vào anh ấy,” họ bảo tôi, “Đừng lại gần quá.” Trên người anh có cái gì đó mà nếu tôi đụng vào thì nó sẽ thấm vào da tôi.
Nhưng họ chưa kịp cảnh báo, tôi đã đến chạm vào anh. Anh vẫn ấm. Có những vết cắn rướm máu ở môi. Đã đóng vảy, như thể anh đã cắn thật chặt vào, và ở tai, mũi anh cũng vậy, những chỗ chảy máu đã đóng vảy. Mắt anh nhắm. Không phải một bộ mặt đau đớn. Nhưng những sẹo, những vết máu, trông chúng quá đau lòng.
Họ không cho tôi ở lại thật lâu vì “nguy hiểm”. Tôi ở đó có lẽ một phút… không, không được đến cả một phút. “Tại sao anh ấy phải chết?” tôi nói. “Tại sao anh ấy bỏ tôi lại ở đây?” Và tôi sụp xuống.
Thi thể anh được chuyển đến Khoa Pháp y Đại học Tokyo, lúc 4 rưỡi. Bố cố khuyên tôi can đảm, nhưng tôi không nghe thấy những gì bố nói. Tôi không làm được một cái gì. Đến suy nghĩ cũng không nổi. “Mình sẽ làm gì bây giờ?” tôi chỉ có thể nghĩ được như thế.
Hôm sau tôi vĩnh biệt anh ở Đại học Tokyo. Lúc ấy, họ không cho tôi, không cho cả bà mẹ chồng ở Nagano xuống đụng vào người anh. Chúng tôi chỉ được nhìn. Tôi không thể tin được họ lại để anh suốt đêm thui thủi một mình ở cái nơi côi cút này. Ngay đến sở cảnh sát còn tốt hơn. Bố mẹ anh xuống Tokyo mà họ cũng không cho xem thi thể anh ở đồn cảnh sát. Thật tàn nhẫn.
Anh chồng tôi đưa anh về Nagano bằng xe hơi. Bố mẹ chồng tôi và ông của Eiji, tôi và bố tôi đi xe lửa. Tôi khóc suốt đường. Tôi tự nhủ, “Kiềm chế đi nào.” Tôi phải lo liệu chu đáo tang lễ này, sau đó thì tôi bất cần. Muốn gì thì bố mẹ chồng tôi cũng đang cố hết sức, vậy nên tôi cũng phải thế thôi. Như họ nói, Đức Phật không thích thấy khóc lóc. Nhưng tôi thật sự không kìm được.
Đứa bé cựa quậy trong người tôi. Hễ tôi khóc là nó lại lăn bên này bên kia. Sau tang lễ bụng tôi càng xệ xuống. Ai cũng lo lắng cho tôi. Họ nói sinh nở thường đi theo mau sau một cú sốc.
Chúng ta thường giữ một bức ảnh nho nhỏ của người chết ở ban thờ Phật, đúng chứ? Tôi để tấm ảnh đó ở bên mình lúc sinh nở và nó cho tôi sức mạnh. Mẹ chồng và mẹ của một người bạn của chồng tôi cũng ở đây để an ủi tôi. Tất cả mất mười ba giờ đồng hồ. “Khá bình thường,” họ nói. “Thế là bình thường ư?”, tôi nghĩ. [cười] Đứa bé hơn ba cân, nặng hơn mong đợi. Lúc sinh cháu, tôi mải bận quá nên quên mất chồng tôi. Đau quá mà. Tôi gần như ngất đi nhưng mẹ chồng vào phòng sản, vỗ vỗ má tôi: “Cố lên.” Nhưng tôi chẳng nhớ gì cả những chuyện này.
Khi sinh cháu xong, quá mệt, tôi chỉ muốn ngủ. Phụ nữ chắc phần lớn đều nghĩ, “Tuyệt vời làm sao!” hay “Con dễ thương quá” – nhưng tôi thì không. Sau khi gắng sức dữ đến vậy, tôi chỉ muốn buông hết…
Sau khi đẻ phải mất thì giờ nhiều mới sụt được cân nhưng mẹ chồng tôi chăm lo cho mọi cái. Bà săn sóc Asuka. Mẹ tôi mất đã lâu, bố tôi thì chẳng biết gì về chuyện này. Mẹ chồng tôi đúng là một người lão luyện, từng giúp trông hai đứa con của vợ chồng anh chồng tôi cho nên tôi thấy an toàn như ở trên một chiếc tàu du lịch viễn dương sang trọng vậy. Nếu chỉ có mình tôi, khéo tôi điên mất. Gia đình lớn có cái hay ở chỗ này.
Anh của Eiji có hai đứa con (và đứa thứ ba cũng được sinh cùng thời điểm với con tôi), hễ tôi chớm nức nở là hai cháu lại đến hỏi: “Cô có sao không?” hay “Tại vì chú Eiji chết phải không?” Với lũ trẻ ở bên, tôi không thể cứ khóc mãi được. Chúng là niềm an ủi lớn.
Đến tháng Chín, tôi quay về Yokohama, sau nửa năm sống với bố mẹ chồng. Thực tế nơi đó đã trở thành ngôi nhà thứ hai của tôi. [cười] Tôi vẫn năng trở về. Tôi thích nơi ấy. Ai cũng chào đón tôi, và mộ chồng tôi cũng ở đó.
Một năm qua đi, tôi cố gác mọi sự lại đằng sau phần nào. Tôi dần dần chấp nhận sự thật là anh không còn ở quanh đây nữa… Chồng tôi hay đi công tác hai ba tháng ở Mỹ cho nên ở một chừng mực nào đấy, việc anh không có ở đây có vẻ cũng bình thường. Ngay cả sau khi anh chết, tôi vẫn cứ nghĩ, “A, anh lại đi công tác xa nhà rồi.” Cả năm như thế, tựa hồ anh sẽ bất ngờ bước qua cửa và nói: “Anh về rồi đây!” Và sáng dậy thì tôi nghĩ: “Anh lại đi rồi.” Nhưng rồi lại trông thấy bức ảnh của anh trên bàn thờ. Đâu đó trong tôi vẫn không chấp nhận chuyện đã xảy ra. Tôi có vẻ sống pha giữa thực tại và hư ảo. Chẳng hạn ngay trong khi viếng mộ anh tôi lại nghĩ: “Anh sẽ về sớm thôi.” Nhưng sau một năm, đầu óc tôi nay đã tỉnh táo hơn. “Ừ, anh đã chết.”
Đó là phần khó khăn nhất. Đi dạo, thấy một người bố công kênh đứa con trên vai là điều khó chịu đựng nhất; hay nghe lỏm câu chuyện của một đôi trẻ tuổi – tôi chỉ muốn là mình không ở đó.
Tôi đã đọc những gì người ta nói về tôi trên báo nhưng họ không bao giờ viết điều thật sự quan trọng. Vì một lý do nào đó, tôi đã một lần xuất hiện trên tivi. Sau đó người ở đài truyền hình bảo tôi là có “nhiều phản ứng, nhiều thư” nhưng họ không gửi cho tôi cái gì sất. Làm gì mà tồi tàn thế chứ! [cười] Tôi không muốn lên tivi nữa. Không bao giờ nữa. Đơn giản bởi vì họ không nói sự thật. Tôi đã mong đợi một chút sự thật nhưng nhà đài đã có lịch của riêng họ về những cái họ phát sóng. Họ không bao giờ chiếu những cái tôi thật tình muốn nói.
Chẳng hạn khi luật sư Sakamoto kia mất tích, nếu cảnh sát Kanagawa cho phép điều tra sâu như lẽ ra phải thế thì sẽ không bao giờ xảy ra vụ đánh hơi độc. Tất cả các nạn nhân sẽ không sao cả[21]. Đó là điều tôi muốn nói, nhưng họ cắt hết. Tôi hỏi tại sao thì được biết nếu phát cái đó, họ sẽ bị sức ép của các nhà tài trợ quảng cáo. Báo và tạp chí cũng vậy.
Khi chúng tôi đem áo quan đi Nagano đã có những kíp làm truyền hình chờ sẵn với camera. Vậy mới biết thế nào là vô cảm!
Khi tôi về nhà ở Yokohama, mọi người đều biết chuyện tôi. Tôi đi xuống phố thì ai cũng chỉ trỏ: “Xem kìa, cô ta đấy. Vợ góa vì sarin đấy.” Lưng tôi rợn lên, tôi cảm thấy như bị ai đâm. Không chịu được nên tôi chuyển đi.
Lần đầu tiên tôi đến Văn phòng Ủy viên Công tố để dự một phiên tòa, họ có các lời khai của người đã đưa chồng tôi ra khỏi nhà ga. Họ cũng có lời chứng của các nhân viên nhà ga. Công tố viên hỏi tôi có muốn biết chồng tôi đã chết như thế nào không. “Dĩ nhiên,” tôi nói và họ đọc các lời chứng cho tôi. “Sao cơ? Ông nói là anh ấy đã bị chết một cách đớn đau đến thế ư?” tôi nghĩ. Tôi muốn những kẻ đã làm chuyện này phải nếm thứ thuốc của chính chúng. Tại sao chúng ta cứ giữ cho bọn chúng sống? Hãy trừng phạt chúng hết mức vào, càng sớm càng tốt, tôi nghĩ như vậy. Sau này tôi vẫn sẽ luôn muốn thế. Các phiên tòa xét xử chỉ làm cho tôi tức giận. Vin vào lý do nào mà giết chồng tôi chứ? Giờ khi tương lai chúng tôi đã bị hủy hoại, tôi nên làm gì với sự trống rỗng này đây?
Tôi muốn tự tay giết Asahara. Nếu được phép, tôi muốn được giết hắn từ từ, đau đớn. Còn Hayashi, tên thủ phạm đánh hơi độc đoàn tàu Hibiya, thì vẫn xổng[22].
Tôi chỉ muốn biết sự thật. Biết sự thật thì biết sớm phút nào hay phút ấy.
Ngay cả truyền hình và đài phát thanh cũng chả nói chút gì về việc nạn nhân phải chết một cách đau đớn ra sao. Không một lời. Vụ Matsumoto còn nói một chút, nhưng đến vụ sarin thì không. Lạ lùng. Cho nên tôi chắc đa số người ta vẫn hình dung họ chỉ tự nhiên ngất đi rồi chết “bình thường”. Các bài báo cũng như vậy. Chỉ khi công tố viên đọc các lời chứng, tôi mới biết chồng tôi chết đau đớn như thế nào. Tôi muốn nhiều người hơn biết sự thật về mức độ khủng khiếp của những cái chết ấy. Nếu không tất cả sẽ thành ra vấn đề của ai đó khác.
Điều tốt lành duy nhất là Asuka. Khi cháu nói những lời đầu tiên… Một vài cử chỉ nho nhỏ, một vài món ăn cháu thích lại làm tôi nhớ đến anh. Tôi hay bảo Asuka, “Bố thích cái này.” Nếu tôi không bảo, cháu sẽ không bao giờ biết. Khi Asuka hỏi, “Bố đâu?” tôi chỉ vào bức ảnh trên ban thờ nói, “Bố, bố.” Cháu nói, “Chúc ngủ ngon” với bức ảnh trước khi đi ngủ. Điều đó khiến tôi muốn khóc.
Tôi còn giữ một vài băng video về các chuyến đi trượt tuyết, về tuần trăng mật. Có thể nghe thấy tiếng anh ấy, nên tôi định sẽ mở cho cháu khi cháu lớn hơn. Tôi quá mừng vì chúng tôi đã ghi lại các video này. Kể cả tôi cũng đã bắt đầu quên hình dáng của anh. Đầu tiên, tôi vẫn có thể cảm thấy từng chút từng chút một khuôn mặt anh nơi ngón tay mình, nhưng dần dần tất cả rồi sẽ ra đi thôi.
Thứ lỗi cho tôi… Nó là thế đấy, nếu anh không còn hiện hữu thì tất cả bắt đầu phai đi.
Tôi đang nghĩ đến việc dạy Asuka trượt tuyết. Chồng tôi luôn nói sẽ dạy con. Tôi sẽ mặc bộ đồ của chồng tôi và dạy cháu. Chồng tôi và tôi mặc cùng cỡ. Có lẽ mùa sau tôi sẽ bắt đầu. Chắc là anh muốn như vậy.
Ngầm Ngầm - Haruki Murakami Ngầm