Số lần đọc/download: 1998 / 20
Cập nhật: 2016-03-25 13:03:52 +0700
Chương 36: Thắng Cảnh Vũng Nước Xanh
S
uổi tối chủ nhật. Tất cả đều sạch sẽ như được gột rửa. Ngay núi Mashuk với nhiều bụi cây và rừng thưa, cũng như được chải chuốt cẩn thận và toát ra hương thơm man mác.
Những cái quần trắng đủ kiểu loại, may bằng các thứ hàng khác nhau, với độ dày mỏng khác nhau, cứ nối nhau qua lại trên cái sân ga nhỏ xíu. Dân ở đây đi săng-đan và mặc áo sơ mi ital. Hai nhân vật của chúng ta thì đi loại ủng nặng nề, bẩn thỉu, mặc quần nhem nhuốc, áo gi lê nóng nực và áo vét tông còn nực hơn nữa, trông rất xa lạ giữa đám đông. Trong đám con gái lũ lượt đổ về đây nghỉ mát, với đủ kiểu quần áo bằng vải xita mỏng như thế nổi lên bộ cánh trắng cực kỳ lịch sự của vị nữ trưởng ga.
Tất cả những người tới đây đều ngạc nhiên vì trưởng ga lại là nữ. Mấy món tóc len ra ngoài vành mũ đỏ trông đến là duyên. Trên người nữ trưởng ga là chiếc áo kitel trắng và cái váy cũng trắng muốt.
Sau khi ngắm chán chê vị nữ trưởng ga, đọc tờ áp-phích vừa dán về chuyến đi biểu diễn của nhà hát Kolumbo tại Platigorak và uống hai ly nước suối hết mười côpếch, hai nhân vật của chúng ta đáp chuyến tàu điện chạy tuyến Nhà Ga - Vườn Hoa để vào trung tâm Piatigosak. Vào Vườn Hoa phải trả mười côpếch.
Ở Vườn Hoa có rất nhiều tiếng nhạc, nhiều con người vui nhộn và rất ít hoa. Dàn nhạc giao hưởng đang chơi bản nhạc "Điệu vũ của loài muỗi". Ở nhà bảo tàng Lermontov có bán nước suối. Nước suối được bán tại các quầy và ở khắp mọi nơi.
Chẳng ai để ý đến hai kẻ bẩn thỉu đi săn tìm kim cương.
- Kisa, chúng mình quá xa lạ ở nơi ăn chơi phè phỡn này.
Đêm đầu tiên ở khu nghỉ mát, hai người nằm ngủ cạnh nguồn suối nước khoáng.
Ở Piatigosak, khi nhà hát Kolumbo biểu diễn buổi thứ ba vở "Cuộc hôn nhân" của mình trước công chúng thành phố, hai nhân vật của chúng ta mới nhận thức rõ toàn bộ sự khó khăn của việc săn tìm kho báu. Họ không thể lọt vào sân khấu như dự tính lúc trước. Galkin, Palkin, Malkin, Chalkin và Zankinđ nằm ngủ ngay sau cánh gà, vì sự ăn kiêng không cho phép tốp nhạc công này sống ở khách sạn.
Ngày nọ qua ngày kia, và hai thành viên hợp đồng kiệt sức dần vì phải ngủ ở nơi Lermontov xưa kia từng đấu súng và phải xách thuê hành lý cho dân du lịch hạng trung để lấy tiền sinh sống.
Đến ngày thứ sáu, Ostap làm quen được với thợ điện Mechnikov, người phụ trách máy ép thủy lực. Dạo này, vì không còn tiền uống rượu, ngày nào cũng chỉ ngà ngà say nước suối khoáng, Mechnikov lâm vào tình thế đáng sợ và, theo quan sát của Ostap, cứ phải đem một vài thứ đồ lề của nhà hát ra chợ bán. Sự thỏa thuận cuối cùng diễn ra vào lúc bình minh bên nguồn suối khoáng. Thợ điện Mechnikov gọi Ostap là chú em và đồng ý.
- Xong - bác ta nói - bao giờ cũng xong, chú em ạ. Xong ngay tắp lự.
Ostap hiểu ngay rằng bác thợ điện vào loại tay tổ.
Hai bên thỏa thuận nhìn vào mắt nhau, ôm nhau, vỗ vỗ vào lưng nhau và cười tử tế.
- Này - Ostap nói - xong toàn bộ việc ấy tôi xin biếu bác một chục!
- Ồ chú em! - tay tổ ngạc nhiên. - Toa làm moa giận đấy. Moa là kẻ nghiện nước trắng mà.
- Thế bác muốn bao nhiêu?
- Nửa bách đi. Tài sản quốc gia. Mà moa lại là dân ghiền.
- Thôi, bác nhận hai chục thôi, được không? Nhìn mắt bác tôi biết là bác đã đồng ý.
- Đồng ý là sản phẩm của sự thỏa thuận hoàn toàn giữa cả hai bên.
- Nó nói hay chưa, đồ chó. - Ostap ghé tai Ippolit nói nhỏ - Ông hãy lắng nghe mà học tập nó.
- Vậy bao giờ bác đem ghế lại?
- Có tiền thì có ghế.
- Nhất trí - Ostap trả lời không cần suy nghĩ.
- Phải ứng trước - tay tổ tuyên bố - tối nay đưa tiền, sáng mai có ghế, hoặc, sáng tiền, tối ghế.
- Nếu hôm nay trao ghế, sáng mai trả tiền thì có hơn không? - Ostap thử mặc cả.
- Moa là dân ghiền mà, chú em. Điều kiện như thế nghe không thuận tai.
- Nhưng phải sáng mai tôi mới ra bưu điện lĩnh tiền được kia - Ostap nói.
- Vậy thì lúc ấy ta sẽ nói chuyện với nhau - lão thợ điện ngang bướng kết luận - còn bây giờ thì tạm biệt hai vị, moa đi đây, cái máy ép của moa luôn đòi hỏi người trông nom. Simbievich nó gớm lắm. Sức moa đã yếu, mà chỉ uống nước suối không thì sống sao được?
Và Mechnikov bỏ đi trong ánh nắng ban mai rọi vào người lão ta.
Ostap nghiêm nghị nhìn Ippolit, nói:
- Thời gian mà chúng ta đang có chính là khoản tiền mà chúng ta không có. Ta phải hành động thôi. Trước mắt ta là một trăm năm mươi ngàn rúp không hào không xu. Chỉ cần có hai mươi rúp là đống tiền kia vào tay chúng ta. Giờ thì phương tiện gì cũng đều là tốt. Được ăn cả, ngã về không.
Ostap trầm ngâm đi quanh Ippolit một vòng.
- Ông hãy cởi áo vét ra, lẹ lên - đột nhiên hắn nói.
Cầm lấy cái áo trước con mắt ngạc nhiên của Ippolit, hắn ném ngay xuống đất và dùng gót giày bẩn thỉu chà đạp lên.
- Anh làm gì thế? - Ippolit cao giọng - Cái áo này tôi mặc đã mười lăm năm nay mà vẫn mới nguyên.
- Đừng lo! Nó sắp sửa hết mới rồi! Đưa mũ đây! Bây giờ ông hãy vẩy nước vào quần và trát bụi đất vào đó! Nhanh lên!
Mấy phút sau, Ippolit trở thành một kẻ lem luốc dễ sợ.
- Bây giờ thì ông đã có đầy đủ khả năng để kiếm tiền bằng lao động chân chính.
- Tôi phải làm gì đây? - Ippolit dở khóc dở mếu, hỏi.
- Tôi hy vọng ông biết tiếng Pháp chứ?
- Hỏng quá, chỉ trong chương trình trung học ngày xưa.
- H... ừm! Thì sử dụng vốn liếng ấy cũng được. Liệu ông có thể nói nổi bằng tiếng Pháp câu sau đây không: "Các ngài ơi, đã sáu ngày nay con không được ăn miếng gì..."?
- Mơxiơ... - Ippolit ấp a ấp úng - mơxiơ, hưm, hưm, giơ nơ, hình như giơ nơ măng-giơ pa... sáu, gì nhỉ, oong, đơ, troa, cát, xanh,... sít... sít giua. Nghĩa là giơ nơ măng-giơ pa sít giua.
- Phát âm của ông chán mớ đời! Nhưng cũng chả đòi hỏi gì hơn ở kẻ ăn mày được nữa! Đương nhiên kẻ ăn xin ở nước Nga châu Âu phải nói tiếng Pháp tồi hơn Milleran. Này, thế ông biết tiếng Đức đến trình độ nào, Kisa?
- Tôi cần tất cả các trò này để làm gì? - Ippolit ngơ ngác.
- Để - Ostap nói cứng rắn - bây giờ ông đến Vườn Hoa, đứng dưới bóng cây và dùng tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nga mà xin ăn, viện cớ ông nguyên là ủy viên Đuma thuộc phái Kađét. Toàn bộ số tiền xin được sẽ nộp cho lão thợ điện Mechnikov. Ông hiểu chưa?
Ippolit thay đổi hẳn. Ngực ông ta ưỡn thẳng như cây cầu Đvorsovưi ở Leningrat, mắt tóe lửa, còn hai lỗ mũi thì Ostap thấy hình như đang xả khói. Bộ tia từ từ ngọ ngoạy.
- Ái chà chà - vua mánh không chút sợ hãi, nói - nhìn ông ta kìa. Không phải là người nữa, mà y như một chú ngựa non.
Ippolit nói không mấp máy môi:
- Không đời nào, không đời nào thằng Ippolit thuộc dòng họ Vorobjaninov này chịu ngửa tay ăn xin.
- Thì chết thẳng cẳng, đồ con lừa! - Ostap rít lên - Ông chưa bao giờ ngửa tay ăn xin thật chứ?
- Chưa bao giờ.
- Giỏi quá nhỉ! Ba tháng nay hắn ăn bám vào tôi. Ba tháng nay tôi cho hắn ăn uống, dạy dỗ hắn, bây giờ cái giống ký sinh trùng ấy còn mở miệng tuyên bố rằng hắn... Được lắm, ông bạn ạ, thế là đủ rồi! Cho phép ông lựa chọn: hoặc ngay bây giờ ông phải đến Vườn Hoa và tối nay mang mười rúp về đây, hoặc tôi sẽ gạch tên ông ra khỏi danh sách cổ đông tham gia hợp đồng. Tôi sẽ đếm đến năm. Có chịu hay không? Một...
- Chịu - Ippolit lắp bắp.
- Thế thì nhắc lại câu ăn xin đi.
- Mơxiơ, giơ nơ măng-giơ pa sít giua. Heben di mia bit te ết vat côpếch a-úp đem stus brot. Xin các ông các bà bố thí đôi chút cho kẻ nguyên nghị viên viện Đuma này.
- Nhắc lại! Nói cho thảm thiết hơn!
Ippolit nhắc lại.
- Được đấy. Ông có tài bẩm sinh đi ăn mày đó. Giờ thì đi đi. Hẹn nửa đêm gặp nhau ở đây. Và nhớ rằng không phải hò hẹn để tình tự đâu nhé, vì ăn xin buổi tối dễ được người ta bố thí hơn.
- Còn anh đi đâu? - Ippolit hỏi.
- Ông khỏi lo. Bao giờ tôi cũng nhận hành động ở nơi gay go nhất.
Đôi bên chia tay nhau.
Ostap chạy đến ki-ốt bán giấy, dùng đồng mười côpếch cuối cùng mua một cuốn hóa đơn, rồi ngồi trên ghế đá gần một giờ để đánh số thứ tự và ký tên trên từng tờ hóa đơn một.
- Phải làm cho có hệ thống tử tế. - hắn lẩm bẩm - mỗi xe của nhà nước đều được ghi sổ kế toán hẳn hoi.
Vua mánh rảo bước trên con đường chạy quanh núi Mashuk dẫn đến chỗ nhà thơ Lermontov đấu súng với Martysov, ngang qua các dãy nhà an dưỡng. Nhiều chiếc xe buýt và xe ngựa vượt lên trước hắn. Hắn tới một địa điểm gọi là Proval - nơi núi sụt.
Một cái hành lang nhỏ đục qua đá dẫn vào một nơi núi sụt hình nón. Hết hành lang tới một cái ban công nhỏ, đứng ở đây có thể nhìn thấy dưới đáy hố sụt một vũng nước hôi màu xanh lục. Nơi này được coi là một thắng cảnh của Piatigosak, cho nên hàng ngày có khá nhiều tốp tham quan và dân du lịch tới thăm.
Ostap đã hiểu ngay rằng địa điểm này, đối với một người không có thành kiến, có thể là một nguồn thu nhập.
"Quái lạ - Ostap suy ngẫm - tại sao đến nay thành phố vẫn không nghĩ ra sáng kiến thu của khách đến thăm Proval mỗi người mười côpếch vào cửa? Hình như đây là nơi duy nhất mà thành phố Piatigosak cho dân du lịch đến xem không thu tiền lệ phí. Mình sẽ xóa vết nhơ này khỏi bộ mặt danh giá của thành phố, mình sẽ sửa chữa thiếu sót đó."
Và Ostap đã hành động theo sự gợi ý của lý trí, của bản năng lành mạnh và của tình thế hiện tại.
Hắn đứng ở lối vào Proval, vẩy vẩy quyển hóa đơn trong tay và thỉnh thoảng kêu to:
- Mua vé, bà con ơi! Mười côpếch! Trẻ em và bộ đội được miễn! Sinh viên - năm côpếch! Ai không phải là đoàn viên công đoàn thì phải trả ba chục côpếch.
Ostap đánh trúng tâm lý. Dân Piatigosak chả ai đến Proval, còn muốn móc túi mười côpếch của mỗi người du lịch xô viết về khoản lệ phí vào cửa nào đó thì chẳng có gì khó. Đến khoảng năm giờ chiều đã thu được sáu bảy rúp. Đóng góp cho khoản ấy là những người không phải đoàn viên công đoàn, ở thành phố này thiếu gì họ. Ai vào cửa cũng sẵn sàng bỏ ra đồng mười côpếch. Một anh chàng du lịch hồng hào nhìn Ostap, đắc thắng bảo vợ:
- Em thấy chưa, Tania, hôm qua anh bảo em thế nào nhỉ? Thế mà em cứ cãi rằng ở Proval không phải mua vé vào cửa. Làm gì có chuyện đó, phải không đồng chí bán vé?
- Tuyệt đối đúng - Ostap xác nhận - Làm gì có chuyện vào xem không mất tiền. Đoàn viên công đoàn trả mười côpếch, không phải đoàn viên thì phải trả ba mươi côpếch.
Gần tối, có hai chiếc cam nhông chở một tốp chiến sĩ công an Khác-cốp chạy đến Proval. Ostap hoảng hốt, đã định giả vờ sắm vai một người du lịch vô tư nhưng các chiến sĩ công an rụt rè tụ tập xung quanh vua mánh đông đến nỗi không còn đường rút nữa. Ostap đành nói to, giọng khá chững chạc:
- Đoàn viên công đoàn phải trả mười côpếch, nhưng vì anh em công an thuộc loại sinh viên và trẻ em, nên chỉ phải trả năm côpếch một người.
Anh em công an trả tiền và tế nhị hỏi xem người ta thu năm côpếch của họ để làm gì.
- Để đại tu khu vực núi sụt - Ostap trâng tráo đáp - để nó khỏi bị sụt thêm.
Trong lúc Ostap khôn khéo hành nghề tại thắng cảnh vũng nước xanh, thì Ippolit cúi gập lưng đứng dưới một gốc cây keo, xấu hổ gầm mặt xuống không dám nhìn những người đi dạo, miệng nhai đi nhai lại mấy câu được giao:
- Mơxiơ, giơ nơ măng-giơ pa... Heben di mia bit te... Hãy bố thí cho nguyên lão nghị viên viện Đuma một chút gì...
Người ta cũng quẳng cho vài côpếch gì đó, tuy là ít, nhưng rất miễn cưỡng. Dầu sao, nhờ lối phát âm chữ "măng-giơ" đặc giọng Pari và nhờ đem hoàn cảnh đáng thương của nguyên lão nghị viên viện Đuma để làm mủi lòng mọi người, mà Ippolit đã kiếm được khoảng ba rúp.
Dưới chân những khách dạo chơi, sỏi kêu lạo xạo. Dàn nhạc chốc chốc lại chơi bài của Straus, của Brams và của Grig. Đám đông vui vẻ trò chuyện, lướt qua chỗ ngài đô thống già và sau đó quay trở lại. Bóng hình Lermontov mờ mờ ảo ảo như ẩn hiện trên đầu những người đang đứng ăn món masomi ở hiên căng tin. Mùi nước hoa và nước suối thoang thoảng.
- Xin hãy bố thí chút ít cho nguyên lão nghị viên viện Đuma - Ippolit lầm bầm.
- Này ông lão, quả thật ông là nghị viên viện Đuma hả? - tiếng ai đó oang oang ngay bên tai Ippolit - Ông từng dự các kỳ họp của viện Đuma thật hả? Chao! Chao! Nhất hạng! Nhất hạng!
Ippolit ngẩng mặt lên và sờ sững. Trước mặt ông ta là Avessal Vlađimirovich Iznurenkov đang nhảy choi choi như một con chim sẻ. Nhà hài hước đã thay cái áo vét nâu bằng áo màu trắng và chiếc quần cộc màu xám. Ông đang rất vui vẻ và có lúc nhảy cao đến nửa mét cách mặt đất. Iznurenkov không nhận ra Ippolit nên cứ liên tục hỏi luôn miệng"
- Này, ông quả thật đã gặp Rođzunko à? Có đúng là Purishkevich hói đầu không? Chao! Chao! Đề tài này hết ý! Nhất hạng.
Vừa nhảy choi choi, Iznurenkov vừa nhét ba rúp vào tay vị đô thống luống cuống, rồi chạy đi. Nhưng ở khu vực Vườn Hoa còn thấp thoáng hồi lâu cặp chân mập mạp của ông ta và tiếng nói oang oang cứ như từ trên cây rót xuống:
- Chao! Chao! "Người đẹp ơi, đừng hát, những câu hát Grudi!" Chao! Chao! "Bài ca buồn da diết, nhắc nhở ta cuộc đời, và bến bờ xa xôi!..." 1 Chao! "Sáng sáng nàng lại mỉm cười!" Nhất, nhất hạng!
Ippolit tiếp tục đứng cúi gằm mặt xuống đất. Đứng như thế thật uổng, vì không nhìn thấy nhiều điều.
Trong bóng tối kỳ lạ của màn đêm buông xuống Piatigosak, có một đôi nam nữ đang đi dạo trong công viên, trên con đường hai bên trồng cây. Đấy là Elloska Sukin và anh chồng ngoan ngoãn Ernest Pavlovich Sukin (anh này đã quay về làm lành với vợ). Chuyến đi du lịch đến vùng suối khoáng này là nỗ lực cuối cùng trong cuộc đua tranh gay go với con gái nhà tỷ phú Mỹ Vanđerbilđ. Cô gái Mỹ cách đây ít lâu đã quyết định dùng chiếc thuyền buồm riêng của mình đi ra đảo Sanđvichev du ngoạn.
- Ô hô! - tiếng nói vang lên trong cảnh yên tĩnh của đêm tối. - Nổi quá, Ernestulia! Tu-uy-ệ-t!
Ở căng tin chan hòa ánh sáng, gã ăn cắp vặt Alkhen đang ngồi với vợ mình là Sashken. Hai má chị ta vẫn được trang điểm những bím tóc kiểu Nikolaev như cũ. Alkhen ngượng nghịu ăn món thịt nướng, nhắm với rượu Kakhentia 2 No2 còn Sashken thì vừa ngồi mân me các bím tóc, vừa đợi món cá tầm đã đặt mua.
Sau khi giải thể nhà dưỡng lão số 2 (và bán đi tất cả mọi thứ kể cả được mũ vải tualđenor của người cấp dưỡng và khẩu hiệu "Nhai kỹ thức ăn là bạn giúp đỡ xã hội"), Alkhen quyết định đi nghỉ và du ngoạn ít lâu. Số phận lần này lại cứu tên bợm no nê đó. Sáng nay hắn đã định đến thắng cảnh Proval, nhưng chưa kịp đi. Sự ngẫu nhiên đã cứu hắn. Nếu không chắc chắn Ostap phải moi được của gã chủ nhiệm e lệ ấy không dưới ba chục rúp.
Ippolit chỉ trở về nguồn suối khi các nhạc công đã thu dọn dụng cụ của mình, công chúng đã giải tán và chỉ còn những cặp trai gái thở hổn hển trong công viên "Vườn Hoa".
- Được bao nhiêu? - Ostap hỏi khi thấy cái dáng còng còng của ngài đô thống xuất hiện bên nguồn suối.
- Bảy rúp hai mươi chín côpếch. Ba rúp tiền giấy. Còn lại là tiền xu bằng đồng và bạc.
- Ngày đầu tiên như thế là khá lắm! Bằng lương của một cán bộ tầm cỡ! Ông thật đáng yêu, Kisa ạ! Nhưng tôi muốn biết cái thằng ngu nào lại đưa cho ông những ba rúp thế? Hay là ông phải thối lại khi họ đưa tiền chẵn?
- Iznurenkov cho đấy.
- Thật ư? Avessal Imurenkov? Chà, cái thằng cha ấy! Ông nói chuyện với nó à? Nó không nhận ra ông hay sao?
- Lão ta hỏi về viện Đuma! Và cười ha hả!
- Thấy chưa ngài đô thống, làm kẻ ăn xin chẳng đến nỗi nào, nhất là khi có học vấn và biết cách hạ giọng! Thế mà ban đầu ông còn định khước từ. Mà thôi, tôi cũng không bỏ phí thời gian vô ích đâu. Mười lăm rúp cơ đấy. Cộng lại với ông, quá đủ.
Sáng hôm sau Mechnikov nhận tiền và buổi tối vác hai chiếc ghế đến. Chiếc thứ ba, theo lão nói, không thể lấy được, vì tốp nhạc công dùng làm bàn đánh bạc với nhau.
Để thật an toàn, hai nhân vật của chúng ta đem ghế lên gần đỉnh núi Mashuk.
Ở phía dưới, thành phố Piatigosak là một quầng sáng bất động nhờ vô số ánh đèn. Xa hơn nữa là bản Goriachevođa - bản Nước Nóng - ánh sáng ở đấy mờ hơn. Còn phía chân trời là thị trấn Kislovosk nổi lên thành hai đường chấm chấm song song với nhau.
Ostap ngẩng mặt lên bầu trời đầy sao và rút từ trong túi ra chiếc kìm dẹt mà bạn đọc đã biết.
Chú thích
1.Mấy câu thơ mở đầu bài thơ "Người đẹp ơi, đừng hát" của Puskin.
2.Một tỉnh ở phía đông Grudia.