Đừng lo ngại cuộc sống sẽ kết thúc, hãy lo ngại cuộc sống chẳng bao giờ bắt đầu.

Grace Hansen

 
 
 
 
 
Tác giả: Ma Văn Kháng
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 40
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 256 / 21
Cập nhật: 2020-06-05 12:47:51 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
ắc phắt lên lưng con ngựa màu nâu, giật cương. Con ngựa vượt ra cổng doanh trại, lao xuống mặt cây cầu, băng qua một đường phố. Phố xá đã vắng người hay vì anh phi nhanh quá nên không trông thấy ai? Qua cổng trụ sở ủy ban, anh cho ngựa chậm lại và ngạc nhiên thấy cả khu nhà vắng vẻ khác thường. Tường, ủy viên thư ký, tuần trước đã bỏ trốn. Thằng cha lá mặt lá trái ghê người. Nó dám nhân danh ủy ban đòi giải tán ủy ban thị trấn do ông Bằng làm Chủ tịch, đòi điều cả tiểu đoàn cảnh vệ ra khỏi thị xã. Chính dùng quyền lực đặc phái viên phủ quyết đòi hỏi của Tường, nó lồng lộn phá phách. Nó thụt két. Nó buôn lậu. Tâm quyết định bắt nó thì nó chuồn.
“Thế mà mình lại có thể kết thân với nó được?”. Đắc nghĩ, thoáng chút buồn buồn như nghĩ tới những ngày thơ ấu ngốc nghếch đã xa. Anh đã khác với những ngày đã qua. Dễ buồn nản, dễ hăng hái, anh đã đứng dậy được trong sự chỉ bảo nghiêm nghị và thân ái của Chính. Anh đã tự chỉ trích mình trước đơn vị. Và theo kế hoạch của Chính, các đơn vị nhỏ đã chia đi các châu, tranh thủ thời gian xuống các châu thâm nhập vào quần chúng các dân tộc, gây dựng cơ sở.
Con ngựa qua phố, vun vút phi bên bờ con sông biên giới và ngược dốc về phía châu Mường Cang. Gió trên cao ào ào thốc xuống, hất ngược vào mặt Đắc. Dưới vành mũ sắt, gương mặt vuông sạm nắng gió của anh tươi lạnh và hăm hở. Vó ngựa vang trong thanh vắng, kích thích sức trai trẻ. Anh muốn cất tiếng hát: “Ta mơ trần gian lúc san bằng hết biên thuỳ...” khi cùng con ngựa lên tới đỉnh một con dốc. Nhưng lại vội ghìm mình và thúc con ngựa lao xuống bên kia dốc. Đắc cần nghiêm khắc với bản thân. Đắc sẽ làm lại cuộc đời. Đắc sẽ lột xác. Đắc phải đắm mình vào cuộc sống cơ cực của quần chúng cần lao. Đắc sẽ nghiến răng rèn luyện và khổ hạnh tu dưỡng.
Những ý nghĩ bồng bột, chân thành của Đắc cuộn sôi lên trong tiếng chân ngựa guồng gấp gấp.
Con ngựa đang ngược dốc Chín Quai, thì chợt bị ghìm bước. Xuống ngựa, Đắc nhận ra bốn năm người đang vây quanh một người đàn ông Nùng nằm co quắp ở bên đường. Hỏi ra, Đắc mới biết họ là gia nô của ông thổ ty Nông Vĩnh Yêng. Người nằm co quắp bên đường đang ốm nặng, giờ phải đưa về bản quê vì chắc khó qua nổi. Ông ta liền một tháng nay ngày nào cũng phải đuổi ngựa thồ cho ông Yêng.
“Ông Yêng là Chủ tịch tỉnh mà thế à!”. Xoa dầu cho người bị ốm xong. Đắc lại nhảy lên mình ngựa, lòng hết sức bức bối. Xế trưa, con ngựa đã đưa Đắc tới trấn Mường Cang.
Con đường thẳng vút qua cánh đồng thuốc phiện đang ra hoa, đâm vào cái thị trấn nhỏ xíu thuần nhà tường đá lợp ngói, trong nắng mùa thu vàng, buồn thỉu như từ lâu đã bị quên lãng.
Con ngựa đang phi chợt chững lại vì ba người cầm súng từ cái lô cốt ở bên đường chạy vụt ra, chắn đường. Đắc hất vành mũ sắt. Anh cố ý để họ thấy vẻ oai vệ, khẩu súng pa-ra-ben-lom đeo ở hông cùng là trang phục sĩ quan của mình.
— Cái gì thế?
Đáp lại câu hỏi hơi gắt của anh, ba người chặn đường cùng ngẩng lên, điềm nhiên:
— Không được vào trấn!
— Tại sao?
— Ông Châu ra lệnh.
— Nông Vĩnh Yêng hả? Ông ấy là chủ tịch tỉnh. Tôi là cấp chỉ huy cao nhất của bộ đội.
— Chúng tôi không biết.
— Để tôi vào gặp ông Yêng! Hừ, làm ăn loạn xị thế này à!- Đắc gắt.
Ba người nọ vẫn giăng thành hàng chắn lối. Nhưng lúc ấy từ trong cái lô cốt ở bên đường có một người vừa chui ra. Người này cao, gầy, mắt trắng, răng vổ, mũ chào mào dạ đội lệch, thái dương có cái sẹo to bằng đồng bạc trắng, mặc quần áo lính khố đỏ.
— Bẩm ông Lý Kiêu Đương...
— Cho ông ta đi.
Đắc chưa kịp gọi, người vừa ra lệnh nọ đã tọt vào lô cốt.
Trấn vắng tanh. Đất sau mưa lỗ chỗ vết chân ngựa. Rất nhiều vết chân ngựa. Hình như vừa có một cuộc hội quân lớn ở dây.
Ngựa dừng trước căn nhà gác nhỏ có tấm biển đề “Châu bộ Việt Minh” bằng hai thứ chữ Việt và Hán. Từ ngày ông Yêng làm chủ tịch tỉnh, Việt Minh đã có trụ sở ở đây. Phụ trách châu bộ ở đây là một đồng chí rất trẻ, mười chín tuổi, tên là Tiến.
Gọi cửa mấy lần, căn nhà vắng lặng không tiếng đáp, con ngựa quanh quanh, phân vân. Thấy một cái võng trùm vải do hai người khiêng ở phía trước, Đắc liền quất ngựa phi tới.
— Đồng bào ơi! Cho tôi hỏi thăm.
Cái võng đứng lại. Hai người khiêng võng ngẩng lên lúng túng chưa biết đáp thế nào thì từ trong cái võng, một đôi chân đi giày vải thò ra, đặt xuống đất cùng một tiếng kêu như mếu:
— Ôi, ngài Đắc!
Chui từ cái võng trùm vải tum hum ra một ông già gầy quắt, mặt hốc hác, hai vệt mày áy trụi, mặc áo chàm khuy vải, bó sát người.
— Cụ Hoàng! — Đắc kêu, nhảy xuống ngựa.
Cụ Hoàng lẫm chẫm bước lại gần Đắc, miệng nhệch như mếu:
— Ngài Đắc ơi! Ông Chủ tịch phản ta rồi.
— Sao?
— Ngài Đắc ơi! Tôi nhân danh ủy ban vào thanh tra ở đây. Ông Yêng chẳng thoái tô, vẫn thu thuế thân, lại bắt dân đóng tiền mua súng đạn. Có người bảo tôi: Ông Yêng được Tây nó hứa cho làm tỉnh trưởng rồi. Giờ ông ấy có năm trăm lính. Tôi yêu cầu ông Yêng lập biên bản. Ông ấy sai người khiêng tôi ra võng, trục xuất tôi về tỉnh. Họ phản ta rồi, ngài Đắc ơi!
— Được rồi! Để tôi vào xem.
Đắc leo lên lưng ngựa. Con ngựa chạy thẳng đến tòa biệt thự xinh xắn ở ngã tư trấn. Anh nhảy xuống ngựa thì đã thấy ông Yêng đội mũ phớt, mặc pa-đờ-suy, hấp tấp từ trên thềm bước xuống, dang hai tay, vồn vã:
— Ôi chà! Sao tới tận giờ đồng chí mới vào vãn cảnh quê tôi. Quý hóa quá. Xin mời đồng chí vào phòng khách ạ.
Đắc vứt cương ngựa cho một người nhà ông Yêng rồi bước vào phòng khách. Anh đưa mắt dò xét thận trọng. Phòng khách yên tĩnh. Những cánh hoa hồng rười rượi. Hương chè ngan ngát, ru hồn người.
— Tình hình ở tỉnh dạo này có gì lạ không, đồng chí Đắc — Ông Yêng xoa xoa hai tay, vui vẻ — Tôi xin phép đồng chí đặc phái viên về ít ngày để thu xếp gia đình tản cư. Xong lại ra nhiệm sở. Ở nhà sốt ruột lắm. Việc dân việc nước...
Đắc nhiu nhíu mày:
— Tôi vừa gặp cụ phó chủ tịch Hoàng...
— Dà, cái ông Hoàng lẩm cẩm quá... — Ông Yêng cướp lời Đắc — Ông cụ vào đây, rượu chè sớm tối bất kể. Hôm nay, uống rượu ở nhà lão Mìn, say bị trúng gió, tôi phải cho người khiêng về.
“Thế là thế nào?”. Đắc cau mày. Ông Yêng đã lại thao thao, bộc bạch tấm lòng trung với nước, hiếu với dân của ông. Ông khoe đã lệnh cho toàn dân góp thóc gạo cho kháng chiến, đã tăng cường canh gác vì hồi này có tin nhiều tên gián điệp của Pháp định vượt biên giới về đây.
— Ông Yêng này — Đắc nhấc tách nước chè, vào công việc — Lần này tôi vào định đi xuống mấy xã biên giới.
— Thế thì tốt quá! — Ông Yêng gật đầu — Tuần trước, anh Tiến bên Châu bộ dẫn bộ đội đi, tôi đã cử cả ông Lý Kiêu Đương dẫn đường đấy. Mai đồng chí đi ạ? Thế thì mời đồng chí đi nghỉ cho đỡ mệt.
Đắc vào phòng nghỉ. Đêm, ngủ, anh không quên để khẩu súng ngắn ở đầu giường. Anh đã khôn rồi. Nhưng cả đêm không có chuyện gì xảy ra cả.
Sáng sớm hôm sau, Đắc dậy sớm, ăn sáng xong sửa soạn lên ngựa thì Lý Kiêu Đương đến. Hai người bắt tay nhau rồi cùng lên ngựa.
— Mời ngài đi trước.
— Mời ông!
Buổi sáng, sương che kín các ngọn núi nhọn. Gió lướt nhẹ, vi vút như một nét nhạc êm. Tâm hồn Đắc thoáng bâng lâng. Con ngựa bước chậm theo bờ con suối nhỏ, hai bờ xanh mướt cỏ, vàng hoe những chấm hoa me nhỏ.
— Ông Đương này, hiện nay lính của Châu có bao nhiêu?
— Ừm...
Viên đội khố đỏ gục gặc cái cổ ngẵng, như anh rụt lưỡi, ngắc ngứ không lên lời. Mặt khó đăm đăm, y cho ngựa bước chậm lại, cố tình đi sau Đắc.
— Sắp tới chưa? — Đắc dừng ngựa có ý chờ Đương.
— À... ừm...
Đang đi, con ngựa của Đương đột ngột dừng phắt. Rồi bất thình lình nó chuyển hướng ngoắt vào cánh rừng vầu ở bên phải con đường, Đắc giật cương ngựa quay lại. Nhạy cảm về một mối hung hiểm, anh vội cúi xuống, rút khẩu súng ngắn.
— Đoàng!
Một tiếng súng nổ vang, xiết qua đầu Đắc. Con ngựa nâu lồng lên, hí hách hách sợ hãi. Đắc giơ súng về phía rừng vầu, bóp liền hai phát.
— Trượt rồi!
Từ phía rừng vầu vụt ra những bóng áo đen và súng bỗng nổ rền một hồi.
“Tao biết rõ mặt chúng mày rồi. Từ giờ, đừng có hòng lừa tao nữa”. Đắc nghĩ, ngoái cổ về phía sau, nổ liên tiếp mấy phát súng bắn trả.
Tuần lễ sau, Đắc mới trở về tỉnh. Con ngựa nâu bùn dính tới tận ức vụt vào cổng ủy ban Hành chính tỉnh, quay vòng ở cái sân nhỏ, móng khua rộn trong tiếng sỏi cuội lạo xạo.
Khả từ trong nhà chạy ra, reo to:
— Ôi! Anh Đắc. Ta thắng to rồi!
— Thế nào?
— Việt Bắc thắng to rồi! Kế hoạch “Clos Clos” của địch với hai vạn quân, gồm đủ quân dù, tàu chiến hòng tiêu diệt chủ lực và làm tê liệt đầu não kháng chiến của ta đã hoàn toàn thất bại. Ta thắng to rồi, anh Đắc ơi!
Đắc dừng ngựa. Tin chiến thắng, như những đợt sóng lan tỏa khắp người anh, xua tan hết mệt nhọc, nguy hiểm đường trường; anh đã vượt qua trận phục kích của Đương, tới chỗ bộ đội châu, bàn xong kế hoạch công tác rồi vượt vây về đây. Tựu trung, thiên bẩm của anh vẫn nghiêng về phía chiến trận. Sau một tuần mới gặp lại, Khả nhận ra Đắc gầy đi, giản dị hơn. Nhưng hai con mắt dậy lên những tia sáng kỳ lạ, ánh xạ những chuyển hóa đang diễn ra mãnh liệt trong nội tâm anh.
— Sao vắng vẻ thế, đồng chí Khả?
Dừng lại ở cửa văn phòng, Đắc nhìn những căn buồng còn nguyên các biển đề: Chủ tịch, Phó chủ tịch, Ủy viên thư ký..., nhưng không một bóng người.
Khả cười:
— Họ dùng kế tẩu vi thượng sách rồi!
— Thế đấy!
— Phản bội là cái chắc rồi, anh ạ.
— Anh Chính, anh Tâm đâu?
— Ở trên gác, đang họp.
Đắc cởi mũ sắt, chậm rãi bước lên thang gác. Đứng lại ở cửa phòng Chính, anh nghe thấy giọng Tâm lọt ra khe cửa nho nhỏ, trịnh trọng như đọc thông báo.
— Ngày 29 tháng 9, tại mặt trận phía Tây tỉnh ta, địch phản công từ Lai Châu sang Bình Lư, bị ta đánh chúng phải rút. Ngày 6 tháng 10, địch tập trung ba trăm quân đánh ta ở Đèo Mây, Rừng Cấm. Bộ đội ta phục kích, bị lộ. Ta nghi là có gián điệp báo. Chúng vây ta. Đêm thấy chúng bấm đèn pin, các chiến sĩ nghi ngờ, chỉ huy thiếu cảnh giác lại cho là đom đóm. Sáng sau, địch ồ ạt đánh phía trước và có mũi vu hồi phía sau. Bộ đội dũng cảm chiến đấu, tuy có thương vong nặng.
Đắc rên lên một tiếng khe khẽ. Nghiêm trang quá, lịch sử đã sang một trang mới. Người anh rung lên vì hồi hộp. Không cất nổi bước vào phòng, anh nghe thấy tiếng Chính thở rất nhẹ, và thanh thoát:
— Thế là xong một giai đoạn.
— Xong thế nào được — Tiếng Tâm hơi gắt nhưng hàm ẩn tiếng cười — Rồi anh sẽ phải kiểm điểm về giai đoạn này, anh Chính ạ.
— Kiểm điểm thế nào. Giữ được sáu tháng yên ổn với cái ủy ban có tính chất dung hòa thế này là khá lắm rồi. Sáu tháng giá trị bằng sáu năm, nhờ nó mà đã làm được bao nhiêu việc. Tôi hỏi anh, tình thế lúc đó là, thằng Quốc dân Đảng còn, thằng Tây đang ngấp nghé. Không tranh thủ thổ ty, kéo nó về với ta thì tức là đẩy nó nhanh về phía địch. Kéo nó về để ta đi vào quần chúng.
— Nhưng anh đã giao chính quyền cho địch, tước bỏ quyền làm chủ của quần chúng.
— Ôi trời! Đừng có xét vấn đề nông cạn như thế. Chính quyền là gì? Là hệ thống bạo lực. Tôi hỏi anh. Công an ai nắm? Quân đội ai nắm? Và đặc phái viên là ai? Người đoàn thể ta! Ta có lùi cũng là lùi về hình thức. Chính trị là phải vừa kiên định, vừa linh hoạt. Đường lối của Trung ương cho phép ta tranh thủ kẻ có thể lôi kéo được, giám sát trừng trị bọn cơ hội, phản động kia mà.
— Đó đó, cái vế thứ hai, anh không mạnh tay. Còn đi vào quần chúng thì chưa được bao nhiêu!
— Chúng ta ít cán bộ quá!
— Đừng có kêu rên. Bất cứ một cuộc Cách mạng nào cũng đầy rẫy khó khăn- Giọng Tâm chợt trầm xuống- Vả lại, anh nghĩ xem, có nhất thiết phải đưa hết chúng vào bộ máy quyền lực không? Cho đủ mâm bát, hả? Chính quyền gì mà lại có tên Châu Quán Lồ đại gian ác. Sao anh không giành cho ông Bằng, và các đồng chí của ta một vị trí xứng đáng trong ủy ban? Anh sợ chúng bất mãn hả?
— Có thể về những điều cụ thể tôi sai. Nhưng về cơ bản, về chiến lược, sách lược là đúng.
— Cả việc anh cho nó muối, cho nó tiền?
— Ờ, anh cứng quá, anh Tâm — Chính vẫn không nao núng — Về thực quyền anh không giao cho chúng. Anh biến chúng thành bù nhìn, chúng cũng thấy. Vậy thì anh phải cho chúng chấm mút tí kinh tế chứ! Anh cầu toàn quá!
— Ha ha — Tâm bật cười, tiếng cười rất hồn nhiên, hiếm thấy — Vấn đề này để đó để tiếp tục tranh luận. Ha ha... Anh Chính, anh thật là một lý luận gia cự phách. Nhưng anh không sai khiến được âm binh do anh dựng lên mất rồi!
Đắc hiểu rằng cả hai người đã thành thật và sẽ còn gay gắt với nhau một cách thành thật nhiều nữa. Câu chuyện không hề đơn giản. Lịch sử sẽ lần lần giải đáp đúng sai của mỗi người. Riêng những ý tưởng của Đắc thì ngay bây giờ đã có thể nói là sai rồi. Anh đáng tự khinh. Nhưng cả hai người lãnh đạo cao nhất kia của đoàn thể ở tỉnh này, dù họ có thế nào, họ cũng vẫn là những người đáng kính trọng vô cùng. Tâm có hơi nghiêm lạnh, không cân bằng, nhưng vẫn là tấm gương soi về tính nguyên tắc và sự nhạy cảm giai cấp. Cuộc cách mạng này là của chính anh. Còn Chính, dù thế nào, cũng là đồng chí bí thư xứng đáng nhất, tiêu biểu nhất cho sức mạnh của đoàn thể. Một trí tuệ phong phú, một tình cảm dồi dào, một tâm hồn trong sáng, một nghị lực mạnh mẽ. Cuộc cách mạng này không thể vắng những con người như Chính.
Rụt rè, Đắc xoay nắm cửa. Đón anh là tiếng reo của cả Chính và Tâm.
— Hoan hô đồng chí Đắc! Nông Vĩnh Yêng phản bội rồi, hả? Bên Pa Kha, Pha Linh cũng vậy thôi. Ngồi đây, ngồi đây. Sự việc sáng tỏ chưa nào? Bây giờ bàn việc cấp thiết đã. Kế hoạch quân sự của Tỉnh ủy đây. Bàn đi! Chặn giặc ở đâu? Rút về đâu? Ta chưa đủ mạnh. Thị xã sẽ mất. Nhiều nơi sẽ bị địch chiếm. Nhưng chúng ta sẽ trở về. Sẽ trở về những vùng thổ ty cát cứ, về với quần chúng. Giờ mới thật sự là chiến đấu và giải phóng đồng bào. Nào, bộ đội cần những gì? Bệnh binh cần đưa về đâu? Vũ khí ra sao? Từng đại đội cần bổ sung cán bộ nào, phát biểu đi!
Giọng Chính sang sảng. Người Đắc bồn chồn. Cuộc sống đã tới một bước ngoặt!
Đồng Bạc Trắng Hoa Xòe Đồng Bạc Trắng Hoa Xòe - Ma Văn Kháng Đồng Bạc Trắng Hoa Xòe