Đôi khi cố gắng hết sức cũng chưa đủ, mà còn phải làm những gì cần làm.

Sir Winston Churchill

 
 
 
 
 
Tác giả: Patrick Deville
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Peste Et Choléra
Dịch giả: Đặng Thế Linh
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 47
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1280 / 46
Cập nhật: 2017-05-20 08:52:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Rau & Quả
áng hôm sau, Yersin tỉnh dậy trong sự tĩnh lặng yên bình. Ông mừng vì đã thành công trong việc trồng thử nghiệm khoai tây, dâu tây và phúc bổn tử quanh căn nhà gỗ. Đậu và rau diếp. Củ cải và cà rốt. “Cách đây mấy hôm, em đã ăn quả đào đầu tiên chín ở Hòn Bà.” Đất rất màu mỡ, đỏ sậm bên dưới lớp cỏ xanh. Một thế kỷ sau đó, vùng Đà Lạt vẫn sống bằng làm vườn và trồng các loại rau do Yersin nhập khẩu. Đà Lạt chuyên áctisô và hoa layơn đi khắp nơi trên đất Việt Nam. Không đáng ngạc nhiên khi bức tượng chân dung ông ngự trị hồ Xuân Hương. Và ở đây tên ông được biết đến nhiều hơn cả nghìn lần so với ở Paris.
Khi xuống Nha Trang, ông ngồi trước cái đài radio bắt sóng ngắn, nghe những con số người chết đáng ghê sợ ở Chemin-des-Dames, các loại vũ khí hóa học. Cứ như thể ở đó, cuộc sống mang hai màu đen trắng còn nơi đây nó tưng bừng cả nghìn màu sắc. Ông đặt dài hạn các bản điện báo của Havas và Reuter. Sau chiến tranh, người Nga và người Mỹ có thể chia nhau châu Âu đổ nát, thống trị trên những đống hoang tàn, trên mảnh đất rung chuyển của toàn châu Âu giống như mảnh đất Verdun, trên bùn lầy, khí ga và cây chết. Cứ như thể ở đó là Tận Thế và sứ mệnh của ông là cứu rỗi vẻ đẹp cùa châu Âu trên boong con tàu châu Á của mình. Chỉ thỉnh thoảng mới có thư đi thư lại. Càng ngày ông càng bị cô lập hơn. “Chị yêu quý, lâu lắm rồi em không nhận được tin của chị. Chắc một hai bức thư của chúng ta đã bị thất lạc, nhiều khả năng là chui xuống đáy Địa Trung Hải rồi.” Yersin ghi lại tên những con tàu chạy tuyến Marseille-Sài Gòn bị quân Đức đánh đắm bằng thủy lôi, ngày tháng chúng biến mất. Chiếc Ville-de-la-Ciotat, chiếc Magellan, rồi chiếc Athos chìm xuống đáy biến cùng chỗ mủ cao su xuất phát từ Suối Giao, chiếc Australien…
Các thanh niên đều lên đường ra mặt trận. Bên Đông Dương còn lại một nhúm thuộc cánh Pasteur đã già nua, bị đắm. Simond, chuyên gia về rận, đã rời Braxin để sang Viện Pasteur Sài Gòn. Yersin truyền sang ông sở thích hoa lan, nhiếp ảnh, và hai người viết thư trở lại. “Tôi đã viết cho Lumière để đặt các tấm kẽm mới. Tôi nghĩ sẽ nhận được câu trả lời của ông ấy trong vòng chưa đầy một tháng tới và tôi sẽ có thể thông báo cho anh là trong chiến tranh người ta vẫn tiếp tục hay ngừng sản xuất các tấm hiện ảnh.”
Ông thông báo với Simond rằng mình sẽ lên đường đi chơi xa với Krempf, “để chụp ảnh tại chỗ một số giống lan thú vị của Núi Chứa Chan (Núi Chứa Chan còn gọi là núi Gia Ray hay núi Gia Lào thuộc huyện Xuân Lộc, Đồng Nai, là ngọn núi cao thứ hai khu vực Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, cao 800m so với mặt nước biển)“. Cũng trong bức thư ấy, ông lại than phiền về cái truyền thuyết đen bao quanh mình, những chuyện ngớ ngẩn do cánh nhà báo gieo rắc về cuộc đời tình ái hay tình dục của ông, mà cái đời sống ấy của ông thì có vẻ, giống như ở Krempf, thuần túy mang tính vệ sinh. “Rồi chúng tôi sẽ tới chốn của những kẻ độc thân, nơi tôi vẫn xứng dáng được đến, bởi vì câu chuyện về cuộc hôn nhân của tôi với một phụ nữ người Anh là một điều bịa đặt kinh tởm!
Tôi rất muốn biết Calmette ra sao rồi. Tôi chẳng có tin tức gì về ông ấy từ khi chiến tranh nổ ra và tôi cũng không biết gửi cho ông ấy ở đâu, vì Lille vẫn bị quân Đức chiếm đóng.
Hết sức thân mến.”
Trong một quyển sổ, Yersin chép lại danh sách các loài cây vẫn cự lại sự khéo léo của ông, từ chối rời châu Âu để cắm rễ vào cái góc châu Á của ông: phúc bổn tử, hồ đào, hạnh nhân. Và rồi nhất là nho. Ông sao lại danh sách ấy trong một bức thư gửi Correvon, có thể nó chẳng bao giờ tới được Thụy Sĩ. Ông khép lại quyển sổ Nông nghiệp, mở quyển sổ Dịch bệnh động vật, rồi đến quyển sổ Nuôi chim, khép chúng lại, nhíu mày, vì ông vừa nảy ra một ý. Cứ như vậy suốt, năm phút một lần. Ông bắt tay viết một bức thư gửi ông toàn quyền: “Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể tổ chức ở đây một bộ sưu tập các loại dương xỉ lạ, dùng để trang trí, nó có thể góp phần biến cái trụ sở trên núi của chúng ta này trở thành một công viên quốc gia đích thực.”
Bức thư được dán lại, đặt lên chốc chồng thư đợi chuyến tàu sắp tới. Nhưng bỗng dưng, ông lại nảy ra một ý mới còn hay hơn. Vì những trận chiến cứ kéo dài mãi và mở rộng không ngừng, người ta có thể nhìn rõ được những gì bị thiếu, trong số tất cả những gì chính quốc từng gửi sang xứ thuộc địa hồi trước chiến tranh. Dâu tây và phúc bốn tử thì tốt thôi. Ở đây cứ hai người thì một người mắc chứng sốt rét. Từ ba mươi năm nay Yersin đã phải uống ký ninh không ngừng. Cứ mỗi khi một con tàu bị thủy lôi đánh đắm, các lô hàng lại chìm xuống đáy biển. Khuôn mặt Đông Đương đã toát đầy mồ hôi lạnh, hai tay run lên. Rồi đến trận Dardanelles, nạn dịch sốt rét trong quân lính, họ nôn thốc nôn tháo lên làn nước xanh của biển Marmara. Nước Pháp dành sản phẩm của các phòng thí nghiệm cho đội quân viễn chinh bên phương Đông.
Yersin lục tìm trong tủ sách của mình các tác phẩm của La Condamine, mà ông biết rõ mình chính là người thừa kế bất ngờ. Cái ông Charles Marie de La Condamine ấy, cũng như ông, là nhà khoa học và nhà thám hiểm, là người đầu tiên miêu tả cây cao su và cây canhkina sau chuyến đi tới vùng Amazon. Viện Hàn lâm khoa học in bài diễn thuyết của ông ta, Về cây canhkina và Báo cáo khoa học về một loại nhựa đàn hồi mới được phát hiện. Yersin viết thư cho những người bạn của mình bên Java, nhờ gửi sang vài cây canhkina. Ông bắt tay vào tiến hành những thử nghiệm đầu tiên.
Mấy cái cây không dễ dàng mọc lên. Phải mất hàng tháng ông mới nhận ra rằng đất ở Hòn Bà không hợp với chúng. Yersin nhờ phân tích hóa học loại đất ở Java, nơi cây mọc rất tốt, xem bảng thống kê thường niên nhiệt độ và lượng mưa, tìm một vùng ở Trung Kỳ có các con số thống kê tương tự. Bên Nga, Cách mạng tháng Mười nổ ra.
Người ta vẫn còn chưa thấy gì. Thế kỷ đã bắt đầu mang dấu ấn của nó. Nó mới mười bảy tuổi nhưng đã là một tên vô lại đáng gờm. Cát két đội hếch trên trán và thuốc lá ngậm ở mép, súng lục giắt thắt lưng. Sau hàng triệu người chết vì Thế chiến, là nội chiến suốt từ Matxcơva đến Vladivostok, nạn đói và dịch sốt phát ban. Yersin và nhóm Nha Trang tiếp tục cho hạt nảy mầm trong các khay, thay đổi công thức hỗn hợp đất mùn và tỉ lệ phân bón. Họ đi khắp vùng, lấy các mẫu đất mang về phòng thí nghiệm. Đó sẽ là ngọn đồi Dran, ở độ cao một nghìn mét về hướng Đà Lạt. Ta biết rõ việc này sẽ mất nhiều năm, cũng sẽ lâu dài như tiến lên thiên đường vô sản. Họ tìm được một nơi còn thích hợp hơn nữa ở Di Linh, cách Nha Trang tám mươi cây số. Một tối, qua đài họ biết rằng hôm đó là ngày 11 tháng Mười một và Hiệp ước Đình chiến đã được ký kết. Cũng hôm ấy, Apollinaire được chôn cất, với cái đầu bị đạn pháo xuyên thủng. Bốn hôm sau đó, tại căn nhà gỗ của mình ở Hòn Bà, Yersin lại cầm lấy bút và tờ giấy in sẵn dòng tiêu đề của Viện. “Calmette thân mến của tôi, tôi rất vui mừng và xúc động vì có thể nối lại liên lạc với anh sau hơn bốn năm cách biệt.”
Liên lạc đưực nối lại và những người sống sót quay về với đời sống dân sự. Yersin thuê một nhà nghiên cứu chuyên ngành sinh học-thực vật, André Lambert, một người đã bắt đầu sự nghiệp ở Hội Canhkina. Đó là mở đầu của một tình bạn kéo dài mười lăm năm. Hai người cùng thích thứ công việc chỉn chu và những chuyến đi lang thang trong vùng núi. Họ tiến hành trở lại các nghiên cứu, bắt đầu ký tên chung dưới các bài báo đăng trên Tạp chí thực vật học ứng dụng.
Yersin giao quyền điều hành các Viện Pasteur ở Đông Dương cho người sau này sẽ viết tiểu sử ông, Noël Bernard, khi ấy vừa từ mặt trận trở về, người sẽ vinh danh ông như thế này: “Chắc chắn rất hiếm có những người ít tư lợi đến thế. Ông xóa mờ mình đi để những người khác được tự do sáng kiến, tự do mà chính bản thân ông hết sức gắn bó.” Yersin muốn bước vào nghiên cứu ký ninh. Ông ở một mình tại nơi trú ẩn trên cao ngày càng thường xuyên hơn, và ngày càng lâu hơn. Giữa đống lồng chim và lũ mèo Xiêm của ông. Kề từ khi chiến tranh kết thúc, ông lại thư từ với Roux và Calmette. Những bức thư đó vừa thân ái vừa nhiều tính chất khoa học và tạo thành nhật ký của ông. “Điều chế viên vừa qua đời không phải hạng tầm thường: đó là một trong các hoàng tử của cựu hoàng An Nam đấy.” Anh ta đã vì vô tình mà mắc dịch hạch. Yersin đòi tất cả phải được ghi vào hồ sơ lưu trữ, để không ai được lãng quên những người đã ngã xuống trên mặt trận khoa học. “Anh ta tên là Vĩnh Tham, một chàng trai đầu óc rất cởi mở, thông minh.”
Ở Pháp, sau ông già Roux và ông già Calmette, đã xuất hiện một thế hệ mới những người theo phái Pasteur mà Yersin không quen biết. Bordet nhận giải Nobel cho công trình về kháng thể. Louis-Ferdinand Destouches, nhà văn Céline tương lai, và André Lwoff, giải Nobel tương lai, được cử sang Roscoff nghiên cứu các loại tảo. Yersin không còn đủ dũng khí để đi xa nữa. Đám tàu bè vẫn chậm chạp như xưa và đoàn tàu Xuyên Siberia đang nằm trong tay Hồng quân. Hơn ba mươi năm sau lần đầu tiên bước lên boong con tàu Oxus sự hào hứng của ông đã tan biến. “Những chuyến hải hành thật dài ấy đơn điệu phát khiếp. Giá như mà có dịch vụ máy bay được tổ chức tử tế nhỉ!” Ông những muốn lập ra hãng Air France mười năm trước khi nó ra đời, Yersin ấy.
Rốt cuộc, vì lời đề nghị của Viện, ông quyết định đặt một chỗ. “Con tàu phù hợp với tôi hơn cả, tàu Porthos, sẽ rời Sài Gòn ngày 30 tháng Mười một. Thế nên tôi sẽ tới Paris ngay sát dịp lễ năm mới, như vậy sẽ thật nản, vì mọi thứ đều sẽ đóng cửa và tôi sẽ mất rất nhiều thời gian! Tôi sẽ ở khách sạn Lutetia, như những lần trước đây, và nếu ngài Roux muốn, tôi sẽ ăn tối với ông ấy.”
Trước khi khởi hành, ông đón tiếp ở Nha Trang một bác sĩ thú y, Henri Jacotot, cũng từng nghe Roux giảng bài, vừa nhận trách nhiệm đào tạo các điều chế viên và thanh tra vệ sinh. Đồn điền và khu chăn nuôi tiếp tục được mở rộng. Kể từ khi tàu thuyền không bị đánh thủy lôi nữa, họ đã nhập về được lũ cừu giống Kelantan hay Bidê, bò cái Bretagne và một con bò tót Savoie nhằm tăng sản lượng sữa tiệt trùng. Yersin là một mục đồng già mang chòm rầu trắng và cầm cây gậy dài, chăn một đàn hơn ba nghìn cừu. Kể từ khi bắt đầu thu được tiền lời nhờ cao su và sau đó là ký ninh, công ty mà “Các ông Yersin, Roux & Calmette” từng đầu tư được nhượng lại cho Viện Pasteur để hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, với cái giá tượng trưng một quan. Họ tiếp tục khai hoang đất đai vì phải nuôi tất cả chỗ thú vật kia. Họ gieo các cánh đồng cỏ lùng, cỏ ba lá và cây hoàng hoa.
Ông buộc phải nhận huy chương của một hiệp hội nông nghiệp, Yersin ấy, và trong lúc đó, Nicolle, một người nữa thuộc phái Pasteur, nhận giải Nobel cho công trình về sự lây truyền của bệnh sốt phát ban.
Yersin - Dịch Hạch & Thổ Tả Yersin - Dịch Hạch & Thổ Tả - Patrick Deville Yersin - Dịch Hạch & Thổ Tả