Số lần đọc/download: 1344 / 6
Cập nhật: 2016-06-24 21:22:20 +0700
Chương 36
B
à Chánh lục lọi một hồi trong rương cuối cùng rút ra hai xấp lụa ngắm nghía vuốt ve gật gù đắc ý. Tiếng Tùng nói chuyện với Xuân vọng vào phòng. Bà nghiêng tai nghe ngóng, “Chị ơi! chị cứ thu xếp về ngoại Tí đi nhé! Em khám bệnh hôm nay đến chiều mai nữa là nghỉ hẳn rồi. Hôm qua nói chuyện với thím Sinh khi biết em sắp nghỉ việc để ăn tết thím mừng ra mặt coi bộ muốn rủ mẹ đi đâu nhiều chỗ lắm thì phải, tội nghiệp người già chỉ đợi tết nhất để dự hội hè gặp nhau nói chuyện…” Bà Chánh cầm hai xấp vải bước vào bếp đằng hắng mấy tiếng. Xuân và Tùng cùng quay lại, cả hai đồng thanh thưa:
_Thưa mẹ mới dậy!
Bà Chánh ôm hai xấp vải sát ngực ngồi xuống phản nói bâng quơ:
_Hai chị em ý hợp tâm đầu nhỉ? Có chuyện gì mà đề cập đến mấy bà già này thế?
Tùng cười giả lả:
_Dạ có gì đâu! Chút nữa thế nào thím Sinh cũng qua rủ mẹ đi sắm tết, đi chùa đình miếu mạo phải không nào? Năm nay con làm lính canh nhà rồi! Ai muốn đi đâu thì đi nhưng phải đảm bảo rạng ngày hai mươi ba là có mặt đưa ông Táo sau đó ai có việc nấy lo chuẩn bị tết cho cái nhà này không đi đâu nữa hết cho đến tết nguyên đán đấy nhé!
Thấy bà Chánh cứ cầm khư khư mấy xấp lụa Xuân xăm xoi một lúc rồi hỏi:
_Mẹ cầm vải đi đâu thế? Màu sắc cũng như mình vải hợp với người trẻ hơn là người có tuổi. Ai biếu mẹ à?
Bà Chánh lắc đầu:
_ Mẹ cần gì phải may. Đồ mặc không hết. Mẹ đưa con hai xấp này con chịu khó may cho em nó hai bộ đồ mặc tết cho có với mọi người. Áo bông chăn bông còn trong phòng mẹ nhiều lắm, khi nào đóng cửa bệnh xá dọn dẹp sân quang quẽ mang ra phơi rồi đưa cho em nó dùng, trời bắt đầu rét lắm đấy!
Xuân hơi ngớ ra ú ớ:
_Mẹ nói con may đồ cho Sa phải không thưa mẹ?
_Ở hay cái chị này làm sao thế? Không nói về con Sa thì nói ai đây?
Xuân gật lia lịa:
_Dạ mẹ để con! Con cắt rồi may chừng hai đêm là xong, không biết chừng còn xong trước khi con mang Tí về ngoại nữa đó mẹ, mẹ cứ yên tâm.
Đứng nghe cuộc đối thoại Tùng bàng hoàng. Suốt đêm qua cứ nghĩ lan man sáng nay lại nghe mẹ nói những lời quá bất ngờ khiến chàng bỗng dưng căng thẳng buột miệng nói không kịp suy xét:
_Chị thức đêm may đồ rồi sức khoẻ đâu mà về thăm ngoại Tí. Để đó! Khi nào rảnh hẵng may không thì ra tết may cũng được. Cũng có thể chẳng cần phải may chi cho mệt.!
Nói tới đây Tùng biết mình lỡ lời khẽ liếc nhìn mẹ. Bà Chánh nhìn xoáy vào mắt con trai. Tùng lúng túng quay đi, lại gần Xuân đang chế thêm nước sôi vào ấm trà nói:
_Chị cho em chút trà!
Không để cho con trai lãng sang chuyện khác bà cao giọng nói như ra lệnh:
_Con nói gì lạ quá Tùng! Sao lại ra tết. Năm cùng tháng tận rồi. Mẹ không muốn những gì bất hạnh trong năm cũ kéo dài sang năm sau. Phải chấm dứt ngay ngày hôm nay.
Tùng ngơ ngác:
_Mẹ nói gì con không hiểu
Bà Chánh dằn giọng:
_Có thật con không hiểu?
Tùng lí nhí:
_Dạ!
_Vậy hãy nghe đây! Con Sa về làm dâu đã được gần năm. Mẹ phải trả lời sao với họ hàng thân thích nếu về lâu về dài con dâu cứ tiếp tục ở gian nhà lá, không một lần về thăm gia đình, kể cả khi tết nhất tới nơi rồi? Con biết nhắc chị Xuân về bên chị ấy sao con không nhân dịp này sửa soạn đưa vợ về thăm gia đình hay ít ra cũng nhờ người mang đồ qua tết cha mẹ vợ? Chuyện này con làm tốt hơn mẹ làm chứ!
Thái độ bất ngờ của mẹ khiến Tùng bối rối cứ đứng ngẩn người ra. Trời ơi! Mẹ ơi! Con không thể ngờ mẹ lại thốt nên những lời đầy thứ tha như vậy! Thương mẹ quá! Tại sao những lúc mong mẹ tha thứ cho Sa thì không được, nay mẹ muốn thì con lại không thể?. Thật khó mà tiết lộ nguyên nhân khiến con không thể đáp ứng những điều mẹ dặn dò ngay lúc này. Làm sao mẹ chịu được chuyện tầy trời này nếu như đó là sự thực? Thất vọng bẽ bàng như thế con còn không chịu nổi nữa là mẹ?. Con không muốn tin đó là sự thật nhưng con không thể chần chừ hơn nữa! Con phải dứt khoát dù không muốn chút nào. Nếu đó là sự thật phải làm gì đây? Bao lâu nay chờ đợi Dân về, lòng con cứ phập phồng lo sợ như thể người tử tù sắp bị xử giảo.
Ngạc nhiên không hiểu sao Tùng lại đứng như trời trồng mặt thẫn thờ bà Chánh tiến lại gần con trai để quan sát cho rõ thì Tùng ôm đầu ngồi phịch xuống phản rên rỉ:
_Trời ơi! Sao buốt đầu quá!
Bà Chánh hốt hoảng kêu rối rít:
_Sao thế? Con bị gì vậy? Xuân ơi, coi xem em cần gì mang thuốc cho nó uống ngay!
Tùng lắc đầu:
_Không sao đâu! Tại hôm qua con mất ngủ. Để uống hay ăn cái gì nóng nóng cho ấm bụng là ổn thôi mẹ!
Tùng thừa biết chả có thuốc nào trị được cái bệnh hiện tại của chàng. Mấy lâu nay khi nào hơi rảnh nhớ đến những lời cảnh báo của Khuyên về Dân và Sa đầu óc Tùng lại quay cuồng muốn nổ tung.
Bà Chánh định hỏi con trai xem có chuyện gì mà lại không ngủ được nhưng kịp kìm lại, chỉ lặng lẽ quan sát. Thái độ của Tùng hôm nay và của Sa hôm qua khi ở phòng thờ khiến bà thắc mắc không hiểu tại sao hai đứa cứ như đang chơi trò cút bắt? Chịu!. Bọn trẻ bây giờ sao khó hiểu quá!.
Sa cầm liềm thong dong đi trong vườn thuốc, lâu lâu dừng lại vạch từng đám lá nhìn kỹ lựa ra rồi mới cắt. Hôm nay bệnh xá đã đóng cửa không có việc gì nhiều nên chỉ ra đây thong thả cắt vài loại lá chuẩn bị nấu nước xông cho mọi người tắm.
Hái được một lát nàng ngước lên tìm lão câm vừa mới thấy bóng loáng thoáng đâu đó. Ở phía cuối vườn những vạt nắng hiếm hoi trải ra loang loáng.
Bóng con Mực nhởn nhơ nổi bật giữa màu xanh của lá cây. Đang chạy bỗng nó đứng yên tại chỗ, hai tai dựng đứng nghiêng đầu qua một bên nghe ngóng động tịnh. Biết con Mực đang nhận ra điều gì bất thường Sa hồi hộp rón rén tò mò tiến lại gần nó. Con Mực nhún xuống rồi bất thình lình búng mình lên không, lao vào đám cỏ phía trước như một mũi tên nhưng Sa lại thấy có cái gì di động phía sau nó, con chó bị hụt đà lập tức quay ngoắt trở lại chạy loanh quanh một bụi rậm kêu ăng ẳng.
Được con chó đánh hơi báo trước, lão câm cầm gậy chạy theo nó. Cả hai cứ thế nhấp nhô lùng sục một lát. Lão cúi xuống hì hục rồi bất chợt ngửng lên tay nắm chặt đuôi một con rắn vừa chạy vừa quay tròn con vật nhanh vun vút như thể đang múa roi. Khi ra tới chỗ đất bằng, nhanh như cắt, lão dùng cái gậy ghìm đầu con rắn xuống đất, dùng khúc cây bạnh miệng rắn, bẻ gãy những chiếc răng nanh chứa nọc độc rồi quăng nó lên không xa tít tắp nơi cuối vườn. Sa đứng nhìn sự việc xảy ra ngỡ ngàng không thể tin lão lại bắt rắn thuần thục dễ dàng như trò chơi vậy. Nàng chạy lại gần lão reo lên:
_A già bắt rắn điệu nghệ quá! Cứ như đang làm ảo thuật, à mà không, hơn thế nữa! Vì đây là rắn chưa bị bắt còn nguy hiểm mà! Hay qúa! Hay quá! Còn hay hơn làm xiếc nữa đấy!
Nghe Sa nói tới đây, nét mặt lão chùng xuống khiến Sa chưng hửng câm lặng không dám nói tiếp. Một lúc sau nàng mới thỏ thẻ:
_Già ơi! Con phục già nhiều lắm! Già đừng cho là con tò mò nhé, con ở đây lâu nay, quấn quýt bên già còn gần gũi hơn khi xưa ở bên cha mình, giờ con muốn hỏi già vài điều được không?
Lão câm nhìn Sa một lúc rồi khẽ gật. Sa hỏi dồn dập:
_Già có gia đình không? Có con không? Tết già ở đây hay về với gia đình?
Như chợt nhớ ra lão câm không nói được nên nàng hỏi lại từng câu:
_Già có gia đình người thân gì không?
Lão lắc đầu
Sa hỏi:
_Sao vậy? Già mồ côi từ nhỏ à?
Lão gật đầu.
_Già có vợ con gì không?
Lão gật.
_Sao không thấy họ bao giờ? Tết này già có về thăm gia đình không?
Lão lại lắc đầu, hai mắt bỗng nhoà lệ phát ra những tiếng ú ớ nghẹn ngào uất ức khiến Sa thương quá ôm chầm lấy lão sụt sùi khóc theo.
Thổn thức một lúc lão câm chùi nước mắt rồi cầm tay Sa kéo đi. Sa lặng lẽ bước theo. Cả hai dừng lại ở căn phòng thứ mười của dãy gỗ đối diện phòng thứ hai mươi của Sa. Lão đẩy cánh cửa bước vào kéo ghế mời Sa ngồi. Vừa mới ở ngoài sáng vô chỗ tối Sa quờ quạng chớp chớp mắt. Lão hấp tấp kéo rèm cửa, quay nhìn Sa cười nhẹ. Trong khoảng ánh sáng vừa lọt vào mắt lão vẫn còn ươn ướt. Căn phòng gỗ này cũng giống căn phòng số sáu nơi Sa đã có những khoảnh khắc thật hạnh phúc từng bắt gặp ánh nhìn ấm áp của chàng giờ nghĩ lại cứ ngỡ trong mơ. Nàng lặng lẽ quan sát. Ánh nhìn dừng lại nơi cái sáo trúc treo lủng lẳng ở đầu giường. Lão câm biết ý lấy sáo đưa tới kề miệng Sa ú ớ. Sa lắc đầu:
_Con không biết thổi. Hoá ra tiếng sáo đôi lúc con nghe được là của già à? Già thổi sáo đi! Hôm nay rảnh rỗi mà!
Lão cầm cây sáo lên kề môi. Tiếng sáo lúc đầu vi vu réo rắt thật thoáng rồi giai điệu giàn mỏng lê thê ai oán. Sa có cảm giác như mình đang nghe lời kể lể thở than, đang dần thấu được phần nào cõi lòng một người câm. Điệu sáo đang ngon trớn dàn trải bỗng chùng xuống từ từ thu hẹp trầm đục lấp lửng như có cái gì đó ứ đọng nghèn nghẹn rõ ràng muốn cất lên nhưng không oà ra được. Lão bỏ sáo xuống thở dài. Nãy giờ hình như không phải lão đang thổi sáo mà đang tâm sự với Sa. Trời ơi! Phải chi mình cũng biết thổi sáo để trút hết những gì ẩn ức không thể thốt ra thành lời được, mặc dù mình nói được mà cứ như người câm bị cho uống thuốc đắng, Sa mếu máo:
_Già ơi! Con hiểu già nhiều hơn rồi! Già tuy không nói thành lời nhưng vẫn gởi được lòng mình qua tiếng sáo còn con thì…nói tới đây nàng co hai chân lên gục mặt vào đầu gối khóc tấm tức
Lão câm vuốt tóc vỗ nhè nhẹ lưng Sa an ủi.Từ lúc ngất xỉu bên bờ sông trong cái đêm trăng kinh hoàng đó khi tỉnh lại nàng có một cảm giác kỳ lạ buồn nôn khi nghĩ về Hải. Tất cả những nhớ mong tha thiết đột ngột biến mất chỉ còn lại sự ô nhục, xấu hổ mặc cảm như vừa để mất đi một điều gì quý giá thiêng liêng vô ngần. Từ đó nàng hay sợ vu vơ nhiều khi chỉ là cơn gió lùa bất chợt, ánh trăng, vạt nắng trộm, len lỏi vuốt ve nàng trong buồng riêng khi chỉ còn lẻ loi một mình. Tất cả đều gợi nhớ những cảm xúc kỳ lạ khó giải thích được, sẽ mãi mãi như một vết thương khó lành ẩn náu bên trong không ai có thể nhìn ra để mà chữa trị.
Lão câm đưa tay mò dưới gầm giường lôi ra cái rọ đặt trước mặt rồi đưa thanh trúc lên miệng thổi trở lại. Sáo trỗi lên hoàn toàn khác lúc nãy, âm điệu kỳ lạ mê hoặc cứ thoắt nhanh thoắt chậm lúc dồn dập như réo gọi giục giã khi nhịp nhàng du dương như lời ru khiến Sa đang buồn bỗng ngồi thẳng dậy toàn thân cứ muốn rung lên lắc lư. Cái nắp rọ bị hất tung, một con rắn ló ra ngóc đầu thẳng lên uốn éo xoay tròn nhanh chậm tuỳ theo điệu sáo Sa bật cười chạy lại gần tò mò nhìn vào rọ. Đang loay hoay xăm xoi bỗng Sa lùi lại vì một cái đầu rắn khác lại ló ra, cứ thế hai con say sưa múa, xoay tả rồi xoay hữu con này nhô đầu lên con kia thụp đầu xuống…
Tiếng người gọi ơi ới ngòai sân sau khiến cả hai đưa mắt nhìn nhau rồi không ai bảo ai đều chạy ra xem. Vừa thấy bóng chú Sinh, Sa giật mình lúng túng nhưng định thần lại ngay cất tiếng chào:
_Chào chú mới về!
Ông Sinh hơi sửng sốt nhìn Sa hỏi:
_Hôm nay con khoẻ rồi à? Nhà đi đâu mà cửa ra vào mở toang thế?
Sa chưa kịp trả lời thì bà Chánh từ trong bếp bước ra sân kêu lên:
_Chú đó phải không? Về khi nào?
_Thưa, em về hồi khuya. Tùng đâu rồi chị?
_Nó đi với mẹ con thằng Tí qua nhà thầy đồ Lương chúc tết thầy rồi! Chú về chung với thằng Dân hay về một mình?
_Dạ bữa nay chỉ có em về còn cháu Dân chắc phải hăm tám hăm chín tết mới về tới nơi!
Nói tới đây chú Sinh quay lại nhìn Sa tấm tắc:
_Chà con này sao mỗi lúc một đẹp hơn thế? Đã có tin vui gì chưa?
Sa đỏ mặt cúi đầu ấp úng. Bà Chánh vội nói đỡ:
_Cần gì mà phải có con gấp để thư thư một chút cho khỏi nhọc chồng nhọc vợ cũng tốt! Chú qua thăm tôi thì vào uống chén trà chị em mình nói chuyện chút đi.
_Dạ em cũng có nhiều chuyện muốn hàn huyên, mình qua phòng thờ đi chị, để em còn thắp nén hương đã!
Khi hai người quay lưng cất bước Sa nói với bà Chánh:
_Con nấu nồi nước xông chút sẽ pha cho mẹ tắm nhé?
Bà Chánh quay lại gật gù ra vẻ hài lòng:
_Phải đó! Với lại nhớ chuẩn bị nước cho mẹ ngâm chân cho khoẻ mai còn đi lễ trên đình nữa đấy! À mà này hôm nay chị Xuân đi rồi con vào bếp chế ấm nước trà mang qua phòng thờ cho mẹ.
Sa ngớ người ra ngạc nhiên tột độ nhưng rồi bình tĩnh lại “dạ” thật ngoan ngoãn. Nàng dõi theo bóng mẹ và chú lòng lâng lâng nhẹ nhỏm. Lâu nay nàng có cảm giác mẹ chồng đã dễ dãi hơn với mình nhưng thái độ của bà vừa rồi khiến Sa yên tâm bà đã tha thứ cho mình. Người ta bảo mụ gia ghét thì vô chồng ghét thì ra. Đáng lẽ mình phải rất vui nhưng cứ nghĩ đến ánh mắt dửng dưng không giận cũng chẳng vui của Tùng tự nhiên sao lòng đau đớn đến thắt cả ruột gan.
Sa thở dài chế nước sôi vào ấm trà đầu óc mông lung. Vậy ra hôm nay Tùng đi qua nhà Khuyên. Mới nghỉ làm hôm qua bây giờ lại gặp nhau. Còn Dân nữa nếu anh ta về mình phải xử sự sao đây? Làm sao hoàn trả được số tiền Dân đưa cho êm xuôi không bị phát giác?. Cái dở của mình là vô tình nhận tiền. Không biết có phaỉ đây là cái bẫy được giăng ra để trả thù mình?. Không thể nào! Tuy vậy phài dè chừng để ý đề phòng kẻo lại tai bay vạ gió. Phải tính toán cẩn thận nếu không tình ngay ý gian hậu quả sẽ khó lường.
Sa cầm khay trà ngập ngừng chưa dám vượt qua rặng hoè thì lão câm vỗ vai nàng chỉ ra phía trước như một lời khuyến khích. Sa đánh bạo bước nhanh vòng qua phòng chẩn mạch đi dọc hàng hiên đứng lại trước phòng thờ. Mùi hương bay ra tận ngoài khiến Sa bất giác xúc động người run lên. “Trình bà nhà có khách! Trình bà nhà có khách!” Tiếng bà Chánh nói vọng ra:
_Vào đi Sa!. Đứng ngoài làm gì, con vẹt tưởng khách léo nhéo đấy!
Sa khẽ khàng bước vào, đặt khay trà lên trường kỷ chỗ chú Sinh và mẹ chồng đang ngồi. Ông Sinh bật cười nói cho bà Chánh đỡ thẹn:
_Con vẹt đến lạ! Cứ nhõng nhẽo suốt ngày! Tại chị thương nó quá nó làm nư đụng tí là kêu có khách để chị nhớ đến nó đấy!
Bà Chánh nhai trầu bỏm bẻm không nói gì. Sa lên tiếng:
_Thưa mẹ và chú dùng trà con xin phép lui ra, còn sửa soạn nấu nước xông cho mọi người tắm đặng mai còn đi lễ trên đình.
Bà Chánh nói:_Ừ phải đó! Đi đi!
Sa lặng lẽ quay gót. Bà Chánh nhìn theo cho đến khi Sa khuất dạng. Khi bước vào Sa không hề liếc ngang dọc hay nhìn lén bàn thờ! Đây là điều bà ưng ý nhất hay cũng có thể vì không còn ác cảm với Sa nữa?. Bà nhìn lên ảnh chồng trên bàn thờ lẩm bẩm gì không rõ. Chú Sinh nãy giờ ngồi quan sát chợt mỉm cười nói bâng quơ:
_Nhà ta năm nay có Tùng ở nhà lại thêm dâu mới vui chị nhỉ! Cơm tất niên ba mươi chị cho cả nhà ăn gì lạ miệng hơn mọi năm chị nhé!
Bà Chánh đáp:
_Để xem Xuân nó tính sao chứ món ăn ngày tết thì quay đi quay lại cũng từng đó món, ăn thua là nấu có khéo không, cho thêm vài món lạ cũng được nhưng có những món quan trọng bắt buộc phải nấu đâu bỏ được, nói cho cùng trước hết không phải để ăn mà để dâng lên ông bà tổ tiên đấy!
Ông Sinh gật đầu:
_Chị nói phải! Em đùa vậy thôi chứ Xuân nhà này mà trổ tài nấu nướng thì ăn ở cung đình cũng chưa chắc ngon hơn đâu! Tùng nó nói với em thế đó chị!