Số lần đọc/download: 1600 / 45
Cập nhật: 2016-06-20 21:15:05 +0700
Chương 36: Nguyễn Phúc Anh Và Văn Chức Lý Minh Với Bước Đường Cùng
N
guyễn Phúc Anh là con trai thứ ba của Nguyễn Phúc Nguyên, còn Lý Minh là tên, chưa rõ họ là gì, nhưng vì ông được phong làm Văn chức nên sử cũ thường gọi ông là Văn chức Lý Minh. Cuối đời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, Văn chức Lý Minh làm việc ở Quảng Bình, còn Nguyễn Phúc Anh thì trấn giữ đất Quảng Nam. Cách nhau xa xôi như vậy nhưng cả hai lại luôn gặp gỡ nhau trong ý định giành ngôi chúa cho Nguyễn Phúc Anh. Mưu phản nghịch này của hai người được sách Đại Nam thực lục (Tiền biên, quyển 2) chép lại như sau:
"Mùa thu, tháng tám (năm Quý Dậu, 1633 - ND), triệu trấn thủ xứ Quảng Bình là Tôn Thất Tuấn về, cho Nguyễn Phúc Kiều ra thay. Tuấn trấn trị Quảng Bình, hiệu lệnh nghiêm minh, quân dân đều được yên ổn.
Bấy giờ, (Nguyễn Phúc) Anh ở Quảng Nam đã ngầm có chí khác, muốn được ra trấn trị Quảng Bình để tiện bề liên lạc với họ Trịnh, bèn bí mật sai người ra bàn mưu tính kế với Văn chức Quảng Bình là Lý Minh (chưa rõ họ). Lý Minh tập hợp những kẻ bất mãn trong hạt của mình lại, khiến họ viết đơn kiện, vu cho Tuấn tội lấn xén của công và hà khắc với trăm họ, vậy, xin đổi Tuấn đi nơi khác và cho (Nguyễn Phúc) Anh ra thay.
Lúc đầu, Chúa tin lời, bãi chức của Tuấn rồi cho (Nguyễn Phúc) Anh ra thay. Nhưng cũng lúc ấy, (Nguyễn Phúc) Anh đã tự ý bỏ trị sở đi săn đến hơn một tuần (tức là hơn mười ngày - ND) vẫn chưa về, Chúa biết được, giận lắm, bèn cho (Nguyễn Phúc) Kiều ra thay. Kiều đến trấn, rộng lòng thương yêu quân dân, người người đều tin phục. (Nguyễn Phúc) Anh thất vọng, lại sai người ra (Quảng Bình) hỏi kế Lý Minh, Lý Minh gởi thư mật, nói:
- Nguyễn Phúc Kiều mới lại, lòng dân gian ái mộ, huống chi hắn lại là người họ ngoại của Chúa, thế rất khó lung lay. (Thực ra, Kiều là con rể của chúa Nguyễn Phúc Nguyên, chồng của Nguyễn Thị Ngọc Đỉnh - ND). Nhưng (Kiều) là người nhút nhát, nếu có quân Bắc đến bức bách thì hắn sẽ là người bỏ chạy trước. Lúc đó muốn mưu kế gì mà chẳng được?
(Nguyễn Phúc) Anh nghe nói thì mừng rỡ, tức thì sai người đem thư của mình đến xin quy thuận họ Trịnh.”
Lời bàn: Chúa Trịnh từng đem binh hùng tướng mạnh vào đánh Quảng Bình nhưng quan trấn trị xứ ấy vẫn bình thản chống trả, trên được Chúa khen, dưới được dân phục, chức vị chẳng hề lung lay. Đến đây, chỉ mấy câu xúc xiểm của bọn bất mãn, chỉ mấy lời vu cáo của lũ phản nghịch, thế mà quan trấn trị là Tôn Thất Tuấn đành phải cam chịu mất chức, lủi thủi đi về, lạ thay. Hóa ra, lời của bọn phản bạn còn ghê gớm hơn cả hàng vạn binh lính đối phương. Tôn Thất Tuấn mà còn giữ được tấm thân, ấy là nhờ phúc ấm của tổ tiên bao đời để lại, nếu không, nguy hại chẳng thể lường.
Ở đời, mắc lỗi cũng là sự thường, song, mắc lỗi như kiểu Nguyễn Phúc Nguyên thì không thể coi là sự thường được. Tin Văn chức Lý Minh là tin lũ bất lương, phản trắc, tin ở Nguyễn Phúc Anh là tin kẻ bất hiếu, bất trung. Hai lần trao niềm tin sai địa chỉ trong gần như cùng một lúc, chừng đó cũng đủ thấy rõ lỗi của Chúa lớn đến cỡ nào.