Butterflies don't know the color of their wings, but human eyes know how beautiful it is. Likewise, you don't know how good you are, but others can see that you are special.

 
 
 
 
 
Tác giả: Nghiêm Kế Tổ
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 36
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4219 / 54
Cập nhật: 2016-06-09 04:42:14 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phụ Lục
Vì lý do đặc biệt, quyển sách này đã không thể ra mắt độc giả trong những ngày đầu Xuân.
Lợi dụng khuyết điểm về thời gian tính ấy, chúng tôi thêm bản Phụ Lục về biến chuyển trong mùa Xuân 1954.
Mùa Xuân 1954 một mùa Xuân chuyển hướng ở Việt Nam kể về hai phương diện: Quân Sự và Chính Trị.
QUÂN SỰ
Ngày 20 tháng Giêng 1954, Liên Quân Việt-Pháp mở một cuộc hành binh rộng tại miền Trung: Hành binh Atlante.
Khu vực Atlante rộng chừng 25.900 cây số vuông, dân số trên 3 triệu, là một căn cứ địa chiến lược của Việt Minh (Liên Khu 5). Từ 8 năm nay, cội rễ cộng sản đã sâu xa chằng chịt tại vùng mầu mỡ yên tĩnh này. Việt Minh khai thác nhân công, mộ quân, mở trường huấn luyện binh sĩ, sử dụng sẵn sàng con đường xe lửa, và lấy gạo, lấy muối, lấy cá. Vùng chiến lược ấy là một dịp cầu để bộ đội Võ nguyên Giáp sẽ tràn vào uy hiếp miền Nam, Cao Mên, Cao Nguyên Darlac.
Cuộc hành binh Atlante chia làm hai giai đoạn:
– Giai đoạn Aréthuse từ 20.1.54 đến 3.3.54. Mục đích chiếm đóng khu vực Phú Yên. Sau khi đổ bộ từ Faifoo đến Cấp Varella (20.1.54) và Tuy Hòa, Liên Quân Việt-Pháp thanh toán Cánh Đồng My. Chiếm được La Hai (23.2.54), xâm nhập sông Cầu, Tỉnh lỵ của cả miền Phú Yên trù phú (3.3.54), 6.000 cây số vuông thu hồi trong 6 tuần lễ tiến binh, Liên Quân bước sang giai đoạn thứ hai của trận đánh.
– Giai đoạn Axelle, mở ngày 13.3.54, mục đích chiếm đóng khu vực Bình Định. Hợp với sự hoạt động của những đơn vị mới, đoàn chiến thắng Aréthuse tiến chiếm Đèo Cù Mông, uy hiếp đồng bằng sông Giao và kiểm soát Quy Nhơn Cảng, một bờ biển có chiều sâu trên 6 thước rất tiện cho hải quân nhẹ.
Đồng thời gian với cuộc hành binh Atlante, Liên Quân đã chiếm lại Thị Trấn Thakhek (23.1.54), và cố gắng mở được nhiều cuộc tảo thanh thắng lợi.
– Trận Anjou, ngày 20.1.54, vùng An Sơn, Nam Việt.
– Trận Roussillon, trận Ariége, ngày 23, 25,1,54, vùng Chợ Mọi, Đồng Nai, Nam Việt.
– Trận Champagne, ngày 25.1.54, vùng Bến Tre, Hiệp Hòa, Nam Việt.
Nhưng, mùa Xuân 1954, quân đội Việt Minh cũng đã tỏ ra nắm chắc quyền chủ động chiến trường. Ai cũng phải công nhận là họ mạnh và họ đã tận dụng sức mạnh của họ.
– Bộ đội Liên Khu 3 uy hiếp Giám Khẩu (địa phận Ninh Bình) ngày 21.1.54 khiến cho pháo đội giang thuyền của Liên Quân Việt-Pháp phải khó khăn mới chiếm lại được.
– Cũng ngày 21, bộ đội Việt Minh uy hiếp Quốc Lộ số 9 rất dữ dội, xâm phạm Mường Pha Lan và Mường Phín.
– Sư đoàn 325 tiến binh lên Kontum-Pleiku ngày 28.1.54, khiến cho Thành Phố Kontum phải tản cư triệt để…
Rồi Đồ Sơn, Gia Lâm, Cát Bí lần lượt bị cảm tử quân Việt Minh xâm nhập đốt phá.
– Giao thông chiến phát triển trên trục Hải Phòng-Hà Nội, trục Hà Nội-Nam Định. Bằng chiến thuật hành binh giữa ban ngày, Việt Minh hoạt động liên tục trên Quốc Lộ số 5. Với khẩu hiệu thi đua bền bỉ, Việt Minh chôn mìn la liệt trên Quốc Lộ số 1, số 2.
Tất cả những trận trên đều chứa đựng nhiều tác dụng chính trị và tâm lý nhưng thật ra cũng chưa phải là những trận ghê gớm.
Cuộc tấn công dữ dội nhất trong đầu năm 1954 của quân đội Việt Minh là trận Điện Biên Phủ đã dần dần bị thu hẹp lại dưới pháo lực của quân đội Việt Minh.
Có người đã ví kịch chiến ở Điện Biên Phủ dữ dội như ở Verdun, Stalingrad. Chúng ta cũng nên tìm hiểu qua chút ít vùng lòng chảo với đường kính trên dưới 8 cây số ấy đã chôn hàng ngàn binh sĩ đôi bên, đã làm xôn xao thế giới.
Điện Biên Phủ là nơi đất đai yêu dấu của dân tộc thiểu số người Thái ở Tỉnh Lai Châu. Họ tin tưởng rằng lòng chảo Điện Biên Phủ là nơi ngự của tổ tiên: Khoum Borom, do trời sai xuống trị vì từ thế kỷ thứ 13.
Qua những bổng trầm thế sự, họ Đèo được bổ nhiệm (Đèo Văn Tri) cai trị Thị Trấn Điện Biên Phủ, Thị Trấn Lai Châu, Thị Trấn Tuần Giáo…(1910-1940).
Năm 1945, Đèo Văn Long (con Đèo Văn Tri) phụ trách Liên Bang Thái do Pháp thành lập và đến 1950, Quốc Trưởng Bảo Đại thu hồi Liên Bang Thái thành đất của Hoàng Triều Cương Thổ.
Về phương diện kinh tế và địa dư, Điện Biên Phủ là một vùng lòng chảo xung quanh có núi rừng trùng điệp, có ngọn cao tới 2.500 thước. Một Thị Trấn sầm uất, buôn bán của hàng đám nghìn dân cư, tiếp tế cho một vùng làng mạc bao la rộng rãi.
Về phương diện chính trị, Điện Biên Phủ là một Thị Trấn tượng trưng cho người Thái Quốc Gia những người Thái sống dưới chế độ Hoàng Triều Cương Thổ sau khi Thị Trấn Sơn La và Lai Châu bị mất.
Về phương diện quân sự, Điện Biên Phủ án ngữ biên thùy, chỉ có một đèo độc nhất dễ dàng thông qua địa phận Lào: Đèo Tây Chang. Còn ngoài ra chỉ có những nẻo đường mòn mất hút trong núi rừng rậm rạp.
Liên Quân Việt-Pháp thiết lập pháo lũy Điện Biên Phủ với hai tính chất: Thế thủ trong hiện tại và thế công trong tương lai.
Trước tháng Chạp 1953, Điện Biên Phủ còn là Thị Trấn ngoan lành yên ấm. Các vẻ đẹp của núi rừng luôn luôn cười vui dưới dáng cây xanh, sưởi ấm trong những lều tre dệt. Nào bưởi, nào cam, nào mơ, nào mận chi chít những cây nở hoa buông trái, nhưng, cũng ngay cuối năm 1953 Đại Tướng Tổng Tư Lệnh Navarre đã nhấn mạnh rằng: ‘’Sẽ có một trận Điện Biên Phủ, một trận vô cùng khốc liệt’’.
Lời tiên đoán trên đã khiến Điện Biên Phủ êm đẹp phải biến hình. Từ đầu Xuân 1954, không nếp tranh, cây cỏ nào còn tồn tại trên giải đất rộng mênh mông. Cây cối um tùm đã nhường chỗ cho những hàng cọc sắt chằng giây thép gai sắc nhọn. Từng thửa đất sới lên, hàng tạ mìn chôn xuống. Những con đường mới ngoằn nghèo, nào hầm Tham Mưu, nào ụ súng tua tủa, đồn ải chằng chịt, lố nhố. Điện Biên Phủ mùa Xuân năm 1954 mọc lên hàng dàn đại bác ngoại hạng. Những xe tăng cỡ lớn cũng được thả dù xuống pháo lũy. Trên sân bay thẳng tắp giữa cảnh hùng vĩ núi non có hàng dàn Brissol Curtiss Stratoliner C, 119…
Cách căn cứ Bạch Mai 292 cây số, pháo lũy Điện Biên Phủ thường nhật vẫn tiếp nhận hàng tấn lương thực đạn dược, thuốc men, hàng ngàn quân binh thiện chiến…
Ngày 31 tháng Giêng 1954, sư đoàn Thép 308 bỗng dưng rời bỏ hệ thống bao vây pháo lũy, tiến binh vũ bão xuống miền Luang Orabang. Hành động đột biến ấy đã làm cho các lực lượng Pháp-Lào đồn trú ở miền Bắc Luang Prabang phải lui ở Mường Sài và Kinh Đô Lào.
Người ta đã ngờ rằng Việt Minh lại đánh xứ Lào và Việt Minh đã trùn bước trước Điện Biên Phủ quá rắn chắc…
Sau khi nghỉ quân ở thung lũng Nậm Bách (tên một nhánh sông chảy vào Mékong) sư đoàn 308 lại quay ngược lại Điện Biên Phủ.
Đó là một chiến thuật thực ra có ba tác dụng:
– Đánh lạc hướng Bộ Tham Mưu Liên Quân Việt-Pháp.
– Xua đuổi quân đội Pháp-Lào đồn trú sau lưng vòng vậy Điện Biên Phủ.
– Nghỉ quân.
Quân đội Việt Minh đã tỏ ra muốn thật ăn chắc trong trận đánh.
Ngày 13.3.54, thế giới nhận được tin Điện Biên Phủ bị tấn công, tấn công như vũ bão, bằng các loạt đại bác mà từ xưa Liên Quân chưa từng thấy diễn ra trên chiến trường Đông Dương, bằng các đợt xung phong tràn ngập mà xác phủ kín hàng rào giây thép…
Lần đầu tiên ở Đông Dương, trong phạm vi một khu đất rộng 140 cây số vuông, binh sĩ Pháp-Việt phải chịu đựng ngày đêm hàng ngàn trái phá của những dàn đại bác đối phương quanh sườn núi tưới xuống.
Lần đầu tiên, tất cả những phi cơ Pháp bay trên chiến địa đã làm mồi cho hàng ngàn trái phá từ sườn núi tia lên.
Trận Điện Biên Phủ có hàng vạn quân binh tham chiến ngày đêm, kinh khủng đến mức nào?
Để nhận được tầm quan trọng và mức độ hy sinh của các chiến binh chống giữ Điện Biên Phủ, chúng ta chỉ cần tìm xem phản ứng của thế giới bên ngoài:
– Điện văn ủy lạo các chiến sĩ Điện Biên Phủ của Sir John Harding, Tham Mưu Trưởng Hoàng Quân Anh-cát-lợi, của Jean Bloch, Chủ Tịch Hiệp Hội Quốc Gia Sĩ Quan Bỉ, của Mirambeau, Đại Diện Hội Cựu Binh Sĩ CEFEO, của Rebourset, Đại Diện Hội Liên Hiệp Sĩ Quan Đồng Minh Trừ Bị, của Sir Winston Churchill, của Tổng Thống Eisenhower…
– Việc thăng cấp cho Đại Tá De Castries, Tư Lệnh Liên Quân chống đỡ Điện Biên Phủ, bằng cách thả dù lon Thiếu Tướng.
– Việc tranh luận tại Nghị Viện Hoa Kỳ về việc can thiệp vào chiến cuộc Đông Dương.
– Việc gửi hai trăm chuyên viên Mỹ sang Đông Dương.
– Việc thiếp lập cầu hàng không Pháp-Việt, một chiếc cầu dài nhất trong lịch sử chiến tranh, để tiếp vận Liên Quân Việt-Pháp ở Đông Dương, có những Tướng Tá tên tuổi của Mỹ phục vụ như: William Tunner, người đã từng điều khiển cầu hàng không Ấn Độ, Trung Hoa qua Hy Mã Lạp Sơn trong thời kỳ Đại Chiến Lần Thứ Hai và hiện nay đang chỉ huy toàn thể không lực Đồng Minh ở Âu Châu, Đại Tá Lucien Powell người chỉ huy căn cứ Reistein, một căn cứ không quân của sư đoàn không quân 332, Đại Tá Fred Bound, Ame Van Pelt v.v…
– Việc đình chỉ một phần lớn công tác du hành vận tải Nhật Bản-Cao Ly để có thể rồi ra một số Flying Box cars, Globe Masters, sử dụng trong việc tiếp tế cho Việt Nam.
– Việc gửi cấp tốc những phi cơ Corsairs khu trục của Hoa Kỳ sang Việt Nam.
– Việc quyết định đề bạt Tướng Van Fleet, nguyên Tổng Tư Lệnh Đệ Bát Lộ Quân ở Cao Ly chức vụ Đại Diện đặc biệt của Tổng Thống Hoa Kỳ để nghiên cứu việc quân sự theo chiến lược mới trong Thái Bình Dương (nhấn mạnh vùng Đông Nam Á).
Chiến trường Điện Biên Phủ đang làm xôn xao thế giới dân chủ, tiếng súng tấn công đã tái diễn.
CHÍNH TRỊ
Tất cả mọi người đều mong muốn có hòa bình nhưng hòa bình ở Việt Nam không phải là một chuyện giản dị. Vì quyền lợi chính trị, kinh tế, hay tinh thần, nhiều nước và nhiều vùng trên thế giới đã phải bận tâm đến cục diện Việt Nam.
Thật vinh dự cho người Việt Nam khi nhận xét thấy đời sống chính trị của mình tương đối quyết định hoặc gián tiếp, hoặc trực tiếp đến sự sống còn của một số các dân tộc văn minh, một số các tiểu nhược quốc…
Và cũng là một điều đại bất hạnh cho người Việt Nam khi nhận xét thấy bản thân mình đang làm mồi cho súng đạn mà riêng quyền chủ động hoàn toàn chưa hề có.
Vấn đề Việt Nam đã nổi bật trên trường chính trị quốc tế.
Ở Hội Nghị Tứ Cường ngày 26 tháng Giêng 1954 họp ở Berlin (Đức), Ngoại Trưởng Pháp (Bidault) đã cố gắng tiếp xúc riêng biệt nhiều lần với Ngoại Trưởng Nga (Molotov). Buổi tiếp xúc đầu tiên (26.1.54) gồm có các ông Molotov, Bidault, Joxe Đại Sứ Pháp ở Moscou về Laloy chuyên viên về các vấn đề Sô Viết, với kết quả, một câu nói của ông Molotov: ‘’Nếu tôi thực hiện ngừng chiến ở Đông Dương ông (Bidault) liệu có bỏ Khối Cộng Đồng Phòng Thủ Âu Châu không?’’
Buổi tiếp xúc quan trọng (5.2.54) gồm có Vinogrodov, Đại Sứ Nga ở Ba Lê, Hyircheff, Đại Diện của Ông Molotov, cựu Sứ Thần ở Ba Lê, về phía Pháp có James Baeyens, Giám Đốc Thông Tin, đại diện của ông Bidault, Falaise và Gros…đã họp bàn bí mật về vấn đề Đông Dương.
Ngoài những buổi tiếp xúc riêng biệt nói trên, Hội Nghị Tứ Cường cũng bàn đến vấn đề Đông Dương trong một phiên họp kín.
Kết quả của những buổi tiếp xúc đã tóm tắt trong lời tổng kết của Ngoại Trưởng Pháp. Công việc đã tiến được vài ly…
Sau khi cuộc Hội Nghị Đà Lạt (21.2.54) bế mạc (Quốc Trưởng Bảo Đại, Thủ Tướng Bửu Lộc. Harold Stassen, Tổng Giám Đốc Viện Trợ Kinh Tế Mỹ. Donald Heath, Đại Sứ Mỹ. Pleven, Tổng Trưởng Quốc Phòng Pháp. De Chevigné Bộ Trưởng Chiến Tranh Pháp. Mac Donald, Tổng Ủy Viên Anh ở Viễn Đông). Tổng Trưởng Pleven về Pháp và nhấn mạnh:
Tình hình Đông Dương bị chi phối bởi yếu tố quan trọng:
– Sự khẩn trương của tình hình quân sự.
– Cuộc thương thuyết Việt-Pháp ở Ba Lê.
– Hội Nghị Genève.
Yếu tố thứ nhất chúng ta đã rõ, đó là cuộc hành binh Atlante, đó là trận Kontum, đó là những vụ đốt phá phi trường, những trận giao thông chiến trên các Quốc Lộ miền Bắc Việt Nam, và sau hết là cuộc tấn công dữ dội ở Điện Biên Phủ.
Yếu tố thứ hai, cuộc thương thuyết ở Ba lê mở từ ngày 9.3.54 giữa hai phái đoàn.
Việt Nam:
• Bửu Lộc: Trưởng Đoàn.
• Nguyễn Trung Vinh: Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Canh Nông.
• Nguyễn Quốc Định: Tổng Trưởng Ngoại Giao
• Nguyễn Đắc Khê: Tổng Trưởng Bộ Dân Chủ Hóa.
• Phan Huy Quát: Tổng Trưởng Quốc Phòng.
• Vũ Quốc Thúc: Tổng Trưởng Giáo Dục.
• Dương Tấn Tài: Tổng Trưởng Tái Chính.
• Nguyễn Văn Đạm: Tổng Trưởng Tư Pháp.
• Lê Quang Huy: Tổng Trưởng Công Chính.
• Nguyễn Văn Ty: Tổng Trưởng Kinh Tế.
• Và một số Cố Vấn chính trị như:
o Vũ Văn Huyên,
o Lê Quang Luật,
o Phạm Hòe,
o Nguyễn Văn Kiểu,
o Trương Văn Trinh v.v…
Ngày 8 tháng 3 tại phòng khách của Bộ Ngoại Giao Pháp, hai vị Trưởng Phái Đoàn khai mạc bằng những bài diễn văn như sau:
Pháp:
‘’…Về phần chúng tôi bao giờ chúng tôi cũng mong ước rằng những cuộc đàm phán này được diễn ra trong thời hạn ngắn nhất. Chúng tôi lại càng sung sướng hơn khi được tiếp các Ngài hôm nay. Nay chúng ta, các Ngài và chúng tôi đây, phải sửa soạn cho một thỏa ước Pháp-Việt.
Nền độc lập của Việt Nam không còn là vấn đề nữa.
Sự đồng quan điểm của ta phải phát khởi những công việc của chúng ta, chúng ta phải trình bầy một cách thành thật và đầy đủ những quyền lợi riêng của hai nước để mà điều hợp chung một cách tốt đẹp hơn.
Mở đầu hội nghị này với một tinh thần hiểu biết lẫn nhau, như vậy thì tôi chắc rằng chúng ta sẽ dễ dàng tìm ra những giải pháp khả quan cho các vấn đề hiện có’’.
(Phái đoàn Pháp gồm có: Trưởng đoàn Laniel, Paul Reynaud, Bidault, Pleven Marc Jacquet, Maurice Dejean và một số các chuyên viên).
Diễn văn của Trưởng Đoàn Việt Nam:
‘’Đối với Việt Nam, tự do của nó có nghĩa là, trong sự hòa hợp của các quốc gia nó phải trở thành một quốc gia hoàn toàn độc lập và có chủ quyền. Thật ra không phải chỉ ngày hôm nay đây hai nước chúng ta mới thỏa thuận về chính sách đo cho nền độc lập của Việt Nam.
Đã từ lâu nước Pháp kiên quyết trong lý tưởng cổ truyền của nó mà Việt Nam trong các nguyện vọng sâu sắc nhất của nó đã chấp thuận nguyên tắc này và đã đi theo đường lối của nguyên tắc đó.
Trong giờ phút hiện tại, chúng tôi cần phải vượt qua được giai đoạn cuối cùng để tuân theo lệ thiên nhiên về sự tiến triển của vạn vật.
Giai đoạn cuối cùng này, chúng tôi phải quyết tâm vượt qua nó nhiều hơn là chúng tôi biết sẽ gặp trên địa hạt này, sự thỏa thuận đầy đủ của Pháp hôm 3.7.53 yêu cầu chúng ta cùng Pháp hoàn thành nền Độc Lập của chúng ta.
Chính vì thế mà với một thiệt chí hoàn bị, phái đoàn Việt Nam đang sẵn sàng cùng các ngài nghiên cứu những thể thức tổ chức sự liên hiếp giữa hai dân tộc.
Nền Độc Lập hoàn toàn của Việt Nam là một sự hợp tác căn bản và phong phú giữa hai nước chúng ta, là tất cả những đề thuyết chủ chốt của đường lối chính trị của chúng tôi.
Chúng tôi nhận thấy cần phải nhắc lại những điều đó ngay khi mới bước đến ngưỡng cửa của các điều đình của chúng ta. Dân tộc Việt Nam hãy tin chắc rằng được phát triển trong sự thực một cách mênh bạo và hoàn hảo các đề thuyết đó sẽ có thể đặt một trong khối quyết định trên cán cân lịch sử và có thể thúc đẩy nhanh chóng được hòa bình trở lại’’.
Qua một thời gian thương thuyết bổng trầm, nào xa lập trường của nhau, nào hoãn họp, nào xét lại hiến pháp v.v…phái đoàn Việt Nam đã có dịp đón tiếp Quốc Gia Bảo Đại ngày 13.4.54 từ nước nhà bay sang ‘’để được thấy nền Độc Lập Việt Nam và vị trí Việt Nam trong Liên Hiệp Pháp thực hiện bằng một hiệp ước.
Sau một thời gian (8.3.54-23.4.54) người ta đã được biết Việt-Pháp đã thỏa thuận về nguyên tắc liên kết trong Liên Hiệp Pháp, nguyên tắc về Độc Lập của Việt Nam. Người ta được biết Thượng Hội Đồng Liên Hiệp Pháp rồi sẽ được biến thành một Hội Đồng Liên Chính Phủ…
Sau một thời gian họp hoãn họp…Việt-Pháp đã thỏa thuận, trên nguyên tắc, hai vấn đề căn bản:
– Nền Độc Lập của Việt Nam, độc lập thật sự.
– Sự liên kết với nước Pháp, bình đẳng.
Hai bên thỏa thuận ký một Bản Tuyên Ngôn chung. Một Bản Tuyên Ngôn! Nghĩa là chưa có quy ước ấn định những thể thức điều hành. (Một sự trừu tượng, tuyên ngôn chung, nằm trong sự trừu tượng, quy ước ấn định).
Ngót hai tháng trời thương thuyết, mọi đối tượng gián tiếp và trực tiếp của cuộc đàm phán về phương diện thời cuộc cũng như về phương diện thái độ đã làm nẩy ra một Bản Thông Cáo quan trọng của Văn Phòng Quốc Trưởng Việt Nam:
‘’Trong khi kết liễu giai đoạn đầu của những cuộc thương thuyết Việt-Pháp được nối tiếp lại từ gần hai tháng nay, và trong khi mà Hội Nghị quốc tế sẽ khai mạc ở Genève, Văn Phòng Đức Bảo Đại, Quốc Trưởng Quốc Gia Việt Nam cho rằng cần phải tỏ ra một cách rõ ràng lập trường của Ngài về những vấn đề liên quan đến Việt Nam cũng như đến cả Pháp và toàn thể thế giới.
1.- Ý nghĩ đầu tiên của Việt Nam trong những tình trạng hiện thời hướng về những vị anh dũng chống giữ Điện Biên Phủ. Nếu thực rằng quân đội Pháp có được một sự vẻ vang mới trong trận đánh khó khăn và chênh lệch, thì người ta không thể quên rằng những binh sĩ Việt Nam đã cung cấp một tỷ lệ về lực lượng rất quan trọng mà từ đây sự chống giữ anh dũng sẽ là lịch sử.
Cũng vì họ đã liên kết trong danh vọng cũng như trong tan tóc của sự chiến đấu, nước Việt Nam và nước Pháp phải tự cảm thấy liên kết trong đời chính trị.
Tuy nhiên, những cuộc đàm phán Pháp-Việt do Bản Tuyên Cáo 3.7.53 khơi mào và được thực sự bắt đầu mở ra từ 8 tháng 3 nay vẫn chưa có thể đưa tới việc ký kết những hiệp ước dành nền độc lập cho Việt Nam và ấn định những thể thức về một cuộc hợp tác bình đẳng và tự ý với Pháp.
Đến nay chưa thấy có cái mầm bất dồn quan trọng nào.
Nước Pháp đã nhiều lần tuyên bố thừa nhận nền độc lập của Việt Nam, Việt Nam tỏ ý chí một cách minh bạch vẫn muốn liên kết với Pháp trong khuôn khổ một khối được thành lập một cách tự do giữa các quốc gia có thẩm quyền. Hai nguyên tắc chính đó đã được cả đôi bên chấp thuận thì từ lúc đó phải không thể nào còn có sự khó khăn nữa.
Việt Nam ý thức rõ ràng rằng đã không hành động trì hoãn một giải pháp mà hình như bắt buộc phải có trước Hội Nghị Genève.
2.- Rốt cuộc chính phủ Việt Nam đã quyết định không kết thúc giai đoạn đàm phán này bằng việc ký kết hai hiệp ước về độc lập và liên kết sau khi đã thực hiện được một sự thỏa thuận về việc này. Thật vậy, về vài phương diện, Việt Nam và nền độc lập của mình như một nước tự do liên kết đã được bảo đảm một cách đầy đủ trong những điều kiện phù hợp với những nguyên tắc đã được tuyên bố:
Về sự thống nhất, người ta được biết rằng nhiều chương trình đã được thảo ra trong đó hình như có sự phân chia nước Việt Nam. Nhưng giai pháp đó có thể có vài sự bất lợi và những nguy hiểm lớn cho tương lai. Có thể nó sẽ là một sự thách thức đối với lòng yêu nước của Việt Nam. Lòng yêu nước này đã được phát hiện một cách mạnh mẽ cả cho sự thống nhất lẫn nền độc lập của xứ ta, Quốc Trưởng và chính phủ quốc gia đều không chấp nhận được việc nền thống nhất quốc gia có thể bị phá vỡ. Nếu những người thân Hồ chí Minh từng bị lôi cuốn trong một cuộc chiến đấu bất lợi dưới cái cớ thống nhất và độc lập cho xứ sở không phải phục tòng hoàn toàn thì có lẽ họ sẽ khởi nghĩa chống chúng tôi trước sự bất thần về một cuộc phân chia nước Việt Nam do các cường quốc đề nghị.
Hẳn rằng hiện thời những người khuynh Hồ chí Minh có lường chăng lầm lỗi của họ và họ có tự giác chăng rằng lòng yêu nước của họ thường thường không chỗi cãi được đã bị lợi dụng cho những ý định thực dân, là những nỗ lực của họ đã quay chống lại những mục đích của họ như thế nào chăng.
Về việc liên quan với nền độc lập và sự bình đẳng của nước đó trong sự liên kết với Pháp, nước Việt Nam sẽ có thể mong rằng nguyên tắc của một chính sách tổng quát khởi thảo chung phải được hoàn toàn tôn trọng trong thực tế.
Trước sự nghiêm trọng của những tình trạng hiện thời, sự liên kết giữa Pháp và Việt Nam phải được diễn tả, không phải bằng lời nói hay bằng những thể thức luật pháp, nhưng bằng một sự thống nhất hành động hoàn toàn trong thực tế.
Người ta không thể chấp nhận sự tình cờ đưa đến những cuộc thương thuyết do đó nước Pháp, (thật là trái với nguyên tắc của Khối Liên Hiệp Pháp mà nước Pháp đòi hỏi) có lẽ sẽ điều đình với đối phương của Quốc Gia Việt Nam hay với những cường quốc thù nghịch với Quốc Gia Việt Nam, bằng các bỏ rơi, hay hơn nữa, hy sinh những nước liên minh với Pháp.
Trong những ý kiến đó Đức Quốc Trưởng Bảo Đại hôm 2.4.54 đã gởi cho Tổng Thống Retté Coty Chủ Tịch Khối Liên Hiệp Pháp một bức thư trong đó ngài yêu cầu triệu tập ngay tức thì ủy ban thường trực của Thượng Hội Đồng phù hợp với một quyết nghị đã được chọn với sự thỏa thuận chính phủ Pháp. Chính phủ Pháp được hỏi ý kiến, định rằng không trả lời lá thư yêu cầu đó.
Hẳn rằng trong cuộc hội họp của Ủy Ban Thường Trực của Thượng Hội Đồng ngày 25.2.54 Ngoại Trưởng Pháp có tuyên bố rằng không một đề nghị nào sẽ có thể được chính phủ quy định, về việc gì liên quan tới những vấn đề Đông Dương không có sự thỏa thuận rõ ràng với các Quốc Gia Liên Kết.
Việt Nam không muốn hoài nghi rằng lời hứa đó không được chính phủ Pháp giữ một cách chân thành nhưng Việt Nam cho rằng trong khi tiết lộ sự xác nhận giây liên lạc đó và Pháp trong việc nghiên cứu tỷ mỉ những vấn đề được đặt ra ở hội nghị Genève, có lẽ hai quốc gia không củng cố cái thế lẫn cho nhau mà còn củng cố cả cái thế của thế giới tự do trong toàn thể.
(Thế những cũng phải nhận rằng một phiên họp nhóm chiều hôm thứ bảy tại Bộ Ngoại Giao Pháp đã cho phép Ngoại Trưởng Pháp cho các đại diện các Quốc Gia Liên Kết biết những dự định của phái đoàn Pháp tại Hội Nghị Genève)
Dù sao, cả Quốc Trưởng lẫn chính phủ Việt Nam đều sẽ không coi như là bị ràng buộc những quyết định có thể phương hại trái với độc lập và thống nhất xứ xở, nhất là khi nó lại phần thưởng cho quân xâm lăng. Như vậy sẽ trái với những nguyên tắc của Hiến Chương Liên Hiệp Pháp và trái với lý tưởng dân chủ.
Không cần phân tách tỷ mỉ lắm, chúng ta cũng ước lượng được một sự thật: Âm mưu chia xẻ nước Việt Nam.
Những ai đã có sáng kiến phủ phàng như vậy? Nga? Mỹ? Anh? hay Pháp?
Chúng ta hãy tin biết sự việc bất lợi cho tinh thần dân tộc Việt.
Những người Việt Nam chân chính không ai có thể công nhận được những quyết định phương hại đến quyền lợi Quốc Gia Dân Tộc.
Đọc Bản Thông Cáo của Văn Phòng Quốc Trưởng chúng ta thấy ẩn náu một khía cạnh ngậm ngùi nhất sự yếu thế hiện tại của phe Quốc Gia Việt Nam, một sự yếu thế do chính những người Việt Nam Quốc Gia (vô tình hay hữu ý) đã nhào nặn.
Thử lại tất cả những hành động của phần lớn những người Quốc Gia ‘’mạnh’’, những người Quốc Gia có tinh thần, có lực lượng thực sự nào tổ chức chính trị, nào tổ chức quân sự, nào tổ chức đoàn kết, nào hô hào bầu bán ầm ỹ, rầm rộ nhưng kỳ chung trong thâm tâm, mỗi cá nhân chuẩn bị một thế, mỗi nhóm, mỗi phe chuẩn bị một thế. Chưa có thống nhất thực sự chưa có hành động thực sự bởi vì chưa có tư tưởng thống nhất đứng đánh và lành mạnh. Nếu những người quốc gia đã biết bỏ quyền lợi tây riêng nhỏ bé của mình, đã biết rõ thái độ hiểu biết, đã biết hòa hoãn trong tích cực, bớt kiêu ngạo…thì Quốc Trưởng Việt Nam đã có một hận thuẫn sạch, ngay ngắn không khập khiễng. Hậu thuẫn ấy sẽ giúp Quốc Trưởng và có thể tạo cho lãnh tụ của chúng ta ưu thế trện đường tranh đấu, gìn giữ và phát triển chính nghĩa quốc gia. Ưu thế đó tất nhiên phải đề cao cá nhân Quốc Trưởng nhưng, như vậy có nghĩa là đề cao Quốc Gia Việt Nam, đề cao chính chúng ta, như tất cả những người Việt Nam Quốc Gia hiện tại. Trên thực tế, ở nơi chúng ta có một hiện tượng tố cáo một sự trái ngược lạ kỳ các sự kiện của lịch sử tiến theo một đường, tinh thần hoạt động của lịch sử tiến theo một đường, tinh thần hoạt động của những lực lượng tượng trung chủ nghĩa quốc gia đi một nẻo. Nói như vậy không phải là những người quốc gia không hoạt động hay kém hoạt động. Chính thực ra đã hoạt động nhiều lắm. Đã có tốn sức tốn hơi nhưng tất cả chúng ta vô tình như đã có chủ tâm xây nhà không nền móng.
Nhất định không chịu xây nền móng, ngoan cố không chịu xây nền móng, do là khuyết điểm lớn chung của chúng ta.
Thêm vào vấn đề trên, còn phải kể đến một nền hành chính tầm thường, trong đó chưa tập hợp nồi các chân tài giá trị tham gia.
(Những người có chân tài không chịu tham gia chính phủ tự họ đã tượng trưng một loại người vô dụng. Có thể trong số những người này có những khuynh Việt Minh, nhưng ngay dưới mắt Việt Minh, họ cũng chỉ là những loại người lừng chừng vô tích sự).
Chúng ta nên kể thêm hành động kém cõi cả của một loại người vô tài, chuộng danh lúc nào cũng thường trực một ý nghĩ len lõi, giành dật chức vị. Người dân Việt Nam không muốn thắc mắc đến vấn đề vinh thân phì gia do sự lợi dụng chức vị của những người này nhưng bắt buộc phải buồn rầu khó chịu với một tâm tư! Chính quyền của chúng ta có được bao nhiêu người phụ trách và con số tỷ lệ loại người vô tài nói trên lên đến bao nhiêu?…
Nói tóm lại, chính nghĩa quốc gia do một số, một phần những loại người kể trên gìn giữ đến giai đoạn nào? Có thể có dư luận rằng vị lãnh tụ của chúng ta đã không khôn khéo cho nên chưa thống nhất được thực sự các lực lượng quốc gia nói chung. Ý kiến ấy không những không đúng mà còn tố cáo những tâm trạng ươm hèn, ỷ lại và lạc hậu.
Đọc Bản Thông Cáo của Văn Phòng Quốc Trưởng để liên tưởng tới khía cạnh ngậm ngùi, để bực tức, nhưng cũng để cùng nhau trỗi dậy, nhìn rõ vấn đề ngõ hầu tự định đoạt một cách đúng đắt số phận chung của những người theo chính nghĩa quốc gia.
Ngày 26 tháng 4, tại Genève, Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Cộng có mặt cùng với một số các quốc gia độc lập khác trên thế giới: Hội Nghị Genève.
Chúng ta chỉ tìm xem chuyện Việt Nam ở Genève giải quyết thế nào. Vấn đề giải quyết (trong khi viết những giòng này) chúng ta chưa thể biết được nhưng dù sao cũng chỉ có hai lối giải quyết Việt Nam bằng vũ khí và giải quyết bằng hòa ước.
Nếu người ta muốn giải quyết tấn thảm kịch ở Việt Nam bằng vũ khí thì tất nhiên chỉ cứ việc phát triển các trận đánh đang diễn ra trên đất Việt, cứ việc tiếp viện quân nhu lính tráng…và miễn phải bàn đến việc Việt Nam ở Genève nữa. Như vậy chúng ta thấy, trên nguyên tắc của lý luận, những nước tham dự Genève để bàn về Việt Nam, nói chung tất cả đều có thiện chí hy vọng giải quyết vấn đề bằng hòa ước.
Chúng ta hãy bước sang địa hạt thực tế nhận xét hành vi của một số quốc gia đối với vấn đề hòa chiến ở Việt Nam.
a.- Người ta thấy bề mặt Nga Sô hiện nay tỏ ra ưa hòa bình. Ít nhất là trong thời gian hiện tại.
Dân tộc là Sô Viết đang ở thời kỳ xây dựng và thực hiện chủ nghĩa cộng sản. Thật vậy trong quãng ngày vừa tàn của chủ nghĩa xã hội, dân tộc Sô Viết rất cần một sự êm thấm nội ngoại để tiến mạnh trên đường thực hiện. Cộng sản chủ nghĩa. Rất nhiều chứng cớ khiến chúng ta chắc chắn rằng người Nga đang cố giữ hòa bình:
– Nga chuyển vàng qua Tây phương, đổi chác, giao thương.
– Nga ký hiệp ước thương mại (Tháng 1.1954) với Bỉ về vấn đề gang thép (Bỉ mua cả Nga 100.000 tấn gang.
– Nga ký hiệu ước thương mại (Tháng 2.1954) với Anh (400 tỷ Phật Lăng trong 3 năm).
– Hội nghị M.T.S họp tại Kremlin (Tháng 2.1954), một hội nghị bàn về chuyện máy cầy của tập thể Kolkhozes được Chủ Tích Malenkov chú ý hơn một hội nghị quốc tế.
Từ khi Staline tuyên bố chủ nghĩa cộng sản và tư bản có thể cùng chung sống được, chúng ta thấy đường lối chính trị của khối cộng êm dịu nhiều (dĩ nhiên cũng có lúc cứng nhưng sử sự đó chỉ thuộc trong phạm vi chiến thuật nhất thời). Chúng ta đã thấy những hội nghị hòa bình thế giới, những con chim hòa bình tung đi khắp năm châu, những khẩu hiệu hòa bình… tất cả đều nằm trong một chiến lược của trận đánh tối tân: Tấn công hòa bình.
Tấn công hòa bình chỉ là một chiến lược của phe cộng sản, một hình thức trong muôn vàn hình thức tấn công để tiến tới chế ngự hoàn cầu cộng sản hóa hoàn cầu.
b.- Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa vừa thoát khỏi một trận vũ bão ở Cao Ly. Họ chưa dại gì thực hiện một cuộc diễn cái việc quyên tiền dân chúng để mua máy bay giúp chính phủ Việt Minh. Ít nhất nước Trung Hoa cộng sản cũng cần một quãng thời gian để kiến thiết, xây dựng nền Tân Dân Chủ. Trong nước họ đang có một vấn đề quan trọng căn bản: Thực hiện chương trình nông nghiệp và phát huy khả năng kinh tế của dân tộc. Thiếu một nền kinh tế vững chắc, Trung Cộng khó mà duy trì được chế độ của mình.
c.- Nước Anh muốn một Việt Nam yên ổn bằng cách dung hòa Quốc-Cộng. Chính phủ Liên Hiệp rộng rãi? Hay hai chính phủ, hai miền Nam Bắc? Bản Thông Cáo của Văn Phòng Quốc Trưởng đủ cho ta thấy có một cường quốc đã đề nghị một nước Việt cắt đội. Hòa bình kiểu ấy thật có lợi cho Anh-cát-lợi. Chiến tranh mãi chỉ nuôi thêm mầm tranh đấu cho các dân tộc trong Liên Hiệp Anh.
d.- Nước Pháp muốn giải quyết vấn đề Việt Nam bằng một đàm phán. Điều đó ai cũng có thể biết được. Trong cuộc tranh luận ngày 5 tháng 3 tại Ba Lê, đông đảo Nghị Sĩ Pháp đọc đến phần kết của bài trần thuật về Đông Dương và tất cả mọi người đều đã nghiêm trang yên lặng nghe ngóng các điều kiện đầu tiên của một cuộc ngừng bắn…
Ngày 9.3.54, Quốc Hội Pháp biểu dương ý chí hòa bình của dân tộc Pháp, đã chấp thuận bản nghị trình của Nghị Sĩ Sesmaisons với 333 phiếu thuận và 271 phiếu nghịch. Đại ý bản văn kiện là tán thành Hội Nghị Genève ngày 26.4.54 với mục đích xác định mọi phương tiện cấn thiết và thích hợp để chấm dứt cuộc chiến tranh ở Đông Dương.
Hơn nữa, mặc dầu Pháp đã có những lời tuyên bố ‘’co đi, kéo lại’’, mặc dầu người ta thấy Pháp tích cực yêu cầu Mỹ cấp tốc gửi quân nhu vũ khí, tích cực tiếp viện cho Đông Dương…khi đọc Bản Thông Cáo của Văn Phòng Quốc Trưởng người ta cũng cảm thấy thâm ý của chính phủ Pháp, thái độ mới trong vấn đề Việt Nam.
e.- Riêng Hoa Kỳ, với những William Knowland, với những Mac Carthy, những Nixon, những Radford và Van Fleet, Hoa Kỳ rất chỉ muốn đả kích Việt Minh bằng phương tiện quân sự.
Nói chung, Hoa Kỳ là một trong số các quốc gia tự do trên thế giới:
– Thâm hiểu rằng tất cả mọi đường lối thái độ của những chính khách ở Điện Kremlin (chiến tranh hay hòa bình) đến chỉ là một hình thức mưu mô dẫn dắt tất cả các dân tộc làm cách mạng vô sản, theo chế độ vô sản độc tài.
– Thâm hiểu rằng tất cả những đồ đệ của Marx, Lénine không bao giờ chịu đứng bước tiến trên đường xích hóa hoàn cầu.
Nhưng Hoa Kỳ đã làm cường quốc độc nhất, muốn và dám cảnh cáo thẳng thắn trước mặt cộng sản, muốn và dám chơi trước lá bài quân sự với họ vì biết trước rằng:
– Chủ nghĩa tự do không thể sống chung với chủ nghĩa cộng sản.
– Trong một cuộc ‘’sống mái không thể tránh kẻ nào tấn công trước và tấn công lúc đối phương còn thiếu thốn (nói chung) kẻ ấy sẽ giữa phần ưu thế.
Nói riêng. Trong phạm vi Việt Nam, tốt hơn hết là nên thủ tiêu Việt Minh cộng sản lúc còn có thể thủ tiêu (!) được.
Về phương diện chính trị, Hoa Kỳ có thể tự hào rằng đã tỏ ra tận tình giúp đỡ cho Quốc Gia ở Đông Dương và do đó có thể mua chuộc được cảm tình vô hạn.
Về phương diện quân sự, Hoa Kỳ không muốn buôn lỏng Đông Dương, một khúc trong sợi dây chuyền bao vây quân sự…
Về phương diện kinh tế, Hoa Kỳ muốn giữ thị trường. Mất miền quặng mỏ giầu lớn ở lục địa Trung Hoa, Hoa Kỳ cần chú ý đến của chìm vùng Đông Nam Á. Muốn có Đông Nam Á để khai thác, phải có một Đông Dương tự do và yên tĩnh.
Tổng kết ý nguyện của các cường quốc, hiện nay chúng ta mới chỉ riêng thấy có Hoa Kỳ muốn nuôi dưỡng một ‘’thái độ nóng’’ trong thời cuộc Đông Dương.
Bài diễn văn của Ngoại Trưởng Foster Dulles ngày 31 tháng 3 ở Nữu Ước chứng tỏ thái độ của Hoa Kỳ:
‘’…Trong những trường hợp hiện tại, việc hệ thống chính trị Nga Sô và Trung Cộng định lan tràn Đông Nam Á thực là một hiểm họa quan trọng cho thế giới tự do.
Đối với Hoa Kỳ một trường hợp như vậy không thể chấp nhận được một cách thụ động mà là phải hăng hái chiến đấu lại. Một hành động như vậy có thể liều lĩnh nhưng những sự nguy hiểm này không quan trọng bằng những sự nguy hiểm dễ phát sinh trong vòng một vài năm nữa nếu người ta không chấp nhận một thái độ quả quyết ngay tự bây giờ.
Đôi khi cần phải liều lĩnh trong thời bình cũng như là người ta đã liều lĩnh trong thời loạn.
Việc thừa nhận Trung Cộng sẽ trái ngược với những quyền lợi của Liên Hiệp Quốc.
Những người chịu trách nhiệm về chính sách của Hoa Kỳ phải tự hỏi liệu có phải là hành động phục vụ cho xứ sở khi tán tành, qua việc thừa nhận, để gây uy tín và ảnh hưởng cho một chính thể đang nhất quyết phá hoại các quyền lợi trọng yếu của ta không? Câu trả lời lúc nào cũng sẵn sàng. Tôi xin nói là không!
Việc Trung Cộng thiếu xót ý định hòa bình đã được chứng minh tại Đông Dương.
Là một trong những nước hội viên Liên Hiệp Quốc, chúng ta phải tự hỏi có phải là một hành động vì quyền lợi trên phạm vi quốc tế không, khi cho gia nhập Liên Hiệp Quốc một chính thể đã bị coi như xâm lăng và vẫn tiếp tục đề cao việc sử dụng sức mạnh để vi phạm những nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc?
Tôi chỉ có thể lại trả lời một lần nữa: Không!
Tại Đông Dương, cộng sản đã dùng những khẩu hiệu quốc gia để chống lại Pháp ngõ hầu dành được sự ủng hộ của dân chúng địa phương. Nhưng chắc chắn là trong trường hợp mà họ có những thắng lợi quân sự hoặc chính trị họ sẽ nô lệ hóa dân chúng dưới một chế độ độc tài cộng sản tàn bạo, tuân theo những huấn lệnh của Moscou và Bắc Kinh.
Tôi tin rằng chúng ta có thể rút được một bài học tại Điện Biên Phủ, nơi tình trạng tạm yên có thể kéo dài được vài ngày nay nhưng thực ra thì chiếc gọng kìm đang xiết chặt vị trí của những người chống giữ.
Địch đã đào những hầm hố để giành được những vị trí khởi tiến sâu nhất và để có thể tấn công mãnh liệt vào pháo đài trung ương do ở những vị trí được đặt gần lại…’’
Ở Genève người ta đã thấy có mặt các ông Nguyễn Quốc Định (Quốc Gia), Phạm văn Đồng (Việt Minh), Hoàng minh Giám (Việt Minh).
Kết quả sẽ là việc cắt xén Quốc Gia Việt Nam, quốc tế hóa một vài thành phố, thành lập một chính phủ Liên Hiệp rộng rãi, kéo dài việc thương thuyết điều đình hay…tiếp diễn chiến tranh…tất cả chúng ta, những người Việt Nam Quốc Gia đến một phen thử thách thật sự.
o O o
(Khi viết đến những giòng này, buổi họp về Đông Dương ở Genève chưa bắt đầu)
Hà Nội ngày 4 tháng 5 năm 1954
Nghiêm Kế Tổ
Việt Nam Máu Lửa Việt Nam Máu Lửa - Nghiêm Kế Tổ Việt Nam Máu Lửa