Bread of flour is good; but there is bread, sweet as honey, if we would eat it, in a good book.

John Ruskin

 
 
 
 
 
Tác giả: Thạch Lam
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 74
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 317 / 69
Cập nhật: 2024-10-26 20:43:01 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8
rường đi qua cổng huyện, rẽ về bên trái. Mấy lớp nhà đầu phố hiện ra trước mắt chàng. Vẫn mấy nếp nhà tranh xiêu vẹo của bọn người nghèo khổ các nơi trú ngụ ở An Lâm. Tuy xa cách đã lâu, mà Trường thấy những dãy nhà không có gì thay đổi, có chăng là xiêu vẹo và điêu tàn hơn một chút. Chàng đoán cuộc đời tối tăm và khốn nạn trong đó cũng vẫn như ngày trước khi chàng còn ở đây.
Trường bước nhanh để vội qua những nơi ấy. Trên các thềm nhà, chàng vẫn thấy một lũ trẻ bẩn thỉu và rách rưới đùa nghịch; chúng giương những con mắt ngạc nhiên nhìn Trường đi qua. Trong các khung cửa dưới mái tranh xơ xác, Trường nhận ra thấy một vài người đàn bà quen, những người ở phố chợ này đã lâu lắm, đã từng trông thấy Trường chơi đùa dưới mắt họ cùng với một lũ trẻ cũng bẩn thỉu như những đứa trẻ kia.
Những người đàn bà nghèo khổ này vẫn thường đến vay mượn mẹ Trường. Chàng ngậm ngùi cho cái số phận đáng thương của họ, có lẽ suốt đời phải lầm lội trong cảnh đói khổ như thế này mãi. Trường nghĩ đến trước kia, gia đình chàng cũng không hơn gì gia đình những người này. Chàng đã sống chung với con cái họ. Nhưng tấm lòng hy sinh của mẹ đã khiến Trường và anh có thể theo học được, và đến bây giờ, thoát khỏi sự cùng cực, sống một cuộc đời đầy đủ hơn một chút: Trường thấy nổi lên trong lòng một tâm tình yêu mến, kính phục đối với mẹ, với tất cả những người mẹ khác đã hy sinh cho con.
Chàng đoán chắc những bà mẹ xấu số kia đang nhìn theo chàng một cách ao ước, thèm thuồng. Chàng thoáng nghe thấy họ nói với nhau:
- Cậu Trường đấy, Trường con bà phán đấy mà. Gớm, cậu ấy bây giờ trông nhớn quá.
Trường mỉm cười. Chàng lưỡng lự không biết có nên dừng lại hỏi han họ không. Nhưng chàng sợ, những lời than phiền, và cảnh nghèo khổ thương tâm của họ khiến chàng muốn tránh xa, Trường lại bước nhanh đi đến nhà ông bác. Qua dãy phố chợ, đến phố huyện là chỗ những người giầu có ở. Những nhà gạch dựng sát tường nhau, liên tiếp hai bên đường. Trong dãy nhà ấy Trường lại trông thấy hai căn nhà to lớn của người Khách, mà lúc còn bé, chàng cho là vĩ đại nhất, không còn có cái nào khác có thể cao và to hơn được. Bây giờ nhà đó đối với chàng không còn gì lạ lùng nữa. Nhưng mấy người Khách béo tốt ngồi yên lặng sau quầy hàng vẫn có vẻ giầu sang vững chãi đột ngột trong những cảnh nghèo khổ chung quanh.
Đến nhà họ, Trường thấy người bác gái cùng với mấy đứa con đang ngồi ở cửa hàng, một cửa hàng trông ra phía chợ. Trường vui vẻ bước vào. Bà Cả thấy cháu đến, không vẻ gì ngạc nhiên hay mừng rỡ. Bà điềm nhiên bảo Trường ngồi xuống ghế, rồi ôn tồn hỏi:
- Cậu về đây có việc gì thế? Thím độ này có mạnh giỏi không? - Rồi bà chép miệng nói thêm:
- Lâu nay hàng họ bận quá, thành thử bao nhiêu lần bác muốn lên thăm thím và các cháu trên ấy mà không đi được. Đấy, cậu xem, luôn tay có lúc nào rỗi đâu.
Trường lễ phép đáp lại. Thực ra, chàng cũng biết bác Cả chẳng phải vì bận việc mà không lên chơi với mẹ chàng được: bà ta lên Hà Nội luôn nhưng không lần nào đến, vì bà không có lợi gì mà giao thiệp với nhà Trường. Câu nói đãi bôi của bà làm cho Trường khó chịu, nhất là chàng lại nhớ đến những cử chỉ khắc nghiệt của bà ngày xưa đối với mẹ chàng. Cái kỷ niệm đau đớn và uất ức còn in sâu mãi trong óc Trường: tối đêm ba mươi tết, năm Trường lên mười tuổi, bà Cả đứng ngoài sân réo đòi nợ năm đồng bạc khiến mẹ Trường tức ngất người đi và bà chẳng phải đợi hết mưa gió đến gõ cửa nhà một người quen biết trong huyện vay tiền đem về trả.
Sự khinh bỉ cái tàn ác ấy cũng đến theo với cái kỷ niệm buồn rầu kia Trường nhìn thẳng vào bà Cả, tìm trên khuôn mặt phúng phính của bà những nét khắc nghiệt ích kỷ, cái vẻ điêu ngoa và gian ác mà thời gian không che bớt đi. Tuy vậy chàng cố nén tâm trở lại bình tĩnh, và thong thả trả lời câu hỏi của bà:
- Thưa bác, mẹ cháu vẫn ân hận vì đã lâu chưa về thăm bác được. (Chàng vui vẻ tiếp chuyện ra vẻ ân cần lắm). Độ này bác đã được bình phục như thường rồi chứ? Năm ngoái khi nghe tin bác mệt, cháu cứ áy náy mãi không về được.
Nhưng Trường bỗng tự nhiên mỉm cười. Vì chàng cũng vừa đã giả dối như bà Cả. Sức khỏe của bà, chàng có bao giờ để ý đâu! Mà nếu bà ta ốm yếu, có lẽ chàng lại mừng nữa. Rồi chàng thấy những câu hỏi thăm mình sắp nói là vô vị và không thực thà. Chàng yên lặng.
Vừa lúc ấy, mấy người đàn bà quê vào mua hàng. Bà Cả bảo Trường:
- Cậu lên chơi trên nhà. Bác ở trên ấy đấy. Trường đứng dậy vào phía trong, đi qua một cái sân gạch rộng. Mấy con chim bồ câu đang nhặt thóc thấy động vụt cánh bay lên trước mặt chàng. Trong gian phòng ngang bên tay trái, một đám người quần áo cũ kỹ và rách rưới, đang đứng chờ đợi, giữa những quang gánh và thúng mủng. Đó là những người đến vay thóc. Bên cót thóc cao đến mái nhà, Trường thấy cô Tâm, con gái bà Cả, đang coi bảo mấy tên người nhà. Tiếng cô nói gắt và the thé, che lấp cả những lời van xin se sẽ của đám người kia.
Đến nhà trên, một căn nhà lối mới ta thường thấy ở các vùng quê, Trường nghe thấy tiếng nhiều người nói chuyện. Chàng ghé đầu vào cửa sổ, thấy ông Cả đang ngồi cùng mấy người khác, chúng quanh chiếc bàn mặt đá. Trông nét mặt và dáng điệu mọi người, Trường đoán họ đang bàn luận một việc gì quan trọng lắm. Chàng còn đang lưỡng lự không vào, thì Tín, con trai ông Cả, đã trông thấy chạy ra vồn vã:
- Kìa anh Trường, về bao giờ thế? Mời anh vào chơi.
Trường tỏ vẻ ngần ngại:
- Hình như bác đang bận giở việc gì thì phải.
- Không, anh cứ vào.
Tín kéo tay chàng dắt vào trong nhà. Mọi người dừng lại, ngẩng lên nhìn. Trường lễ phép cúi chào. Ông bác nhìn chàng sẽ gật đầu, rồi lại quay về phía bọn khách nói chuyện. Trường theo Tín đến ngồi chiếc ghế gụ kê sát tường, một chiếc ghế kiểu lố lăng, pha Tàu, pha Tây, nhưng rất đắt mà các nhà sang trọng hay bày biện. Chàng thấy chiếc ghế đầy những bụi, hình như đã lâu không có ai ngồi đến.
Tín mang đến một cái ấm tích cũ, rót vào cái chén cáu bẩn một thứ nước đen ngòm và lạnh, rồi điềm nhiên mời khách uống. Trường nhìn bàn tay to lớn của Tín, cái thân hình mập mạp của anh ta, và nét mặt thản nhiên, đôi con mắt không có một ý tứ gì. Tất cả những người ở bên họ ngoại, vẫn làm cho Trường lạ lùng và khó hiểu, ông Cả đã suốt một đời, chàng không thấy làm việc gì: ông chỉ ngồi nhà, mặc vợ và con gái buôn bán nuôi mình. Ông lúc nào cũng thong dong nhàn nhã. Mùa hạ ông mặc chiếc áo cánh lụa, phe phẩy cái quạt, rồi ăn cơm xong, miệng ngậm cái tăm, ông ung dung đi bách bộ trong sân nhà, hay ra phố chợ nói dăm ba câu chuyện không đâu với những người ở đấy. Lúc còn nhỏ ông làm cho Trường kính phục lắm, vì mọi người chung quanh vẫn coi ông là biểu hiện của sự sung sướng cực điểm, cái sung sướng được thư nhàn; không phải làm ăn vất vả.
Đến lượt Tín cũng thế. Trường cũng không thấy anh ta làm việc gì. Mười năm trước, Tín cũng cắp sách đi học với chàng nhưng sau khi trượt bằng sơ học, Tín bỏ trường và từ đấy không theo học nữa. Trường lấy làm lạ, sao anh ta có thể sống một cuộc đời yên lặng thế được, mà không băn khoăn. Chàng tò mò muốn biết công việc và ý nghĩ của Tín ra thế nào, chàng hỏi:
- Độ rày anh làm gì?
Tín ngạc nhiên, nhìn Trường rồi mỉm cười.
- Tôi ấy à? Chả làm gì sất.
- Thế anh không thấy buồn à?
- Buồn? - Tín ngẩng đầu ra đằng sau, như nghĩ ngợi - Buồn thì cũng có buồn. Anh tính ở chỗ nhà quê này thì có gì vui. Hết ăn rồi lại ngủ. - Tín chép miệng, thêm - Giá tôi được ở Hà Nội như anh thì thích.
- Anh nói có lẽ.
Trường yên lặng. Tín không hiểu câu hỏi của chàng. Trường nhìn Tín một lần nữa, tự hỏi sao anh ta không thấy cái vô dụng của đời anh ta, không áy náy mảy may vì không làm gì trong khi chung quanh, ai nấy cũng có công việc. Nhưng Trường chợt nghĩ đến ông Cả, chẳng phải ông đã làm gương cho cậu con sao? Chàng nhận ra trong xã hội có nhiều gia đình mà người đàn ông không làm gì, bao nhiêu công việc về phần đàn bà phải gánh vác.
Câu chuyện ông Cả bàn với mấy người khách đang đến chỗ kịch liệt thì phải, vì Trường thấy ông đã to tiếng, và đã tắt cái đóm châm hút thuốc lào đến ba lần. Để mặc Tín yên lặng ngồi bên. Trường lắng tai nghe. Họ đang bàn về việc sửa soạn rước mã cho hàng phố. Người ngồi trước mặt ông Cả, mà Trường nhận ra là ông chủ ty rượu An Lâm, thì muốn cho cuộc rước giản dị, gọi là đủ lệ thôi. Ý kiến ấy không được ông Cả và hai người nữa ngồi cạnh ông tán thành. Người đứng tuổi ở bên trái, đập cái quạt xuống giường nói:
- Ông chủ ty bàn thế thì tôi không phục chút nào cả. Đã không làm thì thôi, chứ đã làm thì rước phải cho ra rước. Luộm thuộm chả bõ người ta cười cho.
Ông Cả thêm:
- Phải, từ khi hàng phố ta biệt lập ra chưa làm cái gì. Bây giờ phải rước thật long trọng để làng họ phải sợ.
Phố An Lâm trước vẫn nhập sát vào làng sở tại ở đó. Đầu năm nay ông Cả và vài người tai mắt trong phố, tìm cách làm cho phố biệt lập cách hẳn làng ra, và phải có một Hội đồng riêng mới trông coi được. Họ ao ước như vậy để được một chân trong Hội đồng ấy, và sẽ thu lợi về số thuế chợ và thuế nhà trong phố, một số tiền lớn. Vì việc này, bên làng và bên phố đã kiện nhau mãi, rút cục bên hàng phố được nhờ thế lực ông Cả, vì ông này có người em vợ ở tỉnh làm thư ký riêng cho quan tuần.
Người ngồi bên phải để búi tóc, mặc chiếc áo lương mới, từ nãy vẫn im lặng, bây giờ thong thả cất tiếng:
- Ông Cả và ông Lâm bàn phải. Không những để làng họ sợ, mà còn để quan trên trông xuống biết hàng phố ta làm được việc nữa.
Giọng ông nói dõng dạc và bệ vệ, tỏ ra người có chức việc hệ trọng. Trường hỏi Tín mới biết chính là ông trưởng phố An Lâm.
Thấy chỉ có một mình riêng một ý kiến, ông chủ ty rượu hết sức biện thuyết:
- Tôi tưởng cuộc rước cứ đủ lễ voi, ngựa cũng đã long trọng chán. Từ đền ra chợ chỉ có một quãng ngắn không. Với lại...
Người trưởng phố ngắt:
- Ông này thật không nghĩ xa.
- Để yên tôi nói - ông chủ ty rượu tiếp - Với lại hàng phố ta có phải hà tiện tiền mà không làm được cái rước long trọng đâu! Ta cũng tiêu từng ấy tiền nhưng cái lễ mã thì làm giản dị, còn cái lễ thần thì làm rất trọng thể. Từ ngày phố biệt lập ta chưa cho đàn em chúng nó hưởng cái ân huệ gì.
Trường vẫn cứ lặng ngồi nghe, ngạc nhiên một cách chán nản. Tất cả công việc và cuộc đời của bọn người này là thế ư? Chàng vẫn biết ông bác và cả gia đình họ ngoại của chàng, chỉ là những kẻ giầu có, nhờ thế lực của tiền để bóc lột dân quê. Nhưng chàng cũng không thể ngờ rằng những hành vi và tư tưởng của họ lại vô vị và trẻ con như vậy. Sự bất công rõ rệt khiến Trường tức bực đến đau đớn; trong khi các con cái những nhà này có đủ điều kiện ăn chơi hoang phí và làm những việc không đâu, thì nhà chàng, và tất cả những người nghèo khổ chung quanh vùng phải chật vật khó nhọc mới đủ nuôi con ăn học. Trường quay lại Tín: người em họ hàng của chàng đã ngửa đầu lên thành ghế mắt lim dim như muốn ngủ. Nét mặt nặng nề và cục mịch chứng tỏ một tâm trí tối tăm và đầy vật dục.
Lúc ông Lâm và người trưởng phố đứng dậy ra về, ông Cả mới để ý đến Trường.
- Cháu lại đây. Thế nào, bao giờ thì vào cao đẳng? Định học ban nào?
Trường khó chịu: lại câu hỏi đã nghe không biết bao lần! Tự nhiên chàng trả lời:
- Thưa bác, ban luật.
- Cháu nghĩ phải. Bây giờ chỉ học luật là có giá trị. Rồi quay về phía ông chủ ty, ông Cả có ý khoe khoang, giới thiệu:
- Cháu Trường đấy, ông Huy có biết không. Mới đỗ bằng thành chung kỳ vừa rồi, nay sắp vào cao đẳng.
Trước vẻ mặt ngơ ngác của ông Huy, ông Cả nói thêm:
- Trường, con thím tôi đấy mà.
- À!
Ông Huy đáp xong nhìn Trường một cái rất nhanh, rồi ông lại tiếp tục câu chuyện bàn dở.
- Vậy thì cứ như ta đã nói, phải hai ngựa, hai voi với nhiều cờ quạt mới đủ...
Trường hơi mỉm cười. Trong cái nhìn của ông Huy chàng nhận thấy rõ rệt rằng ông ta cho chàng là trẻ con, không đáng để ý đến. Ông Huy nhìn chàng như nhìn một người không có thể hiểu được câu chuyện quan trọng ông đang bàn. Trường chua chát nghĩ đến cái quan trọng ấy và tự hỏi sao lại có người có thể vẽ ra những chuyện vô ích và nhảm nhí như rước mã được. Trong phố An Lâm còn bao nhiêu việc đáng làm. Lập thêm trường học, đào giếng, thắp đèn cho sáng, những công việc giúp cho cuộc sống của mọi người sao không làm? Chàng thấy trong óc dồi dào bao nhiêu ý nghĩ. Nhưng Trường hiểu rằng nếu mình đem những ý kiến ra tỏ bày, ông Huy và ông Cả sẽ cho là chuyện trẻ con. Với lại, họ sẽ cho rằng chàng còn trẻ quá, chưa có địa vị gì và chưa đến cái tuổi nói cho người khác nghe.
Trường buồn rầu đứng dậy chào ông Cả ra về. Chàng muốn rời bỏ nhanh chóng cái hoàn cảnh không hợp với ý nghĩ và tâm hồn chàng. Qua nhà ngoài, bà Cả đang bận bán hàng cho khách, cũng vội ngẩng lên mời với:
- Cậu Trường hãy ở chơi ăn cơm đã.
Trường làm như không nghe thấy, rảo bước ra không ngoảnh lại. Tiếng ồn ào của chợ đã đông bao bọc lấy chàng. Trường thấy chung quanh mình những người nhà quê giản dị và mộc mạc, nói chuyện một cách rất vui vẻ, thực thà; chàng thấy đối với họ gần gũi và thân mật hơn.
Thạch Lam Tuyển Tập Thạch Lam Tuyển Tập - Thạch Lam Thạch Lam Tuyển Tập