Bạn không thể tạo dựng thanh thế bằng những gì bạn SẼ làm.

Henry Ford

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 61
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1965 / 44
Cập nhật: 2015-11-20 23:45:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 36
iệm trà cà phê của bà Thanh Tuyến đã mở trở lại sau một tuần đóng cửa. Quỳnh Trang và mẹ trở về công việc hàng ngày. Trong nhà chỉ có Ngữ và ông Thanh Tuyến không biết làm gì cho hết ngày, hết đi vô đi ra nhìn đồng hồ lại xách xe đi lang thang. Hễ ông Thanh Tuyến đi đâu thì Ngữ phải ở nhà, và ngược lại. Tường đã lấy chiếc Honda của cha, trong nhà chỉ còn lại chiếc xe gắn máy của Quỳnh Trang.
Không khí gia đình không được còn êm ả như mấy ngày đầu tháng năm. Giữa Tường và Ngữ, hai người bạn cũ vẫn cố né tránh những vấn đề gai góc, lựa lời mà nói để khỏi đụng chạm nhau. Dù là rể, lại ở ngay trong nhà, Ngữ vẫn bị coi như khách. Có những lúc ông bà Thanh Tuyến và Trang xầm xì bàn tán với nhau, thấy Ngữ tới gần họ bàn sang chuyện khác hoặc im lặng không nói nữa. Nhiều hôm đi đâu về bất ngờ Ngữ nghe có tiếng đàn ông cãi vã nhau kịch liệt. Ngữ vào nhà, ông Thanh Tuyến và Tường lại im. Bà Thanh Tuyến buồn khổ ra mặt nhưng không muốn cho Ngữ thấy mình khóc. Ngữ chờ lúc chỉ có hai vợ chồng tra hỏi Quỳnh Trang, nàng chối quanh, hoặc chỉ đáp lửng lơ cho qua. Ngữ khó chịu vì cách đối xử đó, càng có mặc cảm về chuyện ăn không ngồi rồi của mình.
Ngữ biết từ hôm Tường về nhà, giữa cha con ông Thanh Tuyến có quá nhiều chuyện bất đồng xích mích. Chi tiết ra sao Ngữ chỉ biết nội dung lần đầu do Quỳnh Trang kể lại. Những lần sau bà Thanh Tuyến dặn dò sao đó, Quỳnh Trang chỉ nói đại khái:
- Thầy với anh Tường lại giận nhau vì mấy cái băng nhạc…
- Anh Tường hỏi vụ thầu rác ở Đà nẵng làm thầy la toáng lên…
- Ấy, chỉ tại thầy nhắc vụ Mậu Thân mà sinh chuyện…
Ngữ chỉ có mỗi công việc là tắm rửa cho con, dẫn con đi chơi, xếp đặt lại những thùng trà, buộc dây cho những gói cà phê rang sẵn để giao cho các hiệu cà phê… Thiếu tự tin, mặc cảm vô tích sự ăn bám, Ngữ đi vào đi ra lóm thóm, một cái nhíu mày hay một lời xì xầm của bà Thanh Tuyến cũng làm cho Ngữ áy náy.
Theo lẽ thường mỗi lần ông Thanh Tuyến có chuyện không vui, ông đều tâm sự với rể. Lâu lâu ông vẫn thường nhắc lại cái thời ông bị liệt nằm một chỗ cả ngày chỉ chờ Ngữ đến để thổ lộ hết những gì ông nghĩ lúc nằm một mình. Khi đi lại được, trở lại lao vào kinh doanh, ông không cần Ngữ nữa. Đáng lẽ thời thế thay đổi làm tiêu tan một phần cơ nghiệp ông, ông phải tìm tới Ngữ như các lần trước. Không. Ông đăm chiêu cả ngày, tách biệt một cõi, không tỏ dấu hiệu nào cho Ngữ dễ gần với ông.
Một lần về nhà Ngữ thấy Quỳnh Trang đứng ở cửa đợi, Ngữ lo lắng chưa kịp hỏi vợ, Quỳnh Trang đã cáu kỉnh hỏi:
- Anh đi đâu để thầy đợi lấy cái xe cả buổi.
- Thầy có dặn anh đem xe về đâu? Thầy đâu rồi?
- Thầy phải đi gấp chứ chờ anh về à!
- Chuyện gì thế?
Quỳnh Trang dẫn chồng ra đường, đi xa hiệu trà một đoạn, mới nói:
- Anh Tường không dám nói thẳng với thầy, chỉ nói với me rồi tự tiện chở cả hệ thống âm thanh lên cơ quan cho họ xài, thầy về thấy nhà trống trơn la toáng lên.
- Sao me không nói cho thầy biết.
- Thầy hỏi, me mới nói. Thầy bảo hồi trước ảnh về nhà lấy chiếc Vespa chạy đi tranh đấu tranh điếc, bây giờ cũng về lấy mất của thầy chiếc Honda đi lo chuyện Nhà nước. Thầy hỏi có phải nó đem đồ dơ về cho me giặt không, nó mang đồ ăn với cà phê vào cho cán bộ xài không, me không dám gật. Cũng may là em với me không kể hết những câu ảnh nói lúc vắng thầy.
- Tường nói những gì?
- Thôi, anh không nên biết.
- Nhưng thầy đi đâu vậy?
- Thầy đi đòi lại giàn máy.
Ngữ nói đùa:
- Không khéo thầy lên trên đó không gặp Tường, mà gặp mấy cán bộ khác, họ lại còn kết tội thầy sản xuất văn hóa phẩm phản động nữa là khác, đừng hòng đòi lại tang vật.
Quỳnh Trang vội nói:
- Ấy, anh Tường cũng nói như thế với me.
- Nói lúc nào?
- Lúc ảnh đem máy đi. Me nói giàn máy ghi âm với loa là phần chia của thầy, ảnh muốn đem lên trên Thành đoàn phải chờ thầy về hỏi đã. Ảnh nói thầy ngoan cố, bây giờ không ủng hộ giàn máy sau này sẽ gặp khó khăn với cơ quan văn hóa thông tin. Ảnh nói ai cũng biết thầy chuyên sản xuất nhạc phản động đồi trụy.
Ngữ cười, tự thấy mình vui một cách rất tiểu nhân:
- Như vậy là hai phe ta địch đụng độ lớn rồi. Em đoán thử ai thắng.
Quỳnh Trang nói:
- Em cho không ai thắng cả. Cả thầy với anh Tường đều thua. Em chỉ mong nhà không có xào xáo. Khổ ghê! Anh!
- Cái gì?
- Em cấm anh không được sinh chuyện với anh Tường.
Ngữ thấy đây là cơ hội tốt, vội nói với vợ:
- Anh thấy sống chung với thầy me thế này không ổn. Anh… Anh…
- Em biết, em biết. Anh Tường không về đã không ổn rồi, huống chi… chờ ít lâu xem ra sao, vợ chồng mình phải dọn ra ở riêng. Hồi lên Pleiku, em đã nói với anh rồi.
- Hay anh tìm việc gì làm để kiếm tiền, như thằng Lãng.
Quỳnh Trang cảm động, rơm rớm nước mắt:
- Lãng nó xông xáo, anh không làm được đâu. Em không muốn thấy anh khổ.
- Hay anh theo con Quế buôn bán thứ gì đó!
Quỳnh Trang bật cười:
- Cái tướng anh mà đi buôn! Nói cái gì không thật một chút, mặt anh đã đỏ lên, nói năng lúng búng. Với lại cũng dễ gặp rắc rối nữa. Mấy ngày nay bộ đội ưa bắn ẩu, mấy thằng nhóc móc túi ở chợ Bến Thành mà cũng bị bắn vỡ sọ, em nghe lạnh cả xương sống. Anh đứng xớ rớ ở chỗ đông người coi chừng đạn lạc.
- Mình buôn bán lương thiện có gì mà sợ.
- Anh định buôn bán thứ gì mà lương thiện?
Ngữ đáp liều:
- Như bán đồng hồ bút máy cho bộ đội chẳng hạn.
- Thôi anh ơi! tụi lưu manh bán đồng hồ giả cho bộ đội, tụi nó đã nổi cáu lại có súng, anh cầm đồng hồ tụi nó tưởng anh cùng một bọn đánh lừa…
- Hay là đi bán sách cũ như tụi bạn…
- A, bán sách cũ còn nguy hơn nữa. Anh Tường đã nói anh viết sách phản động, bây giờ thêm cái tội ngoan cố lưu hành sách phản động.
- Vậy thì anh làm gì bây giờ?
Trông nét mặt nhăn nhó của chồng, Quỳnh Trang thương hại, nói với Ngữ mà như đang dỗ thằng Bình:
- Anh đừng nóng ruột. Em còn lo cho anh được mà! Rán nhẫn nhục ít lâu nữa thôi, anh!
° ° °
Vâng, thì rán nhẫn nhục. Cảm giác bất lực cứ đè nặng lên Ngữ. Quỳnh Trang thấy chồng khổ tâm, chẳng những không ngăn cản như trước mà còn khuyến khích Ngữ nên lấy chiếc xe của mình đi đó đi đây cho khuây khỏa. Nàng không muốn Ngữ chứng kiến cảnh cha và anh cãi nhau, lạnh nhạt nhau, ngồi cùng mâm cơm mà làm như không thấy nhau, nói chuyện gì cũng phải qua trung gian của bà Thanh Tuyến.
Như Ngữ đã đoán đúng, ông Thanh Tuyến không đòi được giàn máy về. Tường bận xuống Khánh hội giúp thành lập bộ phận đầu não của Quận đoàn Thanh niên quận 4, ông Thanh Tuyến tới hỏi thì người nầy bảo gặp người kia, người kia lại bảo nên “liên hệ” với người nọ. Gặp được đúng người đang sử dụng giàn máy, thì anh này cho biết cái máy không sử dụng được. Ông xót xa nhìn những máy móc đắt tiền tinh vi bị bỏ lăn lóc bừa bãi, thử kiểm soát lại thì hỡi ôi, thay vì dùng điện 110 volt, người dùng máy đã cắm vào ổ điện 220 volt, cầu chì bị cháy tiêu, khổ nỗi loại cầu chì đặc biệt này tìm không phải dễ.
Tối hôm đó, cha con cãi nhau một trận kịch liệt, Tường tức lắm, chưa dám nói với cha những điều đã phàn nàn với mẹ và Quỳnh Trang, nhưng sáng hôm sau mọi sự tự nhiên được giải quyết vì có lệnh của Ủy ban Quân quản thành phố bắt buộc tất cả các nhà in, nhà xuất bản, nhà sách, nhà phát hành và sản xuất băng nhạc phải kê khai tất cả dụng cụ máy móc, cùng sách báo, văn hóa phẩm còn tồn kho. Ông Thanh Tuyến không dại dột gì mà đứng ra nhận làm chủ nhân của trung tâm sản xuất băng nhạc (người đứng tên làm chủ là vợ chồng Diễm) để phải khai báo lôi thôi. Nếu cứ chiếu theo hồ sơ thì người chịu trách nhiệm ra khai báo là Diễm. Ông tức mình vì mất tiêu giàn máy, mà không kêu ca gì được.
Tường được thể, nói với bà Thanh Tuyến mà cốt để cho cha nghe:
- Me nói với thầy đem nộp cái đống băng nhạc phản động ấy đi, để trong nhà vài bữa nữa thanh niên phường họ mở chiến dịch càn quét văn hóa đồi trụy phản động chỉ thêm phiền.
Bà Thanh Tuyến sợ, không cần hỏi ý kiến chồng, sáng sớm hôm sau tự mình khuân mấy thùng băng đem vất vào đống rác gần chợ cá Trần Quốc Toản.
Ông Thanh Tuyến thấy căn phòng tự nhiên trống trải hẳn, ngạc nhiên hỏi vợ. Bà cho ông biết tin buồn. Ông la toáng lên:
- Bà điên chưa? Dưới phố Lê Lợi người ta bày sách cũ với băng nhạc ra bán đầy lề đường, cả dân Sài gòn lẫn tụi bộ đội chen nhau mua, bà đem đi đổ? Bà vất ở đâu? Trời ơi! Con với cái! Nó đâu?
- Nó đi làm rồi!
- Tôi hỏi bà đem vất mấy cái thùng băng của tôi ở đâu?
- Ở đống rác chợ Cá ấy. Ông có muốn lôi thôi ra đó mà “móc” về.
Ông Thanh Tuyến chạy ra chỗ đống rác to tướng trên đường Trần Quốc Toản. Những người sống bằng đống rác nầy đã nhanh chân hơn ông. Ông đoan quyết thế nào mấy thùng băng của ông cũng đã xuống tới chợ trời băng nhạc trên Sài gòn. Ông chạy xe gắn máy xuống đường Lê Lợi. Quả nhiên đống băng của ông đã bày bán ở đấy. Giận vợ con tràn hông, ông chạy về nhà dạy cho bà vợ một bài học khôn. Một lần nữa chính ông phải học bài học khôn: những toán thanh niên đã kéo tới từng nhà trên đường Lý Thái tổ tịch thu tất cả sách báo băng nhạc dĩa hát cũ chở đầy xe ba gác, đổ đống cao ngộn trước trụ sở phường, sẵn sàng làm lễ hỏa thiêu để mở màn cho chiến dịch truy quét tận gốc “tàn dư độc hại của văn hóa Mỹ Ngụy”.
Ông Thanh Tuyến hoang mang chẳng hiểu gì cả: tại sao trên phố Sài gòn người ta bày bán sách báo cũ, mà ở khu vực ông người ta chất đống đốt hết? Ở đâu làm đúng ở đâu sai? Ông không dám đoan quyết điều gì nữa, ông thu mình lại, cơn giận không nguôi nhưng vì không phát ra ngoài, nó quay lại tàn phá đầu óc ông. Chỉ trong vòng chưa đầy tuần lễ, đầu tóc ông bạc trắng, và dáng đi lọm khọm mệt mỏi như một cụ già.
° ° °
Ông Thanh Tuyến chán đời nằm lì trong phòng thì Ngữ lại được dùng chiếc xe gắn máy đi đây đi đó.
Chàng đến thăm nhà xuất bản đã liều lĩnh đứng ra in hai cuốn truyện của chàng, cuốn thứ nhất bán ế còn cuốn thứ hai mới phát hành thì Bình long mất, sau đó tình hình suy đồi nhanh chóng, sách gửi đi chắc đã thất lạc đâu đó làm mồi cho lửa. “Sự nghiệp” văn chương của Ngữ coi bộ cũng hẩm hiu, dang dở, xoàng xĩnh, phù phiếm như cuộc đời ba mươi lăm năm của chàng mà thôi. Cửa nhà xuất bản ở đường Nguyễn Thiện Thuật đóng im ỉm. Ngữ nghĩ: “Biết đâu sách của mình có bán ở chợ trời. Phải ra đó tìm mua vài cuốn giữ làm kỷ niệm”.
Ngữ ra chợ trời sách vở băng nhạc ở đường Lê Lợi. Chàng gặp hầu như đầy đủ các bạn văn lớp trẻ ở đó.
Vừa gửi xong chiếc Honda ở lề đường trước tiệm kem Mai Hương, Ngữ nghe có một giọng đàn ông Huế gọi tên mình:
- Ê Ngữ, sống sót về được đây hả?
Ngữ ngạc nhiên quay về phía có tiếng gọi. Trời! Ông bạn trẻ đồng hương chuyên viết những chuyện tình lãng mạn nhẹ nhàng, văn xuôi lời lẽ đơn giản mà chuyện đẹp như thơ. “Nhà văn” áo bỏ ngoài quần trông xốc xếch bụi đời đang ngồi chồm hổm sau đống sách cũ bày lộn xộn trên một tấm poncho. Ngữ mừng quá, chạy tới hỏi:
- Mày về tới đây lúc nào?
- Ngày 30. Quá giang xe bộ đội đàng hoàng nghe!
- Sách mày moi ở đâu ra bán vậy?
- Năm cha bảy mẹ đủ nguồn. Sách nhà của tao. Sách tao xin ở đàng nhà xuất bản. Không, xin trước khi có lệnh đăng ký, bây giờ ai dám cho. Ông V.P đi Mỹ tao lên nhà mót thêm được một cyclo sách nữa. Mày thấy không, lai rai bán cũng đủ cơm dĩa cầm hơi!
- Bán được không mày?
- Được. Mày còn thuốc lá không?
- Còn mấy điếu, mày lấy hết đi. Từ sáng tới giờ mày bán được mấy cuốn?
- Độ mười cuốn. Tụi bộ đội cũng chịu khó đi mua sách ngụy mày ơi!
- Thế à? Tụi nó mua thứ gì?
- Đủ thứ. Có thằng tìm mua sách chưởng. Có thằng không biết ất giáp gì hết, lật qua vài cuốn hỏi giá, thấy cuốn nào dày mà giá rẻ thì mua. Có thằng chắc là dân rành, hỏi mua sách theo tác giả. Hồi nãy có một thằng hỏi tao có được mấy cuốn của ông Võ Phiến. Tao trúng mánh. Nó mừng mà tao cũng mừng. Mày chờ chút, tao cuốn gói gửi sách đi nhậu với mày. À này, trên nhà mày có sách vở băng nhạc nhiều không?
- Tiếc quá, hôm qua bà già vợ tao sợ tụi thanh niên phường đi lục, khuân vất đi mấy thùng băng.
- Có phải băng nhạc trung tâm phát hành Diễm không? Hôm qua tao không có tiền, chỉ mua rẻ được có mười cuốn bán cái vèo đã hết. Thằng Đắc mua được cả thùng.
- Đắc nào? Đắc Quảng Nam làm thơ phải không?
- Chính nó. Nó bán chỗ kia kìa. Gần chiếu sách của bà Mai.
- Nó đâu? Ừ, đứng thằng Đắc. còn…ơ kìa, ai như chị Mai làm báo Tuổi Hồng!
- Bả chứ ai nữa! Đông lắm. Văn chương miền Nam bây giờ mới thực sự xuống đường, thực sự vác bị gậy đi ăn mày chứ không giả vờ như năm ngoái nữa. Mày muốn nhập làng chợ trời thì tìm sách xuống đây bán với tụi tao. Tao ở gần, ra sớm xí chỗ giùm mày.
Ngữ nhớ mục đích tìm ra chợ sách, nên hỏi bạn:
- Mày có bán cuốn nào của tao không?
- Để tao lục coi.
Anh bạn cúi xuống lấy bàn tay xốc đống sách lên tìm kiếm một hồi không thấy, chắt lưỡi tiếc rẻ:
- Bậy quá, tao có năm cuốn Lục Mạch Thần Kiếm mà lại thiếu mất cuốn hai, không đủ bộ.
Ngữ ngớ ra, hỏi:
- Mày kiếm sách của tao hay kiếm cuốn Lục Mạch Thần Kiếm?
- Kiếm sách của mày đấy chứ. Tao nhớ hai cuốn sách của mày mà. Một cuốn bìa màu rêu in chữ đen trông tối lắm, một cuốn có cái hình vằn vện gì của thằng Đức vẽ, chẳng ai hiểu nó muốn vẽ gì. Phải không?
- Phải. Tao có nhờ nhà xuất bản gửi tặng mày, mày nhận được không?
- Lên chùa mà nhận! Mày tới hỏi thằng Đắc chắc nó có sách của mày. Nó quen thân với thằng xuất bản hai cuốn sách của mày mà!
Tự nhiên Ngữ ngại thấy tác phẩm của mình bị bày bán rẻ rúng ở đây. Chàng vội nói:
- Thôi để lúc khác. Mày dẹp sách đi nhậu với tao đi. À, tao hỏi ngay để chốc nữa quên. Mày về đây ở đâu?
- Ở nhà anh Sơn. Mày rảnh tới đó chơi. Mấy ngày nay tụi văn nghệ ngoài Bắc ghé đó chơi đông lắm. Tao có gặp vài thằng.
- Ai thế?
- Có nói tên chắc mày cũng không biết đâu. Một thằng viết truyện ngắn. Nó có tặng anh Sơn một tập truyện, tao chưa có thì giờ mượn đọc. Thằng nữa làm thơ, nghe nói được giới trẻ ngoài Bắc thích lắm. Nó làm bài thơ được phổ nhạc, mấy ngày nay nghe hát hoài trên đài phát thanh và đài truyền hình. Bài “Trường Sơn đông, Trường Sơn tây” mày biết không?
Ngữ lắc đầu.
- Mày về tới đây ru rú trốn trong nhà phải không?
- Đâu có. Tao đi nhiều đấy chứ. Thôi dẹp hàng nhanh lên. Tao lại trả tiền lấy cái Honda chở mày đi tìm cái gì ăn.
Ngữ ăn nói mạnh dạn, vì hồi sáng vô tình giở ví ra tìm địa chỉ nhà xuất bản, chàng thấy Quỳnh Trang đã kín đáo nhét vào ví chồng hai tờ giấy bạc 500. Ngữ cảm động thương vợ mà cũng thương hại chính mình, cầm hai tờ bạc bồi hồi.
° ° °
Tuấn, ông bạn trẻ văn sĩ kiêm dân-chợ-trời-tập-sự đề nghị:
- Việc gì tụi mình phải phí tiền trả tiền nhậu? Chiều nay ở nhà anh Sơn có đãi mấy thằng làm văn nghệ ngoài Bắc tới thăm. Tụi nó mê nhạc của anh Sơn lắm, mấy ngày nay kéo tới cả đống.
Ngữ vội nói:
- Phải đấy. Tao cũng muốn gặp tụi nó xem sao cho biết.
Ngữ đề máy chiếc Honda. Tuấn đập lưng Ngữ nói:
- Mày chờ tao một chút. Đi mua bao thuốc lá. Mày còn tiền không?
- Vợ tao mới cho 1000. Mày cần hả?
- Cần đủ mua thuốc lá thôi. Tiền bán sách hôm nay bị con mụ lái sách nó lột hết trơn rồi.
Ngữ cười, hỏi
- Vậy mà lúc nãy mày rủ tao đi nhậu?
Tuấn đáp tự nhiên:
- Mạnh dạn vì biết tính mày cẩn thận, ra đường lúc nào cũng thủ tiền trong túi.
Nhà ông nhạc sĩ là một biệt thự sang trọng nằm yên tịnh bên một con đường lớn có nhiều bóng cây râm mát. Phòng khách bày biện mỹ thuật y như cách chưng bày quảng cáo trên tạp chí Home and Decoration. Lần đầu tiên đến đây nên Ngữ ngạc nhiên hỏi Tuấn:
- Bộ thằng Sơn bán nhạc nhiều tiền lắm hả?
Tuấn cười:
- Không đâu! Tất cả cơ nghiệp đều do tài thằng em của ảnh. Nó bằng tuổi tao mà lanh kinh khủng. Nó đòi được tiền tác quyền của anh Sơn ở trung tâm phát hành Diễm, là mày đủ biết. Con nhỏ đó chỉ lấn thiên hạ chứ thiên hạ đừng hòng lấn nó, thế mà…
Nghe Tuấn vô tình nhắc tới Diễm, Ngữ hồi hộp không nghe gì nữa. Lâu nay, Ngữ được nghe nhiều người nói về Diễm, nói tốt thì ít mà nói xấu với cái giọng ghen tức độc địa thì nhiều. Có người không biết Ngữ quen Diễm nên ba hoa kể những điều Ngữ cho là xuyên tạc, quá đáng. Nếu họ chỉ nói tới khả năng buôn bán kinh doanh của Diễm, Ngữ không ngạc nhiên. Nhiều người còn kể Diễm lăng nhăng hết ông này tới ông khác, phần lớn là những người có tên tuổi, có địa vị hoặc có tiền. Ngữ không tin những tin đồn loại đó, nhưng lòng vẫn đau. Ngữ muốn Diễm vĩnh viễn vẫn là cô gái Ngô dùng làm người mẫu trong bức tranh chàng xin về, bức tranh chàng không dám treo ở chỗ làm việc, mà cũng không dám đem về nhà, phải gửi nhà một người bạn quen. Mấy hôm nay Ngữ muốn tới thăm Diễm nhưng chưa có cơ hội tốt. Nam hỏi địa chỉ ở Quế và đã cho ông anh ngay tối tiệc đoàn tụ. Ngữ loáng thoáng nghe bạn nói:
- …Một nguồn nữa để kiếm sách là tìm hỏi ngay tụi phường đội. Sách tụi thanh niên đi tịch thu về, mình mua lại của tụi làm ở phường đội rẻ lắm. Càng ngày tao càng quen nghề, thấy sống được bằng nghề này.
- Tụi nó dám đem bán à?
Tuấn cười nhạo bạn:
- Mày thiệt thà quá làm sao sống với tụi nó. Ngoài mặt tụi nó làm như sách tụi mình viết là thuốc độc, nhạc tụi mình làm là thuốc phiện vậy. Nhưng chỉ tụi nó với nhau, thì khác à! Hôm qua tao đi mua sách ở phường đội trên quận 10 thấy tụi bộ đội chụm đầu quanh cái cassette nghe nhạc anh Sơn. À, chắc anh Sơn không còn ở đây lâu.
- Sao vậy? Sơn có kẹt vụ ngụy quân ngụy quyền gì đâu!
- Mấy thằng làm lớn ở Thông tin Văn hóa cũng là nhạc sĩ hồi trước học ở Sài gòn. Tụi nó ghen tài anh Sơn, bắn tiếng dọa là sẽ mở chiến dịch lên án nhạc anh Sơn. Lý luận vẫn cái thứ lý luận cũ mèm: ru ngủ thanh niên đô thị, làm nhụt tinh thần đấu tranh chống Mỹ Ngụy. Kẹt nhất là bài nhạc khóc cái chết của ông đại tá Lưu Kim Cương.
Đột nhiên, giọng Tuấn triết lý vụn môt cách bất thường:
- Lúc nào tụi bất tài cũng tìm một cái mộc nào đó để đánh lén những thằng bị chúng nó ganh ghét. Khổ một nỗi là dù núp sau tấm mộc nào, tụi nó cũng tự thấy mình bất tài, nên thù hận dài dài. Thế nào nay mai bọn đó cũng giương cờ cách mạng lên mà đâm chém anh em bằng thích.
Ngữ thấy bạn nói đúng, buồn rầu hỏi:
- Nhưng Sơn nó định đi đâu? Bạn bè mới ngoài Bắc vào đông như mày nói, nó sợ gì.
- Rừng nào cọp nấy mày ơi! Nghe nói ảnh sắp về Huế.
- Về Huế à? Điên chưa? Tụi ngoài đó còn dữ dằn hơn trong này nữa.
Ngữ nhớ lại vụ Mâu Thân. Tuấn nói:
- Có mấy tên làm văn nghệ chịu chơi lắm, không phải ngụy, cán bộ văn nghệ đàng hoàng, họ vào đây rủ anh Sơn ra Huế với họ. Một tay nhạc sĩ, một tay viết văn. Họ hứa che chở cho anh Sơn. Chắc ảnh bằng lòng về Huế. Ảnh đi, tao cũng kẹt.
- Sao vậy?
- Tao ở nhờ, ảnh đi, tao ở lại kỳ lắm. Bà già vốn đã không ưa cái tính bê bối của tao. Tính bả ưa cái gì cũng sang trọng, đài các.
° ° °
Trong phòng khách sang trọng, khách khứa Nam Bắc lẫn lộn chia làm hai nhóm: một nhóm hầu hết mặc quần áo bộ đội bu quanh cô ca sĩ Lan Thanh; nhóm kia hầu hết là dân miền Nam, tất cả ăn mặc “hợp thời” nghĩa là bỏ áo ra ngoài quần, sơ mi cụt tay và mang dép. Dấu vết còn lại của thời cũ là quần áo được ủi cẩn thận, không nhăn nhúm như quần áo mấy ông bộ đội.
Nhóm miền Nam đang bu quanh một người mặc quần áo bộ đội đã luống tuổi, tóc muối tiêu, thân thể khoẻ mạnh rắn chắc, đôi bàn tay to và gân guốc như bàn tay nông dân. Ngữ nhập bọn vào nhóm này. Sơn vừa giới thiệu Ngữ với mọi người thì người lớn tuổi đã nhanh nhẩu nói:
- Anh là Lê đình Ngữ đấy hả? Trước khi về đây tôi có đọc tập truyện “Dọc đường” của anh. Tập này in kỹ đấy chứ, không nhiều lỗi chính tả như tập trước. Nhưng tôi thích tập “Bên kia sông” hơn. Tại sao anh đặt chung cho toàn tập truyện ngắn đó là “Bên kia sông”. Mới đầu tôi nghĩ có lẽ anh dựa vào một câu hát của một anh bạn trẻ tiến bộ đô thị, câu “Bên kia sông là ánh mặt trời…” đó mà. Đọc cả tập, hóa ra tôi lầm. Anh chỉ dừng lại ở hiện thực phê phán. Thật tiếc!
Ngữ ngớ ra, không hiểu ông này làm cái gì mà đọc quá kỹ những truyện chàng viết, nhất là, Ngữ biết lắm, Ngữ biết mình chỉ là một cây bút mới, giá trị văn chương chưa có gì đáng nói, chưa tự tìm cho mình một bút pháp riêng, chưa biết rõ sở trường sở đoản của mình ở chỗ nào.
Sơn hiểu Ngữ thắc mắc, nên giải thích:
- Anh Ba Liệu trước cũng ở Huế, hiện làm việc ở Tuyên huấn Thành.
- Chắc ông…chắc anh có biết Tường?
- Biết chứ, chính tôi móc nối Tường mà. Hồi Mậu Thân tôi cũng về công tác với Tường. Tôi gặp cả Ngô bạn anh nữa. Quả đất tròn vo, anh Ngữ thấy không? Tôi đọc anh kỹ hơn những cây bút trẻ khác cũng vì Tường và Ngô nhắc tới anh luôn. Tôi cho đây là một trường hợp điển hình cần nghiên cứu.
Sau đó ông Ba Liệu nhận xét về những truyện Ngữ đã viết. Ngữ ngờ ngợ, nhớ hình như đã nghe những nhận xét y chang như vậy ở đâu rồi. Vẫn bấy nhiêu đó: cái truyện “Trước bảng đen” bị chê là không tích cực, từ tính phủ định đáng lẽ phải dẫn người đọc tới giác ngộ và hành động cụ thể thì lại đưa họ tới ngõ cụt, phần kết lại mang không khí hư vô rất nguy hiểm. Ông Ba Liệu nói nếu ông chủ biên số tạp chí “Làm Dân” đặc biệt về nền giáo dục vong bản, ông sẽ không cho đăng truyện ngắn “Trước bảng đen” của Ngữ, hoặc nếu đăng thì phải yêu cầu Ngữ sửa hẳn đoạn kết.
Truyện “Dọc đường” lại cũng bị chê là hư vô, không phân biệt được chính nghĩa và phi chính nghĩa, không có một chút ý thức nào về giai cấp. Hai người lính vô tình gặp nhau lúc đợi xe là những mẫu sống xa rời với thực tế tranh đấu gay go giữa giai cấp bóc lột và giai cấp bị bóc lột, giữa kẻ xâm lăng và người bị xâm lăng, giữa tiến bộ và phản động. Giọng Ba Liệu sang sảng:
- Anh Ngữ thử làm bản lý lịch của hai người lính trong truyện “Dọc đường” cho tôi coi. Tôi biết anh rất thích truyện này nên mới lấy tên truyện làm tên chung cho cả tập.
Ngữ lúng túng và khó chịu vì bị cả phòng khách quay nhìn mình, vì bị hạch hỏi như là học trò bị truy bài. Ngữ nói:
- Tôi chẳng cần quan tâm lý lịch họ ra sao. Lúc ấy tôi thấy cái gì ngồ ngộ nên viết thành truyện: một người lính trẻ sớm già vì chỉ mơ cưới được một bà vợ mập mạp biết buôn bán, còn một người lính già lại rất trẻ vì mơ khi chết đám tang có kèn trống inh ỏi rộn rịp. Vấn đề là câu hỏi: “Thế nào là nghĩa thực của cái sống, sự chết?”
Ông Ba Liệu nói lớn:
- Đó là những câu hỏi làm lạc hướng, Không cho người ta nhìn thẳng vào vấn đề trước mắt. Và đó là cái bệnh chung của anh em ở trong này. Cả anh Sơn cũng vậy. Anh em chúng tôi đã bàn là nếu được, anh em sẽ giúp đỡ anh Sơn để anh tự phân tích những độc tố trong lời nhạc của anh, trong điệu nhạc của anh. Về phần nhạc, các anh bên Viện Nghiên cứu Âm nhạc sẽ lo. Tôi dốt nhạc, chỉ nói tới phần lời ca. Tôi biết giới trẻ đô thị chịu ảnh hưởng anh Sơn rất nhiều, nên có lẽ anh Sơn nên tiếp tay với chúng tôi.
Anh nhạc sĩ cười gượng gạo, cố tỏ thiện chí:
- Vâng, làm cái gì được, tôi xin sẵn sàng.
Ba Liệu nói:
- Đây là cơ hội tốt để anh em vùng bị tạm chiếm nhìn lại, đánh giá lại toàn bộ những gì mình viết, để thấy đâu là sai đâu là đúng. Cách mạng rất cần văn nghệ sĩ. Văn nghệ sĩ luôn luôn là vốn quí của dân tộc, của Cách mạng. Tôi xin trở lại lời ca của anh Sơn. Tôi chưa nói tới lối dùng từ khó hiểu của anh. Tôi chỉ đề cập tới những lời ca người nghe hiểu được. Chẳng hạn “Xin mặt trời ngủ yên”. Sao lại cầu xin kỳ cục như vậy? Mặt Trời là Ánh Sáng, là Sự Sống. Về đường nét, Mặt Trời là đường thẳng, như mũi tên lao tới đích. Về màu sắc, Mặt Trời là Màu Đỏ Đấu Tranh. Về âm thanh, Mặt Trời là Tiếng-hô-xung-trận, Mặt Trời là Thép nếu là kim loại. Anh “Xin Mặt Trời ngủ yên”, thì đời vĩnh viễn là đêm, kẻ bị bóc lột vĩnh viễn nghèo đói, cơ hàn, đất nước vĩnh viễn quằn quại dưới gót giày xâm lược…
Ngữ nhân cơ hội đã có anh bạn nhạc sĩ thay thế vai nạn nhân, nhìn quanh tìm đường rút. Tuấn tới gần đưa cho Ngữ một dĩa thịt gà nấu cà ri kèm một khúc bánh mì, nói nhỏ với bạn:
- Nghe lão này chán không chịu được. Quảng Nam hay cãi có phải! Cũng may lão không biết mặt tao, tao cũng dặn anh Sơn đừng nói bút hiệu của tao cho lão biết, nếu không cũng bị dạy dỗ như mày. Lại đám đàng kia nghe hát thú hơn.
Hai người bạn bưng thức ăn tới gần đám bộ đội đang nghe nữ ca sĩ Lan Thanh hát bài Bà Mẹ Gio Linh của Phạm Duy. Đám bộ đội trẻ say sưa lắng tai nghe, tuy hôm đó cô ca sĩ bị cảm giọng khan hát không được điêu luyện như những lần lên sân khấu. Xong bài hát tiếng vỗ tay làm át cả lời thuyết pháp của ông tuyên huấn bên kia.
Một anh bộ đội tình nguyện ngâm thơ của mình để đáp lễ cô ca sĩ Sài gòn. Bài thơ khá dài, nội dung cũng ngợi ca tinh thần chiến đấu nhưng cách dùng chữ, cách dùng thi ảnh có nhiều sáng tạo độc đáo.
Tuấn khều vai Ngữ nói nhỏ:
- Tay nhà thơ hồi chiều tao nói với mày đấy. Thơ hắn in ra bán chạy lắm. Nhóm làm thơ trẻ tụi nó có vài đứa chơi được lắm. Tất cả đều trên dưới ba mươi như bọn mình. Có một trùng hợp cũng ngộ nghĩnh. Tụi nó vào Sài gòn, được cho căn nhà vắng chủ để ở thì lại đúng căn nhà của Lê Tất Điều. Không biết nhà ông Võ Phiến bây giờ ai ở.
- Con ông ấy còn ở lại mà.
Ông nhà thơ đã đọc xong bài thơ dài. Cô ca sĩ yêu cầu đọc cho cô nghe bài thơ “Trường sơn Đông Trường sơn Tây”, sau đó cô sẽ hát bài ca phổ bài thơ ấy. Ông nhà thơ sướng đỏ cả mặt, lại lấy giọng ngâm thơ lần nữa. Ngữ nghĩ thầm: “Lịch sử trớ trêu! Có bao giờ mình tưởng có ngày một cô ca sĩ học trường đầm lại biểu diễn thi-nhạc-giao-duyên với ông nhà thơ bộ đội này!”
Người bộ đội ngồi gần Ngữ gật đầu chào làm quen, nói nhỏ cho khỏi làm phiền các bạn hữu đang say sưa nghe lời hát:
- Lúc nãy thấy anh bị lên lớp, tôi thương quá! Tôi là Nhã, viết cho tờ Văn Nghệ Quân Đội.
Sẵn cảnh giác, Ngữ hỏi:
- Anh viết gì?
- Phê bình, lý luận lăng nhăng vậy mà.
Ngữ ngồi thẳng lưng, nghiêm mặt nói:
- Anh đừng lý luận nữa nhé!
Anh phê bình gia cách mạng cười:
- Anh đừng hãi. Rồi cũng sẽ quen thôi! Cái gì tiếp thu được thì tiếp thu. Để tôi tìm đọc anh, xem ông ấy nhận định có đúng không. Tôi nghĩ ông ấy kinh điển quá, không chú ý tới cái đặc thù của văn nghệ. Tôi vào đây tìm đọc cho biết sách vở miền Nam, kể cả sách vở của khối tư bản nữa. Không, tôi chỉ đọc được sách dịch ra tiếng Việt. Ngoài đó tôi học Nga ngữ. Theo anh tôi nên đọc cái gì trước.
- Loại nào?
- Trước hết là loại sách để có một cái nhìn tổng quát. Về đời sống. Về con người.
Ngữ nhìn kỹ khuôn mặt của Nhã để đo lường mức độ thành thực. Mặt Nhã đen sạm, lấm tấm trên má và trán có vài chấm rỗ không sâu lắm. Đôi mắt sáng thông minh, nhưng không giảo hoạt. Ngữ nói:
- Nếu anh muốn có một cái nhìn toàn diện về cuộc đời thì nên đọc một cuốn sách mỏng thôi, cuốn này đã được dịch sang tiếng Việt rồi, anh nhờ anh Tuấn tìm hộ cho. Tác giả là cặp vợ chồng Will & Ariel Durant, sử gia Mỹ. Tên cuốn sách là Bài Học Lịch Sử. Tôi rất thích cuốn này.
- Vâng, tôi sẽ tìm mua. Còn nếu muốn biết về con người?
- Nên tìm đọc cuốn Quyền Lực của Bertrand Russell, một triết gia người Anh.
- Anh nhắc lại hộ tên ông ta.
- Bertrand Russell.
- Phải cái ông triết gia tiến bộ lập tòa án xử đế quốc Mỹ không?
- Đấy đấy.
- Tôi đã đọc được một cuốn của ông ấy dịch sang tiếng Nga, nhưng không phải là cuốn anh nói. Còn về cách sống ở đời, về mối quan hệ giữa người với người?
Ngữ suy nghĩ một lúc rồi đáp:
- Chuyện này thì anh nên đọc sách một ông Tàu. Cuốn Một Quan Niệm Về Sống Đẹp của Lâm Ngữ Đường, do Nguyễn Hiến Lê dịch.
Anh bộ đội có vẻ tò mò thích thú, hỏi tiếp:
- Còn về sinh hoạt chúng ta đang say mê, về nghệ thuật?
Ngữ đáp ngay không do dự:
- Anh nên đọc Nam Hoa Kinh.
- Thế à? Ông Chế Lan Viên mê Nam Hoa Kinh lắm. Thơ ông ấy đều lấy hứng từ Nam Hoa Kinh. Anh thấy thơ Chế Lan Viên thế nào?
Ngữ trở lại cảnh giác, dè dặt nói:
- Tôi chưa đọc ông ấy nhiều. Trước đây khi các anh chưa vào, bạn bè có chuyền cho nhau đọc bài gì của ông ấy có câu “Tố quốc có bao giờ đẹp như thế này chăng?” Mới đây có đọc hai bài thơ dài ông ấy mới làm, bài “Ngày trọng đại” và “Thơ bổ xung”. Anh nói đúng, ông ấy lấy nhiều ý trong Nam Hoa Kinh.
Nhã cười, ánh mắt lộ vẻ lém lỉnh:
- Tôi nắm được cái “lá bùa” của tất cả thơ Chế Lan Viên rồi. Ông ấy khai thác tận cùng ý tưởng “cái cực lớn và cái cực nhỏ” của Trang Tử. Chỉ khác là Chế Lan Viên làm ngược lại: cái cực lớn trở thành cực nhỏ, cái vặt như hạt bụi lại phóng to thành mặt trời. Nhưng phải nhận là ông ấy có tài.
Ngữ nhìn đăm dăm vào mắt Nhã. Chịu! Ngữ không thể biết Nhã nói như vậy để thuận tai người miền Nam, hay nói thật.
Nhã nói thêm:
- Thế nào tôi cũng tìm thăm anh. Chỉ hỏi Tuấn là biết chỗ anh chứ gì?
- Vâng.
- Tôi đọc những sách anh chỉ dẫn, lần sau gặp nói chuyện chắc thú lắm. Chỗ tụi tôi ở, Tuấn biết.
- Các anh ở nhà Lê Tất Điều phải không?
- Không, nhóm của Duật ở chỗ đó, tôi thì ở tạm đằng tòa nhà lầu đường Công Lý. Khi nào rảnh, anh lại đó chơi. Toàn bọn trẻ nhau cả.
Tha Hương Tha Hương - Nguyễn Mộng Giác Tha Hương