That is a good book which is opened with expectation and closed with profit.

Amos Bronson Alcott

 
 
 
 
 
Tác giả: Carlo Collodi
Thể loại: Tuổi Học Trò
Nguyên tác: The Adventures Of Pinocchio
Upload bìa: Thang than tien
Số chương: 36
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 10863 / 283
Cập nhật: 2015-09-11 07:04:34 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 36 - Bích nô cô thoát lốt người gỗ để trở thành một đứa bé.
rong lúc Bích nô cô lội thật nhanh để vào bờ thì nó nhận thấy bố nó ngồi trên vai, một nửa chân thòng xuống nước đang run lẩy bẩy như lên cơn sốt.
- Bố run vì lạnh hay vì sợ thế bố?
- Có lẽ cả lạnh lẫn sợ cũng nên.
Nhưng Bích nô cô lại nghĩ rằng ông lão run vì sợ nên nó nói để ông được an lòng.
- Bố ơi! Hãy can đảm lên! Chỉ vài phút nữa là chúng ta đã đến bờ và thoát nạn rồi.
Ông lão hỏi:
- Cái bờ hạnh phúc của ta ở đâu nhỉ?
Lão đăm đăm nhìn ra xa như người thợ đang đưa kim ra để xâu mối chỉ.
- Bố đã nhìn khắp vùng nhưng chỉ thấy trời và nước mà thôi.
- Con thấy cả bờ biển nữa đó! Mắt con như mắt mèo, đêm ngày gì cũng thấy được cả.
Bích nô cô giã vờ vui vẻ, kỳ thật nó cũng đã bớt can đảm. Sức nó kém sút dần, hơi thở đã thấy hào hễn, nhọc nhằn. Sức nó không chịu đựng được nữa mà bờ thì hãy còn xa.
Nhưng còn chút hơi thở nào, nó vẫn cố lội. Rồi thì ngoẳnh đầu lại, nhìn Gia Bích, nói một giọng đứt quảng:
- Bố ơi! Giúp con với không con chết mất!
Khi hai bố con sắp chết đuối thì bỗng nghe một giọng như tiếng đàn sai bậc:
- Ở đây có ai sắp chết phải không?
- Tôi và bố tôi.
- Tôi nghe tiếng quen lắm. Phải bác là Bích nô cô không?
- Chính tôi. Còn bác?
- Tôi là Cá Thu, người bạn cùng chung hoạn nạn với bác trong ruột cá Nhám đây.
- Làm thế nào mà bác thoát thân được đấy?
- Tôi noi gương của bác. Chính bác đã đưa đường chỉ lối cho tôi đó! Và bác thoát xong thì tôi cũng thoát.
- Này bác Cá Thu ơi! Bác vừa đến kịp thời quá. Tôi xin bác nghĩ đến con cái của bác về sau mà cứu vớt chúng tôi, không thì chúng tôi chết mất.
- Rất vui lòng. Bác với cụ hãy nắm lấy đuôi tôi. Chỉ bốn phút là tôi sẽ đưa vào đến bờ.
Các em cũng thừa biết là Bích nô cô và Gia Bích nhận lời ngay lập tức. Nhưng đáng lẽ nắm lấy đuôi thì cả hai nhảy tót lên lưng cá mà ngồi.
Bích nô cô hỏi:
- Chúng tôi có nặng lắm không?
- Nặng à? Không hơn một cái hoa, tôi chỉ xem như hai vỏ nghêu trên lưng tôi mà thôi.
Vào đến bờ, Bích nô cô phải nhảy trước lên đất để đỡ bố nó nhảy theo sau. Nó quay lại phía Cá Thu nói một giọng cảm động:
- Bác đã cứu bố tôi và tôi, tôi không biết lấy lời gì để cảm tạ bác. Xin phép bác cho tôi ôm bác để tỏ lòng tri âm muôn đời.
Cá Thu đưa mồm ra khỏi mặt nước và Bích nô cô quỳ xuống đất, đặt một cái hôn âu yếm vào đó. Cử chỉ thân ái này, Cá Thu thật không ngờ đến, nên nó cảm động quá, và chỉ sợ tỏ ra là mình đã khóc như một đứa con nít, nên nó vội lặn xuống nước biến mất.
Trong lúc ấy trời bắt đầu rạng đông. Bích nô cô đưa tay ra dìu Gia Bích lúc bấy giờ hai chân đã kiệt quệ.
- Bố hãy dựa vào tay con rồi chúng ta cùng đi. Chúng ta hãy đi chầm chậm như kiến, lúc nào mệt mỏi chúng ta sẽ nghỉ lại bên vệ đường. Bích nô cô nói.
- Nhưng chúng ta đi đâu bây giờ?
- Đi tìm một cái nhà hay cái trại nào, may ra có kẻ làm phúc bố thí cho chúng ta một miếng bánh để qua cơn đói và một bó rơm để chúng ta nằm.
Đi chưa được trăm bước, hai bố con thấy hai cái mõm ghê tởm đang ngồi xin bên vệc đường. Đó là con Chồn và con Mèo, nhưng thật cũng khó lòng mà nhận được chúng.
Các em hãy tưởng tượng Mèo ta giả vờ mù, không giã mãi hóa thật. Con Chồn thì bị bệnh sài ăn đến nỗi cằn cỗi. Nó mất hẳn cả cái đuôi, vì trong lúc túng bấn nó đã phải buộc lòng bán cái đuôi tốt đẹp cho một gã bán hàng rong mua làm phủ phất.
Chồn nói giọng nghẹn ngào đầy nước mắt:
- Bích nô cô ơi! Hãy cứu giúp hai kẻ nghèo nàn tàn tật này.
Con Mèo lập lại:
- Hai kẻ tàn tật này.
- Đi cho rảnh! Đồ mặt mo! Thằng người gỗ đáp. Chúng bây chỉ lừa tao được một lần thôi, chứ đừng có mong đánh lừa tao lần nữa.
- Bích nô cô! hãy tin lời chúng tôi. Chúng tôi nói thật đấy, hiện chúng tôi nghèo lắm
- Nếu chúng bây nghèo thì đáng khiếp cho chúng bây. Ngạn ngữ đã nói:«Tham thì thâm! Cút đi cho rãnh.
- Hãy thương xót chúng tôi với! Chồn nói.
- Chúng tôi với. con Mèo lập lại.
- Ta kiếu từ đây, hai thằng mặt mo nhé. Chắc chúng bây nhớ câu ngạn ngữ:«Của thiên trả địa ».
- Đừng ruồng bỏ chúng tôi tội nghiệp, con Chồn nói:
- Tội nghiệp, con Mèo lập lại.
- Chúng tao đi nhé! Đồ mặt mo! Các ngươikhông nhớ câu: « Kẻ nào lấy cắp áo choàng của người đồng loại, thường đến lúc chết không có lấy áo cánh mà mặc?
Thế rồi Bích nô cô và Gia Bích lại lặng lẽ đi. Được trăm bước, cuối cùng con đường kiệt, có một túp lều tranh, bốn phía trát rơm, trên mái xây ngói và gạch.
Bích nô cô nói:
- Túp lều này chắc có người ở, chúng ta hãy đến gõ cửa xem thử.
Hai bố con Bích nô cô cùng đi đến và gõ cửa.
Từ trong nhà có tiếng nho nhỏ đưa ra:
- Ai đó?
- Hai cha con chúng tôi không có thức ăn, không nơi trú ẩn …
- Hãy quay cái chốt, cánh cửa sẽ mở ra ngay.
Bích nô cô quay chốt để mở mửa. Lúc vào nhà, nhìn quanh, nhìn quất, nó không thấy ai cả.
Bích nô cô ngạc nhiên hỏi:
- Chủ nhà đâu rồi nhỉ?
- Tôi đây.
Cả hai ngẩng đầu nhìn lên thì thấy con Dế Mèn biết nói đang đậu ở một chiếc đòn tay trên trần nhà.
Bích nô cô lễ phép chào:
- Ông bạn Dế Mèn thân mến ơi!
- Giờ ngươi gọi ta là Dế Mèn thân mến phải không? Thế ngươi có nhớ lúc ngươi đuổi ta ra khỏi nhà và ngươi ném cho ta một búa không?
- Ngươi nói chí lý lắm. Ngươi hãy tống cổ tôi đi. Ngươi cho tôi một nhát búa, nhưng ngươi hãy thương hại tình cảnh bố tôi với.
- Tôi thương hại cả bố lẫn con. Tôi chỉ nhắc lại để ngươi nhớ việc làm độc ác của ngươi đó thôi. Trên đời này bao giờ ở hiền cũng gặp lành cả?
- Ngươi nói có lý, hoàn toàn có lý. Tôi sẽ ghi nhớ bài học của ngươi. Nhưng ngươi nói cho tôi biết là ngươi làm thế nào để mua túp lều này đó.
- Một con dê thanh lịch có bộ lông màu xanh rất đẹp đã biếu cho tôi túp lều này hôm qua.
Bích nô cô hết sức nóng nảy muốn biết vội hỏi:
- Bây giờ con dê ấy đâu rồi?
- Tôi không rõ.
- Bao giờ con dê trở lại.
- Có lẻ không trở lại nữa. Nó đi từ đêm qua và xem bộ âu sầu lắm, và trong khi nó khóc chừng như có nói: « Tội nghiệp cho Bích nô cô chưa? Từ đây ta không còn trông thấy nó nữa. Trong giờ phút này Cá Nhám đã nuốt nó rồi.
- Dê nói như thế ư? Thế thì Mẹ ta rối chứ ai nữa? Chắc chắn bà Tiên thân mến của ta đó.
Bích nô cô khóc thét lên. Khóc xong, nó chùi nước mắt và sửa soạn giường rơm nho nhỏ cho bố Gia Bích nghỉ. Đoạn nó hỏi Dế Mèn biết nói:
- Biết kiếm đâu ra một cốc sữa cho bố tôi bây giờ?
- Cách đây ba bước, có một ông lão làm vườn tên Đặng Nô có nhiều bò cái lắm. Nếu ngươi cần dùng sữa cứ đến đấy mà xin.
Bích nô cô chạy tìm Đặng Nô, nhưng ông ta hỏi:
- Em muốn nhiều hay ít sữa?
- Một cốc đầy.
- Mỗi cốc giá một xu. Em đưa đây một xu ta bán cho.
- Tôi không có lấy một đồng tiền quèn nữa.
Bích nô cô đáp một giọng buồn rầu và tủi nhục.
- Mặc em. Nếu em không có một đồng tiền thì ta lại không có lấy một giọt sữa để cho em.
Bích nô cô thở dài. Lúc nó sắp sửa ra về thì Đặng Nô lại nói:
- Hãy đợi một chốc đã. Chúng ta có thể thương lượng với nhau như vầy: Em sẽ quay cái máy quay của ta nơi giếng.
- Máy quay là máy gì thế?
- Một thứ khí cụ bằng gỗ dùng để lấy nước dưới giếng lên mà tưới cho vườn rau.
- Để tôi quay thử.
- Cứ hễ em kéo lên một trăm gàu nước thì ta lại cho em một cốc sữa.
- Được.
Đặng Nô đem Thằng người gỗ vào trong vườn rau và tập cho nó biết cách quay để lấy nước.
Bích nô cô bắt đầu làm việc ngay, và mới kéo được một trăm gàu, mồ hôi nó đã ra như tắm. Nó chưa bao giờ bị nhọc đến thế.
- Từ trước đến nay, công việc này ta giao cho con lừa của ta, nhưng bây giờ nó sắp chết rồi.
Bích nô cô nói:
- Ông hãy đưa tôi vào cho tôi xem nó một chút?
- Được.
Lúc Bích nô cô vào chuồng lừa, nó thấy một con lừa bé nhỏ nằm trên đống rơm ra dáng mệt nhọc lắm.
Khi nhìn tận mặt con lừa này, nó cảm động tự nhủ:
- Ta đã từng trông thấy con lừa này đâu rồi nhỉ? Mặt nó đối với ta không có gì là lạ cả.
Cúi mình xuống Bích nô cô hỏi nhỏ vào tai lừa:
- Ngươi là ai?
Nghe hỏi thế, con lừa bé nhỏ mở cặp mắt yếu đuối sắp từ trần đáp lại bằng tiếng lừa:
- Tôi là Bạch lạp.
Rồi nó nhắm mắt lại mà thở hơi cuối cùng. Bích nô cô nói thầm:
- Tội nghiệp cho Bạch lạp. Nó lấy một nắm rơm chùi giọt nước mắt chảy xuống má.
- Đối với một con lừa không liên quan gì đến em, sao em lại cảm động đến thế?
- Ông biết không? nó vốn là bạn của tôi.
- Sao? Đặng Nô cất tiếng cười. Sao? Em có bạn học là giống lừa ư? Chắc là em học giỏi lắm?
Bích nô cô nghe nói mấy lời ấy, nó tũi nhục lắm nên không đáp, cầm lấy cốc sữa còn nóng hổi, chạy về túp lều của nó.
Từ ngày ấy trở đi, luôn trong năm tháng, mỗi buổi sớm mai mặt trời vừa hé rạng, nó đã trở dậy đi quay nước để kiếm cốc sữa cần thiết cho sức khoẻ mong manh của bố nó.
Nhận thấy công việc này vẫn chưa đủ, ít lâu về sau nó tập thêm cách lấy mây để đan thúng và giỏ. Nhờ cần kiệm, nên với số tiền kiếm được, cũng đủ chi tiêu các thứ cần dùng trong gia đình.
Ngoài ra, nó còn tự tay đóng một cái xe nho nhỏ xinh xắn để khi nào mát trời, nó đẩy bố nó đi đổi gió.
Buổi tối nó tập đọc, tập viết. Nó bỏ ra mấy đồng tiền để mua một quyển sách lớn đã mất bìa và mấy tờ mục lục để mà đọc.
Nó lại dùng cọng rơm chuốt nhọn như ngòi viết để tập viết. Vì không có mực và bình mực, nó ép trái dâu và trái anh đào lấy nước để thay thế.
Nhờ chăm chỉ làm việc và nhờ tài khéo léo, không những nó kiếm đủ tiền để mua các thứ cần dùng cho bố nó cứ luôn luôn đau yếu, nó còn để dành được bốn mươi xu để mua một cái áo mới.
Một buổi sáng sớm, nó nói với bố nó:
- Con ra chợ mua một cái áo bành tô, một cái mũ mới, một đôi giày. Lúc con trở về nhà – nó vừa nói vừa cười – con ăn mặc oai đến nỗi bố tưởng là một vị Đại vương nào.
Khi ra khỏi nhà nó vui vẻ chạy một mạch. Bỗng nhiên nó nghe ai gọi tên nó. Nó ngảnh lui thì thấy chị Ốc Sên đẹp đẽ từ trong hàng giậu ló đầu ra.
Ốc Sên nói:
- Ngươi biết ta à?
- Chừng như …
- Ngươi không nhớ con Ốc Sên này là thị tỳ của bà Tiên tóc xanh sao? Người không nhớ hôm ta đem đèn xuống để soi đường cho ngươi và ngươi thì có một chân mắc trong cửa sao?
- Tôi đều nhớ cả. Bích nô cô đáp. Nhưng chị Ốc Sên ơi! Bà Tiên ở đâu rồi chị? Bà thường nhớ đến tôi không? Bà có thương yêu tôi nữa không? Bà ở xa hay gần, tôi có thể đi thăm được không?
Bích nô cô hỏi luôn miệng không dứt, nhưng Ốc Sên vẫn cái lối điềm đạm ấy, thủng thẳng đáp:
- Bích nô cô ơi! Tội nghiệp quá! Bà Tiên đang đau, nằm ở bệnh viện.
- Ở bệnh viện?
- Bị không biết bao nhiêu nỗi đau khổ dồn dập nên bà phải lâm bệnh. Hiện bà không có lấy một đồng xu để mua bánh nữa.
- Thật thế ư. Chao ôi! Nghe chị nói mà tôi buồn quá. Tội nghiệp cho bà Tiên chưa? Tội cho bà chưa! Nếu tôi có được bạc vạn, tôi sẽ mang đến cho bà ngay. Nhưng tôi chỉ có bốn mươi xu thôi. Đây, bốn mươi xu đây. Thôi định đi mua một cái áo mới. Chị Ốc Sên, chị hãy cầm lấy mà đem về cho bà.
- Sao em không dùng để mua áo mới.
- Áo mới mà làm gì? Tôi còn muốn bán tất cả những thứ rách rưới đang mặc trong mình để giúp bà. Chị Ốc Sến, chị hãy đi mau lên! Hai ngày nữa chị hãy trở lại đây, tôi hy vọng sẽ đưa thêm cho chị ít xu nữa. Từ trước đến nay tôi làm việc để giúp bố tôi, bây giờ tôi lại làm việc thêm năm tiếng đồng hồ để giúp bà mẹ hiền của tôi. Thôi kiếu từ chị nhé! Tôi chờ chị, hai ngày nữa chĩ hãy trở lại nhé!
Ốc sên không còn cái lối chậm chạp thường ngày nữa, nó chạy vun vút như thằn lằn gặp ngày nắng lớn..
Bích nô cô trở về nhà thì bố nó hỏi:
- Áo mới của con đâu rồi?
- Con kiếm không có chiếc nào mặc vừa cả. Thôi để lúc khác vậy.
Từ hôm đó, đáng lẽ Bích nô cô thức đến mười giờ thì nó thức đến nửa đêm. Đáng lẽ làm tám chiếc giỏ mây thì nó làm ra mười sáu chiếc. Thế rồi nó mới đi nằm ngủ.
Trong giấc ngủ, nó mơ thấy bà Tiên xinh đẹp và tươi cười. Sau khi hôn nó, bà bảo:
- Bích nô cô! Con giỏi lắm. Nhờ tấm lòng tốt của con, nên ta tha thứ tất cả các tội lỗi của con đã làm từ trước đến nay. Những đứa trẻ nào tận tâm giúp đỡ cha mẹ trong cơn nghèo nàn bệnh tật, thì dù không treo gương sáng về đức hạnh đi nữa, cũng rất đáng khen và đáng mến. Từ nay con nên thận trọng và con sẽ được sung sướng.
Khi giấc mơ tan, Bích nô cô tỉnh giấc và mở lớn cặp mắt.
Nó rất đổi ngạc nhiên khi nhận thấy nó không còn là một Thằng người gỗ nữa, mà đã biến thành một đứa trẻ nhỏ như bao nhiêu đứa trẻ khác.
Nó nhìn quanh mình một lượt. Nó không thấy bốn bức tường rơm của túp lều nữa, mà một gian phòng xinh xắn, trang hoàng một cách đơn sơ nhưng thanh nhã.
Nhảy trên giường xuống đất, nó thấy ngay một bộ quần áo mới, một cái mũ nồi, một đôi giày ống rất vừa vặn.
Khi mặc xong bộ quần áo mới vào, lẽ tất nhiên nó thọc tay vào túi, lấy ra một cái « ví » bằng ngà, ở trên có ghi mấy chữ:
« Bà Tiên tóc xanh trả lại cho Bích nô cô thân yêu bốn chục đồng xu nó đã cho bà, và có lời cảm ơn tấm lòng tốt của nó.»
Nó mở ví ra, đáng lẽ bốn chục đồng xu, thì nó lại thấy lấp lánh bốn chục đồng tiền vàng còn mới nguyên.
Lúc nhìn vào gương, nó chỉ tưởng là một đứa trẻ nào khác. Không phải là hình ảnh một con người gỗ đã hiện trong gương, mà một đứa bé nhanh nhẹn, thông minh, tóc hoe hoe, mắt xanh, bộ tịch vui vẻ hớn hở.
Bỗng nhiên nó cất tiếng gọi:
- Bố ơi, bố ở đâu thế bố?
Nó đi vào phòng bên cạnh, thì thấy Gia Bích khỏe mạnh và vui vẻ như ngày xưa, và đang trở lại nghề chạm trổ như ngày trước.
Lão đang vẽ một cái mái hiên nhà có tô điểm hoa lá và đầu con thú vật.
- Bố ơi! Con thật muốn biết vì sao có những sự thay đổi lạ lùng như thế này?
- Việc thay đổi lạ lùng trong nhà chúng ta đều hoàn toàn nhờ công lao của con mà ra cả. Gia Bích trả lời với nó như thế?
- Sao lại nhờ công lao của con?
- Vì những đứa trẻ, đang xấu thành tốt, đều có quyền lực thay đổi quang cảnh trong gia đình hóa ra vui vẻ, mới mẻ hẳn lên.
- Cái lốt Thằng người gỗ Bích nô cô trốn đâu rồi hở bố?
- Nó đây.
Gia Bích đưa ra một con người gỗ, đặt nó dựa lưng vào ghế, đầu nghiêng về một bên, hai tay buông xuôi chân tuy còng kẻo nhưng vẫn còn đứng được.
Bích nô cô nhìn Thằng người gỗ trong chốc lát, lòng thỏa thích, nó tự bảo:
- Lúc mình đang còn là Thằng người gỗ rõ thật lố bịch quá! Nay mình được hóa thành đứa trẻ, thật hạnh phúc cho mình biết bao!
Những Cuộc Phiêu Lưu Của Pinocchio Những Cuộc Phiêu Lưu Của Pinocchio - Carlo Collodi Những Cuộc Phiêu Lưu Của Pinocchio